Lạy Chúa, xin thêm lòng tin cho chúng con (12.08.2023 – Thứ Bảy Tuần XVIII Thường Niên)

Chuỗi Kinh cầu nguyện trong cơn Đại dịch Covid-19

Lời Chúa: Đnl 6,4-13 (Năm Lẻ), Mt 17,14-20

✠ Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu (Mt 17,14-20)

14 Khi ấy, Đức Giê-su và các môn đệ đến với đám đông, thì có một người tới quỳ xuống trước mặt Đức Giê-su 15 và nói : “Thưa Ngài, xin thương xót con trai tôi, vì cháu bị kinh phong và bệnh tình nặng lắm : nhiều lần ngã vào lửa, và cũng nhiều lần ngã xuống nước. 16 Tôi đã đem cháu đến cho các môn đệ Ngài, nhưng các ông không chữa được.” 17 Đức Giê-su đáp : “Ôi thế hệ cứng lòng không chịu tin và gian tà ! Tôi còn phải ở với các người cho đến bao giờ, còn phải chịu đựng các người cho đến bao giờ nữa ? Đem cháu lại đây cho tôi.” 18 Đức Giê-su quát mắng tên quỷ, quỷ liền xuất, và đứa bé được khỏi ngay từ giờ đó.

19 Bấy giờ các môn đệ đến gần hỏi riêng Đức Giê-su rằng : “Tại sao chúng con đây lại không trừ nổi tên quỷ ấy ?” 20 Người nói với các ông : “Tại anh em kém tin ! Thầy bảo thật anh em : nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải thôi, thì dù anh em có bảo núi này : ‘Rời khỏi đây, qua bên kia !’ nó cũng sẽ qua, và sẽ chẳng có gì mà anh em không làm được.”

Lạy Chúa, xin thêm lòng tin cho chúng con (12.08.2023)

Ghi nhớ:

“Thầy bảo thật anh em: nếu anh em có lòng tin bằng hạt cải thôi, thì dù anh em có bảo núi này: ‘Rời khỏi đây, qua bên kia’ nó cũng sẽ qua; và chẳng có gì mà anh em không làm được” (Mt 14, 20).

Suy niệm:

Trước khi thực hiện phép lạ là trừ quỷ cho một thiếu niên, Đức Giê-su đã than thở: “Ôi thế hệ cứng lòng không chịu tin và gian tà. Tôi còn phải ở với các ngươi cho đến bao giờ?” (Mt 17, 17 / Mc 9, 19/ Lc 9, 41). Đây là lời than vãn trong hành trình rao giảng Tin Mừng của Đức Giê-su, được cả ba thánh sử Mattheu, Marco và Luca thuật lại. Thực vậy, dân chúng mà đặc biệt là các môn đệ đã chứng kiến bao phép là mà Đức Giê-su đã làm, ấy vậy mà các ông cũng chưa thực sự đặt một lòng tin tưởng tuyệt đối vào Thầy, chắc rằng trong lòng các ông còn có những nghi ngại, ngờ vực, chính vì lòng chưa tin tưởng vào Thầy nên tâm hồn các môn đệ cũng như dân chúng còn là miếng mồi béo bở để ma quỷ thao túng nên họ rất dễ bị sa ngã, chính vì vậy nên Đức Giê-su đã cảnh báo bằng cụm từ “thế hệ  cứng lòng không chịu tin và gian tà”. Về phần chúng ta, hằng ngày chứng kiến bao kỳ công vĩ đại: “Biển cả, núi đồi và muôn ngàn tinh tú” của Chúa diễn ra trước mắt mình. Chúng ta đã thực sự tin tưởng tuyệt đối vào Ngài chưa? Hay chúng ta vẫn còn để cho Chúa phải than phiền vì sự cứng lòng của mình.

Đức tin thuộc lãnh vực trừu tượng, vậy mà trong bài Tin Mừng hôm nay Đức Giê-su lại lấy hạt cải để so sánh với đức tin: “Nếu anh em có lòng tin bằng hạt cải thôi”. Chúng ta biết; hạt cải rất nhỏ bé, nó chỉ bằng đầu ngòi bút chì mà thôi. Điều mà Đức Giê-su muốn nói cho chúng ta biết là Ngài cần nơi chúng là một lòng tin, cho dù là nhỏ bé thì chúng ta vẫn được Ngài ban cho việc làm của mình mang lại kết quả dựa trên niềm tin ấy. Khởi đi từ niềm tin nhỏ bé này  dần sẽ trưởng thành và được củng cố mà trở nên như một cây cải to đến nỗi chim trời có thể đến trú ẩn được.

Đức Giê-su muốn các môn đệ phải có lòng tin, Ngài muốn các ông không hồ nghi, không do dự. Nhưng các môn đệ thì chưa hội đủ niềm tin và thiếu cả đức khiêm tốn, chính vì vậy nên các ông đã không thể trừ được ma quỷ như bài Tin Mừng hôm nay thuật lại.

Không phải chỉ có thời Đức Giê-su thì ma quỷ mới lộng hành, hay xâm nhập vào con người để phá hoại, khống chế, gây ra cho họ biết bao khốn đốn, khổ đau. Ngày nay ma quỷ vẫn luôn rình rập chúng ta, nó còn tinh vi hơn, nó “đột nhập” vào tâm hồn chúng ta bằng nhiều ngả đường rất ngọt ngào và êm ái nên nhiều khi chúng ta vì mải mê sự đời, thiếu cảnh giác nên không biết. Để rồi khi nó đẩy đưa đến phạm trọng tội rồi thì mới hay. Bằng chứng là nhiều kẻ sát nhân, lúc đứng trước “vành móng ngựa”  đã thú nhận rằng: “Tôi không hiểu và không thể giải thích được rằng tại sao tôi lại hành động như vậy? Ma quỷ có thể lấy chính cái mác trừ ma quỷ để ẩn sâu trong đó mà lộng hành: Điển hình là nhóm trừ quỷ Bảo Lộc mà Đấng bản quyền đã lên tiếng cảnh báo. Nếu nhóm này đã không vâng lời Bề trên thay mặt Chúa thì sao họ có thể trừ được ma quỷ? Hay ngược lại làm tay sai cho chúng?

Hàng rào để ma quỷ không thể xâm nhập vào trong tâm hồn chúng ta thì thứ nhất : Chúng ta phải có lòng tin nơi Chúa và tuân giữ các điều Ngài truyền dậy. Hiện tại thay mặt Chúa là Hội Thánh và các Đấng các bậc coi sóc phần linh hồn chúng ta ở trần gian. Điều không thể thiếu được nữa là phải luôn cảnh giác và siêng năng cầu nguyện, kết hợp với lời cầu nguyện là ăn chay, hãm mình. Nếu ta luôn liên kết, luôn gắt bó mật thiết với Chúa bằng việc hàng ngày tham dự thánh lễ và rước Thánh Thể Chúa vào lòng, thì đó sẽ là hàng rào bảo vệ để chúng ta không bị ma quỷ “quấy phá, thao túng”.

Ngày xưa các môn đệ dù đã theo Chúa và đã thấy bao việc Ngài làm nhưng lòng tin của các ông vẫn chưa đủ nên đã có lần các ông đã thưa lên cùng Chúa rằng: Lạy thầy xin thêm lòng tin cho chúng con. Vì thế cho nên chúng ta rất cần ơn Chúa để đức tin của chúng ta luôn được củng cố, đồng thời chúng ta có thể gìn giữ đức tin ấy luôn trong sáng tinh tuyền, theo  sự hướng đẫn của Giáo Hội mà đứng đầu là Đức Giáo Hoàng và các Đức Giám Mục giáo phận.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa, ma quỷ như sư tử gầm thét rảo quanh để tìm mồi mà cắn xé, chúng con xin Chúa luôn bảo vệ và củng cố lòng tin cho chúng con để mặc dầu sống giữa thế sự thăng trầm và thay đổi chúng con luôn giữ được một lòng tin tưởng và trung tín tuyệt đối vào Ngài mà thôi. Amen.

Sống Lời Chúa:

Sống tín thác vào Chúa, không mê tín, không bói toán.

Đaminh Trần Văn Chính.

Sống đức tin (07.08.2021)

Công đồng Vaticano II đã khẳng định: “Đối với Thiên Chúa – Đấng mặc khải – Con người phải bày tỏ “sự vâng phục bằng đức tin”. Qua đó, con người tự do phó thác hoàn toàn cho Thiên Chúa bằng việc “dâng lên Thiên Chúa sự quy phục trọn vẹn của lý trí và ý chí”, và tự nguyện ưng thuận mặc khải Ngài đã ban.

Như vậy, Công đồng dạy: Đức Tin vừa là một nhân đức siêu nhiên do Thiên Chúa ban cho con người, vừa là một hành vi nhân linh bằng sự đáp trả có ý thức và tự do của con người. Do đó, con người có thể đón nhận hay từ chối ơn đức Tin.

Cấp độ mạnh mẽ hay yếu nhược của lòng Tin chính là “mức độ đáp trả” của con người đối với lời mời gọi ăn năn, sám hối của Thiên Chúa; nhờ có đức Tin con người bước đi dưới ánh sáng của chân lý, con người được Thiên Chúa ban ơn cứu độ và được sống đời đời.

Tin Mừng theo thánh Mát-thêu hôm nay, đã lượng giá lòng tin của đám đông dân chúng, lượng giá lòng tin của người cha có đứa con trai bị kinh phong nặng, và lượng giá lòng tin của các môn đệ Chúa. Qua đó, Chúa Giê-su cảnh tỉnh các môn đệ còn kém tin quá ! Và Người quả quyết rằng: “Nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải thôi… sẽ chẳng có gì mà anh em không làm được” (Mt.17,20)

Đứng trước đại dịch SARSCOVI -2, đa phần nhân loại đều sợ hãi, hoang mang, mất phương hướng, chỉ biết kêu trời than trách… Nhưng đối với các Ki-tô hữu – hơn lúc nào hết – Có thể nói được, đây là dịp thực hành sống đức Tin; đây là dịp trui rèn đời sống tâm linh; không trốn né tai ương, thử thách mà còn để biết vui tươi đón nhận những biến cố trong đời sống theo thánh ý Chúa.

Sức mạnh của đời sống tâm linh người Ki-tô hữu tùy thuộc vào mức độ của lòng Tin. Lòng Tin non yếu thì người Ki-tô hữu sẽ cảm thấy bất lực trước những bất trắc đưa đến, và mất hết hy vọng; còn lòng Tin mạnh mẽ thì người Ki-tô hữu sẽ vượt qua mọi gian nan, thử thách, cảm thấy bình an trong tâm hồn và càng thêm hy vọng. Nếu vì yếu lòng Tin, nên con người hôm nay chưa cảm nhận được tình yêu thương của Chúa; vì yếu lòng Tin nên con người hôm nay kêu than, trách Chúa; chất vấn Chúa đã ở đâu mà để cho bệnh dịch lan tràn…

Lạy Chúa, xin thêm đức tin cho chúng con. Amen.

CÁT BIỂN

Vững tin (08.08.2020)

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu lại trách các tông đồ kém lòng tin nên không thể trừ được quỷ. Chỉ cần có lòng tin, dù chỉ bé như hạt cải, các ông cũng có thể làm nên những điều lớn lao. Thế nhưng, nói bao giờ cũng dễ hơn làm. Ngay cả các tông đồ là những người ở cùng Chúa Giêsu, đồng hành cùng Người, chứng kiến những phép lạ Người làm, thậm chí được trao cho khả năng trừ quỷ mà vẫn còn kém lòng tin, huống chi chúng ta sống cách Người hai thiên niên kỉ và chỉ biết đến Người qua Hội Thánh.

Vững lòng tin tưởng vào Chúa chưa bao giờ là điều dễ dàng, nhất là trong xã hội phát triển không ngừng như hiện nay. Các giá trị của tôn giáo nói chung và của Hội Thánh Chúa nói riêng đang ngày càng bị mai một bởi sự thờ ơ, lãnh cảm của con người. Khoa học phát triển khiến người ta phủ nhận những giá trị quan trọng ấy, khiến họ xem mình là trung tâm của vũ trụ, tách biệt Thiên Chúa ra khỏi đời sống của mình. Thế nên, niềm tin của con người ngày càng lung lay là điều dễ hiểu.

Nói đi cũng phải nói lại, bên cạnh những người đưa Thiên Chúa ra khỏi cuộc đời mình, vẫn còn rất nhiều người quyết tâm bảo vệ các giá trị, những chân lý mà Chúa Giêsu đã giảng dạy cho nhân loại. Hội Thánh Chúa đã và đang củng cố, giữ gìn và loan truyền chân lý ấy mỗi ngày. Nhờ có Hội Thánh, con người có thể đến bên Chúa mỗi ngày một gần hơn, dần rời xa những điều lệch lạc để trở về với Cha nhân lành.

Dẫu biết rằng tin tưởng tuyệt đối vào Chúa không hề dễ dàng, đôi khi chỉ cần những khó nhọc, đau khổ nhỏ nhặt cũng có thể khiến người ta vấp ngã. Mỗi khi điều bất hạnh xảy đến, con người thường bi quan, ủ dột mà không nhận thức được thập giá Chúa trao không hề quá sức họ. Rõ ràng, Người đã tạo cơ hội để chúng ta tỉnh thức giữa thế gian bộn bề đầy rẫy cám dỗ. Ấy vậy mà, chúng ta lại nghi ngờ về sự hiện hữu của Người hay cho rằng Người đã bỏ rơi chúng ta. Nếu chỉ bấy nhiêu đã khiến chúng ta gục ngã thì ta hãy tự suy xét lại mình, liệu niềm tin ấy đã đủ lớn hay chưa.

Gánh trên vai sứ vụ làm ngôn sứ của Chúa mà lại nghi ngờ về Người thì chúng ta có thể loan báo Tin Mừng cho ai đây? Biết rằng sẽ khó, rất khó để có thể tin tưởng tuyệt đối vào sự quan phòng của Chúa nhưng chúng ta thật sự cần phải tin. Thiên Chúa đã làm và sẽ tiếp tục làm những điều cao cả, tốt đẹp, còn nhiệm vụ của chúng ta là phải tin tưởng vào Người. Có như vậy, chúng ta mới có thể truyền rao chân lý của Người cho anh chị em chưa nhận biết Người.

Lạy Chúa, chúng con chỉ là những kẻ phàm nhân yếu đuối, dễ sa ngã và dễ bỏ cuộc, chỉ cần một ít đau khổ trong cuộc sống cũng khiến chúng con nghi ngờ về sự hiện hữu của Ngài. Chúng con đã phải cố gắng rất nhiều và cầu nguyện rất nhiều, tất cả cũng vì lòng tin tưởng vào Ngài. Nhưng dù cố gắng cách mấy, chúng con cũng không thể vững tin tuyệt đối mà cần phải có ơn trợ giúp của Ngài. Xin Chúa thương nâng đỡ đức tin còn non yếu của chúng con, để chubgs con có thể vững dạ an lòng, đem Tin Mừng của Ngài rao truyền khắp muôn nơi. Amen.

Petrus Sơn

Căn bệnh của đức tin (12.08.2017)

Đức tin là một đặc ân cao quý mà Thiên Chúa đã dành cho con người. Nhờ đó, những kẻ “người trần mắt thịt” như chúng ta mới có thể nhận ra sự hiện hữu của Người. Phải chăng Thiên Chúa là một “lập trình viên tay mơ”? Vì nếu chuyên nghiệp, ắt hẳn Người đã đặt chúng ta vào khuôn khổ đức tin một cách rập khuôn, máy móc để dễ dàng quản lí. Nhưng xin thưa, “robot” là sản phẩm do con người tạo ra, không phải của Thiên Chúa, thứ Người muốn dựng nên là một loài thọ tạo có “sự tự do”. Tuy nhiên, ngay cả khi đó là một đặc ân, Người vẫn không bắt buộc chúng ta phải nhận lãnh nó.

Trước tiên, chúng ta cần nhận thức được tầm quan trọng của đức tin – món quà cao quý mà Thiên Chúa ban cho con người. Như đã nêu trên, nhờ đức tin, con người mới có thể nhận ra sự hiện hữu của Thiên Chúa. Từ đó, chúng ta sẽ tin tưởng và làm theo những lời Người dạy. Bên cạnh đó, tội lỗi lại như satan, luôn đợi thời cơ để đẩy con người vào hỏa ngục – nơi ngọn lửa không bao giờ tắt. Chính vì thế, đức tin còn giúp chúng ta biết ý thức mà tránh xa tội lỗi. Thế nhưng, có lẽ vì con người quá yếu đuối nên thể xác, linh hồn, tình yêu, lý trí… thậm chí, ngay cả đặc ân Người ban là đức tin cũng yếu đuối không kém (tương tự như vấn đề có sẵn tài nguyên thiên nhiên, chỉ việc lấy ra sử dụng và kinh doanh mà vẫn thâm hụt ngân sách). Có thể nói, đức tin cũng mang nhiều căn bệnh trầm kha, không thể dễ dàng chữa khỏi trong thời gian ngắn, một trong số đó là “bệnh kém tin”.

Nếu “bệnh cứng tin” khiến con người ngờ vực những dấu chỉ của Thiên Chúa (điển hình là thánh Tôma), hay thậm chí chối bỏ sự hiện diện của Người (những người vô thần, những “nhà khoa học nửa mùa”…) thì “bệnh kém tin” lại làm niềm tin của con người bé lại, dĩ nhiên, niềm tin cỏn con ấy chẳng thể nào giúp ích được cho con người. Dù vậy, “bệnh cứng tin” vẫn dễ chữa lành hơn, vì trên lý thuyết, người cứng tin một khi đã chấp nhận tin tưởng thì niềm tin ấy sẽ “vững như kiềng ba chân”, khó có thể lung lay được. Còn “bệnh kém tin” thì lại khác, những người này như hạt rơi trên đá trong “Dụ ngôn người gieo giống”, tuy dễ tin nhưng niềm tin ấy chẳng đáng là bao, nó “suy dinh dưỡng” đến nỗi một con gió thoảng qua cũng có thể dễ dàng thổi nó bay mất.

Trong cuộc sống ngày nay, những người mắc phải “bệnh kém tin” chẳng phải hiếm. Họ dễ dàng tin tưởng vào Thiên Chúa khi cuộc sống an bình. Thế nhưng, chỉ cần vài biến cố nhỏ trong cuộc đời, niềm tin ấy lại lung lay, có thể đổ sập bất cứ lúc nào. Chính những lúc sóng gió ấy, họ sẽ lại chất vất Người rằng: “Lạy Chúa trên cao, Chúa ngự nơi nào?”. Niềm tin của họ như những đám mây lững lờ trôi trên bầu trời, vừa mới bắt gặp đó nhưng trong chốc lát lại chẳng thấy đâu nữa. Quả thật, không loại thọ tạo nào thay đổi chóng mặt như con người.

Trở lại bài bài Tin Mừng, hôm nay, Đức Giêsu lại đưa ra một điều mới nghe qua có vẻ khá nghịch lí khi trả lời câu hỏi của các tông đồ: “Vì các con yếu lòng tin! Thầy bảo thật các con: Nếu các con có lòng tin lớn bằng hạt cải, thì các con có khiến núi này rằng: ‘Hãy rời khỏi đây mà sang nơi kia’, thì nó liền đi sang, và chẳng có gì các con không làm được” (c 20). Chẳng phải Người đã từng bảo rằng “nó là loại hạt nhỏ nhất trên mặt đất” (Mc 4, 31) ư? Có thể Chúa muốn trách các tông đồ đi theo Người bấy lâu mà vẫn còn mắc “bệnh kém tin”, một niềm tin nhỏ bé như hạt cải còn có thể dời được núi, ấy vậy mà các ông lại chẳng làm được. Cũng có thể Chúa muốn đặt mục tiêu cho các ông, Người chẳng bắt buộc niềm tin ấy phải to lớn như núi non hùng vĩ mà chỉ cần nhỏ bằng hạt cải là đủ. Với sự giúp sức của Người, không có gì có thể làm khó các ông, Người chỉ muốn các ông thực hiện điều quan trọng này thôi, đó là phải tin; cứ tin trước đã, mọi thứ còn lại Người sẽ cho thêm.

Mỗi người chúng ta hãy thử làm bác sĩ, tự kiểm tra xem đức tin của mình có mắc phải những căn bệnh trầm kha nêu trên không. Hãy ngẫm xem, chúng ta có từng nghi ngờ sự hiện diện của Thiên Chúa, nghi ngờ những dấu chỉ của Người trong cuộc sống hằng ngày không? Khi gặp những biến cố khó khăn trong cuộc sống, chúng ta nói gì với Người? “Xin ban cho con sự không ngoan và sức mạnh để con có thể vượt qua khó khăn này”? Hay lại ngân nga câu ca quen thuộc “Lạy Chúa trên cao, Chúa ngự nơi nào”? Mỗi người chúng ta hãy tự ngẫm lại mục tiêu đức tin của mình, liệu nó có vượt quá khả năng thực hiện của mình không? Hay nó còn nhỏ hơn cả “hạt cải” mà Chúa đã nhắc đến? Người đã từng nói “không có Thầy, anh em chẳng làm gì được.” (Ga 15, 5). Vì thế, mỗi khi cảm thấy niềm tin bị lung lay, đừng ngần ngại, Người vẫn chờ ta, hãy chạy đến với Người mà thỏ thẻ  rằng “Lạy Chúa, con tin, nhưng xin Ngài giúp lòng tin yếu kém của con”.

Lạy Chúa Giêsu Kitô, là phận người yếu đuối, chúng con chẳng thể dễ dàng bảo vệ đức tin non yếu của mình, khiến cho nó dễ mắc những căn bệnh “khó chữa”. Xin cho chúng con biết rèn luyện đức tin của mình mỗi ngày, bằng việc tham dự Thánh lễ – liều thuốc thần kỳ chữa được mọi căn bệnh phi thể xác – và siêng năng cầu nguyện, biết chạy đến tâm sự cùng Ngài – vị huynh trưởng tối cao; xin đoái thương chúng con là những thân phận mong manh, yếu đuối mà nâng đỡ đức tin yếu kém của chúng con. Amen. 

Sơn Còi 

Đơn giản mà không biết

“Tôi đã đem cháu đến cho các môn đệ Ngài, nhưng các ông không chữa được.” (Mt 17,16).

Suy niệm: Cách Chúa Giê-su trừ quỷ và dạy cách trừ quỷ khiến cha của đứa bé và các môn đệ ngạc nhiên: phải ăn chay và cầu nguyện. Các ông loay hoay dựa vào kinh nghiệm cá nhân hoặc kinh nghiệm dân gian, nhưng không thành. Chỉ khi nghe Chúa mách bảo các ông mới ngộ ra rằng bấy lâu nay dù sống bên Chúa nhưng các ông lại thiếu niềm tin, thiếu đời sống cầu nguyện. Những căn bệnh do quỷ ám được Chúa Giê-su chữa lành minh chứng rằng Ngài là Đấng Cứu Thế đang đến giữa con người. Tin Mừng Ngài rao giảng chính là Lời và hành vi của Ngài có sức mạnh đánh tan mọi sai lầm ám ảnh xưa nay lôi kéo con người vào chỗ tin vơ thờ quấy. Đó là một Tin Mừng có sức giải phóng khỏi mọi hình thức sự dữ mà nhiều người chưa biết hay không muốn biết.

Mời Bạn: Hiện nay có những căn bệnh trầm kha mà thuốc men không có tác dụng: trầm cảm, ham mê sắc dục… Nếu những bệnh nhân này tìm đọc, suy niệm, tĩnh tâm, cầu nguyện bằng Tin Mừng, nhờ các nhà linh hướng hướng dẫn… họ mới mong được chữa khỏi.

Chia sẻ: Phòng bệnh tốt hơn chữa bệnh: khi đời sống cá nhân và gia đình bạn đã được Phúc Âm hóa thì những bệnh tật do tính mê nết xấu, cám dỗ không còn cơ hội ảnh hưởng, tác hại.

Sống Lời Chúa: Hằng ngày tôi đọc, suy gẫm, cầu nguyện với Lời Chúa. Nhờ đó, lòng tin của tôi thêm kiên vững trước những cám dỗ của cuộc sống.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con biết lắng nghe và thực hành Lời Chúa hằng ngày, vì Lời ấy là thuốc thiêng chữa trị tật bệnh tâm hồn, cũng như là nguồn mạch hoan lạc đời con. Amen.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *