Năm B

 
 

CHÚA NHẬT XII - THƯỜNG NIÊN  B
 
G: 38: 1-4, 8-11 / 2 Cr. 5: 14-17 /  Mc 4: 35-41

 

             

               An Phong, op: Ngài vẫn ở đó

               Fr. Jude Siciliano, op: Chúa ơi, Lời kêu van từ cuộc sống

                Giacôbê Phạm Văn Phượng, op: Bão tố cuộc đời

               Như Hạ: Các con không có đức tin ư?

               Lời Chúa và Thánh Thể: Cứ an tâm, Thầy đây, đừng sợ

              Phêrô Hà Anh Tiến: Đức Kitô tỏ uy quyền trên gió bão

               Fr. Jude Siciliano, op: Quyền năng của Thiên Chúa

 


An Phong op

 

   Ngài Vẫn Ở Đó

   Mc 4,35-41

Việc Đức Giêsu dẹp yên bão tố đã bày tỏ quyền năng tuyệt đối của Thiên  Chúa trên mọi sự và cả trên sự dữ. Qua việc này, Đức Giêsu muốn huấn  luyện các môn đệ cần phải có niềm tin vào Người. Đấng luôn hiện diện và  nâng đỡ họ trong cơn hiểm nguy.

“Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20) là lời hứa còn âm vang mãi không chỉ  trong lòng các môn đệ, nhưng còn trong lòng mọi con cái Thiên  Chúa, nhất là trong Giáo hội hôm nay. Sự hiện diện của Thiên Chúa, tuy  vô hình, nhưng làm cho tin tưởng, bình an, có khả năng vượt qua mọi  thăng trầm của cuộc đời.

Cuộc đời là một biển cả đầy sóng gió. Đôi khi có những trận cuồng phong  đang cố nhận chìm con người. Những trận cuồng phong của đam mê, của sợ  hãi, của biết bao thứ cám dỗ khác. Con người bị quay cuồng giữa sóng gió  có nguy cơ đánh mất niềm tin, tuyệt vọng, không còn hướng đến tương lai.  Con người cũng bị đè bẹp bởi ngàn nỗi sợ hãi, sợ tai nạn, sợ bệnh tật,  thất nghiệp, tuổi già, sợ lỡ một chương trình tivi hay, sợ mất một con  vật quí trong nhà... hàng ngàn nỗi sợ khác nhau. Chìm ngập trong nỗi sợ  này, con người mất bình an, mất định hướng, thậm chí mất chính mình và  Thiên Chúa mãi mãi.

Nhưng Đức Giêsu hiện diện ngay trong trận cuồng phong của cuộc đời, Ngài  nói “tại sao lại sợ ? con không có đức tin sao ?” Ngài chính là Thiên  Chúa ở cùng chúng ta. Ngài mang lại bình an cho tâm hồn. Chúng ta biết  mình đang ở trong vòng tay Thiên Chúa, bởi vì Thiên Chúa yêu thuơng con  người. Đôi khi chúng ta cũng bị ám ảnh là “Ngài vẫn cứ ngủ”. Một thái độ  như thế chẳng khác nào trách cứ Thiên Chúa không hiện diện. Lúc đó cần  nhắc lại với chính mình “sao lại sợ hãi nhỉ, đức tin đâu rồi”.

   Đâu là nỗi   sợ hãi nhất của bạn ?

   Đâu là cơn cám dỗ mạnh mẽ nhất trong đời bạn ?

   Lạy Chúa,

  Như mặt trời là nguồn vui cho những ai ước mong ánh sáng.
 Chúa là nguồn vui của con, Ngài là ánh dương của con,
 tia sáng của Ngài thức tỉnh hồn con
 và ánh sáng của Ngài tiêu diệt đêm tối trong con.

 Ngài đã cho con cặp mắt và con đã thấy vinh quang của Ngài.
 Ngài đã cho con đôi tai để con được nghe chân lý của Ngài.
 Ngài đã cho con trí tuệ và con đã say mê Ngài.
 Con đã rời bỏ nẻo đường lầm lỗi

  Ngài ban cho con sự sung mãn của Ngài
 cùng với ơn cứu độ dẫn con trở về với Ngài.
 Ngài che phủ con bằng ân sủng Ngài.
 Ngài đã tạo dựng chúng con cho vinh danh Ngài.

 Nhân danh Ngài, con khoác chiếc áo tinh tuyền
 đã biến hình đổi dạng con.
 Nhờ lòng nhân hậu của Ngài,
 con đã khước từ những phù phiếm mau qua,
 Con không còn tha thiết với những sự chóng tàn nữa.

Lời Ngài đã tước đoạt quyền năng của địa ngục
 Và đời sống vĩnh cửu đã nở hoa trên quê hương của Thiên Chúa
 Các tín hữu đều được nghe tin vui này
 Và những ai tin vào Ngài đều được chia sẻ đời sống vĩnh cửu.

 

    Lm.  Jude Siciliano, OP

   Chúa ơi ! Lời Kêu Van Từ Cuộc Sống

  (Mc 4, 35-41)

Anh chị em thân mến,

Chúng  ta lại trở về mùa thường niên vì thế hôm nay phúc âm khởi sự  quảng diễn bằng từ: "Hôm ấy...". Hôm ấy là ngày nào vậy? Bài  này là phần kết của chương 4, và là chương có nhiều ngụ ngôn.  Chúa Giêsu dạy dụ ngôn đầu cho đám đông dân chúng (4:1-9), và  giải nghĩa chi tiết cho các Môn đệ. Đến cuối ngày, Chúa Giêsu  bảo các môn đệ lên thuyền để "Chúng ta sang bờ bên kia đi!..". Trên  thuyền, các môn đệ gặp một trận cuồng phong nổi lên. Mặc dù chúng  ta không nghe Chúa Giêsu dạy gì thêm cho các ông trên thuyền, nhưng  chúng ta biết Ngài vẫn tiếp tục dạy các ông. Lời dạy trên  thuyến có hình thức khác. Các ông được biết thêm về quyền  bính của Ngài vì Ngài bảo cuồng phong im đi.

Trong Phúc âm thánh Mác-cô, Chúa Giêsu luôn làm việc và hôm nay,  Ngài bảo các môn đệ theo Ngài: "Chúng ta hãy sang bờ bên kia đi…".  Chúa Giêsu có vẻ luôn định liệu được những chuyện sẽ xảy đến.  Ngài không hề rảnh rỗi ngồi ở nhà. Ngài trông thấy trước những  việc sẽ xảy đến, những người sẽ nghe lời Ngài giảng dạy, và  thấy được quyền năng của Ngài.

Một  cộng đoàn Giáo Hội sơ khai, luôn xảy ra những chuyện khó khăn  khi thành lập với nhiều chương trình hoạt động thông suốt. Nhưng  không vì vậy mà cộng đoàn đó tự hài lòng với chính mình, mà  phải hòa hợp với môi trường xã hội, len lỏi vào những chương  trình mang tính quốc gia và địa phương nhờ vậy mới chuyển hóa  được việc làm của cộng đoàn.

Chúng ta không nên tham dự nhiều các việc làm xã hội? Như  chúng ta đã thấy những cơn giống tố của Giáo hội sơ khai đã  gặp: các xung đột với tôn giáo gốc là Do Thái Giáo, với sự  áp chế của đế quốc La-Mã vì họ sợ nhóm tín hữu mới có thể  gây nên sự mất ổn định của đế chế. Các môn đệ đầu tiên phải  rất khó khăn mới giữ vững đức tin của mình. Vì khi đã nghe  theo lời mời gọi, họ luôn sẵn sàng ra đi để đương đầu với thử  thách. Hôm nay, Chúa Giêsu cũng làm như vậy. Ngài đứng dậy ra đi  và bảo các môn đệ rằng: "hãy sang bờ bên kia..". Đối với những  người đang rao giảng thì hình như chúng ta vừa được ngồi yên một  tí thì Chúa lại bảo chúng ta lên đường ra đi. Còn đối với  những giáo dân đang ngồi trên ghế kia, sau khi nghe nói về những  việc cần sửa đổi trong giáo xứ, như có một nhóm người mới gia  nhập cộng đoàn, và họ đã phải mất nhiều thời gian để thích  ứng với những nhu cầu mới.

Lời mời gọi "hãy sang bờ bên kia" có nhiều ý nghĩa đối với  chúng ta. Với Giáo Hội, "bờ bên kia.." mang ý nghĩa là những  người hiện giờ không ở trong cộng đoàn chúng ta, họ đang ở "bờ  bên kia", có thể họ là những người phó thường dân, những người  vừa di chuyển đến trong xã hội chúng ta, những người "bên phía  kia", là người cao niên, người tàn tật, người bệnh chờ chết,  hay người di dân vì chiến tranh trong trại di cư ..

Một sinh viên Công giáo có lần nói với tôi là anh ta chọn môn  học về Hồi Giáo, môn học này đã làm cho anh thay đổi cái nhìn  về những người Hồi Giáo. Mỗi tuần, vị giáo sư dạy môn này  ngồi uống café với các sinh viên sau giờ học, ông ta là "một  tín đồ Hồi Giáo tốt". Anh sinh viên đó học hỏi qua gương sống  của vị giáo sư, nhờ vậy, lòng tin của anh ta được củng cố.  "Chúng ta hãy sang bờ bên kia đi", Chúa Giêsu kêu gọi chúng ta bỏ  lại tính an phận, và mời gọi chúng ta lên thuyền đi tiếp. Nếu  chúng ta gặp cuồng phong, Ngài sẽ luôn ở cùng, mặc dù Ngài có  vẻ như đang ngủ.

Đó chỉ là một chi tiết nhỏ trong câu chuyện, nhưng chúng ta  khó bỏ qua được. Vì khi cộng đoàn Giáo Hội bị thử thách quá  nặng nề, chúng ta có thể thưa với Chúa Giêsu: "Thầy ơi, chúng ta  chết đến nơi rồi, Thầy chẳng lo gì sao?" Tôi viết bài này một vài  ngày sau khi có tin trên báo chí là các trẻ em ở viện mồ côi  và trường học ở Ai-Len, đã hơn 50 năm, bị lạm dụng, nhưng các  bề trên hội dòng coi các nơi đó và các chức sắc không để ý  gì đến các em cả. Tôi muốn cùng với các Môn đệ trên thuyền  đang bi sóng gió thưa với Chúa Giêsu "Thầy ơi, Thầy chẳng lo gì sao  ?"

Các Kitô Hữu đi qua bờ bên kia, cũng đã gặp cuồng phong và thử  thách từ bên ngoài. Một cộng đoàn nọ mua một dãy nhà, sửa sang  lại để giúp những người có lợi tức thấp ở, nhưng khi giới  chức địa phương biết được, họ vận động nhiều người chống đối.  Cộng đoàn giáo dân đó chống lại và nguyền rủa những người  chống đối. "Một trận cuồng phong nổi lên, sóng ập vào thuyền". Trong  số người chống đối đó, có vài người ở trong cộng đoàn Giáo  Hội sở tại. Chúng ta, những người theo Chúa Giêsu, luôn dấn thân  đến những nơi mới và làm những công việc mới, có thể gặp  nhiều phong ba bão táp từ bên trong cộng đoàn giúp trui rèn đức  tin của chúng ta.

Vì  thế, chúng ta không nên nhanh chóng phê phán thái độ của các Môn  đệ trên thuyền với Chúa Giêsu. Tôi nghĩ tôi cũng sẽ hỏi Chúa  Giêsu như các ông ấy. Tôi cũng sẽ hỏi :" Thầy chẳng lo gì sao?..."

Thật ra, trong khi các môn đệ hoảng hốt, thì Chúa Giêsu không  tỏ vẻ gì là hoảng hốt cả, mặc dù Ngài cùng ở trên thuyền  với các ông. Ngài không sợ gì cả. Các nước tiên tiến trên thế  giới chất đầy vũ khí nguyên tử vì họ nghĩ là muốn giữ an  toàn, thì phải trang bị vũ khí trong người hay trong nhà, như  vậy mới an tâm. Hãy tránh xa những kẻ lạ mặt mà chúng ta không  biết, hãy tìm cách tự bảo vệ bằng cách không nên cho những  người đó vào cộng đòan. Đó là cách chúng ta thể hiện sự lo  sợ.

Chúa Giêsu lên tiếng ngăm đe gió, và truyền cho biển: "Im đi! Câm  đi!". Thánh Mác-cô cho chúng ta biết "Gió liền tắt, và biển lặng như  tờ". Không có câu trả lời nào cho sự sợ hãi và giông tố của con  người. Nhưng tôi sẽ thử hỏi Chúa Giêsu, vì Ngài lo cho các con  cái Ngài đang van xin Ngài bảo cơn cuồng phong thế giới im đi.  Trong bàn Tiệc Thánh hôm nay, chúng ta hãy cầu nguyện xin cho sự  im lặng chỉ có nơi Thiên Chúa, ban xuống trong đời sống chúng ta  và cho cả thế giới.

Các Môn đệ gọi Chúa Giêsu trong cơn sợ hãi của họ. "Thầy ơi."  Có lẽ, trong cơn sóng gió của chúng ta, Ngài đã lên tiếng che  chở cho Giáo Hội đang gặp khó khăn, và Ngài đã lên tiếng giúp  bình an cho những người lo sợ. Chúng ta hãy tập lắng nghe, tập  kêu xin Thiên Chúa và nghe lời Chúa với tất cả tâm hồn chúng  ta. Hãy nghe Chúa Giêsu nói ngay bây giờ, trong cơn sóng gió  chúng ta đang gặp "Im đi, Câm đi ". Anh chị em có nghe Ngài không? 

 Trên máy bay, tôi thấy hành khách đeo tai nghe để tránh tiếng ồn  của máy bay. Nhờ vậy, họ chỉ nghe những bản nhạc êm dịu,  tiếng chim biển nơi bãi vắng (trong bản nhạc Sounds good to me!)  làm át tiếng ồn của động cơ máy bay, nhằm có được chuyến bay  thoải mái. Một ngày bình thường trên thế giới, cũng đầy những  tiếng ồn, và nhiều người cố gắng tìm những phút êm dịu trong  cuộc sống của họ. Cho dù chúng ta có dùng cách nào đi chăng  nữa, thì những tiếng ồn của cuộc sống cũng làm cho chúng ta  khó nghe được lời Chúa Kitô hướng dẫn chúng ta vượt qua cơn  sóng gió. 

Cơn sóng gió cuối cùng chúng ta sẽ gặp, và không có cách nào  tránh được, đó là cái chết. Mỗi người chúng ta đều sẽ phải  đương đầu với sự chết, cái chết có thể đến như một cơn cuồng  phong hay một cách từ tốn. Nhưng, cho dù sự chết đến bằng cách  nào đi nữa, chúng ta cũng lo sợ, và với đức tin, đoạn Phúc âm  này cho chúng ta biết là Chúa Giêsu luôn nghĩ đến chúng ta, Ngài  sẽ không để chúng ta lo sợ quá đáng. Chúng ta tin rằng khi  chúng ta cần, Ngài sẽ lên tiếng bảo cơn sóng gió "câm đi, Im  đi." 

Thánh Mác-cô nói là Chúa Giêsu tỉnh dậy. Tôi tự hỏi có phải  thánh Mác-cô ám chỉ Ngài đang yên giấc một chút chăng? Hay  thánh Mác-cô có ý ám chỉ Ngài tỉnh dậy qua cơn sóng gió riêng  của Ngài là sự chết? Vì Chúa Giêsu tỉnh dậy, chúng ta cũng  sẽ tỉnh dậy qua sự chết. Với đức tin, chúng ta tin quyền năng  của Chúa Giêsu trên sự chết, chúng ta hy vọng, qua bao cơn sóng  gió chúng ta gặp, chúng ta có thể cảm thấy sự bình an mà  Chúa Giêsu sẽ ban cho chúng ta trong đời sống này. 

Chuyển  ngữ FX Trọng Yên, OP

 

Giacôbê Phạm Văn Phượng, OP

   Bão tố cuộc đời

  (Mc 4, 35-41)

Hồ Ti-bê-ri-a nằm ở mạn bắc Pa-lét-tin, còn gọi là hồ  Gê-nê-sa-rét hay biển Ga-li-lê, nhưng quen gọi là Biển Hồ, có hình bầu  dục, chiều dài 21 km, chiều ngang 12 km, thấp hơn mặt biển Địa Trung Hải  208 m, lại nằm bên rặng núi He-mon cao ngất, luôn có tuyết phủ, vì thế,  các luồng gió mạnh đều dốc đổ vào hồ, gây nên những cơn giông và bão tố  bất thường.

Cựu Ước ít nhắc tới Biển Hồ này, nhưng trong Tân Ước, hồ này  nổi tiếng, vì nơi đây Chúa Giê-su đã làm một số phép lạ và giảng dạy  nhiều điều. Phép lạ kể lại trong bài Tin Mừng hôm nay xảy ra ở Biển Hồ  này, vào một buổi chiều đầy kỷ niệm của một ngày tháng Chạp, năm thứ  nhất công khai giảng dạy của Chúa.

Hôm ấy, sau khi dùng thuyền làm tòa giảng dạy dân chúng nhiều  dụ ngôn, Chúa Giê-su giải tán cho họ ra về, rồi bảo các môn đệ kéo buồm  ra khơi sang bờ bên kia đến thành Gê-ra-sa. Khi thuyền ra gần giữa khơi  thì gặp biển động mạnh, gió thổi dữ dội, sóng nước quật mạnh vào thuyền  khiến thuyền chòng chành, chồm lên chồm xuống muốn chìm. Các môn đệ ra  sức chèo chống, tuy là những ngư phủ đã quen với những cơn giông bão  trên hồ, mà lần này các ông cũng hoảng sợ, vậy mà Chúa Giê-su vẫn nằm  ngủ ngon lành ở cuối thuyền như không có sự gì nguy hiểm đang xảy ra.

Các môn đệ không còn biết xoay sở làm sao đưa thuyền vào bờ,  trở lui không được vì bị sóng gió cản lại, mà tiến sang bờ bên kia thì  còn xa quá. Thật là tiến thoái lưỡng nan, các ông chỉ còn biết cầu cứu  đến Chúa, mà Chúa thì lại đang ngủ. Các ông đánh thức Chúa dậy và xin  Chúa cứu giúp. Lời kêu cứu này chứng tỏ các môn đệ tin Chúa có quyền  phép. Nhưng Chúa đã quở trách các ông : “Sao nhát thế ? Anh em vẫn chưa  có lòng tin sao ?”. Chúa trách các môn đệ như vậy là vì mấy tuần qua các  ông đã được chứng kiến Chúa làm nhiều phép lạ tỏ ra Chúa là Đấng có  quyền phép, nên đáng lẽ các ông phải tin tưởng nơi Chúa mà không hoảng  sợ trước cơn giông bão. Nhưng đức tin của các ông còn yếu kém, gặp cơn  giông bão, tuy có Chúa ở trong thuyền mà các ông vẫn hốt hoảng sợ hãi,  nên Chúa mới quở trách như vậy. Tuy nhiên, Chúa vẫn đứng dậy, truyền cho  sóng gió yên lặng, tức khắc biển trở lại bình thường.

Qua phép lạ này, Chúa Giê-su muốn cho các môn đệ thấy uy quyền  Thiên Chúa toàn năng của Ngài, đồng thời cũng cho họ biết : họ phải vững  tin vào Ngài, có Ngài ở bên, họ không được sợ hay không phải lo sợ gì  cả, vì không có gì Ngài không làm được, mọi sự đều tùy thuộc uy quyền  toàn năng của Ngài.

Khi tìm hiểu về cơn bão tố xảy ra trên Biển Hồ, một nhà chú  giải Kinh Thánh đã giải thích : “Chúa Giê-su đã muốn đem các môn đệ của  mình đi trên biển, giữa bão tố kinh hoàng để cho họ thấy trước những bão  tố sau này là những bắt bớ, những hành hạ mà họ sẽ gặp trên đường tông  đồ. Đối với họ, là những người sẽ cầm lái thế giới sau này, con thuyền  nhỏ bị sóng gió dữ tợn đánh chòng chành sắp chìm, là hình ảnh của những  trận bão tố sau này sẽ tấn công Giáo hội mà họ phải kiên gan chống đỡ”.

Các nhà giảng thuyết thường áp dụng việc Chúa Giê-su làm cho  sóng gió yên lặng vào việc Chúa luôn ở cùng Giáo hội, và bênh vực gìn  giữ Giáo hội trải qua những cơn sóng gió trần gian. Chiếc thuyền của  Phê-rô là tượng trưng cho con thuyền Giáo hội của Chúa mà Phê-rô là đầu.  Những cơn sóng gió là những cơn thử thách bách hại mà Giáo hội luôn gặp  phải. Cũng như khi xưa các tông đồ trên thuyền đã được an toàn qua cơn  sóng gió vì có Chúa Giê-su ở với các ông, thì ngày nay cũng nhờ có Chúa  Giê-su luôn hiện diện trong Giáo hội mà trải qua bao cơn thử thách bách  hại, Giáo hội vẫn đứng vững và trường tồn.

Nhìn vào lịch sử Giáo hội, qua dòng thời gian, trải qua các  thời đại, chúng ta thấy Giáo hội đã gặp phải bao cơn gió bão, thuyền  Phê-rô, tức là Giáo hội, đã vượt biển được hai ngàn năm, thuyền đó ra  đi, mặc dầu gặp bao sóng gió, nhưng vẫn luôn đứng vững, lý do là vì Chúa  Giê-su luôn hiện diện trong Giáo hội như Ngài có mặt trên thuyền của các  môn đệ xưa kia. Đôi khi xem ra Ngài ngủ và có vẻ buông xuôi tay lái,  nhưng thực ra đó chỉ là những cơ hội để nêu cao sự hiện diện đầy quyền  năng của Ngài.

Đối với mỗi người chúng ta cũng vậy, Thiên Chúa toàn năng cai  trị những bão tố bên ngoài, thì Ngài cũng thống trị những cơn bão, những  sóng gió trong tâm hồn, trong cuộc sống, trong cuộc đời thăng trầm của  mỗi người. Cuộc đời chúng ta là một đời lữ khách, vui buồn chen nhau. Là  thân lữ khách, chúng ta biết phận mình là thế, và trong muôn cảnh ngộ,  chúng ta luôn có hy vọng về tới bến. Đức tin vững chắc là bánh lái  thuyền đưa chúng ta về tới bến cứu độ. Chúa Giê-su luôn ngồi đàng sau  con thuyền để trợ giúp chúng ta. Chúng ta cứ yên trí lớn chèo thuyền ra  đi, điều cần thiết nhất là chúng ta có luôn tin tưởng vững chắc vào Chúa  hay không ?

Vì thế, giữa những bão tố, những sóng gió của biển đời, chúng  ta cần bắt chước gương các tông đồ, chạy lại với Chúa Giê-su và xin Ngài  cứu giúp : Lạy Chúa, xin cứu chúng con kẻo chúng con chết mất. Tin tưởng  và cầu xin Chúa, chúng ta sẽ được bình an.

 

Như Hạ, OP

  Các Con Không Có Đức Tin Ư ?

  (Mc 4, 35-41)

 

THỬ THÁCH ĐỨC TIN

Các Tông đồ đã sống một thời gian khá dài bên Chúa Giêsu. Được Ngài dạy  dỗ và được chứng kiến những việc Ngài làm chắc hẳn các ông nghĩ rằng  mình đã có một đức tin vững chắc. Nhưng chẳng bao lâu chỉ một cơn bão  ngoài biển đã đủ làm các ông nhận ra rằng lòng tin đó còn rất non nớt,  chưa được tôi luyện.

Trong cơn bão các ông hoảng sợ đến thất vọng mặc dầu có Chúa Giêsu cùng  ở trong thuyền. Chúa Giêsu phải lên tiếng  quở trách : "Sao mà sợ hãi  dến thế, các con không có đức tin ư?

ĐỨC TIN CẦN ĐƯỢC THỬ THÁCH

Người ta thường nói : tư cách thật của một con người chỉ  được bộc lộ  thật khi gặp gian nan. Lúc bình thường thì ai cũng như ai, khó thấy được  tư cách ấy. Điều này rất đúng.

Đức tin của mỗi người cũng thế. Muốn biết ai vững vàng trong đức tin  phải đợi tới lúc đức tin đó chịu thử thách. Lúc bình an vô sự tin vào  Chúa tương đối không phải là khó. Vì không khó nên không thế lượng định  được phẩm chất của đức tin. Khó khăn, trở ngại là một thứ "kiểm tra chất  lượng”. Có kiểm tra thì mới thấy cái gì tốt cái gì xấu, cái gì thật cái  gì giả. Có lẽ kinh nghiệm bản thân chúng ta cũng thấy như vậy.  

Khi mọi sự êm xuôi chúng ta giữ đạo rất phấn khởi, sốt sắng. Chúng ta  đến nhà thờ đông vui, dự lễ rước lễ sốt sắng, ca hát say sưa, xin lễ tạ  ơn. Nhưng khi tai họa xảy đến, chẳng hạn làm bệnh, gặp tai nạn, mất của,  làm ăn thất bại, không được mình xin. . . lòng tin dễ bị lung lay, nhạt  dần. Khi Chúa đòi hỏi một hy sinh lớn để trung thành với Ngài chưa chắc  gì chúng ta đã đủ can đảm chọn Chúa, mặc dầu chúng ta vẫn quả quyết mình  yêu Chúa hết lòng. Nói rằng hết lòng nhưng thực ra lòng đã hết.

Đặc biệt lúc còn nhỏ chưa bước chân vào đời để phải đương đầu với những  cám dỗ và gương xấu của nó, giữ đạo là  chuyện tự nhiên, không gặp khó  khăn. Con đường theo Chúa xem ra thuận lợi, rộng rãi thênh thang. Nhưng  một khi lớn  lên bước vào đời, phải va chạm với thực tế, lúc đó mới thấy  Tin mừng của Chúa Giêsu khắt khe, nặng nề, khó chấp nhận. Vì thế nhiều  tín hữu lúc còn nhỏ thật trong trắng tốt lành, nhưng càng lớn lên càng  lảng xa đời Kitô hữu, chỉ còn  giữ một vài tập quán tôn giáo nào đó,  sống bên lề Giáo hội. Cũng có những trường hợp bỏ cuộc.

Chính những lúc đó mới thấy lòng tin còn yếu kém biết bao và câu hỏi của  Chúa Giêsu lại được đặt ra đúng lúc : "Các con không có đức tin ư ".

TRUỞNG THÀNH NHỜ THỬ THÁCH

Nhưng dầu sao gian lao thử thách cũng vẫn cần thiết cho sự trưởng thành  của đức tin. Thử thách có thể gây tai hại, làm sụp đổ những đức tin yếu  kém, giống như cơn giông làm gẫy những cành cây mục rỗng. Nhưng đây lại  là điều kiện để  trưởng thành. Chúng là những trắc nghiệm cần thiết về  nhiều mặt. Chúng giúp chúng ta nhận ra sự non nớt của mình để chúng ta  khiêm tốn, để phòng suy thoái và phấn đấu vươn lên. Chúng là phương thế  tôi luyện chúng ta thếm vững mạnh và trưởng thành từng bước.

Không thể trưởng thành nếu không tôi luyện. Một người đã quen đi nắng,  đi gió, đi mưa... nhất định trở nên dầy dạn, có sức đề kháng cao, không  còn hơi một chút là bị cảm cúm, nhức đầu, chóng mặt, hoặc nhiễm trùng,  nhiễm độc. Một  đức tin như vậy có nhiều chất thép.

Trong khi đức tin chịu trắc nghiệm như thế, chúng ta vẫn có thể vững  tâm. Bởi vì Thiên Chúa luôn hiện diện ở bên ta trong mọi thử thách, cũng  như xưa Ngài ngồi chung thuyền với các Tông đồ trong cơn bão.  

Có thể Ngài chỉ hiện diện cách kín đáo nên chúng ta khó  nhận ra Ngài.  Nhưng kín đáo như vậy cũng có mặt hay. Kín đáo như vậy để xem chúng ta  chống đỡ tới mức nào, tự tôi luyện mình ra sao. Nếu thấy cuộc trắc  nghiệm vượt quá sức chúng ta thì Ngài sẽ lên tiếng, can thiệp, làm sóng  gió im lặng, trả lại cho chúng ta, cũng như cho các Tông đồ xưa, hy vọng  và bình an.

Thánh Thể và Lời Chúa

   Cứ  yên tâm, Thầy đây đừng sợ !

  (Mc 4, 35-41)

Hôm nay các môn đệ của Chúa phải một phen hoảng sợ trước những cơn sóng  và trận cuồng phong. Mặc dù các ông là những người dân chài đã lâu năm  nhưng đứng trước cơn sóng to, gió lớn các ông vẫn sợ hãi. Cuối cùng, các  ông cũng đã phải kêu cầu đến Chúa, mong được Chúa cứu vì các ông biết  rằng chỉ có Chúa mới cứu được các ông.

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, chúng con đang sống trong một xã hội hiện đại  như ngày hôm nay nhưng cũng không khác các môn đệ Chúa ngày xưa. Trong  mỗi người chúng con vẫn luôn luôn bị ám ảnh bởi những nỗi sự hãi. Khi  còn trong độ tuổi đi học, chúng con lo sự trước những kỳ thi. Khi đã  trưởng thành, chúng con sợ không có công ăn việc làm. Trong công việc  làm ăn, chúng con sợ thất bại. Nắng mưa cũng còn làm cho chúng con phải  lo sợ vì nó ảnh hưởng đến đời sống của chúng con. Quanh chúng con có  biết bao điều làm chúng con phải lo sợ.

Lạy Chúa, Chúa đến với loài người chúng con để cất bỏ những nỗi sợ hãi  đang vây hãm chúng con. Sự hiện diện của Chúa để an ủi, trấn an chúng  con : “Có Thầy đây đừng sợ”. Thế nhưng, dường như chúng con chưa dám đặt  trọn niềm tin của mình trong tay Chúa, vì thế chúng con vẫn sợ. Chúng  con cũng như các môn đệ xưa kia biết rằng chỉ một mình Chúa là Đấng  quyền năng. Chúa đã giải cứu cho biết bao người từ đui mù, què quặt cho  đến những người bị quỷ ám được lành bệnh. Hơn nữa qua mầu nhiệm tử nạn  và phục sinh, Chúa đã đẩy lui bóng tối, đêm đen và cả gánh nặng sự chết  đang đè nặng trên chúng con. Khi có sự hiện diện của Chúa thì không còn  lo sợ, bất an.

Chúa vẫn hiện diện trong cuộc sống của chúng con nhưng chúng con không  nhận ra vì chúng con đang mải miết chạy theo danh vọng, của cải. Chúng  con vẫn loay hoay tìm hết cách này đến cách khác để tạo ra nhiều của cải  vật chất. Và chỉ khi gặp gian nan, thử thách, khó nguy, chúng con mới  sực nhớ tới và kêu cầu Chúa cứu giúp. Hẳn là Chúa cũng sẽ khiển trách  chúng con như khiển trách các tông đồ : “Sao nhát thế, các con vẫn chưa  có lòng tin sao?”

Lạy Chúa, đức tin của chúng con còn yếu kém lắm, chỉ một khó khăn nho  nhỏ trong cuộc đời cũng làm chúng con phải băn khoăn, lo sợ. Xin Chúa  gia tăng đức tin cho chúng con để chúng con luôn vững vàng theo Chúa bất  chấp mọi gian nguy, thử thách. Xin cho chúng con nhận ra Chúa luôn hiện  diện, che chở cho chúng con qua những cơn bão của cuộc đời trong thế  giới hôm nay.

Hết những thách đố này đến thử thách khác, xin cho chúng con biết kiếm  tìm, và tín thác vào tình yêu mà Chúa đã trao tặng cho chúng con. Trong  niềm hy vọng, xin cho mỗi người chúng con luôn biết chạy đến với Chúa  như nguồn ủi an, nâng đỡ. Từ hôm nay, từ giây phút này, chúng con xin  trao cuộc đời của mình vào tay Chúa, để khi gặp những khó khăn thất bại  trên đường đời chúng con biết thân thưa với Chúa : “Lạy Chúa Giêsu,  chúng con tín thác vào Chúa”. Amen

 

 Phêrô Hà Anh Tiến, OP

 

   Đức Kitô tỏ uy quyền trên gió bão

  (Mc 4, 35- 41)

Kính thưa cộng đoàn, 

Bài Tin Mừng hôm nay thánh sử Marcô cho chúng ta biết Chúa Giêsu sau một  ngày giảng dạy cho dân chúng, dạy các môn đệ chèo thuyền đưa Chúa sang  biên kia biển hồ. Trong khi thuyền di chuyển trên mặt biển, Chúa ngủ  phía sau lái. Thình lình, bão nổi lên mãnh liệt, sóng ùa vào thuyền đến  nỗi thuyền sắp đầy nước, các môn đệ tới đánh thức Chúa và nói: Thưa Thầy  chúng con chết mất mà Thầy không quan tâm đến sao? Lời thưa vừa diễn tả  lòng trông cậy Chúa sẽ cứu khỏi nguy hiểm, vừa trách Chúa không lưu tâm  đến họ. 

Chúa lập tức đáp lại lời yêu cầu của các môn đệ: Chổi dậy, đe gió và  phán với biển: Hãy in đi! Cử chỉ và lời nói của Chúa giống như lúc trừ  quỷ, bởi vì dân  Israel xem biển là lực lượng chống lại Thiên Chúa. Lập  tức gió ngưng thổi và biển im lặng như tờ. Chúa quở các môn đệ: Sao các  con sợ hãi thế? Đức tin của các con như thế sao? Rõ ràng Chúa không nói  các môn đệ không có Đức tin, Đức tin bé nhỏ như hạt cải cũng có khả năng  “dời núi, lấp biển”. Ở đây Đức tin các môn đệ là thứ Đức tin giới  hạn quyền năng của Thiên Chúa, cho rằng sức mạnh thiên nhiên lớn hơn sức  mạnh của Thiên Chúa, cho rằng Chúa Giêsu có thể thoát khỏi nguy hiểm  sóng gió, nhưng sự hiện diện của Chúa không thể cứu nguy cho những người  cùng thuyền được nên các ông đánh thức Chúa dậy.

Khi Chúa đã dùng lời nói để dẹp yên gió bão, các môn đệ ngạc nhiên và  đặt câu hỏi: “Ngài là ai mà gió lẫn biển cũng điều vâng lời”. Câu  hỏi này dễ dàng cho chúng ta thông cảm với các môn đệ vì quả thật các  ngài chưa biết rõ Chúa là ai, quyền năng tới giới hạn nào để phó thác  mạng sống mình cho Chúa. Nhờ phép lạ này, các ngài nhận ra Chúa Giêsu là  người có quyền trên cả gió và biển, có quyền như Thiên Chúa vậy. Từ đó,  các ngài suy nghĩ, tìm hiểu con người Chúa Giêsu hơn.

Chúng ta cần suy nghĩ kỹ khi kêu cầu Chúa giúp những lúc ta gặp nguy  hiểm, gian nan thử thách, ốm đau bệnh tật mà ta chưa được Chúa nhận lời.  Phải chăng Đức tin của chúng ta chưa đủ mạnh là tỏ ra kém tin. Chúa  không sợ sệt, vẫn giữ bình tỉnh, vẫn ngủ khi sóng gió tới trong khi các  môn đệ hoảng sợ, lo lắng vì tưởng rằng sóng gió sẽ đè bẹp mình, làm mình  chết chìm. Các môn đệ đã không có Đức tin của Chúa, không bắt chước  Chúa. Lại nữa sự hiện diện của Chúa các môn đệ cho là không cứu được,  chỉ có hành động của Chúa, phép lạ của Chúa mới cứu các ngài được trong  khi đó sự hiện diện của Chúa là một sự bảo đảm an toàn nhất.

   Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, hàng ngày chúng con kêu cầu Chúa giúp, và  Chúa cũng dạy chúng con cầu xin để Chúa ban ơn cho. Dĩ nhiên, cầu xin  không phải vì hèn tin, không phải ngờ vực sức mạnh của Chúa, nhưng là  tin tưởng vào Chúa, và phó thác nơi Chúa. Xin Chúa dạy chúng con phải  biết canh chừng, phải xét lại lời cầu xin của chúng con có phải ẩn chứa  sự kém tin, một sự sợ hãi trước sức mạnh của thiên nhiên hay không?

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, chúng con, Giáo Hội chúng con đang lao đao  giữa sóng gió biển cả cuộc đời, quyền lực thần dữ đang thét gào như muốn  nuốt chửng, như muốn nhận chìm chúng con. Nhiều phen chúng con đã bị té  nhào trước sự tấn công của ác thần. Xin Thầy thức dậy và mau mau đến với  chúng con. Có Thầy cùng chiến đấu, chắc chắn chúng con sẽ chiến thắng vẻ  vang. Amen.

Lm. Jude Siciliano, OP.

 

Quyền năng của Thiên Chúa

G 38,1.8-11; 2 Cr 5,14-17; Mc 4,35-41

 

Kính thưa quý vị,

Bài Tin Mừng hôm nay khuấy động ký ức của tôi. Một nữ tu Đa Minh và tôi bấy giờ là thành viên trong một nhóm giảng thuyết ở giáo phận West Virginia. Buổi sáng hôm ấy, chúng tôi đang làm việc với một nhóm chia sẻ Lời Chúa trong một căn nhà nhỏ, nằm trên một triền đồi, tại một thị trấn có mỏ than đá phía nam thủ phủ Charleston. Sau lời nguyện mở đầu sốt sắng, một người dân địa phương đọc đoạn Tin Mừng và rồi tất cả chúng tôi suy niệm trong thinh lặng. Sau những giây phút thinh lặng, tôi hỏi một câu hỏi xem ra ngớ ngẩn đối với những người sống sâu trong miền Appalachia: “Có bao giờ anh chị em gặp bão biển chưa?” Theo tôi được biết thì không hề có bão ở vùng quanh con sông Kanawha này.

Một bà cụ trả lời: “Vâng! Cách đây 30 năm, mỏ than đá ngay vùng trũng sập và lấy đi sinh mạng của 18 người. Chúng tôi ai nấy đều có người thân nằm lại trong hầm mỏ ấy, hoặc biết một người thân của ai đó đã thiệt mạng. Lúc bấy giờ thời buổi rất khó khăn.” Thế rồi bà ấy nói thêm: “Đấy chính là cơn bão biển của chúng tôi đấy!”

Tôi chắc ai đó đọc những suy tư này có khả năng đọc Tin Mừng theo thánh Máccô bằng ngôn ngữ gốc là tiếng Hy Lạp. Thế nhưng, dù là người có học thức hay không, nam hay nữ, thợ mỏ hay giáo sư, người công dân lâu năm hay chỉ là người mới nhập cư, chúng ta đều được nối kết với nhau qua những trải nghiệm chung của mình. Cùng với người phụ nữ trên, chúng ta có thể nói rằng chúng ta biết thế nào là một trận cuồng phong trên biển; cũng giống như những gia đình của các thợ mỏ phải chịu đựng những mất mát tang thương ấy. Chúng ta cũng trải qua sự đổ vỡ của một mối tương giao lâu dài nào đó; một ước mơ chúng ta đã phải gác sang một bên; mất việc làm và sự bảo đảm cho cuộc sống gia đình; một cuộc hôn nhân đang trong cơn khủng hoảng; về đời sống thiêng liêng, cảm thấy mình như đang phiêu dạt cần có hướng đi để đến được bờ bến bình an. Chúng ta biết những gì các môn đệ trong câu chuyện Tin Mừng phải trải qua “những lớp sóng ùa vào thuyền đến nỗi sắp đầy nước.” Chúng ta đều có trải nghiệm phần đầu của câu chuyện Tin Mừng.

Chúng ta cũng có thể có kinh nghiệm về phần tiếp theo; nghĩa là phần nói lên sự bất lực, nỗi sợ hãi và lời kêu cứu. Chúng ta cảm nghiệm những đổi thay bất ngờ và không như ý muốn trong cuộc sống thường nhật của mình. Có thể chúng ta cũng đã kinh qua phần Đức Giêsu đang ngủ. Đấy là cảm giác của chúng ta đang khi cần Người nhất thì Người lại vắng bóng; khi Người xem ra không xuất hiện để ra tay cứu giúp; khi chúng ta phải tự thân vật lộn để khỏi bị chìm – cho tới khi nỗi sợ hãi bao trùm và khống chế chúng ta. Giống như các môn đệ, chúng ta kêu cứu trong cơn bão tố: “Chúng con chết mất mà Thầy không quan tâm đến sao?” Chúng ta cũng biết được phần này của câu chuyện.

Thế rồi nét đẹp của câu chuyện xuất hiện: ngay cả khi chúng ta hướng về Người chỉ vì chúng ta đang chìm sâu, đến tận cổ. Chúng ta cảm thấy bất lực, nhưng Người hiện diện với chúng ta và hỏi cùng một câu hỏi Người đã hỏi các môn đệ trên thuyền, “Sao các con sợ hãi thế? Các con không có đức tin ư?” Đây hẳn không phải là một lời khiển trách mà đúng hơn là một lời nhắc nhớ rằng đức tin non kém của chúng đã đã không làm Người bỏ rơi chúng ta và Người thực sự sẽ làm gì đó cho chúng ta. Dĩ nhiên Người sẽ không luôn luôn làm dấu lạ như Người đã làm cho các môn đệ sợ hãi, bằng cách biến biển đầy sóng gió trở nên phẳng lặng như tờ. Và đôi khi, dường như Người đang ngủ và chúng ta phải tự chèo chống lấy. Hơn nữa, chúng ta cảm thấy mình đủ sức để chiến đấu vượt qua những bề bộn của đời sống hằng ngày. 

Khi chúng ta nhìn lại lúc hiểm nguy, lúc đức tin bị thử thách, cũng như nhiều người khác, chúng ta có thể nói, “Tôi biết Người đã ở cùng tôi, nếu không làm thế nào tôi đã có thể vượt qua cơn bão ấy?” Đấy chính là phần còn lại của câu chuyện. Ngay cả khi biển không lặng và vì lý do nào đó, sự thay đổi hay cải thiện không xảy ra nhanh chóng, nhưng chúng ta vẫn vững bước và niềm tin của chúng ta được đặt nền trên những đấu tranh. Dĩ nhiên không phải là nhờ vào những nỗ lực và can đảm của mình nhưng Đấng dường như đang ngủ lại hiện diện ngay đó bên cạnh chúng ta trong bão tố - cho dù chúng ta có cảm thấy Người ở đó hay không.

Tôi đã từng nghe nhiều chuyện như vậy ít là hơn một lần. Một người phụ nữ tôi quen biết đã chiến thắng được căn bệnh ung thư. Bà ấy nói điều mà xem ra không thể hiểu được và tôi muốn ca ngợi cuộc chiến đấu của bà và không muốn làm cho chuyện này có vẻ nhàm hay như một chiến thắng dễ dàng. “Căn bệnh là một ân phúc cho tôi. Nó ném cuộc đời tôi vào sự hỗn độn, cướp mất giấc ngủ của tôi, làm tôi kiệt sức và tàn phá sức khỏe cũng như đời sống tình cảm của tôi. Căn bệnh cũng làm cho đời sống gia đình trở nên căng thẳng. Nó phá tan sự yên ổn và đảo lộn đời sống thường nhật của tôi. Nhưng, căn bệnh này lại là một ân phúc vì nó giúp tôi nhìn rõ mọi sự. Những thứ trước đây làm tôi bận tâm như: nhà tôi có sạch sẽ không, những va chạm ở công sở, tính khí bất thường của chồng tôi, những cuộc cãi vã vặt của đám con tôi – không còn quan trọng đối với tôi. Mỗi ngày khi thức giấc, tôi bắt đầu nhìn thấy phép lạ trong cuộc đời tôi. Giờ đây, tôi không lo lắng nhiều cho tương lai và sống nhiều hơn cho hiện tại. Lúc ấy, tôi không biết mình có được một tương lai hay không. Tôi chỉ biết mình có giây phút hiện tại. Tôi sẽ không để nó vuột khỏi tay tôi như tôi đã để mất nó gần như cả đời mình.”

Thế rồi bà ấy nói thêm: “Mỗi ngày tôi cầu nguyện bằng Kinh Lạy Cha, ‘xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày.” Tôi xác tín rằng điều tôi cần cho ngày hôm nay sẽ được ban cho tôi trong bất cứ một cơn bão mới nào tôi phải đối diện. Và rồi tôi đã được nhận lời.”

Tôi dám nói rằng đấy chính là đức mà tin Đức Giêsu tìm kiếm nơi các môn đệ của Người. Tôi tin rằng dù cơn bão còn đó thì các ông cũng sẽ vượt qua nó cùng với Người, đây là “lương thực hằng ngày của họ,” trên chiếc thuyền. Đấy chính là đức tin Người đang kiến tạo cho chúng ta ngày hôm nay, tại Thánh Lễ này, đặc biệt nếu như trong lúc này chúng ta đang lênh đênh trên biển đầy sóng gió và mất phương hướng. Người ban tặng chính Người cho chúng ta làm lương thực hằng ngày cho cuộc lữ hành.

Chúng ta có thể thấy tại sao bài đọc một được chọn cho ngày hôm nay. Thiên Chúa nói với ông Gióp “từ cơn lốc.” Đấy là biến cố Chúa hiển linh, Thiên Chúa tỏ lộ quyền năng và sự hiện diện của Người. (Điều này cũng gợi lên những gì diễn ra trong bài Tin Mừng.) Lúc này trong câu chuyện của ông Gióp, từng người đến “an ủi” ông đã cất lời và ông Gióp đã trả lời họ. Thế nhưng vấn nạn về đau khổ được ông Gióp nêu lên vẫn còn đó: tại sao con người chịu đau khổ? Giờ đây đến lượt Chúa nói, “từ cơn lốc.” Câu trả lời của Chúa chỉ đơn giản khẳng định sự siêu việt của Người trên con người và quyền năng của Người trên thiên nhiên. Chúa là đấng trị vì mọi thứ. Trong trình thuật hôm nay, quyền năng của Người thống trị biển cả và giúp chúng ta đón nhận bài Tin Mừng nơi Đức Giêsu sẽ thể hiện quyền năng của Người trên cơn bão.

Sau khi nghe bài Tin Mừng, câu hỏi được các môn đệ lòng đầy kinh ngạc gợi lên cũng là câu hỏi của mỗi chúng ta: “Người là ai mà cả gió lẫn biển cũng đều vâng lệnh Người?"