Người Công Giáo Việt Nam mong muốn công lý cho Cha Thanh, vị linh mục tử đạo

1. Người Công Giáo Việt Nam mong muốn công lý cho Cha Thanh, vị linh mục tử đạo

Cha Giuse Trần Ngọc Thanh, một tu sĩ dòng Đa Minh, đã bị giết vào ngày 29 tháng Giêng, vào một đêm trước Tết Nguyên đán.

Sau cái chết của ngài, những người Công Giáo Việt Nam đang đòi công lý và muốn biết lý do tại sao ngài bị sát hại. Họ cũng tìm kiếm sự tha thứ cho kẻ sát nhân bởi vì, như Phúc âm của Chúa Kitô đã dạy, người ta không phản ứng bằng bạo lực đối với những tội ác bạo lực, dù tàn bạo đến đâu.

Ngoài ra, những người Công Giáo ở Việt Nam không muốn một người Công Giáo khác bị giết vì những gì họ tin rằng một âm mưu được chuẩn bị và thực hiện như một phát súng cảnh cáo, nhằm ngăn cản những người truyền giáo Công Giáo làm việc ở khu vực Tây Nguyên của đất nước.

Tuy nhiên, sự tha thứ đòi hỏi phải có công lý.

Tha thứ theo đúng nghĩa của từ này chính xác đòi phải có công lý và đứng vững hay thất bại tùy thuộc có công lý hay không. Đây là lý do tại sao Thánh Phaolô ngạc nhiên trước sự khôn ngoan của Thiên Chúa thể hiện nơi Chúa Kitô:

Rôma 3: 25-26: Thiên Chúa đã đặt Người làm nơi xá tội nhờ máu của Người cho những ai có lòng tin. Như vậy, Thiên Chúa cho thấy Người là Đấng Công Chính. Trước kia, trong thời Thiên Chúa nhẫn nại, Người đã bỏ qua các tội lỗi người ta phạm. Nhưng bây giờ, Người muốn cho thấy rằng Người vừa là Đấng Công Chính, vừa làm cho kẻ tin vào Đức Giêsu được nên công chính

Để Thiên Chúa luôn là công minh, và vẫn xá tội cho những người tội lỗi, thì công lý phải được đáp lại. Câu trả lời đó đã được đưa ra trên thập tự giá, nơi Chúa Kitô đã trả giá đầy đủ cho tội lỗi của chúng ta. Công lý của Thiên Chúa sẽ không bị tổn hại. Các yêu cầu của Luật thánh của Ngài phải được đáp ứng. Thiên Chúa không chỉ nói, “mặc kệ đi, chúng ta hãy quên điều đó đi.” Không. Không thể được.

Các tín hữu vẫn còn bị chấn động bởi cái chết đầy bạo lực của vị linh mục trẻ bị giết trong khi thực hiện bí tích hòa giải và mong muốn được thấy một số điều sáng tỏ về những chi tiết bí ẩn xung quanh biến cố.

Kể từ khi ngài được chôn cất, mộ của ngài đã trở thành một nơi hành hương, bởi các tín hữu Công Giáo và cả những người khác, đến để tỏ lòng thành kính tưởng nhớ ngài.

Thứ Hai tuần trước, Cha Toma Aquino Nguyễn Trường Tam, Bề trên Giám tỉnh Dòng Đa Minh, bày tỏ sự ủng hộ đối với thân nhân của linh mục, và gặp gỡ nhóm luật sư giúp họ.

Các nhà lãnh đạo Đa Minh, cùng với Giáo phận Kontum, đang cân nhắc việc chỉ định một nhà tư vấn có nhiệm vụ chuẩn bị tóm tắt cho các điều tra viên phụ trách vụ án.

Được thụ phong vào năm 2018, vị giáo sĩ vừa qua đời đã đến giáo xứ Đắk Mót một năm sau đó, ngài đảm nhận chức vụ phó xứ.

Tang lễ của ngài được tổ chức vào ngày 31 tháng Giêng tại tu viện Thánh Martinô ở Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, và hài cốt của ngài đã được an táng trong khuôn viên của tu viện Đa Minh địa phương.

Phát biểu với AsiaNews, Cha Toma Aquino nhấn mạnh rằng nhà Dòng muốn cuộc điều tra về vụ giết hại linh mục phải hoàn toàn minh bạch, hy vọng rằng “một phiên tòa mở sẽ sớm được tiến hành”.

Đồng thời, ngài mong muốn công lý và luật pháp Việt Nam được thực thi theo “tinh thần Công Giáo” vì “chúng tôi không muốn trả thù” hay “máu của người khác” cũng như không muốn các đền bù vật chất.

“Chúng tôi chỉ muốn biết những lý do khiến kẻ giết người phải cầm dao; mục đích là để ngăn chặn bạo lực tiếp tục. Tất cả chúng ta sẽ tha thứ cho anh ta”.

Ghi nhớ tinh thần “nhân hậu, khiêm tốn, siêng năng, thánh thiện” của vị linh mục bị sát hại, vị Giám Tỉnh dòng Đaminh cho biết nhà Dòng đã nhận được nhiều tin nhắn chia buồn và gần gũi từ các dòng tu khác. Theo quan điểm của ngài, “Cái chết của Cha Thanh là một cuộc tử vì đạo.”

Thi thể của vị giáo sĩ bị sát hại hiện nằm gần tượng Đức Mẹ Đồng Trinh, trên một ngọn đồi, với dòng người không ngừng, người Công Giáo và người không Công Giáo, đến thắp hương và cầu nguyện trước mộ của ngài.

“Tôi rất xúc động và bồi hồi khi được cầu nguyện trước mộ của Cha Thanh,” anh Giuse Phan, một người Công Giáo đến từ Sàigòn, nói với AsiaNews. “Nhiều người đang xếp hàng trong im lặng. Mọi người dường như cảm nhận được tình yêu và lòng dũng cảm của nhà truyền giáo đến từ Tây Nguyên.”

Những người khác có hoặc không có đức tin cũng đã đến để cầu nguyện và đặt hoa. Một nhóm mang theo một tờ giấy ghi: “Chúa là tình yêu. Tôi là một người vô thần, nhưng tôi đến đây để bày tỏ lòng kính trọng đối với Cha Giuse”.

Ở nước ngoài, hàng trăm nhà sư cũng đã cầu nguyện cho linh hồn của ngài, phù hợp với tập tục của Phật giáo, trước bàn thờ. Một bức ảnh về buổi cầu nguyện được đăng tải trên mạng ngay lập tức lan truyền nhanh chóng, gây xúc động cho các tín hữu Công Giáo và cả những người ngoài Công Giáo.


Source:Asia News

2. Ukraine hoan nghênh Vatican đứng ra làm trung gian hòa giải với Nga, và muốn Đức Giáo Hoàng sớm đến thăm quốc gia này

Hôm thứ Bẩy, Úc đã quyết định rút toàn bộ sứ quán khỏi Ukraine vì tình hình được cho là đáng báo động. Ngoại trưởng Hoa Kỳ là ông Antony Blinken, đang ở thăm Úc, đã lên đường về nước. Ông cho rằng “Nga có thể tấn công Ukraine bất cứ lúc nào, một khả năng thương thảo đã bế tắc”.

Trong bối cảnh đó, Ukraine đã yêu cầu Tòa Thánh làm trung gian hòa giải trong cuộc xung đột với Nga và muốn Đức Thánh Cha Phanxicô đến thăm càng sớm càng tốt, ngay cả trong tình hình hiện tại. Tân đại sứ của Ukraine cạnh Tòa thánh đã cho biết như trên hôm thứ Hai.

Phát biểu với Reuters trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại, Andriy Yurash, cho biết Vatican đang xem xét phản ứng của mình đối với lời mời đến thăm từ các quan chức chính trị và Giáo Hội Công Giáo ở Ukraine.

Yurash, 53 tuổi, lưu ý rằng tháng 4 năm ngoái, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy nói với một tờ báo Ý rằng Vatican sẽ là một địa điểm lý tưởng để đàm phán chấm dứt chiến tranh ở vùng Donbass, miền đông Ukraine, bắt đầu từ năm 2014.

Yurash lặp lại lòng mong mỏi của Ukraine muốn Vatican đứng ra làm trung gian hòa giải trong bối cảnh quốc tế đang bế tắc về việc Nga triển khai hơn 100,000 quân gần Ukraine. Cho đến nay, Nga tiếp tục phủ nhận việc lên kế hoạch cho một cuộc xâm lược nhưng nhiều nước phương Tây âu lo một cuộc xâm lược đang gần kề và đã yêu cầu công dân của họ di tản.

“Theo tôi hiểu, Vatican sẽ sẵn sàng và vui mừng tạo khả năng này để gặp gỡ các nhà lãnh đạo của cả hai bên,” Yurash, cựu Vụ trưởng Vụ Tôn giáo và Dân tộc tại Bộ Văn hóa Ukraine cho biết.

“Ukraine hoàn toàn ủng hộ việc dùng Vatican làm địa điểm thương thảo vì tầm ảnh hưởng, và giá trị tinh thần của Tòa Thánh đối với cuộc họp. Nếu Nga xác nhận ý muốn ngồi vào bàn, ngay lập tức Ukraine sẽ đáp trả theo hướng tích cực”, ông nói.

Vatican đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận.

Trong những thập kỷ gần đây, Vatican đã tham gia vào các cuộc hòa giải giữa các phe phái ở Nam Sudan, giữa Chí Lợi và Á Căn Đình về tranh chấp lãnh thổ và cũng làm trung gian hòa giải giữa Cuba và Hoa Kỳ.

Ukraine chủ yếu theo Chính Thống Giáo nhưng khoảng 10% dân số thuộc Giáo Hội Công Giáo Đông phương, sử dụng các nghi thức tôn giáo Byzantine nhưng trung thành với Rôma.

Vào năm 2018, Giáo Hội Chính thống Ukraine đã tách ra làm hai, với một bên tuyên bố độc lập khỏi Giáo Hội Chính thống Nga và một bên giữ quan hệ với Mạc Tư Khoa.

Đại sứ mới được bổ nhiệm đã lặp lại lời mời thường trực của các nhà lãnh đạo Công Giáo và chính trị của Ukraine mong muốn Đức Giáo Hoàng đến thăm.

Ông nói: “Tất cả các nhà lãnh đạo thế giới đều nên đến thăm Ukraine. Một chuyến Tông đồ của Đức Giáo Hoàng sẽ có tác động rất lớn đối với sự phát triển của tình hình.”

“Ukraine sẽ rất vui khi được gặp Đức Giáo Hoàng ngay cả trong hoàn cảnh hiện nay vì chúng tôi hoàn toàn chắc chắn rằng chúng tôi đang kiểm soát biên giới của mình. Chúng tôi đang kiểm soát tình hình bên trong đất nước và chúng tôi sẽ sẵn sàng bảo vệ tất cả mọi người”, ông nói.

Mạc Tư Khoa đang thúc ép yêu cầu các bảo đảm từ Hoa Kỳ và NATO, bao gồm việc ngăn chặn Ukraine gia nhập NATO, hạn chế triển khai tên lửa gần biên giới Nga và thu nhỏ cơ sở hạ tầng quân sự của NATO ở Âu Châu lên mức 1997.

Washington coi nhiều yêu cầu của Nga là không khả thi nhưng đã thúc đẩy Điện Kremlin thảo luận chung với Washington và các đồng minh Âu Châu.


Source:Reuters

3. Các cử hành Phụng Vụ của Đức Thánh Cha trong tháng Ba

Hôm 14 tháng Hai, Tòa Thánh đã công bố các các cử hành Phụng Vụ của Đức Thánh Cha Phanxicô trong tháng Ba.

Sinh hoạt thứ nhất là vào ngày thứ Tư 2 tháng Ba, Đức Thánh Cha sẽ cử hành thứ Tư Lễ Tro, bắt đầu vào lúc 4g30 chiều tại nhà thờ Thánh Anselmo.

Theo truyền thống phụng vụ có từ thế kỷ thứ 7, ngày Thứ Tư Lễ Tro là một ngày quan trọng, và không một lễ nào có thể vượt lên trên. Người ta cũng gọi ngày này là “Ðầu Mùa Chay”. Việc ăn chay trong Mùa này đã có từ thời Ðức Giáo Hoàng Gregoriô Cả vào cuối thế kỷ thứ Sáu.

Những Quy luật tổng quát của Năm phụng vụ nói về ngày Thứ Tư Lễ Tro như sau: “Mùa Chay bắt đầu từ Thứ Tư Lễ Tro và kết thúc ngay trước Thánh lễ Tiệc Ly. Ngày Thứ Tư đầu Mùa Chay có xức tro; ngày đó khắp nơi ăn chay”. Lời chỉ dẫn này cho chúng ta biết ý nghĩa của Ngày Thứ Tư Lễ Tro trong Năm phụng vụ, cũng như trong suốt Mùa Chay thánh. Với Thứ Tư Lễ Tro, Giáo hội bắt đầu Mùa Chay Thánh.

Thông thường, vào lúc 16:30 ngày thứ Tư lễ Tro, Đức Thánh Cha chủ sự cuộc rước thống hối từ nhà thờ Thánh Anselmo của dòng Biển Đức đến Vương cung Thánh Đường Thánh nữ Sabina của dòng Đa Minh trên đồi Aventino ở Rôma.

Trên quãng đường dài 500 mét, các vị vừa đi vừa hát kinh cầu các thánh, và thánh ca thống hối.

Tại Vương cung Thánh Đường thánh nữ Sabina, có từ thế kỷ thứ 5, Đức Thánh Cha sẽ chủ sự thánh lễ đồng tế với nghi thức xức tro, cùng với các Hồng Y và Giám Mục, trước sự tham dự của các linh mục tu sĩ nam nữ và giáo dân, đặc biệt là các vị lãnh đạo Hội Hiệp sĩ Malta.

Năm ngoái, do tình trạng đại dịch coronavirus, tất cả những nghi lễ này phải hủy bỏ. Năm nay, truyền thống này được tái tục.

Sinh hoạt thứ hai là vào ngày thứ Sáu 4 tháng Ba, Đức Thánh Cha sẽ chủ sự công nghị Hồng Y bình thường để phê chuẩn một số án tuyên thánh.

Sinh hoạt thứ ba là vào ngày thứ Sáu 25 tháng Ba, lúc 5g chiều Đức Thánh Cha sẽ cử hành sáng kiến 24 giờ cho Chúa tại Đền Thờ Thánh Phêrô.

Sáng kiến 24 giờ cho Chúa là một sáng kiến được tổ chức bởi Hội đồng Giáo hoàng Cổ vũ Tân Phúc Âm hóa, và được tổ chức hàng năm vào ngày Thứ Sáu và Thứ Bảy trước Chúa Nhật thứ Tư Mùa Chay.

Theo sáng kiến này, ít nhất một nhà thờ ở mỗi giáo phận trên khắp thế giới sẽ được mở cửa trong 24 giờ liên tục. Các tín hữu được khuyến khích lãnh nhận Bí tích Hòa giải và cầu nguyện trong sự kết hiệp thiêng liêng với Đức Thánh Cha.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã gọi sáng kiến này là “một khoảng khắc cầu nguyện quan trọng trong Mùa Chay” và là một cơ hội tốt để đi xưng tội.

“Tôi khuyến khích các tín hữu kín múc một cách chân thành lòng thương xót của Chúa trong việc đi xưng tội và cầu nguyện đặc biệt cho những người đau khổ vì đại dịch này.”

Đối với những người không thể tham gia trực tiếp vào sáng kiến 24 giờ cho Chúa, Đức Thánh Cha Phanxicô nói ngài chắc chắn họ sẽ có thể trải nghiệm “khoảnh khắc sám hối này qua lời cầu nguyện cá nhân.”


Source:Holy See Press Office

4. Linh mục đòi công lý cho người anh em linh mục của mình
Các quan chức chính phủ Việt Nam đã nói rằng người đàn ông đã sát hại dã man Linh mục Giuse Trần Ngọc Thanh vào ngày 29 tháng Giêng là “tâm thần không ổn định”. Nhưng Cha Antôn Đặng Hữu Nam, Giáo phận Vinh, không tin đó là động cơ thực sự của Nguyễn Văn Kiên, kẻ sát nhân. Ngài đòi công lý cho Cha Giuse Thanh. Như hầu hết những người Công Giáo Việt Nam, ngài lo sợ rằng vụ giết người có thể nhằm mục đích cảnh báo, nhằm ngăn cản những nhà truyền giáo Công Giáo đến làm việc tại khu vực Tây Nguyên của đất nước.

Cha Antôn Đặng Hữu Nam được biết đến rộng rãi với công chúng vì đã lên tiếng phản đối việc phá hủy môi trường và lạm dụng nhân quyền ở Việt Nam. Năm 2016, khi làm chánh xứ Tân Yên. Cha Antôn Đặng Hữu Nam đã giúp những người dân có cuộc sống và sinh kế bị ảnh hưởng trực tiếp bởi việc đổ chất thải độc hại được cho là do công ty Đài Loan Formosa Plastics Group ở miền Trung Việt Nam gây ra, đệ trình 506 đơn kiện chống lại công ty này. Các yêu cầu bồi thường đã bị tòa án địa phương bác bỏ và các nguyên đơn liên tục bị quấy rối, đe dọa và tấn công thể lý. Cha Antôn Đặng Hữu Nam cũng bị côn đồ của chính phủ rình rập và hành hung.

Giáo dân đã nhiều lần ra tay cứu giúp, và bề trên của ngài, lúc đó là Đức Cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp đã từ chối áp đặt các hạn chế đối với Cha Antôn Đặng Hữu Nam theo yêu cầu của nhà cầm quyền tỉnh Nghệ An, cho phép Antôn Đặng Hữu Nam tiếp tục đấu tranh đòi công lý cho các nạn nhân của vụ đổ hóa chất và sau đó là cái chết thương tâm của 39 nạn nhân, nhiều người đến từ giáo phận của ngài vào ngày 23 tháng 10 năm 2019 tại Anh khi bị các nhóm buôn người đưa lậu vào Anh.

5. Nhật ký trừ tà số 177: Địa ngục của sự cố chấp, không tha thứ

Đức Ông Stephen Rossetti là một linh mục ở Giáo phận Syracuse, phó giáo sư nghiên cứu tại Đại học Công Giáo Hoa Kỳ và tích cực tham gia vào mục vụ trừ tà trong 13 năm qua. Trên trang web catholicexorcism.org, ngài vừa có bài viết nhan đề “Exorcist Diary #177: The Hell of Unforgiveness”, nghĩa là “Nhật ký trừ tà số 177: Địa ngục của sự cố chấp, không tha thứ”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Giữa cuộc trừ tà, K bắt đầu kêu lên, “Tôi không thể thoát ra được! Anh ta không cho tôi ra ngoài”. Tôi hỏi, “Anh ta là ai?” Cô ấy trả lời, “Baphomet.” Cô ấy nói thêm, “Anh ấy nói rằng tôi đã phá thai và cổng địa ngục đã khóa lại.”

Baphomet là tên của một con quỷ được được các nhóm thờ Satan tôn thờ, sau đó được kết hợp vào nhiều truyền thống huyền bí và ma thuật khác nhau. Cái tên Baphomet xuất hiện trong các bản cáo trạng của Tòa án Dị giáo bắt đầu từ năm 1307. Nó lần đầu tiên được sử dụng phổ biến trong tiếng Anh vào thế kỷ 19 trong các tường trình liên quan đến các nhóm thờ Satan.

K đã phá thai nhiều năm trước và những con quỷ bây giờ đang sử dụng tội lỗi của cô ấy để chống lại cô ấy. Cô khóc nức nở nói rằng những con quỷ đang khiến cô cảm thấy, về mặt tình cảm và thể chất, giống như cô đang trải qua lần phá thai một lần nữa.

Hết lần này đến lần khác, cha cô nói với cô rằng cô đã được tha thứ. Ông nói yêu thương cô ấy và đã tha thứ cho cô ấy. Tôi nói với cô ấy rằng Chúa Giêsu đã tha thứ cho cô ấy và Thập tự giá của Chúa Kitô đã mở tung các cánh cổng. Nhưng, trong địa ngục, cô không thể nghe thấy điều đó. Cô ấy liên tục nói rằng cổng đã bị khóa và cô ấy không thể ra ngoài. Cô ấy đang hoảng sợ.

Khi ma quỷ xuất hiện, người đau khổ thường cảm thấy những gì ma quỷ cảm thấy và thường trải nghiệm thế giới đen tối của chúng. Vì vậy, họ trải nghiệm các khía cạnh của địa ngục. K đã ở trong địa ngục khi phải đối mặt với sự tàn phá của tội lỗi và sự vô vọng của cảm giác không được Chúa tha thứ. Cô ấy đang ở nơi khốn nạn đời đời.

Cả cha cô và tôi đều cảm thấy bất lực trong việc cố gắng thuyết phục cô ấy nhìn theo cách khác. Trong khi cô ấy đang ở trong “địa ngục” của mình, chúng tôi không thể. Thay vào đó, chúng tôi phải cố gắng vượt lên trước trong các phiên trừ tà, bất chấp những tiếng kêu la và hoảng sợ của cô ấy, và đuổi quỷ càng nhanh càng tốt. Một lễ trừ tà là một thứ rất gian nan.

Vào cuối buổi trừ tà, K quay trở lại với chúng tôi và lũ quỷ đã biến mất, ít nhất là tạm thời. Những lời đầu tiên của cô ấy là, “Tôi muốn đi xưng tội.” *

Kinh nghiệm của K có điều gì đó muốn nói với tất cả chúng ta. Hãy thú nhận tội lỗi của bạn khi bạn vẫn còn thời gian. Trong địa ngục, thời gian đã qua.

*K nói với cha cô rằng cô đã thú nhận tội lỗi trước đây nhưng muốn đi xưng tội lần nữa. Mặc dù những tội lỗi đã thú nhận thực sự được xóa bỏ trước mắt Chúa, nhưng kinh nghiệm của tôi với tư cách là một nhà trừ tà là ma quỷ quan sát hành vi tội lỗi trong quá khứ của chúng ta và có thể chế nhạo chúng ta, cố gắng khiến chúng ta tin rằng chúng ta không được tha thứ hoặc không thể thứ tha. Đây lại là một lời nói dối khác của ma quỷ.


Source:Catholic Exorcisms

6. Đức Giáo Hoàng tái cấu trúc Bộ Giáo Lý Đức Tin, cung cấp các tài nguyên để xử lý các trường hợp lạm dụng

Mục đích của cuộc cải cách là dành tầm quan trọng thích đáng cho phần giáo lý của Bộ Giáo lý Đức tin, và vai trò cơ bản của Bộ này trong việc thúc đẩy đức tin.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã sửa đổi cấu trúc nội bộ của Bộ Giáo lý Đức tin, gọi tắt là CDF, bằng cách thiết lập hai phần riêng biệt, một phần giáo lý và một phần kỷ luật, mỗi phần có thư ký riêng. Bây giờ, Đức Hồng Y tổng trưởng của Bộ sẽ có hai cấp phó. Vị tổng trưởng hiện nay là Đức Hồng Y Luis Francisco Ladaria Ferrer, 77 tuổi.

Những thay đổi được nêu ra trong một Tông Thư dưới dạng Tự Sắc có tiêu đề Fidem Servare, nghĩa là “Gìn Giữ Đức Tin” (xem 2 Timôthê 4: 7).

Mục đích của cuộc cải cách là nhằm nâng cao tầm quan trọng của phần giáo lý và vai trò cơ bản của Bộ Giáo Lý Đức Tin trong việc quảng bá đức tin, mà không làm giảm hoạt động kỷ luật của hội thánh. Điều này xảy ra sau nhiều thập kỷ, trong đó rất nhiều nỗ lực và nhân lực đã được đưa ra để xem xét các trường hợp lạm dụng tính dục của hàng giáo sĩ. Với cấu trúc mới, mỗi bộ phận, với một thư ký riêng, sẽ có quyền hạn và quyền tự chủ cao hơn.

CDF hiện có khoảng 50 nhân viên.

Phục Vụ Kho Tàng Đức Tin

Đức Thánh Cha Phanxicô giải thích trong Tự Sắc Fidem Servare, “gìn giữ đức tin,” là “nhiệm vụ chính, cũng như tiêu chí cuối cùng phải tuân theo trong đời sống của Giáo hội”.

Phần Giáo lý “giải quyết các vấn đề liên quan đến việc quảng bá và bảo vệ giáo lý đức tin và đạo đức. Phần này cũng thúc đẩy các nghiên cứu nhằm tăng cường sự hiểu biết và truyền tải đức tin nhằm phục vụ cho việc truyền bá phúc âm hóa, để ánh sáng Tin Mừng có thể là tiêu chuẩn để hiểu ý nghĩa của sự tồn tại nhân sinh, đặc biệt khi đối mặt với những câu hỏi đặt ra bởi sự tiến bộ của khoa học và sự phát triển của xã hội”. Nó cũng kiểm tra các tài liệu được xuất bản bởi các giáo phái khác, cũng như các bài viết và ý kiến “có vẻ có vấn đề đối với đức tin đúng đắn, khuyến khích đối thoại với các tác giả và đề xuất các biện pháp khắc phục phù hợp.”

Phần này cũng được giao nhiệm vụ nghiên cứu các câu hỏi liên quan đến các giáo hạt tòng nhân của các cựu thành viên Anh giáo; và sự quản lý của Văn phòng Hôn nhân, là cơ quan liên quan điều gọi là “privilegium fidei” hay “đặc ân Đức Tin” và xem xét việc giải thể các cuộc hôn nhân giữa hai người chưa được rửa tội hoặc giữa một người đã được rửa tội và một người chưa được rửa tội.

Privilegium fidei hay đặc ân đức tin nghĩa là gì?

Khi hôn phối được thành lập hữu hiệu thì tạo nên dây ràng buộc không thể tháo gỡ, bất kỳ là hôn phối được cử hành theo thể thức Công Giáo hay ngoài Công Giáo như của Tin Lành hay của người lương. Tuy nhiên trong một số trường hợp, hôn nhân có thể được tháo gỡ bởi “đặc ân Thánh Phaolô” hay “đặc ân Đức Tin”. Đặc ân Thánh Phaolô, được ban theo những nguyên tắc luật, tháo cởi dây hôn phối giữa hai người lương, nghĩa là giữa hai người không được rửa tội, khi một trong hai người ấy theo đạo Công Giáo. Đặc ân Đức Tin, được ban bởi Đức Giáo Hoàng, tháo cởi dây hôn phối mà ít nhất một trong hai người đã được rửa tội, ví dụ tháo cởi hôn nhân giữa hai người lương mà bên lương không chịu theo đạo, hoặc hôn nhân khác đạo đã cử hành hữu hiệu.

Đặc ân này có mục đích trợ giúp đức tin cho người tân tòng, dựa trên giáo huấn của Thánh Phaolô, trong thư thứ nhất gởi các tín hữu thành Côrintô:

Còn với những người khác, thì tôi nói, chính tôi chứ không phải Chúa: nếu anh em nào có vợ ngoại đạo mà người này bằng lòng ở với người ấy, thì người ấy đừng rẫy vợ. Người vợ nào có chồng ngoại đạo mà người này bằng lòng ở với người ấy, thì người ấy đừng bỏ chồng. Thật vậy, chồng ngoại đạo được thánh hóa nhờ vợ, và vợ ngoại đạo được thánh hóa nhờ người chồng có đạo. Chẳng vậy, con cái anh em sẽ là ô uế, trong khi thật ra chúng là thánh. Nếu người ngoại đạo muốn bỏ người kia, thì cứ bỏ; trong trường hợp đó, chồng hay vợ có đạo không bị luật hôn nhân ràng buộc: Thiên Chúa đã kêu gọi anh em sống bình an với nhau! Chị là vợ, biết đâu chị chẳng cứu được chồng? Hay anh là chồng, biết đâu anh chẳng cứu được vợ? (1Cr 7:12-16)

Các tội phạm liên quan đến giáo luật

Phần Kỷ luật xử lý các tội phạm được dành cho phán quyết của Bộ Giáo Lý Đức Tin, được xét xử bởi Tòa án Tông đồ Tối cao được thành lập tại Bộ này.

Phần này có nhiệm vụ “chuẩn bị và thực hiện các thủ tục được dự đoán trước bởi các quy tắc giáo luật để Thánh bộ, thông qua các văn phòng khác nhau của mình (Tổng trưởng, Thư ký, Chưởng lý, Công nghị, các Phiên họp thường lệ, và khoáng đại để xem xét các kháng cáo trong các vấn đề liên quan đến các graviora delicta, tức là các lỗi phạm nghiêm trọng, ngõ hầu có thể thúc đẩy một nền hành chính công bằng đúng đắn.”

Vì mục đích này, phần kỷ luật “thúc đẩy các sáng kiến đào tạo thích hợp,” được cung cấp cho các Giám mục và những luật gia, “nhằm thúc đẩy sự hiểu biết đúng đắn và áp dụng các quy tắc giáo luật liên quan đến thẩm quyền của mình.”

Theo thông tin từ I.MEDIA, bộ phận kỷ luật sử dụng khoảng 20 người và giải quyết hơn 1,000 trường hợp lạm dụng mới do các giáo sĩ thực hiện mỗi năm. Theo một nguồn tin nội bộ, vào năm 2020, khoảng 60% các trường hợp được cứu xét bởi bộ phận kỷ luật liên quan đến các hành vi lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên, và những trường hợp này chủ yếu đến từ các khu vực mà hiện tượng lạm dụng đã trở nên phổ biến hơn – như Bắc Mỹ, Mỹ Latinh và Âu Châu.

Tự Sắc được xây dựng dựa trên quá trình bắt đầu vào năm 2001

Bằng cách trao quyền tự chủ cho từng phần, Tự Sắc mới này tiếp tục một quá trình bắt đầu vào năm 2001, dưới triều đại giáo hoàng của Thánh Gioan Phaolô II, để đối phó theo luật pháp với cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục do các giáo sĩ gây ra.

Với Tự Sắc “Sacramentorum Sanctitatis Tutela”, nghĩa là “Bảo Vệ Các Bí Tích Thánh Thiện”, được công bố vào năm 2001, hành vi lạm dụng tình dục của một giáo sĩ đối với trẻ vị thành niên dưới 18 tuổi đã được CDF đưa vào danh sách các các lỗi phạm nghiêm trọng được giải quyết bởi CDF. Việc tập trung hóa các vụ việc ở Rôma là nhằm bù đắp cho những điểm yếu của các cơ quan tài phán địa phương.

Việc mở rộng nhiệm vụ của CDF được thúc đẩy bởi Đức Hồng Y Joseph Ratzinger, lúc đó là Tổng Trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin, Ngài đã xuất bản vào ngày 18 tháng 5, 2001, một bức thư có tựa đề Deophitis Gravioribus, nghĩa là “Về Những Tội Lỗi Nghiêm Trọng” đưa ra các quy tắc xử lý nghiêm minh của mình về những vấn đề này.

Đức Bênêđíctô XVI đã sửa đổi các điều khoản này vào năm 2010, đáng chú ý là ngài kéo dài thời hiệu tố cáo lên 20 năm, thay vì 10 năm như trước đó. Tội mua, sở hữu hoặc phân tán nội dung khiêu dâm trẻ em cũng được đưa vào danh sách các tội lỗi nghiêm trọng.

Những cải cách mới nhất của Đức Thánh Cha Phanxicô

Ngày 7 tháng 12 năm 2021, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cập nhật các quy tắc này, một vài tháng sau khi sửa đổi Quyển VI của Bộ Giáo luật, trong đó giới thiệu, trong số những điều khác, một điều khoản cụ thể về tội ác đối với trẻ vị thành niên.

Sự phát triển này theo sau hai Tự Sắc của Đức Giáo Hoàng Á Căn Đình, Vos estis lux mundi – 2019, bao gồm các quy tắc về trách nhiệm của các giám mục – và Come una madre amorevole – 2016.

Kho lưu trữ của Bộ Giáo Lý Đức Tin

Cuối cùng, Bộ Giáo Lý Đức Tin sở hữu một Kho lưu trữ để “bảo quản và tham khảo các tài liệu”, cũng là nơi lưu giữ các văn kiện lịch sử của thánh bộ trước đây.

Các quy định của Tông thư Fidem Servare có hiệu lực khi được công bố trên tờ Quan Sát Viên Rôma vào ngày 14 tháng 2 năm 2022. Văn bản của Tự Sắc sau đó sẽ được xuất bản trên Acta Apostolicae Sedis – Công báo Tòa Thánh.


Source:Aleteia

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *