Ý nghĩa chủ đề Tuần Cầu Nguyện Hiệp Nhất 2019, Họp báo công bố 2 văn kiện Tòa Thánh, ĐTC gởi thư cho Học viện về Sự sống nhân dịp kỷ niệm 25 năm, ĐTC Phanxicô sẽ viếng thăm Rumani

 

DTC chủ sự Tuần Cầu nguyện cho sự hiệp nhất

Ý nghĩa chủ đề Tuần Cầu Nguyện Hiệp Nhất 2019

ĐTC Phanxicô sẽ chủ sự kinh chiều thứ sáu 18-1 tới đây tại Đền thờ Thánh Phaolô ngoại thành, để khai mạc Tuần Cầu nguyện cho sự hiệp nhất các tín hữu Kitô, năm nay có chủ đề là ”Các ngươi hãy cố gắng trở thành người công chính đích thực” (Đệ nhị luật 16, 18-20)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican

Hằng năm, ĐTC vẫn chủ sự kinh chiều bế mạc tuần cầu nguyện hiệp nhất tại Đền thờ Thánh Phaolô ngoại thành ở Roma vào ngày 25-1, lễ Thánh Phaolô trở lại. Nhưng năm nay, ngài bận viếng thăm tại Panama từ ngày 23 đến 27-1 tới đây, nhân dịp Ngày Quốc Tế giới trẻ lần thứ 34, nên ngài chủ sự kinh chiều khai mạc.

Nhóm soạn thảo

Chủ đề và tài liệu giúp cử hành Tuần Cầu nguyện hiệp nhất Kitô năm 2019 do một đoàn các tín hữu Kitô ở Indonesia đảm trách. Quốc gia này có 265 triệu dân cư, trong đó 86% là tín hữu Hồi giáo và 10% là tín hữu Kitô thuộc các hệ phái khác nhau, trong đó có 2,9% dân số toàn quốc là tín hữu Công Giáo thuộc 27 giáo phận, họp thành 10 giáo tỉnh.

Ý nghĩa chủ đề năm nay

Lời Chúa trong sách Đệ nhị luật, được chọn làm chủ đề Tuần cầu nguyện hiệp nhất năm nay, phản ánh tình trạng và nhu cầu của cộng đoàn Kitô tại Indonesia. Trước khi vào Đất Hứa, dân Chúa đã tái cam kết trung thành với Giao Ước Chúa đã thiết lập với họ.

Đoạn Kinh Thánh (Đnl 16,18–20) ở trong một chương chủ yếu nói về những lễ cần cử hành. Sau mỗi dịp lễ, Dân Chúa được dặn dò: ”Các ngươi, và con trai con gái các ngươi, cũng như các đầy tớ, các thầy Lêvi, khách ngụ cư, kẻ mồ côi, người góa bụa sẽ được ở trong các thành thị của các ngươi” (Đnl 16,14). Phần cuối của chương 16 này có một điều có vẻ lạ, đó là hai câu về việc bổ nhiệm các Quan án, nhưng trong bối cảnh của Indonesia, liên hệ giữa những buổi lễ của tất cả mọi người và công lý là điều rất quan trọng. Trong tư cách là Dân của Giao Ước được thiết lập trong Chúa Giêsu, chúng ta biết rằng những món ăn tuyệt hảo của bữa tiệc thiên quốc sẽ được dành cho những người đói khát công lý và những người bị bách hại vì Thiên Chúa đã ”dọn trên trời một phần thưởng lớn cho họ” (Mt 5,12).

Áp dụng cho các Kitô hữu nói chung

Giáo Hội của Chúa Kitô được mời gọi trở thành hoa quả đầu mùa của Nước Thiên Chúa. Chúng ta hối hận vì những bất công gây ra chia sẽ và trong tư cách là Kitô hữu chúng ta cũng tin nơi quyền năng của Chúa Kitô, Đấng tha thứ và chữa lành. Và như thế, chúng ta được hiệp nhất với nhau dưới thập giá của Chúa Kitô, đồng thời cầu khẩn ơn thánh của Chúa để chiến đấu chống lại bất công, và cầu xin lòng thương xót của Chúa đối với những tội lỗi đã gây ra sự chia rẽ nơi chúng ta” (Tóm phần Dẫn Vào các tài liệu giúp cử hành Tuần cầu nguyện hiệp nhất 2019).

 

Họp báo công bố 2 văn kiện Tòa Thánh

Sáng thứ năm, 17-1-2019 này, Bộ Phát triển nhân bản toàn diện, sẽ mở cuộc họp báo tại Vatican để công bố 2 văn kiện về nạn buôn người và về di dân và tị nạn

1. Văn kiện thứ I do Phân Bộ di dân và tị nạn thuộc Bộ Phát triển nhân bản toàn diện soạn thảo và mang tựa đề ”Những hướng dẫn mục vụ về nạn buôn người” (Orientamenti pastorali sulla Tratta di persone – Pastoral Orientations on Human Traffiking).

Văn kiện này là kết quả một tiến trình tham khảo với các HĐGM, các tổ chức Công Giáo và các dòng tu, trong đó có trình bày một loạt đường hướng mục vụ với mục đích hiểu, nhận rõ, phòng ngừa và bài trừ nạn buôn người, bảo vệ các nạn nhân và thăng tiến việc phục hồi những người sống sót.

2. Văn kiện thứ hai mang tựa đề ”Ánh sáng trên những nẻo đường Hy Vọng” – Giáo huấn của ĐGH Phanxicô về di dân, tị nạn và nạn buôn ngừơi.

Đây là một cuốn sưu tập các giáo huấn chính thức của ĐGH Phanxicô về người di dân, tị nạn và nạn buôn người, từ đầu triều đại Giáo Hoàng của ngài cho đến cuối năm 2017. Cùng với cuốn này dưới dạng thông thường còn có một dạng kỹ thuật số (digital) với một thảo chương tìm kiếm, phổ biến trên mạng của Phân Bộ di dân và tị nạn, được cập nhật đều đặn cứ 6 tháng một lần, với những giáo huấn mới của Đức Giáo Hoàng.

Hiện diện tại cuộc họp báo

Hiện diện trong buổi giới thiệu 2 văn kiện trên đây tại Phòng Báo Chí Tòa Thánh có Ông Paolo Ruffini, Bộ trưởng Bộ truyền thông của Tòa Thánh, cùng với hai vị Phó Tổng thư ký Phân Bộ di dân và tị nạn thuộc Bộ Phát triển nhân bản toàn diện Linh Mục Fabio Baggio, dòng Scalabrini (CS), và Cha Michael Czesny, dòng Tên.

 Quan tâm đặc biệt của ĐTC

Trong việc thành lập Bộ Phát Triển nhân bản toàn diện, ĐTC Phanxicô đích thân đảm trách vấn đề di dân và tị nạn. Ngài bổ nhiệm hai vị Phó Tổng Thư ký để giúp ngài phụ trách các vấn đề này (Rei 14-1-2019).

 

ĐTC gởi thư cho Học viện về Sự sống nhân dịp kỷ niệm 25 năm

Nhân dịp kỷ niệm 25 năm thành lập Học viện về Sự sống, ĐTC gởi thư cho chủ tịch Học viện để chúc mừng và cho những suy tư về vấn đề sự sống trong xã hội hiện tại.

Trước hết, Đức Thánh Cha nói đến cộng đồng nhân loại là ước mơ của Thiên Chúa ngay cả trước khi tạo dựng thế giới (x. Ep 1:3-14), và chính Con yêu dấu của Ngài đã trở nên con người trong thân xác, trái tim và cảm xúc.
Vì thế, chúng ta cần làm mới lại nhận thức sống động về tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người và thế giới này, vì con người được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa với tinh thần, cảm xúc, lý trí và tự do.

Nhưng thật tiếc là thế giới chúng ta đang tạo ra những nghịch lý khi những tài nguyên phát triển về kinh tế và kỹ thuật giúp chúng ta có thể chăm sóc cho ngôi nhà chung và gia đình nhân loại, nhưng chúng ta lại đang tạo ra những chia rẽ cay đắng. Cảm thức về con người, về gia đình nhân loại và về sự gặp gỡ bị khủng hoảng trầm trọng. Niềm vui trong tương quan gia đình và cuộc sống chung xã hội dường như bị giảm sút nghiêm trọng. Và thay vào đó là những theo đuổi vô trật tự của bản thân và cuộc chạy đua ngày càng khốc liệt ngay cả dùng bạo lực. Thêm vào đó là vấn đề cấp bách trong tương quan giữa con người và tạo vật trên mặt đất.

Là Kitô hữu, đứng trước tiếng kêu gào đau khổ của con người, chúng ta cần hành động để chống lại những tiêu cực của chia rẽ, dửng dưng và oán thù, bằng cách xây dựng và cổ võ tình huynh đệ và liên đới giữa những cá nhân và các dân tộc.

Chúng ta biết rằng đức tin và tình yêu cần cho việc tìm được sức mạnh từ mầu nhiệm cứu chuộc của Đức Giêsu Kitô. Giáo Hội phải trở nên nơi trú ẩn và bảo vệ những dấu chỉ ân sủng và lòng thương xót của Thiên Chúa dành cho mỗi con người sinh ra trong thế giới này. (REI 15/1/2019).

ĐTC Phanxicô sẽ viếng thăm Rumani

Thêm vào những chuyến viếng thăm nước ngoài vào những tháng đầu năm 2019 như đã được thông báo, ĐTC Phanxicô sẽ viếng thăm Rumani từ ngày 31/05-02/06/2019.

Sáng ngày 11/01, ông Alessandro Gisotti, Giám đốc tạm thời của Phòng Báo chí Tòa Thánh đã thông báo về chuyến viếng thăm Rumani vào giữa năm nay của ĐTC Phanxicô. Thông báo viết:

Nhận lời mời của Tổng thống, của chính quyền quốc gia và lãnh đạo Giáo hội Công giáo Rumani, ĐTC Phanxicô sẽ thực hiện chuyến Tông du tại quốc gia này từ ngày 31/05-02/05/2019, để thăm các thành phố Bucarest, Iaşi và Blaj và đền thánh Đức Mẹ ở Șumuleu Ciuc. Chương trình viếng thăm sẽ được công bố sau.

Hai thành phố Bucarest và Iaşi ở miền đông bắc Rumani được biết đến với các nhà thờ và đan viện Chính thống, trong khi Blaj là trung tâm của Giáo hội Công giáo Rumani.

Logo và khẩu hiệu chuyến viếng thăm

Phòng Báo chí Tòa Thánh cũng thông báo logo và khẩu hiệu chuyến viếng thăm Rumani của ĐTC.

Khẩu hiệu của chuyến viếng thăm là “Chúng ta bước đi cùng nhau”.

Logo có hình Đức Mẹ giang tay như bảo vệ che chở cho đoàn dân Chúa trên hành trình. Các màu xanh dương, vàng và đỏ được dùng trên logo là các màu của lá cờ Rumani.

Rumani thường được gọi là “vườn của Mẹ Thiên Chúa”; đây là cách gọi mà các tín hữu rất yêu thích. Chính thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II cũng đã dùng thành ngữ này trong cuộc viếng thăm Rumani vào năm 1999.

Chuyến viếng thăm của ĐTC Phanxicô cũng có cùng sắc thái tôn kính Mẹ Maria, qua việc mời gọi hợp nhất tất cả sức mạnh dưới áo choàng che chở của Đức Mẹ, như được nói đến trong khẩu hiệu “Chúng ta bước đi cùng nhau”.

ĐTC Phanxicô luôn luôn kêu gọi sự hiệp nhất các sức mạnh khác nhau, loại trừ chủ nghĩa cá nhân và chú trọng đến thiện ích chung. Ngài đến Rumani để mời gọi sự hiệp nhất, để củng cố đức tin.

Chuyến viếng thăm Rumani sẽ là chuyến viếng thăm nước ngoài thứ 30 của ĐTC Phanxicô.

Lần cuối cùng một ĐGH viếng thăm Rumani là cuộc viếng thăm của thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II vào năm 1999,  cũng là vị Giáo hoàng đầu tiên thăm một nước Chính thống giáo kể từ cuộc ly giáo vào năm 1054.

Tổng hợp từ Vatican

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *