Truyền hình trực tiếp: Đức Thánh Cha kết thúc chuyến tông du Thái Lan, lên đường sang Nhật Bản

10. Đức Thánh Cha kết thúc chuyến tông du Thái Lan, lên đường sang Nhật Bản

9. Thánh lễ với Giới trẻ tại Nhà thờ chính tòa Đức Mẹ Lên Trời

8. Gặp các Nhà lãnh đạo Kitô giáo và các tôn giáo khác tại Đại học Chulalongkorn

7. Đức Thánh Cha gặp gỡ các linh mục, tu sĩ, chủng sinh và giáo lý viên

6. Truyền hình trực tiếp Thánh lễ ĐTC Phanxicô tại Bangkok, Thái Lan

Trong chuyến tông du đến Thái Lan, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ dâng thánh lễ tại sân vận động Supachalasai, Bangkok vào lúc 18g00 thứ Năm, ngày 21/11.

5. Video: Chào đón chính thức Đức Thánh Cha tại Toà Nhà Chính Phủ Thái

Như chúng tôi đã đưa tin, lúc 7 giờ tối Thứ Ba, 19 tháng 11, Đức Thánh Cha đã khởi hành từ sân bay Fiumicino của Rôma để bay sang Bangkok.

Lúc 12:30 trưa thứ Tư 20 tháng 11, ngài đã đến Terminal 2 trong sân bay Bangkok là khu vực dành cho Không quân Thái và để tiếp các vị quốc khách.

Những hình ảnh quý vị và anh chị em sắp sửa xem thấy đây là lễ nghi chào đón chính thức diễn ra tại vườn trong tòa nhà chính phủ vào lúc 9g sáng thứ Năm 21 tháng 11.

Trong khi chờ đợi, Thảo Ly xin trình bày với quý vị và anh chị em hai câu chuyện ngoài lề mà chúng tôi vừa biết được thông qua cuộc trao đổi với các ký giả Thái.


Câu chuyện thứ nhất diễn ra vào chiều ngày hôm qua khi các quân nhân trong đội quân danh dự của chính phủ Thái diễn tập chào đón Đức Thánh Cha trong ngày hôm nay. Quý vị và anh chị em có thể thấy trong đoạn video này các quân nhân rước cờ Tòa Thánh và cờ Thái Lan diễn hành trong sân tòa nhà chính phủ nơi lát nữa đây sẽ có các nghi thức chào đón chính thức Đức Thánh Cha.

Câu chuyện thứ hai là câu chuyện thay lá cờ mới nhân chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha. Một ký giả Thái cho chúng tôi biết chuyện thay lá cờ không phải là dễ dàng. Cả một tiểu đội lính được điều động để làm việc này.

Lá cờ được xếp kỹ lưỡng trong một tráp bằng bạc. Các quân nhân này kéo là cờ ra từ từ khỏi cái tráp bằng bạc đó và cột vào dây cờ bằng những động tác rất thành thạo, từ tốn và kính cẩn. Rồi không phải muốn kéo lên là kéo lên đâu. Cả tiểu đội phải chờ một hiệu lệnh. Thế rồi, họ phải nghiêm, nghỉ, chào đúng lễ nghi quân cách khi bài quốc ca được phát ra từ một chiếc loa gần đó trước khi hai người lính được phép kéo cờ lên cho tung bay trong gió.

Lan Vy cũng muốn đề cập đến nhân vật lãnh đạo sẽ tiếp Đức Thánh Cha trong buổi sáng hôm nay. Đó là thủ tướng Thái Prayut Chan-o-cha. Ông là người quyền thế nhất Thái Lan hiện nay. Uy quyền thực sự của ông vượt xa Vua Thái Rama thứ 10.

Đức Thánh Cha sẽ nói gì với ông này là điều nhiều người rất muốn biết. Diễn từ của Đức Thánh Cha với các nhà cầm quyền dân sự và ngoại đoàn là điều sẽ rất được chú ý tại Thái Lan, bất kể dù là người Công Giáo hay không.

