THÁNG BẢY | |
4-7 : Thánh Giu-se Nguyễn Ðình Uyển, Thầy giảng, tử đạo 7-7 : Chân phước Biển Ðức XI, Giáo hoàng 9-7 : Thánh Gio-an Cô-lô-ni-a, Linh mục và các anh em tử đạo - Lễ nhớ 12-7 : Thánh I-nha-xi-ô Ðen-ga-đô Y, Giám mục, tử đạo 13-7 : Chân phước Gia-cô-bê Vô-ra-gi-lê, Giám mục 17-7 : Chân phước Xét-lao, Linh mục 20-7 : Thánh Giu-se Ði-át Xan-giu-đô An, Giám mục, tử đạo 24-7 : Chân phước Gio-an-na O-vi-ê-tô, Trinh nữ 24-7 : Chân phước Âu Tinh Bi-ê-la, Linh mục 24-7 : Thánh Giu-se Phéc-nan-đét Hiền, Linh mục, tử đạo 26-7 : Chân phước Rô-be-tô Nắt-tơ, Linh mục Dòng Ba Ða Minh, tử đạo 28-7 : Thánh Giu-se Men-ki-ô Ga-xi-a Xam-pê-rô Xuyên, GM, tử đạo | |
Ngày 4 tháng 7 Tiểu sử Vào ngày 25-8-1838, theo lời tố cáo, quan quân về bủa vây làng Tiên Chu để bắt đức cha Minh. Vì không bắt được đức cha, quan cho bắt thầy Uyển là người đang điều hành công cuộc truyền giáo tại đây thay cho đức cha. Người ta xích thầy lại, đeo gông vào cổ và dẫn về Hưng Yên. Trước toà án, nhiều lần thầy bị tra tấn, bị lính khiêng lên và quăng thầy trên thập giá để thầy dẫm chân lên, nhưng lần nào thầy cũng co chân lại để không chạm vào thánh giá. Người ta thay một cái gông nặng hơn rồi tống thầy vào ngục. Trong vòng một tháng, quan dùng mọi biện pháp để dụ dỗ thầy chối đạo, nhưng thầy vẫn cự tuyệt. Vì tuổi già sức yếu, lại thêm bị nhiều thương tích vì đòn vọt ; cổ mang gông quá nặng nề, nên khó đút cơm vào miệng, thầy Uyển bị chết rũ tù trước khi nhận án trảm quyết vào ngày 4-7-1838. Thi hài thầy được mai táng trong nhà thờ Tiên Chu. Ðức thánh cha Lê-ô XIII đã nâng thầy lên bậc chân phước ngày 27-5-1900. Ngày 19-6-1988, đức giáo hoàng Gio-an Phao-lô II đã suy tôn thầy lên bậc hiển thánh. Lời nguyện : Lạy chúa, Chúa đã tưới gội quê hương Việt Nam chúng con bằng máu của thánh Tô-ma Khuông. Nhờ sự chuyển cầu của người, xin cho hạt giống đức tin và sự nhận biết Chúa Ki-tô luôn được triển nở mạnh mẽ trên quê hương chúng con. Chúng con cầu xin Ngày 7 tháng 7 Tiểu sử Năm 14 tuổi, cậu được trao tu phục. Trong suốt 14 năm, thầy Ni-cô-la học văn chương và thần học. Rồi 14 năm tiếp theo, người giữ chức khuyến học tu viện. Sau đó, người tham gia việc quản trị của dòng. Tu sĩ Ni-cô-la làm bề trên giám tỉnh kiêm tu viện trưởng ở Lom-bác-đi-a gần như liên tục từ 1286 đến 1296. Năm 1296, người đắc cử bề trên tổng quyền và là người thứ 9 kế nhiệm thánh Phụ Ða Minh, người thúc đẩy việc tu chính hiến pháp và phát triển dòng một cách đáng kể. Năm 1298, đức giáo hoàng Bô-ni-pha-xi-ô VIII phong người làm hồng y, sau khi người thành công trong việc giải hòa hai nước Anh - Pháp. Việc tấn phong làm cho người hết sức ngỡ ngàng đang khi người viếng thăm các tu viện ở Pháp. Ðức giáo hoàng còn ban tặng cho người danh hiệu thánh Xa-bin. Năm 1300, người trở thành giám mục giáo phận Ốt-ti và giữ chức chủ tịch hội đồng giám mục. Năm sau, đức giáo hoàng Bô-ni-pha-xi-ô VIII đặt người làm sứ thần tòa thánh tại Hung-ga-ri, Ba-lan, Ðan-ma-ti và Xéc-bi. Ðây cũng là thời kỳ vua Phi-líp Lơ Ben nước Pháp muốn thoát khỏi sự kiểm soát của Giáo hội về nhân sự và hành chính, vì thế mối xung khắc giữa đôi bên ngày càng trở nên trầm trọng ; cả hai phía đều ỉ vào quyền lực của mình nên không thể không có chuyện đổ vỡ. Chuyện gì phải đến đã đến : vua Phi-líp Lơ Ben đã âm mưu cử một mật phái viên của mình là Nô-ga-rê đến nạt nộ đức Bô-ni-pha-xi-ô VIII tại An-na-nhi. Mọi cận thần của đức giáo hoàng Bô-ni-pha-xi-ô XIII đều trốn chạy, duy chỉ mình hồng y Bô-ca-xi-nô ở lại. Ít lâu sau, đức Bô-ni-pha-xi-ô qua đời năm 1303 và đức hồng y Ni-cô-la được chọn làm kế vị. Ðức