Bài đọc Kinh sách Đức Mẹ Mân Côi

Ngày 7 tháng 10: Lễ Kính

ĐỨC MẸ MÂN CÔI

 

Hôm nay, Dòng chúng ta cùng với toàn thể Hội Thánh mừng kính những việc lạ lùng Chúa đã làm cho nhân loại, cùng với Đức Ma-ri-a sốt sắng suy ngẫm những mầu nhiệm về đời sống, cuộc khổ nạn và phục sinh của Chúa Giê-su, Đấng cứu chuộc chúng ta. Vì Đức Ma-ri-a, Thân Mẫu Người, là một “gương mẫu về việc suy niệm Lời Chúa và về sự khôn ngoan trong sứ vụ của mình” (Hiến pháp, số 67, II). Biết bao ân huệ, chung đúc lại một cách hòa hợp, được tưởng niệm trong một lối cầu nguyện đặc biệt gọi là “lần chuỗi Mân Côi”. Nên biết rằng kinh này đã phát sinh và tăng triển trong môi trường sinh hoạt và tông đồ của chính Dòng chúng ta.

Trong tập sách bàn về “Cách thức cầu nguyện”, cha Hum-bê-tô Rô-man (+1277) đặc biệt nhắn nhủ các tập sinh như sau: “Trước hết, sau giờ kinh nguyện đêm về Đức Mẹ, tập sinh hãy sốt sắng suy niệm và nghiền ngẫm những ân huệ của Chúa, nghĩa là mầu nhiệm Nhập Thể, Giáng Sinh, Khổ Nạn và những mầu nhiệm chung chung như vậy… rồi đọc kinh Lạy Cha và kinh Kính Mừng… Sau giờ kinh tối, hãy tưởng niệm những hồng ân Thiên Chúa theo cách thức đã trình bày ở đầu tập “Cách thức cầu nguyện”…; cũng có thể thêm kinh Lạy Nữ Vương, v.v… cùng những điệp ca và lời nguyện riêng về Đức Trinh Nữ Ma-ri-a”.

Trong số những anh em có công lớn với kinh Mân Côi, trong việc quy định cấu trúc và cổ võ, truyền bá, trước hết phải kể đến chân phước A-la-nô Rốc (1428-1478). Kể từ khi chính chân phước lập hội Mân Côi đầu tiên ở Đu-ai năm 1470, và cha Gia-cô-bê Xơ-pơ-ren-giê, OP., lập một hội thời danh khác ở Cô-lô-ni-a, có sự chuẩn y của Tòa Thánh năm 1476, các anh em chúng ta không ngừng cổ động hội Mân Côi. Lại nữa, thánh Giáo Hoàng Pi-ô V, trong sắc chỉ Consueverunt Romani Pontifices (17-9-1569) đã quy định hẳn hình thức kinh Mân Côi, và trong một sắc chỉ khác, Salvatoris Domini (5-3-1572), Đức Giáo Hoàng lập lễ kính Đức Mẹ thắng trận, sau đổi là lễ Đức Mẹ Mân Côi, mừng vào ngày 7 tháng 10. Khi canh tân phụng vụ lần mới nhất đây, lễ này vẫn được giữ lại.

Chúng ta có nhiệm vụ cần mẫn cổ võ cách thức cầu nguyện này trong các cộng đoàn chúng ta, và sốt sắng phổ biến cho các tín hữu, dùng những điều mới phong phú hóa những điều cũ. Quả thực, kinh Mân Côi “dẫn đưa chúng ta đến việc chiêm niệm mầu nhiệm cứu độ, trong đó, Đức Trinh Nữ Ma-ri-a đã gắn bó chặt chẽ với công trình của Con Mẹ” (Hiến pháp, số 67, II). Kinh Mân Côi còn là một phương thế rất hữu hiệu để cổ võ đức tin và nuôi dưỡng đời sống Ki-tô hữu. “Vì chuỗi kinh này hầu như là bản toát yếu bộ Phúc Âm, và do đó, là hình thức đạo đức của Hội Thánh” (Đức Phao-lô VI, Tông huấn Recurrens mensis october 7-10-1969). Ngày 16 tháng 10 năm 2002, Đức Gio-an Phao-lô II với Tông Thư “Ma-ri-alis Cultus” đã thêm năm sự Sáng vào các mầu nhiệm Mân Côi.

 

BÀI ĐỌC I Gl 3,22-4.7

NHỜ ĐỨC TIN, CHÚNG TA LÀ CON CÁI VÀ LÀ NGƯỜI THỪA KẾ CỦA THIÊN CHÚA

Lời Chúa trong thư thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Ga-lát

Anh em thân mến, Kinh Thánh đã giam hãm mọi sự trong vòng tội lỗi, để nhờ lòng tin vào Đức Giê-su Ki-tô, điều Thiên Chúa hứa đã ban cho các kẻ tin. Khi chưa đến thời của đức tin, chúng ta bị lề luật gian hãm và canh giữ, chờ khi đức tin được mặc khải. Như thế, lề luật đã thành người giám thị dẫn chúng ta tới Đức Ki-tô, để chúng ta được nên công chính nhờ đức tin. Nhưng khi thời của đức tin đã đến, thì chúng ta không còn ở dưới quyền giám thị nữa. Thật vậy, tất cả anh em đều là con Thiên Chúa, nhờ đức tin, bởi được kết hợp với Đức Giê-su Ki-tô. Quả thế, khi được dìm vào nước thánh tẩy để nên một với Đức Ki-tô, là tất cả anh em được mặc lấy Đức Ki-tô, thì anh em là dòng dõi ông Áp-ra-ham, là những người thừa kế, chiếu theo lời hứa.

Tôi thiết nghĩ, bao lâu người thừa kế còn là thiếu niên thì không khác gì một nô lệ, mặc dù là chủ mọi tài sản. Nó phải ở dưới quyền những người giám hộ và quản lý, cho đến khi mãn hạn người cha đã định. Chúng ta cũng vậy, khi còn là thiếu niên, chúng ta phải làm nô lệ những quyền lực vũ trụ. Nhưng khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con mình tới, sinh làm con một người đàn bà, và sống dưới Lề luật, để chuộc những ai sống dưới lề luật, hầu chúng ta nhận được ơn làm nghĩa tử. Để chứng thực anh em là con cái, Thiên Chúa đã sai Thần Khí của Con mình đến ngự trong lòng anh em mà kêu lên: “Áp-ba, Cha ơi!” vậy anh em không còn phải là nô lệ nữa, nhưng là con; mà đã là con thì cũng là người thừa kế, nhờ ơn Thiên Chúa.

XƯỚNG ĐÁPXc. Gl 4,4-5; Ep 2,4; Rm 8,3

XĐ    Khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con mình tới, sinh làm con một người đàn bà, sống dưới lề luật.

*        Để chuộc những ai sống dưới lề luật.

Đ       Vì Thiên Chúa giàu lòng thương xót và rất mực yêu mến chúng ta, Người đã sai Con mình đến, mang thân xác giống như thân xác tội lỗi của chúng ta.*

 

BÀI ĐỌC II (1/4)

CHUỖI MÂN CÔI: KINH NGUYỆN PHÚC ÂM

Trích Tông huấn Việc sùng kính Đức Ma-ri-a (ss 42. 44-47) của Đức Giáo Hoàng Phao-lô VI

Chuỗi Mân Côi kính Đức Trinh Nữ Ma-ri-a, được gọi là bản tóm lược toàn bộ Phúc Âm. Chuỗi này rút lấy từ Phúc Âm đề tài các mầu nhiệm và các công thức chính yếu. Đi từ Phúc Âm, chuỗi Mân Côi khởi đầu bằng lời chào mừng của thiên thần, và Đức Trinh Nữ đã khiêm tốn nhận lời; đây là thái độ của Đức Ma-ri-a mà người tín hữu phải có khi lần hạt. Trong khi liên tiếp đọc kinh Kính Mừng, người tín hữu suy niệm mầu nhiệm nền tảng của Phúc Âm, tức mầu nhiệm Ngôi Lời nhập thể được thực hiện trong lúc thiên thần truyền tin cho Đức Ma-ri-a. Như thế, chuỗi Mân Côi là lời kinh nguyện theo Phúc Âm mà các chủ chăn và các nhà uyên thâm ngày nay cũng như ngày xưa xác nhận.

Cũng thế, người ta dễ dàng thấu hiểu tại sao diễn tiến của việc lần chuỗi Mân Côi phản ánh cách thức mà Ngôi Lời Thiên Chúa khi thực hiện ý định từ bi của Thiên Chúa trong lịch sử nhân loại, đã thực hiện việc cứu độ. Thật vậy, chuỗi Mân Côi lần lượt, và trong trật tự, diễn tả các yếu tố chính yếu của việc cứu độ do Chúa Ki-tô thực hiện: những yếu tố này là từ lúc Đức Trinh Nữ cưu mang Ngôi Lời, và mầu nhiệm tuổi thơ của Chúa Ki-tô, cho đến giờ phút tột đỉnh của ngày phục sinh, và cho đến những hiệu quả của mầu nhiệm ấy trên Hội Thánh được khai sinh trong ngày lễ Ngũ Tuần, trên Đức Trinh Nữ, trên ngày mà Đức Trinh Nữ chấm dứt cuộc sống lưu đày này để được Chúa đem hồn xác về trời. Người ta còn nhận thấy rằng việc phân chia các mầu nhiệm đọc khi lần chuỗi Mân Côi ra làm ba phần không những tương xứng một cách chặt chẽ với thứ tự các sự kiện theo thời gian, mà nhất là còn phản ánh lược đồ lời rao giảng tiên khởi về đức tin, và trình bày mầu nhiệm Chúa Ki-tô theo cách thức mà thánh Phao-lô đã đưa ra trong thư gửi cho tín hữu Phi-líp-phê: đó là việc Chúa Ki-tô hạ mình xuống, chịu chết và được tôn vinh.

Là kinh nguyện theo Phúc Âm, được tập trung vào mầu nhiệm Nhập Thể cứu độ, chuỗi Mân Côi quy hướng rõ rệt về Chúa Ki-tô. Thật vậy, yếu tố đặc trưng nhất của kinh này – tức việc đọc đi đọc lại kinh Kính Mừng – trở thành việc không ngừng ca tụng Chúa Ki-tô, vì Người là đối tượng cuối cùng của việc thiên thần truyền tin và lời chào mừng của thân mẫu thánh Gio-an Tẩy Giả: Con lòng bà được chúc phúc. Chúng ta cũng cần nói thêm rằng: việc lặp đi lặp lại kinh Kính Mừng làm thành một bản kịch trong đó việc suy niệm mầu nhiệm được tăng triển: Chúa Giê-su được nêu tên trong mỗi kinh Kính Mừng chính là Con Thiên Chúa và là Con Đức Trinh Nữ, sinh ra tại hang đá Bê-lem, được Mẹ Người dâng vào đền thánh, là cậu thanh niên đầy nhiệt tâm đối với công việc của Chúa Cha, là Đấng cứu độ hấp hối trong vườn Cây Dầu, là người bị đánh đập và đội mũ gai; là Đấng sống lại từ cõi chết và lên trời ngự bên hữu Chúa Cha trong vinh quang để thông ban ơn Chúa Thánh Thần. Người ta biết rằng để tán trợ việc suy niệm và để ý suy niệm ăn nhịp với các lời kinh, ngày xưa người ta có thói quen – và thói quen này hiện còn tồn tại ở nhiều quốc gia – giúp mọi người theo dõi tên Chúa Giê-su bằng cách lặp lại mầu nhiệm đang được suy niệm trong mỗi kinh Kính Mừng.

Chúng ta cũng cảm thấy cần phải nhắc lại tầm quan trọng của một yếu tố chủ chốt khác trong chuỗi  Mân Côi, ngoài giá trị của yếu tố ca tụng và cầu xin: đó là yếu tố suy niệm. Không suy niệm, chuỗi Mân Côi trở thành một xác không hồn, và việc lần hạt sẽ có nguy cơ trở thành việc lặp đi lặp lại một cách máy móc những công thức, và đi ngược lại lời khuyên bảo của Chúa Giê-su: Khi cầu nguyện, các con đừng nhiều lời như dân ngoại: họ nghĩ là phải nói nhiều mới được chấp nhận. Theo bản chất, việc lần chuỗi Mân Côi đòi buộc phải đọc theo một nhịp độ bình thản để người đọc có thời giờ suy niệm các mầu nhiệm cuộc đời Chúa Ki-tô, như được nhìn thấy qua tâm hồn của Đấng sống kề cận nhất bên Chúa Ki-tô, và nhờ đó sẽ múc lấy được ơn thiêng nơi kho tàng phong phú của việc lần chuỗi.

XƯỚNG ĐÁPXc. Lc 1,45

XĐ    Lạy Trinh nữ Ma-ri-a, Mẹ Thiên Chúa, Mẹ thật diễm phúc vì đã tin vào Thiên Chúa; Chúa đã thực hiện những gì Người nói cho Mẹ biết: này đây, Mẹ được tôn vinh trên các ca đoàn thiên thần.

*        Xin Mẹ chuyển cầu cho chúng con trước tòa Chúa Giê-su Ki-tô.

Đ       Lạy Trinh nữ Ma-ri-a, Mẹ đáng chúc tụng và đáng tôn kính, Mẹ là Mẹ Đấng Cứu Thế, không vướng bợn nhơ.*

 

BÀI ĐỌC II (2/4)

ĐỨC MA-RI-A ĐẦY ÂN SỦNG, ÂN SỦNG NÀY ĐỔ TRÀN SANG MỌI NGƯỜI

Trích sách chú giải kinh Kính Mừng, của thánh Tô-ma A-qui-nô, linh mục

Kính chào Ma-ri-a, đầy ân sủng, Chúa ở cùng bà… Kinh Kính Mừng gồm ba phần. Thiên sứ thực hiện phần thứ nhất: Kính chào bà đầy ân sủng, Chúa ở cùng bà, bà có phúc nhất trong nữ giới. Bà Ê-li-sa-bét, thân mẫu thánh Gio-an Tẩy Giả thực hiện phần thứ hai: Con bà đang cưu mang cũng thật có phúc. Hội Thánh thêm phần thứ ba, là danh xưng Ma-ri-a. Vì thiên sứ không nói: Kính chào bà Ma-ri-a, mà chỉ nói: Kính chào bà đầy ân sủng. Nhưng danh xưng Ma-ri-a này, giải thích ra, thì rất phù hợp với những lời thiên sứ, như sẽ thấy.

Về phần thứ nhất, nên biết rằng, xưa kia các thiên sứ hiện đến với con người là việc rất trọng đại; và việc người phàm tôn kính các thiên sứ là việc rất đáng ca tụng. Vì thế, và để ca tụng ông Áp-ra-ham, Kinh Thánh đã chép: ông tiếp đón và cung kính các thiên sứ. Nhưng việc thiên sứ cung kính phàm nhân thì chưa hề nghe nói bao giờ, duy chỉ sau khi thiên sứ cung kính chào hỏi Đức Trinh Nữ và nói: Kính chào bà.

Đức Ma-ri-a được đầy ân sủng, vì từ linh hồn trào ra thân thể. Vì nơi chư thánh, được nhiều ân sủng để thánh hóa linh hồn đã là việc trọng đại rồi, nhưng linh hồn Đức Trinh Nữ được đầy ân sủng, đến độ từ linh hồn tràn ra thân thể, để thụ thai Con Thiên Chúa. Vì thế ông Huy-gô hiệu thánh Víc-to đã viết: Vì tình yêu Chúa Thánh Linh bốc cháy cách phi thường trong trái tim Người, nên đã thực hiện những điều lạ lùng nơi thân thể Người, vì do nhục thể ấy sinh ra Đấng Cứu Thế, Đấng là Thiên Chúa và là người; vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần.

Đức Ma-ri-a còn đầy ân sủng vì tràn sang mọi người. Nơi mỗi vị thánh, khi có ân sủng đủ cho mình được cứu độ thì đã là điều trọng đại; nếu có ân sủng đủ cho nhiều người được cứu độ thì đã là trọng đại hơn rồi. Nhưng khi có nhiều đến đô đủ cho mọi người trong thế giới được cứu đô, thì đó là điều rất trọng đại, và điều này thể hiện nơi Đức Ki-tô và Đức Trinh Nữ. Vì trong mọi gian nguy, bạn có thể nhờ Đức Trinh Nữ vinh hiển mà được cứu vớt. Bởi thế, có lời chép: Treo bên Người từng ngàn khiên mộc, nghĩa là phương tiện chống gian nguy. Vả lại, bạn có thể được Người trợ giúp trong mọi việc đạo đức. Thế nên, chính Người đã phán: Tất cả mọi hy vọng của sự sống và sức mạnh là ở nơi Ta. Vậy Người đầy ân sủng và đầy ân sủng trổi vượt các thiên thần. Bởi đó, quả là thích hợp khi mệnh danh Người là Ma-ri-a, nghĩa là đầy ánh sáng, vì có lời: Chúa sẽ cho linh hồn Người đầy ánh sáng rực rỡ (Is 58,11), và chiếu soi mọi người khắp thế gian, nên Người được ví như mặt trời và mặt trăng.

Còn lời Chúa ở cùng bà là lời cao quý nhất có thể tặng cho Người. Vì thế, thiên sứ đã có lý để cung kính Đức Trinh Nữ. Bởi Người là mẹ Thiên Chúa và do đó là Bà Chúa. Như vậy, danh xưng Ma-ri-a phù hợp với Người, vì trong tiếng Xi-ri, Ma-ri-a có nghĩa là Bà Chúa.

Người trổi vượt hơn các thiên thần về đức trong sạch, vì Đức Trinh Nữ không những giữ mình trong sạch, lại còn liệu cho người khác được trong sạch. Quả thực Người rất trong sạch, không vương tội nào, vì không mắc phải tội nguyên tổ, hoặc tội nặng hay tội nhẹ nào. Người cũng sạch lâng mọi hình phạt. Người được đặc miễn khỏi mọi lời chúc dữ, nên Người có phúc nhất trong giới phụ nữ, vì một mình Người đã cất đi mọi lời chúc dữ và mang lại lời chúc lành, cùng mở cửa thiên đàng. Bởi đó, danh xưng Ma-ri-a phù hợp với Người, vì Ma-ri-a có nghĩa là Sao Biển, như những nhà hàng hải được sao biển dẫn tới bến thế nào, thì các Ki-tô hữu cũng được Đức Trinh Nữ Ma-ri-a dẫn tới vinh quang như vậy.

XƯỚNG ĐÁPLc 1,28.35.34

XĐ    Kính chào Ma-ri-a đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng Bà.

*        Thánh Thần sẽ ngự xuống trên Bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ che chở Bà, vì thế, hài nhi sắp sinh ra sẽ được gọi là Đấng Thánh, là Con Thiên Chúa.

Đ       Việc ấy sẽ như thế nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng. Sứ thần đáp:*

 

BÀI ĐỌC II (3/4)

KHI CHIÊM NGẮM ĐỨC MA-RI-A  HỘI THÁNH TIẾN SÂU VÀO TẬN CÙNG  MẦU NHIỆM NHẬP THỂ

Trích Hiến chế Ánh sáng muôn dân của công đồng Va-ti-ca-nô II

Đang khi Hội Thánh, qua con người của Đức Nữ Trinh, đã đạt tới sự toàn thiện làm cho mình nên trong sạch và vẹn tuyền, thì các Ki-tô hữu vẫn còn phải cố gắng chiến thắng tội lỗi để tiến bước trên đường thánh thiện. Vì thế, họ ngước mắt nhìn lên Đức Ma-ri-a là một mẫu gương nhân đức sáng ngời cho toàn thể cộng đồng những người được chọn. Nhờ thành kính tưởng nhớ Đức Ma-ri-a và chiêm ngưỡng Người dưới ánh sáng của Ngôi Lời nhập thể, Hội Thánh cung kính tiến sâu hơn vào mầu nhiệm cao thẳm, tức là mầu nhiệm Nhập Thể, và nên giống Phu Quân mình ngày một hơn.

Thực vậy, Đức Ma-ri-a đã mật thiết gắn liền với lịch sử cứu độ, và có thể nói là Mẹ đã quy tụ và phản chiếu nơi mình những đòi hỏi cao cả nhất của đức tin, và khi các tín hữu nghe rao giảng về Mẹ và tôn sùng Mẹ, họ được mời gọi đến kết hiệp với hy lễ của Con Mẹ và yêu mến Chúa Cha. Phần Hội Thánh càng tìm kiếm vinh quang Chúa Ki-tô càng nên giống khuôn mẫu cao cả của mình, nhờ luôn tiến tới trong đức tin, đức cậy, đức mến, và tìm kiếm cùng vâng theo thánh ý Thiên Chúa trong mọi sự.

Do đó, trong công cuộc tông đồ, Hội Thánh có lý để nhìn lên Đấng đã sinh hạ Chúa Ki-tô, là người được thụ thai bởi quyền năng Chúa Thánh Thần và được Đức Trinh Nữ sinh ra, để nhờ Hội Thánh, cũng sinh ra và lớn lên trong lòng các tín hữu. Đời sống của Đức Trinh Nữ là một gương sáng của tình mẫu tử thắm thiết. Tình mẫu tử ấy phải là động lực cho tất cả những ai cộng tác vào sứ mạng tông đồ của Hội Thánh để tái sinh nhân loại.

Nhờ hồng ân Thiên Chúa, Đức Ma-ri-a được tôn vinh, sau Con mình, vượt trên các thiên thần và loài người, vì Mẹ là Mẹ rất thánh của Thiên Chúa, và đã tham dự vào các mầu nhiệm của Chúa Ki-tô, do đó, Mẹ đáng được Hội Thánh tôn vinh và đặc biệt tôn kính. Thực vậy, từ những thời rất xa xưa, Đức Nữ Trinh đã được tôn kính dưới tước hiệu “Mẹ Thiên Chúa”, và các tín hữu đã khẩn cầu cùng ẩn náu dưới sự che chở của Mẹ trong mọi cơn gian nan khốn khó. Nhất là từ công đồng Ê-phê-sô, dân Thiên Chúa đã gia tăng lòng sùng kính Đức Ma-ri-a cách lạ lùng: họ sùng kính mến yêu, cầu khẩn và noi gương đúng như lời Mẹ đã tiên báo: “Muôn đời sẽ khen tôi có phúc, vì Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi những việc trọng đại”. Sự tôn kính đó, như vẫn luôn có trong Hội Thánh, tuy hoàn toàn đặc biệt, nhưng tự bản chất khác biệt với sự thờ phượng dâng lên Ngôi Lời Nhập Thể, Chúa Cha và Chúa Thánh Thần, lại khuyến khích thêm việc thờ phượng Thiên Chúa Ba Ngôi.

Hội Thánh đã chấp nhận nhiều hình thức tôn sùng Mẹ Thiên Chúa, trong giới hạn của giáo lý lành mạnh và chính thống, tùy theo hoàn cảnh, thời gian và nơi chốn, hợp với tính khí và tinh thần của tín hữu; những hình thức ấy, qua việc tôn vinh Mẹ, cũng làm cho tín hữu nhận biết đúng đắn, yêu mến, làm vinh danh, và tuân giữ giới răn Chúa Con, nhờ Người mà muôn vật được tạo thành và nơi Người, Chúa Cha hằng hữu muốn có đầy đủ mọi sự.

Thánh công đồng chủ ý dạy giáo lý Công Giáo ấy, đồng thời Hội Thánh cũng khuyến khích hết mọi con cái hãy nhiệt tâm phát huy lòng sùng kính Đức Nữ Trinh, nhất là trong phụng vụ, hãy coi trọng những việc thực hành và việc đạo đức nhằm suy tôn Mẹ và đã được quyền giáo huấn Hội Thánh cổ võ qua các thế kỷ.

Phần các tín hữu, hãy nhớ rằng lòng tôn sùng chân chính không hệ tại tình cảm chóng qua và vô bổ, cũng không hệ tại dễ tin phù phiếm, nhưng phát sinh từ một đức tin chân thật. Đức tin dẫn chúng ta đến chỗ nhìn nhận địa vị cao cả của Mẹ Thiên Chúa, và thúc đẩy chúng ta lấy tình con thảo yêu mến và noi gương các nhân đức của Mẹ chúng ta.

Ngày nay, Mẹ Chúa Giê-su đã được vinh hiển hồn xác trên trời, là hình ảnh và khởi thủy của Hội Thánh phải hoàn thành đời sau, cũng thế, dưới đất này, cho tới ngày Chúa đến, Mẹ chiếu sáng như dấu chỉ lòng cậy trông vững vàng và niềm an ủi cho dân Chúa đang lữ hành.

Tất cả mọi Ki-tô hữu hãy thiết tha khẩn nguyện Mẹ Thiên Chúa, cũng là Mẹ loài người, để như Mẹ đã trợ giúp Hội Thánh sơ khai bằng lời cầu nguyện của mình, thì ngày được tôn vinh trên các thần thánh trên trời, Mẹ cũng cầu bầu cùng Con Mẹ trong sự hiệp thông toàn thể các thánh, cho tới khi mọi gia đình dân tộc hoặc đã mang danh hiệu Ki-tô hữu, hoặc chưa biết Đấng cứu chuộc mình, đều hân hoan đoàn tụ trong an bình và hòa thuận, hợp thành một dân Thiên Chúa duy nhất, hầu vinh danh Ba Ngôi Thiên Chúa rất thánh và không phân chia.

XƯỚNG ĐÁP

XĐ    Chúng ta hãy kính nhớ Đức Trinh Nữ Ma-ri-a cho thật xứng đáng, vì Chúa đã đoái nhìn đến sự khiêm nhu của Người;

*        Người đã được thiên sứ loan tin thụ thai Đấng Cứu Thế.

Đ       Chúng ta hãy ca tụng vinh quang Chúa Ki-tô trong ngày lễ kính Đức Trinh Nữ Ma-ri-a, Thánh Mẫu tuyệt vời của Thiên Chúa.*

 

BÀI ĐỌC II (4/4)

CẦN SUY GẪM CÁC MẦU NHIỆM CỨU ĐỘ 

Trích bài giảng của thánh Bê-na-đô, Viện phụ

Trẻ Người sắp sinh sẽ được gọi là Thánh, là Con Thiên Chúa. Người là suối khôn ngoan, là Ngôi Lời của Cha trên trời: lạy Thánh nữ đồng trinh, chính nhờ Mẹ mà Ngôi Lời ấy sẽ thành nhục thể, đến nỗi Đấng đã nói: Ta ở trong Cha và Cha ở trong Ta, cũng có thể nói: Ta từ Cha mà ra và từ Cha mà đến.

Có lời chép rằng: Từ nguyên thủy đã có Ngôi Lời. Từ lúc đó, suối nước đã vọt ra, nhưng vẫn còn ở nơi chính mình, vì Ngôi Lời vẫn ở với Thiên Chúa, ở nơi ánh sáng bất khả cập. Và từ đầu Chúa đã nói: Ta mưu định phúc thái chứ không phải họa tai. Nhưng các mưu định đó còn ở trong Người, nên Người nghĩ gì chúng ta không biết, vì: Nào có ai biết được ý nghĩ của Chúa, cũng như ai đã làm cố vấn cho Người?

Nhưng rồi mưu định phúc thái đã xuống trần: Ngôi Lời đã nhập thể, và từ đó ở giữa chúng ta. Nhờ đức tin, Người đang ngự trong tâm hồn chúng ta, trong ký ức chúng ta, trong tư tưởng và xuống cho tới trí tưởng tượng của chúng ta. Quả vậy, trước kia con người nghĩ về Thiên Chúa thế nào? Có lẽ không hơn gì một ngẫu tượng do tâm trí mình tạo ra. Bởi vì khi ấy Thiên Chúa vừa bất khả cập vừa bất khả tri. Người vô hình và hoàn toàn không hình dung nổi. Nhưng nay, Người đã muốn cho con người có thể hiểu, có thể thấy, có thể nghĩ đến Người.

Nhưng bằng cách nào? Chắc chắn bằng cách nằm trong máng cỏ, ngủ yên trên tay Trinh Nữ, rao giảng trên núi, thức suốt đêm cầu nguyện; hoặc bị treo trên thập giá, rồi chỉ còn là xác chết xanh xao, tự do giữa đám kẻ chết, thống trị âm phủ; rồi phục sinh vào ngày thứ ba, chỉ cho các Tông đồ thấy các dấu đinh, là dấu chiến thắng; và ngày sau cùng ngự về trời trước mặt các ông.

Có điều nào trên đây lại không gợi lên một tư tưởng chân thật, đạo đức và thánh thiện? Khi tôi nghĩ đến một trong các điều đó, tôi nghĩ đến Thiên Chúa. Và chính tôi đã nói rằng: suy gẫm những điều đó chính là sự khôn ngoan vậy! Và tôi nghĩ rằng ai khôn thì phải gợi lại kỷ niệm về các mầu nhiệm ngọt ngào ấy; ngọt ngào khác nào các trái anh đào nảy sinh từ cây gậy của tư tế A-ha-rôn, và khác nào sự ngọt ngào mà Đức Ma-ri-a đã múc được ở trời cao để đổ xuống dồi dào cho chúng ta.

XƯỚNG ĐÁP Xc. Lc 1,28.42

XĐ    Lạy Trinh Nữ Ma-ri-a, trong các nữ tử ở Giê-ru-sa-lem, chẳng tìm được ai như Mẹ; Mẹ là thân mẫu của Vua các vua, là Nữ chúa các thiên thần; là Nữ vương thiên quốc…

*        Mẹ có phúc hơn mọi người nữ, và đáng chúc tụng thay hoa quả của lòng Mẹ.

Đ       Kính chào Đấng đầy ơn phúc, Thiên Chúa ở cùng Mẹ.*

LỜI NGUYỆN

Lạy Chúa, Chúa đã dùng lời Thiên Sứ truyền tin mà cho chúng con biết thật Đức Ki-tô, Con Chúa, đã xuống thế làm người. Xin đổ ơn thánh đầy lòng chúng con, để nhờ công ơn Người chịu khổ hình thập giá, và nhờ lời Thánh Mẫu Ma-ri-a chuyển cầu, Chúa cho chúng con được sống lại hiển vinh. Chúng con cầu xin

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *