Chúa Thánh thần tác động (21.10.2023 – Thứ Bảy Tuần XXVIII Thường Niên)

Chuỗi Kinh cầu nguyện trong cơn Đại dịch Covid-19

Lời Chúa: Rm 4,13.16-18 (năm lẻ), Ep 1,15-23 (năm chẵn), Lc 12,8-12


✠ Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca (Lc 12,8-12)

8 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng : “Thầy nói cho anh em biết : phàm ai tuyên bố nhận Thầy trước mặt thiên hạ, thì Con Người cũng sẽ tuyên bố nhận người ấy trước mặt các thiên thần của Thiên Chúa. 9 Còn ai chối Thầy trước mặt thiên hạ, thì sẽ bị chối trước mặt các thiên thần của Thiên Chúa.

10 “Bất cứ ai nói phạm đến Con Người, thì còn được tha ; nhưng ai nói phạm đến Thánh Thần, thì sẽ chẳng được tha.

11 “Khi người ta đưa anh em ra trước hội đường, trước mặt những người lãnh đạo và những người cầm quyền, thì anh em đừng lo phải bào chữa làm sao, hoặc phải nói gì, 12 vì ngay trong giờ đó, Thánh Thần sẽ dạy cho anh em biết những điều phải nói.”

Chúa Thánh thần tác động (21.10.2023)

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu tiếp tục khuyến khích các môn đệ phải can đảm rao giảng Tin Mừng, dù rằng khi làm việc này họ sẽ gặp rất nhiều khó khăn, nguy hiểm. Họ sẽ bị chống đối, bị bách hại đến phải hy sinh mạng sống, nhưng Chúa Giêsu nói các ông đừng sợ vì :

– Vua Chúa quan quyền chỉ có thể hại mạng sống ở trần gian của các môn đệ mà thôi, còn sự sống đời đời thì đã có Thiên Chúa gìn giữ.

– Vào ngày sau hết các môn đệ đã có Chúa Giêsu bênh vực để họ được cứu rỗi. Họ phải tin điều này, vì chỉ có Tin vào sự tha thứ thì họ mới được tha thứ. Nếu các ông không tin thì các ông đã từ chối được cứu rỗi, như vậy là tội phạm đến Thánh Thần. Ai phạm tội này sẽ không được tha thứ và phải chịu án phạt đời đời.

– Khi các môn đệ bị đưa ra trước quan quyền thì họ đừng lo lắng sẽ phải nói gì và nói thế nào, vì lúc đó đã có Thánh Thần ở với họ để bảo vệ họ và cho họ biết phải nói gì.

Ngày lễ Ngũ Tuần, các tông đồ đang trốn chui trốn nhủi vì sợ người Do Thái. Nhưng khi đã đón nhận Thánh Thần thì các ông đã “bung ra” để rao giảng tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô. Quả thực nếu không có Chúa Thánh Thần thì Tông đồ Phêrô, một dân chài lưới chất phác, không thể có bài giảng đầu tiên – Kêrygma – trong ngày áy và làm cho ngay ba ngàn người  theo đạo (x. Cv 2).

Bài giảng đầu tiên của Tông đồ Phêrô còn vang vọng mãi nơi miệng các thánh Tông đồ và những người được Chúa chọn sai đi rao giảng Tin Mừng Nước Trời.

Trong tiểu sử các thánh Tử đạo Việt Nam, chúng ta cũng thấy rất nhiều vị vốn là những dân quê ít học, nhưng khi bị bắt và bị các quan tra tấn dã man, bị hạch hỏi và bắt chối đạo, các ngài đã can đảm chịu cực hình giữ vững Đức Tin chứ không chịu “quá khoá”. Các ngài đã trả lời các câu hỏi một cách trôi chảy, đồng thời còn biện luận đanh thép để rao giảng Tin Mừng ngay tại công đường.

Làm sao một người đàn bà nhà quê như Thánh nữ Anê Thành, bị thả rắn vào ống quần, bị đánh đập tàn nhẫn, máu chảy thấm loang lổ áo mặc, mà có thể xác quyết mình đang mặc “áo hoa hồng” của Chúa ban ?

Chỉ có Chúa Thánh Thần mới làm được những việc như thế.

Kitô hữu trên đất nước này đang trong xã hội chủ trương duy vật vô thần, tôn sùng vật chất quá đáng. Về đại thể thì không còn chịu bách hại đạo một cách trực tiếp như thời các thánh xưa, nhưng vẫn có những nơi còn bị những hạn chế, chịu sự quấy rầy, nhũng nhiễu, nhất là ở các vùng sâu vùng xa. Hơn nữa chính sự lệch lạc về tâm linh và nền giáo dục vô thần làm cho giới trẻ tiêm nhiễm những quan niệm sống vụ lợi bất cận nhân tình đang tạo nên sự suy thoái về giá trị đạo đức, tôn giáo cho những thế hệ tương lai. Điều này rất nguy hiểm cho Giáo Hội và Kitô hữu, vì những quan niệm và cách suy nghĩ lệch lạc sẽ phát xuất từ ngay trong lòng cộng đoàn, từ đó làm Đức Tin Kitô hữu suy yếu và biến chất. Hiện tượng “bung” ra đua nhau xây dựng và khoe khoang các kiến trúc ngày to lớn quá nhu cầu phải chăng cũng là một biểu hiện lệch lạc ?

Muốn hạn chế những tác hại đó, từng bản thân người Kytô hữu, từng gia đình Công giáo phải can đảm học hỏi và sống Lời Chúa để rao giảng Tin Mừng cho gay bản thân và gia đình. Luôn nhớ Lời Chúa Giêsu “đừng sợ” vì những thiệt hại, mất mát sẽ xảy đến, nhưng đã có Chúa lo liệu cho. Chúa sẽ ban Thánh Thần để giúp người Kitô hữu làm được những việc tốt đẹp.

Lạy Chúa Giêsu, xin ban Chúa Thánh Thần xuống giúp chúng con :

– Vững vàng sống chứng nhân Đức Tin theo gương các anh hùng Tử Đạo là tiền nhân của chúng con bằng cách hàng ngày vác Thập giá mình mà theo Chúa, một lòng trung thành với Chúa và Hội Thánh.

– Can đảm mạnh bạo rao giàng Tin Mừng của Chúa bằng đời sống yêu thương, công bằng, bác ái. Biết tranh xa và từ chối những quyến rũ của xã hội đi ngược với giáo huấn của Chúa và hướng dẫn của Hội Thánh.

Jos. NM Tưởng

Tuyên xưng niềm tin vào Thiên Chúa qua việc sống đạo (15.10.2022)

Ghi nhớ:

“Phàm ai tuyên bố nhận Thầy trước mặt thiên hạ, thì Con Người cũng sẽ tuyên bố nhận người ấy trước mặt các thiên thần của Thiên Chúa”. (Lc 12, 8)

Suy niệm:

Trong một tu viện nọ, lúc đó đang bị quân đội Xô-Viết chiếm đóng. Một viên sĩ quan tìm đến vị tu viện trưởng, hắn nói:

Giờ đây, trong căn phòng này chỉ có ông và tôi thôi, không có người thú ba chứng kiến. Vậy ông hãy thành thật nói ra hết mọi sự. Hãy nói cho tôi biết rằng ông không tin vào Chúa, Mẹ, những lời ông rao giảng chỉ là trò bịp bợm mà thôi.

Vị tu viện trưởng trả lời

Không! Tôi không những tin có Chúa mà tôi còn phó thác tất cả mọi sự trong quyền năng của Ngài.

Chưa để cho Vị tu viện trưởng nói hết câu. Viên sĩ quan liền rút khẩu súng lục ra và dí vào thái dương của Vị tu viện trưởng mà quát:

Nếu ông không nói là ông chẳng tin vào Chúa Trời gì cả thì tôi sẽ bắn ông!

Không mảy may sợ sệt. Vị tu viện trưởng chậm rãi trả lời:

Dù cho ông có bắn thì tôi vẫn nói. Tôi tin tưởng và tín thác vào Thiên Chúa.

Nghe vậy, viên sĩ quan liền buông súng xuống và kêu lên rằng:

Đây là điều tôi trông đợi. Ông là một người mà tôi tìm kiếm. Giờ đây, tôi cũng thế, tôi tin vào Đức Giê-su Kitô.

Ngày nay, trên thế giới không còn việc trực tiếp cấm đạo nữa, nhưng dường như con người thời đại này lại đang chối bỏ Chúa.  Cụ thể là ở nhước ta. Nhìn về quá khứ, lúc mà đạo Công giáo mới truyền bá đến nước Việt Nam, Thời ấy có rất nhiều khó khăn; nào là khác biệt về ngôn ngữ, nào là  khác biệt về nhận thức nhân sinh quan…và còn một trở ngại rất lớn là các vua quan lại ra sức cấm đạo. Thế nhưng lạ lùng thay, thời ấy có rất nhiều người tự nguyện đi theo Chúa, thậm chí các ngài còn sẵn sàng chịu chết để minh chứng cho niềm tin của mình vào Thiên Chúa. Vì vậy đã có hơn 100.000 Ky-tô hữu chịu tử đạo dưới thời cai trị của các vua; Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức.

Như đã nói, tuy không còn bị cấm cách, song con người ngay nay mải mê đi tìm lạc thú trần gian, nên Đạo hay nói chính xác hơn là Chúa sẽ là vật cản khiến người ta không còn được tự do, thoải mái để đến với lạc thú nữa. Theo Đạo là theo Chúa, đồng nghĩa với phải từ bỏ, mà trước mắt họ chưa nhận được gì ngoài sự thiệt thòi! Một vị linh mục đi giảng Đạo, ngài có hỏi một người ngoài giáo rằng: “ Anh thấy Đạo Chúa có tốt đẹp không? “ Anh ta trả lời: “ Đạo Chúa rất tốt đẹp”. Nhưng khi vị linh mục đề nghị anh gia nhập thì anh liền từ chối với lý do là: “ Vào Đạo rồi thì tôi không còn được đi chơi bời nhăng nhít nữa!”. Con người thời nay với những tiến bộ vượt bậc của khoa học, của cai dư thừa, các phương tiện về vật chất đều phục vụ đời sống cách đặc lực nhất, vì thế con người ta trở nên thực dụng, họ đề cao hưởng thụ, ngại khó sợ khổ, vì vậy việc hãm mình, hy sinh, tiết chế bản thân là một việc họ không muốn chấp nhận. Họ không nhận thức được rằng cuộc sống hiện tại là một hành trình đi tìm hạnh phúc. Hạnh phúc đời này và nhất là hạnh phúc của đời sống vĩnh cửu mai sau. .

Chúa Giê-su xuống thế, đổ Máu Đào để chuộc tội cho loài người, nhưng điều kiện để con người  được hưởng ơn cứu rỗi là phải biết ăn năn thống hối, trở về cùng Chúa. Một khi đã thật lòng ăn năn sám hối thì nhờ công ơn Chúa cứu chuộc mọi tội lỗi, cho dù nặng nề đến đâu cũng vẫn được tha thứ. Nhưng nếu không sám hối ăn năn, thì tội lỗi của chúng ta sẽ không bao giờ được tha thứ. Sự ngoan cố, cứng lòng này đã phạm đến Chúa Thánh Thần, Bởi vì Thánh Thần là Đấng ban bảy ơn, để từ những ân sủng của Ngài mà ta biết đường trở về cùng Chúa, biết phải sám hối ăn năn! Nhưng nếu không nghe, từ chối sự mách bảo của Ngài mà không chịu hối cải thì tội lỗi sẽ không bao giờ được tha thứ: Nói tóm lại; Chúa Thánh Thần là Thầy dạy con người biết về chân lý, về sự thật có nghĩa là Ngài luôn thúc dục chúng ta tìm về cùng Thiên Chúa, nhưng nếu ta cố tình từ chối, ngoan cố phủ nhận mọi lời mời gọi của Ngài thì tội lỗi chúng ta sẽ không bao giờ được tha thứ; và ơn cứu độ sẽ không bao giờ đến được với chúng ta cho dầu Thiên Chúa là Đấng rất đại lượng và bao dung, thương yêu chúng ta vô cùng. Thánh Augustino đã nói: “ Tạo dựng nên con Chúa không cần con, nhưng để cứu độ con Chúa cần con phải hợp tác với Chúa.”

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Thánh Linh. Trước khi về trời Đức Giê-su đã ban cho nhân loại Thần Khí Chúa, để Ngài luôn hiện diện và soi sáng cho từng việc làm, lời nói và suy nghĩ của chúng con. Vậy mà chúng con thường quên đi sự hiện hữu của Ngài trong cuộc sống của mình. Chúng con hay lơ là, không để ý đến sự hướng dẫn khôn ngoan của Ngài. Vì để cho xác thịt hướng dẫn, chúng con đã không để Ngài làm chủ cuộc sống. Vậy giờ đâ,y xin đừng chấp tội chúng con, xin hãy tiếp tục nâng đỡ phù trì, bảo ban hướng dẫn để chúng con  có thể hoàn tất cách tốt đẹp cuộc hành trình trần gian mà về bên Chúa trên Nước Hằng Sống. Amen.

Sống Lời Chúa

Mỗi sáng khi vừa thức dậy Đọc kinh Chúa Thánh Thần dâng ngày mới lên Ngài.

Đaminh Trần Văn Chính.

Lửa mến tin… (16.10.2021)

Trình thuật Tin Mừng hôm nay mời gọi các Ki-tô hữu xác quyết một đức tin vào Thiên Chúa và một niềm hy vọng vững vàng vào quyền năng của Chúa Thánh Thần.

Qua đó, Chúa Giê-su nói các môn đệ hãy can đảm làm chứng tá cho Thiên Chúa giữa lòng thế gian, bất chấp những sự bách hại của các quyền lực trần thế, đó là điều kiện để được Chúa Cha trên trời đón nhận.

Chúa Giê-su bảo đảm chắc chắn rằng: Bất cứ ai tuyên xưng Ngài không chỉ bằng lời nói mà còn bằng cách sống trung thành với Giới răn Yêu Thương của Ngài trong cuộc sống hôm nay, thì Ngài sẽ không quên người ấy trong cuộc sống mai sau (x. Lc.12,8-9).

Sự khôn ngoan và sức mạnh phát xuất từ Chúa Thánh Thần sẽ làm cho đức tin của các tín hữa Chúa Ki-tô được trưởng thành, và đức tin đó sẽ thúc đẩy ta dám sống nhân đức anh hùng: Không sợ tai ương, ốm đau, dịch bệnh; không sợ gian khổ, thử thách, hoặc không sợ bắt bớ, tù đày, thậm chí dám chết cho đức Tin Tông truyền của Hội thánh Công giáo.

Lạy Chúa Thánh Thần, xin đốt nóng tâm hồn con bằng lửa mến     của Ngài để con luôn vững tin sống chứng nhân Tin Mừng Cứu Độ. Amen.

CÁT BIỂN

Thần Khải (17.10.2020)

Ngày 17.10: Lễ Nhớ Thánh I-nha-xi-ô An-ti-ô-khi-a, giám mục, tử đạo

Theo Bộ Giáo Luật 1983, điều 204,1; cũng như Hiến chế tín lý LG. 31:

“Các Ki-tô hữu là những người, được tháp nhập vào Đức Ki-tô nhờ phép Rửa Tội, được thiết lập thành dân Thiên Chúa, và do đó được tham dự, theo cách của mình, vào chức vụ tư tế, tiên tri và vương đế của Đức Ki-tô, được kêu gọi, tuỳ theo điều kiện riêng của mỗi người, để thực thi sứ vụ mà Thiên Chúa đã uỷ thác cho Hội Thánh phải hoàn thành trong trần gian”

Vì thế, người giáo dân mặc nhiên có “sứ mạng ngôn sứ” trong đời sống của mình. Sứ mạng ngôn sứ cũng đòi người giáo dân phải biết nói Lời của Thiên Chúa. Càng đặc biệt hơn đối với Giáo Dân Đa Minh, vì họ có đặc sủng của Dòng Đa Minh – chuyên nói Lời của Chúa – Cho dù không phải lúc nào cũng dễ dàng và thuận lợi khi nói Lời của Chúa; đa phần luôn gặp những khó khăn khước từ hoặc chống đối khi nói Lời của Chúa, thậm chí phải mất mạng khi nói Lời của Chúa.

Nhưng trong Phúc Âm hôm nay, Chúa Giê-su bắt đầu nói trước hết, là với các môn đệ; sau là nói với đám đông tụ họp hàng vạn người đừng lo lắng phải nói gì, làm gì khi bị đưa ra trước công đường vì Thánh Thần sẽ dạy cho anh em biết phải nói điều gì hay phải mạnh dạn tuyên xưng Chúa trước mặt người đời (x. Lc. 12,1; 8; 11-12).

Chắc chắn muốn được Thánh Thần dạy ăn nói ra làm sao, thì mỗi người phải được “thần khải”: Chuyên cần cầu nguyện, học hỏi và suy niệm Lời Chúa, mau mắn vâng nghe lời Người hướng dẫn thì Người mới nói thay cho chúng ta được.

Nhìn vào cuộc sống của các thánh, ta cũng thấy rằng, các ngài cũng rất đỗi bình thường như mỗi người chúng ta. Các ngài luôn chu toàn những bổn phận làm con Chúa và để mọi thứ trong cuộc sống diễn ra theo một tiến trình bình thường. Đời sống các thánh luôn tùy thuộc vào ý muốn của Chúa trên cuộc đời các ngài. Ý muốn đó tạo cho các thánh nhân làm chủ bản thân mình trong sự dâng hiến hoàn toàn cho Chúa định, hay nói cách khác là các ngài luôn để cho Thánh Thần Chúa tác động và dẫn dắt cuộc đời mình.

Lạy Chúa, xin cho con biết can đảm làm chứng cho Chúa trong xã hội hôm nay và xin cho con luôn vững tin chính Chúa Thánh Thần hằng ở với con, luôn hướng dẫn con biết phải nói gì, làm gì. Amen.

CÁT BIỂN

Tuyên xưng đức tin (19.10.2019)

Trong Tin Mừng hôm nay, Đức Giê-su khẳng định với các tông đồ rằng hễ ai tuyên xưng nhìn nhận Người là Thiên Chúa – Đấng Cứu Độ trần gian – trước mặt người đời; tuyên xưng một cách công khai không e dè, sợ hãi thì Người cũng sẽ xưng nhận họ trước mặt các thiên thần của Thiên Chúa như vậy và còn hơn thế nữa. Nghĩa là đến ngày cánh chung, chắc chắn họ sẽ được lãnh nhận hạnh phúc Nước Trời.

Thật vậy, lịch sử Giáo hội đã minh chứng cho ta thấy vô vàn gương sáng các thánh tử đạo trải qua mọi thời, mọi nơi. Bằng nhiều cách khác nhau, nhưng chung quy các ngài đã sẵn lòng chịu muôn vàn khổ hình, chịu chết vì đức tin vào Thiên Chúa.

Ngày nay, với sức mạnh của các phương tiện truyền thông hiện đại như: điện thoại, mạng xã hội, thư điện tử… chính là con dao hai lưỡi vì nó có sức xây dựng cũng lớn mà khả năng phá đổ huỷ diệt cũng khủng khiếp.

Con người có thể ứng dụng tính ưu việt của nó để tuyên xưng danh Chúa trước mặt người đời, và loan báo Tin Mừng Cứu Độ cho muôn dân. Nhưng con người cũng có thể lệ thuộc nó để rồi chối bỏ đức tin, chống phá Giáo hội Chúa Ki-tô.

Ki-tô hữu ngày nay có thể không phải đổ máu để tuyên xưng đức Tin, và làm chứng cho Chúa. Nhưng các Ki-tô hữu ngày nay có thể chết trong hưởng thụ và ham muốn từ những cám dỗ mời mọc ngọt ngào, mê đắm và ưa chuộng sự khoái lạc, địa vị, quyền lực, giàu sang… đời này.

 Lạy Chúa Giê-su, xin cho con thêm dũng khí để can đảm khước từ những cám dỗ ngặt nghèo được ngụy trang trong mùi vị ngọt ngào của cuộc sống hôm nay. Amen.

CÁT BIỂN

“Thánh Thần sẽ dạy các con” (20.10.2018)

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã cho chúng ta thấy sự quan trọng của Chúa Thánh Thần. Người sẽ soi sáng, mở lòng trí để chúng ta trở nên khôn ngoan khi đối đáp với những người quyền thế muốn chống lại đức tin của chúng ta. Chẳng cần phải lo lắng, sợ hãi vì ta sẽ được Người dạy phải nói thế nào. Quả thật, Chúa Thánh Thần là Ngôi Ba Thiên Chúa, Người sẽ hướng dẫn và thánh hóa chúng ta.

Chúa Giêsu còn dạy chúng ta rằng: kẻ nào nói phạm đến Con Người thì sẽ được tha, nhưng kẻ nào phạm thượng đến Thánh Thần thì sẽ không được tha. Vậy phải chăng Chúa Thánh Thần không có Lòng thương xót? Thưa không. Người là Ngôi Ba Thiên Chúa, người vẫn là Đấng giàu lòng thương xót. Vậy tại sao chúng ta sẽ không được tha nếu phạm thượng đến Thánh Thần? Có lẽ, khi nói phạm đến Chúa Giêsu, Người sẽ cho chúng ta cơ hội sửa đổi, chính Chúa Thánh Thần sẽ lôi kéo chúng ta trở về từ tội lỗi, sẽ hướng dẫn chúng ta làm lành cùng Thiên Chúa. Thế nhưng, nếu Người đã lôi kéo chúng ta ra khỏi vực sâu tội lỗi mà chúng ta vẫn không chịu rời bỏ nó, cố tình chối bỏ sự hướng dẫn của Người, cố tình chống đối lại Người… chúng ta sẽ phải trả giá cho sự ngoan cố đó.

Qua đó, ta có thể nhận thấy được sự quan trọng của Chúa Thánh Thần, để từ đó, ta biết ý thức hơn về tội lỗi của mình. Mỗi khi nắm bắt được cơ hội sám hối, ta hãy nhớ rằng đó là khi Chúa Thánh Thần chìa tay kéo chúng ta lên và hãy ăn năn thống hối, chớ chối bỏ cơ hội đó vì có thể chúng ta đã chối bỏ sự trợ giúp của Người, đó cũng là một hành vi phạm thượng. Và như Chúa Giêsu đã nói: phạm thượng đến Chúa Thánh Thần sẽ không được tha.

Ý thức được điều đó, mỗi người chúng ta phải biết xem xét lại mọi hành động của mình, chớ nên vì sự ngoan cố mà khiến mình lỗi phạm đến Chúa Thánh Thần. Thiên Chúa là Đấng giàu Lòng thương xót, Người sẽ tha thứ lỗi lầm ta phạm nếu ta biết thật lòng ăn năn sám hối. Vì thế, mỗi khi có cơ hội, hãy trở về hòa giải với Người và không quên đó là hồng ân mà Chúa Thánh Thần đã trao cho mỗi người chúng ta.

Lạy Chúa, chúng con xin tạ ơn Ngài vì đã ban Thánh Thần để thánh hóa chúng con. Nhờ Người, chúng con được nâng đỡ, hướng dẫn và đem chúng con trở về cùng Ngài. Xin cho chúng con biết ý thức về tội lỗi của mình, để mỗi khi được Người hướng dẫn, chúng con biết lắng nghe và đáp lại lời mời gọi của Người. Amen.

Petrus Sơn

Kiên vững trong đức tin Kitô Giáo

SUY NIỆM

Trình thuật Tin Mừng hôm nay trình bày giáo huấn của Đức Giêsu về hệ quả đức tin của người tín hữu.    Thánh sử Lu-ca thuật lại sự việc xảy ra trong một quang cảnh rất đông dân chúng đang tụ họp xung quanh Đức Giêsu (Lc 12, 1). Đủ mọi hạng người đang chen lấn để được đến gần Người và nghe Người giảng dạy. Sau khi nói đến sự quan phòng đầy yêu thương của Thiên Chúa dành cho con người và thái độ đáp trả của mọi người; Đức Giêsu nói với các môn đệ và những kẻ đi theo Người: “Thầy nói cho anh em biết: phàm ai tuyên bố nhận Thầy trước mặt thiên hạ, thì Con Người cũng sẽ tuyên bố nhận người ấy trước mặt các thiên thần của Thiên Chúa”.

Một số đông dân chúng đi theo Người nhưng không hẳn tất cả đều tin và quy phục Đức Giêsu; bởi có người vì tò mò khi nghe nói tới những phép lạ Người đã làm; có người đang mong chờ một vị anh hùng xuất hiện để giải thoát dân tộc khỏi bàn tay thống trị của đế quốc Rô-ma, có người mong muốn được ban cho một ân huệ nhất thời nào đó trong cuộc sống; tất cả chỉ hướng đến cuộc sống tạm bợ, chóng qua mà không không hướng đến sự sống vĩnh cửu và hạnh phúc Nước Trời mai sau. Đức Giêsu lên tiếng cảnh báo mọi người nhất là các môn đệ Người yêu mến; Người đòi hỏi họ phải có lòng yêu mến, tin tưởng và sự chọn lựa dứt khoát bước theo Người, đó là tin Người là Con thiên Chúa và Đấng Cứu Độ trần gian mà cha ông họ hằng mong đợi; đồng thời biết lắng nghe giáo huấn của Người và đem ra thực hành trong cuộc sống để biến đổi hành vi, suy nghĩ mà hướng đến hạnh phúc Nước Trời.

Đương nhiên, khi thực thi giáo huấn của Đức Giêsu, không tránh khỏi những chống đối của người thế gian, và những cám dỗ trong con người vốn bị ảnh hưởng xấu bởi ma quỷ và dục vọng thấp hèn ngăn cản. Nhưng ai bền đỗ đến cùng thì sẽ được cứu rỗi, Đức Giêsu đề ra một điều kiện cho những kẻ chân thành tìm kiếm Nước Trời đó là: Tin vào Người và công bố, tuyên xưng niềm tin ấy bằng chính đời sống của mình để mọi người nhận biết. Trong ngày sau hết, Đức Giêsu không phán xét, kết tội nhân loại; nhưng người sẽ bênh vực và làm chứng cho những ai đã hết lòng sống và chết vì danh Người, trước sự phán xét công thẳng của Thiên Chúa.

Trải qua bao thế hệ, niềm tin Đức Giêsu là Ngôi lời Thiên Chúa và là Đấng Cứu Độ đã được minh chứng bằng chính cuộc sống thánh thiện và cam đảm, bất khuất của các Thánh, nhất là các Thánh tử đạo; bằng những hy sinh bản thân, các Thánh nhân đã tuyên xưng niềm tin Đức Giêsu Kitô là  Chúa và là chủ đời mình, giữa trần gian đầy phù phiếm và gian tà; bằng sự kiên vững, trung thành, các Thánh tử đạo đã tuyên bố nhận Đức Giêsu Kitô là Chúa và là cùng đích đời mình để đón nhận những cái chết bi thương vì không chịu  bỏ đạo Chúa Kitô.

Tuyên bố nhận Đức Giêsu Kitô là Chúa và là chủ đời mình, là chúng ta ý thức khao khát lắng nghe giáo huấn của Người qua việc đọc, suy niệm Lời Chúa trong sách Kinh Thánh; trong các bài giảng lễ, các văn kiện của Hội thánh để tìm ra thánh ý Chúa và can đảm áp dụng trong cuộc sống; dẫu biết rằng những việc đó có thể gây cản trở hoặc không thuận lợi cho bản thân, cho gia đình trong nhịp sống của xã hội hôm nay.

“Tôi thà chết chứ không bao giờ đạp lên Thánh Giá, vì tôi biết đạo Chúa Giêsu là đạo thật”; đây là lời tuyên xưng đức tin của một một tá điền ở Kẻ Mốt, Thái Bình. Anh đã được phúc tử đạo năm 1839 và được xếp vào hàng ngũ 117 vị Thánh tử đạo Việt Nam; đó là thánh Stêphanô Mới, bị bắt vì đạo Chúa khi mới chỉ là dự tòng và khi bị ép buộc bước qua Thánh Giá, anh đã khẳng khái tuyên xưng đức tin của mình; khi bị giam cầm, anh đã xin được chịu Phép Rửa, xin gia nhập Dòng Ba  Đaminh và kiên vững chịu xử giảo để minh chứng một niềm tin trung kiên.

Trình thuật Tin Mừng hôm nay còn nói đến vai trò của Chúa Thánh Thần trong đời sống của người tín hữu và lời căn dặn: “Đừng xúc phạm đến Người”; bởi Chúa Thánh Thần là Thần chân lý, Người sẽ bảo trợ, hướng dẫn và nhắc nhở cho người tín hữu phải nói gì, làm gì để minh chứng niềm tin vào Chúa Kitô.
Sứ điệp Tin Mừng hôm nay mời gọi tôi.

Kiên vững trong đức tin Kitô Giáo, can đảm sống và loan báo Tin Mừng, loan báo Lòng Thương Xót tha thứ của Thiên Chúa để canh tân môi trường sống: Gia đình, khu xóm, xứ đạo và nơi làm việc; đồng thời tích cực, sẵn sàng cộng tác với ơn soi giục của Chúa Thánh Thần để làm cho Danh thánh Chúa Giêsu Kitô được mọi người biết đến.

CẦU NGUYỆN

Lạy Chúa Giêsu Kitô, xin Chúa ban thêm lòng can đảm giúp con thực hiện nếp sống Tin Mừng giữa nhịp sống thực dụng đang cuốn hút mọi người vào vòng xoáy của ích kỷ và gian dối; và ban thêm sức mạnh thiêng liêng giúp con vượt qua những thử thách trong cuộc sống để trung kiên sống xứng danh Kitô Hữu, là người thuộc về Chúa Kitô và là chứng nhân cho niềm tin nơi Chúa. 

Không bao giờ thất vọng (17-10-2015)

1.Ghi Nhớ:“Bất cứ ai nói phạm đến Con Người, thì còn được tha; nhưng ai nói phạm đến Thánh Thần, thì sẽ chẳng được tha” ( Lc 12,10).

2.Suy Niệm: Chúa muốn mọi người được ơn cứu độ, nhưng để hưởng ơn cứu rỗi Chúa, con người phải cộng tác bằng việc sám hối ăn năn. Vì thế bao lâu còn sống ở trần gian mà có lòng thống hối, thì tội gì cũng được tha; còn khi cố chấp, không hối cải, thì tội không thể được tha. Tội phạm đến Chúa Thánh Thần chính là tội cố chấp, ngoan cố ở trong tình trạng tội lỗi, khước từ mọi ân huệ của Chúa, chắc chắn không được hưởng ơn tha thứ.

3.Sống Lời Chúa: Xác tín rằng Chúa không bao giờ thất vọng về chúng ta để chúng ta cũng đừng bao giờ thất vọng về mình.

4.Cầu Nguyện: Lạy Chúa Thánh Thần, xin đến sửa lại mọi sự trong ngoài của con. Amen. 

Tuyên xưng Chúa (19/10/2013)

“Phàm ai tuyên bố nhận Thầy trước mặt thiên hạ, thì Con Người cũng sẽ tuyên bố nhận người ấy trước mặt các thiên thần của Thiên Chúa.” (Lc 12,8).

Suy niệm: Có thể ta chưa công khai chối Chúa, nhưng cũng chưa dám mạnh dạn tuyên xưng Ngài trước mặt mọi người. Làm dấu Thánh Giá trước bữa ăn ở nơi công cộng đôi khi đã gây cho ta chút ngại ngùng, huống chi do việc tuyên xưng ấy mà công ăn việc làm có thể bị đe dọa, gia đình bị phiền phức, bạn bè chê cười. Lời Chúa hôm nay mời gọi ta đừng sợ khi tuyên xưng niềm tin vào Chúa vì: (1) người đời chỉ có quyền trên thân xác và cuộc sống hôm nay, duy mình Chúa mới có toàn quyền trên linh hồn và cuộc sống đời đời; (2) mỗi người có giá trị lớn lao trước mặt Chúa, được Chúa ân cần chăm sóc đến từng sợi tóc; và (3) Chúa Thánh Thần hằng hoạt động trong mỗi người chúng ta.

Mời Bạn: Chúng ta tin Chúa Giêsu là Chúa, là chủ của lịch sử nhân loại và của mỗi người chúng ta. Chỉ khi tín thác vào Chúa, vững tin vào sự sống đời sau và sự hoạt động của Chúa Thánh Thần nơi mình và vũ trụ, chúng ta mới có đủ sức mạnh để sống Lời Chúa dạy, đủ can đảm vượt thắng nỗi sợ.

Chia sẻ: Môn đệ Chúa Kitô là người nên cũng biết sợ, nhưng không vì sợ mà không dám sống niềm tin. Điều gì giúp người Kitô hữu vượt lên nỗi sợ?

Sống Lời Chúa: Tôi sẽ vượt thắng nỗi sợ bằng cách mạnh dạn hơn trong việc tuyên xưng niềm tin như làm dấu Thánh Giá trước bữa ăn nơi công cộng, hay thực hiện điều răn Chúa dạy…

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, mỗi khi chúng con sống tốt lành, thật thà, quan tâm giúp đỡ người anh em, xin cho chúng con luôn làm vì yêu mến Chúa và để rao truyền danh Chúa. Amen.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *