Nâng cao đến tận trời (06.10.2023 – Thứ Sáu Tuần XXVI Thường Niên)

Chuỗi Kinh cầu nguyện trong cơn Đại dịch Covid-19

Lời Chúa: Br 1,15-22 (năm lẻ), G 38,1.12-21 ; 40,3-5 (năm chẵn), Lc 10,13-16

Bài đọc 1 (năm lẻ) : Br 1,15-22

Chúng tôi đã phạm tội trước nhan Đức Chúa, và đã bất tuân.

Bài trích sách ngôn sứ Ba-rúc.

Đức Chúa, Thiên Chúa chúng tôi, quả là Đấng công minh ; còn chúng tôi, những người Giu-đa và cư dân Giê-ru-sa-lem,  các vua và thủ lãnh, tư tế và ngôn sứ cũng như các bậc cha ông, chúng tôi phải hổ ngươi bẽ mặt như ngày hôm nay thì cũng đáng,  vì tất cả chúng tôi đã phạm tội trước nhan Đức Chúa,  đã bất tuân, không nghe tiếng Đức Chúa là Thiên Chúa chúng tôi, không vâng theo các mệnh lệnh Đức Chúa đã đề ra trước mắt chúng tôi.  Từ ngày Đức Chúa đưa cha ông chúng tôi ra khỏi đất Ai-cập cho tới ngày nay, chúng tôi vẫn bất tuân đối với Đức Chúa là Thiên Chúa chúng tôi, vẫn làm ngơ không chịu nghe tiếng Người.  Cho nên, như sự việc xảy ra hôm nay đây, những bất hạnh và lời nguyền rủa vẫn đeo đuổi chúng tôi, đúng như Đức Chúa đã tuyên bố với ông Mô-sê tôi tớ Người, ngày Người đưa cha ông chúng tôi ra khỏi Ai-cập để ban cho chúng tôi miền đất tràn trề sữa và mật.  Chúng tôi đã không vâng nghe tiếng Đức Chúa là Thiên Chúa chúng tôi, không tuân giữ mọi lời các ngôn sứ Người đã sai đến với chúng tôi.  Mỗi người chúng tôi đã cứ theo lòng dạ xấu xa ngoan cố của mình mà phục dịch các thần khác, và làm điều dữ trước mặt Đức Chúa là Thiên Chúa chúng tôi.

Bài đọc 1 (năm chẵn): G 38,1.12-21 ; 40,3-5

Bài trích sách Gióp.

Bấy giờ, giữa cơn bão táp, Đức Chúa lên tiếng trả lời ông Gióp như sau :

“Trong cả đời ngươi, đã có lần nào
ngươi từng ra lệnh cho buổi sáng,
chỉ định vị trí cho hừng đông,
để hừng đông nắm chắc mười phương đất,
giũ cho sạch hết bọn gian tà ?
Bấy giờ, đất thay màu đổi sắc
tựa màu đất sét dùng làm ấn niêm phong,
và muôn loài xuất hiện tựa tấm áo lộng lẫy huy hoàng.
Nhưng ác nhân thấy mình mất đi ánh sáng,
cánh tay từng tung hoành, nay bị bẻ gãy.
Có bao giờ ngươi đã đến tận nguồn biển cả
và lang thang ở đáy vực sâu ?
Có ai từng mở cho ngươi lối vào âm phủ
và ngươi thấy được cửa dẫn tới âm ty ?
Có khi nào ngươi hiểu mặt đất rộng chừng nào ?
Nếu ngươi biết hết mọi điều đó thì cứ nói đi !
Con đường nào dẫn đến nơi ở của ánh sáng,
đâu là nơi bóng tối cư ngụ,
để ngươi đưa nó đến miền nó ở,
và nhận ra đường về nhà nó ?
Điều này, hẳn ngươi biết rõ,
vì khi ấy, ngươi đã chào đời,
và đời ngươi đã qua bao năm tháng !”
Ông Gióp thưa lại Đức Chúa :
“Vâng, con đây tầm thường bé nhỏ,
biết nói chi để trả lời Ngài ?
Con sẽ đưa tay lên che miệng.
Đã nói một lần rồi, con không lặp lại nữa,
có nói lần thứ hai, cũng chẳng thêm được gì !”

✠ Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca (Lc 10,13-16)

13 Khi ấy, Đức Giê-su nói : “Khốn cho ngươi, hỡi Kho-ra-din ! Khốn cho ngươi, hỡi Bết-xai-đa ! Vì nếu các phép lạ đã làm nơi các ngươi mà được làm tại Tia và Xi-đôn, thì từ lâu họ đã mặc áo vải thô, ngồi trên tro tỏ lòng sám hối rồi. 14 Vì thế, trong cuộc Phán Xét, Tia và Xi-đôn sẽ được xử khoan hồng hơn các ngươi. 15 Còn ngươi nữa, hỡi Ca-phác-na-um, ngươi tưởng sẽ được nâng lên đến tận trời ư ? Không, ngươi sẽ phải nhào xuống tận âm phủ !

16 “Ai nghe anh em là nghe Thầy ; và ai khước từ anh em là khước từ Thầy ; mà ai khước từ Thầy là khước từ Đấng đã sai Thầy.”

 

Nâng cao đến tận trời (06.10.2023)

Đoạn Tin Mừng hôm nay kết nối giữa trình thuật Chúa Giêsu sai các môn đệ đi rao giảng Tin Mừng và trình thuật khi các ông về đầy vui mừng phấn khởi vì những việc đã làm được.

Khi sai bảy mươi hai môn đệ đi rao giảng Tin Mừng với sự bình an và quyền năng chữa lành bệnh tật, Chúa Giêsu dạy họ ra đi với tấm lòng đơn sơ, tin tưởng và phó thác hoàn toàn mọi sự vào Chúa nên không cần chuẩn bị hành trang gì. Ngài cũng yêu cầu họ có tinh thần bất bạo động, nếu nơi nào không đón tiếp thì họ chỉ ra đi, giũ bụi chân trả lại để tố cáo họ, còn việc phán xét các thành ấy là quyền của Thiên Chúa.

Đối với những nơi từ chối đón nhận Tin Mừng, Chúa Giêsu không chúc dữ, không nguyền rủa, mà Ngài than khóc, thương cảm họ : “Khốn cho ngươi, hỡi Kho-ra-din ! Khốn cho ngươi, hỡi Bết-xai-đa…”, Ngài tiếc cho các thành ấy vì đã chứng kiến nhiều phép lạ Ngài làm mà vẫn không đón nhận Tin Mừng để ăn năn sám hối, họ sẽ bị trừng phạt nặng nề.

Riêng Capharnaum, thành được gọi là thành của Chúa, nằm ngay cửa sông Giôđan, giao thông thuận tiện cả thuỷ lẫn bộ, là một trung tâm buôn bán rất phồn thịnh, sầm uất vì là cửa ngõ xuất khẩu, nơi có trạm thu thuế do ông Matthêu, còn gọi là Lêvi, phụ trách, cũng là nơi tập trung mọi giới sa hoa truỵ lạc. Chúa Giêsu than trách Capharnaum : “phải chăng ngươi sẽ được nâng cao đến tận trời? Ngươi sẽ phải hạ thấp xuống tới địa ngục.” như nhắc lại đoạn sách Isaia nói về sự sa ngã của Satan bởi tính kiêu ngạo của y : “Chính ngươi đã tự nhủ : “Ta sẽ lên trời : ta sẽ dựng ngai vàng của ta trên cả các vì sao của Thiên Chúa… Nhưng ngươi lại phải nhào xuống âm phủ, xuống tận đáy vực sâu” (Is 14,13-15).

Dân các thành ấy cho rằng họ đã thông hiểu Lề luật nên không cần nghe các môn đệ nữa. Mà đối với Chúa Giêsu thì những ai không nghe các môn đệ chính là không nghe Ngài, và ai không nghe Ngài chính là không nghe Đấng đã sai Ngài, tức là không nghe, là coi thường Thiên Chúa.

Sự khiêu ngạo đã làm cho người ta ra cứng đầu, cố chấp, cho rằng mình luôn đúng, điều gì mình cũng luôn cao hơn mọi người, từ đó khinh thường những người khác. Dân các thành Corozain, Bethsaiđa và nhất là Capharnaum cũng thế, họ kiêu ngạo, nâng mình lên tới tận trời, nên dù được tận mắt chứng kiến nhiều dấu lạ Chúa Giêsu và các môn đệ đã làm, dù đã được trực tiếp nghe Chúa Giêsu giảng dạy, nhưng họ vẫn không tin vào Ngài, vẫn không tin vào Tin Mừng. Các thành ấy đã tự kết án diệt vong cho họ.

Dụ ngôn của Chúa Giêsu nói về người Pharisêu và người thu thuế lên đền thờ cầu nguyện là điển hình cho thói tự phụ kiêu gạo của người Pharisêu. Kết quả là sau khi cầu nguyện thì người thu thuế nhận mình tội lỗi đã được tha, còn người Pharisêu thì vẫn còn nguyên tội lỗi nơi mình (x. Lc 18,9-14).