Prayut nguyên Tổng Tư Lệnh quân đội Thái và là cựu chủ tịch Hội đồng hòa bình và trật tự quốc gia, gọi tắt là NCPO. Kể từ tháng 8 năm nay, ông giữ chức Thủ tướng Thái Lan, kiêm Bộ trưởng Quốc phòng, và Tư lệnh Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan. Ngoài ra, ông còn đảm nhận nhiệm vụ của Phó Thủ tướng Somkid Jatusripitak trong tư cách là người đứng đầu nhóm kinh tế của chính phủ và giám sát Cục Điều tra Đặc biệt của Bộ Tư pháp. Nói tắt một lời, Prayut Chan-o-cha là người có thể đảo chánh người khác chứ không muốn ai đó có thể đảo chánh được ông.

Phó Thủ tướng Somkid Jatusripitak là người đã ra tận chân thang máy bay để đón tiếp Đức Thánh Cha.

Trong tư cách là Tổng Tư Lệnh quân đội Thái Prayut luôn chứng tỏ mình là một người theo chủ nghĩa bảo hoàng cuồng nhiệt. Vì thế ông được hoàng gia hết lòng tin tưởng. Ông cũng được coi là người có bàn tay sắt trong quân đội, ông là một trong những người đề xướng hàng đầu các cuộc đàn áp quân sự chống lại các cuộc biểu tình áo đỏ vào tháng 4 năm 2009 và tháng 4 năm 2010.

Trong cuộc khủng hoảng chính trị bắt đầu vào tháng 11 năm 2013 và liên quan đến các cuộc biểu tình chống lại chính phủ Yingluck, thoạt đầu Prayut tuyên bố rằng quân đội là trung lập, và sẽ không tiến hành đảo chính. Tuy nhiên, vào tháng 5 năm 2014, Prayut đã tổ chức một cuộc đảo chính quân sự chống lại chính phủ và sau đó nắm quyền kiểm soát đất nước với tư cách là nhà lãnh đạo NCPO. Sau đó, ông đã ban hành một hiến pháp tạm thời trao cho mình quyền lực càn quét, trấn áp đối lập và tự ân xá cho mình vì đã dàn dựng cuộc đảo chính. Vào tháng 8 năm 2014, một cơ quan lập pháp quốc gia do quân đội thống trị, có các thành viên được Prayut tuyển chọn kỹ lưỡng, đã bổ nhiệm ông làm Thủ tướng. Ông ngồi vững trên quyền lực từ đó đến nay.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Nhân đây, Trúc Ly xin được điểm qua vài nét về lịch sử cận đại của Thái Lan.

Cũng như hầu hết các quốc gia trong vùng, trước đây, Thái Lan theo chế độ quân chủ chuyên chế. Quân Xiêm từng nhiều lần giao tranh với Việt Nam.

Giữa thế kỷ 19, hầu hết các quốc gia trong vùng Đông Nam Á bị thực dân đô hộ. Đế quốc Anh đã chiếm Ấn Độ, Miến Điện, Tích Lan, trong khi Pháp chiếm 3 nước Việt Nam, Lào và Campuchia. Thái Lan vô tình trở thành vùng đệm địa lý giữa 2 thế lực thực dân đứng đầu thế giới khi đó là Anh và Pháp. Vì không muốn nổ ra xung đột với đối thủ, Anh và Pháp quyết định trung lập hóa Thái Lan, cả hai sẽ tự kiềm chế, không tiến quân xâm chiếm nước này.

Nhờ sự may mắn đó, cũng như biết lợi dụng mâu thuẫn giữa các cường quốc để họ tự kiềm chế nhau, Thái Lan đã tránh được các cuộc xâm lược và được hưởng thời gian độc lập, hòa bình tương đối lâu dài.

Tuy không bị đô hộ, Thái Lan đã phải cắt nhiều phần lãnh thổ nhường cho Pháp và Anh. Những phần lãnh thổ này bị mất luôn sau thời thực dân. Diện tích Thái Lan hiện nay chỉ còn 60% so với diện tích vào năm 1867.

