Vĩnh Hậu – Niềm vui No-el…!!

 

Tôi quảy Ba-lô lên và đi.

Bạn bè nói: – Đi tìm Hài Nhi à? Năm nào cũng rong ruổi thế?

– Uhm! Đi Vĩnh Hậu, mà chắc phải lan can sang nhiều giáo xứ kế cận!

– Vĩnh Hậu có gì vui?

– Ai biết, đến sẽ tìm niềm vui, chí ít Giáng Sinh là vui!

Trên đường đi, tôi ghé giáo xứ Vô Nhiễm, và tôi đã gặp Cha Xứ Giu-se Khanh. Ngài đã quảng đại tiếp khách bằng chai nước mát và mấy trái cây chín vàng ươm, nhưng ấn tượng nhất là khuôn mặt hiền lành. Thấy không khí có vẻ im ắng, hình như tâm trạng đón Chúa Giáng Sinh ở đây chỉ lột tả trên cái hang đá âm thầm và mấy lá cờ phất phơ trên nóc nhà thờ. Ngôi nhà Thờ Mẹ Vô Nhiễm già nua khi cho các con họ lẻ ra riêng, giờ nằm hiu hắt phận Già, mái tôn chấp vá, xụp xệ so với những ngôi thánh đường mới khoe mái vươn nóc kiểu dáng Tây Phương.

Cha âm trầm chia sẻ, chắc phải thu lại bớt 2 căn vì nó dư chỗ thênh thang khi các xứ tách ra. Tôi nhìn sâu trong đôi mắt đục màu vì nỗi lo u uẩn, mà vẫn toát lên vẻ hiền lành chân chất của Mục Tử như lòng Chúa mong ước.

Chia tay Cha Sở Vô Nhiễm, tôi lại tìm đến Hang Be-lem của Họ Đạo Thánh Phê-rô. Nơi đây tôi đã khám phá ra “Hang đá tâm hồn”. Nhà thờ đang xây dựng còn dang dở. Tôi đã chụp vội vài bức ảnh cái dáng thô sơ khỏe khoắn của ngôi thánh đường đang trong giai đoạn nước rút.

 

Cha sở đã dẫn chúng tôi tham quan sơ lược về cảnh chuẩn bị đón Giáng Sinh của bà con trong tâm tình khiêm tốn vì phải dốc sức hoàn thành ngôi nhà thờ.

Điểm đến của chúng tôi đêm nay là Vĩnh Hậu. Tôi thấy Chúa đã Giáng sinh nơi này. Không khí mừng Chúa Giáng Sinh của vùng quê náo nhiệt một cách đặc biệt, chỉ có những người đã từng sinh ra và sống một giai đoạn thơ ấu ở quê mới cảm nhận được trọn vẹn cái rạo rực của Giáng Sinh vùng quê.

Để có một đêm tưng bừng lung linh dưới ánh đèn sân khấu. Đạo diễn và diễn viên( quý Soeur  và các bé thiếu nhi cả công giáo và lương giáo cả Việt lẫn Khơ-mer) phải vất vả suốt hơn một tháng trước đó. Việc tìm diễn viên cho một đêm diễn văn nghệ ở một giáo xứ vùng sâu vùng xa không phải dễ. Có xứ “Quân ta chưa được 1/3”, còn lạin là các em lương giáo lân cận mời vào cũng đóng vai dân do Thái, Mục Đồng, cũng múa hát No-el về, cũng quỳ lạy Hài Nhi nhưng… xin thưa con chưa là người công giáo, đủ để thấy niềm vui Giáng Sinh là niềm vui chung của nhân loại.

Trời còn hừng hực nắng là đã có các gian hàng buôn bán thức ăn, đồ dùng xinh xinh giăng dọc theo hai bên cổng bên ngoài nhà thờ. Tiếng nhạc No-el dồn dập gọi mời, niềm vui Giáng Sinh bay ngập trên nóc nhà thờ. Bà con lương giáo lẫn công giáo như dòng nước chảy về dừng lại trong sân ngôi thánh đường. Khu hang đá nằm ở khuôn viên phía sau nhà thờ đèn hoa đầy màu sắc rực rỡ, mọi người chen chân tranh thủ tận hưởng và ghi lại niềm vui tràn ngập đêm Giáng Sinh. Máy ảnh nhá đèn liên hồi. Tôi biết đêm nay có nhiều người vui, có nhiều niềm vui tràn vào cửa ngõ nhà người, anh vui vì hôm nay bán được nhiều hơn ký bò viên, chị vui vì gian hàng nước bán đắc, anh thợ chụp ảnh vui vì nhiều người chụp hình- được kha khá, cả gia đình vui vì tấm hình ấm cúng bên hang đá có gia đình Thánh Gia. Niềm vui bung tỏa xua đi những lo lắng buồn phiền, niềm vui đến đẩy lùi khốn khó ưu sầu.

Các diễn viên nhí xúng xính áo lụa vì sắp được cháy hết mình trên sân khấu làng. Hoạt cảnh Chúa Giáng sinh được tái hiện lại qua những con người mộc mạc dễ thương, những ánh mắt ngơ ngác vì em là người chưa có đạo, trông rất dễ chịu. Tôi thấy niềm vui len lỏi trong mắt các cụ già. Tôi hỏi và nhận được nhiều câu trả lời hiền hòa. Tôi biết họ đang chung hưởng hạnh phúc mà Hài Nhi Giê-su đêm nay đã mang đến cho nhân trần. Ai cũng vui, người giàu có cách vui của người giàu, người nghèo có niềm vui mộc mạc của riêng mình không lẫn vào nhau, nhưng chung quy là vui vì đó là Giáng Sinh, đó là sự kiện lớn của đất trời.

Đêm canh thức được nối dài theo là chương trình Kiệu Hài Nhi Giê-su, trang nghiêm, ấm cúng. Các bà mẹ giờ đã khoác áo dài nét đẹp rất “nhà thờ”, có lần tôi nghe các cô thôn nữ khen nhau chỉ có nhà thờ vùng quê là còn cái nét đẹp áo dài rực sắc màu vào những dịp lễ lớn. Đoàn rước nối tiếp nhau, hân hoan hát vang bài ca chúc mừng Chúa Con ra đời.

Thánh lễ vọng Giáng Sinh là trọng tâm đêm nay. Bài giảng lễ của Cha khách Phê-rô Trần Văn Thơ OP, ít nhiều đọng lại trong lòng của đoàn dân Chúa Vĩnh Hậu. Nghe tin bão phương xa dồn dập từ chiều nay. Cha sở Ant. Vũ Xuân Vinh đã nhận tin từ Cha Quản hạt cho công tác mở cửa các nhà thờ đón dân di dời tránh bão. Ấy thế mà niềm vui Giáng Sinh lấp đầy xua hết nỗi sợ hãi trong lòng bà con, mọi người đang xum hợp nơi ngôi thánh đường ấm cúng này và đã khẳng định nhiều lần khi Cha Khách hỏi:

– Bà con có lo sợ bão sắp đến không? Tiếng đồng thanh trả lời:

– Thưa không!

Cha bắt đầu bài giảng bằng chính niềm tin của Bà Con Vĩnh Hậu. Tin rằng Ngôi Hai xuống thế làm người cứu nhân trần. Tin vào mầu nhiệm nhập thể. Niềm tin xua đi nỗi sợ hãi, niềm vui đẩy lùi bóng tối của tội ác. Niềm vui được giải cứu. Cha gợii ý, những hào nhoáng của đêm No-el tưng bừng, ánh đèn lấp lánh trong đêm nay nhiều màu sắc, niềm vui phút chốc đó rồi cũng qua đi. Cái hang đá mà bà con góp công xây đựng tồn tại chỉ 2 tuần rồi cũng phá đi. Nhưng, cái hang đá trong tâm hồn con người là Vĩnh Cửu, mầu nhiệm cứu chuộc, ân sủng mà chính Chúa Cha đã vì yêu thương ban chính con một mình xuống thế mang lấy thân phận con người, đồng hành cũng mỗi con người yếu đuối tội lỗi, mỗi phận người tạm bợ để nhờ vào ân sủng ấy mà con người được cứu độ. Cha cầu chúc mọi người sống trọn niềm vui Gia đình Thánh Gia và bắt chướt Gia đình Thánh Gia, sống đúng vai người Cha Gương mẫu, Người Mẹ hiền hòa, Người Con thảo hiếu, để mỗi gia đình Ki-tô hữu sẽ là gia đình Thánh Gia tại thế là gương mẫu cho xã hội và nền tảng tốt đẹp của Giáo Hội.

Đêm No-el nhộp nhịp khép lại bằng lời chúc bình an của Cha Sở và một đem an lành để Chuẩn bị Long trọng Mừng Chúa Giáng Sinh sớm mai.

Tranh thủ được chút thời gian lúc chiều, tôi ghé thăm nhà thờ trẻ tuổi của hạt Bạc Liêu – Nhà Thờ Vĩnh Thịnh mới chỉ được 2 năm tuổi tách ra từ họ mẹ Vĩnh Hậu. Cha sở có vẻ hiền hòa e dè khoe “Tu ở đây khỏe re hà” vì… muốn biết nhiều thì hỏi Chị giáo dân vừa đến kìa, mỗi lúc trời mưa săn quần lội có 2 cây rưỡi số để đến nhà thờ tập hát hà. Giáo dân ở đây đa phần là Dân Bùi Chu vào đây làm ăn nuôi Tôm Sú. Họ mua đất ở đâu thì cất nhà ngay đó nên đường đi đến nhà Chúa xa xôi trắc trở có khi phải đi mười mấy cây số. Gần nhất cũng 4 cây, còn muốn gần hơn thì săn quần lội đường đê 2,3 cây. Nghe sao mà chông chênh đời sống đạo, chả bù cho chỗ tôi sát nách nhà thờ mà lắm khi còn xén bớt với Chúa dăm ba phút. Tôi thấy niềm tin mọc rễ trong lòng người Ki-tô hữu nơi đây. Căn nhà thờ tươm tất ấm cúng mở sẵn cửa. Hang đá không hoành tráng nhưng cũng có đèn treo đơn sơ mà đậm tình Thánh Gia thất. Vài giáo dân đến sớm đon đả chào Cha. Niềm vui Giáng Sinh chút nữa đây cũng sẽ rợp bóng trong ngôi Thánh đường sâu hút mà lặng lẽ này, chào đi nhưng tôi vẫn nghe hơi ấm nồng nàn trong giữa làng gió báo bão. Hơi ấm Hài Nhi hay hơi ấm niềm tin tự lòng Người Ki-tô hữu nơi này?!

Cảm ơn Cha Ant, đã dặn dò viết về Vĩnh Thịnh khoe cái nhà thờ 2 tuổi cho mọi người biết với. Tôi dạ, mà lòng cứ tin Chúa biết rồi, vì niềm tin của họ đã vang vọng tới tòa Chúa!

Tranh thủ hôm sau, trước khi chạy tránh cơn bão tạt vào, tôi đã ghé một nơi đẹp nhất mà tôi đã rong ruổi đi qua trong mấy ngày nay, đó là Giáo Xứ Vĩnh Hiệp. Giữa ban trưa vắng vẻ hang đá đứng sừng sửng khoe dáng trước đất trời. Hang đá đẹp nhất mà tôi đã từng được xem trước đây, nó thể hiện tài nghệ, tinh hoa của Giáo Xứ vượt trên là Cha Xứ này. Tôi chụp vội vài tấm hình và vội vã chạy trước cơn Bão và lòng thầm cầu xin: “Bão hãy tránh xa khu này, tránh xa những con người lam lũ đang cùng nhau hùng hục chạy tránh cơn bão, dứt khoát phải tránh đi đừng rượt cùng đuổi tận những phận nghèo lam lủ với Con Tôm, con cua bám mặt vào đất, bán phận cho đời. Gia đình Thánh Gia ơi hãy bảo vệ họ, để họ được kéo dài niềm vui Giáng Sinh khi hang đá lên đèn, chứ hoàng tráng và đẹp như vậy mà Bão lướt qua thì xơ xác, cũng xơ xác giống như phận người sau cơn bão thôi!”

Tự dưng nghe văng vang bên tai tiếng cười của Cha Ant. Khi trả lời điện thoại: – A-lô! Không phải lo có mấy cái lu to. Bão chui vào đó đậy nắp lại là an toàn. Rồi Ngài cười vui như niềm vui mà họ đạo đang sắp chào mừng đêm Giáng Sinh làng quê.

– Ừ không phải lo vì muôn vạn nẻo đường trần gian có Chúa đồng hành thêm sức!

Tôi an lòng bước lên xe giữa cái lạnh và tin bão bị dần đẩy lùi. Hy vọng tia nắng ấm ngày mai lại lên!

Người Bạc Liêu.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *