HOME

THÁNG NĂM

1-5 : Thánh Cô-ép-lê Ðông, LM Thừa sai Pa-ri, Dòng Ba Ða Minh, tử đạo

4-5 : Chân phước Ê-mi-li-a Bít-se-ri, Trinh nữ

7-5 : Chân phước An-be-tô Be-ga-mô, Thánh nam

9-5 : Thánh Giu-se Hiển, Linh mục, tử đạo

10-5 : Thánh An-tô-ni-nô, Giám mục - Lễ nhớ

12-5 : Chân phước Gio-an-na nước Bồ đào nha, Trinh nữ

13-5 : Chân phước I-men-đa Lam-be-ti-ni, Trinh nữ

15-5 : Chân phứơc Gi-lê Vơ-giê-la, Linh mục

15-5 : Chân phước An-rê A-bê-lơn, Linh mục

19-5 : Chân phước Phan Sinh Côn Ghi-ta, Linh mục

20-5 : Chân phước Phê-rô Giắc-giô Phơ-rát-xa-ti, Giáo dân Ða Minh

21-5 : Chân phước Cô-lum-ba Ri-ê-ti, Trinh nữ

24-5 : Cải táng thánh phụ Ða minh, Lễ nhớ

26-5 : Chân phước Phê-rô Xan-dơ, GM và anh em tử đạo ở Trung Quốc

27-5 : Chân phước An-rê Phơ-ran-si, Giám mục

28-5 : Chân phước Ma-ri-a Ba-tô-lô-mê-ô Ba-nhê-xi, Trinh nữ

29-5 : Chân phước Ghi-giôm A-nô, và các bạn tử đạo

30-5 : Chân phước Gia-cô-bê Sa-lô-môn, Linh mục

Ngày 1 tháng 5
Thánh Âu tinh CÔ-ÉP-LÊ ÐÔNG
Linh mục Thừa sai Pa-ri, Dòng Ba Ða Minh, tử đạo (1822-1851)

Tiểu sử
Cậu Âu Tinh Cô-ép-lê (Cố Ðông) sinh ngày 22-11-1822 tại Mi-ten-bơ-ron Vùng Lo-ren, nước Pháp.

Sau khi đã hoàn tất chương trình tại chủng viện Nan-xy, thầy đăng ký gia nhập hội Thừa sai Pa-ri năm 1846 để thực hiện ý hướng truyền giáo của mình. Thầy thụ phong linh mục ngày 29-5-1847 ; với lòng ước ao đi bất cứ nơi nào để truyền giáo, nhất là Bắc Việt, nơi đang xảy ra những cơn bách hại đạo trầm trọng. Người đã ước đoán được phúc tử đạo của mình, vì trong thư người viết : "Thiên Chúa nhân từ sẽ ban cho tôi phúc tử đạo. Ngày nào tôi cũng xin ơn đó."

Ðược phép sang Bắc Việt truyền giáo, cha tới La Phúc vào năm 1847, rồi làm việc ở xứ Ðoài. Dù sức khoẻ yếu kém, cha vẫn miệt mài truyền bá đức tin và kết quả rất khả quan.

Ngày 1-3-1851, cha bị bắt trên đường tới Bản Mộ và bị giải về Sơn Tây, dọc đường cha gặp một tín hữu, cha nói : "Hãy về nói với anh chị em, đừng lo sợ gì hết, dù thế nào tôi cũng không khai một ai cả". Nơi đây, cha bị tra khảo hai lần, bị tống giam và rồi lên án tử theo chiếu chỉ của vua Tự Ðức, vì nhà vua đã ra chiếu chỉ tru diệt tất cả những Thừa sai ngoại quốc.

Cố Ðông bị trảm quyết sau giờ ngọ ngày 1-5-1851, tại pháp trường Năm Mẫu ở Sơn Tây. Thi thể cha được chôn tại chỗ, còn thủ cấp thì bị buông sông. Vài ngày sau, giáo dân cải mộ cha và đưa về mai táng ở xứ Bách Lộc.

Ngày 27-5-1900, đức thánh cha Lê-ô XIII đã phong người lên bậc chân phước. Ðức giáo hoàng Gio-an Phao-lô II suy tôn người lên hàng hiển thánh ngày 19-6-1988.

Lời nguyện : Lạy chúa, Chúa đã tưới gội quê hương Việt Nam chúng con bằng máu của thánh Cô-ép-lê Ðông. Nhờ sự chuyển cầu của người, xin cho hạt giống đức tin và sự nhận biết Chúa Ki-tô luôn được triển nở mạnh mẽ trên quê hương chúng con. Chúng con cầu xin

Ngày 4 tháng 5
Chân phước Ê-MI-LI-A BÍT-SE-RI
Trinh nữ (+1314)

Tiểu sử
Trinh nữ Ê-mi-li-a sinh năm 1238 tại nước Ý, thuộc dòng tộc Véc-xe-li. Khi còn nhỏ, chị Ê-mi-li-a đã có lòng sốt sắng kính mến Chúa và thảo kính cha mẹ.

Năm lên 9 tuổi, chị Ê-mi-li-a tuyên khấn sống bậc tu hành trong một đan viện, mà trước đó cha chị đã trông coi việc xây cất. Tại đây, cùng với một số các chị em khác, chị Ê-mi-li-a đã sống theo tu luật thánh Âu Tinh và luật Chị em Hãm Mình của thánh Ða Minh, quyết tâm đặt Chúa trên mọi quyến rũ và lợi lộc trần gian. Chị chuyên cần tập luyện các nhân đức ; dù ở trong địa vị một bề trên, chị vẫn khiêm tốn phục vụ chị em ngay cả trong những công việc hèn hạ nhất.

Chị khuyên nhủ các chị em trong tu viện siêng năng cầu nguyện. Chị vẫn thường hay nhắc nhở : "Người nữ tu không tha thiết cầu nguyện cũng giống như một người khách lạ vào thành phố mua hàng mà không biết mình phải tiếp xúc với ai và giá cả hàng là bao nhiêu !"

Suốt cả đời, chị liên kết mật thiết với một mình Thiên Chúa và luôn tạ ơn Người vì những ân huệ đã lãnh nhận. Chị đặc biệt yêu mến Ðức Mẹ và năng suy gẫm cuộc khổ nạn của Chúa Cứu Thế, ước ao được tham dự vào những đau khổ của Người.

Chị được Chúa gọi về ngày 3-5-1314, đây cũng là ngày lễ kỷ niệm việc tìm thấy Thánh Giá Chúa Giê-su. Ngày 19-6-1769, đức giáo hoàng Cơ-lê-men-tê XIV tôn phong chân phước cho chị Ê-mi-li-a.

Lời nguyện : Lạy Chúa, Chúa đã cho chân phước Ê-mi-li-a biết khinh chê của cải thế trần để chỉ biết tìm kiếm một mình Chúa, nhờ công đức và gương sáng của người, xin cho chúng con biết từ bỏ chính mình mà yêu mến Chúa bằng tâm tình tri ân cảm mến. Chúng con cầu xin

Ngày 7 tháng 5
Chân phước AN-BE-TÔ BE-GA-MÔ
Giáo dân Ða Minh (1214-1279)

Tiểu sử
Chân phước An-be-tô chào đời tại làng Vin-la Ôn-gi nước Ý quãng năm 1214. Cậu An-be-tô sinh trưởng trong một gia đình nông dân. Ngay từ thuở thiếu thời, cậu đã được hấp thụ một nền giáo dục đạo đức của gia đình, nhất là về lòng thương người.

Khi đến tuổi lập gia đình, cậu An-be-tô gặp phải người vợ có tính hay cằn nhằn mỗi khi chàng tỏ ra rộng rãi với người nghèo, nhưng chàng vẫn cứ kiên trì chịu đựng. Khi vợ mất mà không có được một mụn con, cậu An-be-tô bỏ ruộng vườn của thân phụ đến Cơ-ren-cô-na lập nghiệp sinh sống. Tại đây, cậu đã sống đời ki-tô hữu nghèo khó để đối thoại với những người khó nghèo đi theo lạc giáo. Lúc bấy giờ là năm 1234, trùng vào dịp vị Tổ phụ Dòng Anh em Thuyết giáo được tôn phong hiển thánh ; vì cảm kích và ao ước sống theo tinh thần sám hối và trắc ẩn của thánh Ða Minh, nên ông đã xin gia nhập đoàn Anh em Hãm Mình năm 1260.

Sau này, quãng năm 1279, hội đoàn này được sáp nhập vào Dòng với tên gọi Dòng Ba Ða Minh và đã được bề trên tổng quyền Mu-ni-ô Gia-mô-ra chuẩn nhận 1285. Tuy chỉ là một giáo dân Ða Minh, nhưng ông vẫn ra công làm việc với ước nguyện gieo rắc niềm tin và cổ võ hòa bình, tham gia hoạt động từ thiện ở tầm mức quốc tế.

Ông An-be-tô qua đời ngày 7-5-1279, và ngày 9-5-1748, đức giáo hoàng Biển Ðức XIV tôn phong ông lên hàng chân phước.

Các bài đọc : Xem phần chung các thánh lo việc bác ái, trang 257.

Lời nguyện : Lạy Chúa, Chúa đã dùng nếp sống khiêm nhu, lòng nhiệt thành với chân lý và đức bác ái tông đồ mà làm cho chân phước An-be-tô nên rạng rỡ. Xin cho chúng con biết chuyên cần học tập nhân đức của người hầu đáng được hưởng phần thưởng Chúa ban. Chúng con cầu xin

Ngày 9 tháng 5
Thánh GIU-SE HIỂN
Linh mục, tử đạo (1769-1840)

Tiểu sử
Cậu Giu-se Hiển sinh năm 1769 tại Quần Anh, thuộc tỉnh Nam Ðịnh. Gia đình đã gửi cậu đến sống với đức cha Ðen-ga-đô Y Dòng Ða Minh.

Học xong thần học, thầy Hiển được thụ phong linh mục và gửi sang Ma-ni-la. Tại đây, ngày 12-10-1812, cha đã lãnh áo dòng, và ngày 13-10-1813, cha khấn dòng Anh em Thuyết giáo. Trở về quê hương, cha Hiển được trao trách nhiệm trông coi xứ đạo Cao Mộc, cha đem hết tình để phục vụ dân Chúa.

Ngày 6-1-1833, vua Minh Mạng ra chiếu chỉ bắt đạo ; tất cả các cha phải nay đây mai đó trốn tránh để phục vụ giáo dân. Ngày 20-12-1839, tại Kiên Trung, do một kẻ ngoại đạo tố cáo, cha bị quan Trịnh Quang Khanh bắt giữ và giải về tỉnh.

Vì cha không chịu đạp lên lên Thánh giá, nên quân lính đánh đòn, bắt đeo gông, nhốt cha trong ngục. Sau bốn tháng tra hỏi, vẫn không thể nào thuyết phục cha chối bỏ đức tin, quan tổng đốc Trịnh Quang Khanh kết án trảm quyết ngày 29-4-1840. Ðầu tháng 5-1840, án đã châu phê của triều đình đến. Ngày 9-5-1840, người ta thi hành án trảm quyết cha Hiển tại Nam Ðịnh. Thi thể cha được chôn tại pháp trường, tám tháng sau mới được cải táng và chôn cất tại chủng viện Lục Thuỷ.

Ðức thánh cha Lê-ô XIII đã tôn phong chân phước cho người ngày 27-5-1900 cùng với 74 vị tử đạo khác, trong đó, có đức giám mục I-nha-xi-ô Ðen-ga-đô và Ða Minh Hê-na-rết. Ngày 19-6-1988, đức giáo hoàng Gio-an Phao-lô II suy tôn người lên bậc hiển thánh.

Lời nguyện : Lạy chúa, Chúa đã tưới gội quê hương Việt Nam chúng con bằng máu của thánh Giu-se Hiển. Nhờ sự chuyển cầu của người, xin cho hạt giống đức tin và sự nhận biết Chúa Ki-tô luôn được triển nở mạnh mẽ trên quê hương chúng con. Chúng con cầu xin

Ngày 10 tháng 5
Thánh An-tô-ni-nô
Giám mục - Lễ nhớ (1389-1459)

Tiểu sử
Thánh An-tô-ni-nô Pi-ô-rô-di sinh tại Phi-ren-xê năm 1389, được chân phước Gio-an Ða Minh nhận vào Dòng năm 1405. Lúc ấy, chân phước Gio-an Ða Minh thừa lệnh chân phước Rây-mun-đô đang cố gắng điều chỉnh lại nếp sống tu trì tại các tu viện.

Sau khi mãn khóa tập ở Cô-tô-na năm 1406, thầy An-tô-ni-nô về Phê-xu-la để tiếp tục dùi mài kinh sử, thầy trở thành tu sĩ đầu tiên của tu viện Phê-xu-la, tại đây, một trung tâm cải cách đang được xây cất. Năm 1413, sau khi thụ phong linh mục, cha An-tô-ni-nô chính thức tham gia vào các hoạt động tông đồ và quản trị Dòng ; cha nổi tiếng về đời sống nhiệm nhặt, trí khôn thông sáng và cách hành xử khôn ngoan. Kể từ năm 1418, với tư cách là tu viện trưởng, cha cổ võ đời sống kỷ cương tại Cô-tô-na, Phê-xu-la, Nê-a-pô-li và Rô-ma. Ở Rô-ma, cha được nhận làm dự thẩm tại tòa Thượng thẩm và là một giáo sư giáo luật nổi tiếng.

Khi tu viện thánh Mác-cô ở Phi-ren-xê được hoàn thành nhờ kinh phí của một người quyền quý là Cốt-ma Mê-đi-xi, cha An-tô-ni-nô được cử làm tu viện trưởng (1436-1444) vào thời chân phước An-giê-li-cô đang thực hiện những họa phẩm tuyệt vời. Cũng tại tu viện này, các khoa nhân văn được phát triển và thư viện công cộng đầu tiên ở Âu châu được thiết lập. Từ năm 1437, cha An-tô-ni-nô giữ chức tổng đại diện các tu viện giữ kỷ luật nghiêm ngặt tại Ý. Năm 1438, cha tham dự công đồng chung Phi-ren-xê và năm 1446 đức giáo hoàng Ơ-giê-ni-ô IV đặt cha làm tổng giám mục thành Phi-ren-xê. Ðức giám mục nổi danh vì khôn ngoan thông thái đến độ người ta quen gọi người bằng tước hiệu "An-tô-ni-nô, vị cố vấn !"

Ðức giám mục An-tô-ni-nô là một vị chủ chăn đầy đoàn sủng, một vị tổng giám mục tài đức : quán xuyến mọi việc, săn sóc những kẻ khốn cùng, quan tâm đến những người bị bỏ rơi. Với tinh thần từ bỏ, người bán hết tài sản để rộng tay giúp đỡ họ. Mong ước công việc từ thiện được duy trì lâu bền và đạt hiệu quả, đức tổng giám mục đã thành lập "Hội ái hữu thánh Mác-ti-nô".

Như vậy, người đã đi tiên phong trong phong trào cứu trợ xã hội. Người góp nhiều công sức vào việc chấn hưng hàng giáo sĩ, tuy nhiệm nhặt nhưng ôn hoà trong cương vị chủ chăn, thầy dạy giáo lý và nhất là nhà giảng thuyết thời danh. Người viết nhiều sách đạo lý súc tích. Tác phẩm nổi tiếng nhất là cuốn Tổng Yếu Luân Lý. Tác phẩm này minh chứng thánh nhân rất thông thạo về luân lý.

Ðức giám mục An-tô-ni-nô qua đời ngày 2-5-1459 và ngày 31-5-1523 đức giáo hoàng Hát-ri-a-nô VI đã tôn phong hiển thánh cho người.

Bài đọc : Hc 37,16-26 ; Gc 3,13-18 ; Tin Mừng : Lc 12,35-44

Lời nguyện : Lạy Chúa, Chúa đã dùng ơn siêu nhiên làm cho thánh An-tô-ni-nô nên thông sáng lạ thường, xin Chúa vì lời người chuyển cầu cho chúng con đang sống giữa tối tăm của đời tạm này, được ơn trên soi dẫn hầu học biết thánh chỉ của Chúa và ra sức thi hành. Chúng con cầu xin

Ngày 12 tháng 5
Chân phước Gio-an-na, nước Bồ đào nha
Trinh nữ (1452-1490)

Tiểu sử
Công chúa Gio-an-na là con vua An Phong V nước Bồ Ðào Nha. Hồi còn thơ ấu, sống trong triều đình của vua cha, chị Gio-an-na đã tỏ ra khuynh hướng thiên về đời sống đạo đức và khổ hạnh. Lớn lên, khi vua vắng mặt, chị đã thay cha điều hành dân nước.

Càng trưởng thành, khuynh hướng về đời sống khổ hạnh càng tỏ lộ rõ ràng. Chị có lòng tôn kính Ðức Giê-su Ki-tô chịu khổ nạn cách đặc biệt ; mỗi khi suy gẫm về cuộc thương khó của Người, chị thường cảm động và nước mắt chan hoà. Chính lòng sùng mộ đặc biệt này là nguyên nhân soi dẫn chị sống đời chiêm niệm, khổ hạnh và lòng cảm thương những người khốn khổ.

Sau khi lướt thắng những ngăn trở từ phía vua cha, chị vào sống trong đan viện dòng thánh Ða Minh ở A-vây-ren-xê. Chị được nhận vào đan viện ngày 4-8-1472, càng ngày chị càng cố gắng tiến tới trên đường hoàn thiện, phát triển tối đa những khuynh hướng đã có từ niên thiếu : khiêm nhường, hy sinh, tuân phục, cầu nguyện cho các tội nhân, cho các tu sĩ giảng Tin Mừng, cho người ngoại giáo, cho việc giải phóng các ki-tô hữu bị bắt đi làm nô lệ ở Phi châu.

Ngày 12-5-1490, chị qua đời tại đan viện A-vây-ren-xê khi được 38 tuổi. Ngày 31-12-1692, đức giáo hoàng In-nô-xen-tê XII tôn phong chị lên hàng chân phước.

Lời nguyện : Lạy Chúa, Chúa đã dùng đức kiên nhẫn mà làm cho chân phước Gio-an-na nên mạnh mẽ giữa những xa hoa của triều đình và phù vân thế gian. Xin nhờ lời cầu bầu của người cho các tín hữu biết xa lánh những quyến rũ của thế gian và luôn ao ước những sự trên trời. Chúng con cầu xin

Ngày 13 tháng 5
Chân phước I-men-đa Lam-be-ti-ni
Trinh nữ (+1333)

Tiểu sử
Chân phước I-men-đa cũng gọi là Ma-ri-a Mác-đa-la Lam-be-ti-ni sinh trưởng trong một gia đình thuộc hàng quý tộc tại Bô-lô-ni-a vào đầu thế kỷ XIV.

Ngay từ thuở thiếu thời, chị đã được nhận vào đan viện Van-li Pê-tơ-ra, gần Bô-lô-ni-a như một nữ đan sĩ Dòng Ða Minh. Cũng ở đan viện này, vào ngày 12-5-1333, hai ngày trước lễ Thăng Thiên, sau khi đã được rước Mình Thánh Chúa cách lạ lùng, chị I-men-đa đã qua đời khi còn rất trẻ.

Trong "Danh mục các thánh" của đan viện có ghi rằng : "Ngày thứ Tư trước Rằm tháng Năm (tức ngày 12-5), chị I-men-đa Lam-be-ti-ni đã về với Chúa. Trước khi chị qua đời, Bánh Thánh từ trời ngự xuống và đã được linh mục đón nhận rồi trao cho chị rước lấy trước sự chứng kiến của nhiều người, và tức khắc, chị trút hơi thở cuối cùng."

Thi hài chị được an táng trọng thể tại nữ đan viện Van-li Pê-tơ-ra. Năm 1582, theo lệnh Ðức Pi-ô V, các nữ đan sĩ di chuyển về đan viện thánh Ma-ri-a Mác-đa-la trong nội thành Bô-lô-ni-a, nên thi hài của chị cũng được dời về đó. Sau này, khi Na-pô-lê-ông ra lệnh bãi bỏ các dòng tu, thi thể của chân phước được đưa về nhà thờ thánh Xi-gít-mun-đô cho giáo dân kính viếng và được lưu giữ cho đến ngày nay.

Ðức Lê-ô XII đã chuẩn y việc phong chân phước cho chị I-men-đa ngày 20-12-1826. Ðức Pi-ô X đã đặt chân phước I-men-đa làm bổn mạng và mẫu gương cho các em thiếu nhi rước lễ lần đầu.

Lời nguyện : Lạy Chúa Giê-su Ki-tô, Chúa đã tiếp nhận trinh nữ I-men-đa vào Thiên quốc khi đã được nung nấu bằng ngọn lửa yêu mến bàn Tiệc Thánh. Xin Chúa vì lời người chuyển cầu cho chúng con tiến đến bàn Tiệc Thánh với cùng một lòng sốt mến như vậy, để chúng con luôn ao ước được liên kết mật thiết với Ngài, hầu được chiêm ngưỡng Thánh Nhan trong ngày sau hết. Người hằng sống

Ngày 15 tháng 5
Chân phứơc GI-LÊ VƠ-GIE-LA
Linh mục (+1265)

Tiểu sử
Linh mục Gi-lê Vơ-gie-la là con của một vị tổng trấn vùng Cô-i-bơ-ra. Thân phụ người có ý định cho người theo đuổi ơn gọi giáo sĩ. Cha Gi-lê theo học tại đại học Cô-i-bơ-ra, người trổi vượt về các môn học nhờ khả năng thiên phú của mình. Sau đó, người nhận những bổng lộc hậu hĩ và được cắt đặt điều hành một tu viện. Tại đây, người xin miễn chuẩn các giờ kinh phụng vụ trong cộng đoàn để miệt mài nghiên cứu. Vào một ngày kia, sau khi đã bàn giao công việc quản trị của mình cho tu viện trưởng, người lên Pa-ri để theo học ngành Y.

Trên đường đi, một hành khách cứ bám miết theo người và ngỏ ý giúp người học nghề luyện kim, vì nghề này sẽ đem lại cho người tất cả mọi niềm vui và vinh quang trần thế. Cha Gi-lê nhận lời đề nghị. Tiếc thay ! vị hành khách này chính là Xa-tan, hắn dẫn người vào một cái hang, ép người "cắt máu ăn thề" để tỏ dấu người chối bỏ tước vị làm con Thiên Chúa và nhận làm nô lệ cho ma quỷ. Ðổi lại, nó hứa cho người tất cả những ham muốn thầm kín. Trong suốt 7 năm, cha sống trong hang và đêm ngày chịu đựng để thấm thía những bí mật của ma quỉ. Sau đó, cha trở lại Pa-ri và nổi danh ở trường đại học, hướng một cuộc sống theo những đòi hỏi của "thầy" mình. Bỗng dưng, một đêm nọ, một cơn ác mộng khiến người kinh hồn khiếp vía, người cầu xin Ðức Ma-ri-a, và người nghe thấy có tiếng trả lời : "con đã được cứu thoát." Người cúi mình phủ phục, tạ ơn Ðức Trinh Nữ Ma-ri-a và lên đường trở về Bồ Ðào Nha.

Khi đi ngang qua vùng Va-len-xơ, cha Gi-lê thấy các tu sĩ Ða Minh vừa mới khởi công xây cất một tu viện ở Ê-muy. Ngước nhìn anh em đang tất bật trong việc, cha Gi-lê chợt nhận ra vị tu viện trưởng, lập tức cha đến trình diện tu viện trưởng rồi xin được xưng thú tội lỗi của mình. Ai nấy đều khâm phục cha Gi-lê về mức độ tiến đức của người, chả là khi sống giữa anh em, người luôn trổi vượt về nhân đức khiêm nhường, lòng tận tuỵ với công việc, giữ thinh lặng và tinh thần sám hối. Sau khi khấn trọng vào năm 1221, người được cử đến tu viện Xan-ta-rem ở Bồ Ðào Nha.

Trong suốt 7 năm, cha Gi-lê luôn kiên trì đấu tranh chống lại Xa-tan, nó luôn hành hạ người và nhắc cho người nhớ đến tờ giao kèo mà người thỏa thuận với nó. Cuối cùng, cha đã được cứu thoát nhờ sự che chở của Ðức Trinh Nữ Ma-ri-a : vào một buổi tối khi đang nguyện kinh, bỗng dưng người chìm vào giấc mộng và thấy tờ giao kèo quái ác đó được trả lại cho người.

Từ đó, người luôn nhận được những an ủi thiêng liêng và được ơn xuất thần. Nhìn thấy những thành công trong sứ vụ của cha, anh em cắt cử cha chuyên lo việc giảng thuyết để cảm hóa những tội nhân khét tiếng. Cha Gi-lê qua đời năm 1265 khi đang ở tuổi tám mươi. Ðức Biển Ðức XIV đã chuẩn y tôn kính người dưới tước hiệu chân phước năm 1748.

Lời nguyện : Lạy Chúa là đấng nhân từ, Chúa đã dẫn đưa chân phước Gi-lê đến cuộc sống công chính và thánh thiện. Xin cũng giữ gìn chúng con khỏi sa vòng tội lỗi và dẫn đưa chúng con đến sự sống tràn đầy tự do của Chúa. Chúng con cầu xin

Ngày 15 tháng 5
Chân phước AN-RÊ A-BÊ-LƠN
Linh mục (+1450)

Tiểu sử
Cuộc đời của chân phước An-rê A-bê-lơn được ấn định vào cuối thế kỷ XIV và đầu thế kỷ XV, trùng với thời kỳ đại Ly giáo. Giống như thánh Vinh Sơn Phê-ri-ê, cha An-rê đã phục tùng các đức giáo hoàng vùng A-vi-nhông. Người sinh tại Xanh Ma-xi-manh. Khi còn rất trẻ, người đã xin gia nhập tu viện ở thành phố nơi người sinh trưởng. Người nghiên cứu thần học ở Tu-lu-dơ, dạy triết học ở Môn-pe-li-ê, hướng dẫn luân lý tổng quát ở A-vi-nhông và trở thành giáo sư thần học năm 1408.

Cha An-rê ngã bệnh trong suốt 30 năm. Sau đó, người tiếp tục dạy học ở Pa-ri, A-vi-nhông và Môn-pe-li-ê. Tuy nhiên, điều đáng lưu ý là người trở thành một nhà giảng thuyết nổi tiếng trên khắp các đô thị Pơ-rô-văng và Vơ-nét-xanh. Trong đó, thành phố Ét-ăng Pơ-rô-văng là nơi người thường xuyên du thuyết. Khi cơn dịch đen hoành hành dữ dội tại đây vào năm 1475, cha An-rê đã đem hết tâm lực để phục vụ các bệnh nhân, qua đó, người đã trở nên dấu chứng sống động cho đời sống tận hiến của mình.

Từ năm 1419, được ủy nhiệm của tu viện trưởng tại Xanh Ma-xi-manh, người đã đóng góp đáng kể vào việc chấn hưng tu viện, sau đó, người chính thức nhận trách nhiệm tu viện trưởng từ năm 1425 đến 1429. Trong khoảng thời gian này, người đã góp phần kiện toàn đời sống đan tu, lối sống này vẫn còn được bảo tồn cho đến ngày nay. Ngoài ra, người còn cổ võ xây dựng và hoàn chỉnh ban thánh nhạc cho xứ đạo.

Năm 1432, bề trên tổng quyền Ba-tô-lô-mê-ô Te-xi-ê gởi người đến Ác-lơ để tái thiết dòng. Lúc này, người ta không còn lưu tâm đến luật kiêng thịt nữa, nhưng cha An-rê vẫn giữ tập quán kiêng thịt. Tuy vậy, vào dịp lễ Các Thánh Anh Hài, trong tinh thần cởi mở và tự do, người vẫn nhã ý cho anh em dùng thịt để mừng lễ. Là tu viện trưởng ở Ách-xơ từ 1438 đến 1442, ở Mạc-xây từ 1444 đến 1448 ; người được tái đắc cử một lần nữa ở Ách-xơ, nhưng người từ chối chức vụ này. Ðó chính là lý do dẫn đến cái chết của người vào năm 1450.

Cha An-rê còn là nhà cải cách vĩ đại về việc tuân giữ lời khấn tại những tu viện được anh em ủy thác. Nhờ đời sống nhân đức, tính kiên nhẫn, và lòng nhiệt thành, người đã khích lệ các tu sĩ ngày một sống thánh thiện hơn. Với lòng nhiệt thành giảng dạy và tài hùng biện, người quả xứng đáng sánh vai với các nhà giảng thuyết thời danh như thánh Vinh Sơn Phe-ri-ê. Hơn nữa, người còn có tài hội họa và được ơn làm phép lạ.

Ðức Lê-ô XIII đã tôn phong cha An-rê lên bậc chân phước vào năm 1902.

Lời nguyện : Lạy Chúa là đấng chân thật vô cùng, Chúa đã sai chân phước An-rê đi rao giảng Tin Mừng bình an và cổ động đời sống kỉ luật. Nhờ lời người cầu thay nguyện giúp, xin cho chúng con biết hi sinh từ bỏ chính mình để loan báo đức tin và mang lấy ách của Ðức Ki-tô. Chúng con cầu xin

Ngày 19 tháng 5
Chân phước Phan Sinh Côn Ghi-ta
Linh mục (1812-1875)

Tiểu sử
Thánh Phan Sinh Côn Ghi-ta sinh ngày 12-5-1812, tại làng Gôm-bơ-rê-ni, thuộc giáo phận Vi-xen-xơ, nước Tây-Ban Nha. Trong bài giảng lễ Chúa nhật ngày 29-4-1979, đức Gio-an Phao-lô II đã tuyên bố : "Chân phước Phan Sinh Côn Ghi-ta là sứ giả của lòng tin, là nơi ẩn náu của niềm hi vọng, là nhà thuyết giảng về tình yêu, về hòa bình và hòa giải giữa những xung khắc do thống khổ, chiến tranh và hận thù gây ra." Chân phước Phan Sinh Côn tuy sinh ra trong hoàn cảnh đầy khó khăn, nhưng lại minh họa rõ nét về đặc sủng ơn gọi Ða Minh.

Sau tuổi thiếu niên sống trong cảnh cơ cực, người vào chủng viện Vi-xen-xơ, rồi vào dòng Anh em Thuyết giáo năm 1830, đến năm 1836, người lãnh tác vụ linh mục.

Là một linh mục truyền giáo theo gương các thánh Tông đồ, người không ngừng đi khắp các thành phố để loan báo Tin Mừng cứu độ của Chúa Giê-su Ki-tô cho hết thảy mọi người. Tu sĩ Ða-mi-en Bơ, bề trên tổng quyền dòng Anh em Thuyết giáo, đã phát biểu trong bài diễn thuyết tại buổi lễ phong chân phước cho cha Phan Sinh Côn như sau : "Cả cuộc sống của cha Phan Sinh Côn được cống hiến cho việc rao giảng Lời Chúa, bước chân người đã in dấu trên những chặn đường sứ vụ ở Ca-ta-lô-nha để rao giảng Phúc Âm trong các làng mạc. Tuy không trực tiếp nhận được sự hậu thuẫn của anh em, người vẫn chuyên cần cử hành mầu nhiệm Lời, khi thì dưới ánh mặt trời thiêu đốt, lúc thì trong cái rét buốt của mùa đông, hoặc phải thường xuyên trú chân trong quán trọ nghèo xác xơ như chính thân phận của người."

Cha Phan Sinh chuyên cần học hỏi và suy gẫm Lời Chúa đến nỗi đôi mắt của người luôn rực sáng khác thường. Mối bận tâm lớn nhất của người là mong sao cho mỗi lần giảng thuyết, mọi người đều có thể đón nhận Lời Chúa, nhờ đó, cuộc sống của họ được cải thiện.

Vì muốn chia sẻ trách nhiệm với anh chị em Huynh đoàn giáo dân Ða Minh tại Ca-ta-lô-nha, cha Phan Sinh đã thành lập cộng đoàn "Truyền tin " gồm các nữ tu Dòng Ba Ða Minh.

Vào năm 1869, căn bệnh xuất huyết não đã làm tê liệt dây thần kinh thị giác khiến người phải sống cảnh mù lòa trong suốt 6 năm cuối đời.

Cha Phan Sinh qua đời ngày 2-4-1875. Ðức Gio-an Phao-lô II đã tôn người lên hàng chân phước vào ngày 29-4-1979. Toàn thể anh em trong Dòng đều công nhận cha Phan Sinh quả thực là một người con ưu tú của thánh phụ Ða Minh.

Bài Ðọc : 2Tm 2,22-26 ; Tin Mừng : Lc 12,22-34

Lời nguyện : Lạy Chúa là đấng chân thật vô cùng, Chúa đã chọn chân phước Phan Sinh Côn Ghi-ta để làm rạng danh Con Chúa và hướng dẫn dân chúa sống trong sự thánh thiện. Nhờ lời người cầu thay nguyện giúp, xin cho đức tin chân chính luôn được duy trì và không ngừng lớn mạnh nhờ tác vụ giảng thuyết. Chúng con cầu xin

Ngày 20 tháng 5
Chân phước PHÊ-RÔ GIẮC-GIÔ PHƠ-RÁT-XA-TI
Giáo dân Ða Minh (1901-1925)

Tiểu sử
Cậu Phê-rô Giắc-giô Phơ-rát-xa-ti là con của thượng nghị sĩ An-phơ-rê-đô Phơ-rát-xa-ti. Cha cậu là người sáng lập tờ báo "La Stampa". Cậu chào đời ngày 6-4-1901 tại Tu-rin. Lớn lên, cậu được thừa hưởng những đức tính tốt của gia đình.

Cậu Phê-rô Giắc-giô có một khao khát mãnh liệt là muốn giúp những người túng quẫn và đem lại công bình cho tha nhân. Những nét đặc trưng thời thơ ấu đã bộc lộ phần nào tính cách của cậu : khi mới lên 4 tuổi, cậu nằng nặc xin người chị họ là Ri-ta Pi-e-ra-di ẵm đi xem đoàn rước Ðức Mẹ. Trong khi các trẻ khác tung hoa, thì cậu lại khéo léo đưa bàn tay xinh xắn vào túi áo người chị họ, lấy trộm một cây bút chì bấm bằng vàng và một cây trâm cài tóc, rồi tỏ ra phấn khởi đắc thắng. Một lần khác, khi cậu lên 5 tuổi, có một người phụ nữ ẵm một em bé đến thăm nhà cậu Phê-rô, thấy em bé đi không mang dép, cậu liền tháo lấy đôi giầy và vớ của mình đem tặng cho đứa bé, rồi nhanh chân chạy đi vì không muốn cho ai biết việc làm của mình.

Dù cậu Phê-rô có một trí thông minh khác thường, nhưng rất thực tiễn và không tư lợi. Cậu đã nhận văn bằng kỹ sư địa chất và ngành ngoại giao. Chị Pi-ra đã viết về cậu như sau : "Tên tuổi Phê-rô Giắc-giô chẳng những không bị quên lãng mà còn âm hưởng sâu xa nơi những người trẻ trong thời đại chúng ta. Thiên Chúa đã thắp lên một ngọn đèn rực sáng để soi rọi tâm hồn các bạn trẻ, giúp họ trở nên thanh khiết, rộng mở, tinh tấn, can đảm ; ngọn đèn ấy có quang năng soi tỏ cho nhiều người nhận biết cội nguồn của ân sủng và Chân lý."

Cậu có vóc dáng mạnh khoẻ như thân hình lực sĩ, được thiên phú về khả năng nhạy cảm và có bản lĩnh. Vì tính khí nóng nảy và sự bốc đồng của tuổi trẻ, nên đôi khi cậu vung tay múa chân làm cho đối phương phải hú vía. Tuy nhiên, cậu đã tự kiềm chế được bản thân và uốn nắn những đam mê của mình theo con đường thiện hảo. Khi lướt thắng những khuynh hướng tự nhiên của bản năng, cậu mới cảm nhận được sự hiện diện của Thiên Chúa trong cuộc đời của mình. Ngày nọ, khi quân phiến loạn xông vào nhà cậu ở Tu-rin, nhờ sức mạnh của Chúa Ki-tô, cậu đã đẩy lui bọn giặc ra khỏi nhà giống như Ðức Giê-su đã giải tán những người buôn bán khỏi đền thờ. Nhân cơ hội này, cha Phi-líp Rô-bốt-ti đã viết thư cho cậu Phê-rô : "Cha đã nghe biết tin tức về lòng dũng cảm của con khi dẹp những tên phiến loại, cha thành thật chúc mừng con."

Với tinh thần tự do trong công tác tông đồ, cậu Phê-rô luôn quan tâm đến những người nghèo khổ, những người cô thế cô thân và những người bị đẩy ra bên lề xã hội. Vì thế, cậu đã gia nhập tổ chức thánh Vinh Sơn Phao-lô để làm công tác xã hội. Ngày nọ, có người hỏi làm sao cậu có thể vui tươi khi bước vào những khu ổ chuột tanh hôi. Cậu trả lời : "Bạn đừng bao giờ quên rằng, ngay cả những căn nhà lộng lẫy cũng vẫn dơ bẩn ; đón tiếp người bất hạnh chính là đón tiếp Chúa Ki-tô. Hẳn bạn còn nhớ điều Thiên Chúa dạy : 'Những gì anh em làm cho tha nhân là anh em làm cho chính tôi.' Quả thực, phần tôi, tôi vẫn thấy một tia hy vọng tỏa sáng nơi những người tàn tật, khốn khổ và bất hạnh."

Năm 18 tuổi, cậu Phê-rô tốt nghiệp đại học với danh hiệu kỹ sư, cậu bắt đầu liên lạc với dòng Anh em Thuyết giáo. Tại đây, cậu đã tìm hiểu đặc sủng của Dòng. Ngày 28-5-1922, cậu lãnh tu phục và xin gia nhập Dòng Ba Ða Minh ở Tu-rin, sau đó một năm, cậu xin khấn dòng và nhận tên thánh là Giê-rô-ni-mô để tỏ lòng kính nhớ và noi gương tu sĩ Giê-rô-ni-mô Xa-vô-na-rô-la vĩ đại, bởi lẽ, cậu đã từng là môn sinh nhiệt thành của tu sĩ này. Cậu rất ham đọc các tác phẩm của tu sĩ Xa-vô-na-rô-la cũng như của thánh Ca-ta-ri-na Xi-ê-na và thánh Tô-ma A-quy-nô.

Cậu Phê-rô muốn quảng bá sứ điệp của tu sĩ Xa-vô-na-rô-la bằng cách tóm lược các bài giảng Tin Mừng của tu sĩ này dành cho Dòng Ba Ða Minh. Cậu hết lòng ngưỡng mộ tu sĩ Xa-vô-na-rô-la vì người là một nhà giảng thuyết tử đạo có đời sống thánh thiện, cư xử hoạt bát và tinh thần khẳng khái. Nhân dịp cậu Phê-rô lãnh tu phục, cha tu viện trưởng Phan Sinh Rô-bốt-ti đã viết : "Cậu Phê-rô đã xin nhận danh hiệu của tu sĩ Giê-rô-ni-mô, vì nhận ra nơi tu sĩ Xa-vô-na-rô-la tiềm tàng một sự khao khát sống trong sạch vẹn toàn, cổ võ tinh thần dân chủ và xây dựng nhiệt tâm tông đồ nơi các ki-tô hữu.

Mặc dù sống giữa đời, cậu vẫn khao khát noi theo các đức tính của tu sĩ Xa-vô-na-rô-la. Với tinh thần hăng say phục vụ, cậu đã tham gia vào các hiệp hội Giới trẻ Công giáo dưới nhiều hình thức khác nhau. Bởi chính nhà cải cách Xa-vô-na-rô-la vĩ đại đã từng lưu tâm và trợ giúp các tổ chức này."

Cha En-ri-cô Rô-va-xen-đa là bạn đồng liêu của cậu Phê-rô cũng khẳng định : "Cậu Phê-rô là một người hào hiệp vì phục vụ Chân lý. Từ suy nghĩ đến hành động, cậu luôn thoát vượt khỏi những lối sống xu thời hay thoả hiệp, cậu chỉ muốn sao cho chân lý luôn sáng ngời."

Vì tôn trọng ý kiến cá nhân nên cậu không bao giờ áp đặt ý kiến của mình. Trong mọi tình huống, cậu luôn là một người bạn công bằng, dè dặt, tế nhị ; sáng suốt và khách quan trong khi phải xét xử, khoan dung với tha nhân nhưng lại nghiêm khắc với chính mình.

Sau một thời gian tìm hiểu đời sống tu trì, cậu Phê-rô đã quyết định sống ơn gọi giáo dân Ða Minh. Cậu nói : "Ơn gọi giáo dân chính là nguồn cảm hứng thôi thúc tôi đến với công việc phục vụ." Vì là giáo dân, nên cậu dễ dàng gặp gỡ và chia sẻ đời sống của giới lao động. Là kỹ sư địa chất, cậu có thể đồng hành với những thợ mỏ vốn bị coi là "giới hạ lưu của giai cấp tư sản." Kỳ thực, có điều gì mà cậu còn tiếc đối với những anh chị em nghèo khổ ! Vài năm sau, tình trạng sức khỏe cậu Phê-rô Giắc-giô ngày càng suy yếu. Kể từ khi sống xa gia đình, những khó khăn lại không ngừng gia tăng khiến cho tình trạng sức khoẻ của cậu càng thêm trầm trọng.

Thật khó mà có thể diễn tả được những nỗi ray rứt của cậu. Càng ngày cậu càng gầy đi đến nỗi dường như người ta không còn nhận ra cậu nữa. Tuy vậy, cậu vẫn tiếp tục thăm viếng những người nghèo sống ở các vùng ô nhiễm. Sức khoẻ ngày một suy giảm, khả năng kháng bệnh cũng kém đi. Chỉ trong vài ngày, căn bệnh bại liệt nhanh chóng nhiễm vào cậu ; người ta cho rằng cậu chỉ bị cúm, nhưng thực ra cậu ngã bệnh bại liệt. Tuy nhiên, cậu vẫn còn tỉnh táo để lãnh nhận các bí tích sau cùng, và lại còn viết một lá thư trăn trối để khuyên nhủ các bệnh nhân, rồi tắt thở vào ngày 4-7-1925.

Ðể bày tỏ lòng thành kính tri ân đối với vị ân nhân của mình, hàng ngàn người, phần đông là giới lao động chân chất, đã đến dự tang lễ của cậu Phê-rô Giắc-giô. Ðây quả là một bằng chứng xác thực về sự thánh thiện của cậu. Ðức Gio-an Phao-lô II đã tuyên phong chân phước cho cậu Phê-rô ngày 20-5-1990.

Lời nguyện : Lạy Thiên Chúa là nguồn mạch tình yêu và hay thương xót, Chúa đã ban cho chân phước Phê-rô Giắc-giô Phơ-rát-xa-ti lòng thương yêu và cảm thông với những người nghèo khổ, bất hạnh. Vì lời người chuyển cầu, xin ban cho chúng con biết lắng nghe, chia sẻ và cảm thông với mọi khổ đau của anh em chúng con, nhờ đó mọi người nhận ra lòng Chúa yêu thương. Chúng con cầu xin

Ngày 21 tháng 5
Chân phước Cô-lum-ba Ri-ê-ti
Trinh nữ (+1501)

Tiểu sử
Chị Cô-lum-ba Ri-ê-ti là một vĩ nhân của thành phố Pê-ru-dơ. Nhiều tài liệu vẫn còn nhắc đến danh tánh chị, chẳng hạn, "chị Cô-lum-ba Ri-ê-ti là một nhân vật của hòa bình" trong một thành phố lớn bị xâu xé bởi quân phiến loạn vào cuối thế kỷ XV.

Chị Cô-lum-ba là con của một người thợ thủ công ở vùng Ri-ê-ti. Ðược sự hướng dẫn của các anh em Ða Minh, chị Cô-lum-ba thường dự các giờ kinh phụng vụ tại một giáo xứ do anh em Ða Minh phụ trách, dần dần, chị tỏ ý muốn gia nhập Dòng Ba Ða Minh. Cha mẹ không tán thành ý kiến của chị vì muốn chị sống trong bậc hôn nhân. Trong ngày lễ đính hôn, chị đã cắt bỏ mái tóc thề vàng óng của mình rồi đem đặt trên bàn. Thấy tình hình xem ra không ổn, vị hôn phu của chị đành phải thoái lui. Năm 19 tuổi, sau những năm sống nhiệm nhặt kết hợp với việc suy niệm và cầu nguyện lâu giờ, chị xin gia nhập đan viện. Khi chị đi hành hương từ Quê-xi-a đến Ma-đô-nơ, gần Vi-te-bê, dân chúng nhận thấy nơi chị toát ra vẻ thánh thiện kỳ diệu khiến họ sinh lòng mộ mến.

Vào một ngày đẹp trời, sau khi đã suy xét cẩn thận, chị lên đường đến Pê-ru-dơ để thiết lập một đan viện. Từ lúc dân chúng nghe biết về danh tánh chị, họ ùn ùn tuôn đến để mong gặp chị trong ngôi nhà nhỏ nơi chị cư ngụ cùng với một số chị em Dòng Ba Ða Minh. Giới hữu trách hứa sẽ trang trải kinh phí cho dự án xây cất tu viện vì "Bê-a-tê Xu-ra".

Tuy vậy, phải đợi một thời gian khá lâu, người ta mới khởi công dự án và mãi đến năm 1493, tu viện mới được hoàn thành. Tu viện toạ lạc gần cổng thành Phê-rô, bên cạnh tu viện của các tu sĩ Ða Minh, vì thế, những anh em ở đây rất ngạc nhiên về người phụ nữ này, chị không ăn uống gì cả, thường xuyên xuất thần và còn có khả năng tiên đoán nữa. Nhiều người đã đến gặp chị để xin được chỉ giáo. Chị đã thu hút được nhiều thiếu nữ trong thành phố dấn thân sống đời tận hiến. Mãi đến năm 1490, chị mới được khấn đơn và khi ấy chị được 23 tuổi.

Vì người là một vĩ nhân của đất nước, đông đảo dân chúng đã xin chị cầu nguyện cho họ. Chị đã đẩy lui được những xáo trộn liên tục tái diễn lúc bấy giờ bằng cách đề bạt thỉnh cầu lên giới hữu trách, cảm hoá và thu phục những thành phần quá khích. Dân chúng gọi tu viện của chị là "đan viện của chim bồ câu" và chính tên gọi của chị cũng có nghĩa là "bồ câu - biểu trưng cho hoà bình." Khi cơn dịch đen xảy đến, tất cả những bệnh nhân đến với chị đều được chữa lành. Khi mẹ bề trên chấp thuận cho chị khấn trọng vào ngày lễ kính thánh Ca-ta-ri-na Xi-ê-na, thì cùng lúc, bệnh dịch cũng ngưng tác hại.

Khi đi ngang qua vùng Pê-ru-dơ, Ðức A-lê-xan-đơ VI tỏ ý muốn gặp chị Cô-lum-ba, chị không thể từ chối, nhưng đã xuất thần khi đức thánh cha đến nơi. Chị từ chối tiếp xúc với công tước Lúc-re Bóc-gia, nên ông nuôi lòng thù ghét. Sau đó, ông ta đã bị lãnh án vì tội chống lại chị.

Tuy vậy, đức giáo hoàng giữ thái độ tôn trọng chị Cô-lum-ba, bằng chứng khi con trai của người là Gio-an Bóc-gia bị ám sát dù rất ray rứt và đau khổ, ngài vẫn xin gửi chị Cô-lum-ba hướng dẫn cháu trai của mình là đại sứ Gio-an Bóc-gia và sau đó là một nhà đại sứ khác. Chị Cô-lum-ba đành phải nặng lời để giảng cho những vị đại sứ này những bài học thấm thía đến nỗi họ cảm thấy rụng rời tâm trí.

Chị Cô-lum-ba sống ẩn dật trong những năm cuối đời và ra đi khi được 35 tuổi. Trước lúc mất, chị mời giới hữu trách vùng Pê-ru-dơ đến để nói với họ rằng : "Ai không yêu thương anh em mình thì không xứng đáng với Cha trên trời, sự ganh ghét chỉ làm gia tăng lòng hận thù, và nước mắt của những người bị ức hiếp là bản án dành cho những kẻ cậy dựa vào quyền lực." Ít lâu sau, một cuộc tàn sát khủng khiếp nổ ra, quân phiến loạn sát hại lẫn nhau bằng những hành động man rợ không thể tưởng tượng được.

Lễ an táng của chị được cử hành trong bầu khí hùng tráng của một cuộc chiến thắng. Ðức Biển Ðức XIII đã tôn phong chị Cô-lum-ba lên hàng chân phước.

Lời nguyện : Lạy chúa là Ðấng rất mực nhân từ, Chúa đã làm cho chân phước Cô-lum-ba nên sáng ngời bằng đời sống đơn sơ và lòng nhiệt thành vì hòa bình. Nhờ sự dạy dỗ của người, xin cho chúng con biết sống gắn bó với nhau trong tình hiệp nhất và nhiệt thành phục vụ Lời Chúa. Chúng con cầu xin

Ngày 24 tháng 5
Cải táng thánh phụ Ða minh
Lễ nhớ

Thánh Ða Minh đã muốn được mai táng dưới chân anh em tại nhà thờ Ni-cô-la "Vườn nho", Bô-lô-ni-a. Nhiều bệnh nhân quả quyết đã nhận được thần dược cứu sống nơi mộ thánh nhân. Nhưng anh em Dòng không công nhận các phép lạ và cho đập vỡ các tặng vật tạ ơn.

Ngày 24-5-1233, theo ý Ðức Ghê-gô-ri-ô IX, thi hài cha thánh Ða Minh được dời sang một ngôi mộ bằng cẩm thạch, trước sự hiện diện của đức cha Tê-ô-đô-cô, tổng giám mục giáo phận Ra-ven-na, đặc sứ Tòa thánh. Tham dự cuộc lễ này còn có cha Giô-đa-nô, Tổng quyền Dòng, và nhiều anh em đang dự Tổng hội ở Bô-lô-ni-a.

Trong khi di dời, mùi thơm lạ lùng từ hài cốt thánh Ða Minh toả ra minh chứng cho mọi người biết rõ thánh nhân là hương hoa của Chúa Ki-tô. Vì là ngày thứ ba trong tuần lễ Hiện Xuống, cộng đoàn xướng bài ca nhập lễ : "Các con hãy hân hoan lãnh nhận vinh quang của các con".

Ðó là khởi đầu cho cuộc điều tra phong thánh. Ngày 3-7-1234, Ðức Ghê-gô-ri-ô IX đã tôn phong hiển thánh cho cha Ða Minh. Ðến sau, chân phước Gio-an Véc-xe-li, Tổng quyền thứ sáu của Dòng, đã cho xây một ngội mộ xứng đáng hơn để dời thi hài Thánh Phụ về ngày 5-6-1267.

Bài đọc : Cv 4,32-35 (MPS) ; Is 52,7-10 ; 1Tm 2,1-10 ; Tin Mừng : Mt 28,16-20

Lời nguyện : Lạy Chúa, Chúa đã soi sáng cho Hội Thánh Chúa bởi công đức và giáo thuyết của thánh Ða Minh là hiển tu Chúa và là Cha chúng con. Xin Chúa vì lời người chuyển cầu, ban cho Hội Thánh Chúa khỏi thiếu những trợ giúp trần thế, lại được luôn thăng tiến và phát triển về đường tâm linh. Chúng con cầu xin

Ngày 26 tháng 5
Chân phước PHÊ- RÔ-XAN-DƠ
Giám mục, và anh em tử đạo ở Trung Quốc (1747-1748)

Tiểu sử
Các tu sĩ Phê-rô Xan-dơ, Phan Sinh Xe-ra-nô, Gio-an An-cô-bê, Gio-a-kim Roa-dô và Phan Sinh Ði-át đều là người Tây Ban Nha thuộc tỉnh dòng Rất Thánh Mân Côi, đã lãnh phúc tử đạo tại Trung Quốc vào thế kỷ XVIII.

Các ngài đến Trung Quốc trong những thời điểm khác nhau và rao giảng Tin Mừng ở tỉnh Phúc Kiến trong nhiều năm mặc dù tại đây đã nổ ra cuộc bách hại đạo. Người ta truy lùng những nơi hội họp trong các ngôi làng mà các ngài đã đến rửa tội cho anh em tân tòng. Ðang khi các tu sĩ giảng dạy, quân lính ập đến bắt các ngài, các tu sĩ đành phải xé lẻ và tìm nơi ẩn nấp. Rủi thay, 3 vị trong số họ đã bị bắt và bị tra tấn để buộc các ngài phải tiết lộ tông tích của 2 vị còn lại.

Tuy vậy, người ta đã không thể khai thác được điều gì cả. Khi nghe biết anh em mình đã phải chịu đựng những cuộc tra tấn dữ dội, tu sĩ Phê-rô Xan-dơ, người đứng đầu tổ chức, giám quản tông tòa miền truyền giáo và là giám mục giáo phận Ma-cao, đã tự nộp mình, và, người cũng khích lệ tu sĩ là Gio-a-kim Roa-dô cùng đang bị truy nã đồng chịu số phận như người .

Cả 5 "tù nhân" đều được đưa đến Phúc Trung, tại đây, các ngài bị giam gần một năm, dù chịu mọi cực hình gian truân nhưng các ngài vẫn không ngừng rao giảng cho các tù nhân bị giam chung với mình, những người viếng thăm mình và cả những kẻ canh giữ mình nữa.

Án tử hình dành cho tu sĩ Phê-rô Xan-dơ đã được tuyên bố, người bị xử trảm vào ngày 26-5-1747. Bốn anh em của người vẫn bị giam suốt 18 tháng trong tù. Tại đây, tu sĩ Phan Sinh Xe-ra-nô đã được bổ nhiệm chức giám mục Ti-pa-xi-ta và chức phụ tá giám quản tông tòa tỉnh Phúc Kiến. Tin đồn loan đi khắp nơi rằng hoàng đế đã giảm cho các ngài từ án tử hình xuống án đày biệt xứ, phó vương và những quan chức khác trong tỉnh đã âm mưu chống lại bản án này bằng cách ra tay sát hại các ngài ngay trong đêm tối tại nhà tù vào ngày 28-10-1748.
Ðức Lê-ô XIII đã suy tôn các ngài lên hàng chân phước vào năm 1893.

Lời nguyện : Lạy Chúa là Ðấng siêu việt, Chúa đã ban cho chân phước Phê-rô Xan-dơ và các bạn lòng hăng say truyền giảng Tin Mừng và can đảm chịu nhiều khổ hình vì danh Chúa. Nhờ gương sáng và lời cầu bầu của các ngài xin cho chúng con biết dõi theo, và nhiệt tâm loan truyền lời Chúa. Chúng con cầu xin

Ngày 27 tháng 5
Chân phước An-rê Phơ-ran-si
Giám mục (1335-1401)

Tiểu sử
Chân phước An-rê Phơ-ran-si là một tu sĩ sống vào thời sau cơn dịch đen hoành hành trong những năm 1337-1348, cơn dịch đã tàn phá tất cả, kể cả đời sống tu trì. Chân phước An-rê sinh trưởng tại Pít-to-gia, thuộc miền Tốt-can nước Ý.

Ngay từ thời niên thiếu, người đã chuyên cần luyện tập nhân đức và xin gia nhập dòng Anh Em Thuyết Giáo khi còn rất trẻ. Nhờ cần mẫn học hỏi và nghiêm túc giữ luật, cha An-rê đã trở thành một nhà chiêm niệm sâu sắc và một nhà thần học nổi danh. Với biệt tài giảng thuyết, người đã thu phục được nhiều tội nhân và giúp họ tìm về nẻo chính đường ngay. Sau khi liên tiếp làm tu viện trưởng ở Pít-tô-gia, Lúc-cơ và ở Óc-vi-ê-tô, cha được tiến cử làm giám mục ở Pít-tô-gia vào năm 42 tuổi.

Tuy vậy, cuộc sống của người không có thay đổi gì đáng kể, người vẫn giữ tập quán mặc tu phục khi nguyện kinh thần vụ trong nhà thờ chính toà của giáo phận. Người luôn bận tâm đến việc đào luyện niềm tin cho các tín hữu bằng cách chuyên cần giảng dạy họ tại nhà thờ và tại các quảng trường. Bất kể đêm hay ngày, người thường cầu nguyện lâu giờ trước tượng chịu nạn. Người trích một phần ba bổng lôc của toà giám mục để xây dựng và tái thiết các thánh đường trong giáo phận, rồi một phần ba khác giúp đỡ người nghèo. Tòa giám mục của người luôn rộng mở đón tiếp các tín hữu và khách hành hương. Chính đức giám mục đã từng rửa chân cho khách và phục vụ họ tại bàn ăn. Trong suốt thời gian phục vụ giáo phận, người đã nhiệt tâm vãn hồi nền hòa bình vốn đang bị quấy nhiễu do những kẻ quá khích xách động.

Sau 23 năm phục vụ giáo phận, người xin từ nhiệm trở về tu viện sống thầm lặng như một tu sĩ bình thường. Một năm sau đó, vào ngày 26-5-1401, người qua đời ở tuổi 66.
Ðức Pi-ô XI đã phong chân phước cho cha An-rê vào năm 1922.

Lời nguyện : Lạy Chúa, Chúa đã làm cho chân phước An-rê trổi vượt trên đường đạo đức và rao giảng Lời Chúa như một mục tử tốt lành. Nhờ lời cầu bầu của người, xin cho chúng con luôn vững tâm trong việc phục vụ Chúa để chúng con xứng đáng được dự phần vào sự sống đời đời. Chúng con cầu xin

Ngày 28 tháng 5
Chân phước Ma-ri-a Ba-tô-lô-mê-ô Ba-nhê-xi
Trinh nữ (+1577)

Tiểu sử
Trinh nữ Ma-ri-a Ba-tô-lô-mê-ô Ba-nhê-xi là một nữ tu thuộc Dòng Ba Ða Minh vùng Phi-ren-xê ở thế kỷ XVI. Dù sống trong hoàn cảnh lam lũ cùng cực, chị vẫn giữ được cá tính vui tươi và hồn nhiên. Chị Ma-ri-a là môt cô bé mặn mà, nhí nhảnh, vui tươi, rất xinh đẹp với giọng nói trong trẻo.

Khi tiếp xúc với những người bạn rơi vào tâm trạng phiền muộn, chị thường khuyên họ : "Hãy vui lên !" - "Tôi không thể..." "Thôi mà, mọi chuyện sẽ ổn thôi ! Ðây là một phương thuốc xoa dịu những nỗi buồn của bạn đấy, bởi lẽ khi bạn sống vui, bạn không chỉ là niềm vui cho chính mình mà còn mang niềm vui đến người khác nữa đấy !"

Thân mẫu qua đời khi chị được 17 tuổi, nên chị phải quán xuyến tất cả mọi công việc nội trợ. Năm 18 tuổi, thân phụ muốn chị lập gia đình. Thình lình chị ngã bệnh, một thầy thuốc đến chữa bệnh cho chị đã dùng một phương pháp thật quái ác, hắn bảo chị nằm lên trên một tấm nệm đã được tẩm a-xít ! Chị đã bị phỏng giống như vị thánh Ba-tô-lô-mê-ô bổn mạng của mình, dù vậy, chị vẫn kịp nhảy ra khỏi nệm để thoát chết. Từ đó trở đi, chị phải mang dị tật này suốt đời.
Mặc dù đang nằm bệnh, chị vẫn được tiếp nhận vào Dòng Ba Ða Minh, nhưng phải đợi đến năm 33 tuổi, chị mới được khấn dòng. Bệnh trạng của chị dần dần thuyên giảm và chị đã bắt đầu đi lại được. Thật hạnh phúc biết bao khi chị được chiêm ngưỡng vẻ đẹp thiên nhiên.

Nhưng chẳng bao lâu, căn bệnh lại tái phát và tiếp tục đeo đuổi chị suốt những năm tháng còn lại. Chị bị liệt và chịu nhiều thử thách trên chiếc xe lăn. Dầu vậy, chị đã không một lời than trách khi phải đối diện với cung cách cư xử thiếu tế nhị của người giúp việc. Tất cả những ai đến thăm chị đều nhận được sự an ủi, cảm thông, và hoán cải. Ai ai cũng cảm thấy nơi chị luôn thấm đượm một tính cách tươi trẻ hồn nhiên, chan hòa và nhân ái.

Chị Ma-ri-a Ba-tô-lô-mê-ô qua đời năm 1577. Theo như nguyện ước của chị, các tu sĩ Thuyết giáo thuộc tu viện thánh Ma-ri-a Nu-ven đã chuyển thi hài của chị về đan viện thánh Ma-ri-a A-nê thuộc dòng Cát-minh. Một đoàn người đông đảo nối đuôi nhau từ dinh thự Ba-nhê-xi tiến về Phi-o-rê, băng qua cầu Vếch-ki-ô cho đến Bo-gô Xan Phơ-rê-đi-a-nô để tiễn đưa chị. Năm 1804, Ðức Pi-ô VII đã tôn phong chân phước cho chị Ma-ri-a Ba-tô-lô-mê-ô.

Lời nguyện : Lạy chúa, nơi chân phước Ma-ri-a Ba-tô-lô-mê-ô Chúa đã liên kết tính kiên vững trong đau khổ với cuộc sống đơn sơ. Xin ban ơn trợ giúp cho chúng con khi bị thử thách. Chúng con cầu xin

Ngày 29 tháng 5
Chân phước GHI-GIÔM A-NÔ
và các bạn tử đạo (+1242)

Tiểu sử
Chân phước Ghi-giôm A-nô là một trong những vị anh hùng tử đạo ở A-vi-nhô-nê. Người bị các thành viên quá khích của phái An-bi-doa sát hại ngày 29-5-1242.

"Năm 1242, vào đêm lễ Thăng Thiên, một số quan chức toà án dị giáo được đức giáo hoàng chỉ định công tác tại giáo phận Tu-lu-dơ bị những người dị giáo quá khích sát hại, bởi các vị này đã bảo vệ đức tin và vâng lời Giáo hội Công giáo. Họ lãnh phúc tử đạo đang khi hát thánh thi "Lạy Thiên Chúa". Trong số các vị tử đạo, có tu sĩ Ghi-giôm A-nô, Bê-na Rô-sê-pho và Gác-xi-a Ðô thuộc dòng Anh em Thuyết giáo, tu sĩ Ê-ti-ên Ra-bon và Rây-mun-đô Các-bo-nê-ri thuộc dòng Anh em Hèn mọn, và, cha Rây-mun-đô, tổng đại diện Tu-lu-dơ và là tu viện trưởng tu viện A-vi-nhô-nê thuộc dòng Cơ-luy-ni cùng với 3 người tuỳ tùng."

Nhân danh bá tước vùng Tu-lu-dơ, ông Rây-mum-đô An-pha-rô là người cai quản vùng A-vi-nhô-nê đã âm mưu cho lính mai phục. Sau đó, ông cho triệu tập các quan chức đến toà án để thi hành việc xét xử. Trước khi tiến vào sảnh đường toà án, họ phải băng qua lãnh địa của bá tước và bị quân võ trang dùng dao sát hại.

Tội ác tày trời này đã đập tan truyền thuyết cho rằng, người Ca-ta vốn dịu hiền bao dung, là nạn nhân vô tội của Toà án dị giáo. Do đó, miền nam nước Pháp và miền bắc nước Ý cùng đắm chìm trong vòng binh đao khói lửa. Bên nào cũng đều coi các vị tử đạo của mình là nạn nhân của đối phương.
Các ngài được tôn phong chân phước năm 1866 do đức giáo hoàng Pi-ô IX.

Lời nguyện : Lạy chúa, nhờ sức mạnh của đức tin, Chúa đã soi dẫn chân phước Ghi-ôm và các bạn biết hiến dâng mạng sống để làm rạng danh Ðức Ki-tô và vâng phục Giáo hội. Nhờ lời cầu bầu của các ngài, xin cho chúng con cũng biết chia sẻ với các ngài chén đắng của Ðức Ki-tô và lớn mạnh trong tình yêu của Người. Chúng con cầu xin

Ngày 30 tháng 5
Chân phước Gia-cô-bê Sa-lô-môn
Linh mục (1229-1314)

Tiểu sử
Chân phước Gia-cô-bê Sa-lô-môn sinh tại Vê-nê-di-ơ trong một gia đình quý tộc danh giá. Người gia nhập Dòng tại một tu viện gần nơi người sinh trưởng lúc 19 tuổi. Cha đã sống tinh thần Ða Minh suốt 66 năm và qua đời năm 1314 khi được 85 tuổi.

Ðiểm nổi bật trong cuộc đời dâng hiến của người là đức khiêm nhường và lòng nhân ái đối với người nghèo khổ. Chính đời sống thinh lặng là động lực gợi hứng cho người chuẩn bị những bài giảng thấm đượm tình bác ái. Mọi người đều thừa nhận rằng, cũng như thánh Ða Minh, cha Gia-cô-bê chỉ nói với Chúa và nói về Chúa. Mỗi lần cha cử hành thánh lễ, vì có quá nhiều tín hữu tham dự đến nỗi tu viện phải rào lưới sắt xung quanh nhà nguyện để hạn chế bớt những tín hữu có tính hiếu kỳ.

Tại Pho-li, cha Gia-cô-bê qua đời đang khi cùng anh em hát Thánh vịnh. Ðức Ghê-gô-ri-ô XV tôn phong người lên hàng chân phước.

Bài đọc : Xem phần chung các thánh lo việc bác ái, trang 257.

Lời nguyện : Lạy Thiên Chúa hằng hữu, trong sự quan phòng Chúa đã ban cho chân phước Gia-cô-bê đạt tới mầu nhiệm cứu độ. Qua đời sống và lời cầu bầu của người, xin cho chúng con được biết Con Chúa và nghiệm thấy sự hiện diện của Người cách đầy đủ hơn trong cuộc sống của chúng con. Chúng con cầu xin