Sau cuộc cách mạng tư sản năm 1932 do một nhóm sĩ quan trẻ lãnh đạo, Thái Lan chuyển từ chế độ quân chủ chuyên chế sang chế độ quân chủ lập hiến. Ngày 05 tháng 12 năm 1932 vua Prachadhipok (Rama VII) đã thông qua bản hiến pháp đầu tiên của Thái Lan. Hơn 60 năm qua Thái Lan đã thay đổi 16 hiến pháp sau nhiều cuộc đảo chính, nhưng Hiến pháp 1932 vẫn được coi là cơ sở.

Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, Thái Lan là đồng minh lỏng lẻo của Nhật Bản, cho Nhật đi qua đất Thái tiến đánh Mã Lai Á, và Miến Điện. Khi thấy quân Nhật suy yếu, một nhóm quân nhân Thái đã đảo chính vào ngày 1 tháng 8 năm 1944, lật đổ chính phủ thân Nhật và ngay lập tức chuyển nước Thái từ một đồng minh lỏng lẻo của Nhật trở thành đồng minh của Mỹ và nhờ đó tiếp tục giữ được độc lập và hòa bình.

Cuối cùng, vào thập niên 1980, Thái Lan chuyển hướng sang con đường nghị viện.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Quý vị và anh chị em đang theo dõi buổi lễ đón tiếp Đức Thánh Cha tại tòa nhà chính phủ Thái Lan.

Đức Thánh Cha vừa đi xe hơi đến. Ra đón Đức Thánh Cha, chúng tôi thấy có thủ tướng Thái Prayut Chan-o-cha. Ông là người quyền thế nhất Thái Lan hiện nay. Uy quyền thực sự của ông vượt xa Vua Thái Rama thứ 10. Khi Đức Thánh Cha vừa ra khỏi xe, chúng tôi thấy ông kính cẩn cúi gập người chào trong một cử chỉ rất tôn kính, mặc dù, ông là một Phật tử, không phải người Công Giáo.

Ông chào thêm một lần nữa trước khi bắt tay Đức Thánh Cha.

Đức Thánh Cha đang bước trên thảm đỏ trước hàng quân danh dự đại diện cho các quân binh chủng Thái Lan. Ngài được Đại tướng Apirat Kongsompong, Tổng Tư Lệnh quân đội Thái, từ ngày 1 tháng 10, năm ngoái 2018 đón tiếp.

Giờ đây hai vị cùng tiến lên lễ đài chào quốc kỳ Vatican và Thái Lan.

Chúng tôi thấy thủ tướng Thái Prayut cố ý đứng dưới bục thấp hơn như một cử chỉ tôn kính dành cho Đức Thánh Cha.

Quốc thiều Vatican.

Quốc thiều Thái Lan.

Sau buổi lễ chào quốc kỳ, hai vị đã giới thiệu những người hiện diện.

Thủ tướng Prayut giới thiệu với Đức Thánh Cha thành phần nội các của ông bao gồm 36 thành viên gồm 3 Phó Thủ tướng, 21 Bộ trưởng và 11 Thứ trưởng. Ngoài ra còn có một số Ủy ban của Chính phủ được lập ra để phối hợp thực hiện các chính sách chung.

4. Chương trình chi tiết ĐTC Phanxicô thăm Thái Lan và Nhật Bản

Sáng thứ Hai 28/10, Văn phòng Báo chí Tòa thánh cập nhật chương trình đã được phổ biến từ ngày 2/10 về chuyến viếng thăm của ĐTC Phanxicô đến Thái Lan và Nhật Bản từ 19-26/11.
Thứ Ba 19 Tháng 11 Năm 2019
ROMA – BANGKOK
19:00 Khởi hành từ sân bay Fiumicino của Roma đến Bangkok
 

Thứ Tư 20 tháng 11 năm 2019

ROMA – BANGKOK
12:30 Đến sân bay quân sự Bangkok
Chào mừng tại terminal 2 sân bay quân sự Bangkok
 

Thứ Năm 21 tháng 11 năm 2019

BANGKOK
09:00 Nghi thức đón tiếp tại Toà nhà Chính phủ
09:15 Gặp Thủ tướng tại “Phòng Ngà Thân Hữu – Inner Ivory Room” của Toà nhà Chính phủ
09:30 Gặp quan chức chính quyền, đại diện xã hội dân sự và ngoại giao đoàn tại Hội trường “Inner Santi Maitri” của Toà nhà Chính phủ Diễn văn của Đức Thánh Cha
10:00 Thăm Đức Tăng Thống của Phật giáo tại Chùa Wat Ratchabophit Sathit Maha Simaram Temple Lời chào của Đức Thánh Cha
11:15 Gặp nhân viên của Bệnh viện Công giáo Thánh Louis Lời chào của Đức Thánh Cha
12:00 Thăm các bệnh nhân và người khuyết tật tại Bệnh viện Công giáo Thánh Louis
Ăn trưa tại Tòa Sứ Thần
17:00 Thăm riêng Quốc Vương Maha Vajiralongkorn “Rama X” tại Cung điện Hoàng gia Amphorn
18:00 Thánh lễ tại sân vận động Quốc gia Bài giảng của Đức Thánh Cha
 

Thứ Sáu 22 tháng 11 năm 2019

BANGKOK
10:00 Gặp các Linh mục, Tu sĩ, Chủng sinh và Giáo lý viên tại Giáo xứ thánh Phêrô (St. Peter’s Parish) Diễn văn của Đức Thánh Cha
11:00 Gặp các Giám mục của Thái Lan và Liên hội đồng Giám mục Á châu tại Vương cung Thánh đường Chân phước Nicholas Boonkerd Kitbamrung Diễn văn của Đức Thánh Cha
11:50 Gặp riêng các tu sĩ Dòng Tên tại hội trường kế Vương Cung Thánh Đường
Ăn trưa tại Tòa Sứ Thần
15:20 Gặp các Nhà lãnh đạo Kitô giáo và các tôn giáo khác tại Đại học Chulalongkorn Diễn văn của Đức Thánh Cha
17:00 Thánh lễ với Giới trẻ tại Nhà thờ chính tòa Đức Mẹ Lên Trời (the Cathedral of the Assumption) Bài giảng của Đức Thánh Cha
 

Thứ Bảy 23 tháng 11 năm 2019

BANGKOK-TOKYO
09:15 Nghi thức tạm biệt tại Terminal 2, sân bay quân sự của Bangkok
09:30 Khởi hành đến Tokyo
17:40 Đến sân bay Tokyo-Haneda
Nghi thức đón tiếp tại sân bay Tokyo-Haneda
18:30 Gặp các Giám mục tại Tòa Sứ Thần Diễn văn của Đức Thánh Cha
 

Chúa Nhật 24 tháng 11 năm 2019

TOKYO-NAGASAKI-HIROSHIMA-TOKYO
07:20 Khởi hành đến Nagasaki
09:20 Đến sân bay Nagasaki
10:15 Sứ điệp về vũ khí hạt nhân tại Công viên Bom Nguyên Tử (the Atomic Bomb Hypocenter Park) Sứ điệp của Đức Thánh Cha
10:45 Kính viếng các Thánh Tử Đạo tại Đài Các thánh Tử đạo – Đồi Nishizaka Lời chào của Đức Thánh Cha
Kinh Truyền Tin
Ăn trưa tại Tòa Tổng Giám Mục
14:00 Thánh lễ tại sân vận động Bóng Chày Bài giảng của Đức Thánh Cha
16:35 Khởi hành đi Hiroshima
17:45 Đến sân bay Hiroshima
18:40 Gặp gỡ vì hòa bình tại Đài Tưởng niệm Hòa bình Sứ điệp của Đức Thánh Cha
20:25 Khởi hành đi Tokyo
21:50 Đến sân bay Tokyo-Haneda
 

Thứ Hai 25 tháng 11 năm 2019

TOKYO
10:00 Gặp các nạn nhân của “Tam Đại Họa – Triple Disaster” tại Hội trường Bellesalle Hanzomon Diễn văn của Đức Thánh Cha
Thăm riêng Nhật hoàng Naruhito tại Hoàng cung
11:45 Gặp Giới trẻ tại Nhà thờ chính tòa Thánh Maria (the Cathedral of Holy Mary) Diễn văn của Đức Thánh Cha
Ăn trưa với đoàn tuỳ tùng giáo hoàng tại Tòa Sứ Thần
16:00 Thánh Lễ tại hội trường thể thao Tokyo Bài giảng của Đức Thánh Cha
Gặp Thủ Tướng Nhật tại Kantei
Gặp quan chức chính quyền và ngoại giao đoàn tại Kantei Diễn văn của Đức Thánh Cha
 

Thứ Ba 26 tháng 11 năm 2019

TOKYO – ROMA
07:45 Thánh lễ riêng với các tu sĩ Dòng Tên tại Nhà nguyện Kulturzentrum của đại học Sophia
Ăn sáng và gặp riêng Học viện Massimo tại đại học Sophia
09:40 Thăm các linh mục già và đau bệnh tại đại học Sophia
10:00 Thăm Đại học Sophia Diễn văn của Đức Thánh Cha
11:20 Nghi thức tạm biệt tại sân bay Tokyo-Haneda
11:35 Khởi hành về Roma
17:15 Đến sân bay Fiumicino, Roma

3. Video: Truyền hình trực tiếp: Chào đón chính thức Đức Thánh Cha tại Toà Nhà Chính Phủ Thái

 

2. Video: Đức Thánh Cha Phanxicô đến Bangkok – Thái Lan bắn đại bác chào mừng

Lúc 7 giờ tối, Thứ Ba, 19 tháng 11, Đức Thánh Cha đã khởi hành từ sân bay Fiumicino của Rôma để bay sang Bangkok, bắt đầu chuyến tông du thứ 32 của Đức Thánh Cha bên ngoài Italia.

Lúc 12:10 trưa thứ Tư 20 tháng 11, ngài sẽ đến Terminal 2 trong sân bay Bangkok là khu vực dành cho Không quân Thái và để tiếp các vị quốc khách.

Nhân dịp này gởi đến quý vị và anh chị em một vài nét về quốc gia này.

Thái Lan, trước gọi là Xiêm La, có tên chính thức là Vương quốc Thái Lan, là một quốc gia nằm ở vùng Đông Nam Á, phía bắc giáp Lào và Myanmar, phía đông giáp Lào và Campuchia, phía nam giáp vịnh Thái Lan và Malaysia, phía tây giáp Myanmar và biển Andaman.

Lãnh hải Thái Lan phía đông nam giáp với lãnh hải Việt Nam ở vịnh Thái Lan, phía tây nam giáp với lãnh hải Indonesia và Ấn Độ ở biển Andaman.

Thái Lan có diện tích 513,000 km2, lớn thứ 50 trên thế giới và dân số khoảng 67.8 triệu người đông thứ 20 trên thế giới. 75% dân số là người dân tộc Thái. Kế đó, 14% là người gốc Hoa và 3% là người Mã Lai, phần còn lại là những nhóm dân tộc thiểu số như Môn, Khmer và các bộ tộc khác. Hiện có khoảng 2.2 triệu người nhập cư hợp pháp và bất hợp pháp ở Thái Lan. Ngôn ngữ chính thức là tiếng Thái.

Năm 2015, viện Gallup hợp tác với tổ hợp thăm dò dư luận WIN đã phỏng vấn 64,000 người trên thế giới về quan điểm tôn giáo và việc thực hành niềm tin tôn giáo của họ. Kết luận được đưa ra cho thấy Thái Lan, nơi Phật Giáo chiếm đa số; và Armenia nơi Kitô Giáo chiếm đa số là hai quốc gia sùng đạo nhất.

93.6% trong tổng số 67.8 triệu dân Thái theo Phật giáo Nam Tông. Trong khi đó, trong 3 triệu người Armenia, 98% là các tín hữu Kitô, đông nhất là các tín hữu thuộc Giáo Hội Armenia Tông Truyền với 92.6%.

Chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô đến Thái Lan vào ngày hôm nay là chuyến viếng thăm đầu tiên miền đất này của người đứng đầu Giáo Hội Công Giáo kể từ chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II vào năm 1984. Như thế là 35 năm đã trôi qua. Theo nhận định của tờ Crux, có 5 điều sau chúng ta nên biết về chuyến viếng thăm này cũng như lịch sử của Giáo hội tại Thái Lan:

1. Chuyến viếng thăm này chủ yếu là để nâng cao tinh thần cộng đoàn Công Giáo tại đây.

Đức Phanxicô chắc chắn sẽ đề cập đến một số mối quan tâm xã hội mà ngài thường nêu bật, nhưng chuyến thăm này của ngài chủ yếu là nhằm tăng cường tinh thần cho cộng đồng Công Giáo. Thật thế, trong video gởi cho người dân Thái trước chuyến đi, Đức Thánh Cha nói rằng “Trong chuyến viếng thăm, tôi sẽ có cơ hội gặp gỡ cộng đoàn Công Giáo Thái Lan để củng cố họ trong đức tin và trong việc đóng góp cho xã hội Thái. Họ là những người Thái và phải hoạt động vì chính đất nước của họ.”

Ngài cũng nói rằng ngài muốn nhấn mạnh đến tầm quan trọng của đối thoại và hợp tác liên tôn, đặc biệt là trong việc phục vụ người nghèo và chính nghĩa hòa bình.

2. Đạo Công Giáo có một lịch sử lâu dài tại Thái Lan

Số người Công Giáo tại Thái Lan không nhiều. Chỉ có khoảng 388,000 người trong tổng số 67.8 triệu dân. Tuy nhiên, Đạo Công Giáo có lịch sử lâu dài ở Thái Lan. Các nhà truyền giáo dòng Đa Minh được sự tài trợ của người Bồ Đào Nha đã đến Thái Lan – khi đó còn gọi là Xiêm La – vào năm 1567, và Giáo hội đã thành lập một phái bộ truyền giáo chính thức vào năm 1669 dưới sự chỉ đạo của Hội Truyền Giáo Étrangères de Paris, được coi là Hội Truyền Giáo hiện diện chính tại Đông Nam Á trong nhiều thế kỷ. Người Công Giáo bị ảnh hưởng bởi các cuộc đấu tranh quyền lực nội bộ và chủ nghĩa thực dân trong khu vực, đặc biệt là trong thời kỳ Thế chiến II, khi một chính phủ quốc gia tìm cách cải đạo tất cả mọi người Thái sang Phật giáo. Tình hình đã có sự thay đổi đáng kể từ khi Quốc vương Bhumibol Adulyadej lên ngôi vào năm 1946. Nhà vua cổ vũ cho Quan hệ hài hòa như là quy tắc ứng xử trong xã hội.

3. Giáo Hội Công Giáo tại Thái Lan ngày nay.

Thái Lan được coi là đất nước sùng đạo Phật nhất trên thế giới. Ngày nay có khoảng 388,000 người Công Giáo, tức là 0.58% trong số 67.8 triệu dân. Về cơ bản, có hai cộng đồng Công Giáo ở Thái Lan: cư dân đô thị của thủ đô có con cái học tại các trường tư thục và cao đẳng uy tín do Giáo hội điều hành, và các thành viên người dân tộc thiểu số ở phía đông bắc và phía bắc. Nhiều cộng đồng Công Giáo nông thôn bao gồm con cháu của những người tị nạn chạy trốn các cuộc bách hại tại Việt Nam.

4. Các tiêu điểm Đức Giáo Hoàng muốn nhắm đến

Đức Phanxicô thường điều chỉnh các thông điệp của mình cho phù hợp với các địa điểm nơi ngài nói. Ngài sẽ nói chuyện công khai tại hai Thánh lễ, một là tại sân vận động quốc gia trước đám đông dự kiến 50,000 người, nơi có lẽ ngài sẽ nói về nạn buôn người và việc bóc lột phụ nữ và trẻ em, cả hai đều là những vấn đề lâu dài trong khu vực. Người tị nạn là một mối quan tâm liên quan khác mà có thể ngài sẽ đề cập đến. 35 năm trước, vấn đề người tị nạn Việt Nam vượt biên tìm tự do đã là một trong những chủ đề chính trong chuyến tông du của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Khi ngài viếng thăm Thái Lan, lúc đó quốc gia này đang phải chăm sóc cho rất nhiều người tị nạn và vì thế, một hoạt động trong chương trình của ngài là thăm viếng một trại tị nạn tại Panasnikom. Điều đó đã khiến thế giới biết đến trách nhiệm của Thái Lan đối với những người tị nạn và từ đó nhiều trợ giúp quốc tế đã được trao ra.

Cha Bernardo Cervellera, tổng biên tập của Asia News, cho biết Đức Giáo Hoàng cũng có thể bày tỏ mối quan ngại về chủ nghĩa duy vật, là một trong những chủ đề thường xuyên của ngài, và thảo luận với các đối tác Phật giáo về vấn đề thế tục hóa trong xã hội.

5. Cuộc gặp gỡ với Vua Thái.

Đức Phanxicô sẽ gặp Quốc vương Maha Vajirusongkorn. Ông là một vị hoàng tử khi chào đón Thánh Gioan Phaolô II trong chuyến thăm của vị Giáo Hoàng Ba Lan vào năm 1984. Đức Thánh Cha cũng sẽ gặp Thủ tướng Prayuth Chan-ocha và người đứng đầu cộng đồng Phật giáo Thái Lan, là Đức Tăng Thống Somdet Phra Maha Muneewong Ariyavongsagatayana.

Các cuộc gặp gỡ riêng của ngài sẽ bao gồm một chuyến viếng thăm 40 người bệnh và tàn tật tại Bệnh viện Thánh Louis ở thủ đô Bangkok, cũng như một cuộc họp với các tu sĩ Dòng Tên đang làm việc tại Thái Lan. Đức Phanxicô là vị giáo hoàng đầu tiên xuất thân từ dòng Tên và luôn có những cuộc gặp gỡ như vậy với các linh mục, tu sĩ cùng dòng trong các chuyến đi của ngài.


Source:Crux

1. Đức Thánh Cha lên đường sang Bangkok – Kỷ niệm 35 năm Đức Gioan Phaolô II thăm Thái Lan

Lúc 7 giờ tối, ngày Thứ Ba, 19 tháng 11, Đức Thánh Cha đã khởi hành từ sân bay Fiumicino của Rôma để bay sang Bangkok, bắt đầu chuyến tông du quốc tế lần thứ 32 của ngài.

Trong chuyến tông du này ngài sẽ đến thăm Thái Lan và Nhật Bản. Cả hai quốc gia này đều là những nơi có rất ít người Công Giáo.

Pope Francis waves as he boards an airplane to Thailand, at the Rome Leonardo da Vinci airport on Tuesday. (AP photo)

Trong tổng số 67.8 triệu người Thái, chỉ có 380,000 người theo đạo Công Giáo. Theo số liệu thống kê của Hội đồng Giám mục Công Giáo Nhật được công bố vào tháng 7 năm nay, quốc gia này có 440,893 người Công Giáo tính cho đến năm 2018. Như thế, người Công Giáo ở cả hai quốc gia này chiếm chưa đầy 1 phần trăm dân số.

Theo tờ Khaosod của Thái, dư luận tại quốc gia này rất thuận lợi đối với chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô. Người Thái tin rằng chuyến tông du của Đức Thánh Cha làm nổi bật một tình hình là Thái Lan là một gương mẫu cho sự sống chung giữa các tôn giáo. Người Thái tự hào là có thể sống với nhau trong sự hài hòa và hiểu biết lẫn nhau. Anh chị em Phật tử, dù là khối đa số ở quốc gia này, vẫn sống trong sự hài hoà với các tôn giáo khác và tôn trọng tín ngưỡng của nhau. Đó là sự khác biệt rất lớn với quốc gia láng giềng Miến Điện nơi người Hồi Giáo Rohingya đã và đang phải gánh chịu sự đàn áp kinh hoàng của khối đa số Phật Giáo tại quốc gia này.

Tại Nhật, nơi đã phải gánh chịu những hậu quả kinh hoàng của hai quả bom nguyên tử ném xuống Hiroshima và Nagasaki, dư luận tại quốc gia này từ các năm qua đã đánh giá rất cao các thông điệp hòa bình của Đức Thánh Cha. Người Nhật đang nồng nhiệt chuẩn bị chào đón ngài.

Lúc 12:30 trưa thứ Tư 20 tháng 11, Đức Thánh Cha sẽ đến Terminal 2 trong sân bay Bangkok là khu vực dành cho Không quân Thái và để tiếp các vị quốc khách.

Phối hợp với Ủy Ban Truyền Thông của Hội Đồng Giám Mục Thái Lan, chương trình Thế Giới Nhìn Từ Vatican xin gởi đến quý vị và anh chị em những hồi ức của người dân Thái khi Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II thăm quốc gia này 35 năm trước.

Chúng tôi là Kim Thúy xin kính chào quý vị và anh chị em.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Đó là khoảng khắc thế giới vẫn còn nhớ. Hàng triệu người nhớ lại khi Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II thăm Thái Lan vào năm 1984.

Đó là lần đầu tiên một vị Giáo Hoàng của Giáo Hội Công Giáo đến miền đất có hình chiếc rìu vàng mến yêu của chúng ta.

Trong chuyến tông du đó, chúng ta có ít thời gian lắm. Nhưng Đức Giáo Hoàng có quá nhiều sứ vụ và ngài đã thực thi những sứ vụ ấy đầy ấn tượng.

Đó là lần đầu tiên Thái Lan có cơ hội được tiếp đón ngài. Ngài rất đơn sơ trong mọi sự gây ấn tượng mạnh cho người Thái, đặc biệt là người Công Giáo Thái.

Đó là lần đầu tiên một vị Giáo Hoàng đến thăm Thái Lan. Tôi nhớ khi ngài đến nhà ga quân sự, không ai quên được là khi lần đầu tiên đặt chân xuống mặt đất của Vương quốc Thái, ngài cúi xuống hôn đất. Đó là hình ảnh thế giới chứng kiến. Đi đến đâu ngài cũng tỏ lòng kính trọng quốc gia ngài viếng thăm bằng cách hôn đất của quốc gia đó.

Ngài đã làm nhiều điều rất thú vị. Mọi nơi ngài đến thăm đều có đông đảo người chờ đợi được chào đón ngài. Bầu khí đức tin ấy và đầy tình yêu ấy sắp lại xuất hiện từ 20 đến 23 tháng 11 khi Đức Thánh Cha Phanxicô viếng thăm chính thức Thái Lan để thăm viếng con cái ngài và mở rộng di sản của sự tốt lành mà Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã trao cho chúng ta 35 trước đây.

Khi ngài viếng thăm Thái Lan, lúc đó quốc gia chúng ta đang phải chăm sóc cho rất nhiều người tị nạn và vì thế, một hoạt động trong chương trình của ngài là thăm viếng một trại tị nạn tại Panasnikom. Điều đó khiến thế giới biết đến trách nhiệm của Thái Lan đối với những người tị nạn và từ đó nhiều trợ giúp quốc tế đã được trao ra.

Một chiều kích thứ hai tôi nghĩ là khác biệt với chuyến viếng thăm lần này đó là bây giờ chúng ta có Internet 4G, 5G vân vân. Nên lần này mọi người biết có chuyến viếng thăm của ngài. 80 ký giả tháp tùng cùng một chuyến bay với ngài, hết các chỗ trên máy bay.

Chuyến viếng thăm này đã thu hút sự quan tâm và chú ý của thế giới. Và chúng ta đã biết chương trình của ngài. Tôi nghĩ lần này Đức Giáo Hoàng muốn cho thế giới thấy Thái Lan là một gương mẫu. Chúng ta sống trong sự hài hòa và hiểu biết lẫn nhau.

Ngài muốn thấy rằng anh chị em Phật tử, dù là khối đa số ở quốc gia này, vẫn sống trong sự hài hoà với các tôn giáo khác và tôn trọng tín ngưỡng của nhau.

Mọi thành phần trong xã hội Thái hiệp nhất nên một trở thành một chủ nhà chu đáo trong việc chào đón người khách quan trọng này, biến chuyến viếng thăm này thành một cơ hội tuyệt vời và đầy ấn tượng.

Đồng thời, đây cũng là một cơ hội cho những người Công Giáo Thái chứng tỏ sức mạnh của tình hiệp nhất trong việc chuẩn bị mọi thứ thật hoàn chỉnh trong khi chờ đợi Đức Thánh Cha Phanxicô đến.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *