Ôi Thập giá (19.03.2024 – Thứ Ba Tuần V Mùa Chay)

Chuỗi Kinh cầu nguyện trong cơn Đại dịch Covid-19

 Lời Chúa: Ds 21,4-9, Ga 8,21-30

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an (Ga 8,21-30)

21 Khi ấy, Đức Giê-su nói với người Do-thái rằng : “Tôi ra đi, các ông sẽ tìm tôi, và các ông sẽ mang tội mình mà chết. Nơi tôi đi, các ông không thể đến được.” 22 Người Do-thái mới nói : “Ông ấy sẽ tự tử hay sao mà lại nói : ‘Nơi tôi đi, các ông không thể đến được’ ?” 23 Người bảo họ : “Các ông bởi hạ giới ; còn tôi, tôi bởi thượng giới. Các ông thuộc về thế gian này ; còn tôi, tôi không thuộc về thế gian này. 24 Tôi đã nói với các ông là các ông sẽ mang tội lỗi mình mà chết. Thật vậy, nếu các ông không tin là Tôi Hằng Hữu, các ông sẽ mang tội lỗi mình mà chết.” 25 Họ liền hỏi Người : “Ông là ai ?” Đức Giê-su đáp : “Hoàn toàn đúng như tôi vừa nói với các ông đó. 26 Tôi còn có nhiều điều phải nói và xét đoán về các ông. Nhưng Đấng đã sai tôi là Đấng chân thật ; còn tôi, tôi nói lại cho thế gian những điều tôi đã nghe Người nói.” 27 Họ không hiểu là Đức Giê-su nói với họ về Chúa Cha. 28 Người bảo họ : “Khi các ông giương cao Con Người lên, bấy giờ các ông sẽ biết là Tôi Hằng Hữu, và biết tôi không tự mình làm bất cứ điều gì, nhưng Chúa Cha đã dạy tôi thế nào, thì tôi nói như vậy. 29 Đấng đã sai tôi vẫn ở với tôi ; Người không để tôi cô độc, vì tôi hằng làm những điều đẹp ý Người.” 30 Khi Đức Giê-su nói thế, thì có nhiều kẻ tin vào Người.

 

Ôi Thập giá (28.03.2023)

Cựu ước cho biết trong cuộc hành trình qua sa mạc, dân Ít-ra-en không chịu nỗi khổ cực và thiếu thốn, những điều đó đã làm cho họ mất kiên nhẫn. Họ kêu trách Thiên Chúa và ông Mô-sê rằng: “Tại sao lại đưa chúng tôi ra khỏi đất Ai-cập, để chúng tôi chết trong sa mạc, một nơi chẳng có bánh ăn, chẳng có nước uống ? Chúng tôi đã chán ngấy thứ đồ ăn vô vị này.”

Bấy giờ Thiên Chúa cho những con rắn lửa bò ra cắn chết nhiều người. Khi đó họ khẩn cầu Mô-sê xin Chúa cứu. Chúa bảo Mô-sê đúc một con rắn đồng treo lên cây, kẻ nào bị rắn lửa cắn mà nhìn lên con rắn đồng thì được cứu sống (x. Ds. 21,4-9)

Trình thuật Tin Mừng hôm nay làm sáng tỏ hình bóng con rắn đồng xưa kia chính là hình ảnh hiện thân của Chúa Giê-su; khi Chúa Giê-su  nói với người Do-thái rằng: “Khi các ông giương cao Con Người lên, bấy giờ các ông sẽ biết là Tôi Hằng Hữu”. Khi Chúa Giê-su nói thế, thì đã có nhiều kẻ tin vào Người.

Qua đó minh chứng rằng: Việc Chúa Giê-su chết trên thập giá không phải là một thất bại mà là một chiến thắng. Ngài không “bị treo lên”, mà là “được (đưa) giương cao lên” để trở thành dấu chỉ Ơn Cứu Độ cho bất cứ ai có lòng tin tưởng và nhìn lên Ngài (nơi thập giá).

Từ nay, thập giá treo Đức Ki-tô không còn đơn thuần là thập giá – công cụ tội ác dã man – mà nó đã trở thành thánh giá – thành biểu tượng của nguồn ơn cứu rỗi, biểu tượng của sự tha tội, biểu tượng của giá trị sự sống vĩnh cửu.

Lạy Chúa Giê-su, xin thêm đức tin cho con những khi nhìn lên thánh giá Chúa, và xin thêm sức cho con chấp nhận thập giá đời mình. Amen. 

CÁT BIỂN 

Con đường thập giá

Chúng ta đang dần tiến vào Tuần Thánh là đỉnh điểm của năm phụng vụ, Đức Giêsu hé mở nguồn gốc thần linh của Người cho chúng ta bằng kiểu nói “Tôi Hằng Hữu”. Hằng hữu là ‘bất diệt’ là ‘muôn năm’. Nhưng Ngài chỉ được người ta nhận biết như thế trong cuộc tử nạn: “khi các ông giương cao Con Người lên.” Nghĩa là Chúa Giêsu sẽ bị treo lên thập giá, để nhờ công ơn Cứu Chuộc qua khổ giá, mà Người nâng mọi người lên cao khỏi thế gian, nâng cao lên cõi Trời với Người.

Điều quan trọng là nguồn gốc thần linh của Ngài không chỉ liên hệ đến Ngài mà đến cả sự tồn vong của nhân loại chúng ta: có nhìn nhận và tin điều đó, chúng ta mới được cứu độ. Hơn nữa, nguồn gốc thần linh của Chúa Giêsu chỉ tỏ hiện rõ ràng nhất nơi biến cố thập giá: “Khi các ông giương cao Con Người lên, bấy giờ các ông sẽ biết là Tôi Hằng Hữu”.

Thiên Chúa của người Kitô hữu phải là một Thiên Chúa chịu đóng đinh, “Thiên Chúa không sai Con của Người giáng trần để luận phạt thế gian, nhưng để thế gian nhờ Con của Người mà được cứu độ”. Thật vậy, sứ mạng thiên sai của Chúa Giêsu đến là dùng thập giá để cứu chuộc. Đó là niềm hy vọng lớn lao của nhân loại.

Nói tóm, Ngài thật là Thiên Chúa Theo chiều ngang, với cách nói nơi Tin Mừng Nhất Lãm rằng ai muốn theo Chúa thì hãy bỏ mình, vác thập giá mà theo. Còn theo chiều dọc, Tin Mừng Thứ IV lại nói theo chiều đi lên, không chỉ vác mà còn phải được treo lên, nghĩa là phải cùng đóng đinh chính mình vào thập giá như Thầy. Như vậy, dù “đi theo” hay “treo lên”, thì Kitô hữu cũng chung một phương thế duy nhất là phải qua thập giá mới đạt đến ơn Cứu Độ. Bởi Thập giá của Đức Giê-su mãi mãi vẫn còn thách đố cách suy nghĩ và cách chọn lựa của chúng ta trong cuộc sống.

Sắp cử hành cuộc khổ nạn, cái chết và sự sống lại của Chúa Giê-su, chúng ta được mời gọi nhìn thấy Đấng bị treo trên thập giá là Thiên Chúa, để xác tín hơn về con đường cứu độ mà Người đã chọn. Con đường thập giá ấy cũng phải là con đường của chúng ta. Sự chọn lựa này càng không dễ đối với sự hưởng thụ buông thả của con người ngày nay. Hãy bám chặt vào Đấng Thiên Chúa bị đóng đinh thì những thập giá hằng ngày của chúng ta sẽ nở hoa sự sống bất diệt.

 Lạy Chúa Giêsu Đấng giàu lòng thương xót, Chúa được sai đến thế gian là để cứu độ chứ không phải lên án thế gian. Xin cho mỗi người chúng con  biết ra khỏi con người củ của bản thân mà để đến với mọi người , cho họ sự cứu vớt chứ đừng đến để đem sự chia rẻ. Amen

 Nt. Maria Têrêxa

Luôn biết phục thiện (05.04.2022)

Ghi nhớ:

Người bảo họ: “Khi các ông giương cao Con Người lên, bấy giờ các ông sẽ biết là Tôi Hằng Hữu, và biết tôi không tự mình làm bất cứ điều gì, nhưng Chúa Cha đã dạy tôi thế nào, thì tôi nói như vậy.”(Ga 8, 28).

Suy niệm:

Vào tháng 11 năm 1958. Ngay chính ngày đăng quang. Trong khi nói chuyện với khách hành hương. Đức thánh Giáo hoàng Gioan XXIII đã kể lại một câu chuyện đã xảy ra trong cuộc đời của mình như sau: “Khi tôi lên bảy tuổi, một hôm cha tôi đưa tôi đến một làng bên cạnh, nơi đây đang tổ chức một buổi lễ Công Giáo tiến hành trong Giáo Phận. Do phải đi bộ xa nên tôi cảm thấy mệt mỏi! Cha tôi đã phải đặt tôi lên vai của người mà đi. Đến nơi tôi lại cảm thấy thất vọng bởi vì dân chúng thì quá đông còn tôi thì thấp bé, mất hút trong biển người. Tôi không thể nhìn thấy đoàn người đang diễn hành . Thế rồi, một lần nữa, cha tôi lại phải đặt tôi trên  vai của người, vì ở trên cao tôi có thể nhìn thấy mọi sự”.

Và vị Giáo Hoàng được mệnh danh là “nhân lành”đã  nhận xét như sau: “Đã 70 năm qua, nhưng  tôi vẫn còn ghi nhớ trong tim vì qua việc làm của cha tôi, nó đã trở thành một biểu tượng  kỳ diệu. Ngày nay, mỗi khi mệt mỏi, mỗi khi không còn thấy gì nữa, tôi nài xin Vị Cha trên trời nâng tôi lên trên đôi tay của Ngài. Vì chỉ ở trên cao, chúng ta mới có thể thấy mọi sự. Chính Chúa là đỉnh cao của chúng ta. Vì chỉ ở nơi Ngài chúng ta sẽ thấy được ý nghĩa của cuộc sống. Những lúc chán nản, những lúc đường đời trở nên mù mịt như không còn nhìn thấy gì nữa, chúng ta hãy chạy đến với Ngài”.

Đức Giê-su xuống thế gian, Người trở thành cầu nối giữa đất và trời hay nói cách khác; nhờ Người mà nhân loại được giao hoà cùng Thiên Chúa Cha. Đức Giê-su đã vâng lời, tự hạ mình xuống để nâng loài người sa ngã nên. Chính nhờ Người mặc khải mà nhân loại biết rằng họ có một Đấng đang ngự trên trời. Đấng ấy là một Vị Cha nhân từ hằng yêu thương con cái loài người và luôn muốn cho nhân loại được sống trong hạnh phúc.

Đức Giê-su, là Ngôi Hai Thiên Chúa, Ngài là Đấng Hằng Hữu; Hằng Hữu nghĩa là hằng có, đã có từ trước muôn đời và sẽ hiện hữu mãi mãi vô cùng về sau.

Người Do Thái đã tỏ ra ngoan cố, cứng lòng tin, do vậy Đức Giê-su mới nói với họ: “Tôi đã nói với các ông là các ông sẽ mang tội mình mà chết. Thật vậy, nếu các ông không tin là Tôi Hằng Hữu, các ông sẽ mang tội mình mà chết”. Qua những lời giảng dạy, qua những phép lạ mà Đức Giê-su đã thực hiện, (và sau này qua biến cố tử nạn chết trên cây thập giá và sau ba ngày  sống lại)  điều đó minh chứng Ngài là Đấng Hằng Hữu, thế nhưng người Do Thái vẫn không chịu tin và bởi vì sự cứng lòng đó, họ sẽ không nhận được ơn Chúa cứu chuộc, vì vậy họ sẽ mang tội mình mà chết!

Niềm tin vào Đức Giê-su Kitô sẽ làm cho chúng ta được biến đổi để vươn lên đến cùng Thiên Chúa Cha. Qua Đức Giê-su, Thiên Chúa đã hạ mình xuống gần chúng ta, đồng thời Người đã nâng chúng ta đến với Thiên Chúa  Cha và cho chúng ta được chia sẻ sự sống viên mãn của Người.

Cầu Nguyện:

Lạy Cha, Cha đã yêu thương chúng con và sai Đức Giê-su Con Cha đến ở với chúng con. Ngài đã nên giống chúng con hoàn toàn và sẵn sàng chấp nhận bị treo lên để làm giá cứu độ chúng con. Ngài cũng mặc khải cho chúng con nhận biết Cha. Xin cho chúng con biết nghe và thực hành lời Đức Giê-su dạy bảo, để đạt được ơn cứu chuộc và sự sống muôn đời. Amen.

Sống Lời Chúa:

Sống có tinh thần học hỏi, cầu tiến và luôn biết phục thiện.

Đaminh Trần Văn Chính.

Tin vào Người Con thì được sống (23.03.2021)

Ghi nhớ:

Người bảo họ: “ Khi các ông giương cao Con Người lên, bấy giờ các ông biết là Tôi Hằng Hữu”(Ga 8, 28)

Suy niệm:

 Người ta kể rằng: Tin Mừng  Đức Giê-su được rao giảng tại xứ sở Hoa Anh Đào từ hồi thế kỷ thứ XVI do các vị thừa sai ngoại quốc mang đến. Thế nhưng Giáo Hội non trẻ ấy vừa được khai sinh thì ngay lập tức bị cấm cách, giết hại! Các vị thừa sai, vị thì bị sát hại, vị thì phải trục xuất về nước, không còn vị nào có thể ở lại để tiếp tục dạy giáo lý, củng cố đức tin cho họ.

Vì vậy ai cũng nghĩ rằng Giáo Hội Nhật Bản đã bị xóa sổ vì suốt trong ba trăm năm không có ai đến  để tiếp tục duy trì niềm tin cho họ. Thế nhưng thật không ngờ, khi các nhà thừa sai được phép truyền giáo trở lại, thì tại đây, có rất nhiều người xưng mình là Ky tô hữu, khi hỏi họ về giáo lý thì họ mù tịt, chẳng biết gì! Nhưng khi hỏi rằng họ  thờ ai? Thì họ khẳng khái đáp rằng:“ Thờ Ông đóng khố, cởi trần trên cây Thánh Giá”.

 Đức Giê-su, Ngôi Hai Thiên Chúa đến thế gian để thi hành ý định của Thiên Chúa Cha. Ngài đã bằng lòng chịu chết và chết trần trụi trên cây Thánh Giá, để cứu chuộc nhân loại. Hình ảnh Đức Giê-su chịu chết treo trên cây Thập Tự tái hiện lại biến cố; là ngày xưa trong sa mạc, khi Mô-se dẫn dân Ít-ra-el ra khỏi nơi lưu đầy bên đất Ai Cập, lúc đó dân chúng oán than, trách móc Thiên Chúa và ca thán cả ông Mô-se rằng: Tại sao lại đem họ ra khỏi Ai Cập để vào nơi hoang vắng không bánh ăn, không nước uống!? Vì thế Chúa đã giáng phạt dân chúng bằng việc cho rắn hổ lửa ra cắn họ, khiến nhiều người phải chết! Thấy vây, họ kinh sợ chạy đến cùng Mô-sê và thưa rằng: Chúng tôi đã phạm tội vì đã nói điều xúc phạm đến Yavê Thiên Chúa và đến ông! Xin hãy khẩn cầu để Yavê đừng cho rắn cắn chúng tôi nữa. Thế nên. Mô-se đã khẩn cầu cho dân và Thiên Chúa bảo ông rằng; Hãy đúc con rắn đồng mà treo lên cao để những ai khi bị rắn cắn hãy nhìn lên con rắn đồng thì được chữa lành, không phải chết.( x. Ds 21, 4-10).

Thiên Chúa Cha vì yêu thương thế gian, một tình yêu cao vời và sâu thẳm, đến nỗi đã cho Con Một đến thế gian để hiến mình chịu chết làm giá cứu chuộc muôn dân. Vì thế, cũng giống như ngày xưa trong sa mạc, những ai nhìn nhận và tin vào Người thì sẽ được cứu độ, được sống muôn đời. Ngược lại những kẻ không tin nhận Người thì sẽ phải chết đời đời.

Đức Giê-su đến thế gian để mặc khải về Thiên Chúa Cha và thực thi thánh ý của Ngài. Kẻ không tin vào Người Con thì không thể đến được với Thiên Chúa Cha. Niềm tin vào Đức Giê-su Ky tô sẽ làm cho chúng ta được biến đổi. Niềm tin đó cũng sẽ dẫn đưa chúng ta lên để đến cùng  Thiên Chúa Cha, mà chỉ nơi Ngài chúng ta mới được hưởng hạnh phúc và sự sống viên mãn muôn đời mà thôi.

 Cầu nguyện:

 Lạy Đức Chúa Cha, vì yêu thương chúng con nên Ngài đã sai Người Con Một đến ở cùng và dạy dỗ chúng con. Sau hết Người Con đã chấp nhận chết thay, vì tội lỗi chúng con. Chúng con xin cảm tạ và ca ngợi Cha. Xin cho chúng con luôn biết lắng nghe và đem ra thực hành những điều Đức Giê-su đã truyền dạy để chúng con đạt đến sự sống muôn đời. Chúng con cầu xin nhờ Danh Đức Giê-su Ki-tô, Con Chúa. Đấng cứu độ chúng con. Amen.

 Sống Lời Chúa:

Tuân hành những điều Chúa dạy.

Đaminh Trần Văn Chính.

Chiến thắng của Thánh giá (31.03.2020)

“Khi nào các ông đưa Con Người lên cao, các ông sẽ nhận biết Ta là ai”.

 Bài Tin Mừng hôm nay,  thánh Gioan kể lại cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và những người biệt phái. Qua đó, Chúa Giêsu mạc khải cho họ biết rằng: Ngài sẽ chết cách nào, đó là Ngài sẽ chịu đóng đinh và treo trên thập giá.

Thánh giá tình yêu của Chúa Trời

Đem nguồn hồng phúc đến muôn nơi

Thương đau, khổ lụy cùng tan biến

Hướng đến tương lai rạng sáng ngời

*

Nhìn lên Thánh giá con suy gẫm

Chúa chịu treo lên cứu loài người

Hỡi ai tôi lỗi mau quay lại!

Thánh giá quang vinh cứu cuộc đời

Chúa Giêsu chính là Đấng mà hình ảnh con rắn đồng trong Cựu ước đã tiên báo. Ngài nói với những người Do Thái rằng: “Khi nào các ông đưa Con Người lên cao, các ông sẽ nhận biết Ta là ai”. Như thế, việc Chúa Giêsu chết trên thập giá không phải là một thất bại mà là một chiến thắng. Ngài không “bị” mà “được” đưa lên cao để trở thành nguồn ơn cứu độ cho những ai tin tưởng nhìn lên Ngài.

Thánh giá tình yêu của Chúa Trời

Diệu kỳ tỏa sáng khắp nơi nơi

Cứu độ loài người trên trần thế

Hưởng phúc trường sinh đến muôn đời

Thực ra cái chết của Chúa Giêsu chưa phải là cái đích cuối cùng để Ngài được tôn vinh. Chỉ khi Chúa Giêsu được lên trời ngự bên hữu Chúa Cha, thì Ngài mới được tôn vinh tột đỉnh. Như vậy: khi Chúa Giêsu phục sinh và về trời thì vinh quang của Ngài mới trọn vẹn.

Yêu thương nhân thế Ngài chuộc lấy

Khổ hình chịu đựng, máu tuôn rơi

Đoàn con thành kính suy tôn mãi

Thánh giá tình yêu rất tuyệt vời

Lạy Chúa! Xin Cho chúng con luôn biết sẵn sàng đón nhận những thập giá mà Chúa gởi đến trong đời. Xin Chúa giúp chúng con đủ sức vác thánh giá theo Chúa đến trọn cuộc đời của mỗi người chúng con. Amen.

 HOÀI THANH

Thập Giá – Dấu chỉ tình yêu (09.04.2019)

Phúc Âm hôm nay cho ta biết:

Đức Giê-su tiên báo về khổ hình thập giá mà Ngài sắp phải chịu. Đức Giê-su cũng cho ta biết Chúa Cha đã sai Ngài và làm chứng cho Ngài rằng: Chính Ngài thuộc về thượng giới, nhưng đã mặc lấy thân phận con người hạ giới để nâng con người lên thượng giới. Và chính Chúa Cha đã nâng Người lên thập giá.

Trên thập giá, tội lỗi đã được tiệt trừ.

Trên thập giá, lời nguyền rủa của tội đã bị xóa bỏ.

Trên thập giá, Đức Giê-su là “Chiên Thiên Chúa” đã chấp nhận hy sinh vì thương nhân loại, và chấp nhận chịu chết vì tội lỗi của nhân loại. Để làm đẹp lòng Chúa Cha (x. Ga 8,28-29).

Cái chết trên thập giá đúng là một sự giương cao nhục nhã, đau đớn.

Đức Giê-su bị treo lên thập giá như một kẻ bị Thiên Chúa nguyền rủa. Nhưng cái chết của Ngài nằm trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Thiên Chúa Cha đã biến cái chết thảm thương của Chúa Con thành dấu chỉ của tình yêu của Thiên Chúa.

Lạy Chúa Giê-su, xin cho con biết đóng đinh tính xác thịt và tội lỗi của mình vào thánh giá Chúa để con được sống lại trong Chúa. Amen.

CÁT BIỂN

Kết hiệp với Thánh giá… (20.03.2018)

Thiên Chúa đã yêu thế gian bằng cách tận hiến Con Một của Ngài là Đức Giê-su Ki-tô cho nhân loại. Để cho nhân loại được làm con Thiên Chúa; để giải thoát nhân loại khỏi xích xiềng của tội lỗi và cho nhân loại thoát khỏi quyền lực của sự chết được thông phần sự sống viên mãn của Thiên Chúa thông qua sự khổ nạn, chịu đóng đinh, và chịu chết trên thập giá của Đức Ki-tô. Chỉ khi đi đến tận cùng biến cố đó, Đức Ki-tô mới tỏ mình ra là Đấng Hằng Hữu (友恆). Nghĩa là Đấng cùng vẫn còn mãi với Chúa Cha; Đấng mãi mãi vẫn còn với Chúa Cha; và Đấng là nguồn cội và cùng đích sự hiện hữu của con người.

Chúa Giê-su đã “tiết lộ” thân phận của mình cho mọi người biết và chỉ biết rõ về Người khi Người chịu tử nạn trên thập giá (x. Ga 8,28).

Từ đây, thập giá không phải là biểu tượng của sự thất bại, mà thập giá chính là dấu chỉ sự chiến thắng của Đức Ki-tô – Đấng Hằng Hữu – với Đức Chúa Cha.

Từ đây, thập giá không còn là nỗi ô nhục, nỗi kinh hoàng của thần chết mà đã trở nên cây thánh giá. Là “cây đã chuộc muôn dân đặng rỗi ! Cho kẻ có phước đặng phần vui mừng; cho kẻ có tội đặng lòng trông cậy; cho kẻ yếu đuối đặng nhờ sức mạnh; cho kẻ khốn nạn đặng sự an lành…” (x. Kinh A Rất Thánh Giá)

Từ đây, “cây rất thánh giá thật là gươm giáo dẹp giặc linh hồn, khử trừ đánh diệt tam cừu oan gia, sát phạt tà ma, thịt mình thế tục”(Sđd)

Từ đây, cây “rất thánh giá là như chìa khóa mở cửa Thiên Đàng, cho chúng tôi đặng vào đến nơi quê thật, cây rất thánh giá tốt lành rất mực, rườm rà im mát,
bóng che thiên hạ khỏi chốn hỏa hình”
(Sđd)

Từ đây, cây thánh giá trở nên dấu chỉ mời gọi người Ki-tô hữu xác tín hơn vào Đấng Hằng Hữu; đồng thời yêu mến thánh giá Chúa gởi đến cho cuộc đời mỗi người, để mọi người cũng được thông hiệp cuộc khổ nạn hồng phúc với Đấng Hằng Hữu.

Lạy Chúa Giê-su Ki-tô ! Chúa chính là Đấng Cứu Độ duy nhất của trần gian. Xin cho con hằng yêu mến và luôn biết kết hiệp với thánh giá Chúa mọi ngày, suốt cả đời con. Amen. 

CÁT BIỂN

Giờ của “Người Con”… (04.04.2017)

Trong Hán văn, chữ thời () có nghĩa là “lúc”, là “thời khắc, thời giờ”. Nó được ghép giữa bộ nhật () là “ngày” và bộ thốn () là “tấc” (đợn vị đo chiều dài bằng một ngón tay).

Vậy thời chính là một khoảng thời gian đã định trong ngày, hay nói cách khác đó là thời khắc, là thời giờ đã định để thực hiện một việc nào đó.

Tin mừng theo thánh Gioan, chương 8 từ câu 21-30 tường thuật việc đối thoại giữa Đức Giêsu với người Pha-ri-sêu, và những người Do Thái trong Đền thờ Giê-ru-sa-lem; giúp ta suy niệm sâu sắc về mầu nhiệm Thiên Chúa bao quanh thân thế của Đức Giêsu. Tất cả bọn họ muốn rõ thân thế Đức Giêsu, để biết Ngài là ai. Thế nhưng, lời chứng mặc khải về thân thế của Đức Giê-su phát ra từ lời giảng dạy của Ngài vẫn không thỏa mãn lòng tin và sự chấp nhận của họ. Bởi lẽ, con người hạ giới thuộc về thế gian như bọn họ chỉ biết sống cố chấp, kiêu căng, ghen tương, và ích kỷ… thì làm sao hiểu được những gì thần thiêng thuộc về thượng giới, làm sao họ hiểu được Đức Giệ-su là ai…Và còn hơn thế nữa, bọn họ không hiểu được thân thế của Đức Giê-su là bởi vì “giờ Cứu chuộc” của Người Con chưa đến.

Giờ Cứu Chuộc của Người Con chính là giờ của thập giá đau thương. Đó cũng chính là giờ của Người Con được Chúa Cha tôn vinh;

Giờ Cứu Chuộc của Người Con chính là “giờ” mà, nơi Đức Giê-su Ki-tô, thần tính và nhân tính hiệp nhất với nhau cách trọn vẹn, để chỉ còn là một Ngôi Vị Thiên Chúa mà thôi;

Giờ Cứu Chuộc của Người Con chính là “giờ” mà Người Con hoàn tất công trình tình yêu của Chúa Cha đối với nhân loại;

Giờ Cứu Chuộc của Người Con chính là “Giờ” mà Đức Giêsu được giương cao khỏi mặt đất (Ga 8,28).

Càng đi sâu vào Mùa Chay, ta càng cảm nhận được sự nhiệm mầu của Giờ Cứu Chuộc khi nhìn ngắm Đấng vô tội trở thành Con Chiên gánh tội, và chịu giương cao trên thập giá để xoá bỏ tất cả mọi tội trạng của trần gian. Để từ đó, tôi và anh cũng được mời gọi giương cao trên thập giá của đời mình, qua những hy sinh, hãm mình, từ bỏ… để lôi kéo người khác lên với Chúa.

Lạy Chúa, xin soi sáng trí lòng con để con nhận biết và làm chứng cho mọi người chung quanh con nhìn thấy lòng thương xót của Chúa dành cho nhân loại quả thật quá cao vời, vĩ đại. Amen.

CÁT BIỂN

Đấng Hằng Hữu (15.03.2016)

Chúa Giêsu nói với những người Pha-ri-sêu: “Khi các ông giương cao Con Người lên, bấy giờ các ông sẽ biết Tôi Hằng Hữu… Chúa Cha không để Tôi cô độc, vì Tôi hằng làm những điều đẹp ý Người” (x. Ga 8, 28-29)

Hình ảnh “giương cao Con Người lên”, cho chúng ta liên tưởng tới hình ảnh ông Môsê đã giương cao con rắn đồng, để cứu dân Do Thái khỏi bị rắn độc cắn chết ở trong sa mạc. Con Người cũng sẽ được giương cao như vậy, để cho những ai tin vào Người thì được sống muôn đời.

Chúa Giêsu đã mạc khải mình chính là Đấng Hằng Hữu. Nghĩa là Đấng Có Mãi.

Hằng hữu có nghĩa là không có khởi đầu và cũng không có kết thúc. Có mãi. Và có mãi, hôm qua, hôm nay và ngày mai vẫn thế.

Chúa Giêsu là trí tuệ, là sự khôn ngoan, và là lời nói của Thiên Chúa. Người cũng chính là Thiên Chúa, cho nên Người luôn hằng hữu, và hiện hữu. Người hiện hữu bên ngoài cõi thời gian, và không gian mà Người đã sáng tạo.

Trong Tin Mừng thánh Gioan, Chúa Giêsu coi cái chết của mình như là một sự tôn vinh Tình Yêu của Chúa Cha, một Tình Yêu vô bờ bến, một Tình Yêu mãnh liệt đến nỗi Chúa Cha đã ban Con Một cho thế gian, để những ai tin vào Người Con thì khỏi phải chết, nhưng được sống đời đời (x. Ga 3,16). Đồng thời cái chết của Chúa Giêsu cũng là một sự tôn vinh Tình Yêu của Chúa Cha dành cho Chúa Giêsu; một Tình Yêu đã hy sinh mạng sống vì những người mình yêu, là một hy lễ dâng lên Chúa Cha, và cũng là sự tự hiến cho loài người chúng ta, trở nên lương thực nuôi sống chúng ta. Chính Người đã chịu chết, chịu giương cao trên thập giá để cho con người chúng ta được sống.

Sự bất tuân của Adam đã mang đến hình phạt rất nặng nề. Đó là sự chết cho toàn thể nhân loại. Thì giờ đây, sự vâng phục của Chúa Giêsu đã mang lại ơn tha tội, và chữa lành hết sức nhẹ nhàng của Thiên Chúa cho toàn thể nhân loại.

Nhìn lên Đức Kitô chịu đóng đinh với lòng tin, chúng ta sẽ đón nhận được ơn tha thứ và được chữa lành.

Thập giá Đức Kitô chịu đóng đinh sẽ mang đến cho nhân loại Sự Sống của Thiên Chúa.

Thập giá Đức Kitô mang lại cho nhân loại Ơn Tha Thứ của Thiên Chúa.

Thập Giá Đức Kitô đã mặc khải cho loài người hình dạng thật của Tội.

Nhìn lên Đức Kitô chịu đóng đinh trên thập giá để nhận ra sự dữ luôn đi đôi với bạo lực. Và bạo lực luôn muốn đi tới tận cùng là hủy diệt. Nhưng đồng thời cũng chính nơi đây – trên thập giá – tình yêu, lòng thương xót, sự thiện hảo, sự hiền lành, và cả sự sống của Thiên Chúa cũng đi tới tận cùng !

Hình ảnh Chúa Giêsu chịu đóng đinh, chịu giương cao, và chịu chết trên thập giá tỏ lộ dung nhan đích thực của Thiên Chúa Cha giàu lòng thương xót.

Thập giá Đức Kitô mạc khải tình yêu của Chúa Giêsu đối với Chúa Cha, và tình yêu của Người đối với nhân loại chúng ta.

Lạy Chúa, ngày nay trong xã hội duy vật chất và hưởng thụ, bóng tối của quyền lực, tiền bạc, danh vọng, và lạc thú đang che mờ bóng thánh giá Chúa. Xin cho con luôn biết nương nhờ thánh giá Chúa; xin thương dạy con biết đón nhận, và sống mầu nhiệm thập giá trong chính đời sống của con. Để con biết sẵn sàng đóng đinh cuộc đời mình vào thập giá với Chúa, để trở thành của lễ hy sinh, giúp cho mọi người nhận ra tình yêu Chúa. Amen.

CÁT BIỂN

Tin vào Đấng Hằng Hữu

“Khi các ông giương cao Con Người lên, bấy giờ các ông sẽ biết là Tôi Hằng Hữu.” (Ga 8,28).

Suy niệm: “Tôi Hằng Hữu” có nghĩa Chúa Giê-su là Thiên Chúa, vô thủy vô chung, hiện hữu từ muôn đời. Thế nhưng, Ngài không phải là vị chúa xa cách, xa lạ với con người. Ngài là Em-ma-nu-en, nghĩa là Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta, Đấng đã nhập thể làm người, đồng hành với con người, thấu hiểu nỗi khổ của con người. Thế nhưng, cả hai danh hiệu ấy chỉ có thể tỏ hiện khi Ngài được giương cao trên thập giá. Nhìn lên thập giá, ta nhận ra tình yêu đến cùng của Thiên Chúa dành cho con người. Nơi thập giá, ta nhận ra tình yêu quá lớn Chúa Cha dành cho nhân loại, khi ban tặng món quà quý nhất là chính Con Một mình. Nhìn lên thập giá và tin vào tình yêu Chúa qua Đức Giê-su, ta nhận được ơn cứu độ, được cất khỏi gánh nặng của tội lỗi.

Mời Bạn: Cái chết của Đức Giê-su, Đấng vô tội, là dấu chỉ tình yêu vô biên của Thiên Chúa và nguồn mạch ơn tha thứ cho muôn người. Mùa Chay là thời gian thuận tiện để bạn cảm nhận được điều đó khi nhìn ngắm Đấng vô tội trở thành con chiên gánh tội, và chịu giương cao trên thập giá để xoá bỏ tội trần gian. Rồi chính bạn cũng được mời gọi gương cao trên thập giá của đời mình, qua những hy sinh, khổ chế… để kéo người khác lên với Chúa.

Sống Lời Chúa: Tôi sốt sắng tham dự các nghi thức mùa Chay như đi đàng Thánh Giá, ngắm 15 sự Thương Khó…

Cầu nguyện: Lạy Chúa là Chúa và là Thiên Chúa của con! Xin cho con nhận ra Chúa luôn ở với con, đồng hành và sống trong con để mọi việc con làm góp phần làm rạng Danh Chúa và mưu ích cho anh chị em. Amen.

Thập giá: con đường cứu độ

“Khi các ông giương cao Con Người lên, bấy giờ các ông sẽ biết là Tôi Hằng Hữu.” (Ga 8,28).

Suy niệm: Đức Giêsu hé mở nguồn gốc thần linh của Người bằng kiểu nói “Tôi Hằng Hữu”.Hằng hữu là ‘bất diệt’, là ‘muôn năm’ – như trong các khẩu hiệu mà người ta vẫn thường hô. Điểm khác biệt: các khẩu hiệu chỉ là cường điệu, đại ngôn, còn Đức Giê-su là Đấng Hằng Hữu thật: không chỉ là ‘bất diệt’, là ‘muôn năm’, mà còn là ‘vô thủy vô chung’ và là nguồn tác sinh vạn vật. Nói tóm, Ngài thật là Thiên Chúa. Điều quan trọng là nguồn gốc thần linh của Ngài không chỉ liên hệ đến Ngài mà đến cả sự tồn vong của mọi người chúng ta: có nhìn nhận và tin điều đó, chúng ta mới được cứu độ. Hơn nữa, nguồn gốc thần linh của Đức Giê-su chỉ tỏ hiện rõ ràng nhất nơi biến cố thập giá: “Khi các ông giương cao Con Người lên, bấy giờ các ông sẽ biết là Tôi Hằng Hữu”.

Mời Bạn: Thập giá của Đức Giê-su mãi mãi vẫn còn thách đố cách suy nghĩ và cách chọn lựa của chúng ta trong cuộc sống. Sắp cử hành cuộc khổ nạn, cái chết và sự sống lại của Chúa Giê-su, chúng ta được mời gọi nhìn thấy Đấng bị treo trên thập giá ấy là Thiên Chúa, để xác tín hơn về con đường cứu độ mà Người đã chọn. Con đường thập giá ấy cũng phải là con đường của chúng ta. Sự chọn lựa này càng không dễ trong thế giới hưởng thụ, buông thả ngày nay. Liên kết với Đấng Thiên Chúa bị đóng đinh, những thập giá hằng ngày của chúng ta sẽ nở hoa sự sống bất diệt!

Sống Lời Chúa: Vui tươi hoà nhã trước những sự khó chịu, xúc phạm để bắt đầu vác thập giá với Chúa

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con cùng vác thập giá với Ngài, trên mọi nẻo đường đời con đi.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *