HOME

THÁNG MƯỜI

 

5-10 : Chân phước Rây-mun-đô Capua, Linh mục

6-10 : Chân phước Ba-tô-lô-mê-ô Lơn-gô, Giáo dân

8-10 : Chân phước Am-rô-xi-ô Xi-ê-na, Linh mục

8-10 : Chân phước Mát-Thêu Ca-re-ri, Linh mục

9-10 : Thánh Lu-i Bê-tran, Linh mục 

11-10 : Chân phước Gia-cô-bê Hum, Tu sĩ

13-10 : Chân phước Mác-đa-la Pa-na-xi-ê-ri, Trinh nữ

21-10 : Chân phước Phê-rô Cát-ten-lô, Linh mục

25-10 : Chân phước Phê-rô Giê-rê-mi-a, Linh mục

26-10 : Chân phước Ða-mi-en  Phi-na-le Linh mục

27-10 : Chân phước Ba-tô-lô-mê-ô Vi-xen-xê, Giám mục

30-10 : Chân phước Biêng-vơ-nuy Bô-gia-ni, Trinh nữ

 

Ngày 5 tháng 10
CHÂN PHƯỚC RÂY-MUN-ÐÔ CA-PUA
Linh mục (+1399)

Tiểu sử
Chúng ta biết được chân phước Rây-mun-đô là nhờ phần lớn những tin tức từ thánh Ca-ta-ri-na Xi-ê-na. Những cuộc liên lạc trao đổi giữa họ là nguồn thông tin xác thực nhất để chúng ta nhận biết tâm hồn và tính tình của cha Rây-mun-đô Ca-pua. Thế nhưng, sự nghiệp của cha không chỉ giới hạn trong những mối tương quan giữa cha với thánh nữ, mà còn được tỏ lộ qua những chức vụ đặc biệt ở trong Dòng.

Cha Rây-mun-đô chào đời ở Ca-pua quãng năm 1330 và gia nhập Dòng trước 20 tuổi. Sau khi mãn trường, cha nhận chức giáo sư ở Bô-lô-ni-a và Rô-ma, rồi làm linh hướng cho các nữ tu Ða Minh ở Môn-tê-pun-xi-a-nô. Tại đây, cha đã cho xuất bản cuốn tiểu sử thánh A-nê vào năm 1366. Chắc chắn vào thời kỳ này cha đã liên lạc với chị Ca-ta-ri-na.

Vào năm 1367, cha được bầu làm tu viện trưởng ở Mi-ne-vê và di chuyển đến miền Xi-ê-na năm 1370. Cha mau chóng trở thành người bạn tâm phúc và là người bảo vệ cho những lập trường của chị Ca-ta-ri-na. Ba năm sau, cha nhận chức giảng sư ở Phi-ren-xê. Tuy nhiên, tại Tổng hội diễn ra năm 1374, chị Ca-ta-ri-na được mời đến để được Dòng "xét xử" : chị đã gột rửa tất cả các tin đồn nhảm mà dư luận áp đặt giữa chị và cha Rây-mun-đô. Sau đó, Dòng đã chính thức công nhận "tất cả những quyền hạn chị có thể thi hành trong vai trò là thành viên của Dòng". Kể từ đó, cha Rây-mun-đô được chỉ định làm Giám đốc học vụ và Giáo sư Kinh thánh tại tu viện Xi-ê-na. Những liên lạc giữa chị Ca-ta-ri-na và cha Rây-mun-đô ngày càng mờ nhạt cho tới khi chị Ca-ta-ri-na qua đời. Vì chị Ca-ta-ri-na đã nhận cha Rây-mun đô làm linh hướng, nên chắc hẳn chị đã tiếp nhận được nhiều quan điểm thần học thông thái của cha, nhưng người ta không biết ai là "lãnh đạo" của ai. Từ sự lo ngại tự nhiên, đôi khi cha hướng dẫn chị Ca-ta-ri-na trong một cung cách rất dè dặt ; cha phải theo chị gần như hụt hơi trong những cuộc xuất thần huyền nhiệm của chị. Một buổi chiều nọ, khi chị Ca-ta-ri-na đang say sưa nói chuyện với cha thì cha ngủ gục, chị liền lay người dậy và nói : "Thật là lầm lẫn, giấc ngủ đã chiếm đoạt linh hồn của cha rồi ư ? Nếu con nói về Chúa, thì đó không phải là nói cho những bức tường, nhưng là nói cho cha !" Cũng như nhiều tu sĩ khác, cha Ca-pua đã được chị Ca-ta-ri-na huấn luyện cho cách săn sóc các bệnh nhân dịch hạch ở thành Xi-ê-na, quả thực, chính cha đã thú nhận rằng nếu không có chị dẫn dắt thì có lẽ sự dấn thân của cha nơi những bệnh nhân dịch hạch đã cướp mất sinh mạng của cha rồi.

Cùng hai tu sĩ khác, cha Rây-mun-đô đã đồng hành với chị Ca-ta-ri-na trong chuyến đi đầu tiên đến Pi-xa : đức giáo hoàng đã ủy thác cho họ tất cả quyền hành như các giám mục và các giám chức để tha thứ cho tất cả những ai nhờ sự khuyến khích của chị Ca-ta-ri-na mà quyết tâm xưng thú tội lỗi của mình. Chị đã cử cha Rây-mun-đô đi A-vi-nhông trước khi đích thân đến đó để khuyến khích đức Ghê-gô-ri-ô XI trở về giáo đô. Khi đức giáo hoàng về đến Rô-ma, chị đã nhờ cha Rây-mun-đô đứng ra hậu thuẫn cho đức thánh cha. Một lần nữa, cha Rây-mun-đô được tái cử làm tu viện trưởng tại Mi-ne-vê năm 1377. Họ cùng nhau xiết chặt hàng ngũ bên cạnh đức thánh cha U-ban-nô VI khi cuộc ly giáo lan rộng ; chị đã thuyết phục đức giáo hoàng cử cha Rây-mun-đô làm sứ giả đến với vua nước Pháp để can gián vua đừng xen vào cuộc ly giáo. Cha Rây-mun-đô ra đi, nhưng để tránh những cuộc bạo động từ phía quân đội của giáo hoàng ở A-vi-nhông nên cha đành phải lưu lại Giê-nét. Quả thực, cha không thích những cuộc mạo hiểm vô ích. Nghe biết chuyện này, chị Ca-ta-ri-na không thể kìm hãm nổi cơn giận : "Nếu cha không thể đứng thẳng để đi đến đó, thì xin cha hãy bò đến đó ; nếu cha không thể đến như một tu sĩ thì hãy đến như một khách hành hương ; nếu cha không có tiền, thì hãy xin cha cứ đi quyên góp. Bằng bất cứ cách nào, cha cần phải đến đó !" Thế nhưng, cha Rây-mun-đô vẫn ở lại Giê-nét, tại đây, cha đã rao giảng một cách hùng hồn để thu hút sự ủng hộ về phía đức thánh cha U-ban-nô VI.
Năm 1379, cha trở thành giám tỉnh tỉnh dòng Lom-bác-đi-a. Chị Ca-ta-ri-na viết cho người lá thư cuối cùng và qua đời ngày 29 tháng 4 năm sau. Mười ba ngày sau, tổng hội tuyên bố bãi chức bề trên tổng quyền của tu sĩ Ê-li-ơ ở Tu-lu-dơ, bởi lẽ vị này đã ủng hộ đức giáo hoàng ở A-vi-nhông đồng thời chọn cha Rây-mun-đô lên kế vị. Từ đó, cha cống hiến phần lớn hoạt động của mình cho việc tái thiết Dòng đang bị nạn dịch hạch và cuộc chia rẽ trong Giáo hội làm tê liệt. Cha từng bước làm cho Dòng thích ứng với hoàn cảnh mới, và nhờ vào sự ủng hộ tự nguyện của những anh em có tâm huyết, cha đã thiết lập các tu viện có nếp sống kỷ cương để cổ võ cuộc canh tân rộng rãi trong các tỉnh dòng.
Trong chuyến viếng thăm tỉnh dòng Ðức, sau khi chủ tọa tổng hội Phơ-răng-pho, cha qua đời tại Nu-rem-bơ năm 1399. Vài năm trước đó, cha đã hoàn tất cuốn "Cuộc đời thánh Ca-ta-ri-na Xi-ê-na" với chủ đích muốn được chia sẻ niềm hân hoan với Giáo hội trong cuộc phong thánh cho chị nữ tu.

Các bài đọc : Bài đọc : Ep 3,14-19 Tin Mừng : Mc 2,18-22

Lời nguyện : Lạy Chúa, Chúa đã gọi chân phước Rây-mun-đô ra đi tìm kiếm nước trời bằng việc dõi theo con đường trọn hảo. Nhờ lời bầu cử của người, xin cho chúng con được luôn hân hoan tiến bước trên đường yêu thương. Chúng con cầu xin

Ngày 6 tháng 10
Chân phước BA-TÔ-LÔ-MÊ-Ô LƠN-GÔ
Giáo dân Ða Minh, luật gia (+1926)

Tiểu sử
Ông Ba-tô-lô-mê-ô là một giáo dân Ða Minh quê ở Pom-pây, gần thành Nê-a-pô-li. Ông cũng là một luật gia sống bậc hôn nhân gia đình và có một lòng sùng kính Ðức Trinh nữ Ma-ri-a rất sâu sắc.
Vì quan tâm đến công cuộc Phúc Âm hóa vùng nông thôn, ông đã đóng góp nhiều công sức và tài chánh để xây dựng hai viện mồ côi gần nhà thờ Ðức Mẹ Mân côi ở Pom-pây. Thêm vào đó, ông còn thiết lập Hiệp hội các nữ tu cạnh toà thánh.
Ðức thánh cha Gio-an Phao-lô II đã phong chân phước cho ông năm 1980.

Lời nguyện : Lạy Thiên Chúa toàn năng và giàu lòng thương xót, qua chân phước Ba-tô-lô-mê-ô là người cổ động lòng sùng kính Ðức Ma-ri-a bằng việc lần chuỗi Mân Côi, Chúa đã tỏ cho chúng con tấm gương tuyệt vời về lòng đạo đức và bác ái đối với các trẻ em nghèo và mồ côi. Nhờ lời nguyện cầu của người, xin cho chúng con học biết cách nhận ra và yêu mến Ðức Ki-tô nơi mọi người chung quanh. Chúng con cầu xin

Ngày 8 tháng 10
Chân phước AM-RÔ-XI-Ô XI-Ê-NA
Linh mục (1220-1286)

Tiểu sử
Cậu Am-rô-xi-ô Xan-xơ-đô-ni sinh tại Xi-ê-na năm 1220. Cậu có thân hình xấu xí đến độ mọi người trông thấy cậu đều tỏ lòng xót thương. Lúc người vú nuôi đem cậu đến nhà thờ thánh Ma-ri-a Mác-đa-la của các tu sĩ Ða Minh, bỗng dưng, một phép lạ lớn lao đã xảy đến làm cho thân hình cậu trở nên hoàn toàn bình thường. Chính tại nhà thờ này, cậu đã lãnh tu phục vào năm 17 tuổi.

Sau khi mãn năm tập, thầy Am-rô-xi-ô được gởi đến tu viện thánh Gia-cô-bê để thụ giáo với thánh An-be-tô Cả. Tại tu viện này, thầy đã trở thành bạn đồng môn với thánh Tô-ma A-quy-nô. Cả hai đều được theo học với những tôn sư ở Cô-lô-ni-a, tại đây, họ tiếp cận với công việc giảng dạy dưới sự hướng dẫn của các bậc tôn sư. Sau 5 năm trau dồi kiến thức, cha Am-rô-xi-ô được sai về Pa-ri để chú giải "các luận đề thần học". Thế nhưng, các nhà đào tạo nhận thấy cha có biệt tài hùng biện, nên chẳng bao lâu tài năng của cha được dành cho những sứ vụ quan trọng. Trước tiên, cha được sai đi khắp nước Ðức để ngăn chặn làn sóng gia tăng của bè rối ; rồi đến Hung-ga-ri để trợ giúp cuộc kháng chiến chống quân Thát-đát (Nguyên Mông) ; tiếp theo là đến Xi-ê-na để giải phóng những đồng bào của mình khỏi cuộc nội chiến.

Ðức thánh cha Ghê-gô-ri-ô X triệu mời cha đến Rô-ma để canh tân việc giảng dạy thần học và giao cho sứ vụ hòa giải các thành phố đang trong tình trạng chia rẽ : cha thuyết phục Giê-nét thương thuyết với Vê-nê-di-a ; Vê-nê-di-a với Pi-xa ; cha đã tái lập mối giao hảo giữa những người Xi-ê-na với đức giáo hoàng, rồi giữa những người dân Xan Giê-mi-ni-a-nô với nhau. Cha du thuyết ở Pháp để kêu gọi những tấm lòng hào hiệp tham gia vào cuộc thập tự chinh của vua thánh Lu-i. Một lần nữa tại Xi-ê-na, cha đưa các đồng bào của mình đang nổi lên chống đức giáo hoàng quay trở về với lòng thuần phục. Cha được chọn làm giám mục Xi-ê-na, nhưng vì lòng khiêm nhường cha đã từ chối chức vị này. Ðức khiêm nhường đã thôi thúc cha từ chối mọi vinh quang trần thế, cha rảo bước khắp nơi săn sóc cho các bệnh nhân, rửa chân cho khách lữ hành, đón nhận mọi nghịch cảnh mà không một lời than trách. Lòng khiêm hạ của cha còn được bộc lộ qua những cung cách cư xử dịu hiền và nhẫn nại.

Cha lui về an dưỡng trong một tu viện và chỉ chú tâm vào đời sống chiêm niệm trong suốt 10 đến 15 năm. Sau đó, các đức giáo hoàng lại mời gọi cha đi tái lập hòa bình giữa những người Vê-nê-di-a và người Giê-nét, Phi-ren-xê và Pi-xa... vào những năm tháng cuối đời, cha được chỉ định làm tu viện trưởng ở Xi-ê-na. Chính cha là người đã góp nhiều công sức trong việc xây cất nhà thờ thánh Ða Minh, ngôi thánh đường này vẫn còn được sử dụng cho đến ngày nay.

Trên tòa giảng, lời nói của cha có sức thuyết phục mạnh mẽ, nhiệt thành và truyền cảm kỳ diệu. Vào đầu mùa Chay năm 1286, trong khi đang giảng ở Xi-ê-na để chống lại thái độ dửng dưng của giới trưởng giả, cha hăng say nhiệt tình đến độ một mạch máu trong tim bị đứt làm cho người bị thổ huyết. Ngày hôm sau, chứng xuất huyết đã thuyên giảm, cha lại lên bục giảng để tiếp tục bài giảng. Nhưng mạch máu ấy lại toạc ra gây xuất huyết trầm trọng hơn hôm trước. Cha Am-rô-xi-ô biết rằng giờ ra đi của mình đã gần kề, người xin được lãnh bí tích thống hối và xin anh em để cho người được an tĩnh hầu có thời gian để dọn mình trước khi về với Chúa.
Cha Am-rô-xi-ô được đức thánh cha Cơ-lê-men-tê VIII tôn phong chân phước năm 1597.

Lời nguyện : Lạy Thiên Chúa giàu lòng thương xót, xin cho Hội Thánh được tràn đầy niềm vui khi mừng kính chân phước Am-rô-xi-ô, ngõ hầu Hội Thánh được kiện cường nhờ những trợ giúp thiêng liêng và được xứng đáng thông phần niềm hoan lạc vĩnh cửu. Chúng con cầu xin

Ngày 8 tháng 10
Chân phước MÁT-THÊU CA-RE-RI
Linh mục (+1470)

Tiểu sử
Chân phước Gio-an Phan Sinh Ca-re-ri sinh tại Man-tua vào đầu thế kỷ XV. Người có ý định đi tu nhưng không biết theo Dòng nào. Một ngày nọ, khi người đến cầu nguyện trong một nhà thờ của Dòng Anh em Thuyết giáo, người liền bị đánh động bởi các lời Kinh Phụng vụ mà các tu sĩ đang cử hành, nên người rất khao khát trở thành một tu sĩ Ða Minh. Vị tu viện trưởng lập tức trao tu phục cho người và đặt cho người tên mới là Mát-thêu.

Cha Mát-thêu đã trải qua nhiều cuộc hành xác và ngã bệnh trầm trọng. Sau khi được chữa lành, người mới cảm nhận được rằng, sống tuân phục còn có giá trị hơn tất cả những hình thức sống nhiệm nhặt, và từ đó người chủ tâm sống tuân phục với lòng khiêm nhường và đời sống kinh nguyện.

Lời giảng thuyết hùng hồn của cha có sức mạnh lôi kéo nhiều người quay về nẻo chính đường ngay. Cung cách giảng thuyết của cha luôn hàm chứa nhiều điều rất thú vị. Thật vậy, vào một ngày lễ ở Xô-ri-nô, cha nhận thấy phần đông tín hữu hoàn toàn lơ là với việc đi dâng lễ. Ðể cử hành thánh lễ, cha ra lệnh đổ chuông cho tới khi quy tụ được đông đảo các tín hữu và cha đã giảng một bài hết sức cảm động đến nỗi mọi người đều tỏ lòng thống hối và hứa sẽ cải thiện đời sống. Một lần khác tại Vi-gie-va-nô, nhằm ngày lễ thánh Mác-cô, một gánh hát rong đến trình diễn những trò giải trí thiếu lành mạnh. Cha cũng đến vùng này và cố gắng can ngăn họ, người ta thấy cha hoàn toàn không cầm bất cứ một thứ võ khí nào, bỗng dưng những người hát rong lại bị một trận đòn chí tử. Thế là họ bị đả thương : quận công vùng Mi-lăng cho mời cha đến và quy tội cho cha. Thế nhưng, cha Mát-thêu đã giảng giải cho quận công nghe hợp lý đến mức ông phải chứng nhận rằng cha vô tội và còn xin cha cầu nguyện cho ông nữa. Thỉnh thoảng, cha cũng góp phần tạo nên những cuộc đổi đời thật bất ngờ, chẳng hạn như trường hợp công chúa Lu-xin Xon-xi-nô vốn nổi tiếng là một nhân vật sống phóng đãng, sau khi nghe lời giảng của cha Mát-thêu, chị đã thực sự được biến đổi, thế là chị xin gia nhập Dòng Ba Ða Minh và tha thiết sống một đời sống nhiệm nhặt.

Hơn nữa, cha cũng góp phần cải tổ được nhiều tu viện cần được canh tân để thích nghi với cuộc sống. Cha còn rảo khắp các vùng Li-gu-ri, Tốt-can-na, liên bang Vê-nê-di-a để mở rộng biên cương thi hành trách vụ rao giảng Lời Chúa.

Cha trải qua những năm cuối đời tại tu viện Vi-giê-va-nô, cha đã hứa với anh em rằng sau khi qua đời, cha sẽ phù trì cách đặc biệt cho tu viện. Chắc chắn cha đã giữ lời hứa, bởi vì cộng đoàn này luôn luôn sống nhiệt thành và sản sinh ra nhiều tu sĩ danh giá, trong đó, nổi bật nhất là thánh giáo hoàng Pi-ô V. Cha Mát-thêu an nghỉ trong Chúa ngày 5-10-1470.

Lời nguyện
Lạy Chúa, xin khơi dậy nơi tâm hồn chúng con lòng mến yêu thập giá và cuộc vượt qua của Chúa. Nhờ lời cầu bầu và gương sáng của chân phước Mát-thêu, xin cho chúng con khi chia sẻ những khổ đau của Ðức Ki-tô, cũng được thông phần vinh quang với Người. Chúng con cầu xin…

Ngày 9 tháng 10
THÁNH LU-I BÊ-TRAN
Linh mục - Lễ nhớ (1526-1581)

Tiểu sử
Thánh Lu-i sinh ngày 1-1-1526 tại Va-len-xi-a, nước Tây Ban Nha, trong một gia đình quý phái và đạo đức. Năm 16 tuổi, vì muốn vào tu viện thánh Gia-cô-bê, người đã trốn khỏi nhà trái ý thân phụ. Bị bắt trở về và cấm không được lui tới với Dòng Anh em Thuyết giáo, người vẫn kín đáo đến công hội tu viện để nghe huấn đức. Sau cùng, ngày 26-8-1544, người được lãnh tu phục, mặc dầu song thân vẫn chống đối. Người cố hết tâm lực đạt tới hình ảnh trọn hảo của một tu sĩ Thuyết giáo, và đã thực sự trở thành một "lý tưởng" của Dòng, và là gương mẫu cho các tập sinh được người huấn luyện. Kết hợp cuộc sống nhiệm nhặt với nhiệt tâm tông đồ để truyền bá đức tin, năm 1562, người đã xin đến tận một vùng xa xôi của châu Mỹ, nay là nước Cô-lôm-bi-a.

Bảy năm sống tại nơi đó, thánh Lu-i tận tụy phục vụ dân bản xứ, và đã đưa nhiều người về với ánh sáng Tin Mừng. Nhờ ơn lạ, họ hiểu được người, mặc dầu người chỉ nói tiếng bản quốc (tiếng Tây-ban-nha). Người dạy cho họ biết văn hóa nhân bản và bênh vực họ chống lại những kẻ áp bức. Ðược đức giám mục Ba-tô-lô-mê-ô Lát Ca-xát cổ võ, người can đảm đương đầu với những quan chức thực dân. Hồi hương năm 1569, người hoàn toàn dấn thân vào tác vụ canh tân đời sống ki-tô hữu và tu trì, hăng say học tập nên thánh, với đặc điểm là lòng kính sợ Chúa.

Người từ trần tại Va-len-xi-a ngày 9-10-1581. Ðức Cơ-lê-men-tê X tôn người lên bậc hiển thánh ngày 12-4-1671. Năm 1936, trong cuộc nội chiến tàn khốc, thi hài ngươì đã bị hỏa thiêu.

Các bài đọc : Bài đọc : St 12,1-7 ; Rm 10,9-18 Tin Mừng : Mc 16,15-18

Lời nguyện : Lạy Thiên Chúa toàn năng và giàu lòng thương xót, Chúa đã đổ tràn ngập tâm hồn người anh em Lu-i Bê-tran của chúng con lòng kính sợ danh Ðức Giê-su. Xin thanh tẩy tâm hồn chúng con bằng ngọn lửa yêu mến Ngài, và giúp chúng con thi hành sứ vụ giảng thuyết nhờ quyền năng danh Chúa. Chúng con cầu xin

Ngày 11 tháng 10
CHÂN PHƯỚC GIA-CÔ-BÊ HUM
Tu sĩ (+1491)

Tiểu sử
Cuộc đời chân phước Gia-cô-bê Hum có nhiều nét thăng trầm. Chân phước chào đời tại Hum, thuộc vùng Xu-a-bê. Thân phụ của cậu thọ đến 103 tuổi, còn người thì sống đến 84 tuổi.

Cậu Gia-cô-bê có một biệt tài sáng chói về hội họa trên thủy tinh, thế nhưng cậu đã không còn hành nghề này nữa khi đến tuổi 25 ; cậu rời gia đình để hành hương viếng mộ các thánh tông đồ. Cậu đến nơi vào đầu mùa Chay và tìm cách ở lại, vì cậu cảm nhận được niềm vui thiên quốc vĩnh hằng. Thế nhưng, tại đây cậu không tìm được việc làm nên đành phải đến Nê-a-pô-li. Trên đường, cậu gặp những thanh niên đăng ký phục vụ cho vua nước Xi-xi-li-a và xin nhập đoàn với họ. Cậu chiến đấu giỏi nhưng "cuộc sống doanh trại" có nhiều lối sống trái với luân thường đạo lý, vì thế, sau 4 năm binh nghiệp, cậu rời quân ngũ để tham gia hoạt động trong dịch vụ tư vấn pháp luật ở Ca-pua trong 5 năm, và thị trưởng của thành phố rất hài lòng về cung cách làm việc của cậu.

Vào một ngày đẹp trời năm 1440, cậu bỗng mong được về thăm cha già và đã lên đường trở về Ðức. Khi đi ngang qua Bô-lô-ni-a, cậu lại đăng ký gia nhập quân đội Tác-ta-ri, nhưng một ngày nọ, đang khi cầu nguyện trước mộ thánh Ða Minh, một giọng nói từ bên trong bảo cậu rời bỏ "binh nghiệp trần thế" mà gia nhập vào đội quân của Chúa Giê-su Ki-tô. Lập tức, cậu tìm đến một linh mục và hỏi xem mình phải làm gì. Vị linh mục này, vốn là bề trên tu viện, đã gợi hứng cậu gia nhập Dòng Ða Minh. Cậu Gia-cô-bê ưng thuận và mong được sống ở bậc trợ sĩ, khi ấy cậu đã 34 tuổi.

Từ đó thầy Gia-cô-bê sống rất khiêm nhường và thầm lặng trong tu viện. Thầy trở thành một tu sĩ ẩn dật và cố gắng hạn chế ra ngoài bao nhiêu có thể. Thầy kéo dài thời gian cầu nguyện từ sau giờ kinh đêm cho đến bình minh, suy niệm mầu nhiệm Vượt Qua với lòng sốt mến và anh em thường thấy thầy ở trong trạng thái xuất thần.

Thêm vào đó, tu sĩ Gia-cô-bê còn thực hiện những bức vẽ trên thủy tinh cả trong những chuyến viễn du và thầy rất thành công trong lãnh vực này. Các vị bề trên thường nhờ thầy trang trí các cửa kiếng của tu viện và nguyện đường. Tuy thầy không để lại một bút tích nào, nhưng chúng ta vẫn có thể chiêm ngưỡng những tác phẩm của thầy trong vương cung thánh đường thánh Phê-rô ở Bô-lô-ni-a. Thầy đã khám phá ra phương pháp làm cho thủy tinh có sắc vàng trong suốt bằng cách dùng ô-xít bạc. Quy trình mà thầy đã phát minh vẫn còn được sử dùng cho đến ngày nay. Thầy đã truyền bí quyết này lại cho hai học trò của mình đó là tu sĩ Am-bô-xi-nô - người viết tiểu sử về thầy và tu sĩ A-na-tha-xi-ô.

Dù có khả năng, nhưng thầy không bao giờ khoe khoang tài nghệ của mình và luôn đặt đức tuân phục lên hàng đầu. Người ta kể lại rằng, một ngày nọ đang khi thầy bắt đầu làm một tấm cửa thủy tinh, bề trên bảo thầy đi quyên góp trong thành phố ; thầy Gia-cô-bê bỏ mọi sự trong khi công việc đang đòi buộc sự có mặt thường xuyên của thầy. Nếu như có trục trặc trong giai đoạn này thì đành phải bỏ đi cả mẻ thuỷ tinh. Nhưng khi trở về, thầy thấy tấm cửa thủy tinh không những nguyên vẹn mà còn chứa đựng nhiều màu sắc đến mức thầy chưa bao giờ làm được như thế.

Khi hay tin thầy vừa mới qua đời, dân chúng trong toàn thành phố lũ lượt kéo đến viếng xác thầy, đó là năm 1491. Anh em đặt thi hài của thầy tại phòng hội tu viện để mọi người có thể đến kính viếng, sau đó, thầy được mai táng tại nguyện đường của tu viện.

Lời nguyện : Lạy Thiên Chúa là Ðấng toàn mỹ, Chúa đã hướng dẫn chân phước Gia-cô-bê cảm nhận được sự thiện hảo diệu kỳ của Chúa nơi muôn loài tạo vật, và diễn tả vẻ đẹp của Ngài bằng những tác phẩm nghệ thuật. Nhờ công đức và gương sáng của người, xin cho chúng con cũng nhận ra sự thiện hảo đó để chúng con được chiêm ngưỡng vẻ đẹp diệu kỳ của Ngài. Chúng con cầu xin

Ngày 13 tháng 10
CHÂN PHƯỚC MÁC-ÐA-LA PA-NA-XI-Ê-RI
Trinh nữ (+1503)

Tiểu sử
Chân phước Mác-đa-la sống ở thế kỷ XV, tại Tri-nô, gần Véc-xe-li, miền Bắc nước Ý. Từ lúc còn rất trẻ, người đã gia nhập hội các chị em "Men-te-la-tê" thuộc Dòng Ba Ða Minh và qua đời năm 1503, ở tuổi 60.

Với lòng ngưỡng mộ thánh Ca-ta-ri-na Xi-ê-na, chị Mác-đa-la muốn theo gương thánh nữ bằng những đêm canh thức kéo dài, đánh tội hành xác và hết lòng yêu mến việc cầu nguyện. Bằng sự hiểu biết phi thường, chị đã làm cho các nhà thần học cảm thấy lúng túng. Thật vậy, chị đã đưa ra những lời giải thích rất chuẩn xác về các mầu nhiệm thánh. Với lòng bác ái mặn nồng, chị năng thăm viếng các bệnh nhân và sẵn lòng đón tiếp những người nghèo khổ. Qua đó, nhiều người đã đem lòng yêu mến và ngưỡng mộ đời sống nhân đức của chị. Ðược nhiều người tín nhiệm, chị đã đứng ra hòa giải những gia đình chia rẽ và dẫn đưa nhiều tội nhân khô khan trở lại nẻo chính đường ngay.

Lòng khiêm nhường của chị đã rọi chiếu một luồng sáng vào những lề thói phong tục của thời đại. Thật vậy, một nhà quí tộc ở Tri-nô đã chiếm đoạt bất động sản thuộc quyền sở hữu của các Anh em Thuyết giáo. Giáo triều Rô-ma ra vạ tuyệt thông ông và bản án được dán trước cổng tu viện. Nhà quý tộc nhờ một trong những người bạn của mình đến gỡ bản án đó đi. Lập tức, người bạn của ông đã nhanh chóng thi hành việc này. Bằng những lỡi lẽ dịu dàng, chị Mác-đa-la cố gắng để thuyết phục hắn cải tà quy chính. Dù bị hắn la mắng thậm tệ và bị tát một cái nảy lửa, chị vẫn khiêm nhường quỳ gối trước mặt hắn và hết lời khuyên bảo. Vài ngày sau, ông quý tộc cùng với bạn ông và nhiều tên đồng mưu lăn ra chết một cách tất tưởi.

Lời nguyện : Lạy Thiên Chúa là Ðấng rất mực thành tín, Chúa không bỏ rơi bất cứ ai tin vào Chúa cũng như cậy trông vào lòng thương xót của Ngài, và Ngài luôn đón nhận lời khẩn nguyện của những ai hết lòng kêu xin. Nhờ sự trợ giúp của chân phước Mác-đa-la, xin cho chúng con được lãnh nhận những điều chúng con không đáng hưởng do công trạng chúng con . Chúng con cầu xin

Ngày 21 tháng 10
Chân phước Phê-rô Cát-ten-lô
Linh mục (+1445)

Tiểu sử
Chân phước Phê-rô sinh tại Om-bơ-ri-ê khoảng năm 1390, tại thành Cát-ten-lô. Ðây cũng chính là thời điểm cuộc Ðại Ly giáo đang diễn biến. Người được trao tu phục Dòng Ða Minh năm 15 tuổi tại một tu viện nơi quê nhà. Ðược gởi đến Co-tô-nê để thụ giáo chân phước Lô-ren-xô Ri-páp-ra-ta, tại đây, người trở nên thân thiện với thánh An-tô-ni-nô và chân phước An-giê-li-cô. Co-tô-nê là một trong những tu viện lớn có nề nếp và kỷ cương, đã hưởng ứng công cuộc cải tổ do cha Rây-mun-đô Ca-pua khởi xướng. Chính tại tu viện này, người được trao tác vụ linh mục và sống tại đây cho đến mãn đời.

Cha Phê-rô liên kết một cách phi thường việc luyện tập các nhân đức phú bẩm với hoạt động tông đồ. Mặc cho nguồn gốc quí tộc của gia đình và uy tín người có ảnh hưởng trong thành phố, người vẫn chỉ mong lãnh nhận những công việc thường hèn của tu viện : đi quyên góp ở từng gia đình, phục vụ những người nghèo khổ, săn sóc và ủi an các bệnh nhân.

Cha dẫn đưa nhiều tội nhân lòng dạ chai đá trở về với Chúa. Vào thời kỳ này, những quan niệm về sự chết và hình bóng của nó luôn ám ảnh tâm trí con người. Ðược biết, cha Phê-rô hăng say rao giảng về chủ đề này với một cái sọ trong tay... Lời cầu nguyện trong thánh lễ kính người hàm ý từ một giai thoại như sau : Một thanh niên chơi bời lêu lổng, thình lình được cha Phê-rô khuyên bảo là hãy dọn mình chuẩn bị chết, anh ta ăn năn trở lại và chết ít lâu sau đó. Lời cầu nguyện được diễn tả như sau : "Lạy Thiên Chúa, Ngài đã mặc khải cho các tín hữu của Ngài biết rằng : 'nếu họ năng suy gẫm về ngày sau hết của đời mình thì họ có thể xa lánh các dịp tội.' Nhờ lời chuyển cầu và gương lành của chân phước Phê-rô, xin cho chúng con hằng ngày biết suy gẫm về cái chết, hầu tránh được hình phạt của sự chết đời đời. Chúng con cầu xin, nhờ Ðức Ki-tô Chúa chúng con, Người hằng sống và hiển trị với Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời. A-men"

Lời nguyện : Lạy Thiên Chúa là Ðấng rất mực yêu thương, Chúa hằng kêu gọi dân Chúa luôn nhớ đến ngày chung thẩm. Qua lời cầu nguyện và gương sáng của chân phước Phê-rô, xin cho chúng con biết hướng lòng trí về sự chết nhờ đó chúng con cảm nghiệm được sự đau khổ do tội lỗi, ngõ hầu chúng được chiêm ngưỡng thánh nhan Chúa muôn đời. Chúng con cầu xin

Ngày 25 tháng 10 :
Chân phước PHÊ-RÔ GIÊ-RÊ-MI-A
Linh mục (1381-1452)

Tiểu sử
Chân phước Phê-rô Giê-rê-mi-a là người Xi-xi-li-a sinh tại Pa-lê-mô năm 1381. Ðang khi người hoàn tất chương trình luật và chuẩn bị thi lấy bằng tiến sĩ luật ở Bô-lô-ni-a, thì người được một thị kiến trong đó một tù nhân nói với người rằng : "Hãy trốn đi, hãy trốn khỏi tòa án của người đời nếu anh muốn được tha bổng tại tòa án của Thiên Chúa." Nhờ lời cảnh cáo lay động, người từ bỏ kỳ thi lấy bằng tiến sĩ và dâng mình cho Thiên Chúa tại tu viện Bô-lô-ni-a.

Học xong chương trình thần học, người được trao tác vụ giảng thuyết và trở nên nổi tiếng trên khắp bán đảo. Nhân dịp đi ngang qua tu viện Bô-lô-ni-a, thánh Vinh Sơn Phê-ri-ê đã dừng chân ghé thăm người.

Năm 1427, người được sai đi Xi-xi-li-a với vai trò của một vị tổng kinh lý để tái lập trật tự trong các tu viện đang suy thoái về kỷ luật. Hiện tượng suy thoái này không chỉ xảy ra trong Dòng Ða Minh mà còn thấy xuất hiện tại nhiều Dòng tu khác nữa. Ðức giáo hoàng Êu-gen-ni-ô IV mời người tham dự công đồng Phi-ren-xê để thắt chặt mối dây hiệp nhất Giáo hội La-tinh và Giáo hội Ðông Phương. Tại đây, người đã gây được sự chú ý nhờ niềm xác tín, sự thông thái và sức thuyết phục của người trong các cuộc tranh luận. Trở về Xi-xi-li-a, người định cư tại Pa-lê-mô. Tại đây, người đã thi hành sứ vụ nhiệt thành đến mức dường như không ngơi nghỉ. Người thiết lập tu viện thánh Di-ta nổi tiếng, và khéo léo vận dụng tài trí với sự dịu dàng để xây dựng tu viện thành một tổ ấm có kỷ cương, thu hút được nhiều ơn gọi.
Cha Phê-rô bị một dị tật rất trầm trọng ở chân và người đã đón nhận sự đau đớn này trong tinh thần thống hối. Cha đã nhận được nhiều ân sủng qua việc đi bộ để thi hành những công việc tông đồ.
Cha qua đời khi được 71 tuổi, anh em khám phá thấy một sợi xích sắt quấn quanh thắt lưng người từ hơn 50 năm và đã ăn sâu vào trong da thịt người.
Cha Phê-rô Giê-rê-mi-a để lại nhiều tác phẩm thần học, trong đó, có hai bản thảo vẫn còn được lưu giữ tại công hàm tu viện thánh Ða Minh ở Bô-lô-ni-a. Cha được tôn phong chân phước năm 1784 do đức giáo hoàng Pi-ô VI.

Lời nguyện : Lạy Chúa là Mục Tử hằng hữu, Chúa đã ban cho chân phước Phê-rô ân sủng đặc biệt để kêu gọi những con chiên lạc trở về với đường ngay nẻo chính và tuân giữ luật Chúa. Nhờ lời khấn nguyện của người, xin Chúa mở rộng tâm hồn chúng con để chúng con luôn đi theo đường mệnh lệnh Chúa. Chúng con cầu xin

Ngày 26 tháng 10
CHÂN PHƯỚC ÐA-MI-EN PHI-NA-LÊ
Linh mục (+1484)

Tiểu sử
Chúng ta không có nhiều chi tiết về cuộc đời của Chân phước Ða-mi-en, bởi lẽ phần lớn các tài liệu chính xác về tiểu sử của người dường như đã bị thất lạc. Tuy nhiên, chúng ta biết chắc rằng, chân phước Ða-mi-en sống vào thế kỷ XV.

Năm 1503, các tu sĩ Ða Minh ở Vi-ga-va-nô đã viết thư cho các tu sĩ ở Rê-giô để xin họ hài cốt của tu sĩ Ða-mi-en vì người đã qua đời và được chôn cất tại tu viện này. Các tu sĩ ở Rê-giô viết thư hồi âm có đính kèm lời ca ngợi như sau : "Tu sĩ Ða-mi-en là người rất đáng khâm phục, nổi tiếng về sự thánh thiện và tên tuổi lẫy lừng. Sự dấn thân của người quả là một gương sáng : người có bản tính nhã nhặn, tốt bụng, hiền lành và khiêm hạ, sống triệt để đức tuân phục, giàu lòng nhân ái, và rất mực kiên nhẫn trong mọi thử thách. Người luôn sẵn lòng giúp đỡ mọi người và sống chan hòa yêu thương. Mặt khác, người còn là nhà giảng thuyết nhiệt thành, có biệt tài nối kết hài hòa giữa lời giảng hùng hồn với thái độ khiêm tốn và trang nghiêm. Người qua đời cách đây 20 năm."

Chân phước Ða-mi-en sinh tại Phi-na-lê, nằm giữa vùng Giê-nét và Vin-ti-mi-lê, chắc chắn người đã được trao tu phục tại tu viện của các tu sĩ Ða Minh trong thành phố nhỏ bé này. Tu viện này đã được thiết lập từ 50 năm về trước.

Khi viết về các tu sĩ sống tại Rê-giô vào quãng thời gian này, một sử gia khác cũng phác hoạ một vài nét về người như sau : "Chân phước Ða-mi-en đã rao giảng rất nhiều lần tại Rê-giô và đã duy trì nơi đó ngọn lửa hoạt động tông đồ. Người đã giúp cho nhiều tội nhân lầm đường lạc lối được ơn hoán cải. Người qua đời tại Rê-giô, chính tại nơi đây, người thường lưu lại để thi hành tác vụ giảng thuyết". Ngôi mộ của người vẫn luôn được tôn tạo và bảo quản cho đến ngày nay. Việc tôn kính người được Giáo hội chuẩn nhận vào năm 1848.

Lời nguyện : Lạy Chúa, Chúa là Ðấng chân thật vô vùng. Vì muốn cứu độ những ai thành tín, Chúa đã đổ tràn trên chân phước Ða-mi-en những nhân đức diệu kỳ và ân sủng giảng thuyết. Vì lời cầu nguyện của người, xin cho chúng con biết lắng nghe Lời Chúa với tấm lòng rộng mở và mau mắn đón nhận với lòng kiên trì. Chúng con cầu xin

Ngày 27 tháng 10
Chân phước BA-TÔ-LÔ-MÊ-Ô VIN-XEN-XÊ
Giám mục (+1270)

Tiểu sử
Chân phước Ba-tô-lô-mê-ô Vi-xen-xê sinh trong một gia đình danh giá thuộc dòng họ bá tước Bơ-rê-gan-dơ. Vị này gặp gỡ thánh Ða Minh đang khi theo học đại học tại Pa-đua và đã xin được theo bước cha thánh. Những cuộc giảng thuyết đầu tiên đưa tu sĩ Ba-tô-lô-mê-ô rảo khắp vùng Lom-bác-đi-a, đến với những người lạc giáo và những phe chống đối Giáo hôi. Người được giao nhiệm vụ hòa giải các gia đình và thiết lập một đạo binh mang tên "hiệp sĩ của Ðức Ma-ri-a vinh quang" để chống lại những hành động quá khích của lạc giáo.

Ðức giáo hoàng đã triệu người về Rô-ma để sử dụng tài am hiểu về thần học của người và cử người làm Tôn sư thánh điện. Tại Công đồng Li-ông năm 1244, người đã ủng hộ đức In-nô-xen-tê IV. Thánh Lu-y kết bạn với người và nhận người làm cha giải tội. Người đã tận dụng cơ hội này để viết một cuốn khảo luận bàn về cách giáo dục các hoàng tử. Người đã dâng tặng hoàng hậu nước pháp là bà Ma-ga-ri-ta xứ Pơ-rô-văng cuốn khảo luận này. Khi thánh Lu-y lên đường tham gia cuộc thập tự chinh, cha Ba-tô-lô-mê-ô tháp tùng đến Síp nơi thánh Lu-y lên tàu vào 9-1248. Ðức giáo hoàng bổ người làm giám mục Síp. Người đã thi hành chức vụ giám mục ở đó trong thời gian từ 5 đến 6 năm, ân cần dạy dỗ dân chúng, bảo vệ người nghèo và cải cách hàng giáo sĩ.

Khi vua thánh Lu-y bị những người Xa-ra-din cầm tù, sau đó mới được trả tự do, vua kêu mời cha Ba-tô-lô-mê-ô đến giúp đỡ. Ðức giáo hoàng đã cử cha đến Pa-lét-tin để giúp vua nước Pháp và các cận thần, đồng thời người cùng làm việc với họ để khích lệ tinh thần dũng cảm cho các tín hữu. Sau đó, đức giáo hoàng triệu người về châu Âu và bổ nhiệm làm giám mục Vi-xen-xê. Ðó là thời kỳ mà hoàng đế Phê-đê-ríc II đang xung đột với tòa thánh, con rể của hoàng đế là Ét-xơ-lin -vốn là một tay chỉ huy đội quân nổi tiếng- đã đánh chiếm Vi-xen-xê và trục xuất đức giám mục Ba-tô-lô-mê-ô. Ðây quả là một cơ may ! Ðức giáo hoàng đã tận dụng vận hội này gửi đức cha Ba-tô-lô-mê-ô sang giải quyết những vụ việc giữa Giáo hội với vua nước Anh là Hen-ri III. Cùng với vua nước Anh, đức cha đến Pa-ri gặp vua thánh Lu-y. Ðể tỏ lòng biết ơn đức cha về những việc người đã làm cho mình, đức vua đã dâng biếu đức cha một chiếc gai trên vòng mão gai của Chúa Giê-su. Ðược trao tặng một di vật vô giá này, đức cha trở về Vi-xen-xê trong chiến thắng vào năm 1260 và được biết tên Ét-xơ-lin vừa mới qua đời. Hàng giáo sĩ và dân chúng lũ lượt đổ ra chào đón đức cha với bài hát : "Hạnh phúc thay những người làm rạng danh Thiên Chúa !"

Ðức cha bắt đầu đảm nhận công việc dẫn dắt những người tội lỗi và người lạc giáo trở về nẻo chính đường ngay. Vị thủ lãnh phái Ca-ta là ông Ga-lút đã gây xung khắc với đức cha trong một cuộc tranh luận. Thế nhưng, đức cha Ba-tô-lô-mê-ô thuyết phục hay đến mức ông Ga-lút phải chấp nhận trở về với Giáo hội Công giáo. Ðức cha đã khởi công xây "một nguyện đường" để lưu giữ chiếc gai trên mạo gai của Chúa. Ðó là nguyện đường Xan-ta Co-rô-na ở Vi-xen-xê mà người đã trao phó cho các tu sĩ Ða Minh coi sóc. Năm 1267, đức cha đến Bô-lô-ni-a để tham dự lễ di chuyển hài cốt thánh Ða Minh lần thứ hai nhân cuộc họp tổng hội. Chính người đã đọc diễn văn trong dịp này. Ít lâu sau, đức cha qua đời tại Vi-xen-xê năm 1270, đông đảo những người nghèo đã khóc thương người, ai nấy đều tán dương sự hiểu biết, tính dịu hiền và lòng khiêm nhường của người.
Ðức cha Ba-tô-lô-mê-ô được tôn phong lên bậc chân phước năm 1793.

Lời nguyện : Lạy Thiên Chúa giàu lòng thành tín. Chúa đã làm cho chân phước Ba-tô-lô-mê-ô nên cao trọng vì đã đưa những ai lầm lạc về với ánh sáng chân lý và hướng dẫn các dân tộc sống trong hòa bình. Nhờ lời người nguyện giúp cầu thay, xin bình an của Chúa luôn giữ tâm hồn và trí óc chúng con trong Chúa Giê-su Ki-tô, Chúa chúng con. Chúng con cầu xin

Ngày 30 tháng 10
CHÂN PHƯỚC BIÊNG-VƠ-NUY BÔ-GIA-NI
Trinh nữ (+1292)

Tiểu sử
Chân phước Bô-gia-ni sinh tại Phơ-ri-un thuộc vùng Vê-nê-ti vào giữa thế kỷ XIII. Vì chị là người con thứ 7 và là con gái duy nhất trong gia đình, nên chị Bô-gia-ni đã được chào đón với niềm vui sướng : "Biêng-vơ-nuy, Em thực là niềm vinh hạnh !" Sau chị Bô-gia-ni, còn có 3 cậu em trai nữa, trong đó một người cũng dâng mình cho Chúa trong Dòng Ða Minh.

Cuộc đời của chị được nhào nặn trong việc thực hành khổ chế và đời sống nhiệm nhặt một cách phi thường. Noi gương thánh Ða Minh, chị thường thức khuya, mặc áo nhặm, đeo dây xích sắt, mỗi đêm đánh tội ba lần, ngủ trên nền đất. Tất cả những thực hành khổ chế này làm chị yếu sức đến độ ngã bệnh trầm trọng, nhưng lại được chữa lành một cách lạ thường nhân chuyến hành hương viếng mộ thánh Ða Minh ở Bô-lô-ni-a. Tuy nhiên, sau phép lạ này, chị sống không được bao lâu nữa và qua đời ở tuổi 38, trước sự chứng kiến của nhiều tu sĩ trong Dòng. Trong lúc hàng ngàn tín hữu đến kính viếng xác của chị, người ta cất lên những bài tán dương về cuộc sống nhân đức của chị. Chị được chôn táng trong nguyện đường của các tu sĩ Ða Minh. Ít lâu sau, tiểu sử của chị được viết và được xuất bản năm 1292. Bản thảo về tiểu sử của chị còn được lưu giữ mãi cho đến thế kỷ XVIII và được viết lại trong tập sách "hạnh các thánh".

Lời nguyện : Lạy Chúa, Chúa đã ban cho chân phước Bô-gia-ni lòng sám hối, siêng năng cầu nguyện và đức khiêm nhường. Xin Chúa vì công trạng của người, ban chúng con cũng được sống trong Thần Khí và tìm thấy sự nghỉ ngơi cũng như vinh quang trong Chúa, là Thiên Chúa thật. Chúng con cầu xin