Lạy Cha chúng con ở trên trời (06.05.2023 – Thứ Bảy Tuần IV Phục Sinh)

Chuỗi Kinh cầu nguyện trong cơn Đại dịch Covid-19

Lời Chúa: Cv 13,44-52, Ga 14,7-14

✠ Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an (Ga 14,7-14)

7 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng : “Nếu anh em biết Thầy, anh em cũng biết Cha Thầy. Ngay từ bây giờ, anh em biết Người và đã thấy Người.”

8 Ông Phi-líp-phê nói : “Thưa Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, như thế là chúng con mãn nguyện.” 9 Đức Giê-su trả lời : “Thầy ở với anh em bấy lâu, thế mà anh Phi-líp-phê, anh chưa biết Thầy ư ? Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha. Sao anh lại nói : ‘Xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha’ ? 10 Anh không tin rằng Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy sao ? Các lời Thầy nói với anh em, Thầy không tự mình nói ra. Nhưng Chúa Cha, Đấng luôn ở trong Thầy, chính Người làm những việc của mình. 11 Anh em hãy tin Thầy : Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy ; bằng không thì hãy tin vì công việc Thầy làm. 12 Thật, Thầy bảo thật anh em, ai tin vào Thầy, thì người đó cũng sẽ làm được những việc Thầy làm. Người đó còn làm những việc lớn hơn nữa, bởi vì Thầy đến cùng Chúa Cha. 13 Và bất cứ điều gì anh em nhân danh Thầy mà xin, thì Thầy sẽ làm, để Chúa Cha được tôn vinh nơi người Con. 14 Nếu anh em nhân danh Thầy mà xin Thầy điều gì, thì chính Thầy sẽ làm điều đó.”

Lạy Cha chúng con ở trên trời (06.05.2023)

Ghi nhớ:

“Nếu anh em biết Thầy, anh em cũng biết Cha Thầy” (Ga 14, 7)

Suy niệm:

Thời Liên Xô chưa cáo chung, báo, đài thương hay nhắc đi nhắc lại câu chuyên phi hành gia Yuri Gagarin khi bay vào vũ trụ trở về đã nói: “Tôi chẳng thấy có Thiên Chúa đâu cả”. Thực ra, Yuri Gagarin là một Ky-tô hữu. Ông theo đạo Chính Thống. Sinh thời ông thường đi lễ nhà thờ, cầu nguyện và trong nhà ông cũng có bàn thờ Chúa.

Như vậy thì câu nói “Không thấy Thiên Chúa ở đâu ra?”. Khi Nikita Khrushchev làm tổng bí thư đảng cộng sản Liên Xô. Trong một lần phát biểu trước hội nghị Komsomol (đoàn thanh niên CS Liên xô). Nhằm phát động chiến dịch bài trừ tôn giáo, ông ta nói rằng: “Yuri Gagarin đã bay vào vũ trụ, và chẳng thấy có Thiên Chúa nào cả!”

Thế là cả một bộ máy tuyên truyền khổng lồ khởi động, biến câu nói của Khrushchev thành câu cửa miệng của Gagarin. Lúc ấy phi hành gia tài năng này buộc phải im lặng, không thể đính chính để không làm mất mặt ông tổng bí thư, đồng thời có khi còn bị nguy hại đến tính mạng nữa thì khốn!

Sau khi Khrushchev qua đời, Yuri Gagarin đã dùng uy tin và sự nổi tiếng của mình mà đề nghị nhà nước cho xây cất lại Thánh Đường Chúa Cứu Thế (Cathedral of Christ the Savior) tại Moscow đã bị phá huỷ dưới thời Stalin…

Chúa Giê-su là một nhân vật lịch sử. Ngài đã từ trời nhập thể đến thế gian, và bởi từ trời xuống thế với Sứ mạng cứu độ trần gian. Ngài đã mặc khải cho nhân loại biết Thiên Chúa Cha. Đấng đã sai Ngài đến thế gian. Đức Giê-su đã khẳng định mọi việc Ngài làm, mọi lời Ngài nói đều là thực hiện theo ý Chúa Cha. Đấng đã yêu thương nhân loại đến nỗi đã ban Người Con một, và những ai tin vào Ngài thì cũng là tin vào Chúa Cha. Những ai thấy Ngài thì cũng đồng thời là thấy Chúa Cha, Ngài và Chúa Cha là một, Ngài hình ảnh hữu thể của Chúa Cha.

Trong Thánh lễ  cũng như những lời kinh nguyện, thường kết thúc bằng câu: “Chúng con cầu xin nhờ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng con, Amen”. Như vậy, Hội Thánh đã áp dụng lời dạy của Đức Giê-su vào việc cầu nguyện để nhờ Danh Ngài mà được Thiên Chúa chấp nhận.

Theo gương Đức Giê-su, mọi lời nói và việc làm của chúng ta chớ gì cũng chỉ quy hướng về Thiên Chúa Cha để làm rạng Danh Người. Đó là bổn phận cũng như trách nhiệm của những người con hiếu thảo.

Cầu Nguyện:

Lạy Cha, nhờ lời mặc khải của Đức Giê-su, Con Cha chí ái, chúng con nhận biết rằng chúng con có một Người Cha yêu thương chúng con vô cùng đang ngư trên trời cao. Xin cho chúng con trở nên những người con thảo hiếu biết tuân hành thánh ý Cha và luôn biết làm cho Danh Cha được cả sáng. Lạy Cha chúng con xin cảm tạ Cha vì biêt bao hồng ân Cha đã tuôn đổ xuống cho chúng con mặc dầu chúng con bất xứng, xin cho chúng con ngày càng biết làm đẹp lòng Cha hơn, để sau này chúng con xứng đáng được hợp đoàn cùng các Thiên Thần và các Thánh hát mừng và cảm tạ Ba Ngôi Thiên Chúa mãi đến muôn đời. Amen.

Sống Lời Chúa:

Năng nhớ đến Chúa, bất cứ nơi đâu và lúc nào, liền thầm thĩ đọc Kinh Lạy Cha.

Đaminh Trần Văn Chính.

Phẩm giá lao động, sáng tạo (01.05.2021)

Khao khát được biết Thiên Chúa Cha là khát vọng chính đáng của con người, và cùng đích của con người chính là được đời đời chiêm ngưỡng nhan thánh Chúa Cha.

Tin Mừng hôm nay cho thấy Chúa Giê-su là mặc khải tròn đầy về Thiên Chúa Cha. Câu trả lời cho Phi-líp-phê đã chứng mình điều đó, đồng thời mạc khải chắc chắn về mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi: “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha… Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy” (x. Ga.14,7-11)

Đó là đức tin tông truyền của Giáo Hội, vì thế không có con đường nào khác mà không qua Đức Ki-tô là Đấng Trung Gian duy nhất (x. Ga.14,6). Cuộc đời của Đức Mẹ và các thánh cũng đều quy hướng về Chúa Ki-tô. Thiên Chúa Cha đã tạo dựng nên mọi sự và muốn con người tiếp tục công trình tạo dựng ấy. Để nâng cao tầm quan trọng về sức lao động, sáng tạo của con người trong việc giữ gìn và phát triển thế giới, nên Ðức Giáo Hoàng Piô XII đã thiết lập ngày lễ Thánh Giuse Thợ vào năm 1955 nhân ngày Quốc tế Lao động (01/5).

Trong vai trò cha nuôi của Chúa Giê-su, thánh Giu-se cả đời khiêm tốn chiêm ngắm Chúa Giê-su trong thân phận con người thấp hèn, nhỏ bé và ngài trung thành lao tác trong nghề nghiệp thợ mộc để nuôi dưỡng và bảo vệ Gia Đình Thánh, Chúa Giê-su và mẹ Ma-ri-a theo kế hoạch của Thiên Chúa (x. Mt.13,55).

Giáo Hội đặt thánh Cả Giu-se làm bổn mạng giới thợ thuyền Công giáo nhân ngày quốc tế lao động, để giúp chúng ta tham dự một cách sâu xa vào mầu nhiệm tạo dựng của Thiên Chúa Cha, làm cho con người có phẩm giá qua lao động làm việc; qua sự nuôi nấng gia đình; qua sự tham dự vào đời sống sáng tạo của Thiên Chúa Cha..

Lạy Chúa, xin ban cho chúng con luôn có cặp mắt đức tin, để chúng con không ngừng nhận ra sự hiện diện và hoạt động của Chúa qua mọi biến cố của cuộc sống thường ngày. Amen.

CÁT BIỂN

Nhân danh Đức Giê-su Ki-tô 

“Nếu anh em nhân danh Thầy mà xin Thầy điều gì, thì chính Thầy sẽ làm điều đó.” (Ga 14,14)

Suy niệm: Điều Chúa dạy trong Tin Mừng hôm nay – “nhân danh Thầy mà xin” – được thánh Phê-rô thực hành đúng từng chữ khi chữa lành người què ăn xin ở Cửa Đẹp Đền thờ: “Vàng bạc thì tôi không có; nhưng cái tôi có, tôi cho anh đây: nhân danh Đức Giê-su Ki-tô, anh đứng dậy mà đi” (Cv 3,5). Và hiệu quả của lời ấy là tức thì và thật đáng kinh ngạc: anh “đứng phắt dậy,” chẳng những anh đi được mà anh còn có thể “vừa đi vừa nhảy nhót và ca tụng Thiên Chúa” (x. Cv 3,8). Chúa Giê-su dạy khi chúng ta nhân danh Ngài để cầu xin điều gì thì lời cầu xin ấy rất có hiệu lực bởi vì lúc đó không phải chúng ta mà là chính Ngài sẽ thực hiện điều đó.

Mời Bạn: Mỗi khi làm dấu Thánh giá, chúng ta bắt đầu bằng những lời “Nhân danh Chúa Cha…”. Có một thực tế là dù ta làm dấu rất nhiều lần trong ngày, nhưng các công việc ta làm, lắm khi đã không nhân danh Chúa, mà lại nhân danh cái tôi của mình. Còn cầu xin thì chúng ta nghĩ đến những nhu cầu của chúng ta nhiều hơn là xin cho “Danh Cha cả sáng”. Lời Chúa nhắc nhở chúng ta khi cầu xin thì cầu xin “nhân danh Đức Ki-tô” và khi làm việc thì hãy hành động “để danh Chúa được tôn vinh”.

Chia sẻ: Bạn nghĩ gì về lời xác tín của thánh Phê-rô: “Vàng bạc thì tôi không có; nhưng cái tôi có, tôi cho anh đây: nhân danh Đức Giê-su Ki-tô, anh đứng dậy mà đi” (Cv 3,5)?

Sống Lời Chúa: Mỗi khi làm dấu Thánh Giá, tôi làm một cách nghiêm trang, đầy ý thức và quyết tâm làm việc để tôn vinh danh Chúa.

Cầu nguyện:Đọc kinh Lạy Cha.

Kitô hữu Đaminh (09.05.2020)

Tin Mừng hôm nay cho thấy:

Chúa Giêsu dùng phương pháp quy nạp để dạy các tông đồ cách nhận biết Chúa Cha, khi Ngài trả lời Philípphê – Nếu anh em biết Thầy, anh em cũng biết Cha Thầy. Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha. Anh em không tin rằng Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy sao? Chúa Cha, Đấng luôn ở trong Thầy, chính Người nói và làm những công việc của mình qua những việc Thầy đã làm đây. Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy; nếu anh em chưa đủ tin như vậy thì hãy tin vì công việc Thầy làm (x. Ga 14,711)

Chúa Giêsu đã phản ánh dung mạo của Chúa Cha qua chính đời sống của mình. Chí ít, dù không thấy Chúa Cha thì mọi người vẫn có thể thấy công việc của Chúa Cha đã làm qua chính sứ vụ tại thế của Chúa Giêsu, để từ đó mà tin.

Là Kitô hữu ĐaMinh, tức là người có Chúa Kitô ở trong con người mình; và con  người mình được ở trong Chúa. Và còn có linh đạo thánh phụ ĐaMinh hướng dẫn để sống xứng đáng là người có Chúa ở trong cuộc đời mình hơn nữa.

Lạy Chúa, xin cho con được kết hiệp với Chúa cách sung mãn bằng chuyên cần cầu nguyện, suy niệm Lời Chúa và siêng năng lãnh nhận bí tích Thánh Thể. Amen.

CÁT BIỂN

Tôi đã thấy Thiên Chúa trong một con người (18.05.2019)

Lịch sử cứu độ là một cuộc đối thoại triền miên giữa Thiên Chúa và con người. Thiên Chúa bầy tỏ và mời gọi con người đến chia sẻ hạnh phúc với Ngài và ở trong Ngài.

Ngài nói với con người bằng nhiều thể cách khác nhau: Ngài nói qua các kỳ công của Ngài trong thiên nhiên, qua dòng lịch sử của nhân loại, qua các tiên tri của Ngài, và sau cùng Ngài nói qua chính Con Một của Ngài là Đức Giêsu Kitô.

Không có ngôn ngữ nào tuyệt hảo cho bằng ngôn ngữ của tình yêu. Khi hai người yêu nhau, họ không nói nhiều với nhau, mà chỉ cần hiện diện bên nhau. Sự cảm thông của hai người vượt lên trên mọi thứ ngôn ngữ và mọi cách diễn tả.

Chúa Giêsu đến với con người bằng sự hiện diện của tình yêu. Người chia sẻ cuộc sống của con người, Người chấp nhận nổi khổ đau của con người. Người yêu thương và tha thứ cho con người đến cùng.

Sống và chết đối với Chúa Giêsu là để bày tỏ cho con người một chân lý. Chân lý đó là: “Thiên Chúa là tình yêu”. Như thế, thấy Chúa Giêsu có nghĩa là thấy tình yêu của Thiên Chúa, thấy Thiên Chúa. Do đó không lạ gì Chúa Giêsu đã tuyên bố: “Ai thấy Thầy là thấy Cha Thầy”.

Với các Tông đồ và các môn đệ của Chúa Giêsu, những người đã từng sống, từng chia sẻ những nỗi vui buồn với Chúa, từng chứng kiến cuộc khổ nạn, tử nạn và phục sinh của Chúa, các Tông đồ thấy Chúa Cha.

Qua cuộc sống mình, người khác có thấy Chúa không?

Người ta đã nói về thánh Gioan Vianey: Tôi đã thấy Thiên Chúa trong một con người. Và ai thấy Đức Kitô là thấy Thiên Chúa Cha.

Chúng ta hãy cầu xin cho mọi Kitô hữu ý thức được sứ mạng bầy tỏ và giới thiệu Đức Kitô, bằng chính cuộc sống và con người của mình, để cho người khác, khi nhìn vào Kitô hữu, họ nhận ra Đức Kitô. Đó chính là sứ mạng truyền giáo mà mỗi người chúng ta phải chu toàn.

Lạy Cha, xin ban cho chúng con luôn có được con mắt đức tin, để chúng con không ngừng nhận ra sự hiện diện và hoạt động của Chúa qua mọi biến cố của cuộc sống thường ngày. Amen.

 

Xem quả biết cây (28.04.2018)

Xét theo lẽ tự nhiên, cây tốt sẽ sinh quả tốt và ngược lại, cây xấu sẽ sinh quả xấu. Do đó, ta dễ dàng nhận ra rằng, bên cạnh các yếu tố khách quan bên ngoài, chính bản thân giống loài, bản chất gốc rễ chi phối sự phát triển của cây đó. “Xem quả biết cây” là điều Chúa Giêsu đã từng dạy cho các môn đệ, “quả”“cây” là hình ảnh ẩn dụ nhằm chỉ mối quan hệ mật thiết giữa “nhân” “quả”.

Tất nhiên, vì là phép ẩn dụ nên những điều ấy không hoàn toàn chính xác mà phụ thuộc rất nhiều vào sự võ đóa của con người. Dân gian cũng dạy chúng ta không nên tin tưởng một cách mù quáng vào sự suy đoán của mình, tuy có nói:

“Trông mặt mà bắt hình dong,

Con lợn có béo thì lòng mới ngon”.

Nhưng vẫn không quên nhắc nhở rằng:

“Họa hổ họa bì nan họa cốt

Tri nhân tri diện bất tri tâm”.

Do đó, “nhân”“quả” tuy có mối quan hệ mật thiết nhưng chúng không phụ thuộc tuyệt đối vào nhau. Vì thế, nếu áp đặt việc “xem quả biết cây” vào mọi trường hợp, chúng ta sẽ dễ dàng lầm đường lạc lối, bước đi sai hướng dẫn đến những hậu quả không đáng có.

Bên cạnh đó, “Xem quả biết cây” cũng là một trong những cách giúp khoa học ngược dòng thời gian, khám phá, suy đoán những vấn đề về nguồn cội của mọi sự. Con người hiện đại vốn không thể nào nhìn thấy được quá khứ, họ chỉ biết dựa vào kết quả mà họ đang thấy để truy tìm nguyên nhân, gốc rễ của sự vật, hiện tượng nào đó. Việc suy luận ấy có thành công hay không? Cứ nhìn vào sự tin tưởng tuyệt đối của con người vào khoa học và trào lưu dùng khoa học để bác bỏ tôn giáo sẽ biết: người ta vô cùng tin tưởng vào điều đó. Tuy nhiên, những điều đó chỉ là sự suy luận của con người, còn đúng hay không, chẳng ai có thể trả lời chính xác được.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã khẳng định rằng: “Nếu các con biết thầy, thì cũng biết Cha Thầy”. Đó chẳng phải là ẩn dụ, cũng chẳng phải võ đoán, nhưng là lời khẳng định tuyệt đối của Người. Nhìn vào Người, nghe Lời Người và xem những việc Người làm, ta có thể thấy được hình ảnh Chúa Cha nhân từ một cách chân thực nhất.

Là người Kitô hữu, chúng ta được trở nên cùng một thân thể với Đức Kitô, nghĩa là xét theo phương diện nào đó, chúng ta được vinh dự phảng phất hình ảnh của Thiên Chúa. Do đó, chúng ta cần phải sống xứng đáng với điều đó, để mọi người có thể nhận ra hình ảnh của Thiên Chúa thông qua những hành động nhỏ bé, đơn sơ của mình.

Lạy Chúa, Ngài không chỉ cho chúng con vinh dự được làm con Ngài mà còn cho chúng con trở nên chi thể của Ngài. Xin Chúa ban thêm ơn lành phù trợ để chúng con có thể sống xứng đáng với điều ấy. Để từ đó, chúng con có thể mang Tin Mừng đế cho mọi người, để họ cũng được trở nên những hoa trái tốt lành của gốc rễ tốt lành là chính Ngài. Amen.

Petrus Sơn

Sao y bản chính (13.05.2017)

SUY NIỆM

Đời người là một cuộc hành trình tìm kiếm Thiên Chúa và vương quốc của Ngài. Cũng như nhiều người Do Thái khác, các môn đệ được Đức Giêsu tận tình hướng dẫn dạy bảo và mặc khải cho nhiều điều liên quan đến Nước Trời và sự sống đời đời: đó là nhận biết lòng nhân hậu, xót thương và hay tha thứ của Chúa Cha; đồng thời nhận ra thánh chỉ của Ngài mà tuân giữ. Nhưng các môn đệ đi theo Đức Giêsu một thời gian đã lâu, được nghe Người giáo huấn và chứng kiến những dấu lạ Người làm, các môn đệ vẫn chưa nhận ra mối liên hệ sâu xa giữa Đức Giêsu và Chúa Cha. Khi nghe Đức Giêsu nói đến Chúa Cha, ông Phi-líp-phê  hứng khởi, thay mặt cho các môn đệ nài xin với Đức Giêsu : “Thưa Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, như thế là chúng con mãn nguyện”. Các môn đệ muốn thấy một cách tỏ tường về Chúa  Cha theo cảm thức của con người; các ông nài xin Người chỉ cho thấy Chúa Cha để các ông kính yêu, tôn thờ.

Thông cảm với lòng tin yếu kém của các môn đệ, Đức Giêsu trìu mến trách cứ các ông về giới hạn hiểu biết của họ, rồi Người mặc khải một cách rõ ràng hơn: “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha”… “Anh không tin rằng Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy sao?”

Đức Giêsu giải thích thêm: “Các lời Thầy nói với anh em, Thầy không tự mình nói ra, nhưng Chúa Cha, Đấng luôn ở trong Thầy, chính Người làm những việc của mình”. Đức Giêsu đã tỏ lộ ngôi vị Thiên Chúa của Người trong kế hoạch yêu thương của Chúa Cha khi Chúa Cha muốn cứu độ nhân loại đầy tội lỗi. Đức Giêsu chỉ cho các môn đệ thấy: những lời dạy bảo về lẽ thật của Người dành cho những kẻ cứng lòng đang bước đi trong lầm lạc; những phép lạ Người làm để chữa trị những bệnh tật thể lý giúp người ta tin vào quyền năng Thiên Chúa nơi Người, không do tự ý Người làm; nhưng do quyền năng Chúa Cha đang thực hiện nơi Người. Tuy nhiên dân chúng lúc bấy giờ và cả các môn đệ thân tín của Đức Giêsu vẫn chưa nhận ra, chưa tin.

Đức Giêsu mời gọi “Anh em hãy tin Thầy: Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy”. Đây là một mầu nhiệm vượt quá trí khôn loài người: Thiên Chúa thể hiện lòng nhân hậu, thương xót nhân loại qua Con Một Người là Đức Giêsu và ngược lại, Chúa Cha, Đấng giàu lòng thương xót, được mặc khải rõ nét nơi Đức Giêsu; cuộc đời của Đức Giêsu: lời giảng dạy, việc làm của Người đã tỏ bày cách hoàn hảo về Chúa Cha.

Trình thuật Tin Mừng hôm nay mặc khải về sự liên đới, kết hiệp sâu xa giữa Đức Giêsu và Chúa Cha trong công trình cứu độ mà Đức Giêsu thực hiện để cứu chuộc nhân loại, một sự nhiệm hiệp hoàn hảo trong mầu nhiệm hiệp thông Thiên Chúa Ba Ngôi. Đồng thời, qua giáo huấn của Đức Giêsu, người tỏ bày cho các môn đệ giá trị to lớn của đức tin, khi đặt trọn niềm tin ấy nơi Người.

Tin Mừng hôm nay mời gọi nhân loại hãy có lòng tin mạnh mẽ rằng Đức Giêsu Na-da-rét là Thiên Chúa thật và là người thật; Người quyền năng như Chúa Cha. Người đã hoàn tất công trình Cứu chuộc nhân loại theo ý muốn Chúa Cha đó là: chịu tử nạn trên thập giá, được mai táng trong mồ và đến ngày thứ ba Người vinh hiển sống lại và lên trời, về cùng Chúa Cha.

Sứ điệp Tin Mừng hôm nay mời gọi tôi:

– Đức Giêsu Na-da-rét là bản sao hoàn hảo của Chúa Cha toàn năng, nhân hậu; tôi phải tin yêu và phụng sự Người trong cuộc sống thường ngày.

– Tín thác cuộc đời cho Thiên Chúa nhờ lòng tin và nỗ lực thực hiện giáo huấn mà  Đức Giêsu Kitô đã truyền giảng.

CẦU NGUYỆN

Lạy Chúa Giêsu, xin ban thêm lòng tin để con biết kết hiệp mật thiết với Chúa hơn, và để nhờ Chúa, con đến được với Chúa Cha là cội nguồn tình yêu và hạnh phúc vĩnh cửu của nhân loại chúng con.

SỐNG TIN MỪNG

Kết hiệp với Đức Giêsu qua việc tham dự thánh lễ, siêng năng lãnh nhận bí tích và sống ân sủng các bí tích trong đời thường; đọc Kinh Thánh (lectio divina), nhất là suy niệm Tin Mừng hằng ngày.

Nhiệm hiệp, Cha và Con (23.04.2016)

Trình thuật Tin Mừng hôm nay trình bày về sự liên đới, kết hiệp sâu xa giữa Đức Giêsu và Chúa Cha.

Khi Đức Giêsu giải thích cho ông Tôma về con đường dẫn đến nhà Cha của Người, nơi Người sẽ đến; Đức Giêsu nói: “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy”. Đức Giêsu là con đường kết nối giữa nhân loại với Chúa Cha; bởi vì Người từ Thiên Chúa mà đến, và Người là Ngôi Hai Thiên Chúa, đã nhập thế, nhập thể làm người để ở giữa các môn đệ và loài người. Đức Giêsu là hình ảnh hữu hình của một Thiên Chúa vô hình; là dung mạo sống động của Thiên Chúa nhân từ, giầu lòng thương xót và tha thứ, muốn cứu độ nhân loại. Trải qua thời gian lâu dài cùng sống, cùng làm việc với Đức Giêsu; các môn đệ được nghe, được chứng kiến những dấu kỳ, phép lạ Người làm để ban phúc lộc cho nhiều người; nhưng các môn đệ vẫn mù mờ chưa nhận ra ngôi vị Thiên Chúa nơi con người của Đức Giêsu.

Lần này, Đức Giêsu khẳng định: “Nếu anh em biết Thầy, anh em cũng biết Cha Thầy. Ngay từ bây giờ, anh em biết Người và đã thấy Người”; điều này cho thấy, muốn biết Chúa Cha thì hãy chiêm ngưỡng và tin vào Đức Giêsu. Nhưng cácmôn đệ vẫn không hiểu nên nài xin với Đức Giêsu : “Thưa Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, như thế là chúng con mãn nguyện.” Các môn đệ muốn thấy một cách tỏ tường về Chúa  Cha theo cảm thức của con người, mà không do đức tin. Trìu mến trách cứ các môn đệ về giới hạn hiểu biết của họ, Đức Giêsu mặc khải một cách rõ ràng hơn: “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha”… “Anh không tin rằng Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy sao?”

Đức Giêsu giải thích thêm: Các lời Thầy nói với anh em, Thầy không tự mình nói ra, nhưng Chúa Cha, Đấng luôn ở trong Thầy, chính Người làm những việc của mình. Đức Giêsu đã tỏ lộ ngôi vị Thiên Chúa của Người trong kế hoạch yêu thương của Chúa Cha muốn cứu độ nhân loại đầy tội lỗi: những lời dạy bảo về lẽ thật của Người cho những kẻ cứng lòng đang bước đi trong lầm lạc; những phép lạ Người làm để chữa trị những bệnh tật thể lý giúp người ta tin vào quyền năng Thiên Chúa nơi Người, không do tự ý Người làm nhưng do quyền năng Chúa Cha đang thực hiện nơi Người. Tuy nhiên dân chúng lúc bấy giờ và cả các môn đệ thân tín của Đức Giêsu vẫn chưa nhận ra, chưa tin.

Đức Giêsu mời gọi “Anh em hãy tin Thầy: Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy”; một mầu nhiệm vượt quá trí khôn loài người: Thiên Chúa đã thể hiện lòng nhân hậu, thương xót qua Con Một Người là Đức Giêsu và ngược lại, Chúa Cha, Đấng giàu lòng thương xót, được mặc khải rõ nét nơi Đức Giêsu; cuộc đời của Đức Giêsu: lời giảng dạy, việc làm của Người đã tỏ bày cách hoàn hảo về Chúa Cha.

Tin Mừng hôm nay mặc khải về sự liên đới, kết hiệp sâu xa giữa Đức Giêsu và Chúa Cha trong công trình cứu độ mà Đức Giêsu thực hiện để cúu chuộc nhân loại, một sự nhiệm hiệp hoàn hảo trong mầu nhiệm hiệp thông Thiên Chúa Ba Ngôi. Đồng thời, qua giáo huấn của Đức Giêsu, người tỏ bày cho các môn đệ giá trị to lớn của đức tin khi trọn đặt niềm tin ấy nơi Người. Hãy có lòng tin mạnh mẽ rằng Đức Giêsu Na-da-rét là Thiên Chúa thật và là người thật; Người quyền năng như Chúa Cha. Người đã hoàn tất công trình Cứu chuộc nhân loại theo ý muốn Chúa Cha: chịu tử nạn trên thập giá, được mai táng trong mồ và đến ngày thứ ba, Người vinh hiển sống lại và lên trời.

Sứ điệp Tin Mừng hôm nay mời gọi tôi

– Tin tưởng và phó thác cuộc đời cho vị mục tử là Đức Giêsu Kitô.

– Nỗ lực tìm hiểu và biết rõ mối liên hệ sâu xa giữa Đức Giêsu và Chúa Cha để tin yêu và phụng sự Người trong cuộc sống thường ngày.

CẦU NGUYỆN

Lạy Chúa Giêsu, xin cho con được kết hiệp mật thiết với Chúa để nhờ Chúa, con đến được với Chúa Cha là cội nguồn tình yêu và hạnh phúc vĩnh cửu của nhân loại chúng con.

SỐNG TIN MỪNG

Kết hiệp với Đức Giêsu qua thánh lễ, các bí tích và đọc Kinh Thánh, nhất là suy niệm Tin Mừng hằng ngày.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *