1. Đừng thờ ơ với người nghèo
Chúng ta hãy cẩn thận, đừng để mình bị rơi vào đường tội lỗi, dẫn đến kết cục như ông phú hộ. Đức Thánh Cha đã nói như trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Năm 16 tháng Ba tại nhà nguyện Santa Marta
Ai sống trong giàu có mà không nhìn thấy người nghèo khó, thì đang rơi vào đường tội lỗi.
Khi một người chỉ sống trong môi trường khép kín của mình, chỉ hít thở trong không gian của riêng mình, trong tài sản của riêng mình, trong sự hài lòng đầy hư ảo của hư danh, để rồi cảm thấy an toàn và chỉ tin vào chính bản thân, thì khi đó người ấy đánh mất phương hướng, đánh mất định hướng, mất la bàn và không biết xác định các ranh giới. Ðó là những gì đã xảy ra với ông nhà giàu trong bài Tin Mừng theo thánh Luca hôm nay. Ông chỉ biết sống cho riêng mình. Ông không thèm quan tâm và không biết đến người nghèo Lazaro trước cửa nhà ông.
Ông ta biết người nghèo đó là ai. Ông ta biết. Bởi vì sau đó, khi chịu cực hình trong hỏa ngục, ông kêu xin với Tổ phụ Abraham rằng: “Xin sai anh Lazaro…”. Thế đó, ông phú hộ biết có người nghèo trước cửa nhà mình, ông cũng biết rõ tên của người ấy là Lazaro, nhưng ông không quan tâm. Ông ta có phải là kẻ tội lỗi không? Có. Nhưng một tội nhân có thể hoán cải, có thể nài xin ơn tha thứ và Chúa sẽ thứ tha. Thế nhưng tâm hồn ông ta khép kín và dẫn ông tới chỗ chết mà không thể quay đầu. Vấn đề là ở chỗ: ông ta biết những đau khổ của người nghèo, nhưng ông lại cứ sống trong cái hạnh phúc của ông và không cần quan tâm. Vấn đề là ông không nhận thấy mình là kẻ tội lỗi, ông không thấy mình cần hoán cải.
Chúng ta cảm thấy gì trong tâm hồn, khi nhìn những người vô gia cư trên đường phố?
Anh chị em sẽ cảm thấy gì trong lòng khi đi trên đường phố và thấy những người vô gia cư, thấy những đứa trẻ ăn xin… Có thể anh chị em nói: nhưng có những kẻ ăn cắp. Và rồi anh chị em tiếp tục bước đi? Những người vô gia cư, người nghèo, người bị bỏ rơi, ngay cả có những người ăn mặc lịch sự nhưng họ không nhà cửa, vì họ không có tiền thuê nhà, vì họ không có công ăn việc làm… Những con người ấy là ai đối với tôi?
Phải chăng những con người ấy cũng chỉ là một phần của cảnh quan thành phố, giống như một bức tượng, như trạm xe buýt, như bưu điện? Phải chăng điều ấy là bình thường? Hãy cẩn thận! Hãy cẩn thận khi tự nhủ lòng rằng: Có những điều như thế, nhưng mà cuộc sống là thế thôi… rồi tiếp tục ăn uống, mà không có một chút cảm thấy lỗi lầm, và rồi tiếp tục bước đi. Cung cách ấy, con đường ấy chẳng hề tốt lành.
Từ những gì tôi nghe, những gì tôi thấy trên các tin tức, ví như có quả bom rơi xuống một bệnh viện và nhiều trẻ em bị chết, nhiều người nghèo bị chết, có thể tôi dâng một lời cầu nguyện và rồi tôi tiếp tục sống như thể chẳng có gì xảy ra? Hãy ghi khắc trong tim chúng ta, câu chuyện đầy kịch tính của anh Lazaro.
Chúng ta hãy cầu nguyện: Lạy Chúa, xin hãy đoái nhìn tâm hồn con, để con nhận thấy đường sai lỗi của con. Vì một tội nhân, nếu sám hối, thì sẽ trở lại; nhưng nếu là kẻ dửng dưng vô cảm thì là quá khó, vì khi ấy là tự đóng kín nơi bản thân. Lạy Chúa, này là trái tim con, xin cho con biết được đường đi và trên con đường ấy, con có thể vững bước.
2. Câu chuyện Ánh Sáng Ðô Thị
Một trong những cuốn phim hay nhất của Charlot và cũng có lẽ là một trong những cuốn phim hay nhất trong lịch sử điện ảnh, đó là cuốn phim có tựa đề là: “Ánh Sáng Ðô Thị”. Ðó là câu chuyện tình của một gã lang thang và một cô gái bán hoa.
Nàng là một cô gái mù bán hoa bên vệ đường. Một nhà tỷ phú trong vùng ngày nào cũng dừng lại mua hoa của nàng. Ngày kia, gã lang thang là Charlot cũng dừng lại mua hoa của nàng. Cô gái bán hoa tưởng chàng là người tỷ phú. Thế là một giấc mộng đã chớm nở và nối kết hai tâm hồn. Nàng tưởng mình gặp được người mình mơ mộng từ lâu nay. Chàng thì hy vọng sẽ kiếm được tiền để chữa lành tật mù lòa của nàng.
Nhưng chẳng may, vì một sự ngộ nhận, chàng đã bị cảnh sát giam giữ. Sau một thời gian cầm tù, chàng được trả tự do. Chàng trở lại chỗ cũ để tìm người con gái mù, nhưng nàng không còn ở đó nữa. Nhờ tiền bạc trước kia chàng đã gửi cho nàng, người con gái đã được chữa lành và nay đứng trông coi một cửa hàng bán hoa rộng lớn hơn. Chàng đi qua đi lại nhiều lần, nhưng không thể nào nhận ra nàng. Tình cờ, một cánh hoa hồng rơi xuống đất, chàng nhặt lấy. Người con gái cười như nhạo báng. Chàng định bỏ đi, nhưng chợt nhận ra tiếng cười, chàng quay lại. Chàng hỏi một cách nhút nhát: “Cô đã thấy được rồi sao?”. Người con gái nhận ra tiếng nói quen thuộc. Nàng từ từ nhặt cánh hoa và gắn lên áo chàng. Và nàng thốt lên trong cảm xúc: “Anh đấy sao?”. Thế là cả hai đã nhận ra nhau và họ sẽ không bao giờ rời nhau nữa.
Cuộc gặp gỡ trong bất cứ một cuộc tình nào cũng là hình bóng của cuộc gặp gỡ trong đức tin giữa chúng ta và Thiên Chúa. Thiên Chúa là tình yêu và chúng ta là những con người có tự do. Do đó Thiên Chúa không nói với chúng ta bằng một ngôn ngữ nào khác hơn là tình yêu. Tình yêu không bao giờ là một cưỡng bách, nhưng là một mời gọi tự do.
Những người Do Thái thời Chúa Giêsu đòi hỏi những dấu lạ, những bằng chứng hiển nhiên về sứ mệnh của Ngài. “Ông hãy làm cho chúng tôi một dấu lạ”.
Ngày nay thì trái lại, với những tiến bộ vượt bậc về khoa học kỹ thuật, con người dường như không còn tin ở phép lạ nữa. Tưởng mình có thể chế ngự và làm chủ vũ trụ, con người muốn loại bỏ Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống.
Chúng ta có thể ngạc nhiên tại sao Thiên Chúa không làm phép lạ nhãn tiền cho những người biệt phái hay cho những kẻ vô thần ngày nay. Tại sao Ngài không viết tên Ngài trên trời để xóa tan mọi nghi ngờ trong lòng người? Thiên Chúa có lối sư phạm của Ngài. Ngài đã không là Thiên Chúa của những điềm lạ cả thể, nhưng là một Thiên Chúa đã chọn lựa làm tôi tớ để chinh phục tình yêu và lòng tín nhiệm của con người. Thiên Chúa không những là một Thiên Chúa của quyền năng ở bên trên con người, nhưng còn là Thiên Chúa ở bên trong con người. Và, cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu chính là dấu lạ cả thể nhất, bởi vì đó là dấu chứng của tình yêu. Chúa Giêsu đã nói đến dấu chứng đó khi dùng hình ảnh của tiên tri Giona. Giona được Thiên Chúa sai đến cho dân thành Ninivê. Ông tưởng Chúa sẽ dùng ông để làm một dấu lạ cả thể khiến dân thành sẽ tin vào sứ mệnh của ông. Nhưng cuối cùng, qua con người của ông, Thiên Chúa chỉ kêu mời sự hoán cải và tình yêu.
Thiên Chúa đến gặp gỡ chúng ta qua những sinh hoạt và những biến cố tầm thường nhất trong cuộc sống. Ngài mời gọi chúng ta nhận ra Ngài trong cái ăn, cái uống, cái mặc, trong tiếng cười, tiếng khóc, trong tất cả mọi gặp gỡ của chúng ta với tha nhân. Và ngay cả trong cái chết mà con người cho là điểm cuối cùng của cuộc sống, Thiên Chúa cũng có mặt.
Nhận ra Ngài như cô gái bán hoa đã nhận ra giọng nói của chàng Charlot, đó là ơn gọi của người Kitô chúng ta. Một đức tin trưởng thành không đòi hỏi và thử thách Thiên Chúa, nhưng tín thác và nhận ra dấu chỉ của Ngài qua những cái tầm thường nhất của cuộc sống.
3. Hoán cải là làm các việc thiện cụ thể chứ không chỉ là nói xuông
Xa tránh điều ác, học làm điều thiện và tiến gần đến Thiên Chúa. Đó là hành trình hoán cải của Mùa Chay. Đó là cuộc hoán cải với những hành động cụ thể chứ không chỉ nói xuông. Đức Thánh Cha đã nói như trên trong bài giảng thánh lễ sáng 14 tháng Ba tại nhà nguyện Santa Marta.
Xa tránh điều ác và học làm điều thiện, đó là cả một hành trình
Chúng ta đừng ở mãi trong những điều xấu xa, nhưng hãy dần xa lánh những gì độc hại cho linh hồn. Từ đó, điều ác ngày càng nhỏ lại, và chúng ta dần học làm điều thiện.
Thật không dễ để làm điều thiện. Chúng ta phải học để làm điều thiện. Chúng ta cần học luôn luôn. Và Chúa sẽ dạy chúng ta. Nhưng vấn đề là chúng ta phải học! Giống như trẻ em! Trên hành trình cuộc đời, và hành trình của đời sống người Kitô, chúng ta cần học mỗi ngày, học mọi ngày, học từng ngày. Bạn phải học làm điều gì đó, điều gì đó tốt hơn ngày hôm qua. Học hỏi, học tập. Ra khỏi sự ác và học làm sự thiện: đó là quy luật của hoán cải. Bởi vì cuộc hoán cải không phải theo kiểu một nàng tiên với chiếc đũa thần biến hóa chúng ta. Không như thế! Hoán cải là cả một hành trình. Đó là hành trình để rời xa cái xấu và học lấy cái tốt.
Để có thể rời xa cái xấu, bạn cần can đảm. Để học làm điều thiện, bạn cần khiêm tốn. Và khi ấy, học làm từng việc thiện cụ thể.
Trong bài đọc trích sách ngôn sứ Isaia, Chúa nói tới nhiều điều cụ thể cần làm. Đó là: hãy tìm kiếm công lý, hãy cứu giúp người bị áp bức, hãy xét xử công bằng cho những trẻ mồ côi và bênh đỡ người góa bụa. Đó là những điều rất cụ thể. Bạn cần học làm điều tốt cụ thể, chứ không chỉ có nói. Và đây là lý do mà trong bài Tin Mừng, Chúa Giêsu trách cứ những người lãnh đạo trong dân Israel. Vì họ nói mà không làm, vì họ không biết những gì là cụ thể là thực tế. Nếu không có những gì là cụ thể, thì đó không phải là hoán cải.
Bài đọc trích sách ngôn sứ Isaia tiếp tục với lời mời gọi của Chúa. Lời gọi mời hoán cải, lời kêu gọi ra khỏi sự gian ác và học làm điều tốt lành. Chúa nói: Nào, đứng dậy, hãy đến và chúng ta sẽ cùng nhau tranh tụng, cùng nhau thảo luận, cùng nhau tiến bước. Chúng ta có thể nói: Nhưng con có rất nhiều tội lỗi… Chúa sẽ nói: Đừng lo, dù tội lỗi ngươi đỏ tựa vải điều, thì cũng sẽ nên trắng như tuyết. Đây chính là con đường hoán cải của Mùa Chay.
Thật đơn giản! Đơn giản bởi vì Chúa là Người Cha, bởi vì Cha đã nói, vì Cha là Đấng yêu thương chúng ta, là Đấng muốn chúng ta ngày càng tốt hơn. Niềm tin tưởng ấy dẫn đưa chúng ta vào con đường sám hối ăn năn. Để làm được điều ấy, chúng ta phải khiêm nhường. Chúa Giêsu đã nói với các nhà lãnh đạo: “Ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống, và ai hạ mình xuống , sẽ được tôn lên.”
Như thế, chìa khóa cho cuộc hoán cải của Mùa Chay chính là: xa lánh sự ác, tập làm việc thiện, đứng dậy và cùng đi với Chúa. Khi ấy, mọi tội lỗi của chúng ta sẽ được thứ tha.