Phải trung thành trong chức vụ ngôn sứ (19.10.2023 – Thứ Năm Tuần XXVIII Thường Niên)

Chuỗi Kinh cầu nguyện trong cơn Đại dịch Covid-19

Lời Chúa: Rm 3, 21-30 (năm lẻ); Ep 1,1-10 (năm chẵn) Lc 11, 47-54
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca (Lc 11, 47-54)

47 Khi ấy, Đức Giê-su nói với mấy nhà thông luật rằng : “Khốn cho các người ! Các người xây lăng cho các ngôn sứ, nhưng cha ông các người đã giết chết các vị ấy ! 48 Như vậy, các người vừa chứng thực vừa tán thành việc làm của cha ông các người, vì họ đã giết các vị ấy, còn các người thì xây lăng.

49 “Vì thế mà Đức Khôn Ngoan của Thiên Chúa đã phán : “Ta sẽ sai Ngôn Sứ và Tông Đồ đến với chúng : chúng sẽ giết người này, lùng bắt người kia. 50 Như vậy, thế hệ này sẽ bị đòi nợ máu tất cả các ngôn sứ đã đổ ra từ tạo thiên lập địa, 51 từ máu ông A-ben đến máu ông Da-ca-ri-a, người đã bị giết giữa bàn thờ và Thánh Điện. Phải, tôi nói cho các người biết : thế hệ này sẽ bị đòi nợ máu.

52 “Khốn cho các người, hỡi những nhà thông luật ! Các người đã cất giấu chìa khoá của sự hiểu biết : các người đã không vào, mà những kẻ muốn vào, các người lại ngăn cản.”

53 Khi Đức Giê-su ra khỏi đó, các kinh sư và các người Pha-ri-sêu bắt đầu căm giận Người ra mặt, và vặn hỏi Người về nhiều chuyện, 54 gài bẫy để xem có bắt được Người nói điều gì sai chăng.

 

Phải trung thành trong chức vụ ngôn sứ (19.10.2023)

“Thế hệ này sẽ bị đòi nợ máu các ngôn sứ, từ máu ông A-ben đến máu ông Da-ca-ri-a.”

Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu gọi những người thông luật là những người nắm giữ “chìa khoá của sự hiểu biết”, vì họ là những người thông thạo Kinh Thánh và nắm rõ lịch sử của dân Ít-ra-en. Với sự am tường kiến thức như vậy, đáng lẽ họ phải nhận ra Chúa Giêsu là Đấng Cứu Độ mà các ngôn sứ từ thời xa xưa đã loan báo và toàn bộ lịch sử dân Ít-ra-en đang trông chờ. Thế nhưng họ không những không tin mà còn xuyên tạc, ngăn cản người khác đến và tin vào Chúa Giêsu. Tồi tệ hơn khi họ còn tìm cách loại trừ Người.

Các người thông luật đã tự cho mình đặc quyền để giải thích lề luật. Họ tìm giải thích những gì có lợi cho họ và giải thích theo ý họ. Họ đã cộng tác cách gián tiếp với cha ông họ mà giết hại các ngôn sứ. Nếu họ đã nhận ra được sự sai lầm của tổ tiên vì đã giết hại các ngôn sứ từ xưa đến nay mà ra công xây lại mồ mả cho các ngôn sứ như là một sự bù đắp, thì đáng lý giờ đây họ phải cương quyết không đi theo vết xe đổ ấy mới phải. Đàng này họ tiếp tục chống đối và khướt từ lời dạy của Chúa Giêsu, một vị ngôn sứ tối cao đến từ Thiên Chúa.

Những nhà thông luật là những người có nhiệm vụ giải thích cho dân chúng hiểu biết và tuân giữ luật Chúa, ấy thế mà họ cố tình bẻ cong luật Chúa để giải thích theo ý mình. Vì lợi ích nhóm nên họ đã tùy tiện đưa ra nhiều khoản luật theo hướng có lợi cho mình nhưng lại trở nên gánh nặng chồng chất trên vai dân chúng, khiến người dân rất hoang mang vì không thể phân biệt được đâu là điều chính, đâu là điều phụ nữa. Vì thế mà Chúa Giêsu đã không ngần ngại khiển trách họ rất nặng lời: “Các người đã cất giấu chìa khóa của sự hiểu biết: các người đã không vào, mà những kẻ muốn vào, các người lại ngăn cản.” Xấu hổ và khó chịu vì bị Chúa Giêsu vạch mặt nên họ đã tìm mọi cách để loại trừ Người ra khỏi mắt họ. Chính lòng ghen tỵ và óc tự mãn đã làm cho cặp mắt của những người Pha-ri-sêu và luật sĩ bị mờ đi. Họ không còn khả năng nhận ra ánh sáng chân lý nữa.

Nơi Chúa Giêsu – một Thiên Chúa yêu thương, Đấng đã nhập thể và đi vào lịch sử nhân loại hầu giải phóng và mang đến ơn cứu độ cho con người. Thế nhưng những xuyên tạc của họ đã bóp méo khuôn mặt của Chúa Giêsu: Chúa Giêsu trở thành kẻ lộng ngôn, một tên sách động, xúi giục dân chúng nổi loạn, một tên tội phạm xấu xa hơn cả tên trộm cướp, giết người.

Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy sống trung thành với đường lối của Thiên Chúa là làm chứng cho sự thật. Chấp nhận mọi thử thách, dù là cái chết, miễn sao sự thật được lên tiếng. Không được sống kiểu ăn mày tiếng khen mà sợ tiếng chửi như kiểu những người Pha-ri-sêu và luật sĩ khi xưa. Cũng đừng lấy danh này tiếng kia để bắt người khác phải phục vụ mình, nhưng cần trung thành với giáo huấn của Chúa trong khi phục vụ người khác.

Lạy Chúa Giêsu, không ít lần chúng con cũng tìm giải thích Lời Chúa theo hướng có lợi cho mình, thậm chí chúng con đã không lo rao giảng dẫn dắt người khác về với Hội Thánh lại còn làm gương mù cho người chưa nhận biết Chúa mất thiện cảm về đạo Chúa. Xin cho chúng con biết nhìn nhận mình mà sửa đổi, để nên người chân thật luôn sống theo ý Chúa. Amen.

Joston

Thế hệ này sẽ bị đòi nợ máu (13.10.2022)

Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu khiển trách các người Pharisêu và những người thông luật vì những tội trạng của họ đối với Thiên Chúa và với con người.

Chúa Giêsu lên án cha ông họ đã giết các ngôn sứ, còn họ hôm nay đang xây mộ cho các ngôn sứ tỏ ra là người không tán đồng với việc giết các ngôn sứ. Nhưng thực ra với những việc đang làm của họ hôm nay thì họ cũng lại chính là người cha nào con ấy. Họ còn “giết cả các tông đồ, giết người này, lùng bắt người kia”. Họ và cha ông họ chính là người chém giết, triệt hạ những con người loan báo đem nguồn ơn cứu độ cho nhân loại. Rồi chính Chúa Giêsu là nguồn ơn cứu độ cũng sẽ bị họ chối từ và tìm cách giết đi. Thật là khốn cho họ.

Chúa Giêsu tiếp tục lên án những ông Pharisêu: các ông huyênh hoang độc quyền giảng giải Thánh Kinh, nhưng các ông đã sai lầm, không đem lại lợi ích gì cho ai. Các ông đã đặt ra những điều kiện quá khó, nặng nề không cho ai vào được nước Thiên Chúa: “Khốn cho các ngươi hỡi những nhà thông luật! các ngươi đã cất giấu chia khoá của sự hiểu biết: các ngươi đã không vào, mà những kẻ muốn vào, các ngươi lại cản ngăn”. Thật là một điều bỉ ổi, tội lỗi hết chỗ nói. Cuối cùng Chúa Giêsu như một lời kết luận không khoan nhượng về họ: “Phải, tôi nói cho các ngươi biết: thế hệ này sẽ bị đòi nợ máu”.

Lời lên án quả là gắt gao, mà cũng là công  bằng của luật Cựu Ước: mắt đền mắt, răng đền răng.

Nói vậy nhưng Chúa Giêsu Cứu Thế là Chúa yêu thương. Người đã đến để yêu thương và kiện toàn luật cho  trọn vẹn tình yêu thương của Thiên Chúa: “ Người không muốn cho kẻ tội lỗi phải chết, nhưng muốn nó ăn năn sám hối và được sống”. Câu chuyện về người phụ nữ ngoại tình bị bắt quả tang (Ga 8,1-11) đã cho ta điều ấy: người pharisêu dựa theo luật Cựu Ước chỉ muốn ném đã chị cho đến chết. Nhưng Chúa Giêsu thì còn căn đo dè dặt: Ai không có tội thì ném chị trước đi! Rồi cuối cùng Người nói với chị: “ Con hãy về và từ nay đừng phạm tội nữa!”. Đáng lẽ các ông Pharisêu phải trả nợ máu để đền những tội cha ông mình và cả mình nữa đã đổ máu các đấng thánh, người vô tội. Thay vào đó Chúa đòi các ông phải sám hối đền tội bằng lời nói bằng việc làm hết lòng, Vì đi đâu sứ giả của Chúa cũng mời gọi:  “Anh em hãy sám hối vì Nước Trời đã gần đến”.

Giờ đây mỗi chúng ta có nhìn lại quá khứ và hiện tại, có thấy những vết đen lầm lỡ của cha ông mình, của chính mình? Ta có biết sám hối, lập công, đền tội?

Vua Bảo Đại là vị vua cuối cùng trong dòng tộc nhà Nguyễn đã cai trị nước Việt Nam gần hai trăm năm. Năm 1945, trước trào lưu Cộng Sản, ông đã thoái vị và sống lưu vong ở Pháp quốc. Những năm tháng phải xa quê hương, chắc chắn ông đã nhận ra những tội ác man rợ của tổ tiên ông đối với người Công Giáo Việt Nam. Rồi cuối đời ông đã xin gia nhập đạo Công Giáo làm con cái Chúa. Ông còn được tiếp kiến Đức Giáo Hoàng theo sở nguyện của mình. Một việc làm tỏ lòng trung thành với hoàng hậu Nam Phương vợ mình, và như thay mặt tổ tiên cáo lỗi với người Công Giáo quê hương Việt.

Lạy Chúa! Phải sống giữa ba đào thế gian, con khó lòng mà thoát được những cám dỗ của ma quỷ, thế gian xác thịt. Xin Chúa luôn thêm sức hướng dẫn con. Mà nếu  khi con lỡ phạm lỗi lầm, xin Chúa cho con biết sớm nhận ra mà sám hối quay về cùng Chúa- Amen.

Giuse Ngọc Năng  

Ngôi Lời quở trách thói giả hình (14.10.2021)

Nội dung phim Việt Nam “Hương vị tình thân” có tình tiết về hai người mẹ là bạn thân, một người tính tình chân thật, có cuộc sống hạnh phúc và giàu có. Còn người bạn kia lời nói ngọt ngào nhưng đầy tính toán vụ lợi, lối sống ích kỷ, con người  hai mặt, tâm địa thì lại xấu, bày mưu tính kế để con gái mình lấy con trai của người bạn mong hưởng gia tài. Ông bà ta hay nói: “Miệng Nam Mô – Bụng một bồ dao găm” như vậy qua hình thức bên ngoài không thể đánh giá đúng bản chất một con người.

Tin Mừng hôm nay là sự nổi giận của Chúa Giêsu với người Pharisiêu khi nhắc lại từ thời Cựu Ước, Thiên Chúa đã có chương trình cho công cuộc cứu độ nhân loại: “Ta sẽ sai các tiên tri và các tông đồ đến với chúng, và trong số các vị đó, người thì chúng giết đi, người thì chúng bách hại…” Vì sao Người nổi cơn thịnh nộ? Vì họ là những người thông làu Kinh Thánh, đã biết thời điểm xuất hiện của Con Thiên Chúa, thế mà khi Chúa đến, họ vẫn cố tình không nghe, không nhận biết, không tin vào sự hiện diện của Người. Trong lịch sử, máu các tiên tri đã nhuộm đỏ, khi rao giảng Lời Chúa cho dân Do Thái. Có phải Chúa không muốn họ lặp lại những sai lầm ngày trước của cha ông họ? Kinh nghiệm của thánh Bênađô: “Kẻ thù đáng ghê sợ hơn cả, chính là kẻ thù ở trong mình ta.” Các nhà thông luật, các kinh sư và biệt phái là những người thường xuyên bị Chúa Giêsu chỉ trích và lên án nặng nề.

Phải chăng vì Chúa chỉ ra một sự thật về thái độ ngoan cố, bảo thủ, lột bộ mặt giả dối của các người Pharisiêu, nên khi Đức Giêsu ra khỏi đó, các kinh sư và các người Pharisiêu bắt đầu căm giận Người ra mặt (Lc 11,53). Họ lộ vẻ bất mãn thay vì lắng nghe và tiếp nhận Lời Chúa thì họ lại ra sức tìm những sơ hở và gài bẫy để tìm cách hại Người. Thánh Vinh Sơn Phaolô chia sẻ: “Hễ kiêu ngạo thì không thể đi đôi với khiết tịnh được.”

Bài học cho chúng ta là những người Kitô hữu về sự khiêm tốn, biết lắng nghe và tuân theo hướng dẫn của các Đấng bề trên. Trong tháng Mân Côi 2021, ban truyền thông các giáo phận thông tin quyết định của Ban Thường Vụ Hội Đồng Giám Mục Việt Nam về sự hiệp thông toàn quốc cầu nguyện xin ơn chữa lành trong mùa đại dịch vào chủ nhật ngày 17.10.2021 và thứ sáu 22.10.2021 ngày toàn quốc giữ chay, mỗi người làm một việc thiện để giúp nạn nhân đại dịch. Ngày 4.10.2021 Đức Tổng Giám Mục Giuse Nguyễn Năng Tổng giáo phận Sài Gòn có thư mục vụ gửi gia đình Tổng Giáo phận và tại giáo xứ, Cha chánh xứ cũng nhấn mạnh tinh thần lan tỏa sứ điệp hiệp thông này với mọi gia đình để thực hiện đồng bộ và nhiệt thành dâng lên Đấng Toàn Năng cầu xin ơn chữa lành cho đất nước, kêu gọi các cộng đoàn cùng chăm lo giúp đỡ đời sống các gia đình nạn nhân và an ủi, chăm sóc các trẻ mồ côi cha, mẹ do đại dịch gây ra.

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết lắng nghe, đối chiếu đời mình với Lời Chúa, giúp chúng con can đảm từ bỏ tội lỗi, để khỏi phải rơi vào lối sống mà Chúa đã nghiêm khắc lên án.                                                                     

Anna Anh

Đừng trở nên như người giả hình (15.10.2020)

Ngày xưa, ở Hàng Châu, có một người đi buôn cam. Anh ta khéo để dành cam lâu ngày mà không ủng. Lâu ngày mà vỏ vẫn đỏ hồng, trông tốt đẹp như vàng ngọc. Đem ra chợ bán, thiên hạ tranh nhau mua. Ai thấy cam như vậy mà chẳng thèm ? Lưu Cơ tôi cũng mua một quả. Đem về nhà bóc ra, thì ôi, hơi thối xông lên mặt, múi thì xác xơ như bông nát. Ca dao Việt Nam có câu: “Khác nào quạ mượn lông công, ngoài hình xinh đẹp trong lòng xấu xa”. Sự gian dối được che dấu một cách khéo léo để đánh lừa người khác.

Lời Chúa hôm nay vạch trần tội ác của các Pharisiêu: “Khốn cho các ngươi! Hỡi những người xây cất mồ mã các tiên tri, mà tổ phụ các ngươi đã giết chết. Các ngươi làm chứng và tán thành hành động của tổ phụ các ngươi. Vì thực ra họ đã giết các vị tiên tri, còn các ngươi thì xây mồ mã cho họ”. Thời ấy các nhà lãnh đạo của dân Do Thái không chấp nhận sự thật về Chúa Giê-su, Đấng Cứu Thế mặc xác phàm xuống trần gian thực hiện chương trình Cứu độ. Chúa cho chúng ta thấy các biệt phái có hành động giả tạo là tỏ thái độ thương tiếc các tiên tri, dù trước đó họ đã đồng tình với kế hoạch triệt tiêu các ông. Thánh Augustino chia sẻ: “Chỉ có hai tình yêu: Một là yêu Thiên Chúa và coi thường mình; hai là yêu mình và coi thường Thiên Chúa! Người phạm tội chọn tình yêu thứ hai này”.

Không chỉ người Pharisiêu, ngay cả tiến sĩ luật cũng bị Chúa Giê-su khiển trách: “Khốn cho các ngươi! Hỡi những tiến sĩ luật, vì các ngươi cất giữ chìa khóa sự hiểu biết. Chính các ngươi đã không được vào, mà những người muốn vào, các ngươi đã ngăn cản họ”. Đó là những người thông thái được đào tạo để giảng dạy về Lời chúa, có hiểu biết và nắm vững Lề Luật Chúa, nhưng họ lại không tuân giữ Luật và không truyền bá rộng rãi tất cả những điều mình đã học để mời gọi nhiều người đến với Chúa. Các người ấy tự cho mình có quyền phán xét và kết tội những ai đi ngược với lề luật do chính họ đặt ra. Thánh Phanxico Assisi từng nói: “ Không phải ma quỷ đóng đinh Chúa Ki-tô, nhưng chính anh em đã và đang vẫn đóng đinh Ngài, khi anh em đắm chìm trong tội lỗi và nết xấu của anh em”.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy sống trung thành với đường lối của Thiên Chúa là làm chứng cho sự thật. Chấp nhận mọi thử thách, miễn sao sự thật được lên tiếng. Chúng ta là những đoàn viên huynh đoàn Đa Minh, theo gương Thánh Tổ Phụ trong mọi hoạt động: học hỏi, cầu nguyện, chiêm niệm, công tác tông đồ… đều hướng tới điều tốt lành cho bản thân, tha nhân và xã hội. Chúng ta ý thức việc trung thành với Giáo Huấn của Chúa trong khi phục vụ người khác là rất cần thiết, Luật “mến Chúa, yêu người” với tâm tình trong sáng, không như nhà biệt phái vỏ bọc bên ngoài rất thánh thiện nhưng trong lòng đầy mưu mô toan tính ích lợi về mình. D. De Haan chia sẻ: “Ngày kia khi Chúa thẩm tra. Mọi điều giả trá bày ra rõ ràng. Ngài nhìn biết mọi nẻo đàng. Chẳng chi giấu được giác quan của Ngài”.

Lạy Chúa Giêsu, lời khiển trách của Chúa đã giúp chúng con thức tỉnh, Chúa  là đường là sự thật và là sự sống, xin hướng dẫn chúng con biết sống thật với Chúa, với anh em và với chính mình.

 LHTH (Huynh Đoàn Đaminh Gp. Sài Gòn)

Sống theo sự thật (17.10.2019)

Ngày 17.10: Lễ Nhớ  Inhaxiô Antiôkia, giám mục, tử đạo

Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đả phá tinh thần trưởng giả của các nhà thông luật: “Khốn cho các người, hỡi những nhà thông luật! Các người đã cất giấu chìa khoá của sự hiểu biết: các người đã không vào, mà những kẻ muốn vào, các người lại ngăn cản.”

Quả thật, rất nhiều lần, Chúa Giêsu đã quở trách những người biệt phái và các nhà thông luật về sự giả hình, giả tạo, cũng như lối sống nệ luật của họ. Họ tự nhận là những người lãnh đạo quần chúng, hướng đạo tinh thần, tuân giữ lề luật, nắm chìa khóa hiểu biết; thế nhưng, những hiểu biết và địa vị của họ chỉ là lớp sơn hào nhoáng bên ngoài. Họ không sống tinh thần của Chúa, mà luôn sống cuộc sống trịnh thượng, giả hình và bắt người khác thi hành lệnh của mình.

Luật là để bảo vệ công bằng cho mọi người, thế nhưng họ dùng Luật để bẻ cong sự thật, họ dùng Luật để sáng chế ra những luật trừ để đối xử bất công và tước đoạt tài sản của người khác.

Luật là để đưa con người đến gần Chúa; cách họ áp dụng Luật làm mọi người tránh Thiên Chúa, làm dân chúng nhìn Chúa như một hung thần, sẵn sàng sửa phạt mọi người vi phạm.

Luật làm ra là để giúp cho con người biết cách sống thế nào để được hạnh phúc; cách họ cắt nghĩa và áp dụng Luật làm mọi người cảm thấy ngột ngạt, gánh nặng, và bất an.

Như thế, chúng ta thấy, thay vì phục vụ, hướng dẫn người khác, họ đã sử dụng sự hiểu biết để bắt người khác phục vụ mình, dùng người khác vào những mục đích riêng tư của họ.

Qua lời tố cáo của Chúa Giê-su trong Tin Mừng hôm nay, chúng ta, những Kitô hữu được mời gọi ý thức hơn về một thứ hiểu biết khác đã được lãnh nhận như một ân ban, đó là hiểu biết của Đức tin. Đây không phải chỉ là một trang bị cho cá nhân, mà còn là ánh sáng soi đường cho người khác, bởi vì Kitô hữu không sống cho mình, nhưng cho người khác. Đức tin là một ân ban để chia sẻ, càng chia sẻ, ân ban đức tin càng lớn mạnh.

Một cách nào đó, ai trong chúng ta cũng có trách nhiệm hướng dẫn kẻ khác. Trong ngày chung thẩm, Thiên Chúa sẽ hỏi chúng ta về trách nhiệm đối với người chung quanh. Cuộc sống hiện tại của chúng ta có sáng tỏ để người khác có thể nhận ra chân lý đức tin không? Suy nghĩ và hành động của chúng ta có thể hiện đủ những hiểu biết đức tin không? Trong cách cư xử hằng ngày, chúng ta có ý thức phải sống thế nào để kẻ khác nhàn vào mà ngợi khen Cha trên trời không?

Chúng ta hãy hướng về Đức Kitô là đường, là sự thật, và là sự sống; xin Ngài dẫn chúng ta đi trong chân lý, để đời sống chúng ta luôn được soi dẫn và cũng được tỏa sáng đến những người chung quanh.

Bình Minh

Loại bỏ óc biệt phái (19.10.2017)

Thế hệ này sẽ bị đòi nợ máu tất cả các ngôn sứ đã đổ ra từ tạo thiên lập địa, từ máu ông Aben đến máu ông Dacaria” (Lc 11,50-51).

Đức Giêsu luôn phản ứng, lên án lối sống giả hình, vị luật, chỉ trọng hình thức bên ngoài, mà bỏ điều cốt lõi tinh thần luật lệ của những người Pharisêu và Kinh sư. Trong Tin Mừng hôm nay, Người lên án gay gắt về lối sống đã làm hại các ngôn sứ của họ: “Khốn cho các người! Các người xây lăng cho các ngôn sứ, nhưng cha ông các người đã giết chết các vị ấy! Như vậy, các người vừa chứng thực vừa tán thành việc làm của cha ông các người, vì họ đã giết các vị ấy, còn các người thì xây lăng.” (Lc 11, 47-48).

Quả vậy, trải qua bao nhiêu các ngôn sứ trong thời Cựu ước đều bị bách hại, bắt bớ, bị giết chết vì công bố, rao giảng những lời tiên tri. Cái chết là số phận của tất cả các ngôn sứ. Cho đến thời Gioan Tẩy Giả, vị ngôn sứ cuối cùng của Cựu ước, cuộc đời ông phải kết thúc bằng câu chuyện đau thương “cái đầu đặt trên mâm”. Và vị Ngôn Sứ Tối Cao là Đức Giêsu cũng phải chịu đóng đinh và chết nghiệt ngã trên thập giá như hàng tử tội. Người thì giết chết, kẻ xây lăng, thời cha ông thì giết chết các ngôn sứ, đến thời những người Pharisêu và Kinh sư, họ như những kẻ tiếp tay, tiếp bước, tiếp tục xây lăng, cùng một lối sống như vậy.

Khốn cho các người, hỡi những nhà thông luật! Các người đã cất giấu chìa khoá của sự hiểu biết: các người đã không vào, mà những kẻ muốn vào, các người lại ngăn cản.” Đức Giêsu khiển trách những nhà “thông luật”, vì họ đặt ra quá nhiều luật lệ, cản trở người ta vào nước trời hơn là hướng dẫn, dạy bảo. Lối sống gạn đục khơi trong với óc chia rẽ bè phái, kỳ thị, loại trừ  của họ là cách sống cần phải loại bỏ. Đức Giêsu đã đến để đánh đổ óc biệt phái ấy.

Như thế, những kẻ bị họ cho là xấu xa, tội lỗi được trở thành bạn hữu của Người. Người nhìn tất cả mọi người bằng ánh mắt thông cảm và yêu thương. Trong cái nhìn ấy, mọi hàng rào của bạn và thù, của người tốt kẻ xấu đều bị tháo gỡ, mọi người đều là anh em của nhau. Thánh Phaolô đã minh chứng trong bài đọc I: “Nhưng ngày nay, sự công chính của Thiên Chúa đã được thể hiện mà không cần đến Luật Môsê. Điều này, sách Luật và các ngôn sứ làm chứng. Quả thế, người ta được Thiên Chúa làm cho nên công chính nhờ lòng tin vào Đức Giêsu Kitô. Tất cả những ai tin đều được như thế, bất luận là ai.” (Rm 3, 21-22).

Lạy Chúa! Xin cho chúng con biết nhìn nhận người anh em bằng chính cái nhìn của Chúa, để dù sống giữa xã hội với những nguyên tắc luật lệ, phân biệt bạn và thù, thì chúng con vẫn có cái nhìn khoan dung của Chúa. Xin cho chúng con trở thành cánh tay nối dài của Chúa, để bàn tay chúng con luôn đưa ra mà giải hòa, san sẻ, xóa đi những kỳ thị, làm cho thế giới này tươi đẹp và gần nhau hơn. Amen.

Én Nhỏ

Sống chan hòa yêu thương và giúp đỡ mọi người (13.10.2016)

Hiểu biết Kinh Thánh là điều mà mọi người đều mong muốn, nhưng không phải ai cũng có thể sở hữu Sách Thánh và được huấn luyện để hiểu. Vì thế, dân chúng phải trông chờ vào các Luật sĩ để đọc và giải thích ý nghĩa của Kinh Thánh cho họ. Nhưng các Luậ sĩ nhiều khi vì tư lợi, họ cũng chẳng muốn cho dân chúng hiểu. Họ muốn trở thành những người duy nhất sở hữu và giải thích Kinh Thánh theo cách họ mong muốn. Cai trị những ngu dân dễ dàng hơn cai trị những người hiểu biết. Họ sợ một khi dân chúng hiểu biết, họ sẽ mất hết các đặc quyền, đặc lợi.

Các luật sĩ là những người hiểu biết luật lệ Kinh Thánh. Họ được coi là những người lãnh đạo dân chúng vì họ nắm giữ “chìa khóa của sự hiểu biết”. Thế nhưng thay vì phục vụ, hướng dẫn người khác, họ đã sử dụng sự hiểu biết để bắt người khác phục vụ mình.

Còn chúng ta, một cách nào đó, ai trong chúng ta ít nhiều cũng có trách nhiệm hướng dẫn kẻ khác. Cuộc sống hiện tại của chúng ta cần phải sáng tỏ để người khác có thể nhận ra chân lý đức tin mà noi theo. Trong cách cư xử hằng ngày, chúng ta cũng phải ý thức sống thế nào để kẻ khác nhìn vào mà ngợi khen Thiên Chúa là Cha của chúng ta và nhận ra chúng ta là anh chị em với nhau.

Chúa là cùng đích đời con

Cho con sự sống, cho con ơn lành

Với bao ước nguyện hoàn thành

Bến bờ hạnh phúc luôn dành chờ con

*

Con xin ghi dạ sắt son

 Phụng thờ Thiên Chúa, đâu còn gì hơn

Có Chúa vững bước chẳng sờn

Quên đi gian khổ giận hờn thương đau

*

Thời gian thấm thoát qua mau

Đêm qua, ngày tới, trời màu xanh tươi

Yêu thương tất cả mọi người

Tận tâm phục vụ cho đời hoan ca

*

Ngợi ca Tình Chúa bao la

Nhân từ thương xót, chan hòa tình thương

Chúa dạy con phải đúng đường

Kính mến Thiên Chúa, yêu thương mọi người

*

Tim con rực lửa sáng ngời

Cháy lên lòng mến, vang lời thiết tha

Ngày mai hội ngộ hoan ca

Thiên Đàng hạnh phúc mãi là niềm vui

       Lạy Chúa! Chúa là nguồn bình an, là niềm hạnh phúc cho tâm hồn. Xin Chúa cho chúng con biết say mê tìm kiếm Chúa, biết dùng những khả năng Chúa ban để phụng sự Chúa và hăng say làm cho nhiều người khác hiểu biết và yêu mến Chúa hơn. Amen.

HOÀI THANH

Nợ máu các ngôn sứ

“Thế hệ này sẽ bị đòi nợ máu tất cả các ngôn sứ đã đổ ra từ tạo thiên lập địa, từ máu ông A-ben đến máu ông Da-ca-ri-a, người đã bị biết giữa bàn thờ và Thánh Điện.” (Lc 11,50-51)

Suy niệm: Cái chết của A-ben, người công chính đầu tiên bị sát hại bởi chính anh ruột mình được Chúa Giê-su kể như cái chết của một ngôn sứ. Là ngôn sứ, không nhất thiết phải là những nabi (ngôn sứ “chuyên nghiệp”) của Do thái thời xưa. Cũng không nhất thiết phải rao giảng như I-sai hay Ê-dê-ki-en, mà nguyên đời sống công chính thánh thiện, như A-ben, đã đủ là một lời ngôn sứ đích thực có giá trị rồi. Mặt khác, các ngôn sứ bị bách hại bằng nhiều thể cách. Không đợi đến khi ném đá, chém đầu các ngài người ta mới là kẻ giết các ngôn sứ, mà người ta đã tham gia bách hại và “bị đòi nợ máu các ngôn sứ” khi từ chối lắng nghe những lời mời gọi sống công chính.

Mời Bạn: Một người làm một điều tốt, bạn hoặc những người khác châm chọc chế diễu, có khi chỉ vì vô tình hoặc để mua vui. Có thể bạn không ngờ mình đang “bách hại” hoặc đang “xây mộ” cho người “bạn ngôn sứ” ấy. Hoặc có khi nào bạn cảm thấy tức tối khi cuộc sống công chính của ai đó trở thành lời tố giác lối sống bê bối của mình?

Chia sẻ: Bạn chia sẻ về một ai đó làm một việc gì đó mà bạn cho là có tính cách ngôn sứ, nghĩa là có thể chuyển đạt cho mình lời của Thiên Chúa.

Sống Lời Chúa: Tập đón nhận điều tốt cách thành tâm: người làm điều tốt, ta khen ngợi, noi theo; người nhắc nhở sửa lỗi cho ta, ta nhìn nhận khuyết điểm và sửa chữa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con tâm hồn biết phục thiện sẵn sàng đón nhận lời người khác sửa lỗi cho con.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *