HOME

THÁNG MƯỜI HAI

 

1-12 : Chân phước Gio-an Véc-xe-li, Linh mục

6-12 : Thánh Giu-se Nguyễn Duy Khang, Thầy giảng, tử đạo

16-12 : Chân phước Xê-bát-ti-a-nô Ma-gi, Linh mục

19-12 : Thánh Phan-xi-cô Xa-vi-ê Hà Trọng Mậu, Thầy giảng, tử đạo

19-12 : Thánh Ða minh Bùi Văn Úy, Thầy giảng, tử đạo

19-12 : Thánh Âu tinh Nguyễn Văn Mới, Nông dân, tử đạo

19-12 : Thánh Tô-ma Nguyễn Văn Ðệ, Thợ may, tử đạo

19-12 : Thánh tê-Pha-nô Nguyễn Văn Vinh, Tá điền, tử đạo

Phụ trương :

- Chân phước A-lanh Rốc, Tu sĩ

- Chân phước Ma-ri-a Pút-xơ-panh

- Chân phước Gia Thịnh Ma-ri-a Co-mi-ê

- Chân phước A-nê Giê-su Ga-lăng


Ngày 1 tháng 12
Chân phước Gio-an Véc-xe-li
Linh mục (1203-1284)

Tiểu sử
Chân phước Gio-an Véc-xe-li là một trong những nhân vật vĩ đại ở thế kỷ XIII. Người sinh tại Véc-xe-li, lớn lên theo học tại đại học Pa-ri. Sau khi tốt nghiệp, người mở trường luật khi mới 23 tuổi. Người làm chứng rằng chính chân phước Rê-gi-nan-đô là người thiết lập tu viện thánh Gia-cô-bê. Người là một trong những sinh viên đã bị lôi cuốn gia nhập Dòng khi nghe những lời giảng đầy nhiệt tình của cha Giô-đa-nô Xa-xô-ni-a. Vì yêu mến lý tưởng của các anh em dòng Thuyết giáo, người xin lãnh tu phục của Dòng trên đường trở về Véc-xa-li.

Sử gia Giê-ra đờ Phơ-ra-sê đã kể lại câu chuyện về hành động quyết liệt của chân phước Gio-an : "Ở Véc-xe-li có một nhân vật đáng kính rất thông thạo về luật. Ngày nọ, khi hay tin trong số những học trò của mình có người xin nhập Dòng Anh em Thuyết giáo. Rất lấy làm cảm kính trước hành động này, sau một hồi suy nghĩ, thình lình, người bỏ lại tất cả sách vở trên bàn, thậm chí chẳng còn bận tâm đến những vật dụng ở trong nhà, người chạy hối hả như một kẻ mất trí đến nơi cư ngụ của các anh em Dòng Thuyết giáo. Trên đường đi, người bắt gặp một người bạn, anh này rất ngạc nhiên khi thấy người chạy một mình như vậy mà không biết là đuổi theo ai. Anh ta liền hỏi người đang đi đâu : "Tôi đến với Chúa" người trả lời mà chẳng buồn dừng lại. Khi đến nơi cư ngụ của các tu sĩ, người tiến lại gần cha Giô-đa-nô, lúc ấy cha đang ở giữa các tập sinh. Chân phước Gio-an lột bỏ chiếc áo khoác bằng lụa đắt tiền mà người đang mặc rồi phủ phục trước mặt các anh em. Như bị ngây ngất bởi ân sủng của Thiên Chúa, người chỉ biết lặp đi lặp lại "Con ở trong Chúa ! con thuộc về Chúa !" Cha Giô-đa-nô nói : "Nếu như con muốn thuộc về Chúa, cha sẽ đặt con trong tay Người". Nghi thức thu nhận kết thúc mà không phải cần đến một cuộc sát hạch, thầy Gio-an được trao tu phục Dòng Ða Minh.

Năm 1250, cha Gio-an được giao nhiệm vụ đối thoại với các kẻ thù của Tòa thánh. Lúc bấy giờ đang diễn ra cuộc chiến tranh giữa hàng giáo sĩ và các hoàng đế. Các tỉnh dòng ở miền bắc nước Ý đang trong tình trạng hỗn loạn. Các tỉnh dòng này gây bất hòa và không phục quyền đức giáo hoàng nên đã rơi vào tình trạng khủng hoảng. Cha Gio-an đến gặp bề trên giám tỉnh của tỉnh dòng Lom-bác-đi-a để chỉ thị cho các anh em tại đây đi loan truyền đức tin chống lại các bè rối và xin anh em rời bỏ các đô thị do đế quốc Ðức cai trị. Tu sĩ Gio-an Véc-xe-li nhận nhiệm vụ nguy hiểm này và đã thành công mỹ mãn. Tháng 7 năm 1251, đức giáo hoàng có thể an tâm tiến vào Mi-lăng.

Năm 1254, người được bầu làm tu viện trưởng ở Bô-lô-ni-a và năm sau làm giám tỉnh tỉnh dòng Lom-bác-đi-a với 30 tu viện. Ðó là thời cực thịnh của Dòng Ða Minh : khi cha Hum-bê-tô Rô-man làm Bề trên tổng quyền. Các tu viện đông đảo những người có thế giá và ảnh hưởng của các tu sĩ Ða Minh lan rộng khắp nơi.

Năm 1262, cha Gio-an tham dự tổng hội Va-len-xi-a, tại đây các tu sĩ An-be-tô Cả, Tô-ma A-quy-nô, Phê-rô Ta-răng-te và nhiều vị khác đã trình bày quy chế học vấn mới được cải biên. Ðể hưởng ứng quy chế học vấn này, cha Gio-an đã xây dựng trường luận lý tại Mi-lăng và thánh Tô-ma A-quy-nô đã đến viếng thăm trường này.

Cha Gio-an còn là một nhân vật quan trọng của tòa án dị giáo ở Lom-bác-đi-a. Lúc bấy giờ, hoàn cảnh của những nhà giảng thuyết thật bi đát vì phải làm trung gian cho những cuộc đối đầu giữa đức giáo hoàng và phe thân hoàng đế. Ðức In-nô-xen-tê IV yêu cầu các tu sĩ Ða Minh giữ vai trò điều tra ở tòa án dị giáo và người cũng đặt ra những luật lệ rất khắt khe. Thế nhưng, các anh em ở tòa tra đã làm tất cả những gì có thể hầu nới lỏng những biện pháp bị bắt buộc phải tuân theo. Dân chúng bị giật dây bởi những người theo Hắc đảng (Gibelin) và Dị giáo, đã bao vây các tu viện. Cha Gio-an là một thành viên dè dặt và ôn hòa nên đã không làm cho đức giáo hoàng vừa ý. Cuối cùng, đức giáo hoàng giải nhiệm chức vụ nhân viên tòa tra của cha Gio-an và bổ nhiệm người làm tuyên úy cho đội binh thánh giá trong cuộc Thập tự chinh. Nhân cơ hội này, cha Gio-an quen biết vua thánh Lu-i, và vua đã dâng tặng cha Gio-an Véc-xe-li hai chiếc gai trên vòng gai đội đầu của Ðức Giê-su.

Năm 1264, cha Gio-an đến tu viện thánh Gia-cô-bê ở Pa-ri để tham dự tổng hội dưới sự điều khiển của cha Phê-rô Ta-răng-te là bề trên giám tỉnh tỉnh dòng Pháp. Tại đây, cha Gio-an Véc-xe-li đã đắc cử bề trên tổng quyền, kế nhiệm cha Hum-bê-tô Rô-man vừa mới từ chức.