tân giáo hoàng lấy danh hiệu là Biển Ðức XI. Người cố gắng tái lập hòa bình với nước Pháp bằng cách giải vạ tuyệt thông cho các cố vấn của vua Phi-líp Lơ Ben, ngoại trừ tên mật phái Nô-ga-rê và những kẻ đồng mưu với hắn. Ðức thánh cha cũng giải hòa với hoàng thân các nước : Anh, Cốt-len và Á-nhĩ-lan, người còn xoa dịu các cuộc xung khắc với nước Ðức và bãi bỏ lệnh cấm do vị tiền nhiệm của người áp đặt cho vùng Xi-xi-li-a. Người cũng tỏ ra tán thành với dòng Ðền thờ. Ðể tái lập hòa bình ở Rô-ma, người tháo gỡ các bản án đức Bô-ni-pha-xi-ô đã tuyên án chống lại dòng họ Cô-lơn-na, nhưng các băng nhóm Xi-a-ra đã gây áp lực buộc người rời khỏi Rô-ma, và người lui về Pê-ru-dơ khiến thành Rô-ma trống ngôi cho tới năm 1367. Tuy người nỗ lực hàn gắn sự chia rẽ giữa Giáo hội Công giáo với Giáo hội Ly khai Ðông phương, nhất là đối với anh em Ly khai ở Xéc-bi, nhưng vẫn không thành công. Ðức Bô-ni-pha-xi-ô VIII đã cắt giảm nhiều đặc quyền của các dòng hành khất, người bắt họ phải phục tùng các giám mục địa phương. Tuy nhiên, khi đức Biển Ðức XI là vị giáo hoàng thứ hai của Dòng Ða Minh lên kế nhiệm, người lại phục hồi các quyền miễn trừ cho các dòng hành khất. Suốt cuộc đời người sống rất đơn sơ. Chuyện kể rằng, ngày nọ, thân mẫu đến thăm người tại điện Va-ti-ca-nô, những cận thần của đức giáo hoàng xin bà vận bộ trang phục sang trọng để yết kiến đức giáo hoàng. Khi gặp thân mẫu, đức Biển Ðức XI liền nói : "Không, người phụ nữ này không phải là mẹ tôi, mẹ tôi là một người mẹ chất phác cơ mà." Bấy giờ, mọi người đều hiểu ra và đưa bà đi vận lại bộ y phục thường ngày của bà. Sau đó, đức Biển Ðức XI ôm hôm thân mẫu người thắm thiết. Người qua đời ở Pê-ru-dơ năm 1304. Dù chỉ lãnh đạo trong vòng 8 tháng, nhưng người vẫn được liệt vào hàng ngũ các nhà cải cách đã từng dàn xếp ổn thoả biết bao xung khắc giữa các phe phái. Khi cảm thấy giờ chết đã gần kề, người yêu cầu đưa người ra toà đại sảnh, đặt người trên chiếc ghế bành để mọi người có thể hiệp thông cầu nguyện cùng người trong giờ phút lâm chung. Nghi lễ an táng của người được tổ chức rất giản đơn tại tu viện ở Pê-ru-dơ như người hằng mong ước. Nhưng sau đó, người ta đã xây cho người một ngôi mộ thật tráng lệ và đức giáo hoàng Cơ-lê-men-tê XII tôn phong chân phước cho người vào năm 1736. Lời nguyện : Lạy Thiên Chúa là Mục tử hằng hữu, Chúa đã cho chân phước Biển Ðức nên rạng ngời nhờ tình yêu vĩ đại và tinh thần phục vụ của người nơi đàn chiên của Chúa. Nhờ lời cầu thay nguyện giúp của người, xin cho chúng con luôn trung thành với ơn gọi ki-tô hữu và hết lòng thông hiệp với Hội Thánh của Ngài. Chúng con cầu xin Ngày 9 tháng 7 Tiểu sử Tại Hà Lan, đang khi làm cha sở nhà thờ Hô-na-ri-ê, bất ngờ rạng ngày 9-7-1572, người bị giáo phái Can-vanh đến bắt và treo cổ bên ngoài tường luỹ Bơ-ri-en Mô-xam, miền nam Hà Lan. Cùng được phúc tử đạo với người, có 18 linh mục và tu sĩ khác : phần đông thuộc thị trấn Gô-cum gần đó. Tất cả đều bị treo cổ, thi hài bị chặt ra từng mảnh. Các vị bị sát hại vì bênh vực chân lý Công giáo về bí tích Thánh Thể và quyền tối thượng của giáo hoàng Rô-ma. Ngày 24-11-1675, Ðức Cơ-lê-men-tê IX long trọng phong chân phước cho các vị. Và ngày 26-9-1876, Ðức Pi-ô IX tôn phong các vị lên hàng hiển thánh. Bài đọc : Kn 10,9-12 ; 2Cr 6,4-10 ; Tin Mừng : Lc 6,22-28 Lời nguyện : Lạy Chúa, qua cuộc tử đạo của thánh Gio-an và các anh em người, Chúa đã ban cho chúng con gương trung tín và can đảm lạ lùng. Nhờ lời giảng và gương sáng của các vị, xin Chúa cho chúng con can đảm đương đầu với nghịch cảnh thế trần và kiên trì tuyên xưng đức tin chân thật. Chúng con cầu xin Ngày 12 tháng 7 Tiểu sử Theo lời yêu cầu của các cha Dòng Ða Minh tại Phi-líp-pin, xin gửi thêm nhiều nhà truyền giáo ; năm 1785, thầy Ðen-ga-đô xin chuyển qua tỉnh dòng Nữ Vương Rất thánh Mân Côi và ngày 25-9-1785, cùng với thầy Ða Minh Hê-na-rết xuống tầu sang Phi-líp-pin. Tại đây, năm 1787 người thụ phong linh mục. Mãi đến 1790, người mới sang được Việt Nam, truyền giáo ở giáo phận Ðông Ðàng Ngoài. Ngày 29-10-1792, người được bầu làm phó tổng quản dòng trong nhiệm kỳ 1792-1794. Ngày 11-2-1794, đức thánh cha Pi-ô VI bổ nhiệm người làm giám mục phó cho đức cha Phê-li-xi-a-nô A-lôn-xô đang giữ chức Ðại diện Tông toà trông coi giáo phận Ðông Ðàng Ngoài và ngày 2-2-1799, người lên kế vị. Ðức cha Ðen-ga-đô đã sống qua các triều đại Tây Sơn, Gia Long và chịu chết vì đạo thời Minh Mạng. Trong khoảng 50 năm hăng say hoạt động truyền giáo, đức cha tận tuỵ hy sinh, làm mọi việc cho hết mọi người. Người quan tâm đến việc đào tạo linh mục bản xứ và thiết lập nhiều chủng viện. Năm 1838, cuộc cấm đạo trở nên gay gắt. Ngày 17-4 năm đó, người cùng vị giám mục phụ tá Hê-na-rết Minh phải trốn về làng Kiên Lao. Do mật báo của một kẻ phản bội, tổng đốc Trịnh Quang Khanh sai thuộc hạ đem 200 lính bao vây làng. Vì già yếu người được giáo dân cáng đi chạy trốn, nhưng dọc đường bị phát hiện và bị bắt rạng sáng ngày 29-5-1838. Hôm sau, người bị nhốt vào cũi và giải lên Nam Ðịnh. Tới cổng thành, quân lính định đẩy người bước qua thập giá, nhưng người mạnh mẽ phản kháng. Hơn một tháng người bị giam trong cũi, đặt ngoài trời, chịu nắng mưa và những lời sỉ nhục. Dầu thế, người vẫn kiên trì giữ vững đức tin. Cuối cùng, quan đệ án lên kinh. Nhà vua ra lệnh xử tử người vào ngày 14-6-1838. Ðức cha Ðen-ga-đô chết trong cũi, một đàng vì kiệt sức do các hình khổ gây nên ; một đàng vì người mắc bệnh kiết lị. Dù sao người ta vẫn thi hành bản án xử trảm. Thủ cấp bị treo nơi công cộng ba ngày, sau đó quân lính bỏ vào giỏ cột sẵn tảng đá, ném xuống sông Vị Hoàng. Mãi ba tháng sau một giáo dân làm nghề đánh cá vớt được, rồi đem chôn cùng với thi thể của người tại Bùi Chu. Ðức thánh cha Lê-ô XIII tôn phong chân phước cho người vào ngày 27-5-1900 cùng với 73 vị tử đạo khác. Ngày 19-6-1988, đức thánh cha Gio-an Phao-lô II đã tôn người lên hàng hiển thánh. Lời nguyện : Lạy chúa, Chúa đã tưới gội quê hương Việt Nam chúng con bằng máu của thánh giám mục Ðel-ga-dô Y. Nhờ sự chuyển cầu của người, xin cho hạt giống đức tin và sự nhận biết Chúa Ki-tô luôn được triển nở mạnh mẽ trên quê hương chúng con. Chúng con cầu xin Ngày 13 tháng 7 Tiểu sử Người gia nhập Dòng Ða Minh lúc 14 tuổi tại một tu viện ở Giê-nô-va. Sau khi lãnh tác vụ linh mục, người dạy thần học rồi được cử đi giảng dạy tại miền Bắc nước Ý. Cha Gia-cô-bê có một giọng nói chuẩn xác và thu hút đến nỗi ai cũng cảm thấy phấn khởi khi nghe người giảng. Cha còn có một trí nhớ tuyệt vời, bằng chứng là người thuộc lòng các tác phẩm của thánh Âu Tinh. Cha là nhân vật đầu tiên dịch Kinh Thánh sang tiếng Ý. Năm 37 tuổi, sau khi được bầu làm bề trên tu viện ở Giê-nô-va. Cha Gia-cô-bê được chọn làm giám tỉnh tỉnh dòng Lom-bác-đi-a. Ðây là trường hợp hy hữu trong lịch sử của Dòng, bởi người thi hành chức vụ trong 19 năm liên tục mãi cho tới năm 1286. Cha còn được cử làm giám định viên tại tổng hội Lúc-cơ năm 1288 và tại tổng hội Phe-ran năm 1290. Chính tại tổng hội Phe-ran, dựa vào thế mạnh của mình, một số viên chức ở giáo triều Rô-ma đã vận động các bề trên giám tỉnh giải nhiệm quyền bề trên tổng quyền Mu-ni-ô Da-mô-ra. Cha Gia-cô-bê Vô-ra-gi-lê là một trong bốn giám định viên được giao nhiệm vụ phải công bố thông tin này cho toàn Dòng. Nhân cơ hội này, cha đã cương quyết phản đối văn thư giải nhiệm bề trên tổng quyền, bởi nó gây phương hại đến danh giá của Dòng, hơn nữa, cha còn phủ quyết những đánh giá sai lạc về tài năng của cha Mu-ni-ô và khẳng định công đức cũng như sự vô tội của bề trên tổng quyền. Ðức giáo hoàng không còn muốn cha Gia-cô-bê làm bề trên giám tỉnh nữa nên cử người làm tổng giám mục giáo phận Giê-nô-va. Người đến đây như một sứ giả hòa bình trong khi thành phố này đang bị xâu xé bởi các quân phiến loạn ngót 50 năm : người người mưu hại chém giết nhau... Tại tỉnh hội năm 1293, cha Gia-cô-bê đã tái lập hòa bình bằng cách đưa ra những quy chế đầy khôn ngoan. Năm 1295, bằng một cuộc họp trong tinh thần hòa giải, tất cả các giáo sĩ, nghị sĩ và nhân dân cùng ký vào bản hòa ước. Mười một tháng sau đó, các rắc rối lại xảy ra và cuộc nội chiến kéo dài nhiều ngày trong khi cha Gia-cô-bê không ngừng cầu nguyện và họat động. Sự can thiệp của người đã vãn hồi những cuộc tranh chấp, và lần này, hòa bình được củng cố vững chắc. Cuộc đời đức giám mục Gia-cô-bê đã hòa quyện vào dòng lịch sử nhân loại : người trao hiến cuộc đời của mình để hàn gắn những đỗ vỡ do chiến tranh, phân phát tài sản cho những người bất hạnh, bán tất cả những gì mình có để ủng hộ những cuộc cứu trợ, thuyết phục những người giàu cùng chia sẻ trách nhiệm với người trong công việc từ thiện. Ðang khi gánh vác trách nhiệm chủ chăm trong giáo phận được tám năm, người qua đời năm 1298, hưởng thọ 68 tuổi. Ðức Pi-ô VII tuyên bố sắc phong chân phước cho người năm 1816. Cha Gia-cô-bê còn là một nhà văn tài năng. Người ta nói về cha như một kho tàng các câu chuyện chứa đựng nội dung Kinh Thánh ; một pho sách thâu tóm các tác phẩm của thánh Âu Tinh ; một tuyển tập những bài ca ngợi khen Ðức Trinh nữ Ma-ri-a. Với tài năng của một sử gia, người đã ghi chép về cuộc đời các tổng giám mục thành Giê-nô-va, ấn hành các bài giảng lễ Chúa Nhật quanh năm và các bài chia sẻ thường niên vào Mùa Chay cũng như vào các ngày lễ kính Ðức Trinh nữ Ma-ri-a. Học hỏi kinh nghiệm từ các vị tiền bối, người luôn kín múc lời giảng từ các bản văn Kinh Thánh, rồi chú giải bằng các đoạn Kinh thánh khác. Nổi bật nhất là cuốn "Truyền thuyết mạ vàng", hay phải nói chính xác hơn là "Truyền thuyết vàng ròng", tức là cuốn "Hạnh các thánh" đầu tiên là một trong những tác phẩm được ấn hành công phu nhất trước khi ngành in ra đời. Nhận được hứng khởi từ các "hành động và phép lạ" của một tu sĩ Ða Minh tên là Gio-an Mai-li mất năm 1255, người đã biên soạn một tác phẩm liên quan đến những vấn đề này. Dĩ nhiên, những tác phẩm của người không đặt nặng về phương diện phê phán các sự kiện lịch sử. Người không có chủ ý viết những tác phẩm lịch sử mang tính khoa học, nhưng chỉ lưu tâm đến những cống hiến chứa đựng giá trị nghệ thuật. Với từ ngữ đậm đà và văn phong khúc chiết, người đã gặt hái được nhiều thành công mỹ mãn. Người đã trình bày lý tưởng về sự nên thánh như người ta đã cảm nhận ở thời Trung cổ. Dưới góc nhìn này, "Truyền thuyết vàng" quả là một tài liệu quý giá cho các sử gia thiên về cảm tính ở thời trung cổ. Bài đọc : Kn 10,9-12 ; 2Cr 6,4-10 ; Tin Mừng : Lc 6,22-28 Lời nguyện : Lạy Chúa là Ðấng trung tín, Chúa đã ban cho chân phước Gia-cô-bê trở nên một sứ giả nhiệt thành loan báo chân lý của Ngài, và là người kiến tạo hòa bình. Nhờ lời nguyện cầu của người, xin cho chúng con biết yêu mến chân lý và hòa bình, ngõ hầu chúng con đạt đến Chúa là nguồn mạch bình an và chân lý vẹn toàn. Chúng con cầu xin Ngày 17 tháng 7 Tiểu sử Nhờ sự hướng dẫn tận tình của người chú tên là Y-vơ - giám mục giáo phận Cơ-ra-cô-vi-a, chân phước Xét-lao được học hành đến nơi đến chốn, rồi được đặt làm kinh sĩ trưởng tại Xan-đô-mi. Năm 1220, chân phước Xét-lao cùng với thánh Gia Thịnh tháp tùng đức giám mục Cơ-ra-cô-vi-a sang Rô-ma. Tại đây, hai vị đã gặp thánh Ða Minh. Chứng kiến lời giảng và sự thánh thiện của thánh Ða Minh, hai vị cảm thấy như bị thôi thúc cần phải có một cuộc hoán cải nội tâm. Sau đó, cả hai cùng xin gia nhập Dòng và lãnh tu phục tại tu viện thánh Xa-bi-na. Sau khi mãn khoá tập, bị nung nấu bởi lòng khao khát phần rỗi các linh hồn, chân phước Xét-lao đã xin thánh Ða Minh được đi thiết lập Dòng tại các nước Bắc Âu vốn còn trong tình trạng thờ các thần ngoại. Nguyện ước của người đã được nhận lời. Trên đường đi, người đã thiết lập một tu viện ở Ri-ê-xắc phía Bắc Ca-ri-ti-ê và ở Pơ-ra-gơ. Người du thuyết ở Xi-lét-si-a, Pô-mê-ra-ni, và nhiều vùng lân cận. Sau đó, người lãnh trách nhiệm hướng dẫn tỉnh dòng Ba-lan. Khi quân Thát-đát xâm chiếm các quốc gia vùng Bắc Âu, chân phước Xét-lao lúc đó đang là tu viện trưởng ở Bơ-rét-lô, bằng lời cầu nguyện tha thiết của mình, chân phước đã góp phần cho việc giải phóng quê hương. Người qua đời vào năm 1242. Ðức Cơ-lê-men-tê XI đã tôn người lên bậc chân phước vào năm 1713. Bài đọc : 1 Tm 2,1-8, Tin Mừng : Lc 24,44-53 Lời nguyện : Lạy Chúa, Chúa đã ban cho chân phước Xét-lao lòng nhiệt thành loan báo Tin Mừng cho muôn dân. Xin cho chúng con tiếp bước theo người trong nếp sống và lời giảng, ngõ hầu truyền bá đức tin chân thật. Chúng con cầu xin Ngày 20 tháng 7 Tiểu sử Cậu Giu-se An sinh ngày 16-10-1818 tại Xanh-ta Êu-la-li-a gần thành Lu-gô, nước Tây Ban Nha. Sau khi mãn tiểu chủng viện và tốt nghiệp ở đại học Côm-pốt-ten-la, người gia nhập dòng Anh em Thuyết giáo ngày 25-9-1842 tại Ô-ca-na ; thụ phong linh mục ngày 23-3-1844. Người cùng với 5 tu sĩ dòng vâng lời bề trên đến Phi-líp-pin. Tại Ma-ni-la, người giữ chức giáo sư văn chương ở đại học cho tới đầu năm 1845. Sau đó người nhận lệnh sang Việt Nam và đến miền Bắc vào ngày lễ Phục Sinh 1845. Người được giao nhiệm vụ làm giám đốc chủng viện Lục Thủy, và năm 1849, được chỉ định làm giám mục phụ tá cho đức cha Mác-ti-nô, giám mục giáo phận Trung. Ba năm sau (1852), người lên kế vị đức cha Mác-ti-nô và đặt tòa giám mục tại Bùi Chu. Trong khoảng thời gian này, vì thiên tai, đói khổ và dịch tả, vua Tự Ðức phải tạm ngưng việc cấm đạo ở miền Bắc. Nhưng ngày 3-9-1854, vua ban chiếu chỉ cấm đạo, sóng gió lại nổi lên và cuộc bách đạo càng thêm dữ dội. Vào năm 1857, vì muốn được vua thưởng công, một vị quan mới bổ nhiệm về Bùi Chu, đã cho lính bao vây Tòa giám mục, bắt đức cha, tước đoạt thánh giá cùng nhẫn đeo và tống ngục. Hai tháng sau, người bị kêu án tử hình. Bản án được thi hành ngày 20-7-1857 tại Nam Ðịnh ; đức cha An bị xử trảm, đầu bị bêu lên cây nêu cho dân chúng trông thấy, rồi buông sông. Về sau dân chài đã vớt được thủ cấp của người và an táng tại Bùi Chu ; một thời gian sau, tu viện Thánh Ða Minh xin rước về Ô-ca-na, vì người là vị đầu tiên của tu viện. Ðức thánh cha Pi-ô XII đã tôn phong người lên bậc chân phước 29-4-1951. Ðức thánh cha Gio-an Phao-lô II đã phong hiển thánh cho người vào ngày 19-6-1988. Lời nguyện : Lạy chúa, Chúa đã tưới gội quê hương Việt Nam chúng con bằng máu của thánh giám mục Giu-se An. Nhờ sự chuyển cầu của người, xin cho hạt giống đức tin và sự nhận biết Chúa Ki-tô luôn được triển nở mạnh mẽ trên quê hương chúng con. Chúng con cầu xin Ngày 24 tháng 7 Tiểu sử Vào năm 1264, một năm sau khi xảy ra phép lạ trên, một gia đình nông dân ở O-vi-ê-tô đã sinh hạ một bé gái có tên là Gio-an-na. Chị mồ côi cha mẹ ngay từ khi còn rất trẻ. Chị đến O-vi-ê-tô làm nghề may để kiếm sống. Các tu sĩ dòng Biển Ðức ở La Xuốc kể lại rằng : "Chị Gio-an-na có vóc dáng cao lớn, đầy đặn, vẻ mặt hồng hào. Chị gia nhập Dòng Ba Ða Minh, mặc dù tình trạng sức khoẻ không cho phép chị đáp ứng ơn gọi tu trì." Tuy thế, chị vẫn kiên trì luyện tập nhân đức và hãm mình như chị hằng mong ước. Chị còn tận dụng hoàn cảnh này để luyện tập đức khiêm nhường. Tuy cộng đoàn có đến 100 chị em, nhưng không mấy ai quan tâm đến chị Gio-an-na. Chị đã âm thầm đón nhận hoàn cảnh bi đát này và không ai còn nghi ngờ về những buổi trò chuyện huyền nhiệm Thiên Chúa đã dành cho chị. Chị rất đơn sơ và chăm chỉ. Mọi người trong thành phố đều yêu mến chị. Họ thường đến xin chị giúp đỡ trong bất cứ hoàn cảnh nào, từ việc khuyên bảo cho đến việc chăm sóc các bệnh nhân. Trong 42 năm sinh thời, chị đã để lại bao nhiêu công đức cho hậu thế. Chị trải qua 9 năm cuối đời trong mái ấm của tu viện và qua đời năm 1306. Người ta kể rằng, chị đã hiện ra với một tu sĩ và yêu cầu dời hài cốt của chị ra khỏi nghĩa trang, bởi vì dân chúng chỉ đến đây trò chuyện mà không chú tâm vào việc cầu nguyện. Hài cốt chị được đưa về an táng trong một ngôi mộ đơn sơ tai nhà thờ thánh Ða Minh. Ðức giáo hoàng Biển Ðức XIV tôn chị lên hàng chân phước năm 1754. Bài đọc : Kn 10,9-12 ; 2Cr 6,4-10; Tin Mừng : Lc 6,22-28 Lời nguyện : Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa đã ban cho chân phước Gio-an-na lòng khiêm nhường để người làm chứng cho Chúa qua đời sống hy sinh âm thầm và giản dị. Xin cho chúng con noi gương đời sống thầm lặng của người, hầu góp phần làm rạng danh Chúa nơi cộng đoàn chúng con. Chúng con cầu xin Ngày 24 tháng 7 Tiểu sử Cậu Âu Tinh tỏ ra là người nhiệm nhặt lạ thường : thức khuya, kỷ luật, hãm mình, đánh tội và chay tịnh. Cậu là một người có đời sống chiêm niệm sâu sắc và Thiên Chúa đã ban cho cậu được ơn xuất thần và bay lơ lửng trên không (đằng vân). Cậu rất dễ xúc động, nhất là khi dâng lễ và nguyện kinh thần vụ. Là một tu sĩ nhiệt thành theo gương các tông đồ, người không ngừng loan báo Lời Chúa, cử hành bí tích hòa giải, thăm viếng bệnh nhân và ban lời khuyên nhủ cho bất cứ ai đến với người. Tiếng tăm về sự thông thái của người ngày một lan rộng. Khi lâm cảnh khó khăn, đức giám mục Véc-xe-li thường mời cha Âu Tinh làm cố vấn. Cha Âu Tinh thường làm phép lạ khi đi đường. Sự kiện sau đây là bằng chứng về tấm lòng nhân ái của người : "Ngày nọ, cha Âu Tinh gặp một cậu bé vừa mới làm bể một chiếc vò đầy rượu, cậu ta khóc lóc thảm thiết vì không biết phải ăn nói thế nào với gia đình về chuyện này. Cha Âu Tinh bảo cậu thu gom tất cả các mảnh vỡ của chiếc vò lại, rồi cha ngước mắt lên trời làm dấu thánh giá, tức thì các mảnh vụn kết dính lại thành chiếc vò nguyên vẹn chứa đầy rượu." Cha Âu Tinh làm tu viện trưởng tại các tu viện Bi-ê-la, Xôn-xi-nô, Véc-xe-li và Vi-giơ-va-nô. Các anh em trực thuộc những tu viện do cha Âu Tinh hướng dẫn đều công nhận rằng : "Cha Âu Tinh rất nghiêm túc thi hành công việc của cộng đoàn, thân ái với mọi tu sĩ, cảm thông với những yếu đuối thể xác lẫn tinh thần của anh em, nhiệm nhặt tuân giữ kỷ luật. Dưới mắt mọi người, cha Âu Tinh là một tấm gương sáng về việc chu toàn lề luật và thực thi đức ái trọn hảo." Bị quấy rầy bởi quá nhiều lời khen về đức độ và các phép lạ, cha Âu Tinh đành phải xin đến cư ngụ ở một vùng xa xôi để ẩn danh. Sau đó, anh em cử người đến Vê-nê-di-a, người sống 10 năm cuối đời tại đây, từ 1483 đến 1493. Khi cha linh cảm thấy giờ lâm chung gần kề, người chỗi dậy và viết một thành ngữ thật tuyệt diệu : "Thiên Chúa muôn đời, vinh danh Ðấng tối cao." Rồi người trút hơi thở cuối cùng ngày 2 tháng 7. Bài đọc : Xem phần chung các thánh lo việc bác ái, trang 257. Lời nguyện : Lạy Thiên Chúa là nguồn mạch an ủi, Chúa đã ban cho chân phước Âu-tinh một tình yêu tuyệt vời để loan báo mầu nhiệm ơn Cứu độ và an ủi những người sầu khổ. Xin cho chúng con khi dõi bước theo người, cũng được lớn lên trong ân sủng và trong sự hiểu biết Chúa. Chúng con cầu xin Ngày 24 tháng 7 Tiểu sử Người hoạt động 32 năm trên mảnh đất truyền giáo thuộc Dòng Ða Minh, len lỏi vào tất cả làng mạc Kiên Lao với tên là Ðoàn Trung Hiền. Thời Gia Long (1802-1819), đạo Công giáo còn được yên, nhưng đến thời Minh Mạng (1820-1840), cuộc bách hại đạo bắt đầu. Càng cuối đời vua, cuộc bách đạo càng gay gắt. Lúc ấy, cha Hiền đã 63 tuổi, lại thêm đau yếu, dù vậy người vẫn sống nay đây mai đó để phục vụ giáo dân. Người bị bắt vào ngày 18- 6-1838, lúc đó người đã bị bán thân bất toại và đang ẩn trú trên một chiếc thuyền. Các dụng cụ thánh, tràng hạt ảnh tượng... làm chứng người là vị truyền giáo. Người ta nhốt người vào cũi và khiêng người về Nam Ðịnh ngày 26-6. Dù yếu liệt, người vẫn can trường tuyên xưng đức tin. Biết không thể khuất phục được, quan đệ án vào kinh ; vào ngày 18-7-1838, án tới Nam Ðịnh. Ngày 2-7-1838, người ta thi hành án : vào khoảng chiều, vì người liệt, người ta cho người vào cũi khiêng ra pháp trường Bảy Mẫu. Cột chặt người trên chiếc ghế đẩu, người ta đã chặt đầu người. Ðầu người bị bêu trên cọc suốt 3 ngày, sau đó đem quăng sông. Giáo dân đút lót tiền, đem thi thể người an táng tại chủng viện Lục Thủy. Ðức thánh cha Lê-ô XIII đã phong chân phước cho người ngày 27-5-1900. Ngày 19-6-1988, đức thánh cha Gio-an Phao-lô II suy tôn người lên bậc hiển thánh. Lời nguyện : Lạy chúa, Chúa đã tưới gội quê hương Việt Nam chúng con bằng máu của thánh Giu-se Hiền. Nhờ sự chuyển cầu của người, xin cho hạt giống đức tin và sự nhận biết Chúa Ki-tô luôn được triển nở mạnh mẽ trên quê hương chúng con. Chúng con cầu xin Ngày 26 tháng 7 Tiểu sử Chân phước Rô-be-tô Nắt-tơ sinh tại Bơn-li, thuộc vùng Len-cát-sia khoảng năm 1557, trong một gia đình thượng lưu có truyền thống gởi con cái đến học tại Ót-phợt. Từ khi còn là học sinh trường trung học Lắc-bơn, cậu Rô-be-tô và người anh trai tên là Gio-an đều mong ước trở thành linh mục. Khi ấy, Giáo hội Công giáo tại nước Anh đang chìm trong máu lửa ; vì thế, cả hai anh em được bí mật gởi đến một trường học dành cho các sinh viên người Anh ở thành phố Ðu-ê thuộc miền Bắc nước Pháp. Cha Rô-be-tô lãnh nhận tác vụ linh mục năm 1581 tại Xoa-xông. Nếu trở về nước Anh, hai tân linh mục này chắc chắn sẽ bị lãnh án tử hình. Tuy nhiên, mối đe dọa này không ngăn cản được cha Rô-be-tô và người bạn đồng hành là cha Hây-đốc. Họ quyết định lên đường trở về nước Anh. Cả hai người chắc chắn sẽ chịu tử đạo vì đó là số phận chung dành cho các linh mục. Ba tuần sau khi lãnh tác vụ linh mục, hai tân chức đã thay đổi trang phục và dùng giấy thông hành của người khác. Họ trở về quê hương và bắt đầu công việc đã được giao phó khi lãnh tác vụ linh mục. Cha Rô-be-tô tránh được lưới pháp luật trong vòng hai năm rồi bị bắt và bị giam tại tháp Luân Ðôn. Tại đây, người đã phải chịu tra tấn nhiều lần. Một trong những dụng cụ tra tấn có tên là "Con gái người hốt rác" mà người ta không biết nó bao gồm những gì. Dù sao, người ta cũng rất ngỡ ngàng khi một người như thế lại còn có thể đứng vững sau những trận đòn tra tấn dữ dội. Cha Rô-be-tô được ra khỏi tháp Luân Ðôn sau khi phải thanh toán những khoản chi về thực phẩm và đèn đóm. Cùng với 20 linh mục khác, người ta đưa cha Rô-be-tô lên một chiếc thuyền để đi đày. Tuy các tù nhân kêu gào chống lại sự bất công của chính quyền Anh vì kết án mà không điều tra, nhưng thuyền vẫn cập bến No-man-đi và lính canh còn đe doạ giết các tù nhân nếu có ý định vượt ngục ! Năm 1586, cha Rô-be-tô trở về nước Anh để tái thiết và hoàn tất những dự định còn dang dở. Tuy nhiên, người đã trở thành mục tiêu của một cuộc theo dõi bí mật, người bị bắt giam một thời gian lâu dài ở Niu-gây là một trong các nhà tù khét tiếng thời bấy giờ. Sau nhiều năm bị giam cùng với một số linh mục, người được chuyển tới một nhà lao ở Ai-len. Tuy cuộc sống ở đây rất khắc nghiệt, thiếu thốn mọi thứ và còn bị cách ly với thế giới bên ngoài, nhưng không đến nỗi thất vọng như ở Niu-gây. Nhà tù ở đây không đến nỗi dơ dáy và cũng không bị tra tấn. Cùng với vài bạn tù nhiệt thành, cha Rô-be-tô cổ võ thiết lập đời sống đan tu bao gồm một vài hình thức khổ chế và một nếp sống kỷ cương. Truyền thống cho biết, đây chính là thời kỳ cha Rô-be-tô viết thư cho một vị giám tỉnh tỉnh dòng Pháp để xin được gia nhập Dòng Ba Ða Minh. Sự hy sinh của cha Rô-be-tô và nhiều anh em tử đạo khác đã lưu lại cho hậu thế một chứng từ bảo vệ đức tin thật sống động trong suốt thời kỳ đạo Công giáo bị bách hại ở nước Anh. Năm 1929, người ta đã điều tra hồ sơ phong chân phước cho cha Rô-be-tô cùng với nhiều linh mục khác, nhất là các anh em dòng Tên. Ngày 22-11-1987, đức giáo hoàng Gio-an Phao-lô II tuyên phong chân phước cho 85 anh hùng tử đạo người Ai-len. Lời nguyện : Lạy Thiên Chúa là Ðấng toàn năng, Chúa đã ban cho chân phước Rô-be-tô và các anh em của người lòng trung tín và ơn can đảm để bảo vệ đức tin sống động. Nhờ lòng yêu mến và gương lành của các vị, xin cho chúng con ơn khôn ngoan để đương đầu với mọi nghịch cảnh của thế gian này, và can đảm tuyên xưng đức tin chân chính. Chúng con cầu xin Ngày 28 tháng 7 Tiểu sử Tuy gia cảnh nghèo túng, nhưng người cố gắng theo học tại Ô-vi-ê-đô. Sau khi tốt nghiệp thần học, người gia nhập Dòng Ða Minh ở Ô-ca-na vào năm 1845. Người thụ phong linh mục ngày 29-5-1848. Thể theo nguyện ước của cha, bề trên chấp thuận cho người sang truyền giáo ở Bắc Việt vào tháng 2-1849. Tại Bắc Việt, người được đặt tên mới là Xuyên, được gởi đến Nam Am học tiếng Việt và phục vụ tại đó cho đến tháng 3-1850, thì được gọi về làm giám đốc chủng viện Cao xá. Vào năm 1852, người được chỉ định giữ chức phó giám tỉnh. Ngày 1-9-1855 người được tấn phong giám mục, phụ tá cho đức cha An (Ði-át Xan-giu-đô) thuộc giáo phận Trung Ðàng Ngoài. Thời gian này, vua Tự Ðức ban hành nhiều sắc chỉ truy lùng, bách hại người có đạo. Ðầu tháng 7-1858, người bị bắt và tống ngục. Ngày 28-7-1858, người được dẫn tới pháp trường lãnh án lăng trì (phân thây) vì danh Ðức Ki-tô. Người ta đã chặt tay chặt chân, rồi sau đó mới chặt đầu. Thủ cấp bị bêu trên cọc ba ngày, sau đó bị bằm nát, quăng trôi sông. Giáo dân lén lấy xác người về chôn tại Phú Nhai. Ðức thánh cha Pi-ô XII đã suy tôn chân phước cho đức cha Giu-se Xuyên vào ngày 29-4-1951. Ngày 19-6-1988, Ðức thánh cha Gio-an Phao-lô II đã suy tôn vị giám mục này lên bậc hiển thánh. Lời nguyện : Lạy chúa, Chúa đã tưới gội quê hương Việt Nam chúng con bằng máu của thánh giám mục Giu-se Xuyên. Nhờ sự chuyển cầu của người, xin cho hạt giống đức tin và sự nhận biết Chúa Ki-tô luôn được triển nở mạnh mẽ trên quê hương chúng con. Chúng con cầu xin
|