HOME

THÁNG T�M

1-8 : Thánh Ða Minh Nguyễn văn Hạnh, Linh mục, tử đạo

2-8 : Chân phước Gio-an-na A-da, Thân mẫu thánh phụ Ða Minh

3-8 : Chân phước Âu-tinh Lu-xê-ra, Giám mục

8-8 : Thánh Phụ ÐA MINH, Linh mục - Ðại lễ

9-8 : Chân phước Gio-an Xa-le-nô, Linh mục

14-8 : Chân phước Ai-môn Ta-pa-ren-li, Linh mục

17-8 : Thánh Gia-Thịnh, Linh mục - Lễ nhớ

18-8 : Chân phước Ma-nê, Linh mục

19-8 : Chân phước Giô-đa-nô Pi-xa, Linh mục

23-8 : Thánh Rô-sa Li-ma, Trinh nữ - Lễ nhớ

26-8 : Chân phước Gia-cô-bê Bê-va-nha, Linh mục

 

Ngày 1 tháng 8
Thánh Ða Minh Nguyễn văn Hạnh
Linh mục, tử đạo (1772-1838)

Tiểu sử
Thánh Ða Minh Hạnh cũng còn có tên gọi là Diễm hay Nguyên, người sinh tại Nghệ An. Từ khi còn niên thiếu, người được đức cha Ðen-ga-đô nhận vào phục vụ công cuộc truyền giáo và hướng tới chức linh mục.

Sau khi thụ phong linh mục, cha Hạnh xin gia nhập Dòng Ða Minh và ngày 22-8-1826, người tuyên khấn trong dòng. Xảy ra cuộc bách hại đạo, người phải sống ẩn lánh. Chính hai người dẫn cha đi từ làng Quần Anh sang làng Trung Thành tố giác, cha bị bắt ngày 8-6-1838, giải về Nam Ðịnh và nhốt chung với cha Duệ bị bắt trước cha khoảng bốn ngày. Vì không chịu quá khóa, nên cha bị đánh đập tra tấn dữ dội.

Biết không thể thuyết phục được hai cha Duệ và cha Hạnh bỏ đạo, nên quan đề án tử hình về kinh vào ngày 28-6-1838. Án được nhà vua phê chuẩn, nên cả hai cha bị chém đầu ngày 1-8-1838 tại pháp trường Bảy Mẫu, Nam Ðịnh.

Ðức thánh cha Lê-ô XIII đã tôn phong hai vị lên bậc chân phước ngày 27-5-1900. Và đức thánh cha Gio-an Phao-lô II nâng các ngài lên bậc hiển thánh ngày 19-6-1988.

Lời nguyện : Lạy chúa, Chúa đã tưới gội quê hương Việt Nam chúng con bằng máu của thánh Ða-minh Hạnh. Nhờ sự chuyển cầu của người, xin cho hạt giống đức tin và sự nhận biết Chúa Ki-tô luôn được triển nở mạnh mẽ trên quê hương chúng con. Chúng con cầu xin

Ngày 2 tháng 8
Chân phước Gio-an-na A-da
Thân mẫu thánh phụ Ða Minh, thế kỷ XII

Tiểu sử
Cuộc đời của nữ chân phước Gio-an-na A-da, thân mẫu thánh Ða Minh, được các sử gia tóm lược khá chi tiết. Sử gia Rô-đơ-ri-ghê nắm rõ các thông tin bởi ông đã đến Ca-lê-ru-ê-ga vào năm 1270 và là một nhân vật đã từng sống trong vùng này. Lại nữa, cha Vi-ke-rơ đã tỉ mỉ nghiên cứu các tài liệu trong công hàm của Dòng nên đã cung cấp một số chi tiết rất chuẩn xác. Nhờ vậy, chúng ta mới biết đích xác rằng, thân phụ của thánh Ða Minh thuộc dòng họ Gu-man và thân mẫu người thuộc dòng họ A-da. Cả hai dòng họ này đều thuộc dòng dõi quý tộc hiệp sĩ, cai quản vùng thượng Ðu-rô và theo phò các vua trong các cuộc "tái chinh phục" vùng bán đảo của người Mo. Sau khi kết hôn với Phê-líc Gu-man, bà Gio-an-na A-da chính là người đã trù liệu cho gia đình đến định cư tại vùng Ca-lê-ru-ê-ga.

Sử gia Rô-đơ-ri-ghê cho biết : "Thân phụ thánh Ða Minh là bậc đáng kính và phú túc trong vùng, thân mẫu của cha thánh là người phụ nữ tiết hạnh, đoan trang và giàu lòng nhân ái đối với những người bất hạnh và khổ đau. Danh thơm tiếng tốt của bà nổi bật hơn tất cả các phụ nữ trong vùng." Theo đó, thánh Ða Minh chắc chắn đã thừa hưởng tấm lòng khoan dung từ chính nơi thân mẫu của người. Bằng chứng là cha Giô-đa-nô đã kể lại cho chúng ta tính cách tiêu biểu nơi thánh phụ ngay khi người còn rất trẻ : "Vì động lòng trắc ẩn trước cảnh túng quẫn của những người nghèo khổ, cha thánh đã dốc cạn khả năng của mình để tìm cách an ủi họ. Một lần kia, không thể bình tâm trước những người khốn khổ đang hấp hối, chàng thư sinh đã phải bán những cuốn sách quý của mình để giúp đỡ họ."

Người ta cũng kể những câu chuyện tương tự như thế về thân mẫu của thánh Ða Minh. Một lần kia, vì không thể cầm lòng trước cảnh thiếu thốn của những người bất hạnh, bà Gio-an-na đã không ngần ngại đem những vật dụng thường ngày trong nhà mình chia sẻ cho họ, bà còn chiết cả một thùng rượu hảo hạng trong hầm rượu của gia đình ra biếu họ. Chính lúc đó, chồng bà về đến nhà sau một cuộc hành trình dài. Ông xin được dùng chút rượu để nghỉ ngơi thư giãn. Trong tâm trạng đầy lo âu và bối rối, bà Gio-an-na đã khẩn nguyện với Chúa và Người đã nhậm lời bà, tức thì thùng rượu trong nhà lại trở nên đầy tràn !

Người ta cũng kể lại rằng, vào thời gian mang thai thánh Ða Minh, bà Gio-an-na đã đi hành hương tại đan viện thánh Ða Minh thành Xi-lô, nguyên là một viện phụ rất đáng kính. Vì thế, dân chúng thường đến đây xin người cầu thay nguyện giúp cho các tù nhân mau được giải thoát, và cho các bà mẹ khi sinh nở được mẹ tròn con vuông. Ðó chính là lý do tại sao cha thánh của chúng ta lại được đặt tên là Ða Minh. Chúng ta còn biết đến nhiều truyền thuyết khác nữa, chẳng hạn như, khi mang thai thánh Ða Minh, bà Gio-an-na mơ thấy một con chó miệng ngậm bó đuốc ; hay chuyện những con ong mật bay đến đậu trên môi em bé sơ sinh...v.v. các tích chuyện này bắt nguồn từ những truyền thuyết thời trung cổ.

Sau khi qua đời, bà Gio-an-na được an táng ở Ca-lê-ru-ê-ga. Vào thế kỷ XIV, thi hài của bà được chuyển đến tu viện dòng anh em thuyết giáo ở Pê-na-phi-en và ở đó cho đến nay. Nhờ thu thập được các thánh tích, một nghi thức phụng vụ đã được hoạch định để tôn kính bà Gio-an-na. Nghi thức phụng vụ này đã được chuẩn nhận chính thức kể từ năm 1826, khi đức giáo hoàng Lê-ô XII tôn phong bà Gio-an-na lên bậc chân phước.

Bài đọc : 1Pr 4,7b -11 ; Tin Mừng : Mc 3,31-35

Lời nguyện : Lạy Chúa là Thiên Chúa chúng con, ngài đã ban đầy tràn tinh thần Tin Mừng cho chân phước Gio-an-na. Trong tinh thần đó, người đã chuẩn bị cho các con của người, là thánh Ða Minh và chân phước Ma-nê, đời sống chứng tá tận hiến. Xin Chúa cũng ban cho chúng con được thần khí Tin Mừng như vậy. Chúng con cầu xin

Ngày 3 tháng 8
Chân phước Âu-tinh Lu-xê-ra
Giám mục (+1328)

Tiểu sử
"Một mẫu gương về vị mục tử nhân lành" là một lời kinh thần vụ hàm ý nói về chân phước Âu Tinh. Quả thực, vị tu sĩ Ða Minh thế kỷ XIII-XIV đã được rất nhiều người biết đến, đặc biệt là từ khi người được phong chức giám mục. Chân phước Âu Tinh chào đời khoảng 1260 tại Ðan-ma-ti, thuộc nước Cơ-roát-ti-a ngày nay. Người gia nhập Dòng Anh Em Thuyết giáo từ khi còn rất trẻ, và được gởi đến Pa-ri để thụ giáo tôn sư Tô-ma A-quy-nô. Trở về quê hương, người trở thành một nhà giảng thuyết nhiệt thành. Chẳng bao lâu, người trở nên nổi tiếng không chỉ bởi khả năng rao giảng mà còn bởi đời sống chuyên chăm cầu nguyện trong nhiều đêm thức trắng. Người đã chọn một câu nói của thánh bổn mạng làm châm ngôn cho đời sống của mình : "Ai biết nghệ thuật sống tốt, người đó phải biết cầu nguyện giỏi".

Năm 1303, đức giáo hoàng Biển Ðức XI đặt người là giám mục Gia-gơ-rép. Tại đây, người đặc biệt quan tâm khơi dậy lòng nhiệt thành cho hàng giáo sĩ và nâng đỡ người nghèo. Người thường rảo bộ trên các nẻo đường quanh vùng đồi núi trong giáo phận để thăm viếng giáo dân.
Người còn được ủy thác nhiệm vụ kiến tạo hòa bình ở Hung-ga-ri. Tại đó người đã thành công trong việc lập lại trật tự và làm quen với vua Sác-lơ Rô-be-tô vùng Nê-a-pô-li.

Năm 1311, người đi dự Công đồng Viên, trên đường trở về, người bị hoàng thân xứ Ðan-ma-ti tấn công, bởi ông hoàng này không ưa vị giám mục bảo vệ dân nghèo. Ít lâu sau, vua xứ Nê-a-pô-li ngỏ ý xin đức giáo hoàng Gio-an XXII cho giám mục Âu Tinh đến làm giám mục vùng Lu-xê-ra thuộc lãnh thổ của vua. Giáo phận này đã từng bị người Xa-ra-din chiếm đóng, và hiện nay các hình thức sinh hoạt tinh thần và đời sống luân lý đang từng bước khởi sắc. Người đã tích cực vận dụng những phương cách như đã thực hiện ở Gia-gơ-rép khi mời các tu sĩ Ða Minh đến giúp đỡ. Người phó dâng hàng giáo phẩm và cả giáo phận cho Ðức Trinh nữ Ma-ri-a và giáo phận Lu-xê-ra tôn nhận Ðức Mẹ làm bổn mạng cho đến nay.

Ðức giám mục Âu Tinh qua đời ngày 3-8-1323. Hai năm sau, vua xứ Nê-a-pô-li xin phong thánh cho người, nhưng mãi đến năm 1700, đức giáo hoàng Cơ-lê-men-tê IX mới chuẩn y ngày lễ tôn kính người. Ngày ngày, đông đảo dân chúng vẫn đến kính viếng phần mộ của người và xin người cầu giúp nguyện thay.

Lời nguyện : Lạy Cha giàu lòng nhân ái, xin cho chúng con biết noi theo giáo huấn và gương lành của chân phước Âu Tinh. Bằng đời sống chuyên cần chiêm niệm những mầu nhiệm Cứu độ và tận tâm phục vụ Hội Thánh, xin cho chúng con được thông phần niềm hoan lạc vĩnh cửu. Chúng con cầu xin

Ngày 8 tháng 8
Thánh Phụ ÐA MINH
Linh mục - Ðại lễ (1172-1121)

Tiểu sử
Thánh Ða Minh sinh tại Ca-lê-ru-ê-ga, Tây Ban Nha, khoảng năm 1172-1173. Người học thần học tại Pa-len-xi-a, và nổi tiếng về lòng nhân ái đối với người nghèo. Là kinh sĩ tại Ốt-ma, người tiến đức nhiều nhờ chuyên chăm cầu nguyện. Là bề trên phó kinh sĩ đoàn, người lãnh đạo rất khôn ngoan.

Tại miền Tu-lu-dơ, nơi giáo phái An-bi gây nhiều xáo trộn, người đã trở thành một nhà giảng thuyết chuyên cần, bằng gương sống thanh bần theo tinh thần phúc âm, và bằng cách đối thoại huynh đệ trong khi tranh luận về đạo lý. Người đã đưa ra một phương pháp mới để trình bày đức tin. Phương pháp này đã được Ðức In-nô-xen-tê III chấp thuận. Người coi trọng phần đóng góp của phụ nữ trong việc truyền bá Phúc âm, nên đã thiết lập nữ đan viện Pơ-rui, để các nữ tu đó có phương tiện tiến đức và trợ lực các anh em giảng thuyết, và nếu cần có thể làm nơi tá túc cho anh em nữa. Người mở rộng vòng tay đón những cộng sự viên hiến thân trong việc : "truyền giảng Chúa Ki-tô". Ðể đặt nền tảng cho một dòng tu mới, người thành lập tu viện cho anh em tại Tu-lu-dơ.

Sống theo tu luật thánh Âu Tinh, kết hợp đời sống kinh sĩ với đời sống tông đồ, người đã lãnh nhận cho mình và cho Dòng nhiệm vụ giảng Lời Chúa, một nhiệm vụ thời ấy chỉ dành riêng cho các giám mục. Ðức Hô-nô-ri-ô III đã châu phê Dòng ngày 22-12-1216. Thế là tại Rô-ma, người được bảo đảm về sứ vụ phổ quát của Dòng. Tin tưởng vào ân sủng Chúa ban và cậy trông vào sự bảo trợ của Ðức trinh nữ Ma-ri-a, người tung anh em ra khắp Châu Âu, nhất là đến Pa-ri và Bô-lô-ni-a, những trung tâm học vấn quan trọng thời đó. Còn người, người dành cho mình sứ vụ nặng nề tại miền Bắc Ý, nơi đang bị giáo phái Ca-ta đầu độc.

"Người luôn nói với Chúa" để rồi có thể "nói về Chúa". Bằng lời giảng sốt sắng, người đem Chúa đến cho tha nhân, và nhờ sức mạnh của lời cầu nguyện, người dẫn đưa tha nhân về với Chúa." Ðâu đâu, người cũng lấy lời nói, việc làm, chứng tỏ mình là con người sống theo tinh thần phúc âm. Không ai thông cảm và vui vẻ với anh em tu sĩ và những cộng sự viên hơn người. Người quả là "Vị an ủi tuyệt hảo". Người qua đời tại Bô-lô-ni-a ngày 6-8-1221.

Người được Ðức Ghê-gô-ri-ô IX, bạn thân của người khi còn là Hồng y ở Ốt-xi-a Ti-bê-ri-na, ghi tên vào sổ bộ các thánh ngày 3-7-1234.

Bài đọc 1 : Is 52,7-10 ; Bài đọc 2 : 2Tm 4,1-8 ; Tin Mừng : Mt 5,13-19 ; Mt 28,16-20 ; Lc 10,1-9

Lời nguyện : Lạy Chúa, Chúa đã soi sáng cho Hội Thánh Chúa bởi công đức và giáo thuyết của thánh Ða Minh là hiển tu Chúa và là Cha chúng con. Xin Chúa vì lời người chuyển cầu, ban cho Hội Thánh Chúa khỏi thiếu những trợ giúp trần thế, lại được luôn thăng tiến và phát triển về đường tâm linh. Chúng con cầu xin

Ngày 9 tháng 8
Chân phước Gio-an Xa-le-nô
Linh mục (+1242)

Tiểu sử
Chân phước Gio-an Xa-le-nô thuộc thế hệ tu sĩ Ða Minh đầu tiên. Người sinh tại Xa-le-nô gần Nê-a-pô-li, trong một gia đình thuộc dòng dõi chinh phục vùng Noóc-măng-đi. Người theo học tại Bô-lô-ni-a. Tại đây, người đã gặp thánh Ða Minh và được trao tu phục từ chính tay cha thánh năm 1219. Ngay sau đó, cha thánh đã gửi người và 12 bạn đồng hành đến lập tu viện ở Phi-ren-xê. Một người tội lỗi ăn năn trở lại đã giúp đỡ anh em bằng cách dâng cúng một khu đất của mình để xây một đan viện và một nguyện đường ở ngoại ô Phi-ren-xê, hầu anh em có thể thực hiện "kế hoạch Ri-pô-li" : đó là những phôi thai đầu tiên của tu viện.

Những anh em đầu tiên của cha Gio-an có ý định chỉ sống chiêm niệm trong nội thất tu viện, nên người đã nhắc nhở họ rằng : chúng ta đến đây không phải để sống cho mình, nhưng là vì phần rỗi các linh hồn. Thế là họ lên đường trở về thành phố, bắt đầu việc rao giảng với tất cả lòng nhiệt thành, sống bác ái trong cảnh túng nghèo. Dân chúng lấy làm phấn khởi vì được nghe các ngài rao giảng. Cha Gio-an tổ chức những buổi giảng thuyết chống lại bè rối Ca-tha, vì họ thường đến gây nhiễu loạn các tín hữu. Qua đó, người đã thu hút nhiều bạn trẻ đến với Dòng.

Sau khi một đan sĩ tại Ri-pô-li qua đời, anh em quyết định thiết lập cơ sở tại Phi-ren-xê. Thế là Ri-pô-li trở thành một tu viện dành cho các tu sĩ Ða Minh, và anh em còn xây dựng thêm những căn nhà mộc mạc mang tên thánh Pan-cơ-rát và thánh Phao-lô. Tháng 5 năm 1221, thánh Ða Minh đến thăm các anh em ở Phi-ren-xê và khuyên nhủ các anh em vượt qua những trở ngại anh em đang phải đương đầu với những chống đối của một số kinh sĩ trong giáo phận. Vài tháng sau, cha Gio-an Xa-le-nô đến thăm cha thánh khi người đang trên giường bệnh ở Bô-lô-ni-a. Tại Phi-ren-xê, các kinh sĩ dòng thánh Phao-lô trục xuất các tu sĩ Ða Minh trong lúc cha Gio-an vắng nhà. Khi trở về, một linh mục phụ trách nguyện đường thánh Ma-ri-a Nu-ven-lơ có nhã ý nhượng quyền cai quản cho các tu sĩ Ða Minh và thế là các ngài đã dọn đến định cư tại đây ngày 8-11-1221.

Cha Gio-an Xa-le-nô điều hành tu viện trong nhiều năm. Người đã nên gương sáng về đời sống khổ hạnh và cầu nguyện sốt sắng ; Những giờ cầu nguyện của người có khi kéo dài thâu đêm.
Cha Gio-an Xa-le-nô qua đời khoảng năm 1242. Người để lại cho hậu thế một tấm gương chói ngời về đời sống nhân đức và lòng nhiệt thành. Chẳng bao lâu sau khi cha qua đời, ngày ngày đông đảo khách hành hương đến kính viếng mộ của người. Năm 1783, đức giáo hoàng Pi-ô VI suy tôn người lên bậc chân phước.

Lời nguyện : Lạy Thiên Chúa là Ðấng chân thật, vì công cuộc loan truyền đức tin, Chúa đã ban cho chân phước Gio-an trở thành một người giảng Tin Mừng đầy khôn ngoan. Nhờ lời cầu bầu của người, xin cho chúng con khi loan truyền ơn Cứu độ với lòng xác tín, thì tâm hồn chúng con cũng được nên công chính. Chúng con cầu xin

Ngày 14 tháng 8
Chân phước Ai-môn Ta-pa-ren-li
Linh mục (+1495)

Tiểu sử
Thành phố nhỏ bé Xa-vi-li-an trong vùng Pi-ê-môn miền Bắc nước Ý có thể tự hào vì đã sinh ra bốn tu sĩ Ða Minh nổi tiếng. Ðó là chân phước Phê-rô Ru-phi-a, chân phước An-tôn Pa-vô-ni-ô, chân phước Ba-tô-lô-mê-ô Xec-vơ : các ngài bị người Vô-đoa sát hại vào những năm 1365, 1374 và 1466 ; và chân phước Ta-pa-ren-li mất ở tuổi già ; dù đã ngã bệnh, người vẫn tiếp tục công việc của một ủy viên tòa án dị giáo để kế nhiệm chân phước Ba-tô-lô-mê-ô từ 1466. Các sử gia cho biết : công việc của một nhân viên toà tra ở tòa thượng thẩm Lom-bác-đi-a và Li-gu-ri là một gánh nặng đầy vất vả và hiểm nguy.

Chân phước Ai-môn sinh trưởng trong một gia đình thuộc dòng dõi quý tộc Ta-pa-ren-li, khoảng năm 1395. Người gia nhập Dòng Ða Minh ở Xa-vi-li-an sau khi đã lập gia đình được ít lâu. Người làm giáo sư tại đại học Tu-ri-nô, rồi làm nhà giảng thuyết tại cung điện của chân phước A-mê-đê vốn là quận công vùng Xa-voa. Người ta kể lại rằng : quận công coi cha Ai-môn như một vị hướng dẫn tinh thần. Ngoài chức vụ của một nhân viên Toà tra, cha Ai-môn còn gánh vác trách nhiệm tu viện trưởng ở Xa-vi-li-an và bề trên phụ tỉnh trong nhiều nhiệm kỳ.

Là một người chuyên chăm cầu nguyện, cha Ai-môn không chỉ chu toàn các buổi nguyện kinh Thần vụ với cộng đoàn và cử hành thánh lễ với lòng sốt mến cao độ, mà người ta còn thấy cha thường xuyên đắm mình trong những lời van xin thiết tha. Cha thường đi tĩnh tâm tại một ngọn đồi hẻo lánh gần vùng Xa-lu-xê để có dịp cầu nguyện sốt sắng hơn.

Cha Ai-môn qua đời vào ngày áp lễ Ðức Mẹ hồn xác lên trời năm 1495, trong lúc người ôm chặt tượng chịu nạn trước ngực. Thi hài người được đưa về nhà thờ thánh Ða Minh ở Tu-ri-nô.
Năm 1856, đức giáo hoàng Pi-� IX phong chân phước cho cha Ai-môn.

Bài đọc : Is 6,1-8 ; 1Tx 2,2b-8 ; Tin Mừng : Mt 10,7-13

Lời nguyện : Lạy Thiên Chúa toàn năng, Chúa đã biến đổi chân phước Ai-môn thành nhà vô địch vĩ đại về đức tin. Nhờ lời người cầu giúp nguyện thay, xin cho chúng con khi phụng sự Chúa bằng việc tha thiết xây dựng hòa bình và hiệp nhất trong Hội Thánh, thì cũng được chia sẻ niềm vui thiên quốc. Chúng con cầu xin

Ngày 17 tháng 8
Thánh Gia-Thịnh
Linh mục - Lễ nhớ (+1257)

Tiểu sử
Thánh Gia Thịnh chào đời vào cuối thế kỷ XII tại Ka-mi-ên, giáo phận Bơ-rét-la-ô, quý danh Gia-cô-bê. Tới thế kỷ XIV, người được gọi là Gia Thịnh. Năm 1220, đang là kinh sĩ nhà thờ Cơ-ra-cô-vi-a, thánh Gia Thịnh vào Dòng Anh em Thuyết giáo tại Rô-ma.

Năm 1221, thánh Ða Minh cử tu sĩ Gia Thịnh cùng với tu sĩ Hen-ri-cô Mô-ra-vi-a về lập dòng tại Ba Lan, Ngay năm 1222, người đã thiết lập được tu viện tại Cơ-ra-cô-vi-a. Năm 1225, cha Giê-ra-đô Bơ-rét-la-ô, giám tỉnh tiên khởi tại Ba Lan đã phân phối các tu sĩ đi năm ngả.

Thánh Gia Thịnh đến lập tu viện tại Ðăng-tích, thuộc miền Pô-mê-ra-ni-a, rồi tại Si-nê-li. Cư ngụ tại đây từ 1229 đến 1233, người nổi tiếng có cuộc sống trong trắng và lòng tôn sùng Ðức Ma-ri-a với tước hiệu Mẹ Thiên Chúa.

Người hoạt động hăng say giữa cộng đồng người Chính thống và Công giáo tại miền này. Nguời đã rời bỏ thành phố trước khi các tu sĩ bị quận công Vơ-la-đi-mi trục xuất. Trong những cuộc hành trình đó, sách vở còn ghi lại nhiều việc lạ lùng. Chẳng hạn câu chuyện người trải áo choàng trên mặt nước, rồi cùng với anh em tu sĩ vượt qua sông Vít-tu-la mà không ướt chân, đem theo Thánh Thể Chúa và tượng Ðức Trinh Nữ.

Người qua đời tại Cơ-ra-cô-vi-a ngày 15-8-1257. Năm 1527, Ðức Cơ-lê-men-tê VII tôn người lên bậc chân phước. Ngày 14-7-1594, Ðức Cơ-lê-men-tê VIII ghi tên người vào sổ bộ các hiển thánh.

Bài đọc : Is 6, 1-8 ; 1Tx 2,2b-8 ; Tin Mừng : Mt 10, 7-13

Lời nguyện : Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa đã kêu gọi thánh Gia Thịnh chuyên cần rao giảng Lời Chúa, canh tân và củng cố đức tin cho nhiều dân tộc. Vì lời thánh nhân chuyển cầu, xin Chúa tăng thêm đức tin cho chúng con, để chúng con can đảm làm rạng Danh Chúa và phục vụ hạnh phúc đời đời của tha nhân.Chúng con cầu xin

Ngày 18 tháng 8
Chân phước Ma-nê
Linh mục (+1235)

Tiểu sử
Thánh Ða Minh có hai người anh đó là tu sĩ An-tôn và tu sĩ Ma-nê. Tu sĩ An-tôn là "cha tuyên úy cho một viện dưỡng lão" và người "đã hiến dâng cả cuộc đời làm việc bác ái để phục vụ những người nghèo khổ." Tu sĩ Ma-nê có tên tục là Ma-mét, đây là tên một vị tử đạo ở phương Ðông và rất được người Tây Ban Nha sùng kính. Sử gia Giê-ra Phơ-ra-xê cho biết, "chân phước Ma-nê là một nhà chiêm niệm thánh thiện, đã dành trọn cả cuộc đời để phụng sự Thiên Chúa trong nội thất tu viện."

Ngay từ khi thành lập Dòng và có thể sớm hơn nữa, cha Ma-nê đã được thánh Ða Minh hướng dẫn. Năm 1217, thánh Ða Minh đã cử cha Ma-nê cùng với tu sĩ Mát-thêu Phơ-ran-xơ và 5 anh em khác đến Pa-ri để xây dựng tu viện thánh Gia-cô-bê. Mùa hè năm 1219, khi từ Tây Ban Nha đến Pa-ri, thánh Ða Minh đã cử cha Ma-nê xuống Ma-rít để điều hành một tu viện vừa mới được xây dựng cho các nữ tu. Ít lâu sau, thánh Ða Minh viết thư cho các nữ tu này ; đây cũng là lá thư duy nhất còn được lưu giữ có nội dung như sau :

"Chúng ta được hưởng nhờ đức độ từ người anh rất thân mến của chúng ta, người đã chịu hiến mình vì tội lỗi để các chị đạt tới sự thánh thiện, người đã tổ chức và xếp đặt mọi điều hữu ích để các chị cư xử với nhau thánh thiện và đạo đức..."

Khi cha Ða Minh được phong thánh vào tháng 7 năm 1234, chân phước Ma-nê trở về Ca-lê-ru-ê-ga và sống những năm cuối đời tại đó. Bốn mươi năm sau, sử gia Cô-ri-ghê Xê-ra-tô là người đã từng sống tại một thung lũng gần Ca-lê-ru-ê-ga và quen thân với gia đình cha thánh đã viết về cha Ma-nê như sau : "Tu sĩ Ma-nê là một nhà giảng thuyết nhiệt tình, đức độ, lịch thiệp, khiêm nhường, vui tươi và giàu lòng nhân ái.

Người qua đời tại một đan viện thánh Phê-rô thuộc dòng Xi-tô ở làng Gu-mi-en, tại đây, người được an táng như là một tu sĩ Xi-tô danh dự." Sau này, một tu sĩ khi đến thăm đan viện đã phải thốt lên : "Nơi đây người ta nhận được nhiều phép lạ và những ơn kỳ diệu. Với những ân huệ đó, dân chúng kể người như một vị thánh và lưu giữ thi hài của người trong một ngôi mộ bên cạnh bàn thờ."

Ðức giáo hoàng Ghê-gô-ri-ô XVI đã công nhận ngày lễ kính và tôn phong người lên bậc chân phước năm 1833.

Bài đọc : 2Pr 1,2-11 ; Tin Mừng : Mt 19,23-29

Lời nguyện : Lạy Chúa, Chúa đã muốn chân phước Ma-nê cộng tác với em là thánh Ða Minh trong sứ vụ giảng thuyết. Xin cho chúng con theo chân các vị mà sốt sắng kiên trì rao giảng Tin Mừng cứu độ cho anh em. Chúng con cầu xin

Ngày 19 tháng 8
Chân phước GIÔ-ÐA-NÔ PI-XA
Linh mục (+1311)

Tiểu sử
Chân phước Giô-đa-nô là một trong số các vị giảng thuyết nổi tiếng vào thời sơ khai của Dòng Ða Minh tại Ý. Chào đời tại Pi-xa, tại đây, người lãnh nhận tu phục Dòng Ða Minh năm 1280. Sau khi theo học tại Pa-ri, rồi ở Bô-lô-ni-a, người dạy thần học tại tu viện Pi-xa trước khi được bầu làm giám đốc học vụ tại học viện thánh Ma-ri-a Nu-ven-lơ ở Phi-ren-xê.

Là một học giả uyên bác, cha Giô-đa-nô đã đọc nhiều tác phẩm của các tác giả cổ đại. Người sử dụng thông thạo tiếng Hy Lạp và còn học tiếng Híp-ri cùng với một người bạn gốc Do thái. Người là một nhà thần học có tầm hiểu biết sâu rộng về triết học và say mê nghiền ngẫm Thánh Kinh, nhất là các thư của thánh Phao-lô, đến độ người có thể đọc thuộc lòng các thư ấy nhờ trí nhớ tuyệt vời của mình.

Thêm vào đó, cha Giô-đa-nô còn là một tu sĩ có niềm tin sống động. Nội dung những bài giảng của cha thường nhấn mạnh đến lòng nhân hậu của Thiên Chúa và sự tôn sùng Ðức trinh nữ Ma-ri-a.

Cha Giô-đa-nô đi rao giảng khắp nơi trên đất Ý, nhất là ở Phi-ren-xê, có những ngày người giảng đến 5 lần tại các nhà thờ và các quảng trường. Dân chúng Phi-ren-xê theo người khắp nơi, và người ta có thói quen ghi lại những bài giảng của người. Ðó là một cung cách rao giảng Tin Mừng hết sức bình dân, đầy lý luận nhưng lại giản dị, phong phú và súc tích. Cha còn là một trong số những người tiên phong trong việc bãi bỏ tiếng La tinh và dùng tiếng Tốt-ca-na đương thời để rao giảng cho đại chúng, ngôn ngữ này vốn đã được thi hào Ðan-tê khéo léo vận dụng trong các tác phẩm của mình. Ðến lượt mình, cha Giô-đa-nô cũng góp phần quan trọng trong việc chuẩn định các thành ngữ Tốt-ca-na và các bài giảng của người đã trở thành những tư liệu quý giá về dạng thức nguyên thuỷ của ngôn ngữ Tốt-ca-na.

Người gặt hái được rất nhiều thành quả to lớn trong việc giúp người dân vùng Phi-ren-xê cải thiện đời sống, cũng như tạo mối giao hảo giữa hai phái Bạch đảng (Gueffe) và Hắc đảng (Gibelin). Sau này, khi người được bổ nhiệm tại Pi-xa, những hoạt động của người tại đây cũng đem lại những thành công đáng kể.

Dòng tiến cử cha Giô-đan-nô lên chức tổng giảng sư và bề trên gửi người lên Pa-ri nhậm chức giảng sư thần học, nhưng trên đường đi, người qua đời tại Pơ-le-giăng khi mới 50 tuổi. Dân thành Pi-xơ tuốn đến Pơ-le-giăng để tìm kiếm thi hài của người, rồi tổ chức một đám rước đông đảo các tín hữu đưa thi hài của người về Pi-xa trong niềm xúc động thương tiếc. Sau đó, người đã được đức giáo hoàng Ghê-gô-ri-ô XVI (1831-1846) nâng lên hàng chân phước.

Lời nguyện : Lạy Thiên Chúa là Ðấng rất mực thánh thiện, bằng sự liên kết đời sống chân phước Giô-đa-nô với cách cư xử hòa nhã, Chúa đã biến đổi người thành một thừa tác viên mẫu mực cho việc rao giảng Tin Mừng. Nhờ noi theo gương lành của người, xin cho chúng con hết lòng phụng sự Chúa bằng việc quảng đại phục vụ tha nhân, ngõ hầu chúng con gặt hái được những hoa trái vĩnh cửu. Chúng con cầu xin

Ngày 23 tháng 8
Thánh RÔ-XA LI-MA
Trinh nữ - Lễ nhớ (1586-1617)

Tiểu sử
Thánh I-xa-be-la Phơ-lo-ra, được gọi là Rô-xa, vì rất xinh đẹp. Người sinh tại Li-ma, nước Pê-ru, năm 1586. Người chính là đóa hoa thánh thiện đầu tiên của châu Mỹ. Người nổi danh với đời sống khổ hạnh và cầu nguyện. Ðể đạt tới sự trọn lành theo tinh thần Phúc âm, người đã gia nhập hàng ngũ các chị em Ða Minh.

Vốn chuyên cần chiêm niệm, thánh Rô-xa còn ước mong hướng dẫn nhiều người vào huyền nhiệm của việc "cầu nguyện âm thầm"... Vì thế, người phổ biến các sách bàn về vấn đề này, đồng thời thúc giục các linh mục khuyên nhủ mọi người yêu mến việc cầu nguyện. Mặc dù sống hầu như biệt cư trong khu vườn của cha mẹ, thánh Rô-xa vẫn tỏ ra thiết tha với trách nhiệm truyền giáo của Hội Thánh. Người ao ước hy sinh tính mạng để cứu vớt kẻ tội lỗi và "dân bản xứ", cầu cho họ nhận biết Chúa Ki-tô. Vì là phụ nữ, người tiếc là không thể dấn thân cho việc tông đồ.

Say mê yêu mến Chúa Giê-su trong bí tích Thánh Thể, và tôn sùng Ðức Trinh Nữ Thánh Mẫu Thiên Chúa, người chuyên cần phổ biến kinh Mân Côi.

Thánh Rô-xa qua đời tại Li-ma ngày 24-8-1617. Người được đức Cơ-lê-men-tê IX tôn lên bậc chân phước năm 1668, và Ðức Cơ-lê-men-tê X phong hiển thánh ngày 12-4-1671. Từ 1671, người được tôn làm bổn mạng miền Nam Mỹ.

Bài đọc : Hc 3,17-24 ; 2Cr 5,14-17 ; Tin Mừng : Ga 15,4-11 ; Mt 16,24-27

Lời nguyện : Lạy Chúa, Chúa đã cho thánh Rô-xa Li-ma được cháy lửa yêu mến Chúa nồng nàn, khiến người từ bỏ thế gian, sống cho một mình Chúa trong cuộc đời khắc khổ và cầu nguyện. Xin nhận lời thánh nữ chuyển cầu mà cho chúng con hằng tiến bước trên con đường đưa tới sự sống thật, để được hưởng nguồn vui bất tận trên trời. Chúng con cầu xin

Ngày 26 tháng 8
Chân phước Gia-cô-bê Bê-va-nha
Linh mục (1220-1301)

Tiểu sử
Cha Gia-cô-bê sinh năm 1220 tại Bê-va-nha, còn gọi là Mê-va-ni-a thuộc vùng Om-bơ-ri gần Phơ-li-ni-ô. Người sinh cùng năm với thánh Am-rô-xi-ô Xi-ê-na và thánh Tô-ma A-quy-nô.

Năm lên 16 tuổi, nhân có hai tu sĩ Ða Minh từ Pô-lét-tơ đến giảng tĩnh tâm mùa chay tại Bê-va-nha. Cậu Gia-cô-bê đã tham dự tất cả những buổi tĩnh tâm, và vào cuối mùa Chay, cậu quyết định xin gia nhập dòng Anh em Thuyết giáo. Cậu trải qua năm tập ở Pô-lét-tơ và những năm thụ huấn tại Pê-ru-dơ rất xuất sắc. Năm 25 tuổi, thầy Gia-cô-bê được lãnh tác vụ linh mục và bắt đầu sứ vụ giảng thuyết với những thành công rực rỡ ở khắp nơi, vì đã giáng đòn chí tử vào bè rối Ni-cô-la-ít ; bằng các cuộc đối thoại, người đã giúp họ trở về chính đạo. Thực vậy, ngay cả đến người cầm đầu bè rối tên là Óoc-ti-nen-li, vốn là một người giàu có và đầy thế lực, đã được cảm hóa khi dự các cuộc đối thoại với cha Gia-cô-bê.

Cha Gia-cô-bê thiết lập tu viện ở Bê-va-nha và làm tu viện trưởng tại đó. Người cũng tăng cường các buổi giảng thuyết cổ võ hòa bình trên khắp nước Ý, vốn đang bị chia rẽ vì các cuộc xung đột giữa hai phái Bạch đảng (Gueffes) và Hắc đảng (Gibelins) ; một bên thân giáo hoàng, một bên thân hoàng đế. Người còn nổi tiếng không chỉ về việc đánh tội mỗi đêm ba lần bằng một dây xích sắt đã hằn vết trong da thịt, mà còn bởi một đời sống trong sạch và sự uyên thâm về giáo lý. Tuy vậy, người vẫn luôn mang tâm trạng thất vọng vì sợ mất linh hồn cho tới ngày được chứng kiến một phép lạ : trong giờ nguyện kinh Thần vụ, bỗng dưng từ nơi tượng chịu nạn người vẫn mang trước ngực, máu Chúa Ki-tô chảy ướt đẫm ngực người.

Người ta còn kể rất nhiều phép lạ về người. Sau đây là những câu chuyện kể về tính hài hước và lòng tốt của người. Vào một buổi tối mùa đông nọ, trên đường từ Pô-lét-tơ trở về Bê-va-nha, cha Gia-cô-bê gặp một người nông dân tốt bụng thường hay đón tiếp các tu sĩ đi qua đây, ông đã mời cha nán lại. Lúc ấy, trời rất lạnh, lò sưởi lại không đủ ấm. Mọi người quây quần bên lò sưởi, trẻ con ngồi trước, người lớn phía sau. Anh nông dân lên tiếng : "Thưa cha, con nghe nói cha am hiểu mọi thứ và có đủ quyền năng. Vậy, xin cha cho con biết con phải làm thế nào để chúng con và những người khách đây có thể đều được sưởi ấm, bởi vì trời rất lạnh và những đứa trẻ tội nghiệp này không thể nhường chỗ của chúng." Cha Gia-cô-bê vừa cười vừa hỏi :
- Có phải con có hàng bó những dây nho ?
- Ðúng vậy !
- Ừ ! tốt lắm, hãy đem lại đây 3 hoặc 4 bó.

Anh ta đem tới và người ném chúng vào lò, tức thì lửa cháy bừng lên và mọi người được sưởi ấm.
- Bây giờ chúng ta hãy ngồi xuống, vì đã có chỗ cho mọi người. Các con thấy không, khi ta làm bừng lên ngọn lửa, những người xa nhất vẫn có thể được sưởi ấm. Ðiều này không thể xảy ra khi ngọn lửa leo lét.
Anh nông dân tỏ vẻ thất vọng :
-Việc này thì con đã biết cả rồi, vì thế con chờ đợi nơi cha những điều kỳ diệu hơn nữa kia !
- Nếu con biết điều đó tại sao con không làm đi ? Bây giờ cha sắp cho con một bí quyết để các của con không cần phải sưởi ấm nữa : hãy cho chúng quần áo và giầy dép thật dày. Và đừng nên tìm kiếm phép lạ khi đã có đủ các phương thế tự nhiên !

Sau khi đến sống ở tu viện Óoc-vi-ê-tô ở Bê-va-nha được ít lâu, cha Gia-cô-bê qua đời năm 81 tuổi. Ðược biết, trùng với ngày người qua đời trước đó ít năm, chân phước Gio-an-na Óoc-vi-ê-tô đã đến gặp người tại nguyện đường Dòng Ða Minh trong thành phố này, hôm ấy, người đã giải tội cho chị và tặng chị chiếc thắt lưng bằng da và con dao làm kỷ niệm. Thật vậy, khi hay tin cha Gia-cô-bê qua đời ở Bê-va-nha, chị đã đến tu viện Óoc-vi-ê-tô và thuật lại cho các cha biết, chị đã xưng tội với cha Gia-cô-bê ngay tại đây vào một buổi sáng trùng với ngày này. Và để làm tin, chị đã đưa chiếc dây lưng và con dao cho mọi người xem. Ðó là một trong các trường hợp kỳ diệu mà sử sách còn ghi lại !

Năm 1672, đức giáo hoàng Cơ-lê-men-tê X tôn phong cha Gia-cô-bê lên bậc chân phước.

Lời nguyện : Lạy Thiên Chúa là Ðấng rất mực khoan dung, là niềm hy vọng vững chắc của ơn Cứu độ vĩnh cửu, Chúa đã ban cho chân phước Gia-cô-bê lòng can đảm. Xin tỏ cho chúng con thấy lòng bao dung của Ngài. Ðể khi chúng con được thanh tẩy trong máu của Ðấng Cứu chuộc, chúng con cũng được kể vào số đoàn chiên bên tay hữu Chúa đến muôn đời. Chúng con cầu xin