Trong suốt 20 năm quản trị Dòng, cha bề trên tổng quyền Gio-an đã không ngừng rảo bước khắp các nẻo đường châu Âu cùng với vị phụ tá là tu sĩ Ba-tô-lô-mê-ô Pha-en-da.

Sử gia Béc-na Ghi đã phác lại chân dung cha Gio-an như sau : "Một con người đầy kiên nhẫn, giàu kinh nghiệm mà danh tiếng lan rộng khắp nơi. Cha có một trí nhớ siêu phàm đến nỗi dù chỉ một lần nhìn thấy khuôn mặt của ai đó, hoặc nghe nói đến tên một người nào đó, thì cha không bao giờ quên được người ấy. Cha có thể nói về hoàn cảnh cá nhân và những điểm nổi bật của từng người. Khả năng này giúp cha biết cư xử khéo léo với hết mọi người.

Cha Gio-an thuộc mẫu người năng động, nghiêm khắc và kỷ luật. Về thể chất, cha có vóc dáng tầm thước, khuôn mặt dễ mến và ít uống rượu. Cha thích đến các tu viện cách bất ngờ để có được nhận định trung thực về đời sống các tu sĩ. Thật vậy, điều này được minh họa qua câu chuyện nổi tiếng về các "tu sĩ Lom-bắc-đi".

Một ngày nọ, cha đến thăm một tu viện ở Ðức cùng với vị phụ tá. Vị tu sĩ gác cổng tu viện vì không biết cha Gio-an nên chỉ thông báo đơn giản rằng, có hai tu sĩ người Lom-bắc-đi-a đến xin tá túc và vị tu viện trưởng truyền xếp chỗ cho hai vị khách vào chỗ rốt hết trong phòng ăn. Mọi người trong tu viện đều được ăn cá, nhưng hai vị khách thì không. Cha Gio-an Véc-xe-li mạo muội ngỏ ý xin tu viện trưởng món cá vì cha và vị phụ tá đã mệt lả. Thấy vậy, vị tu viện trưởng liền lên giọng : "Không cá mú gì cho người Lom-bác-đi-a cả !" (Non habemus pisces pro Lombardis !). Cha Gio-an không phản ứng gì cả, đến khi mọi người rời bàn ăn, các anh em khác tháp tùng cha bề trên tổng quyền mới đến.

"Các thầy là ai ?" - Các tu sĩ thuộc đơn vị sở tại hỏi,
"Chúng tôi tháp tùng cha bề trên tổng quyền."
"Thế cha bề trên tổng quyền đâu ?"
"Vậy suốt một giờ qua, các các ngài đã không tiếp đón vị tu sĩ già chống gậy à ?"

Thật là khốn đốn cho vị tu viện trưởng ! Cha Gio-an liền ra lệnh đổ chuông triệu tập công hội, trong một bài diễn văn cha đã lặp lại lời của vị tu viện trưởng : "Không cá mú gì cho người Lom-bác-đi-a cả !" (Non habemus pisces pro Lombardis). Ðoạn người tiến đến vị tu viện trưởng thiếu lòng bác ái, tuyên bố giải nhiệm ông và tổ chức lại tu viện.

Cha Gio-an hết sức tôn trọng kỷ luật, sống thanh bần và giữ sự thinh lặng một cách nghiêm ngặt. Cha ghi nhận rằng, lời giảng phải thực sự chứa đựng nội dung Tin Mừng và mang tính khoa học thì mới có sức thuyết phục, nhờ đó, cha đã tích cực góp phần thăng tiến công việc giảng thuyết. Cha không ngừng rao giảng về việc tái lập hòa khí giữa các tu sĩ và các giáo sĩ triều, chủ trương vận dụng những biện pháp ôn hoà hơn là các sách lược đối đầu.

Khi làm tu viện trưởng ở Bô-lô-ni-a, rồi bề trên giám tỉnh ở Lom-bác-đi-a, cha đã đề xướng xây dựng lại ngôi mộ của thánh Ða Minh, một tuyệt tác nghệ thuật do tu sĩ Ni-cô-la Pi-xa đảm trách. Lễ cải táng thi hài thánh Ða Minh đã diễn ra long trọng vào ngày 5 tháng 6 năm 1267 với một đoàn rước đông đảo giáo dân tham dự.

Năm 1272, khi vừa đắc cử giáo hoàng, Ðức Ghê-gô-ri-ô X lại giao cho cha Gio-an một vụ việc đầy khó khăn, đó là tái lập hoà bình cho các thành phố ở Ý đang lâm vòng chiến tranh. Các thành phố Xi-ê-na, Pi-xa, Phi-ren-xê nổi lên chống lại giáo hoàng ; bên trong các thành phố, người Vơ-ni-dơ gây chiến với người Giơ-noa và Bô-lô-ni-a, các cuộc đụng độ giữ hai phái Bạch đảng (Gueffes) và Hắc đảng (Gibelin) liên tục xảy ra. Cha Gio-an đã thành công khi quy phục được thành Xi-ê-na và Pi-xa, nhưng thất bại ở Phi-ren-xê. Người đến giải hoà Vê-nê-di-a với các phe đối thủ.

Năm 1274, tại Công đồng Li-ông, vấn đề hòa giải giữa Giáo hội Ðông phương và Giáo hội Công giáo đạt được kết quả mỹ mãn. Các tu sĩ Ða Minh hiện diện tại công đồng đã góp phần đáng kể cho quyết định đưa đến sự hoà giải này. Dù thánh Tô-ma đã về với Chúa trên đường đến dự Công đồng, nhưng chính sách hoà ước của người vẫn góp phần cho quyết nghị của các anh em Hy-lạp. Cha Gio-an Véc-xe-li cũng tham dự công đồng và tại đây người đã gặp cha Phê-rô Ta-răng-te vừa được bổ nhiệm hồng Y và chẳng bao lâu sau sẽ trở thành giáo hoàng. Chính cha Phê-rô Ta-răng-te là người đứng ra hướng dẫn các cuộc thảo luận với các anh em thuôc Giáo hội Ðông phương. Cùng với thánh Bô-na-ven-tu-ra, các ngài cố gắng khỏa lấp những hố cách biệt giữa hàng giáo sĩ triều và các tu sĩ vốn đã trở nên nghiêm trọng. Tầm ảnh hưởng của cha Gio-an Véc-xe-li đã chiếm giữ một ưu thế cực kỳ quan trọng cho vấn của đề này. Chính sự ảnh hưởng đó đã dẫn đến cuộc hòa giải và tái lập hoà bình.

Cha Gio-an luôn nhiệt tình cổ võ việc học trong Dòng. Người đã cương quyết bảo vệ triết lý của thánh Tô-ma, chống lại sự tấn công của các tôn sư ở Pa-ri, nhất là giám mục Tê-pha-nô - một tu sĩ dòng Ðền thờ - vị này lên án 20 luận điểm trích dẫn từ tài liệu thánh Tô-ma. Hơn nữa, cha Gio-an còn chống lại một số tu sĩ Ða Minh thiên về trường phái thánh Âu Tinh hơn là A-rít-tốt, và cả đến tổng giám mục Can-tơ-bơ-ri. Các vị này đã bị cha Gio-an công kích dữ dội vì chống đối học thuyết của thánh Tô-ma.

Khi cha Gio-an được 75 tuổi, đức giáo hoàng tấn phong người làm thượng phụ Giê-ru-sa-lem để giao vùng thánh địa cho sự điều hành khôn khéo của Dòng. Cha Gio-an Véc-xe-li từ chối vì lý do tuổi cao và thấy mình không xứng đáng. Ðức giáo hoàng tuy không hài lòng nhưng đành nhượng bộ một năm. Sau đó, đức thánh cha cử người làm sứ thần toà thánh đi thương thuyết hoà bình giữa vùng Cát-ti-lê với Pháp. Thế nhưng, cha Gio-an đã thất bại trong vụ này.

Dường như người làm việc mà không biết mệt mỏi, người đã cống hiến những năm cuối đời cho việc điều hành Dòng. Năm 1282, người chủ toạ tổng hội Vi-ê-na và gợi ý tổng hội kế tiếp sẽ được triệu tập ở Môn-pơ-li-ê. Người rời Áo để kinh lý các tu viện ở Ðức bằng cách đi bộ như người vẫn quen làm. Khi người kiệt sức, các anh em dùng cáng khiêng người đi. Ngày 6 tháng 6 năm 1283, người khai mạc tổng hội Mông-pơ-li-ê, điều hành các cuộc thảo luận, và nhấn mạnh đến vấn đề đào tạo tập sinh. Trong khi viết bức thư cuối cùng cho toàn Dòng, người muốn đi Bô-lô-ni-a, nhưng ngã bệnh gần Mông-pơ-li-ê và qua đời ngày 30 tháng 11 năm 1283, thọ 80 tuổi. Lễ an táng của người được tổ chức rất long trọng. Người được mai táng dưới chân bàn thờ của tu viện. Thế nhưng, vào năm 1562, những người theo phái Can-vanh đã cướp phá tu viện và hài cốt của người cũng biến mất.

Lời nguyện :
Lạy Thiên Chúa toàn năng và giàu lòng thương xót, Chúa đã biến đổi chân phước Gio-an thành nhà cải cách vĩ đại của Dòng anh em thuyết giáo. Nhờ lòng nhiệt thành, khôn ngoan, can cảm và lời khẩn nguyện tha thiết của người, xin cho Hội Thánh của Ngài luôn được nhận lãnh sự hướng dẫn khôn ngoan qua mọi thời đại. Chúng con cầu xin

Ngày 6 tháng 12
Thánh Giu-se Nguyễn Duy Khang
Thầy giảng, tử đạo (1832-1861)

Tiểu sử
Cậu Giu-se Nguyễn Duy Khang sinh năm 1832 tại Cao Mại, xã Trà Vi, huyện Vũ Tiên, phủ Kiến Xương, tỉnh Thái Bình. Lên 13 tuổi, thân mẫu gởi cậu vào nhà Ðức Chúa Trời để giúp việc cho cha Năng Dòng Ða Minh.

Sau 10 năm sống với vị linh mục lão thành thánh thiện này, cậu Giu-se Khang được gởi vào chủng viện Kẻ Mốt để học tiếng La-tinh, chuẩn bị cho sứ vụ tương lai. Giai đoạn này thầy Giu-se Khang xin nhập Dòng Ba Ða Minh. Khi đó, đức cha Héc-mô-xi-la Liêm cũng ở Kẻ Mốt đã tín nhiệm thầy và chọn thầy làm người phụ tá riêng.

Chiếu chỉ phân sáp của vua Tự Ðức ban hành ngày 5-8-1861, làm cho các thánh đường, nhà chung, tài sản của giáo dân bị tịch thu, bị chia chác hay phá hủy.

Khi đức giám mục Héc-mô-xi-la Liêm bị bắt, thầy quyết liệt bênh vực. Dù lệnh chỉ bắt người ngoại quốc, nhưng thầy vẫn quyết tâm gắn bó với thầy mình cho đến chết. Cả hai bị bắt ngày 20-10-1861. Hàng loạt những khổ hình đã thanh luyện người trai trẻ này.

Ngày 1-11 đức cha Héc-mô-xi-la bị trảm quyết ở pháp trường Năm Mẫu. Ngày 6-12-1861, thầy Nguyễn Duy Khang cũng bị xử trảm tại pháp trường này. Sau khi bị chém đầu, dân chúng địa phương an táng thi thể thầy ở ngoài ruộng. Năm 1867, theo lệnh đức cha Hy, anh ruột của vị anh hùng tử đạo đã dời hài cốt em mình về nhà nguyện Kẻ Mốt.

Thầy được đức cha Pi-ô X phong chân phước ngày 20-5-1906, cùng với Ðức cha Héc-mô-xi-la và 6 vị khác thuộc Dòng Ða Minh. Ðức cha Gio-an Phao-lô II nâng thầy lên bậc hiển thánh ngày 19-6-1988.

Lời nguyện : Lạy chúa, Chúa đã tưới gội quê hương Việt Nam chúng con bằng máu của thánh Giu-se Nguyễn Duy Khang. Nhờ sự chuyển cầu của người, xin cho hạt giống đức tin và sự nhận biết Chúa Ki-tô luôn được triển nở mạnh mẽ trên quê hương chúng con. Chúng con cầu xin

Ngày 16 tháng 12
Chân phước Xê-bát-ti-a-nô Ma-gi
Linh mục (1414-1496)

Tiểu sử
Chân phước Xê-bát-ti-a-nô Ma-gi là một tu sĩ Ða Minh vĩ đại ở thế kỷ XV. Cậu sinh tại Bơ-rét-xi-a năm 1414. Ngay từ thời thơ ấu, cậu đã là một thiếu niên gương mẫu và đạo đức. Khi lên 15 tuổi, cậu được trao tu phục Dòng Ða Minh tại một tu viện nằm trong giáo hạt nơi cậu sinh trưởng.

Suốt cuộc đời, thầy Xê-bát-ti-a-nô là một tu sĩ nhiệm nhặt, thầm lặng và khổ chế. Hơn nữa, thầy có một trí thông minh sắc xảo nên đã nhanh chóng đạt được các học vị về thần học. Tu viện Bơ-rét-xi-a vẫn còn lưu giữ những bản viết tay của người. Những tài liệu này đã khẳng định tầm hiểu biết uyên thâm của người về lãnh vực thần học

Sau thảm họa Dịch đen, mọi người đều rơi vào tình trạng thật bi thảm. Cơn dịch hoành khắp châu Âu đã gây thiệt hại đến với mức không thể tưởng tượng được, làm cho hàng giáo sĩ và các tu viện lâm vào tình cảnh hết sức tang thương. Các cuộc cải tổ lần lượt diễn ra khắp nơi. Trong Dòng chúng ra, hình thức "hiệp hội" đã quy tụ các tu viện mong muốn được cải tổ dưới sự điều hành của một tu viện trưởng. Ở Lom-bác-đi-a cũng hình thành những hiệp hội như vậy, và tu sĩ Xê-bát-ti-a-nô Ma-gi bắt đầu xuất hiện trong các hiệp hội cải tổ này. Cha lần lượt làm tu viện trưởng ở Bơ-rét-xi-a, Lô-đi, Cơ-rê-mô-nê, Pơ-lê-xan-xê, Be-ga-mô, và người còn điều hành toàn bộ hiệp hội cải cách trong suốt hai nhiệm kỳ.

Cha thường xuyên triệu tập tu viện hội để khích lệ anh em cần phải trở về với đời sống đạo đức. Khi bệnh dịnh hoành hành ở Bơ-rét-xi-a, một mình cha tiên phong phục vụ các bệnh nhân và chăm sóc họ với tinh thần hy sinh xả kỷ. Chính cha là người đã khởi công xây dựng tu viện "Ðức Ma-ri-a đầy Ân sủng" tọa lạc ở vùng ngoại ô của thành phố Mi-lăng. Cha luôn tỏ lòng kiên nhẫn và cư xử dịu dàng đối với những tội nhân để tránh những khả năng có thể gây tổn thương cho đời tư của họ. Anh em đều ghi nhận rằng, cha thường chọn các tu viện nghèo nhất làm nơi tá túc và thường lưu lại một thời gian lâu hơn tại các tu viện này. Khi cha đến tu viện Mi-lăng để thi hành việc cải tổ, tại đây chỉ có 7 tu sĩ, thế nhưng, lúc cha rời khỏi tu viện, số tu sĩ đã tăng lên đến 60 người.

Ở độ tuổi 80, cha được tái nhiệm chức vụ lãnh đạo Hiệp hội ở Lom-bác-đi-a. Cha tiếp tục thực hiện một chuyến viếng thăm các tu viện một lần nữa. Anh em đều ghi nhận rằng, chưa bao giờ lòng nhiệt thành của cha mạnh mẽ như thế. Vì đã cao niên nên không thể tiếp tục đi bộ được nữa, cha đành phải cưỡi ngựa trong các cuôc hành trình. Chuyến kinh lý áp cuối của cha được thực hiện tại Mi-lăng, dù anh em cố gắng nài giữ người lưu lại, nhưng người vẫn thực hiện chuyến kinh lý cuối cùng tại tu viện thánh Ma-ri-a Cát-ten-lô tại Giơ-noa gần một bến cảng. Khi đến nơi, người nói : "Chính nơi đây mới là nơi tôi nghỉ ngơi vĩnh viễn !" Vừa về đến phòng riêng, người xin được lãnh nhận các bí tích sau hết. Người an nghỉ trong Chúa ngay sau đó, thọ 82 tuổi.

Khi hay tin người vừa mới qua đời, các tín hữu khắp nơi đổ về vây quanh thi hài người tỏ lòng kính nhớ và thương tiếc. Sau đó, người được mai táng trong một ngôi mộ dưới chân bàn thờ. Ðông đảo khách hành hương ngày ngày lũ lượt đến kính viếng người. Năm 1755, nhân một cuộc cải táng tập thể, anh em nhận thấy thi thể người hoàn toàn còn nguyên vẹn. Ðây là một trong những bằng chứng lạ thường để lập án phong thánh cho người. Năm 1760, Ðức Cơ-lê-men-tê XIII đã tôn phong cha Xê-bát-ti-a-nô Ma-gi lên hàng chân phước.

Lời nguyện : Lạy Thiên Chúa là Ðấng tín thành, Chúa đã ban cho chân phước Xê-bát-ti-a-nô trở nên mẫu gương sống Tin Mừng trọn hảo. Nhờ gương sáng của người, xin cho chúng con luôn hướng tới đức ái trọn hảo, tiến triển về đời sống thiêng liêng nhờ biết khổ chế, ngõ hầu chúng con được thông phần vinh quang và sự sống vĩnh cửu của Ngài. Chúng con cầu xin

Ngày 19 tháng 12
Thánh Phan-xi-cô Xa-vi-ê Hà Trọng Mậu
Thầy giảng, tử đạo (1790-1839)

Tiểu sử
Thầy Phan-xi-cô Xa-vi-ê Hà Trọng Mậu không những phải chọn lựa giữa cái chết và cuộc sống, thầy còn phải chọn lựa giữa cái chết và làm quan triều đình. Không một chút lưỡng lự, thầy trả lời với vị tổng đốc : "Tôi không ham quyền, tôi chỉ muốn chết vì đạo."

Cậu Phan-xi-cô Xa-vi-ê Mậu cất tiếng chào đời năm 1790 tại làng Kẻ Diền, tỉnh Thái Bình. Cậu được cha mẹ cho đi tu, rồi trở thành thầy giảng và đi giúp nhiều giáo xứ. Khi cha Phê-rô Tự bị bắt, thầy Mậu đang coi họ Nội, thuộc xứ Kẻ Mốt, được tin cha và thầy Úy bị đưa về Lương Tài, thầy Mậu đến đó nghe ngóng tin tức. Giáo xứ giữ thầy trọ ở nhà một lương dân phía bên kia sông, vì nghĩ rằng lính sẽ không khám xét đến. Ai ngờ, chính người chủ nhà lại đi báo cho quan để kiếm tiền thưởng.

Sau khi bị bắt, thầy bị dẫn đến quan Lương Tài. Có mặt cha Tự ở đó. Quan hỏi thầy là ai, thầy đáp : "Thưa quan, tôi là môn đệ thân tín của cha đây." cha Tự ra dấu nhắc thầy đừng khai rõ, may ra có thể chuộc về được chăng, nhưng thầy nói nhỏ với cha : "Xin cha thương nhận con là môn sinh, để con cũng được tử đạo với cha."

Khi quan nói : "Kẻ nào chết vì không bước qua thập giá là ngu dại, không biết thương cha mẹ già." Thầy giải thích : "Thưa quan, cha mẹ sinh chúng tôi, nhưng ngay cha mẹ chúng tôi có ở trên đời cũng là nhờ quyền năng của Chúa." Khi quan quân truyền đọc bản án xử tử, thầy bình tĩnh đáp lại : "Thưa quan, chúng tôi mong ước về với Chúa, như nai mong tìm thấy suối vậy. Xin quan cứ thi hành án lệnh của đức vua."

Ngày 27-5-1900, đức giáo hoàng Lê-ô XIII đã suy tôn anh hùng tử đạo Phan-xi-cô Xa-vi-ê Hà Trọng Mậu lên bậc chân phước. Ngày 19-6-1988, đức giáo hoàng Gio-an Phao-lô II đã suy tôn thầy lên bậc hiển thánh.

Lời nguyện : Lạy chúa, Chúa đã tưới gội quê hương Việt Nam chúng con bằng máu của thánh Phan-xi-cô Xa-vi-ê Hà Trọng Mậu. Nhờ sự chuyển cầu của người, xin cho hạt giống đức tin và sự nhận biết Chúa Ki-tô luôn được triển nở mạnh mẽ trên quê hương chúng con. Chúng con cầu xin

Ngày 19 tháng 12
Thánh Ða minh Bùi Văn Úy
Thầy giảng, tử đạo (1812-1839)

Tiểu sử
Cậu Ða Minh Bùi Văn Úy sinh năm 1812 tại họ Tiên Môn, làng Kẻ Rèm, tỉnh Thái Bình. Từ bé, cậu đã được gia đình gửi vào nhà xứ sống với cha Tự. Sau khi học thành thầy giảng, thầy đang hoạt động bên cha Tự tại xứ Kẻ Ðanh rồi Kẻ Mốt (Bắc Ninh) thì bị bắt, lúc đó thầy mới 26 tuổi. Bất cứ ai tiếp xúc với thầy Úy đều công nhận thầy hiền lành, có lòng yêu mến Chúa đặc biệt và là người trợ thủ đắc lực của cha Tự trong công tác, nhất là khi cuộc bách hại đạo của vua Minh Mạng bùng nổ. Ước mơ lớn nhất của thầy là được đóng vai "Lê Lai thế mạng" để cha Tự khỏi bị bắt.

Khi đào hang trú ẩn thầy làm hai ngăn rồi tình nguyện ở ngăn bên ngoài. Thầy nói với mọi người : "Nếu quan đến truy lùng, tôi sẽ ra trước nộp mình để cha khỏi bị bắt, hầu cha có thể giúp anh chị em."

Ngày 29-6-1838, lính đến vây làng Kẻ Mốt và bắt thầy Úy chung với cha Tự.
Cha dự định khai thầy chỉ là giáo hữu vào làm bếp để đỡ nguy hiểm, nhưng thầy nói :
"Xin cha cứ nói con là thầy giảng, may ra cũng được phúc tử đạo với cha."

Rồi thầy xin xưng tội để chuẩn bị tâm hồn. Một lần tương kế tựu kế, quan nói dối thầy : "cha Tự xuất giáo rồi sao anh còn cố chấp thế ?" Thầy bình tĩnh trả lời : "Vô lý, cha tôi không bao giờ làm vậy, mà dù có thực như thế, tôi cũng không chịu xuất giáo đâu."

Lần khác, khi bị dụ dỗ bước qua thánh giá, thầy khẳng khái nói : "Thưa quan, quan có dám bước qua mặt đức vua không, mà lại bảo tôi bước qua mặt Chúa tôi ? Nhưng dù quan có bước qua mặt vua thì tôi cũng không bước qua mặt Chúa tôi được." Quan nghiêm nghị phán : "Tên phạm thượng, ta sẽ chém đầu mi." Người chiến sĩ đức tin vui vẻ reo lên : "Anh em ơi ! Tôi sắp được chém đầu rồi."

Nhưng hơn một năm sau thầy mới được lãnh phúc tử đạo. Ðức thánh cha Lê-ô XIII phong chân phước cho thầy vào ngày 27-5-1900. Ðức thánh cha Gio-an Phao-lô II đã phong hiển thánh cho thầy vào ngày 19-6-1988.

Lời nguyện : Lạy Chúa, Chúa đã ban cho Hội Thánh Việt Nam nhiều chứng nhân anh dũng biết hiến dâng mạng sống để hạt giống đức tin trổ sinh hoa trái dồi dào trên quê hương đất nước chúng con. Xin nhận lời các ngài chuyển cầu mà cho chúng con biết noi gương các ngài để lại : luôn can đảm làm chứng cho Chúa và trung kiên mãi đến cùng. Chúng con cầu xin

Ngày 19 tháng 12
Thánh Âu tinh Nguyễn Văn Mới
Nông dân, tử đạo (1806-1839)

Tiểu sử
Cậu Âu Tinh Nguyễn Văn Mới sinh năm 1806, tại làng Bồ Trang, tỉnh Thái Bình, trong một gia đình nông dân ngoại giáo. Ðến tuổi trưởng thành, anh đến làng Ðức Trai, xứ Kẻ Mốt để làm mướn. Tiếp xúc với giáo hữu ở đây, càng ngày anh càng thấy mến đạo, và xin theo học giáo lý. Năm 31 tuổi, anh được cha Tự rửa tội và lấy tên thánh bổn mạng là Âu Tinh.

Mấy năm sau, cha Tự cũng chủ sự lễ thành hôn cho anh với một thiếu nữ trong xứ. Theo các lời chứng trong hồ sơ phong thánh, anh Âu Tinh Mới sống đạo rất tốt, đặc biệt là đọc kinh mân côi mỗi tối. Dù có ngày lao động vất vả đến mãi khuya mới về, anh cũng không quên đọc kinh mân côi kính Ðức Mẹ.
Ngày 29-6-1836, khi quân lính bao vây làng Kẻ Mốt và bắt cha Tự, họ buộc toàn dân phải ra đình điểm danh, rồi bước qua thánh giá. Một số tín hữu nhanh chân lẩn tránh được, một số nhát gan thực hiện lời yêu cầu của lính. Các anh Mới, Vinh và Ðệ cương quyết không chịu đạp lên thánh giá, nên bị bắt và áp giải lên giam tại Bắc Ninh chung với cha Tự, ông trùm Cảnh, hai thầy Úy và Mậu.

Cuối cùng, ngày 19-12-1839, anh Mới cùng với bốn vị khác bị dẫn ra pháp trường lãnh phúc tử đạo.
Ngày 27-12-1900, đức thánh cha Lê-ô XIII đã phong chân phước cho anh. Ngày 19-6-1988, đức thánh cha Gio-an Phao-lô II đã tôn anh lên hàng hiển thánh.

Lời nguyện : Lạy Chúa, Chúa đã ban cho Hội Thánh Việt Nam nhiều chứng nhân anh dũng biết hiến dâng mạng sống để hạt giống đức tin trổ sinh hoa trái dồi dào trên quê hương đất nước chúng con. Xin nhận lời các ngài chuyển cầu mà cho chúng con biết noi gương các ngài để lại : luôn can đảm làm chứng cho Chúa và trung kiên mãi đến cùng. Chúng con cầu xin

Ngày 19 tháng 12
Thánh Tô-ma Nguyễn Văn Ðệ
Thợ may, tử đạo (1811-1839)

Tiểu sử
Anh Tô-ma Nguyễn Văn Ðệ chào đời năm 1811, trong một gia đình công giáo tại làng Bồ Trang, tỉnh Thái Bình. Vì lý do sinh kế, anh phải theo cha mẹ về xứ Kẻ Mốt (Bắc Ninh) và ở ngay gần nhà thờ. Lớn lên, anh theo nghề thợ may và được mọi người yêu chuộng. Anh rất nhiệt tình với việc trong xứ trong họ. Hầu hết cờ hiệu, đồ trang hoàng trong nhà thờ và nhà xứ đều nhờ đến bàn tay khéo léo sáng tạo của anh. Khi kinh tế ổn định, anh lập gia đình, ra ở riêng và sinh được ba người con.

Ngày 29-6-1838, quân lính vây làng Kẻ Mốt, và ép buộc mọi người trên 18 tuổi phải đạp lên thánh giá, anh lẩn trốn ra phía sau nhà. Ðến khi quân lính xồng xộc vào nhà lùng bắt, anh biết mình không thể tránh được nữa, liền giã từ vợ, dặn đưa con về bên ngoại, ôm hôn từng đứa, rồi ra trình diện. Ðến trước thánh giá, anh Ðệ qùi xuống cầu nguyện lớn tiếng rằng : "Lạy Chúa ! sẽ không bao giờ con bước qua mặt Người."

Quân lính áp giải anh Tô-ma Ðệ cùng với cha Tự, ông trùm Cảnh, hai thầy Úy, thầy Mậu, anh Mới và anh Vinh về giam tại Bắc Ninh. Vào ngày 19-12-1839, anh hùng đức tin Tô-ma Ðệ đã được phúc lãnh triều thiên tử đạo.

Ðức thánh cha Lê-ô XIII đã tôn phong anh Tô-ma Nguyễn Văn Ðệ, lên bậc chân phước ngày 27-5-1900. Và đức thánh cha Gio-an Phao-lô II đã suy tôn anh lên bậc hiển thánh ngày 19-6-1988.

Lời nguyện : Lạy Chúa, Chúa đã ban cho Hội Thánh Việt Nam nhiều chứng nhân anh dũng biết hiến dâng mạng sống để hạt giống đức tin trổ sinh hoa trái dồi dào trên quê hương đất nước chúng con. Xin nhận lời các ngài chuyển cầu mà cho chúng con biết noi gương các ngài để lại : luôn can đảm làm chứng cho Chúa và trung kiên mãi đến cùng. Chúng con cầu xin

Ngày 19 tháng 12
Thánh Tê-Pha-nô Nguyễn Văn Vinh
Tá điền, tử đạo (1813-1839)

Tiểu sử
Anh Tê-Pha-nô Nguyễn Văn Vinh sinh năm 1813 tại làng Bồ Trang, tỉnh Thái Bình. Sống trong một gia đình ngoại giáo rất nghèo, một miếng đất cũng không có, anh Vinh quanh năm phải làm thuê, làm mướn cho các gia đình ở Kẻ Mốt (Bắc Ninh). Trường học duy nhất anh ham thích và theo được là các lớp giáo lý. Ðặc biệt anh đem các điều học được ở đó ra thực hành trong cuộc sống. Có điều là người ta không biết vì sao anh chưa được rửa tội. Mọi người đều mến thương anh vì anh đơn sơ, chất phác, khoẻ mạnh và thật thà.

Ngày 29-6-1838, khi quan quân vây bắt cha Tự ở Kẻ Mốt, và bắt mọi người phải đạp lên thánh giá, chàng thanh niên 25 tuổi này đã anh dũng nói thẳng với họ rằng : "Tôi thà chết chứ không bao giờ chịu đạp lên thánh giá, vì tôi biết đạo Chúa Giê-su là đạo thật."

Vì lời nói này mà anh đã bị bắt và áp giải về trại giam Bắc Ninh chung với cha Tự, ông trùm Cảnh, thầy Úy, thầy Mậu, hai anh Mới và anh Ðệ. Chính tại đây, anh Vinh được diễm phúc là người ki-tô hữu, được hân hạnh làm con cha Thánh Ða Minh.

Sau gần một tháng dọa nạt, tra khảo bảy chiến sĩ đức tin nhưng vô hiệu, ngày 27-7-1838, quan tỉnh Bắc Ninh đệ án vào triều xin xử giảo cha Tự và ông trùm Cảnh, còn năm vị kia quan cho là nhẹ dạ tin theo, nên xin đánh mỗi người một trăm roi rồi phát lưu vào Bình Ðịnh. Thế nhưng, vua Minh Mạng cho rằng tội theo Gia-tô thuộc loại nặng hơn, nên quyết định xử chém hai vị trên ngay tức khắc, còn tất cả sẽ bị xử giảo sau một năm nếu không thay đổi ý kiến.

Thấm thoát hơn một năm trôi qua, ngày 19-8-1839 quan cho điệu tất cả ra toà vẫn để thánh giá một bên, bên kia là dụng cụ tra tấn. Quan hỏi : "Các anh bị giam cầm đã lâu ngày, chịu khổ cũng đã nhiều, vậy bỏ đạo đi, ta tha về với vợ con." Thầy Mậu đại diện anh em trả lời : "Chúng tôi đã quyết tâm trung thành với Chúa, nên quan ra lệnh chém đầu hay giết cách nào khác, chúng tôi đều sẵn sàng." Thất vọng, quan cho lính đưa tất cả về ngục và thốt lên : "Bọn này không thể tha thứ được, mà chúng có thèm được tha đâu."

Ngày 19-12-1839, trước khi bị xử, quan cho năm vị một cơ hội cuối cùng. Ông nói : "Chỉ cần đi ngang qua phía chân tượng, ta cũng tha." Nhưng các vị chứng nhân đức tin không để bị mắc lừa, họ bảo nhau quỳ xuống đọc kinh kính Danh Chúa Giê-su. Sau đó, thầy Mậu nói với quan lời thánh vịnh 41 (câu 1-2) : "Thưa quan, chúng tôi ước mong về với Chúa như nai mong tìm thấy suối vậy. Xin quan cứ thi hành án lệnh của nhà vua."

Thế rồi án tử dành cho các chứng nhân của Ðức Ki-tô đã được quyết định. Khi tới nơi xử, mỗi vị bị trói vào một cọc đã được chôn sẵn. Rồi cùng một lúc lý hình xiết cổ các vị bằng dây thừng cho đến lúc tắt thở. Các tín hữu đem thi thể các vị về an táng tại họ đạo mình. Thánh Mậu ở Kẻ La, thánh Úy ở Ðồng Tiến, thánh Mới ở Phượng Vĩ, thánh đệ ở Phong Cốc, và thánh Vinh ở Hương La, tất cả đều thuộc tỉnh Bắc Ninh.

Ngày 27-5-1900, đức giáo hoàng Lê-ô XIII đã suy tôn năm vị anh hùng tử đạo lên bậc chân phước. Ngày 19-6-1988, đức giáo hoàng Gio-an Phao-lô II đã phong các ngài lên bậc hiển thánh.

Lời nguyện : Lạy Chúa, Chúa đã ban cho Hội Thánh Việt Nam nhiều chứng nhân anh dũng biết hiến dâng mạng sống để hạt giống đức tin trổ sinh hoa trái dồi dào trên quê hương đất nước chúng con. Xin nhận lời các ngài chuyển cầu mà cho chúng con biết noi gương các ngài để lại : luôn can đảm làm chứng cho Chúa và trung kiên mãi đến cùng. Chúng con cầu xin

Phụ Trương
Chân phước A-lanh Rốc
Tu sĩ (1428-1475)

Tiểu sử
Chúng ta không biết rõ nguyên quán của tu sĩ A-lanh Rốc. Người là vị tu sĩ nhiệt thành cổ võ lòng tôn sùng Ðức Ma-ri-a qua việc lần chuỗi Mân côi. Những người sống đồng thời cho biết tu sĩ A-lanh Rốc là người vùng Bơ-rơ-tan-nhơ thuộc miền Ðông Bắc nước Pháp. Người sinh khoảng năm 1428, gia nhập Dòng Anh em Thuyết giáo ở Ði-năng và đã khấn dòng tại đây.

Vào thế kỷ XV, nhờ thông tin của thánh Vinh Sơn Phe-ri-ê, chúng ta biết được tình trạng của giáo sĩ đoàn ở Bơ-rơ-tan-nhơ hết sức bi đát vì dịch bệnh, đói kém và giặc giã. Thầy A-lanh ao ước muốn có một đời sống tu trì khổ chế nhiệm nhặt, nên đã từ giã quê nhà Bơ-rơ-tan-nhơ để đi đến vùng Phơ-lăng-đơ và xin gia nhập hiệp hội cải cách Hà Lan. Lúc bấy giờ, hiệp hội này rất có uy tín và ảnh hưởng rất mạnh mẽ. Người đã tìm thấy nơi đây cuộc sống khổ hạnh phù hợp với đời sống của các tu sĩ Ða Minh thời sơ khai.

Cũng như các tu sĩ thuộc hiệp hội cải cách Hà Lan, tu sĩ A-lanh đã đến học tại đại học Pa-ri, nhờ đó, người trở thành một giáo sư thần học đầy hứa hẹn. Năm 1459, người được gửi đến trường tiểu học thánh Gia-cô-bê tại Pa-ri để chú giải sách Châm ngôn của giáo sư Phê-rô Lom-bác-đi-a vốn là một bậc thầy về thần học thời Trung cổ. Năm 1460, người dạy học ở -Li-dơ ; năm 1461, ở Pa-ri rồi trở về Li-dơ năm 1462. Năm 1464, người là giảng sư ưu tú ở Ðu-oai rồi ở Rốt-xơ-tốc. Năm 1475, người trở thành bậc thầy về thần học và đạt đến đỉnh cao sự nghiệp giảng dạy. Cũng trong năm này, người được cử đến Duôn dự hội nghị của Hiệp hội và đã qua đời tại đây vào đúng ngày lễ sinh nhật Ðức Mẹ.

Với sự nghiệp đầy uy tín của một giáo sư và nhà giảng thuyết, tu sĩ A-lanh đã được chứng minh là một người có lòng yêu mến Ðức Ma-ri-a tha thiết. Bạn đồng môn của thầy là tu sĩ Mi-xen Li-dơ khẳng định rằng, trong bất cứ công việc gì, dù nói chuyện, rao giảng hay tản bộ, người luôn cầu nguyện bằng kinh Truyền Tin. Chính vị tu sĩ có lòng yêu mến thiết tha này đã được Ðức Ma-ri-a chọn đi loan truyền việc lần "chuỗi Mân Côi". Người kể lại rằng, trong một thị kiến, Ðức trinh nữ Ma-ri-a hiện ra hứa với người rằng : "Hãy tin tưởng vào sự che chở của Mẹ, Mẹ sẽ không bao giờ rời bỏ con." Từ đó, thầy A-lanh hăng say ra đi truyền bá chuỗi Mân Côi.

Theo truyền thống bấy giờ, người ta thường dùng tuyển tập 150 ca vịnh về Ðức Ma-ri-a để cổ võ lòng sùng kính người. Dựa theo truyền thống này, thay vì phải đọc 150 ca vịnh kính Ðức Trinh nữ Ma-ri-a, thầy A-lanh đã tạo ra một xâu chuỗi gồm 150 hạt. Khi lần chuỗi, mỗi hạt tương ứng một lời chào của thiên sứ Gáp-ri-en khi truyền tin cho Ðức Ma-ri-a. Thêm vào đó, thầy còn chia chuỗi hạt ra thành từng chục, mỗi chục có thêm kinh Lạy Cha và một lời suy niệm về những biến cố liên quan đến cuộc đời của Chúa Giê-su và Mẹ Ma-ri-a. Như vậy, chu kỳ của 15 mầu nhiệm mân côi : Vui, Thương, Mừng dần dần được phổ biến rộng rãi và trở thành một phương pháp cầu nguyện không những chứa đựng nội dung Tin Mừng mà còn phong phú về mặt thần học. Một truyền thống khác vào thời Trung cổ cho biết, thầy A-lanh đã triệu tập một số tín hữu lại thành hội Mân Côi và giúp họ thông công trong việc lần chuỗi, cũng như chia sẻ những ân huệ kín múc được từ việc lần chuỗi này.

Tuy vậy, việc rao giảng của thầy không tránh khỏi những lời chỉ trích và phản đối, nhưng thầy luôn can đảm vượt qua nhờ lòng tin mạnh mẽ vào Ðức Ki-tô Giê-su và Mẹ Ma-ri-a. Nhờ đó, mọi người đều khẳng định rằng, thầy là một mẫu gương thánh thiện và đạo đức, bằng chứng là thầy luôn dâng thánh lễ hàng ngày với lòng sốt mến sâu xa. Bởi lẽ lúc bấy giờ, việc dâng lễ hằng ngày chưa phải là một truyền thống trong Giáo hội.

Vào ngày người qua đời tại Duôn (Hà Lan), ngày 8-9-1475, tại nguyện đường của tu viện Cô-lô-ni-a, tu sĩ Gia-cô-bê Xơ-phơ-ren-gơ đã long trọng suy tôn hội Mân Côi đầu tiên trong lịch sử và hội này đã được đức giáo hoàng Xít-tô IV chuẩn y. Từ đó trở đi, hội Mân Côi đã không ngừng lan rộng với sự ủng hộ của các giáo hoàng và các bề trên tổng quyền Dòng Anh em Thuyết giáo. Vì thế, Dòng đã có một truyền thống sâu xa gắn liên với việc truyền bá kinh Mân Côi.

Ngày 7-10-1571, nhân dịp các hội Mân Côi tổ chức buổi rước kiệu hàng tháng, họ đã phó thác các chiến sĩ Công giáo trên hạm đội Ðôn Gio-an của nước Áo trong tay Ðức Mẹ Mân côi, vì thế, các chiến sĩ đã đánh thắng quân Thổ tại vịnh Lơ-păng, giải phóng nước Ý khỏi mối đe dọa của quân Hồi giáo. Ðể ghi nhớ biến cố lịch sử này, đức giáo hoàng Pi-ô V dành riêng ngày này trong phụng vụ để tỏ lòng sùng kính Ðức Ma-ri-a dưới tước hiệu "Ðức Mẹ Toàn thắng", đến năm 1573, lễ này trở thành lễ Ðức Mẹ Mân côi. Vào năm 1716, đức Cơ-lê-men-tê XI đã chuẩn y việc cử hành lễ này trên khắp Giáo hội hoàn vũ. Cuối cùng, đức Lê-ô XIII dành toàn bộ tháng Mười cho việc sùng kính Ðức Ma-ri-a qua mầu nhiệm Mân Côi.

Qua nhiều thế kỷ, Dòng Anh em Thuyết giáo vẫn luôn trung thành với việc sùng kính Ðức Ma-ri-a qua chuỗi kinh Mân Côi bằng nhiều hình thức khác nhau : các hội đoàn, các nhóm, những cuộc hành hương và các tạp chí... Lời của cha Mông-roi - bề trên tổng quyền Dòng Anh em Thuyết giáo (1671) - đã khẳng định : "Kinh Mân Côi là bông hoa tuyệt vời nhất của Dòng. Khi bông hoa này tàn, thì sức hấp dẫn và phát triển của Dòng chúng ta cũng suy giảm ; nhưng khi trở nên tươi tốt, bông hoa ấy sẽ tuôn đổ xuống trên chúng ta vô vàn ơn phúc từ trời cao." (Chuỗi Mân Côi của tôi, tháng 10/1990).

Lời nguyện :
Lạy Thiên Chúa toàn năng, Chúa đã ban cho chân phước A-lanh biết liên kết lời Thiên sứ truyền tin cho Ðức Ma-ri-a với lời kinh và các biến cố trong cuộc đời của Ðức Giê-su thành một phương thế cầu nguyện tuyệt vời. Nhờ gương sáng và lời người nguyện giúp cầu thay, xin cho chúng con khi nhận ra giá trị cứu độ việc lần chuỗi Mân Côi, cũng được thông phần những mầu nhiệm tích chứa trong lời kinh ấy. Chúng con cầu xin


Chân phước Ma-ri-a Pút-xơ-panh

Trinh nữ (1653-1744)

Chị Ma-ri-a sinh tại Ðuốc-đăng ngày 14 tháng 10 năm 1653, trong một gia đình Công giáo. Miệt mài với công việc đan bố lụa ngay từ còn bé, chị đã sớm nuôi dưỡng lòng bác ái trong những lần theo mẹ đến thăm những bệnh nhân nghèo tại viện bác ái.

Năm 1685, với tầm nhìn rộng mở trước tiến triển của xã hội, chị Ma-ri-a đã biến công việc làm ăn gia đình thành cơ sở tiểu thủ công nghiệp. Chị thâu nhận công nhân tuổi từ 15 đến 25, và nâng cao vai trò của những công nhân này bằng cách bãi bõ thuế học nghề, trả lương theo sản phẩm và tạo cơ hôi thăng tiến trong công việc. "Cuộc cách mạng" công nghiệp này đã góp phần tăng trưởng đời sống kinh tế cho dân cư thành phố.

Thế nhưng, năm 1696 đánh dấu một bước ngoặc lớn lao trong cuộc đời chị, chị xin dâng hiến trọn đời cho việc phụng sự Thiên Chúa và phục vụ tha nhân. Chị lui về Xanh-vin ở Bô-xơ để thiết lập một cộng đoàn Dòng Ba Ða Minh nhằm mục đích dạy dỗ các thiếu nữ và phục vụ các bệnh nhân nghèo ở thôn quê. Chị đã tôn nhận Ðức Ma-ri-a dưới tước hiệu "Ðức Mẹ Dâng Mình" làm đấng bảo trợ cho các chị em của mình.

Chị Ma-ri-a Pút-xơ-panh dạy rằng, việc phục vụ trong đức ái phải được nối kết trực tiếp với đời sống chiêm niệm và việc loan báo Lời Chúa. Chị luôn khao khát được loan báo cho mọi người nhận biết và yêu mến Ðức Giê-su Ki-tô. Chị an nghỉ bình an trong Chúa ngày 24-1-1744, ở tuổi 90.

Ngày nay, cộng đoàn các Nữ tu Ða Minh Bác ái mang thánh hiệu "Ðức Mẹ dâng mình" diện ở 33 nước trên 4 châu lục. Khi chị Ma-ri-a Pút-xơ-panh đã trở thành người mở đường, những người đi sau thừa hưởng tinh thần của chị đã ra sức đáp ứng cho những nhu cầu của thời đại và sự khẩn thiết của việc loan báo Tin Mừng.

Ðức giáo hoàng Gio-an Phao-lô II tôn phong chân phước cho chị ngày 20-11-1994.

Lời nguyện
Lạy Chúa là Ðấng thấu suốt mọi sự, Chúa đã ban cho chân phước Ma-ri-a Pút-xơ-panh có tầm nhìn rộng mở trước những tiến triển của xã hội và lòng bác ái nồng nàn. Nhờ lời người nguyện giúp cầu thay, xin cho chúng con biết mưu cầu lợi ích cho tha nhân bằng việc xây dựng nước Chúa nơi trần gian này. Chúng con cầu xin


Chân phước Gia Thịnh Ma-ri-a Co-mi-ê

Linh mục (1832-1916)

Chân phước Gia Thịnh Ma-ri-a Co-mi-ê là bề trên tổng quyền thứ 76 của dòng Ða Minh có tên là Lu-i Ta-nít-lao Hen-ri Ma-ri-a Co-mi-ê, sinh tại Oóc-lê-ăng ngày 8-12-1832. Tại đây, cha mẹ người có một cửa hàng bán đồ gia vị. Khi theo học tại chủng viện, người bắt đầu nhận ra những dấu hiệu ơn gọi tu sĩ. Năm 1855, người được đón nhận vào dòng Ba Ða Minh đồng thời cũng lãnh bằng cử nhân thần học. Năm 1856, khi vừa thụ phong linh mục và được phép của giám mục Ðu-păng-lúp, người gia nhập dòng Ða Minh tại Phơ-la-vi-nhi và tuyên khấn trọng thể năm 1859.

Chủ trương hoạt động của cha Co-mi-ê là giúp cho các anh chị em của mình nhận ra ơn gọi và mối liên kết của họ với thánh Ða Minh. Người làm bề trên hầu như suốt cả đời : giám sư tập sinh, bề trên tu viện ở Co-ba-ra, Mạc-xây, Tu-lu-dơ, Xanh Mác-xi-manh, giám tỉnh tỉnh dòng Tu-lu-dơ 3 nhiệm kỳ, phụ tá cho bề trên tổng quyền Phơ-rân-ghít, rồi kế nhiệm từ năm 1904-1916. "Thu tóm mọi sự trong thánh Ða Minh" là chương trình của vị bề trên tổng quyền và khẩu hiệu của người là "bác ái trong chân lý".

Với vai trò kế vị thánh Ða Minh, quả thực, người được coi là vị tôn sư và là người cha trong gia đình với tất cả tấm lòng tận tụy và tinh thần từ bỏ. Nhiều hội dòng Nữ Ða Minh đã xem người như đấng sáng lập, cũng như góp phần đáng kể vào việc tổ chức và chuẩn nhận hiến pháp cho các chị. Cha cũng là một người thợ trong việc tái thiết đời sống đan tu cho các chị em ở đan viện Pơ-ru-dơ. Người còn là tác giả của nhiều bài viết về đời sống tu trì.

Cha Co-mi-ê quả là một người có tấm lòng quảng bác. Anh em đều công nhận : "Tất cả những ai đến với người đều nhận được sự bình an." Người còn là một "dịch giả" trung thực, luôn diễn dịch chính xác những tư tưởng và những khuynh hướng của Giáo hội vào thời chủ nghĩa hiện đại. Năm 1908, người khởi công xây dựng đại học An-giê-li-cum, nay là đại học giáo hoàng thánh Tô-ma. Sau nhiệm kỳ bề trên tổng quyền người lui về nghỉ hưu tại tu viện thánh Cơ-lê-men-tê tại Rô-ma và qua đời tại đây vào ngày 17-12-1916.

Ngày 20-11-1994, đức giáo hoàng Gio-an Phao-lô II đã tôn phong người lên hàng chân phước.

Lời nguyện : Lạy Thiên Chúa là Ðấng toàn năng hằng hữu, Chúa đã ban cho chân phước Gia Thịnh Ma-ri-a Co-mi-ê biết dùng khả năng Chúa ban để hết lòng phục vụ Hội Thánh và tận tụy lo cho anh chị em của mình. Nhờ lời chuyển cầu và gương sáng của người, xin Chúa ban cho chúng con luôn trung thành và nhiệt tình sống trọn vẹn ơn gọi theo thánh ý Chúa. Chúng con cầu xin


Chân phước A-nê giê-su Ga-lăng

Trinh nữ (1602-1634)

Chị A-nê Ga-lăng, nữ tu Ða Minh thần bí thế kỷ XVII, sinh tại Puy-ăng Vơ-lay ngày 17-11-1602. Từ thuở bé, chị đã có lòng sùng kính bí tích Thánh Thể và Ðức Trinh Nữ Ma-ri-a cách đặc biệt. Chị chăm chỉ tham dự các giờ kinh và làm việc bác ái đối với người nghèo.

Càng trưởng thành, chị càng khao khát được dâng mình cho Chúa. Gia đình chị sống gần môt tu viện dòng Ða Minh và người được nhận vào Dòng Ba ngày 20-4-1621. Hai năm sau, người rời Puy để đến một đan viện Ða Minh khác ở Lăng-giắc, khi đó người 21 tuổi.

Năm 1627, người trở thành bề trên. Tiếng tăm về sự thánh thiện đã đem đến cho chị cả những lời khen cũng như những lời đàm tiếu, thế nhưng chị vẫn đón nhận tất cả với lòng thanh thản. Năm 1631, Ðức Ma-ri-a hiện ra và bảo người rằng : "Hãy cầu xin với Con của Mẹ cho tu viện trưởng Pê-giắc". Chị A-nê hoàn toàn không biết đến vị linh mục này nhưng vẫn dâng những ý cầu nguyện, mọi đau khổ và hy sinh của mình ... cũng như đang đóng góp phần vào ơn gọi và sứ vụ của giám mục Ô-li-ê, đấng sáng lập tu hội Xuân Bích (sulpice) nhằm mục đích đào tạo linh mục.

Cũng như thánh Ca-ta-ri-na Xi-ê-na, chị A-nê đã đem hết tâm lực hoạt động vì lợi ích Giáo hội trong thời đại của mình. Chị qua đời ở tuổi 32, vào ngày 19-10-1634, để lại cho các chị em đan sĩ của mình một ơn gọi đặc biệt là chuyên cầu nguyện cho các linh mục.

Ân sủng của mẹ Ma-ri-a A-nê Lăng-giắc vẫn tiếp tục hiện diện sống động tại tu hội Xuân Bích, tại tu viện thánh Ca-ta-ri-na Lăng-giắc và tại hội dòng của các nữ tu Ða Minh hoạt động ở Puy. Vào năm 1671, hội dòng này đã xây dựng một cộng đoàn tại quê nhà của mẹ A-nê, được gọi là hội dòng "các nữ tu Ða Minh của mẹ A-nê".

Ngày 20-11-1994, đức giáo hoàng Gio-an Phao-lô II đã tôn phong người lên hàng chân phước.

Lời nguyện : Lạy Chúa là Ðấng vô cùng thánh thiện, Chúa đã làm cho chân phước A-nê trở thành nhà thần bí nhờ biết tôn kính Chúa Giêsu Thánh Thể cách đặc biệt, và ban cho người có lòng sùng mộ Ðức Trinh nữ Ma-ri-a. Qua lời người chuyển cầu, xin Chúa làm cho ân sủng của Ngài luôn hoạt động dồi dào nơi chúng con. Chúng con cầu xin