Mẹ là Đấng tuyệt mỹ (16.06.2023 – Lễ Nhớ Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ)

Chuỗi Kinh cầu nguyện trong cơn Đại dịch Covid-19

Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ – Lễ nhớ

Lời Chúa: Is 61,9-11, Lc 2,41-51

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca (Lc 2,41-51)

41 Hằng năm, cha mẹ Đức Giê-su trẩy hội đền Giê-ru-sa-lem mừng lễ Vượt Qua. 42 Khi Người được mười hai tuổi, cả gia đình cùng lên đền, như người ta thường làm trong ngày lễ. 43 Xong kỳ lễ, hai ông bà trở về, còn cậu bé Giê-su thì ở lại Giê-ru-sa-lem, mà cha mẹ chẳng hay biết. 44 Ông bà cứ tưởng là cậu về chung với đoàn lữ hành, nên sau một ngày đường, mới đi tìm kiếm giữa đám bà con và người quen thuộc. 45 Không thấy con đâu, hai ông bà trở lại Giê-ru-sa-lem mà tìm.
46 Sau ba ngày, hai ông bà mới tìm thấy con trong Đền Thờ, đang ngồi giữa các bậc thầy, vừa nghe họ, vừa đặt câu hỏi. 47 Ai nghe cậu nói cũng kinh ngạc về trí thông minh và những lời đối đáp của cậu. 48 Khi thấy con, hai ông bà sửng sốt, và mẹ Người nói với Người : “Con ơi, sao con lại làm cho cha mẹ như thế ? Con thấy không, cha con và mẹ đây đang phải cực lòng tìm con !” 49 Người thưa : “Sao cha mẹ lại tìm con ? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao ?” 50 Nhưng ông bà không hiểu lời Người vừa nói.
51 Sau đó, Người đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Na-da-rét và hằng vâng phục các ngài. Riêng mẹ Người thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng.

Mẹ là Đấng tuyệt mỹ (16.06.2023)

Ghi nhớ:

“Sau đó, Người đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Na-za-rét và hằng vâng phục các ngài. Riêng mẹ Người thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy và suy đi nghĩ lại trong lòng” (Lc 2, 51).

Suy niệm:

Chuyện kẻ rằng: Hôm ấy, đúng vào ngày lễ Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ, tân linh mục Gioan Don Bosco đang chuẩn bị dâng lễ thì nhìn thấy ông Từ tay cầm roi đuổi theo một cậu bé. Vì cậu này ăn mặc tuyềnh toàng và lại không có phận sự giúp lễ nhưng cứ lảng vảng trước phòng áo. Thấy vậy cha liền bảo ông Từ rằng đừng xua đuổi, nhưng hãy gọi cậu ấy đến gặp cha. Khi cậu ấy đến thì cha bảo cậu:  Sau khi dâng lễ xong thì cho cha  gặp.

Cha hỏi cậu ấy rất nhiều điều, về gia đình, về cuộc sống hằng ngày, và về bản thân cậu, thấy thái độ ân cần của cha thì cậu trả lời rất chân thành.  Cha hỏi:

Con tên gì?

Thưa: Con là Bartolomeo Galelly, sống lang thang, không nghề nghiệp, không được học hành…

Cha hỏi con nhiều mà con chẳng biết gì. Vậy con có biết huýt sáo không ?

Thưa cha, Có.

Sau khi biết hoàn cảnh của cậu, nhà nghèo, không có ai dạy dỗ, mặc dầu đã xưng tội lần đầu xong việc giữ đạo rất chểnh mảng, khô khan! Cậu còn cho cha biết cậu có nhiều bạn bè giống hoàn cảnh của cậu. Cha liền bảo ngày mai hãy dẫn đến cho cha những người bạn ấy.

Và như thế cái tên: Bartolomeo Galelly là tên đầu tiên trong danh sách các trẻ em cơ nhỡ, lêu lổng được cha Gioan Don Bosco cưu mang, dạy dỗ cho thành nhân sau này

Đoạn Tin Mừng hôm nay kẻ về sự việc Gia Đình Thánh Gia lên Giê-ru-sa-lem mừng Đại lễ Vượt Qua, và sau đó trở về nhà thì Đức Mẹ và thánh Giu-se phát hiện đã lạc mất Đức Giê-su. Vì hai ông bà cứ nghĩ rằng Đức Giê-su về với những người họ hàng. Sau ba ngày tìm kiếm ông bà mới gặp lại được con. Tuy rằng rất vất vả song ông thánh Giu-se không trách móc điều gì. Còn Đức Mẹ thì chỉ nói với con mình bằng một câu nói xem ra rất nhẹ nhàng: “Con ơi, sao con lại xử với cha mẹ như vậy? Con thấy không, cha con và mẹ đây đã phải cực lòng tìm con”. Người đáp: “ Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?” Nhưng lúc đó hai ông bà không hiểu lời nói đó. Đó là Đức Giê-su nói phải lo công việc của Đức Chúa Cha trên trời.

Đức Mẹ và thánh Cả Giu-se đã được Thiên Chúa tuyển chọn để đảm nhận trọng trách là nuôi nấng, chăm sóc và gìn giữ Đức Giê-su trong giai đoạn đầu của chương trình Cứu Độ.

Đức Mẹ vì được làm Mẹ Đức Giê-su nên Thiên Chúa gìn giữ Mẹ không tỳ vết, không vương vấn tội truyền, Thiên Chúa đã ban cho Mẹ Bốn đặc ân. Đó là: Mẹ Thiên Chúa, đồng trinh trọn đời, vô nhiễm nguyên tội và lên trời cả hồn lẫn xác.

Sau khi Đức Giê-su hoàn tất công trình Cứu Chuộc thì thánh Cả Giu-se lại trở thành Đấng bảo trợ của Hội Thánh và Đức Mẹ thì được Đức Giê-su trao phó cho trọng trách chăm sọc và gìn giữ nhân loại: “Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Đức Giê-su nói với thân mẫu rằng: Thưa Bà, đây là con bà. Rồi Người nói với môn đệ: Đây là mẹ của anh. Kể từ giờ đó, người môn đệ rước Bà về nhà mình”.  Thánh sử Gioan con ghi rõ: Kể từ giờ đó, người môn đệ rước Đức Mẹ về nhà mình. Rước Bà về nhà mình, ở đây theo nghĩa bóng là yêu mến, kính trọng và để Đức Mẹ hiện diện trong trái tim của mình.

Ngày nay trong mỗi gia đình Công Giáo đều có bàn thờ. Trên bàn thờ chưng bày những ảnh tượng, thứ nhất là tượng Chúa Giê-su chịu nạn, thứ hai là tượng Đức Mẹ Maria và thứ ba là Thánh Cả Giu se. Vâng, thời đại ngày nay. Sau sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần là sự hiện diện của Thánh cả Giu-se và của Đức Mẹ, các Ngài luôn gắn bó chăm sóc và đồng hành cùng đoàn con cái lữ thứ trên trần gian này. Chúng ta thấy không hiếm những phép lạ của thánh Cả Giu-su thực hiện cho Giáo Hội mà Ngài là Đấng bảo trợ. Nhất là Đức Mẹ. Ngài luôn đồng hành chăm sóc, dậy dỗ bảo ban con cái đã được Đức Giê-su uỷ thác. Những lần hiện ra tại Fatima, tại Lộ Đức…Hay ngay tại quê hương Việt Nam chúng ta: La Vang, Tà Pao… Minh chứng rằng Mẹ Maria luôn yêu thương, chăm sóc, dạy dỗ, bảo ban để con cái loài người sống tốt đẹp.

Bắt chước thánh Tông đồ Gioan, chúng ta đón Đức Mẹ vào trong trái tim mình và hứa với Đức Mẹ rằng: Sẽẽ sống tâm tình người con ngoan luôn nghe những lời Mẹ dạy: Cải thiện đời sống. Tôn sùng Trái Tim Mẹ và siêng lần chuỗi Mân côi.

Thực hiện được những điều đó chắc chắn chúng ta sẽ làm cho Đức Mẹ vui và chắc chắn Mẹ sẽ chẳng để cho những người con ngoan ngoãn phải hư mất.

Cầu nguyện:

Lạy Đức Maria, Đấng vô nhiễm nguyên tội, chúng con rất hạnh phúc vì có được một người Mẹ tuyệt vời như Mẹ, Chúng con hằng cảm tạ Mẹ và quyết thi hành ba lệnh truyền Fatima, để chúng con xứng đáng trở thành những người con ngoan hiền của Mẹ. Xin Mẹ cảm hoá bao linh hồn còn chưa nhận biết Chúa mà tôn thờ, xin dìu dắt bao linh hồn còn sống trong lầm lạc tội lỗi. Và xin cho chúng con được mãi  trung thành với Chúa và với Mẹ đến hơi thở cuối cùng. Amen.

Sống Lời Chúa:

Xin Mẹ luôn ngự trị trong tâm hồn và gia đình của chúng con.

Đaminh Trần Văn Chính. 

Mẫu mực trong đời sống đức tin (25.06.2022)

Một người đàn bà Nigiêria bị tòa án Hồi Giáo kết án tử hình bằng cách ném đá về tội ngoại hôn đã được hoãn hành quyết hai năm để bà có thể cai sữa cho đứa con. Hôm thứ Hai ngày 17/6/2002, tòa phá án thành phố Pontuar ở miền tây bắc Nigiêria vẫn duy trì cuộc hành quyết này sau khi xét đơn kháng cáo của bà Amila Nawanrami. Người phụ nữ này bị kết án tử hình hồi tháng 3/2002, sau khi bị tố cáo có thai với một người đàn ông không chính thức là chồng của chị. Kurami là người đàn bà thứ hai bị kết án tử hình vì có con ngoại hôn tại Nigiêria. Án tử hình của chị sẽ được thi hành vào năm 2004 sau khi đứa con của chị dứt sữa mẹ. Bản án thật bất công, nó ngược lại với mọi chuẩn mực văn minh của loài người. Tuy nhiên, vẫn còn thấy ở đây một giá trị mà cho dù có độc ác tới đâu loài người vẫn còn trân quí, đó là tình mẫu tử. Người mẹ Nawanrami sẽ chết đi nhưng ít ra đứa con của chị vẫn còn có được những giọt sữa mẹ nuôi dưỡng cho đến khi thôi bú.

Cho con bú mớm, đó là hình ảnh đẹp nhất mà người ta có thể nhìn thấy nơi bất cứ người mẹ nào. Hôm nay Lễ Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ Maria, có lẽ chúng ta cũng được mời gọi để suy niệm về tình mẫu tử của Mẹ. Mẹ đã sinh dưỡng Chúa Giêsu, Mẹ đã từng cho Ngài bú mớm. Một hôm, vào giữa lúc Chúa Giêsu đang giảng dạy, có một người trong đám đông đã lên tiếng ca ngợi Mẹ: “Phúc cho kẻ đã cho Ngài bú mớm”. Quả thật, cũng như bất cứ bà mẹ nào, Mẹ đã cho Chúa Giêsu bú mớm, Mẹ đã nhìn Ngài lớn lên từng ngày, Mẹ theo dõi và hân hoan với từng bước chân chập chững của Ngài, Mẹ vui với sự khôn lớn của Ngài, Mẹ buồn lo vì sự bất chấp xảy ra cho Ngài.

Câu chuyện Chúa Giêsu lạc mất trong đền thờ được thánh sử Luca ghi lại trong Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy được trái tim hiền mẫu của Mẹ: “Con ơi, sao con lại xử với cha mẹ như vậy? Con thấy không, cha con và mẹ đây đã phải cực lòng tìm con?” Lời trách móc này bộc lộ tất cả trái tim con người của Mẹ. Mẹ đối xử với Chúa Giêsu với tất cả tình cảm của một con người và chính vì là một con người cho nên Mẹ trở thành mẫu mực cho chúng ta trong cuộc lữ hành đức tin. Nơi Mẹ, chúng ta nhận ra được một người tín hữu tiến bước trong mò mẫm, trong chiến đấu, trong tin yêu và vâng phục. Nhưng Mẹ không chỉ là mẫu mực cho chúng ta trong đời sống đức tin. Mẹ là Mẹ của chúng ta. Mẹ đã yêu thương Chúa Giêsu với tất cả trái tim nhân loại của Mẹ. Ngày nay, Mẹ cũng tiếp tục dõi theo mỗi người chúng ta với trái tim hiền mẫu ấy. Mẹ đã trải qua thử thách, Mẹ hiểu được thế nào là khổ đau. Hơn ai hết, Mẹ đồng cảm với bao nỗi lo lắng và khổ đau của chúng ta. Mẹ hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng. Mẹ đã từng dõi theo từng bước trong tiến trình trưởng thành của Chúa Giêsu Con Mẹ. Mẹ suy niệm từng biến cố của cuộc sống.

Ngày nay cũng thế, không có giây phút nào trong cuộc sống của mỗi người chúng ta mà không được Mẹ ôm ấp trong lòng. Với niềm tin tưởng ấy, chúng ta phó thác cuộc sống cho Mẹ.

Yêu như Mẹ … (12.06.2021)

Thiên Chúa đã chọn mẹ Ma-ri-a để cưu mang Đấng Cứu Thế, Người đã gọi mời Mẹ cộng tác cho công trình cứu chuộc của Người. Công trình này xuất phát từ tình yêu Cứu Độ của Thiên Chúa. Đức Ma-ri-a đã “Xin Vâng” để cộng tác với Thiên Chúa để mang tình yêu của Người cho nhân loại. Lòng tôn sùng kính mến của mẹ Ma-ri-a đối với Thiên Chúa thật là trọn hảo, toàn tâm toàn ý (x. Đnl.6,5) Mẹ đã hết tình cưu mang Đức Giê-su trong trái tim mình và trong cung lòng của Mẹ.

Trái tim được xem là biểu tượng thẳm sâu trong cung lòng con người, là trung tâm của mọi chọn lựa và cam kết. Đó còn là biểu tượng của tình yêu. Vì thế, việc tôn sùng Trái tim Mẹ Ma-ri-a được cử hành từ rất sớm.trong lịch sử Giáo hội. Qua đó, Giáo hội hướng con cái mình suy niệm sâu sắc về tình mẫu tử của Mẹ và muốn Mẹ trở thành mẫu mực cho họ trong cuộc lữ hành đức tin.

Khi xưa, mẹ Ma-ri-a đã yêu thương Chúa Giê-su với tất cả trái tim nhân loại của Mẹ. Ngày nay, Mẹ cũng tiếp tục dõi theo mỗi người Ki-tô hữu với trái tim hiền mẫu ấy.

Mẹ đã trải qua đau khổ, thử thách; nên Mẹ hiểu rõ thế nào là khổ đau. Hơn ai hết, Mẹ đồng cảm với bao nỗi lo lắng và khổ đau của nhân loại ngày hôm nay trước sự dữ của nhân tai, dịch bệnh… đang hoành hành khắp nơi trên thế giới. Mẹ hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng (x. Lc.2,51) để phó dâng mọi sự cho Thiên Chúa định liệu.

Lạy Chúa, xin cho con biết noi gương mẹ Ma-ri-a luôn sẵn sàng vâng phục thánh ý của Chúa trong mọi lúc mọi nơi; để con biết dấn thân quên mình và sống yêu thương người khác. Amen.

CÁT BIỂN

Ghi nhớ để hiểu (20.06.2020)

Thuở còn niên thiếu – Hằng năm – Chúa Giê-su cùng với cha mẹ Người lên Đền thờ Giê-ru-sa-lem mừng lễ Vượt Qua. Khi xong trẩy hội Đền thờ thì cả gia đình sẽ cùng chung với đoàn lữ hành trở về Na-gia-rét. Thế nhưng, lần trẩy hội năm nay Chúa Giê-su còn ở lại Đền thờ mà cha mẹ của Người không biết. trên đường về,  cha mẹ Người cứ tưởng con trẻ Giê-su đang đi về chung với đám bà con thân thuộc trong đoàn lữ hành. Thế nhưng không thấy Chúa Giê-su, nên thánh Giu-se và Mẹ Ma-ri-a vội vàng trở lại Giê-ru-sa-lem mà tìm. Sau ba ngày vất vả kiếm tìm, lòng đầy lo âu và nước mắt mới tìm thấy con trẻ Giê-su đang ngồi trong Đền thờ.

Mẹ Ma-ri-a đã trải nghiệm chuỗi sự kiện: bị mất mát – vất vả đi tìm – và sửng sốt gặp lại. Trải nghiệm này có lẽ là một thử thách đức tin rất lớn đối với Mẹ. Trong nỗi lo sợ mất con – Người con đã được Thiên Chúa trao cho mình nuôi dưỡng – Mẹ vẫn hết lòng cậy trông vào sự quan phòng của Chúa Cha.

Đến khi nhìn thấy con mình ngồi giữa các thầy dạy, vừa nghe họ, vừa đặt câu hỏi với họ. Mẹ và thánh Giu-se sửng sốt, kinh ngạc và không hiểu lời Chúa nói: “Sao  cha mẹ lại tìm con ? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao ?”. Và Mẹ Ma-ri-a hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng. (x. Lc 2,41-51)

Từ đó, ta nhận ra qua sự cố “bị mất mát – vất vả đi tìm – và sửng sốt gặp lại” trong cuộc sống, Thiên Chúa muốn truyền tải thông điệp sứ vụ cứu thế của Người cho con người. Và mỗi người chỉ cảm nghiệm sâu sắc và nhận ra được điều đó khi biết đón nhận tất cả các sự việc trong thái độ khiêm tốn, trong tâm tình vâng phục và trong sự suy niệm sâu xa mà thôi.

Lạy Chúa, có những sự việc xảy ra thật khó hiểu, khó chấp nhận đối với con. Xin cho con được tâm tình như Mẹ Ma-ri-a – Hết lòng tìm thấy thánh ý Chúa và biết chấp nhận để Chúa hướng dẫn đời con theo thánh ý Ngài. Amen.

CÁT BIỂN

Lòng Mẹ (09.06.2018)

Tình mẫu tử là một trong những thứ tình cảm thiêng liêng nhất của con người, tình yêu của người mẹ dành cho con cái mình quả thật mênh mông biết nhường nào. Nhìn con vui, mẹ cũng vui lây, thấy con đau khổ, mẹ càng đớn đau bội phần. Đức Maria cũng là một người mẹ, Mẹ cũng mang một tình yêu vô biên với Con Mẹ là Chúa Giêsu. Mẹ đồng hành cùng Con mình từ những ngày đầu tiên, Mẹ chứng kiến phép lạ lần đầu Chúa Giêsu đã làm theo mong muốn của Mẹ ở Cana; đến khi Con Mẹ trút hơi thở cuối cùng trên thập giá, Mẹ vẫn ở bên mà lòng đau như cắt; rồi khi Con Mẹ về trời, Mẹ lại cùng đồng hành với Hội thánh Người đã lập. Thế nên, chẳng phải vô tình khi lẽ kính nhớ trái tim Mẹ được cử hành ngay sau lễ kính Trái Tim Cực Thánh Chúa Giêsu một ngày.

Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại việc Mẹ Maria và Thánh Cả Giuse tìm được Chúa Giêsu trong đền thánh. Đây là lần đầu tiên Người khiến Mẹ phải lo lắng tột cùng, phải chạy đôn chạy đáo để tìm Người. Ấy vậy mà, khi tìm được Con, Mẹ lại bất ngờ khi Người hỏi: “Cha mẹ không biết rằng con phải lo công việc của Cha con ư?”. Có lẽ, Mẹ vừa bất ngờ, vừa thấy buồn rầu vì mình đã cất công tìm kiếm, lo lắng cho Con, vậy mà lại nhận được câu trả lời không mấy vừa lòng. Nhưng điều đó không phải cái chính, điều quan trọng là Mẹ đã ghi nhớ những lời ấy trong lòng và suy đi nghĩ lại về chúng, còn Đức Giêsu vẫn hằng vâng phục các Ngài.

Ta có thể thấy, những bước chân rao giảng Tin Mừng của Chúa Giêsu ngoài sự đồng hành của các tông đồ, vẫn luôn có hình bóng Mẹ. Ngày chứng kiến Con mình bị kết án và chết treo trên thập giá một cách tủi nhục, đau đớn, tim Mẹ như nghìn lưỡi dao xuyên qua. Nhìn Con mình đau khổ, Mẹ càng đớn đau bội phần. Quả thật, Mẹ là mẫu gương sáng cho các bậc hiền mẫu trong gia đình noi theo.

Cha mẹ ai cũng thương yêu con cái, họ có thể hy sinh tất cả vì con mình, đặc biệt là người mẹ, mẹ mới là người gần gũi con cái hơn cả. Khi con thành đạt, tài giỏi, mẹ vui mừng trong lòng; khi con thất bại, khó khăn, mẹ lo lắng, bồn chồn không yên; khi con trót phạm sai lầm, dù lớn cách mấy, mẹ vẫn thứ tha và đón nhận. Thế mới có câu hát “Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình dạt dào”. Một tình yêu thương to lớn, bao la, vô bờ vô bến dành cho con cái. Những người bình thường còn yêu thương con đến vậy, huống chi Mẹ là Mẹ Thiên Chúa.

Là phận con cái, hãy chăm sóc cho cha mẹ khi các ngài còn ở bên chúng ta, hãy biết hiếu thảo, vâng phục các ngài vì Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa mà con vâng phục cha mẹ thì chúng ta là ai mà dám làm trái điều đó? Không chỉ vậy, những khi lầm lỗi, ta hãy mạnh dạn trở về với các ngài vì tình yêu của cha mẹ dành cho ta rất bao la; vả lại, các ngài cũng không sống với chúng ta hết một đời được nên ta hãy tận dụng hết khả năng cũng như thời gian của mình để phụng dưỡng các ngài. Có vậy, chúng ta mới xứng đáng là những người con hiếu thảo, xứng đáng là con Chúa.

Lạy Chúa, tình yêu thương của cha mẹ dành cho chúng con thật lớn lao, đặc biệt là người mẹ. Xin Chúa hãy thương ban cho các ngài được bình an, được sống thanh bình, hạnh phúc cùng chúng con. Xin cho chúng con cũng biết thảo kính các ngài, biết bỏ qua những lỗi lầm của các ngài vì dù cha mẹ có thế nào đi nữa, họ vẫn có ơn sinh dưỡng chúng con. Amen.

Petrus Sơn

Trái tim Từ Mẫu (04.06.2016)

SUY NIỆM

Trình thuật Tin Mừng hôm nay trình bày sự kiện Đức Maria và Thánh Giuse lạc mất Hài nhi Giêsu khi lên đền thờ Giê-ru-sa-lem dự lễ Vượt Qua; khi ấy hài nhi lên mười hai tuổi, và Đức mẹ đã đau khổ lo lắng đi tìm kiếm.

Đức Maria hết lòng quan tâm chăm sóc gìn giữ Ơn Cứu Độ nhân loại là Đức Giêsu, con chí thánh của Mẹ.

Là Mẹ Đấng Cứu Thế, Đức Maria được Thiên Chúa trang bị cho đặc ân vô nhiễm nguyên tội để gìn giữ Mẹ hoàn toàn tinh khiết vẹn tuyền, không một giây phút vướng mắc tội nguyên tổ; cả con người của Mẹ: thân xác, với những cảm xúc của một thụ tạo ưu tuyển, được Chúa Thánh Thần thánh hóa để thuộc về Thiên Chúa và sống cho Thiên Chúa; cùng với linh hồn thánh khiết, luôn hướng về Thiên Chúa và thực thi thánh ý nhiệm màu của Ngài.

Trái tim con người chỉ biểu tượng cho tình cảm yêu thương trong cuộc sống khi cư xử, giao tiếp với nhau. Từ trái tim trung tâm của sự sống, nhịp đập luân chuyển máu đến từng tế bào chi thể, để làm cho thân xác sống động, và tác động các cảm xúc làm cho cuộc sống linh hoạt, có giá trị. Còn nơi Mẹ Maria, trái tim Mẹ thì trỗi vượt hơn những giới hạn trần gian. Trái tim ấy không dừng lại ở sự sống tự nhiên nơi Mẹ mà còn lan tỏa đến những người sống chung quanh Thánh Gia Thất bằng lòng quảng đại, hy sinh, thứ tha và chia sẻ; bằng nhân đức khiêm nhu và yêu thương chân thành. Trong chương trình Cứu độ nhân loại của Thiên Chúa, Mẹ được cộng tác cách đặc biệt để trở nên người “quản lý” ơn Cứu Độ cho toàn thể nhân loại. Trái tim Mẹ được nhiệm hiệp với Trái Tim Cực Trọng của Đức Giêsu để đem ơn cứu rỗi đến cho mọi người.

Sự nhiệm hiệp đó giúp mẹ thông phần vào cuộc khổ nạn của Con chí thánh Mẹ trên thập giá và làm tăng giá trị những đau đớn Mẹ phải chịu khi tuân phục thánh ý Thiên Chúa: “Này tôi là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1, 38). Những đau đớn Mẹ phải chịu như lưỡi gươm đâm thâu trái tim Mẹ: Khi bồng ẵm hài nhi trốn sang Ai Cập (x.Mt 2, 13); khi lạc mất Hài nhi trong đền thờ, lúc hài nhi vừa mười hai tuổi, được diễn tả qua câu nói: “Con ơi, sao con lại xử với cha mẹ như vậy? Con thấy không, cha con và mẹ đây đã phải cực lòng tìm con!” (Lc 2, 49); và nhất là những sự kiện trong cuộc khổ nạn của Đức Giêsu.

Trái Tim Mẹ đã đón nhận ơn Cứu Độ và nhờ nhịp đập của trái tim vẹn sạch, tinh tuyền, Mẹ luân chuyển ân sủng đến tâm hồn từng người tín hữu và làm cho toàn thể Giáo Hội là thân mình mầu nhiệm của Đức Giêsu Kitô luôn sống động, thánh thiện.

Ngày nay, nhiều người rất nhiệt tình sẵn sàng bỏ thời gian, tiền của, tìm đến những thánh địa của Mẹ để khấn hứa, cầu xin; cho thấy vị trí của Mẹ trong tâm hồn các tín hữu luôn được trân trọng. Tuy nhiên nếu mỗi người, đồng thời với việc hành hương, hãy để tình yêu thương của Mẹ biến đổi lối sống, nhờ đó sống khiêm nhu hơn, quảng đại, bác ái vị tha hơn và tha thiết hơn với ơn gọi “nên thánh và làm tông đồ” trong bí tích rửa tội thì hoàn hảo biết bao.

Sứ điệp Tin Mừng hôm nay mời gọi tôi:

– Cảm tạ Thiên Chúa đã ban cho tôi một người Mẹ có trái tim thánh khiết và tràn đầy yêu thương.

– Nhìn lên Đức Maria với lòng tôn kính đặc biệt, để cảm nghiệm được tình thương Mẹ đã dành cho tôi, cho Hội Thánh và tất cả những ai yêu mến chạy nương nhờ, cầu nguyện với Mẹ.

CẦU NGUYỆN

Lạy Mẹ Maria, xin Mẹ ban ơn trợ giúp để con mạnh mẽ trong đức tin; vững vàng trong đức cậy và nhiệt thành yêu mến Chúa và yêu mến mọi người theo gương Mẹ.

SỐNG TIN MỪNG

“Riêng mẹ Người thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng”. Luôn cảm tạ tri ân những ơn lành Chúa ban cho và tìm kiếm thánh ý Ngài qua việc đọc, suy niệm, cầu nguyện và thực thi Tin Mừng hằng ngày.

Đồng cảm với trái tim Chúa

Khi thấy con, hai ông bà sửng sốt, và mẹ Người nói với Người: “Con ơi, sao con lại xử với cha mẹ như vậy? Con thấy không, cha con và mẹ đây đã phải cực lòng tìm con !” (Lc 2,48)

Suy niệm: Thảm họa chìm phà Sewol ở Jindo, Hàn Quốc ngày 16/4 đã cướp đi sinh mạng của hơn 400 hành khách trong đó có 324 học sinh trung học. Thân nhân, trong đó rất nhiều bà mẹ, đau đớn than khóc vì mất con; họ chỉ con mong tìm lại được thân xác con mình đang chìm trong làn nước giá lạnh. Đức Ma-ri-a cũng thổn thức trái tim của người mẹ “cực lòng đi tìm” con yêu dấu bị lạc mất. Đức Ma-ri-a chưa kịp bày tỏ niềm vui khi tìm lại được con thì Đức Giê-su lại hé mở cho Mẹ thấy việc “lạc mất con” còn mang một ý nghĩa thiêng liêng mầu nhiệm: con phải làm tròn việc “bổn phận trong nhà Cha con”. Mẹ được chuẩn bị để đón nhận việc “lạc mất con” lớn hơn trong cuộc Thương Khó của Đức Giê-su. Trong lần này, trái tim Mẹ đã đồng cảm với trái tim Chúa Giê-su để cùng với Con mình làm tròn việc bổn phận Chúa Cha trao phó là cứu chuộc toàn thể nhân loại.

Mời Bạn: Helen Keller, cô gái mù và điếc, là tác giả của 13 cuốn sách và vô số bài báo, đã nhận định: “Những điều tốt đẹp nhất trên trần gian này không thể thấy bằng mắt cũng không thể chạm bằng tay, mà phải cảm nhận bằng trái tim.” Khi trái tim bạn đồng cảm với trái tim Chúa Giê-su và Mẹ Ma-ri-a, bạn đang đạt tới điều tốt đẹp nhất trong tất cả mọi thứ tốt đẹp trên đời.

Sống Lời Chúa: Dành thời gian trong ngày suy ngắm cuộc đời Mẹ Ma-ri-a và xin ơn được đồng cảm với trái tim Mẹ.

Cầu nguyện: Lạy Mẹ Ma-ri-a, con yêu mến Mẹ nhiều. Xin cho trái tim con chung nhịp đập với trái tim Mẹ. Amen.

Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ 

1.Ghi nhớ: “Hằng năm, cha mẹ Đức Giêsu trẩy hội đền Giêrusalem mừng lễ Vượt Qua. Khi Người được mười hai tuổi, cả gia đình cùng lên đền thờ, theo tập tục ngày lễ” (Lc 2,41- 42 ).

2.Suy niệm: Chỉ hai câu Tin Mừng cũng diễn tả được biết bao sự thánh thiện nơi gia đình Chúa Giêsu, Mẹ Maria và Thánh Giuse. Đây là một gia đình gương mẫu về sự trung thành với lề luật Chúa. Vì luật Do thái chỉ buộc tất cả những người đàn ông đến tuổi khôn phải lên Giêrusalem một năm ba lần vào các dịp: lễ Vượt Qua, lễ Cầu Mùa và lễ Lều. Như vậy, theo luật thì chỉ có mình thánh Giuse lên Giêrusalem, nhưng do lòng đạo đức mà cả ba người cùng lên Đền thờ. Điều đó cho thấy, đây không phải là một gia đình chỉ giữ lề luật theo cảm tính, mà còn giữ với tinh thần nhiệt thành và ý thức cao độ nên làm hơn những gì luật buộc. Tình cảm gia đình Thánh Thất thật cao đẹp biết bao! Thể hiện cao đẹp khi sum họp lẫn khi xa cách, đau khổ. Noi gương Thánh Gia, mỗi thành viên trong gia đình nên trợ lực cho nhau trong tình yêu Chúa và giúp nhau chu toàn bổn phận hàng ngày.

3.Sống Lời Chúa: Trung thành với lề luật Chúa qua việc chu toàn phận hằng ngày: tham dự Thánh Lễ, giữ Kinh hôm, Kinh mai là làm theo ý Chúa.

4.Cầu nguyện: Lạy Chúa! Xin cho con có cái nhìn tích cực với lề luật Chúa, vì luật là nhằm để giúp con sống thánh thiện hơn chứ không phải là gánh nặng bó buộc. Amen.