HOME

THÁNG MƯỜI MỘT

 

1-11 :Thánh Giê-rô-ni-mô Héc-mô-xi-la Vọng (Liêm), Giám mục, tử đạo

1-11 : Thánh Va-len-tin Bê-ri-ô Ô-cô-a Vinh, Giám mục, tử đạo

1-11 : Thánh Phê-rô An-ma-tô Bình, Linh mục, tử đạo

3-11 : Thánh Mác-ti-nô, Tu sĩ

5-11 : Chân phước Xi-mon Ban-la-ki, Tu sĩ

5-11 : Thánh Ða Minh Hà Trọng Mậu, Linh mục, tử đạo.

6-11 : Chân phước Phan Sinh Ca-pi-la. Giám mục và các bạn tử đạo

7-11 : Các Thánh Ḍng Thuyết Giáo

7-11 : Thánh Vinh Sơn Phạm Hiếu Liêm, Linh mục, tử đạo

7-11 : Thánh Gia Thịnh Cát-ta-nê-đa. Linh mục, tử đạo

14-11 : Chân phước Lu-xi-a Na-ni, Nữ tu

14-11 : Chân Phước Gio-an Li-xi, Linh mục

15-11 : Thánh An-be-tô Cả, Giám mục

19-11 : Chân phước Gia-cô-bê Bê-nê-phát-ti, Giám mục

25-11 : Chân phước Ma-ga-ri-ta Xa-va, Nữ tu

26-11 : Thánh Tô-ma Ðinh Viết Dụ, Linh mục, tử đạo

26-11 : Thánh Ða Minh Nguyễn Văn Xuyên. Linh mục, tử đạo

 

Ngày 1 tháng 11
Thánh GIÊ-RÔ-NI-MÔ HÉC-MÔ-XI-LA VỌNG (Liêm)
Giám mục, tử đạo (1800-1861)

Tiểu sử
"Người cao lớn, mũi dài râu rậm, cặp mắt tinh anh và hơi xám, nước da trắng trẻo, khuôn mặt phương phi..." (Ðó là đôi nét về vị anh hùng tử đạo Giê-rô-ni-mô Héc-mô-xi-la).

Cậu Giê-rô-ni-mô Héc-mô-xi-la sinh ngày 30-12-1800 tại Xanh Ða Minh nước Tây Ban Nha.
Năm 15 tuổi, cậu theo học ở chủng viện thuộc giáo phận Va-len-xi-a do các cha Dòng Ða Minh phụ trách. Ðến năm 19 tuổi, cậu lãnh tu phục Dòng Ða Minh. Nhưng năm sau (1820), nước Tây Ban Nha có loạn nên các chủng viện đều phải đóng cửa. Thầy Giê-rô-ni-mô Héc-mô-xi-la rời nhà dòng trở về tham gia quân đội. Sau ba năm (1823), khi vua Phéc-nan-đô khôi phục lại quyền bính. cậu Giê-rô-ni-mô Héc-mô-xi-la quay trở lại nhà dòng, vào tập viện và khấn dòng ngày 29-10-1823.
Năm 1824, thầy Giê-rô-ni-mô Héc-mô-xi-la lên đường sang Viễn Ðông truyền giáo theo lời mời gọi của tỉnh dòng Rất Thánh Mân Côi (Ma-ni-la).

Năm 1826, thầy Giê-rô-ni-mô Héc-mô-xi-la lãnh tác vụ linh mục và làm giám đốc hội Mân Côi.
Năm 1828, cha tình nguyện sang Việt Nam truyền giáo và người đã đến miền Bắc vào ngày 2-5-1829 và lấy tên là Vọng. Vào thời đó, dưới sự cấm đạo gay gắt của vua Minh Mạng, cha phải hoạt động trong bí mật. Sang đến thời vua Thiệu Trị, các cuộc bách hại đạo đỡ gay gắt hơn nhưng vẫn có một số thừa sai bị bắt nên cha vẫn phải ẩn trốn.

Ngày 25-4-1841, cha được tấn phong giám mục tại một căn hầm bí mật ở Phúc Nhạc do đức cha Rê-tô Liêu chủ sự. Lúc này, tên của người đổi thành Liêm để tránh sự theo dõi của quan quân triều đình. Nhờ sự khôn ngoan và lòng can đảm của người mà số tín hữu ngày càng thêm đông.

Mười năm cuối đời của người quả là long đong vất vả. Ðó là vào thời vua Tự Ðức cai trị, vua ra chiếu chỉ cấm đạo khiến máu các vị tử đạo lại đổ xuống. Người đã bị bắt lần đầu vào năm 1856 trong khi đang đi kinh lý xứ Hữu Bàng và phải chuộc mất 300 quan tiền.

Ðến năm 1859, trước tình hình cấm đạo gay gắt, người lại một lần nữa phải đổi tên là Tuấn để khỏi bị lộ, nhưng người vẫn không thể thoát khỏi tay quan quân triều đình.

Ngày 21-10-1861, người bị bắt lần thứ hai và bị xử tử hình tại pháp trường Năm Mẫu vào ngày 1-11-1861. Thi hài của người được bọc trong chiếc khăn và chôn tại chỗ ; còn thủ cấp được treo ở bến đò Hàn ba ngày, sau đó giáo dân đưa về an táng tại Thọ Ninh, cuối cùng, di về Ðền Các Thánh Tử Ðạo Hải Dương.

Ðức thánh cha Pi-ô X suy tôn đức cha Giê-rô-ni-mô Héc-mô-xi-la Liêm lên bậc chân phước ngày 20-5-1906. Ngày 19-6-1988, đức thánh cha Gio-an Phao-lô II suy tôn người lên bậc hiển thánh.

Lời nguyện : Lạy chúa, Chúa đã tưới gội quê hương Việt Nam chúng con bằng máu của thánh Giê-rô-ni-mô Héc-mô-xi-la. Nhờ sự chuyển cầu của người, xin cho hạt giống đức tin và sự nhận biết Chúa Ki-tô luôn được triển nở mạnh mẽ trên quê hương chúng con. Chúng con cầu xin

Ngày 1 tháng 11
Thánh Va-len-tin Bê-ri-ô Ô-choa Vinh
Giám mục, tử đạo (1827-1861)

Tiểu sử
Cậu Va-len-tin Bê-ri-ô Ô-choa Vinh sinh ngày 14-2-1827 trong một gia đình nghèo, đạo đức tại làng Ê-rô-ni-ô, giáo phận Vít thuộc nước Tây Ban Nha.

Năm 18 tuổi, cậu gia nhập chủng viện Lốc-rô-nô. Sau khi học xong ba năm triết với thành quả mỹ mãn, cậu trở về quê thăm gia đình và thấy cha mẹ già yếu lại phải vất vả nên cậu trở về trường xin cha giám đốc cho phép cậu sống ngoại trú để vừa học thần học vừa phụ giúp cha mẹ, và quãng thời gian đó đã kéo dài hơn hai năm. Sau khi học xong, ngày 14-8-1851, thầy Va-len-tin Bê-ri-ô Ô-cô-a lãnh tác vụ linh mục và làm linh hướng chủng viện. Hai năm sau, người xin gia nhập Dòng Ða Minh tại tu viện Mân Côi, và khấn trọng vào ngày 12-1-1854.

Ngày 17-6-1857 cha Va-len-tin Bê-ri-ô Ô-choa đến Ma-ni-la. Ngày 30-3-1858, cha tới Việt Nam giữa lúc cơn bách hại đạo đang trong thời kỳ gay gắt nhất. Cha luôn luôn phải hoạt động tông đồ một cách bí mật và sống ẩn dật. Chính cha đã ghi nhận lại điều này : "Cánh đồng truyền giáo này không có một ngày quang đãng... không ngày nào không có đau thương, lo toan ..."

Giữa những cơn bách hại đó, người được tấn phong giám mục. Nghi lễ được cử hành vào đêm ngày 13 rạng 14-6-1858, một nghi lễ chưa từng có trong lịch sử Giáo hội. Tất cả được diễn ra một cách âm thầm dưới một căn hầm bí mật. Mũ của vị tân giám mục được làm bằng giấy, gậy là một cây tre được cuốn rơm bọc giấy trang kim.

Sau ngày tấn phong, người phải coi sóc một giáo phận trên 150 nghìn tín hữu trong khi vẫn phải sống trong căn hầm bí mật. Cũng tại căn hầm này, người đã lập tòa giám mục và luôn phải sinh hoạt trong đó vì thế mà người được mệnh danh là "giám mục hầm trú".

Nhưng rồi ngày 25-10-1861, người cũng vẫn bị bắt như các thừa sai khác và lãnh án tử hình vào ngày 1-11-1861 tại pháp trường Năm Mẫu. Thi thể của người được chôn cất tại đó, sau này được cải táng về Thọ Ninh, rồi Kẻ Mốt. Ðến đời đức cha Hiển thi hài của người được đem về quê hương (Tây Ban Nha). Ðức thánh cha Pi-ô X đã suy tôn người lên bậc chân phước ngày 20-5-1906. Ðức thánh cha Gio-an Phao-lô II đã suy tôn người lên bậc hiển thánh ngày 19-6-1988.

Lời nguyện : Lạy chúa, Chúa đã tưới gội quê hương Việt Nam chúng con bằng máu của thánh Thánh Va-len-tin Bê-ri-ô Ô-choa Vinh. Nhờ sự chuyển cầu của người, xin cho hạt giống đức tin và sự nhận biết Chúa Ki-tô luôn được triển nở mạnh mẽ trên quê hương chúng con. Chúng con cầu xin

Ngày 1 tháng 11
Thánh Phê-rô An-ma-tô Bình
Linh mục, tử đạo (1831-1861)

Tiểu sử
Chân dung của thánh Phê-rô An-ma-tô được phác họa dưới hình thức một tu sĩ Dòng Ða Minh với vầng trán rộng thông minh, bộ râu của con người nghị lực. Cặp mắt nhìn đăm đăm xuống đôi tay. Tay phải cầm cành vạn tuế, một chuỗi mân côi, và một thanh đao to bản. Tay trái khẽ nâng mũi đao với ngón tay cái đang chạm vào lưỡi đao như muốn thử xem thanh đao sắc như thế nào, trên môi hé nở nụ cười.

Thánh Phê-rô An-ma-tô chào đời vào lễ các thánh (1-11-1831) tại làng Xan-tô Phê-lích Xa-xê-ra, xứ Vít miền Ca-ta-lu-ma nước Tây Ban Nha. Thân phụ là ông Xa-vi-lô Al-ma-tô làm nghề y và thân mẫu là bà An-ti-ni-a. Cậu có người bác là một linh mục chuyên giải tội trong khắp giáo phận và có một người em gái sau này cũng vào nhà dòng.

Năm 15 tuổi, cậu Phê-rô An-ma-tô xin gia nhập chủng viện và có cơ hội đọc được những thông tin từ các vùng truyền giáo tại Viễn Ðông. Từ đó, khát vọng truyền giáo thôi thúc cậu mạnh mẽ, và cậu đã quyết định đến Ô-ca-na để xin gia nhập Dòng Ða Minh. Ngày 25-9-1847, cậu vào tập viện và khấn dòng ngày 26-9-1848. Tháng 9-1849, thầy Phê-rô An-ma-tô đến Ma-ni-la để học thần học và lãnh tác vụ linh mục năm 1854.

Ngày 4-8-1855, cha Phê-rô An-ma-tô đến Việt Nam vào giáo phận Ðàng Ngoài, lấy tên là Bình và coi xứ Thiết Nham hơn một năm. Tình trạng sức khoẻ của cha Bình rất yếu, cha bị bệnh thường xuyên. Nhưng trong thân xác yếu kém đó lại ẩn chứa một sức mạnh phi thường giúp cha vượt qua mọi thử thách của cuộc sống.

Năm 1857, cuộc bách hại đạo ngày càng gay gắt khiến cha ngày đêm phải sống trong bí mật. Khi thì trên thuyền, lúc dưới hầm tối và thường phải ngủ trong các bụi tre, bên bờ suối để tránh quan quân triều đình.

Từ tháng 8-1861, dưới sự ảnh hưởng của chiếu chỉ Phân sáp, cha phải rời xứ Thiết Nham sang Kẻ Nê rồi trốn tại Thọ Ninh. Nhưng ngày 25-10-1861, người đã bị bắt và bị xử tử vào ngày 1-11-1861 tại pháp trường Năm Mẫu, đúng ngay ngày sinh nhật thứ 30 của người, và ngày này đã trở thành ngày sinh của người ở trên trời. Thi thể của cha được an táng trong thánh đường kính bốn thánh tử đạo Hải Dương, còn thủ cấp được đưa về quê hương ( Tây Ban Nha).

Ngày 20-5-1906, đức thánh cha Pi-ô X suy tôn người lên bậc chân phước. Ngày 19-6-1988, đức thánh cha Gio-an Phao-lô II đã nâng người lên bậc hiển thánh.

Lời nguyện : Lạy Thiên Chúa giàu lòng thương xót, Chúa đã ban cho thánh Phê-rô An-ma-tô Bình lòng can đảm để trung thành với thập giá của Con Chúa cho dù phải đổ máu đào. Nhờ lời cầu thay nguyện giúp của người, xin cho chúng con biết loan truyền tình yêu Chúa cho anh chị em chúng con, và tin chắc rằng, họ cũng được mời gọi trở nên con cái của Ngài. Chúng con cầu xin

Ngày 3 tháng 11
Thánh Mác-ti-nô Po-rét
Tu sĩ - Lễ kính

Tiểu sử
Thánh Mác-ti-nô sinh năm 1579 tại Li-ma, nước Pê-ru. Người là con một hiệp sĩ Tây Ban Nha tên là Gio-an và một phụ nữ da đen được giải phóng tên là An-na Vê-lát-khê. Giữa hàng chư thánh, thánh Mác-ti-nô là một chứng tá của người da đen bị khinh miệt một cách bi thảm ở Tân Thế giới. Ðang giúp việc một người thợ hớt tóc, thánh Mác-ti-nô xin gia nhập Dòng Ða Minh trong bậc trợ sĩ tại tu viện Ðức Mẹ Mân Côi ở Li-ma. Cũng tại tu viện này, thánh Mác-ti-nô được tuyên khấn trọng thể năm 1603.

Thánh Mác-ti-nô có lòng đơn sơ, thanh bạch và đức tin phi thường. Ðược cắt đặt làm những việc thường hèn, nhưng người lại được Chúa cất nhắc lên, với nhiều hồng ân và đoàn sủng cao siêu. Người rất nhiệt thành sùng kính mầu nhiệm thánh Thể và cuộc Thương Khó của Chúa Cứu Chuộc. Người hiến cả cuộc đời để làm việc bác ái nơi người nghèo, nhất là những người đau yếu, và còn chăm sóc cả loài vật nữa. Người được phong làm bổn mạng anh em trợ sĩ quả là xứng đáng. Theo gương Chúa Giê-su, người quý trọng việc ăn chay, hãm mình và cầu nguyện, nhất là cầu nguyện ban đêm. Từ việc cầu nguyện đó, người đã kín múc được nguồn sáng soi dẫn người cách lạ lùng trong trong cách thức giảng dạy giáo lý.

Thánh Mác-ti-nô qua đời ngày 3-11-1639 tại Li-ma. Ðức Ghê-gô-ri-ô XVI tôn người lên bậc chân phước năm 1837. Thánh Mác-ti-nô được mọi người dân Bắc Mỹ và Nam Mỹ sùng mộ không những vì đức khiêm tốn phi thường của người, mà còn vì chính bản thân người đã là một dấu chỉ. Ngày 6-5-1962, Ðức Gio-an XXIII ghi tên người vào sổ các hiển thánh.

Bài đọc : Is 58,6-11 ; Gl 3,26-28 ; 4,6-7 ; Tin Mừng : Lc 10,25-37 ; Mt 11,25-30

Lời nguyện : Lạy Chúa, Chúa đã dẫn đưa thánh Mác-ti-nô qua con đường khiêm nhu ẩn dật đến vinh quang thiên quốc. Xin cho chúng con ngày nay biết noi gương người để mai sau được cùng người hưởng Nhan Thánh Chúa. Chúng con cầu xin

Ngày 5 tháng 11
Chân phước Xi-mon Ban-la-ki
Tu sĩ (+1319)

Tiểu sử
Chân phước Xi-mon thuộc dòng tộc quí phái ở Ri-mi-ni. Ðiều này đã được minh định từ năm 1429. Thế nhưng, vì chân phước qua đời trước đó một thế kỷ và trong suốt những thập niên tiếp theo, không mấy ai còn lưu tâm đến những thông tin về người.

Chú của người là một giám mục Dòng Ða Minh ở Ri-mi-ni thuộc vùng Rô-ma-nhê. Chân phước Xi-mon chào đời tại Xanh Ác-xăng-giê-lô cách Ri-mi-ni 8 cây số. Ban đầu, người thường tham gia những cuộc bạo động gây ra từ những bè rối, không quan tâm đến những giáo huấn của Hội Thánh, chống lại nhóm Bạch đảng (Gueffes) và Hắc đảng (Gibelins). Chính trong sự xáo trộn này mà người đã nghe được tiếng Chúa gọi dù đã 27 tuổi. Người xin lãnh tu phục ở bậc trợ sĩ, mặc dù chú của người hoàn toàn phản đối việc này. Người đã sống trọn cuộc đời còn lại trong tu viện Ri-mi-ni.
Vốn là một người lao động cần cù, thầy được giao quản lý một khu vườn, chẳng bao lâu, thầy đã trở thành một quản đốc cai quản một khu đất rộng lớn. Thầy luôn sẵn lòng đón nhận những công việc nặng nhọc và gian khổ.

Noi gương thánh Ða Minh, thầy luôn tha thiết cầu xin cho các tội nhân được ơn hoán cải. Thầy luôn sống một tinh thần khổ chế phi thường, thầy chỉ nằm ngủ trên một tấm phản trơ trụi, mang trên mình một sợi xích bằng sắt suốt 5 năm liền đến mức người phải chịu đau đớn khủng khiếp khi làm vườn. Thỉnh thoảng người không dùng bữa suốt hai ngày liền. Trong suốt 5 tuần mùa Chay, thầy chỉ dùng bánh mì và uống nước lã. Dù vậy chân phước Xi-mon là một mẫu người hiền lành, niềm nở và rất mực khiêm tốn. Người luôn ân cần dạy giáo lý cho trẻ em trong thành phố và luôn khao khát xin ơn hoán cải những tội nhân cứng đầu cứng cổ.

Khi nghĩ về thời trai trẻ phóng túng của mình, thầy lại cảm thấy phiền muộn và đặc biệt lo lắng cho số phận của những người vô đạo và lạc giáo. Ðiều này đã thôi thúc người luôn cầu nguyện với lòng thống hối và khóc lóc thảm thiết đến độ người bị lòa khi mới có 56 tuổi. Dầu vậy, người vẫn sống rất thọ.

Khi hay tin người qua đời, dân thành Ri-mi-ni lũ lượt kéo đến xin nhận những kỷ vật của người. Tất cả những bộ trang phục của người đã cũ rách tả tơi, vì thế, anh em phải liệu một bộ trang phục mới để vận cho người trong nghi thức tẩm liệm trước khi chôn táng. Kể từ 1817, thi hài của người được an táng tại nguyện đường ở Xanh Ác-xăng-giê-lô.

Lời nguyện : Lạy Chúa, Chúa đã gọi chân phước Xi-mon từ bỏ những vinh hoa của trần thế và ban tặng cho người ân sủng cầu nguyện và đức khiêm nhường. Nhờ dõi bước chân người, xin cho chúng con học biết tìm kiếm một mình Chúa trên thế gian này và đạt được phần thưởng đã được hứa cho những ai thấp hèn. Chúng con cầu xin

Ngày 5 tháng 11
Thánh ÐA MINH HÀ TRỌNG MẬU
Linh mục, tử đạo (1794-1858)

Tiểu sử
Cậu Ða Minh Hà Trọng Mậu sinh năm 1794 tại làng Phú Nhai, phủ Xuân Trường, tỉnh Nam Ðịnh. Cậu xin vào chủng viện và kiên trì học tập cho đến khi thụ phong linh mục. Năm 1829, cùng với 10 linh mục khác trong giáo phận, cha Mậu gia nhập Dòng Ða Minh để có thể kết hợp mật thiết hơn với Chúa và gắn bó với nhau trong sứ mạng rao giảng Tin Mừng. Năm sau cả 11 vị đều được khấn dòng ; trong số này có 7 vị được phúc tử vì đạo.

Trải qua những ngày gian khổ dưới cuộc bách hại đạo của vua Minh Mạng, rồi những ngày bình an hơn thời Thiệu trị, cho đến 10 năm đầy khó khăn thời vua Tự Ðức, cha Mậu luôn tận tụy với đàn chiên. Ngày 27-8-1858 quan quân vây làng Kẻ Ðiền và bắt cha.

Khi bị giải về giam ở Hưng Yên, cha luôn khuyến khích những người cùng cảnh ngộ giữ vững đức tin, dù phải chấp nhận mọi đau khổ. Khi thấy không thể làm gì cho cha bỏ đạo, quan ra án trảm quyết cha Mậu cùng với 21 giáo hữu khác. Khi biết tin này, cha tỏ ra hân hoan, thanh thản chấp nhận án với lòng can đảm. Ngày 5-11-1858, trên đường ra pháp trường, người dẫn đầu đoàn tử đạo. Ðến nơi xử bên bờ sông Hưng Yên, người quì gối cầu nguyện, rồi đưa cổ cho lý hình thi hành án. Thi thể cha được mai táng trong nhà thờ xứ Mai Linh, tỉnh Nam Ðịnh.

Ðức thánh cha Pi-ô XII đã nâng người lên hàng chân phước ngày 29-4-1951. Ngày 19-6-1988, đức Gio-an Phao-lô II đã suy tôn người lên bậc hiển thánh.

Lời nguyện : Lạy Thiên Chúa giàu lòng thương xót, Chúa đã ban cho thánh Ða Minh Hà Trọng Mậu lòng can đảm để trung thành với thập giá của Con Chúa cho dù phải đổ máu đào. Nhờ lời cầu thay nguyện giúp của người, xin cho chúng con biết loan truyền tình yêu Chúa cho anh chị em chúng con, và tin chắc rằng, họ cũng được mời gọi trở nên con cái của Ngài. Chúng con cầu xin

Ngày 6 tháng 11
Chân phước PHAN SINH CA-PI-LA
Chân phước AN PHONG NA-VA-RẾT

Giám mục và các anh em tử đạo - Lễ nhớ (+1648)

Tiểu sử : Ðức giám mục Phan Sinh Ca-pi-la là vị tử đạo tiên khởi ở Trung Quốc.
Chân phước Phan-xi-cô Ca-pi-la là người Tây Ban Nha sinh năm 1608 ở Ban-kê-rin, Cam-pô, thuộc giáo phận Pa-len-xi-a. Người đã lãnh tu phục và học ở tu viện thánh Phao-lô nổi tiếng ở Van-la-đô-líc. Ở đây, người nghe nói nhiều về những sứ vụ truyền giáo mới ở vùng Viễn Ðông. Sau khi lãnh nhận chức phó tế, người xin được sang Phi-líp-pin để hoàn tất chương trình đào tạo và lãnh tác vụ linh mục tại Ma-ni-la. Người đã rao giảng lời Chúa suốt 10 năm tại giáo phận Ca-da-gan. Ðiểm nổi bật trong cuộc đời của người là việc ăn chay trường kết hợp với tinh thần sám hối, vì lòng thương yêu những bệnh nhân nên người xin phục vụ trong bệnh viện do các tu sĩ đảm trách.

Vào năm 1642, cùng với cha Phan Sinh Ði-át, người được cử đi truyền giáo tại Trung quốc. Sau khi cấp tốc học tiếng Hoa, người đi rao giảng Phúc Âm ở tỉnh Phúc Kiến và đã thu hút được nhiều tâm hồn hoán cải. Trước sự việc đó, quan lại ở vùng Phô-gan bị kích động và bắt đầu hãm hại các ki-tô hữu. Hoàng đế Trung Quốc đã điều một sứ giả đến Phô-gan để nghe ngóng dư luận của những người ngoại giáo và bảo vệ các ki-tô hữu. Vụ việc được giàn xếp theo chiều hướng có lợi cho các ki-tô hữu, điều này đã kích động cơn giận dữ của giới cầm quyền địa phương.

Thế là một cuộc thảm sát tàn bạo xảy ra sau đó. Bị bắt giữ và giải đi từ tòa án này đến tòa án khác, song chân phước Phan Sinh với lòng trung kiên đã chịu những khổ hình tàn bạo, khổ hình kẹp chân mà trong đó hai mắt cá chân bị xiết giữa hai tấm ván cho đến khi xương bị trật ra, khổ hình tra tấn bằng roi. Sau đó, dù bị giam trong tù, người vẫn tiếp tục sứ vụ tông đồ của mình bên các bạn tù, người đã hoán cải những giáo dân bị án tử và những người ngoại giáo phạm pháp, đưa họ trở về với Chúa Ki-tô Giê-su. Khi người ta đến tìm bắt người để đưa đi hành hình, họ thấy người đang cầu nguyện và suy gẫm những mầu nhiệm Thương Khó qua việc lần chuỗi kinh Mân côi. Người bị xử trảm vào ngày 15 tháng giêng năm 1648.

Các ki-tô hữu đã chôn táng người với lòng ngậm ngùi thương nhớ, nhưng trong một cuộc bách hại về sau, những kẻ ngoại giáo đã khai quật và quăng hài cốt của người tứ tán. Các anh em tu sĩ chỉ có thể bảo toàn được cái sọ của người. Ðầu tiên họ mang chiếc sọ ấy đến Ma-ni-la, sau đó đến tu viện thánh Phao-lô ở Van-la-đô-líc để bảo quản. Ðức Pi-ô X đã tuyên phong người vào hàng ngũ các thánh tử đạo năm 1909.

Năm 1867, Ðức Pi-ô IX suy tôn lên bậc chân phước cho 205 vị chứng nhân được lãnh phúc tử đạo trong cuộc bách hại khủng khiếp ở Nhật Bản suốt một phần tư đầu thế kỷ XVII và hầu như hoàn toàn giải trừ đạo Công giáo trong suốt hai thế kỷ. Một số tu sĩ thuộc dòng Tên, dòng Phan Sinh, dòng Âu Tinh và Dòng Ða Minh cũng đã lãnh phúc tử đạo tại đây, trong số này, hơn một nửa là tu sĩ Ða Minh cùng các linh mục và các giáo dân thuộc dòng Ba Ða Minh.

Năm 1617, người đầu tiên chịu phúc tử đạo là tu sĩ An Phong Na-va-rết người thành Cát-ti-nê thuộc Tây-ban-nha. Khi ấy người đang giữ chức bề trên phụ tỉnh, vì giàu lòng bác ái nên người được tặng một một biệt danh là "Vinh Sơn Phao Lô" của Nhật Bản. Thật vậy, cùng với một tu sĩ dòng Âu Tinh, người thành lập ở Na-ga-xa-ki những hội từ thiện để săn sóc các bệnh nhân và những trẻ em bị bỏ rơi. Người bị bắt và bị xử trảm ở Ô-mua-ra, nơi đây các ngài đã rao giảng và củng cố lòng can đảm cho các ki-tô hữu đang chịu bách hại.

Tháng 12 năm 1618, chính phủ thành phố Na-ga-xa-ki chặn bắt nhiều nhà truyền giáo, trong số đó có cha An-giê Ô-xu-xi người Ý, và cha An-giê Ða Minh, người Tây Ban Nha, cả hai đều thuộc tỉnh dòng Phi-líp-pin. Các ngài vừa mới đến Nhật vào tháng 8 thì đã bị bắt ; đồng thời chính phủ còn bắt cả những người chủ nhà và những người phụ giúp các ngài. Cha An-giê đã chết rũ tù vào tháng 3 năm sau.

Tháng 5 năm 1619, đến lượt cha Phan Sinh Mô-ra-lê, bề trên giám tỉnh và cha An Phong Mê-na, người sáng lập nên những hội truyền giáo năng nổ ở Nhật, hai vị là người thành Cát-ti-lê thuộc Tây-ban-nha đã làm việc ở Nhật từ năm 1602 đều bị bắt giữ. Cùng một số ki-tô hữu đã cho các ngài ẩn náu, họ bị giải đến nhà tù Ô-mua-ra. Kiểu nhà tù này là một chiếc lồng bằng tre đặt ở trên đỉnh một ngọn đồi và phơi ra giữa trời, chiếc lồng quá chật đến nỗi nhiều tù nhân không thể tìm được chỗ ngả lưng vào ban đêm.

Tháng 8 năm 1620, những tên cướp biển người Anh chiếm một chiếc tàu. Trên tàu này có một tu sĩ dòng Âu Tinh và một tu Dòng Ða Minh là cha Lu-y Phơ-lo-rết, người vùng Phơ-la-man, đã lãnh tu phục ở Mê-hi-cô, thuộc tỉnh dòng Phi-líp-pin. Những tên cướp giao nộp các ngài cho người Hà Lan. Các ngài bị tra tấn và bị giao cho giới cầm quyền thành phố Na-ga-xa-ki. Ý định vượt ngục của cha Phơ-lo-rết đã không thành. Một năm sau, hai cha và thuyền trưởng Fi-ra-gia-ma đã bị thiêu sống ; cùng thông chia phúc tử đạo với các ngài, 10 thủy thủ của tàu vốn đều là thành viên hội Mân côi cũng đã bị xử trảm. Trong đám đông dân chúng chứng kiến cuộc hành quyết, ba tu sĩ Dòng Ða Minh và vô số ki-tô hữu đã cất lên bài thánh thi Ngợi Khen (Magnificat) và thánh thi Lạy Thiên Chúa (Te Deum).

Tháng 4-1621, trong một túp lều neo đơn, cảnh sát bắt được cha Gia Thịnh Óoc-pha-nen người thành Va-len-xi-a thuộc Tây-ban-nha, một thầy giảng và một thầy giúp lễ của người. Họ bị bỏ tù ở Na-ga-xa-ki rồi ở Ô-mua-ra. Ngày 17-8, đến lượt cha Giu-se thuộc tu viện thánh Gia Thịnh, người thành Tê-lê-đan, bị bắt cùng với một thầy giảng và những ki-tô hữu đã che giấu người.

Nhiều người khác đã nối gót họ, trong số đó có tu sĩ Phê-rô Va-két, tu sĩ Lu-i Bê-tran - vị này là cháu của thánh Lu-i Bê-tran- và tu sĩ Ða Minh Cát-ten-lét, họ được mệnh danh là "những người giàu đức hạnh, siêng năng nguyện gẫm và nhiệt tâm với công việc nhà Ðức Chúa Trời." Một trăm người Nhật đã bị bắt ở những thời điểm khác nhau và thuộc các dòng khác nhau. Chín vị đã lãnh tu phục ở bậc tư giáo và ở bậc trợ sĩ theo giúp các linh mục trong việc dạy giáo lý ; những vị khác và con cái của họ đều thuộc Dòng Ba Ða Minh hoặc thành viên của hội Mân Côi.

Ngày 10-9-1622 là ngày diễn ra một cuộc đại hành quyết ở thành phố Na-ga-xa-ki, những vị tử đạo bị bắt năm 1597 đã chịu đóng đinh trên một ngọn đồi. Các tu sĩ, thầy dạy giáo lý và một số vị khác bị quy kết là những tội phạm nguy hiểm, nên họ bị thiêu sống hoặc xử trảm.

Hai ngày sau, tức ngày 12 tháng 9, chính phủ Na-ga-xa-ki chuyển giao tất cả những người còn bị giam giữ cho giới cầm quyền ở Ô-mua-ra để thiêu sống họ. Trong đó có cha Tô-ma Giu-ma-ra-ga, một tu sĩ Ða Minh người Tây Ban Nha, đã làm việc ở Nhật từ năm 1602, người đã tổ chức những buổi rước long trọng ở Na-ga-xa-ki vào năm 1614 để gia tăng lòng tin cho những tín hữu bị bách hại. Người bị bắt vào năm 1617 cùng với hai thầy dạy giáo lý người Nhật, hai vị này đã lãnh tu phục Dòng Ða Minh và cùng chịu khổ hình với cha Tô-ma Giu-ma-ra-ga.

Ðến thế kỷ XIX, khi những nhà truyền giáo tái lập công cuộc rao giảng Tin Mừng ở Nhật bản, các ngài nhận thấy các cộng đoàn ki-tô hữu vẫn nhiệt thành sống niềm tin của họ cách vẹn toàn, mặc dù không có sự trợ giúp của một linh mục nào cả. Trong hoàn cảnh như vậy, chính nhờ việc cầu nguyện bằng chuỗi kinh Mân côi mà họ đã duy trì được đời sống thiêng liêng và củng cố niềm tin thêm lớn mạnh.

Bài đọc : Kn 10,17-20 ; Cv 20,22-32; Tin Mừng : Ga 15,18-21

Lời nguyện : Lạy Thiên Chúa toàn năng giàu lòng thương xót, cũng như Chúa đã dùng lời giảng của các chân phước Phan Sinh, An-phong và các bạn tử đạo, mà ban cho các dân tộc Viễn Ðông nhận biết Con Một Chúa, chúng con tha thiết nài xin Chúa, nhờ lời các ngài cầu thay nguyện giúp, ban cho các dân tộc ấy được can trường giữ vững đức tin. Chúng con cầu xin

Ngày 7 tháng 11
CÁC THÁNH D̉NG ANH EM THUYẾT GIÁO
Lễ kính

Hôm nay, chúng ta thành kính tưởng nhớ các anh chị em diễm phúc trong Gia đ́nh Đa Minh, đă ra đi trước chúng ta, để lại gương sáng trong nếp sống, t́nh thân ái, sự hiệp thông, và sự phù trợ bằng lời chuyển cầu. Chúng ta hăng say noi gương các vị để được vững vàng trong ơn gọi theo chân Chúa Ki-tô (Xc. HP số 67, III).

Bài đọc : Hc 44,1-15 ; 2Cr 6,4-10; Tin Mừng : Mc 10, 28-30

Lời nguyện : Lạy Chúa là gương mẫu mọi sự toàn thiện, Chúa ban cho Giáo hội đủ mọi thánh ân nhằm xây dựng nhiệm thể Chúa Ki-tô. Xin cho chúng con ngày nay được theo bước các thánh trong gia đ́nh Đa Minh để mai sau được hưởng vinh quang cùng các vị ấy. Chúng con cầu xin

Ngày 7 tháng 11
THÁNH VINH SƠN PHẠM HIẾU LIÊM
Linh mục, tử đạo (1732-1773)

Tiểu sử
Cậu Vinh Sơn Phạm Hiếu Liêm sinh năm 1732 tại Thôn Ðông, làng Trà Lũ, phủ Thiên Trường, tỉnh Nam Ðịnh. Cậu vào tu trong nhà Ðức Chúa Trời tại địa phương do các cha Dòng Ða Minh coi sóc. Sau vài năm, cậu được gửi đi du học tại Phi-líp-pin và theo học tại trường Gio-an La-tê-ra-nô tại tỉnh Ma-ni-la.

Sau năm học hành thành công xuất sắc, thầy Liêm xin nhập Dòng Ða Minh và lãnh tu phục ngày 9-9-1753. Năm sau, thầy tuyên khấn trọng thể tại dòng. Tiếp đó, thầy học thêm 4 năm thần học và lãnh tác vụ linh mục năm 1758.

Thụ phong linh mục rồi, cha Liêm chuẩn bị trở về phục vụ quê hương. Ngày 20-1-1759, cha về đến Việt Nam và được bổ nhiệm làm giáo sư chủng viện Trung Linh. Cha đem hết tài trí và nhiệt thành truyền đạt cho các chủng sinh những kiến thức cha đã thu thập được. Nhưng nguyện vọng của cha là loan báo Tin Mừng bình an cho anh em. Và chẳng bao lâu, cha rời chủng viện và dấn thân vào con đường truyền giáo.

Hoạt động của cha không chỉ hạn hẹp trong các giáo xứ, mà còn mở rộng đến các làng ngoại giáo, bất chấp những khó khăn nguy hiểm của thời cấm cách. Với lòng nhiệt tình, yêu thương giúp đỡ mọi người nên ai ai cũng hết lòng thương mến. Dầu thành công trong công tác, cha Liêm không bao giờ tự mãn với chính mình.

Ngày 1-10-1773, cha Liêm đi giảng cho họ Lương Ðống, chuẩn bị mừng lễ Ðức Mẹ Mân Côi, thì bị bắt. Sau một trận đòn chí tử, họ trói cha và hai cậu giúp lễ là Mát-thêu Vũ và Giu-se Bích rồi đem giải về Thiên Nam ngày 16 tháng 10. Ở đây, cha Liêm gặp một linh mục cùng dòng, cha Cát-nê-đa Gia đã bị giam ở đó. Hai anh em sung sướng cùng chia ngọt sẻ bùi trong cảnh tù đày. Ngày 20-10, quan trấn trao hai cha cho quan phủ Thần Khê để giải về Thăng Long, ra mắt chúa Trịnh Sâm.

Ngày 27-11, hai cha bị đem đi xử. Hai vị anh hùng đức tin đã vui mừng đọc kinh Tin Kính và hát kinh Lạy Nữ Vương trên đường ra pháp trường Ðồng Mơ. Những nhát gươm định mệnh giúp hai vị hoàn tất sứ mệnh, chứng tá tuyệt hảo cho Ðức Ki-tô. Thi hài các ngài được rước về an táng tại Trung Linh.

Ðức thánh cha Pi-ô X đã phong chân phước cho các ngài vào ngày 20-5-1906. Ðức thánh cha Gio-an Phao-lô II đã phong hiển thánh cho các ngài ngày 19-6-1988. Riêng thánh Vinh Sơn Phạm Hiếu Liêm, nhiều trường học đã nhận người làm bổn mạng, trong đó có trường cao đẳng Gio-an La-tran ở Phi-líp-pin.

Lời nguyện : Lạy Chúa, Chúa đã ban cho Hội Thánh Việt Nam nhiều chứng nhân anh dũng biết hiến dâng mạng sống để hạt giống đức tin trổ sinh hoa trái dồi dào trên quê hương đất nước chúng con. Xin nhận lời các ngài chuyển cầu mà cho chúng con biết noi gương các ngài để lại : luôn can đảm làm chứng cho Chúa và trung kiên mãi đến cùng. Chúng con cầu xin

Ngày 7 tháng 11
THÁNH GIA THỊNH CÁT-TA-NÊ-ÐA GIA
Linh mục, tử đạo (1743-1773)

Tiểu sử
Cậu Gia Thịnh Cát-ta-nê-đa sinh ngày 13-1-1743 tại Gia-ti-va, thuộc giáo phận Va-len-xi-a, Tây Ban Nha. Cậu đã sớm có một tâm hồn cao quý là hiến dâng cuộc đời phụng vụ Chúa và truyền giảng Tin Mừng cho thế giới. Ðể thực hiện lý tưởng cao cả đó, cậu đã gia nhập Dòng Ða Minh tại tu viện thánh Phi-líp-phê ở Va-len-xi-a.

Lòng nhiệt thành truyền giáo đã đưa thầy Gia đến Phi-líp-pin năm 1762. Sau khi thụ phong linh mục, cha tình nguyện đi loan báo Tin Mừng ở Trung Quốc, dù Trung Quốc đang trong tình trạng cấm cách, cha đã đến Trung Quốc tháng 4-1766. Sau 3 năm nhiệt thành phục vụ, ngày 18-7-1769, cha bị bắt giam ở Phúc Kiến (Trung Quốc) và bị trục xuất về Ma-cao.

Không nản chí và cũng không chùn bước, tại Ma-cao, khi gặp hai cha dòng khác từ Ma-ni-la tới để đi Việt Nam, cha Gia liền xin bề trên cho phép đồng hành sang Việt Nam. Ngày 23-2-1770, cha Gia ở lại Trung Linh học tiếng và phong tục Việt trong sáu tháng, sau đó được gởi đi truyền giáo ở khu Lai Ôn, Kẻ Diền, phủ Thái Ninh.

Ba năm truyền giáo đã trôi qua, ngày 12-7-1773, sau khi ban bí tích cho một bệnh nhân ở Lai Ôn, cha Gia về Kẻ Diền thì lọt vào vòng vây của quan phủ Thần Khê, cha bị giải nộp lên quan trấn thủ Sơn Nam ở Hưng Yên và cha bị tống giam vào ngục.

Giữa tháng 10-1773, cha hân hoan gặp một tù nhân mới, linh mục Vinh Sơn Liêm bị bắt ngày 2-10 tại Lương Ðống. Thật là một niềm vui lớn, hai anh em cùng dòng từ nay sẽ đồng hành với nhau trong ngục tù cũng như trong vinh quang tử đạo. Ngày 20-10, quan trấn truyền đóng gông hai cha có ghi hai chữ "Hoa Lang Ðạo Sư", rồi trao lại cho quan phủ Thần Khê áp giải lên Thăng Long.

Tại kinh thành Thăng Long, hai linh mục có cơ hội trao đổi về giáo lý với các quan. Cuộc tranh luận đáng ghi nhớ nhất là " Hội Ðồng Tứ Giáo", giữa đại diện bốn tôn giáo : Khổng giáo, Lão giáo, Phật giáo và Thiên Chúa giáo. Cha Gia với những kinh nghiệm giảng đạo ở Phúc Kiến, đã thành thạo trưng dẫn những điển tích châm ngôn của Trung Quốc, khiến viên quan tổ chức phải hết sức khâm phục.
Nhưng số phận của hai cha đã được định đoạt sẵn trong chiếu chỉ của phủ chúa. Ngày 4-11-1773, sau một buổi nghị án, chúa Trịnh Sâm tuyên án trảm quyết cả hai vị.

Ngày 7-11-1773, quan quân điệu hai vị tông đồ đến pháp trường Ðồng Mơ ngoài thành Thăng Long thi hành bản án. Trên đường, hai vị cùng thầm thĩ nguyện xin Chúa thứ tha mọi lỗi lầm, đọc Kinh Tin Kính và hát kinh Lạy Nữ Vương (Salve Regina). Thi hài hai vị tử đạo được an táng trọng thể ở nhà thờ Trung Linh. Ngày 20-5-1906, đức giáo hoàng Pi-ô X đã suy tôn hai chứng nhân anh hùng lên bậc chân phước. Ngày 19-6-1988, đức giáo hoàng Gio-an Phao-lô II đã nâng các ngài lên hàng hiển thánh.

Lời nguyện : Lạy Chúa, Chúa đã ban cho Hội Thánh Việt Nam nhiều chứng nhân anh dũng biết hiến dâng mạng sống để hạt giống đức tin trổ sinh hoa trái dồi dào trên quê hương đất nước chúng con. Xin nhận lời các ngài chuyển cầu mà cho chúng con biết noi gương các ngài để lại : luôn can đảm làm chứng cho Chúa và trung kiên mãi đến cùng. Chúng con cầu xin

Ngày 14 tháng 11
Chân phước LU-XI-A NA-NI
Nữ tu (+1503)

Tiểu sử
Tiểu sử của chân phước Lu-xi-a Na-ni rất thi vị, được trình bày dưới dạng phóng tác. Chân phước có tên gọi Lu-xi-a Na-ni, chị sinh tại thị trấn Om-bơ-ri-ê, nhưng phần lớn cuộc đời chị sống tại Phe-ra-rê. Hầu như toàn bộ cư dân trong thị trấn nhỏ bé của chị đều làm chứng rằng, thời thơ ấu của chị đã dệt nên nhiều câu chuyện rất ly kỳ, vừa duyên dáng lại vừa hồn nhiên biết bao.

Thật vậy, năm 12 tuổi chị Lu-xi-a đã dâng mình cho Chúa bằng lời khấn được chuẩn nhận qua một vị linh mục là cha giải tội của chị, và là bề trên của một tu viện Ða Minh. Thân phụ muốn chị lập gia đình, nhưng chị một mực từ chối. Sau khi thân phụ qua đời, các anh em của chị lại lôi kéo chị vào các cuộc vui chơi, lễ hội và sự xa hoa của một vị lãnh chúa đã từng có những quan hệ thân thiết với họ. Ngày nọ, chị được mời đến đại sảnh của toà lâu đài, nhưng chị không biết là để ra mắt với một thanh niên, tại đây còn có sự hiện diện của gia đình hai họ và hai vị chứng hôn. Người chú của chị liền tuyên bố rằng, chàng thanh niên này sẽ là chồng của chị, rồi ông nắm tay chị đặt vào tay chàng thanh niên để anh ta trao nhẫn cho chị. Bất ngờ như sét đánh ngang tai, chị Lu-xi-a tháo nhẫn ra quăng dưới chân đám đông, rồi táng cho "vị hôn phu" một cái tát nảy lửa, đoạn chạy trốn khỏi nơi đó.

Ít lâu sau, đến lượt bá tước Phê-rô ở Mi-lăng. Vốn lâu nay đã si mê sắc đẹp của chị, ông đến xin cầu hôn và chị bị ép phải nhận lời. Chị vẫn khăng khăng phản đối, cuối cùng chị bị té xỉu rồi ngã bệnh trầm trọng. Ðức Trinh Nữ Ma-ri-a, thánh Ca-ta-ri-na Xi-ê-na và thánh Ðô-mi-ti-lê hiện ra bảo chị nên lập gia đình, ít nhất là theo những hình thức bên ngoài. Chị liền chạy đến xin sự hướng dẫn của cha giải tội. Năm đó chưa đầy 16 tuổi, chị nhận lời bá tước Phê-rô, nhưng lại tuyên bố thẳng thắn với ông rằng, chị đã thuộc về Thiên Chúa qua lời khấn, nên chị chỉ có thể ưng thuận cuộc hôn nhân này với điều kiện là được tự do giữ mình thanh khiết. Bá tước Phê-rô cứ đinh ninh rằng, từ từ cũng sẽ thuyết phục được vợ. Thế nhưng, khi thì dùng những lời đe dọa, lúc thì tỏ thái độ trìu mến, hoặc những tình huống bất ngờ, bá tước vẫn không thể nào khuất phục được chị. Chị nằm ngủ trên đất, ăn chay và cầu nguyện liên lỉ.

Trong giai đoạn này, dù mới hơn kém 16 tuổi, chị đã khéo léo điều hành mọi sinh hoạt trong gia đình cùng với các gia nhân một cách thành thạo. Tuy nhiên, cung cách điều hành các gia nhân và đường lối huấn luyện đạo đức của chị xem ra ngày nay khó có thể chấp nhận được. Ngày ngày, họ cùng lần chuỗi Mân côi với nhau, chịu Mình Thánh Chúa trong các dịp lễ, khiển trách những người ăn nói buông tuồng, sa thải nhửng những người thiếu đức độ... Ðồng thời, chính chị lại nhận công việc đi giặt quần áo ở ven sông, đội chúng lên đầu, rồi băng qua một con đường mòn để về nhà.

Thế còn chồng của chị thì sao ? Ông mòn mỏi chờ đợi trong âm thầm và cảm phục đức hạnh của vợ. Nhưng thời gian vẫn cứ trôi đi, ông nổi cáu và bắt đầu nghi ngờ về sự không chung thủy của vợ. Ðôi khi có những hoàn cảnh mà chúng ta phải đặt mình vào mới có thể hiểu biết và cảm thông ! Ngày nọ, khi chị Lu-xi-a lánh mình vào nơi hoang vắng, thánh Ða Minh và thánh Phê-rô Vê-rô-na phải hiện ra để thuyết phục về vai trò của chị là phải có mặt ở gia đình. Khi chị trở về, vị bá tước hay biết chị đã vắng nhà suốt đêm nên ra lệnh nhốt chị vào ngục tối, chỉ cho bánh mì và nước lã, rồi bỏ chị ở đó suốt mùa Chay. Vào dịp lễ Phục sinh, ông trả tự do cho chị và nói rằng, từ nay chị có thể cứ sống theo như ý muốn của mình. Chị Lu-xi-a đồng ý và lập tức trở về nhà thân mẫu. Chị xin cha giải tội cho chị được gia nhập dòng Ba Ða Minh. Cha vốn là người khôn ngoan và cẩn trọng, nên cần phải làm nhiều cuộc điều tra kỹ lưỡng. Thế nhưng, cha chợt nghĩ rằng, chắc hẳn đây là việc của Chúa Thánh Thần, nên đã giúp chị được thỏa lòng ước nguyện.

Trong cơn giận dữ, chồng của chị đã phóng hỏa tu viện. Chị Lu-xi-a trước tiên được gởi đến Rô-ma, rồi đến Vi-te-bê trong một đan viện của các nữ tu để tránh những cuộc trả thù. Tại đây, chị bắt đầu đối diện với những thử thách thật khủng khiếp, chị được ghi năm dấu thánh và được ơn xuất thần chiêm ngưỡng cuộc Vượt Qua của Chúa Giê-su. Trong đêm 24 rạng ngày 25 tháng 2 năm 1496, cũng là ngày thứ sáu trong tuần thứ hai mùa Chay, 26 chị em trong cộng đoàn đã chứng kiến cảnh tượng này và họ bị cuốn hút theo dõi một cách chăm chú trong suốt 12 giờ liền. Các cuộc điều tra của Giáo hội về sự kiện này đã đưa ra nhiều bằng chứng và cả những phản chứng nữa, bởi lẽ không có nhân chứng nào đệ trình cho hội đồng giám định biết về sự kiện chị Lu-xi-a được in dấu thánh. Những hiện tượng này tái diễn nhiều lần trong suốt ba năm rưỡi. Năm 1497, sự kiện này trước tiên được giao cho một tu sĩ Ða Minh ở Ga-ri-nha-nô điều tra, biên bản vẫn còn được lưu giữ tại công hàm của toà thánh Va-ti-ca-nô ; rồi tiếp đến là cuộc điều tra của A-lê-xan-đơ Bóoc-gia ; tuy vậy, vẫn chưa đủ những chứng cớ để quả quyết đây là một sự kiện thần bí. Cuối cùng toà thánh đành phải triệu chị Lu-xi-a về Rô-ma để điều tra. Tất cả đều công nhận tính xác thực của sự kiện. Ðến lượt mình, bá tước Phê-rô cũng đến Vi-te-bê để thăm vợ. Bà nói với chồng về Chúa bằng một tâm tình sốt mến đến nỗi ngay lập tức ông quyết định từ bỏ thế gian và gia nhập dòng Anh em Hèn mọn. Tại đây, ông đã sống trọn quãng đời còn lại trở thành một nhà giảng thuyết nổi tiếng.

Quận công Héc-quyn Phe-ra-rê vốn luôn sống trong những ảo tưởng về tiếng tăm của mình, hơn nữa lại còn theo đuổi cuộc chạy đua giữa vùng Phe-ra-rê và Phi-ren-xê về sự hào nhoáng và về học thức. Ngày ngày, ông tổ chức các buổi lễ hội linh đình, sẵn sàng bỏ ra một số tiền lớn để mua vui cho giới thường dân, tổ chức các vũ hội cho giới quí tộc, và thuê mướn đào kép trình diễn tấu hài. Tuy nhiên, ông cũng tỏ bày ưu tư về tôn giáo và các sự kiện thần bí nên thường mời những người nổi tiếng trong lĩnh vực này đến. Khi nghe biết về chị Lu-xi-a ; ông đệ trình lên đức giáo hoàng một thỉnh nguyện muốn xin chị Lu-xi-a đứng ra thiết lập một đan viện tại Phe-ra-rê và ông cam kết sẽ trang trải mọi phí tổn cho việc xây cất. Ðức giáo hoàng A-lê-xan-đơ VI đã chấp thuận lời thỉnh nguyện của ông.

Ðây là một câu chuyện thật rắc rối và kéo dài gần hai năm, từ tháng 8 năm 1497 đến tháng 4 năm 1499. Ðức giáo hoàng yêu cầu chị Lu-xi-a đi Phe-ra-rê nhưng các giới chức ở Vi-te-bê không tán thành. Vì âm mưu chiếm đoạt bị thất bại, thế là toà thánh huy động một đội quân tinh nhuệ để bắt cóc chị Lu-xi-a nhân dịp chị hành hương đến La Kê-xi-a. Ðối lại, các quan chức tại Vi-te-bê cũng triệu tập 200 kỵ sĩ và cả bộ binh để đương đầu với cuộc bắt cóc này. Mặc cho sự can thiệp của nhiều hồng y, bề trên tổng quyền Dòng Ða Minh, hai chiếu chỉ của toà thánh, 60 bức thư thương thuyết và đông đảo các sứ giả từ Vi-te-bê được gởi đến hội đồng tòa thánh, sự hiểu lầm giữa các anh em Ða Minh với nhau... quận công Phe-ra-rê vẫn gia tăng âm mưu bằng cách chi một khoảng tiền lớn để đút lót cho những người không chịu nhượng bộ... Cuối cùng, đức ông Phê-li-nô đã hối lộ tổng trấn Vi-te-bê, ngày 14-4-1499, ông tổng trấn đã để chị Lu-xi-a trốn thoát trên lưng lừa, ẩn núp trong một chiếc giỏ lớn ngụy trang đầy vải sợi.... Viên đá đầu tiên của đan viện được đặt tại Phe-ra-rê và chị Lu-xi-a bắt đầu tập hợp các chị em Dòng Ba trong một tu viện tạm thời. Nhưng quận công đã vận dụng quá mức sự độc tài để gia tăng nhân sự cho cộng đoàn mới này, ông buộc các chị em trong các cộng đoàn khác phải gia nhập vào cộng đoàn này. Chỉ trong vòng 10 tháng sau khi mở cửa đan viện, số con cái của chị Lu-xi-a đã lên tới 59 người. Tuy nhiên, điều này đã dẫn đến nhiều chống đối...

Vào ngày 5-8-1501, chị Lu-xi-a và các chị em khánh thành tu viện ; các cơ quan truyền thông của chính phủ đã đưa tin về lễ khánh thành như là một sự kiện mang tầm mức quốc gia. Quận công làm giàu thêm cho đan viện bằng việc đặt các tác phẩm nghệ thuật trong nguyện đường, trang bị nhiều pho sách quý cho thư viện và lưu giữ các di tích thánh. Quận công Héc-quyn vẫn đeo đuổi giấc mộng hoang tưởng. Ông đã áp đặt ý muốn của mình để sai bảo các nữ tu. Thật vậy, ông đã dùng ảnh hưởng của nàng Lúc-re-xê Bóoc-gia là vị hôn thê của con trai mình để đưa 11 nữ tu đến đan viện của chị Lu-xi-a ở Phe-ra-rê nhân dịp đưa dâu. Trong thời gian diễn ra những lễ hội kỳ quặc của đám cưới, cùng với hai vũ công tháp tùng hai bên, quận công dẫn các sứ giả đến đan viện để ghi nhận những vết tích chịu nạn của chị Lu-xi-a và họ đã bị cảm hóa bởi những cuộc đối thoại với chị. Ông còn bắt 10 nữ tu khác từ Dòng Cả (Grand Ordre) chuyển đến đan viện của chị Lu-xi-a, điều này đã dẫn tới sự xáo trộn khủng khiếp...

Cái chết của quận công vào năm 1505 là dấu hiệu của sự biến động hoàn toàn : tu viện rơi vào tình trạng kiệt quệ về tài chính, 50 nữ tu phải tự sinh sống khổ cực và nhọc nhằn. Ít lâu sau, chị Lu-xi-a bị rơi vào quên lãng, dù trước đây đã có rất nhiều người yêu mến và ca ngợi chị. Trong suốt 40 năm sống nhờ vào sự trợ giúp của vị ân nhân độc tài và gàn dở, trước hết chị bị mọi người ghét bỏ, sau đó chẳng còn ai lưu tâm đến chị nữa. Lúc chị qua đời, người ta hoàn toàn bất ngờ khi hay tin này, vì người ta đinh ninh rằng chị đã chết từ lâu rồi... Suốt 40 năm cuối đời của chị là một chuỗi những nhục nhã trường kỳ : hạn chế tiếp khách, ngoại trừ với cha giải tội đã được chỉ định, hạn chế ra ngoài, luôn có một chị em được giao trách nhiệm kiểm soát mọi hành động của chị ; cấm các chị em tới gần ngay cả trong những lúc chị bệnh hoạn. Chị tự giam mình trong tình trạng tĩnh lặng, xem mình như kẻ tội lỗi phải gánh chịu tất cả, và cầu nguyện trong cô tịch. Mãi đến khi chị qua đời, những dư luận trước kia dân chúng áp đặt cho chị nay hoàn toàn đổi thay. Chị được mai táng tại nghĩa trang của tu viện, sau đó cải táng đến nguyện đường. Dân chúng thường đến cầu nguyện trên mộ của chị và nhiều phép lạ đã xảy ra. Dân thành Phe-ra-rê tôn nhận chị làm đấng bảo trợ, và hiện nay thi hài của chị được đặt tại nhà thờ chính tòa của thành phố, nơi đây trở thành mục tiêu của các cuộc viếng thăm. Người ta có thể nhìn thấy vết đinh được in dấu trên bàn tay của chị. Ðức Cơ-lê-men-tê XI đã tôn phong chị lên bậc chân phước năm 1710.

Lời nguyện : Lạy Chúa là Ðấng rất mực thánh thiện, Chúa đã trang điểm cách tuyệt vời cho chân phước Lu-xi-a bằng những dấu tích cuộc Vượt qua của Con Chúa và bằng những ân huệ của đức trinh khiết và lòng kiên nhẫn. Nhờ lời cầu bầu của người, xin cho chúng con đừng bao giờ bị khuất phục bởi những nghịch cảnh hay những cám dỗ thế trần. Chúng con cầu xin

Ngày 14 tháng 11
Chân Phước GIO-AN LI-XI
Linh mục (+1511)

Tiểu sử
Cậu Gio-an Li-xi sinh vào đầu thế kỷ XV tại Các-ca-mô thuộc tỉnh Xi-xi-li-a, cách thành phố Pa-lê-mô khoảng 40 cây số về phía Nam. Cậu sinh trưởng trong một gia đình rất túng bấn, thân mẫu qua đời khi cậu vừa tròn 6 tháng tuổi ; vì thiếu hiểu biết nên thân phụ nuôi cậu bằng nước cốt trái lựu. Nếu không có người phụ nữ tốt bụng cho cậu bú, chắc hẳn cậu đã chết vì chế độ dinh dưỡng không đạt yêu cầu. Ngay từ tấm bé, cậu đã thể hiện lòng mộ đạo rất sâu xa, đặc biệt là đối với việc suy tôn Thánh giá. Cậu ăn chay ngày thứ tư và thứ sáu hàng tuần, dành nhiều thời giờ cho việc cầu nguyện.
Khi lên 15 tuổi, cậu đến thàng phố Pa-lê-mô, tại đây cậu gặp chân phước Phê-rô Giê-rê-mi-a, vị này hăm hở tiếp đón cậu rồi giới thiệu cậu vào Dòng Ða Minh. Sau khi được trao tác vụ linh mục, người trở thành một tông đồ nhiệt thành và hăng say cổ võ lòng sùng kính Mẹ Ma-ri-a qua việc lần chuỗi Mân Côi. Cha rất dễ xúc động trong khi thuyết giảng, điều này làm cho lời giảng của cha có sức thuyết phục phi thường. Vì thế, cha đã hoán cải được nhiều tội nhân cứng cỏi.

Cha là người sáng lập và là bề trên tiên khởi của tu viện tại thành phố nơi người sinh trưởng, thuộc tỉnh Xi-xi-li-a. Cha luôn làm việc nghiêm túc với ý hướng xây dựng và nâng cao đời sống kỷ luật tu trì.

Cha qua đời vào năm 1511. Tương truyền rằng, người sống thọ đến 120 tuổi, nhưng khi nghiên cứu những nguồn tài liệu chuẩn xác, cho ta biết, cha sống thọ khoảng 70 đến 80 tuổi. Phải mất đến 3 ngày anh em mới có thể hoàn thành việc mai táng cha Gio-an Li-xi, vì hàng ngày dân chúng lũ lượt kéo đến vây quanh thi hài của người và xin người cầu giúp nguyện thay. Cha Gio-an Li-xi đã được tôn phong lên hàng chân phước năm 1753.

Lời nguyện : Lạy Thiên Chúa giàu lòng từ bi, Chúa đã làm cho chân phước Gio-an nên rạng ngời về sự hy sinh và lòng nhiệt thành tỏ lộ tình thương của Chúa đối với người nghèo. Xin cho chúng con biết noi gương người, nỗ lực làm đẹp lòng Chúa bằng cách tận tình giúp đỡ anh chị em chúng con trong Chúa Ki-tô. Chúng con cầu xin

Ngày 15 tháng 11
THÁNH AN-BE-TÔ CẢ
Giám mục (+1280)

Tiểu sử
Thánh An-be-tô sinh tại La-vin-gi-a, xứ Xơ-vê-vi-a nước Ðức, vào cuối thế kỷ XII hay đầu thế kỷ XIII. Tốt nghiệp đại học Pa-ta-vi-a, thánh An-be-tô lãnh tu phục Dòng Ða Minh do chính chân phước Giô-đa-nô-nô Xa-xô-ni-a trao.

Từ năm 1242-1248, thánh An-be-tô làm giáo sư tại Pa-ri. Trong số các môn sinh của người, có thánh Tô-ma A-quy-nô là xuất sắc nhất. Với trí óc quảng bác, thánh An-be-tô đã dạy cho các sinh viên, từ khắp nơi quy tụ về Pa-ri, một khoa học mới, là khoa triết lý của A-rít-tốt, dựa theo bản dịch của người Do Thái và Ả-rập. Năm 1248, thánh An-be-tô làm viện trưởng học viện mới được thành lập tại Cô-lô-ni-a, và thánh Tô-ma A-quy-nô cũng theo người về đây. Sau khi đã đảm nhận nhiều chức vụ khác nhau, người được bầu làm giám tỉnh tỉnh dòng Ðức. Người đã cùng với thánh Bô-na-ven-tu-ra quyết liệt biện hộ cho các dòng hành khất được quyền giảng dạy trong các đại học.

Năm 1260, người được tấn phong làm giám mục thành Ra-tít-bon, nhưng hai năm sau, vì nghĩ mình bất xứng, người xin từ nhiệm để trở về với công việc nghiên cứu. Người đã tài tình liên kết đức khôn ngoan của chư thánh với kiến thức nhân loại. Vốn lừng danh vì các tác phẩm đã biên soạn và tài sư phạm, người còn lẫy lừng hơn nữa bởi đức độ vẹn toàn và đức ái mục vụ. Người cũng nổi tiếng về lòng tôn sùng bí tích Thánh Thể và kính mến Ðức Trinh nữ, Ðấng đã củng cố người trong chí hướng tu trì. Người để lại nhiều tác phẩm thánh khoa cũng như khoa học đặc sắc. Người được xứng đáng mệnh danh là "Tiến sĩ bách khoa" và "Tôn sư". Người qua đời ngày 15-11-1280 tại Cô-lô-ni-a.

Năm 1459, Ðức Pi-ô II tôn phong người vào hàng những tiến sĩ thánh thiện của Hội Thánh. Ngày 16-12-1931, Ðức Pi-ô XI tuyên dương người là hiển thánh. Ðức Pi-ô XII đặt người làm bổn mạng các khoa học tự nhiên.

Bài đọc : Hc 6,18-21.33-37;Gc 3,13-18 Tin Mừng : Mt 25,14-23

Lời nguyện : Lạy Chúa, Chúa đã cho vị thánh chúng con mừng kính hôm nay
xứng danh là An-be-tô Cả, vì đã tìm phối hợp kiến thức loài người
với chân lý mạc khải. Xin cho chúng con biết thụ giáo với thánh nhân
để càng tiến bộ về khoa học, chúng con càng hiểu biết và yêu mến Chúa hơn. Chúng con cầu xin

Ngày 19 tháng 11
Chân phước GIA-CÔ-BÊ BÊ-NÊ-PHÁT-TI
Giám mục (+1332)

Tiểu sử
Chân phước Gia-cô-bê Bê-nê-phát-ti chào đời tại thành phố Man-tua khoảng cuối thế kỷ XIII. Người vào tập viện Dòng Ða Minh tại thành phố nơi người sinh trưởng. Tại đây, người đã trở nên thân thiết với tu sĩ Ni-cô-la Bô-ca-xi-nô, sau này, tu sĩ Ni-cô-la được ủy thác trách vụ chủ chăn Giáo hội, với hiệu tòa là Biển Ðức XI. Mối giao hảo bằng hữu này đã định hình con đường sự nghiệp của người.

Khi cha Ni-cô-la Bô-ca-xi-nô trở thành bề trên tổng quyền năm 1296, cha cử tu sĩ Gia-cô-bê làm phụ tá. Năm 1298, khi được tấn phong chức hồng y, cha Ni-cô-la Bô-ca-xi-nô đã coi tu sĩ Gia-cô-bê vừa là một cố vấn, vừa là bạn đồng hành. Năm 1303, đức hồng y Bô-ca-xi-nô trở thành giáo hoàng, tu sĩ Gia-cô-bê vẫn là một cánh tay đắc lực cho đức thánh cha. Thực vậy, nhờ tài cố vấn khôn khéo của các đồng sự mà đức thánh cha có đủ nghị lực để đối đầu với cuộc kháng cự của phái A-nha-ni.

Một năm sau đó, tức năm 1304, khi Ðức Biển Ðức XI băng hà, đức Gio-an XXII lên kế nhiệm đã tấn phong cha Gia-cô-bê lên chức giám mục giáo phận Man-tua. Trong suốt thời gian tại chức, người nổi tiếng về tinh thần yêu hòa bình và đưa ra giải pháp nhằm xóa bỏ những hiềm thù và xung đột giữa tầng lớp qúi tộc và tầng lớp tư sản công hầu vương bá ở thành phố Man-tua.

Trong thời gian xảy ra nạn dịch hạch và đói kém, đức giám mục Gia-cô-bê đặc biệt quan tâm đến những người bất hạnh. Người đã nuôi nấng và săn sóc họ bằng chính đôi tay của mình, vì thế người được mệnh danh là "cha của những kẻ khốn cùng". Người qua đời vào ngày 19 tháng 11 năm 1332, sau đó được công nhận là một vị thánh hay làm phép lạ, vì nhiều phép lạ đã được trao ban qua tay người. Ðức Pi-ô IX đã tôn phong người lên hàng chân phước năm 1859.

Lời nguyện : Lạy Thiên Chúa là Ðấng hằng hữu, Chúa đã ban cho chân phước Gia-cô-bê trở nên mẫu mực cho đàn chiên Chúa cũng như làm cho người nên rạng ngời vì nhiệt tâm xây dựng hoà bình và lòng thương xót đối với dân Chúa. Nhờ lời người cầu giúp nguyện thay xin cho chúng con được liên kết với lời chân lý của Ngài và hết lòng yêu thương tha nhân. Chúng con cầu xin

Ngày 25 tháng 11
Chân phước MA-GA-RI-TA XA-VA
Nữ tu (1382-1464)

Tiểu sử
Chị Ma-ga-ri-ta chào đời 1382, xuất thân từ dòng dõi quý tộc nổi tiếng của bậc công hầu vương bá xứ Xa-voa . Theo sự xếp đặt của song thân, chị kết hôn với công tước xứ Mông-phơ-rát. Sau khi gặp cha Vinh Sơn Phe-ri-ê ở miền Thượng nước Ý, chị đặt mình theo sự hướng dẫn của cha Vinh Sơn và nhanh chóng tiến bước theo tiếng gọi của Thiên Chúa.

"Ðược tự do sau cái chết của chồng mình", như chị đã thân ái bộc bạch với người giúp việc, chị quyết định hiến dâng đời mình cho Chúa và khấn giữ khiết tịnh. Sau khi lãnh tu phục dòng Ba Ða Minh, chị bắt đầu tiếp cận với công việc bái ái như viếng thăm những người nghèo khổ và bệnh tật, quảng đại phân phát tài sản của mình, tận tình săn sóc những người mắc bệnh nan y bằng chính đôi tay của mình.
Hầu tước Phi-líp xứ Mi-lăng xin được kết hôn với chị và đệ trình đức giáo hoàng tháo lời khấn cho chị. Chị một mực từ chối vì đã dứt khoát từ bỏ cuộc sống thế tục để thiết tha sống cuộc đời thầm lặng.Chị lập một đan viện ở An-be và đã cống hiến trọn vẹn quãng đời còn lại trong đan viện này.

Các chị em đều ghi nhận rằng, trong suốt thời gian chị Ma-ga-ri-ta sống trong đan viện, đời sống thánh thiện của chị ngày càng được gia tăng nhờ việc thực thi đức khiêm nhường và tuân phục. Chị đã vận dụng lợi thế của việc xuất thân từ một dòng tộc có thế giá để khéo léo điều hành cộng đoàn. Thế nhưng, chị lại thích đảm nhận những việc hèn mọn nhất của đan viện trong tinh thần phục vụ mà không một lời than trách trước những lời "chỉ giáo" của chị em khác.
Thiên Chúa ban cho chị nhiều ân huệ đặc biệt qua việc cầu nguyện, tất cả những ai đến tham vấn chị đều cảm thấy nơi chị tỏa phát một sức mạnh phi thường. Tuy nhiên, chị không muốn được miễn trừ khỏi những lời vu khống, bệnh tật, và khổ đau. Ngày nọ, chị xin Chúa Ki-tô cho chị được đón nhận cả ba điều trên, và Người đã cho chị dự phần vào cuộc Vượt Qua của Người bằng cách chịu một trong ba cách thức mà chị đã thưa với Người. Chị cầu nguyện và chịu mọi khổ đau cách tích cực với ý chỉ cầu xin cho sự hiệp nhất trong Giáo hội đang bị chia cắt bởi cuộc đại ly giáo ở phương Tây.

Chị qua đời ở tuổi 82, sau khi trải qua 44 năm sống tinh thần thánh phụ Ða Minh. Ðức Cơ-lê-men-tê X đã tuyên phong chân phước cho chị vào năm 1669.

Lời nguyện : Lạy Thiên Chúa là Ðấng rất mực thánh thiện, Chúa đã hướng dẫn chân phước Ma-ga-ri-ta từ bỏ cuộc sống hoàng tộc để khiêm tốn bước theo Ngài. Nhờ gương sáng của người xin cho chúng con luôn khao khát những giá trị thiêng liêng và vượt qua mọi những nghịch cảnh nhờ yêu mến thập giá của Ðức Ki-tô. Chúng con cầu xin

Ngày 26 tháng 11
THÁNH TÔ-MA ÐINH VIẾT DỤ
Linh mục, tử đạo (1783-1839)

Tiểu sử
Cậu Tô-ma Ðinh Viết Dụ sinh tại làng Phú Nhai, tỉnh Nam Ðịnh. Sau khi thụ phong linh mục, cha Tô-ma Dụ xin nhập Dòng Ða Minh và khấn ngày 21-12-1814.

Dưới thời Minh Mạng cấm đạo, cha bị bắt ngày 20-5-1839. Tài sản duy nhất cha đem theo mình là tràng mân côi. Mặc dù chịu nhiều cực hình, cha vẫn kiên trung với Ðức Ki-tô. Cha nói : "Sức lực tôi tuy giảm, nhưng tôi còn có thể chịu đựng được nữa. Chúa chúng ta đã chịu bao khổ cực để cứu chuộc nhân loại, tôi vẫn sẵn lòng chịu khổ để nên giống Chúa Ki-tô phần nào. Xin Chúa ban cho tôi ơn nhẫn nại chịu đựng để danh Chúa được cả sáng."

Ngày 26-11-1839 cha chịu tử đạo tại pháp trường Bảy Mẫu. Ngày 27-5-1900, đức giáo hoàng Lê-ô XIII suy tôn cha Tô-ma Ðinh Viết Dụ lên hàng chân phước. Ngày 19-6-1988, đức giáo hoàng Gio-an Phao-lô II suy tôn hiển thánh.

Lời nguyện : Lạy chúa, Chúa đã tưới gội quê hương Việt Nam chúng con bằng máu của thánh  Tô-ma Ðinh Viết Dụ Nhờ sự chuyển cầu của người, xin cho hạt giống đức tin và sự nhận biết Chúa Ki-tô luôn được triển nở mạnh mẽ trên quê hương chúng con. Chúng con cầu xin

Ngày 26 tháng 11
THÁNH ÐA MINH NGUYỄN VĂN XUYÊN
Linh mục, tử đạo (1786-1839)

Tiểu sử
Cậu Ða Minh Nguyễn Văn Xuyên còn có tên là Doãn, sinh năm 1786, tại làng Hương Hiệp, tỉnh Thái Bình. Người vào đại chủng viện và lãnh tác vụ linh mục năm 1819. Ngày 20-4-1820, cha tuyên khấn trọn đời trong dòng thánh Ða Minh.

Thời vua Minh Mạng cấm đạo gay gắt, cha bị bắt ngày 18-8-1838. Bị tra tấn giã man, nhưng cha quyết giữ vững đức tin, cha nói thẳng với quan quân rằng : " Dù sống, dù chết, tôi cũng không bỏ đạo. Tôi chọn cái chết để sống đời đời, hơn là nghe quan sống thêm ít lâu mà muôn đời bị tiêu diệt."
Ngày 26-11-1839 cha chịu tử đạo tại pháp trường Bảy Mẫu.

Ngày 27-5-1900, đức giáo hoàng Lê-ô XIII suy tôn cha Ða Minh Nguyễn Văn Xuyên lên hàng chân phước. Ðức Gio-an Phao-lô II suy tôn người lên hàng hiển thánh gày 19-6-1988.

Lời nguyện : Lạy chúa, Chúa đã tưới gội quê hương Việt Nam chúng con bằng máu của thánh Ða Minh Nguyễn Văn Xuyên. Nhờ sự chuyển cầu của người, xin cho hạt giống đức tin và sự nhận biết Chúa Ki-tô luôn được triển nở mạnh mẽ trên quê hương chúng con. Chúng con cầu xin