Nhiều Kitô hữu ngày nay được Chúa chọn gia nhập Hội Thánh của Chúa Giêsu, đã lãnh nhận biết bao hồng ân của Chúa. Họ siêng năng đọc kinh, hàng ngày đi lễ, rước Thánh Thể. Sống trong khuôn khổ của xứ đạo và rất tự hào về cách sống đạo của mình, những nghĩ rằng vậy là đủ để có một suất trên Thiên đàng. Một kiểu nâng mình lên tới trời nên không nghe được Lời Chúa Giêsu nói với mình “khốn cho ngươi…”

Tại sao vậy ? Vì thiếu sự khiêm nhường để nhận ra những thiếu sót của mình trong cách sống đạo, cụ thể như không học hỏi, yêu mến và sống thực hành Lời Chúa, không muốn đi con đường Thập Giá cùng Chúa Giêsu, không biết cải thiện bản thân để ngày càng giống Chúa hơn. Họ cũng như dân các thành không đón nhận Tin Mừng mà Chúa Giêsu đã nói đến. Tính tự mãn và kiêu ngạo đã làm những điều siêng năng của họ thanh vô ích.

Tính kiêu ngạo rất nguy hiểm, như chuyện Quan Công Quan Vân Trường thời tam quốc bên Tầu. THời đó có ba anh em kết nghĩa tại vườn đào để mưu chuyện lớn là Lưu Bị, Quan Vân Trường và Trương Phi. Quan Vân Trường (tức Quan Vũ) tài giỏi, là võ tướng lợi hại nhất dưới quyền Lưu Bị. Ông lập nên rất nhiều công lao cho nhà Thục Hán, được người đời sau tôn làm “Võ thánh”, sánh ngang với “Văn thánh” là Khổng Tử. Nhưng Quan Vân Trường bản tính kiêu ngạo, khinh thường mọi người, đến nỗi quên lời dặn của Quân sư Khổng Minh, nên đã từ chối sự cầu thân của Tôn Quyền (Tôn Quyền dạm hỏi con gái của Quan Vũ cho con trai mình) bằng câu nói xúc phạm nặng nề Tôn Quyên “Hổ nữ há có thể gả cho khuyển tử?”, làm cho Tôn Quyền sinh lòng oán hận Vân Trường, ngầm theo Tào Tháo, để rồi khi Vân Trường nắm giữ Kinh Châu, Tôn Quyền đã sai tướng Lã Mông đánh úp Kinh Châu khiến Vân Trường đại bại và bị chém.

Quan Vân Trường là một đại võ tướng oai hùng, nhưng chỉ vì kiêu ngạo, khinh thường người khác mà gặp hoạ sát thân, làm cho sự nghiệp của nhà Thục Hán cũng suy vong theo.

Lạy Chúa Giêsu, chúng con thật có phúc vì đã được Chúa ban cho Đức Tin. Nhưng bản tính kiêu ngạo làm chúng con không nhận thấy hết những thiếu sót của mình để sửa đổi. Xin cho chúng con nhớ rằng vì đã được làm con Chúa nên nếu chúng con không sống tốt hơn những anh em chưa biết Chúa, thì vào ngày sau hết chúng con sẽ bị luận phạt nặng hơn.

Xin Chúa giúp cho chúng con biết làm cho những nén bạc Chúa giao cho chúng con sinh lời, để khi Chúa đến thu lại thì con được Chúa cho vào chung hưởng niềm vui với Chúa.

Jos. NM Tưởng

Khiêm nhường đón nhận thánh ý Chúa (03.10.2022)

Ngày 30.09: Lễ Nhớ Thánh Giêrônimô, linh mục, tiến sĩ Hội Thánh

Vào giờ lễ chiều ở giáo xứ tôi hiện diện trong thánh đường phần lớn là giáo dân lứa tuổi trung niên trở lên, hàng ngày khao khát được nghe Lời Chúa, qua bài giảng của Cha chủ tế để ghi nhớ điều Chúa đã dạy. Như lời Thánh Anphongsô chia sẻ: “Ta hãy tin điều này là: Chúa không buộc ta phải làm những việc to tát đâu; Người vui nhận những gì nhỏ mọn ta có thể làm, nhưng Người buộc ta phải làm vì Người”. Một gia đình nọ trong giáo xứ, xin Cha chánh xứ dâng Thánh lễ giỗ mãn tang cho gia đình mình, vào chiều ngày 01 tháng 10 nhằm ngày lễ kính thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu, cũng là ngày lễ mừng bổn mạng của Thiếu nhi giáo xứ hàng năm vẫn tổ chức vào Thánh lễ chiều, dù Cha chánh xứ cho biết lịch lễ của giáo xứ, nhưng gia đình ấy nhất định không thay đổi ngày giờ vì chiều thứ bảy thuận tiện cho các con cháu ở xa về dâng lễ. Nếu chúng ta là người trong gia đình ấy nên làm gì? Khiêm nhường theo ý Cha chánh xứ sắp xếp hay vẫn theo ý gia đình?

Tin Mừng hôm nay theo thánh Lu-ca là Lời Chúa xác nhận với các tông đồ: “Ai nghe anh em là nghe Thầy, và ai từ chối anh em là từ chối Thầy”. Từ ngày xa xưa, Thiên Chúa truyền lệnh cho dân Israel qua miệng các ngôn sứ: Môsê … và hôm nay cũng là mệnh lệnh Chúa truyền cho chúng ta thông qua Giáo Hội, mệnh lệnh cho chúng ta hãy đón nhận thánh ý Chúa qua các vị chủ chăn, là những vị Chúa đặt làm quản lý dân Người tại các địa phương. Kinh nghiệm của Thánh Vinh Sơn Phaolô cho chúng ta biết: “ Không bao giờ người ta thực hiện thánh ý Thiên Chúa tốt hơn khi vâng lời các vị bề trên của họ.” Trong sứ vụ rao giảng Lời Chúa, tất cả người Kitô hữu cũng được tham dự vào chính sứ vụ của Chúa Giêsu, thật vinh dự biết bao khi Thiên Chúa dùng môi miệng con người để truyền đạt Lời Người. Nhưng làm sao có thể rao giảng nếu bản thân chúng ta không biết lắng nghe?

Biết lắng nghe Lời Chúa và thực hành những điều mình được nghe để người khác nhận ra nhiều sự tốt đẹp mà mình đã làm thật không dễ dàng. Đặc tính của người Kitô hữu là dùng ngôn ngữ yêu thương, tha thứ, bác ái, để giao tiếp với những người trong gia đình và tha nhân. Lắng nghe người khác góp ý mình để sửa đổi bản thân cũng là biết khiêm nhường, khiêm tốn, trong sinh hoạt hàng ngày, đôi khi chúng ta nhìn ra những thiếu sót của anh chị em mình, làm sao để anh chị em nhận ra và điều chỉnh những sai sót đó, nếu không có những lời góp ý chân thành. Điều mọi người mong muốn chúng ta có những thay đổi về lối sống để mỗi ngày được tốt đẹp hơn, trở nên những chứng nhân sống động cho Lời Chúa được lan tỏa. Bên cạnh chúng ta là những người thân yêu trong gia đình, trong hội đoàn có vị linh hướng, soeur đồng hành và nhiều anh chị em, là những người mà Thiên Chúa đặt ở gần chúng ta. Qua những người ấy giúp chúng ta rèn luyện một tâm hồn biết nghe: nghe tiếng lương tâm, nghe lời dạy khôn, nghe Bề trên, nghe lời Thiên Chúa.

Lạy Chúa, xin giúp chúng con có đời sống đạo đức, thánh thiện biết lắng nghe Lời Chúa trong cuộc sống, biết tuân theo hướng dẫn của các vị chủ chăn, các ngài đang thay mặt Chúa để giúp chúng con giữ Luật Chúa. Xin Mẹ Maria giúp chúng con biết “Xin Vâng” đón nhận thánh ý Chúa, qua miệng lưỡi người thân, qua tha nhân, dù ngọt ngào, hay chua xót, đau đớn, đắng cay, để có thể cùng Mẹ bước theo chân Chúa trọn đời.                                                                                           

Anna Anh.

Ai nghe anh em là nghe Thầy (04.10.2019)      

04.10: Lễ Kính Thánh Phanxicô Assisi (Phụng vụ Dòng Đa Minh)

Ghi nhớ: 

“Khốn cho các ngươi, hỡi Kho-ra-din! Khốn cho các ngươi, hõi Bét sai-đa”. (Lc 10, 13). 

Suy niệm:

Ông bà Năm có mỗi một người con trai duy nhất. Có lẽ vì hồi còn nhỏ cậu được bố mẹ và mọi người trong gia đình quý hóa, nuông chiều quá mức, muốn gì được nấy. Khi lớn lên lại giao du với đám bạn bè xấu, vì thế cậu trở thành con người hư hỏng, chây lười và nát rượu.

Tưởng rằng lập gia đình, có vợ có con, cậu sẽ thay đổi, nhưng không ngờ cậu vẫn cứ chơi bời lêu lổng chẳng chịu chí thú làm ăn lo cho vợ con gì cả. Ông bà Năm cùng mọi người  trong gia tộc hết lời khuyên răn dạy bảo. Cắt đàng cắt nhẽ cho cậu nghe. Nhưng mỗi lần như vậy cậu chỉ vâng , dạ cho qua chuyện rồi đâu lại vào đấy. Tật xấu vẫn lại y nguyện!

Sau biết bao lần khuyên bảo nhưng chẳng mang lại kết quả gì. Vì vậy cho nên ông bà Năm phải rất đau lòng mà đi đến quyết định là từ cậu, đuổi cậu ra khỏi nhà và tuyên bố không cho cậu được hưởng quyền thừa kế nữa.

Ông bà Năm trao đổi với nhau:

– Chỉ còn cách này mới hy vọng nó sẽ hồi tâm mà từ bỏ đời sống bê tha… 

Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại việc Chúa Giê-su có những lời nói tiên đoán không tốt cho hai thị trấn là Kho-ra-dim, Bét-sai-đa và cả thành  Ca-phác-na-um. “Khốn cho các ngươi, hỡi Kho-ra-dim! Khốn cho các ngươi hỡi Bét- sai-đa vì nếu các phép lạ đã làm nơi các ngươi mà được làm tại Tia và Si-don thì từ lâu họ đã mặc áo vải thô, ngồi trên đống tro tỏ lòng sám hối rồi…Còn ngươi nữa, hỡi Ca-phác-na-um, ngươi tưởng sẽ được nâng lên tận trời ư? Không, ngươi sẽ phải nhào xuống tận âm phủ ” Nhưng tại sao một Đức Giê-su, Đấng đầy lòng  từ bi nhân hậu và hay thương xót lại có những lời lẽ như làm vậy? Đọc đoạn Kinh Thánh chúng ta thấy dân chúng ở hai thị trấn này đã tỏ ra quá cứng đầu cứng cổ, họ ngoan cố không chịu nghe theo lời Chúa kêu gọi mà ăn sám hối. Dầu rằng họ đã bao lần chứng kiên nhiều phép lạ mà Đức Giê-su đã thực hiện tại đây! Vì thế khi thấy cái lòng chai dạ đá của họ như vậy Đức Giê-su đã phải thốt nên những lời nói đó! Nhưng thự ra; Đây cũng là lời cảnh tỉnh cuối cùng mà Chúa Giê-su muốn nhẳn nhủ đến với họ để họ hồi tâm mà trở về cùng Chúa  mà thôi, vì :“Triều đại của Thiên Chúa đã đến gần” rồi.

Lời Chúa hôm nay cũng nhắc nhở chúng ta hãy biết lắng nghe và nhìn nhận những sự kiện xảy ra trong đời sống của mình để rồi luôn tỉnh thức để trở về với Chúa. Đừng mê muội , cứng lòng chạy theo tiền tài, thú vui trần thế mà đánh mất sự sống đời sau. 

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giê-su, khi nhận thấy lòng chai đá của dân chúng, Chúa đã lên tiếng răn đe và mong mỏi con người ta sẽ sám hối trở về. Xin cho chúng con biết luôn khiêm tốn nghe lời Chúa và biết hy sinh cầu nguyện cho những kẻ cứng lòng biết sám hối trở về với Chúa để có thể đón nhận lãnh ơn cứu độ của Ngài. Amen. 

Sống Lời Chúa:

Cầu nguyện và làm việc lành như; hy sinh, bác ái với ý chỉ cho những người cứng lòng tin.

Đaminh Trần văn Chính

Hãy nhiệt thành thờ phượng Thiên Chúa là Cha chúng ta (05.10.2018)

Bài Tin Mừng hôm nay ghi lại lời Chúa Giêsu than trách những người dân Corozain, Bethsaiđa, vì họ đã được chứng kiến nhiều phép lạ của Chúa nhưng lại không tin vào Ngài. Họ từ chối Chúa, không đón nhận Chúa và cũng không tỏ lòng sám hối ăn năn. Hậu quả là: “Trong ngày thẩm phán, Tyrô và Siđon sẽ được khoan dung hơn các ngươi”. Chúa cũng nêu rõ tên thành Capharnaum, là trung tâm truyền giáo của Chúa, là nơi Chúa đi lại rao giảng Tin Mừng và làm nhiều phép lạ. Thế nhưng dân chúng Capharnaum đã không đi theo Chúa, chỉ vì họ chạy theo cuộc sống sa đọa và chỉ biết hưởng thụ…Hậu quả thật là tai hại: “Ngươi sẽ phải hạ thấp xuống tới địa ngục”.

Thân con: “yếu đuối mỏng dòn”

Đam mê thế tục lại còn hám danh

Kèn cựa, chấp nhất, bon tranh

Nhỏ nhoi, ích kỷ, giật dành lẫn nhau

*

Cuộc sống lạc bước từ lâu

Chạy theo hào nhoáng ánh màu thế gian

Quên đi bổn phận lo toan

Chỉ biết hưởng thụ ngập tràn say sưa

Đã nhiều lần chúng ta được Giáo Hội nhắc nhở, nhưng lòng chúng ta lại không tuân theo, chỉ vì chúng ta đi theo lòng gian tà của mình, chiều theo những đam mê bất chính của xác thịt, và sự xúi giục của ma quỷ. Vì thế, chúng ta hãy nhìn lại bản thân để sửa đổi, để canh tân và đổi mới thái độ sống của mình; Biết nhận ra tình thương yêu bao la của Chúa, nhận ra những ơn lành Chúa ban, để cảm tạ tri ân Thiên Chúa; Biết đón nghe Lời Chúa, vâng theo sự hướng dẫn của Giáo Hội để sống đẹp lòng Chúa hơn.

Ăn năn, sám hối đâu thừa

Trở về cùng Chúa, vẫn chưa muộn màng

Chúa ơi! Con đã lạc đàng

Giờ đây tỉnh ngộ, thân mang tội tình

*

Tìm về nẻo chính quang minh

Ngài thương tha thứ, an bình Chúa ban

Cho con thoát khỏi nguy nan

Vui hưởng hạnh phúc vô vàn yêu thương

Xin Chúa thánh hóa bản thân và đổi mới tâm hồn mỗi người chúng ta, để chúng ta bước đi theo ánh sáng của Tin Mừng, và luôn sống đúng phẩm giá là con cái của Thiên Chúa yêu thương.

Từ nay con quyết đúng đường

Đam mê từ khước, vấn vương loại trừ

Bao nhiêu thói xấu tật hư

Phủi tay, giũ sạch, giã từ, lãng quên

*

Để con được sống bình yên

Đồng hành với Chúa, đời thêm sáng ngời

Thành tâm sám hối đi thôi!

Cho lòng thanh thản, cho đời hoan ca

*

TRỞ VỀ VỚI CHÚA LÀ CHA

LÒNG TRÀN HẠNH PHÚC CHAN HÒA NIỀM VUI

Lạy Chúa, nhìn lại cuộc sống của mình, chúng con đã được lãnh nhận biết bao hồng ân của Chúa; thế mà nhiều lúc, chúng con lại thờ ơ, nguội lạnh với Chúa. Xin Chúa thứ tha và giúp chúng con biết nhận ra ơn phúc bao la của Chúa và biết hoán cải, thay đổi đời sống cho xứng đáng với những ơn lành của Chúa đã ban cho chúng con. Amen.

HOÀI THANH

Niềm tin thế hệ hôm nay! (06.10.2017)

Kể chuyện:

Anh ta là một người ngoại đạo, vì anh ta không theo đạo Công Giáo nên gọi thế.

Cuộc sống của gia đình anh khá là cơ cực, vợ thì đi bán vé số, chồng chạy xe ôm, với chiếc xe cọc kạch, nên chỉ có khách cần thiết không có xe khác để đi họ mới kêu anh.

Anh là hàng xóm của tôi, nên tôi biết rõ ước ao của anh. Anh ước ao lắm một chiếc xe mới để chạy thì có nhiều khách hơn. Nhiều khách thì anh có nhiều tiền hơn. Nhiều tiền hơn thì con anh sẽ được ăn no, học đủ với chúng bạn.

Mặc dù anh ngoại đạo, nhưng anh rất thích đi nhà thờ. Thế rồi, anh nói với tôi: cho anh theo đi nhà thờ nhé!

Từ đó, chủ nhật nào rảnh là anh theo tôi đến nhà thờ.

Một hôm, anh nói với tôi muốn vào đạo. Tôi sẵn sàng giúp anh. Người đỡ đầu cho anh chính là ba tôi.

Ngày vào đạo, anh tỏ ra rất sốt sắng hiện rõ trên khuôn mặt. Không những anh theo đạo, mà cả vợ anh nữa.

Vợ chồng anh cầu nguyện cùng Chúa, qua Cha Phêrô Trương Bửu Diệp. Chúa nhận lời vợ chồng anh, đã cho anh có cơ hội trúng số vừa đủ số tiền mua được chiếc xe. Vợ chồng anh luôn đến tạ ơn ơn Chúa qua Cha Diệp hàng quý. Cuốc sống gia đình anh trở nên hạnh phúc lắm.

Suy niệm:

Qua bài Tin Mừng, Chúa cảnh báo Kho-ra-din và Bết-xai-đa. 13 Khi ấy, Đức Giêsu nói: “Khốn cho ngươi, hỡi Kho-ra-din! Khốn cho ngươi, hỡi Bết-xai-đa!” Nơi đây, họ đã chứng kiến phép lạ của Thiên Chúa, nhưng họ đã cứng lòng chẳng tin, mà còn thờ ơ với Thiên Chua hơn nữa.

Ngày nay, con thế giới cũng đã chứng kiến rất nhiều phép lạ từ trời cao, từ Thiên Chúa qua Đức Mẹ, qua các thánh. Đức Mẹ đã hiện ra với Thánh Nữ Bernadette tất cả 18 lần; Chúa Giêsu hiện ra với thánh nữ Faustina; Đức Mẹ hiện ra tại Fatima 6 lần, và cả phép lạ lớn lao cả thể; Đức Mẹ hiện ra tại La Vang, Việt Nam với những phép lạ để cứu con cái Mẹ.

Hôm nay đây, cả thế giới này, có bao nhiêu người theo Chúa! Có bao nhiêu người không theo Chúa? Phải chăng số người không theo Chúa còn rất nhiều. Số người theo Chúa thì ít hơn rất nhiều.

Theo thống kê của Liên hợp quốc, dân số thế giới tính đến ngày 22/3/2017 là 7,49 tỷ người. Theo Tòa Thánh công bố tình trạng Giáo Hội Công Giáo tính đến ngày 31-12-2013, trên toàn thế giới có 1 tỷ 253 triệu người Công Giáo.

Trong những người theo Chúa hôm nay, họ có hoàn toàn theo Chúa từ trong tâm hồn và thể xác không. Hay trong số những người theo Chúa hôm nay, họ đã dựng nên một Thiên Chúa theo kiểu của riêng họ, để rồi Chúa sẽ chiều theo ý của họ mà cho họ một cuộc sống đầy sa hoa, tội lỗi: vì Chúa nhân từ và hay thương xót, nên không chấp tội. Thế là cứ sống buông thả. Họ lấy luật ra để sống với Chúa, họ chỉ cần đến với Chúa trong các dịp lễ buộc; họ chỉ ăn chay ép xác trong các dịp Hội Thánh dạy. Họ nghĩ thế là Chúa phải cho họ lên Thiên Đàng. Buồn thay!

Cho nên, các điểm hành hương đến với Đức Mẹ, số người Công giáo chiếm ít hơn số người ngoại đạo.

Khi đến với Mẹ, lòng tin của người Công Giáo chưa hẳn đã tin như những người ngoại đạo. Điều đó cho thấy, số người ngoại đạo được ơn từ Mẹ rất nhiều.

Niềm tin vào Thiên Chúa của người Công Giáo ngày nay chưa đủ để hoán cải thế giới trầm luân này.

Và rồi họ sẽ phải nhào xuống tận âm phủ, không được xử khoan hồng. 14 Vì thế, trong cuộc Phán Xét, Tia và Xi-đôn xẽ được xử khoan hồng hơn các ngươi. 15 Còn ngươi nữa, hỡi Ca-phác-na-um, ngươi tưởng được nâng lên tận trời ư? Không, ngươi sẽ phải nhào xuống tận âm phủ!

Con người Công Giáo ngày nay, rao giảng Lời Chúa bằng môi bằng miệng, không trở nên chứng nhân của Tin Mừng. Quả thế, Giáo Hội đã luôn dạy rằng: “Thời nay, người ta cần chứng nhân hơn thầy giảng, và nếu người ta nghe người giảng, thì đó là vì người giảng là một chứng nhân”.

Cầu nguyện:

Lay Chua Giêsu, xin cho con nghe Lời Chúa dạy và đem ra thực thi. Xin cho con cũng biết nghe và thực hiện những điều Hội Thánh Chúa dạy, để con trở thành chứng nhân cho Chúa, cho anh em. Xin cho con biết tìm đến những người chưa hiểu biết về Chúa, làm bạn với họ và đưa họ về với Chúa. Amen./.

Gã Đầu Bạc

Lòng nhiệt thành (30.09.2016)

Chúng ta thường nghĩ rằng đối nghịch với yêu là ghét. Nhưng kỳ thực còn hơn thế nữa; dửng dưng, lãnh đạm, không quan tâm đã là thù ghét, là đối nghịch với yêu rồi. Khi không yêu thích thì người hay vật dù có đó ngay trước mắt ta mà vẫn như không có, chẳng lọt được vào “mắt xanh” của ta. Khi không còn yêu nhau, người ta không còn quan tâm đến sự hiện diện của nhau, không còn nhạy bén với nhu cầu của nhau nữa. Đức Giê-su nói rằng khốn cho các thành ven bờ hồ Ga-li-lê không phải vì họ ghét Chúa, xua đuổi Ngài, mà vì thái độ dửng dưng, thờ ơ với Tin Mừng. Đối với họ, lời rao giảng, phép lạ Ngài làm lôi cuốn thật đấy, kỳ diệu thật đấy, nhưng chẳng chút gì liên quan đến họ. Họ cảm thấy không cần hoán cải, thay đổi đời sống, vì họ không chú ý đến Ngài.

“Tôi thích sự điên rồ của lòng nhiệt thành hơn là thái độ dửng dưng của sự khôn ngoan” (A. France). Lòng nhiệt thành yêu mến Chúa thúc đẩy chúng ta hăng hái, đôi khi hơi điên rồ trong việc thể hiện đức tin hay loan báo Tin Mừng. Trái lại, lối sống thế tục lại xui khiến chúng ta thành dửng dưng, thờ ơ với việc chung, nguội lạnh trễ nải trong việc thờ phượng Chúa. Chúng ta chọn thái độ nào?

Mỗi sớm thức dậy hằng ngày, chúng ta nhớ ngay đến Chúa để dâng lời tạ ơn và nguyện cầu…, chọn một ý tưởng tích cực trong Tin Mừng làm châm ngôn sống trong ngày ấy. Mỗi ngày suy niệm và cố gắng thực thi một Lời Chúa dạy ta trong bài Phúc Âm của ngày đó mà thôi, và từng ngày nối kết từng ngày , từng Lời tiếp nối từng Lời…sẽ thấm sâu vào não trạng của ta, như  “mưa dầm thấm lâu”, để rồi Lời Chúa trong tâm hồn ta qua thời gian sẽ được trổ sinh hoa trái tốt đẹp, hầu mưu cầu lợi ích cho chính ta và nhiều người khác nữa.

 Lạy Chúa Giê-su giàu lòng thương xót, con xin lỗi Chúa vì đã bao lần thờ ơ, dửng dưng trước Lời Chúa mời gọi qua những trang Tin Mừng, hay lời giảng dạy của các chủ chăn. Xin giúp con nhiệt thành hơn trong việc thờ phượng Chúa, nhiệt tâm hơn trong tình yêu thương huynh đệ xa gần. Amen.

Trung thành với Lời Chúa

“Ai nghe anh em là nghe Thầy; và ai khước từ anh em là khước từ Thầy; mà ai khước từ Thầy là khước từ Đấng đã sai Thầy.”  (Lc 10,16)

Suy niệm: Lời của Thiên Chúa chính là nguồn mạch cho việc loan báo của người Kitô hữu. Chúa Giêsu đã cho biết như thế. Lời của Chúa Cha là chính Chúa Giêsu, Ngôi Lời nhập thể, đến với trần gian. Chúa Giêsu ban tặng Lời Chúa cho nhân loại và giao cho Giáo Hội tiếp tục sứ mạng loan báo của Ngài. Do đó, Giáo Hội, nghĩa là mọi tín hữu, chỉ sống đúng bản chất của mình khi tham gia vào sứ mạng loan báo này, mà lời họ loan báo phải là Lời của Thiên Chúa. Vì thế, Chúa xác quyết: “Ai nghe anh em là nghe Thầy; và ai khước từ anh em là khước từ Thầy.” Sứ mạng này đòi hỏi Kitô hữu trước hết phải “Tin Mừng hóa” chính mình, nghĩa là phải cải hóa và canh tân liên tục theo Lời Chúa. Con người hôm nay khước từ Lời Chúa có thể là bởi vì họ đã không nhận thấy bằng chứng cho lời các Kitô hữu loan báo thể hiện qua đời sống của họ.

Mời Bạn: Bạn khó chịu vì những lời bạn loan báo không được người nghe đón nhận, thế nhưng, có bao giờ bạn xét xem những lời bạn loan báo có đích thực là Lời Chúa không? Và đời sống của bạn có làm cho những lời loan báo đáng tin không?

Chia sẻ: Trong đời sống thường ngày, có dịp nào để bạn loan báo Lời Chúa không? Bạn gặp khó khăn nào khi loan báo và khi đó bạn ứng xử thế nào?

Sống Lời Chúa: Mỗi ngày tâm niệm một câu Lời Chúa và loan báo cho người khác điều bạn cảm nghiệm từ lời ấy.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, xin giúp con trung thành với Lời Chúa và tin nhận lời Chúa Cha ban là Lời Hằng Sống nuôi dưỡng nhân loại chúng con.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *