HOME

THÁNG CH�N

2-9 : Chân phước Gu-a-la Be-ga-mo, Giám mục

4-9 : Chân phước Ca-ta-ri-na Ra-cô-ni-gi, Trinh nữ

5-9 : Thánh Phê-rô Nguyễn Văn Tự, Linh mục, tử đạo

5-9 : Thánh Giu-se Hoàng Lương Cảnh, Trùm họ, Tử đạo

6-9 : Chân phước Bê-tran Ga-ri, Linh mục

18-9 : Thánh Gio-an Mai-san. Tu sĩ, Lễ Nhớ

18-9 : Thánh Ða minh Trạch, Linh mục, tử đạo

20-9 : Chân phước Mác-cô Mơ-đên, Linh mục

20-9 : Chân phước Phan Sinh Pô-xa-đát, Linh mục 

28-9 : Chân phước Lô-ren-xô Ri-páp-ra-ta, Linh mục

28-9 : Thánh Ða minh I-ba-nhê Ê-qui-xi-a và các anh em tử đạo, Lễ nhớ

 

Ngày 2 tháng 9
Chân phước Gu-a-la Be-ga-mô
Giám mục (1180-1244)

Tiểu sử
Tu sĩ Gu-a-la là người con đầu tiên do thánh Ða Minh trực tiếp huấn luyện và là một trong những tu sĩ nổi tiếng nhất của Dòng. Cậu Gu-a-la chào đời năm 1180 tại Be-ga-mô. Khi đến Bô-lô-ni-a, cậu đã gặp những tu sĩ đầu tiên của Dòng và được lãnh tu phục dòng Anh em Thuyết giáo trước lễ Phục sinh năm 1219. Có lẽ vào mùa hè năm 1219, thánh Ða Minh đã cử tu sĩ Gu-a-la đi thiết lập tu viện Be-ga-mô, đây là tu viện thứ hai sau tu viện Bô-lô-ni-a. Hơn nữa, vào năm 1220, tu sĩ Gu-a-la cùng với ba anh em khác đã xây dựng một nữ đan viện ở Bô-lô-ni-a. Ít lâu sau, tu sĩ Gu-a-la tiếp tục thành lập một tu viện ở Bơ-rét-xi-a và trở thành tu viện trưởng tiên khởi tại đây.

Thánh Ða Minh qua đời vào thượng tuần tháng 8 năm 1221 trong khi cha Gu-a-la đang điều hành việc xây dựng. Ngay chính lúc thánh Ða Minh qua đời, cha tu viện trưởng tu viện Bơ-rét-xi-a đã được thấy một thị kiến : Chúa Giê-su và Mẹ Ma-ri-a đã kéo thánh Ða Minh lên trời bằng một cái thang. Sau này, chính cha Gu-a-la đã kể lại cho cha Giô-đa-nô và thị kiến đó đã được ghi lại trong cuốn Li-be-lút. Vì thế, bài thánh thi giờ kinh phụng vụ ngày lễ kính thánh Ða Minh đã hàm ý nhắc đến phép lạ này.

Chiếc thang bắc tận trời cao thẳm
Vạch đường dẫn lối người tôi trung
Vượt qua biển sóng nghìn trùng
Tổ phụ Thuyết giáo hiển dung quê trời.

Một chi tiết cảm động là trên đường đến Bô-lô-ni-a mừng lễ kính cha thánh Ða Minh đã được phong chân phước vài năm trước đó, cha Gu-a-la đã được mời hát bài thánh thi mới sáng tác này và người diễn tả thật tuyệt vời.

Vào năm 1226, trước hết, đức thánh cha cử cha Gu-a-la làm đặc sứ tòa thánh đến với nhóm Lôm-bác-đi-a nhằm hòa giải họ với hoàng đế Phê-đê-rích II và tiến hành cuộc thập tự chinh tại thánh Ðịa. Ít lâu sau, người được cử đến Mi-lăng để tái lập hòa bình cho thành phố này. Sau đó, người lãnh trách nhiệm giải hòa cuộc chiến tranh giữa hai thành phố Trê-vi-dơ và Pa-đua, cũng như xóa bỏ cuộc nội chiến kéo dài 8 năm do mối hiềm khích giữa thành phố Bô-lô-ni-a và Mơ-đên. Cha đã tập hợp các lực lượng ở Lôm-bác-đi-a để đối đầu với cuộc tấn công của hoàng đế Phê-đê-rích II và hai năm sau, chính người đã phải vất vả lắm mới đem lại được sự giải hoà giữa đức giáo hoàng và hoàng đế.

Năm 1229, vì muốn được gắn bó thân thiết với cha Gu-a-la, người dân Bơ-rét-xi-a đã đệ trình lên Tòa thánh xin đức Ghê-gô-ri-ô IX bổ nhiệm cha Gu-a-la làm giám mục giáo phận Bơ-rét-xi-a. Cha là tu sĩ Ða Minh đầu tiên lãnh chức Giám mục. Trong những năm thi hành sứ vụ, đức giám mục Gu-a-la là một mục tử nhân lành đã luôn phân phát Lời Chúa và Bánh Hằng Sống cho hết thảy những ai đang khao khát lãnh nhận. Tuy nhiên, người vẫn không ngăn cản được những cuộc nổi loạn của dân chúng. Từ 1239 đến 1243, người bị lưu đày và phải lánh nạn ở Van-lôm-bơ-rơ. Chẳng bao lâu sau, đức thánh cha Ghê-gô-ri-ô triệu người về và giao cho người một trách vụ mới bên cạnh hoàng đế Phê-đê-rích II. Sau đó, vào năm 1243, đức tân giáo hoàng In-nô-xen-tê IV tái bổ nhiệm người coi sóc giáo phận Bơ-rét-xi-a. Người trở về đem lại niềm vui cho dân chúng. Kiệt sức vì tuổi tác và công việc, người về hưu dưỡng tại đan viện A-xi-nô ở Van-lôm-bơ-rơ thuộc giáo phận Be-ga-mô. Người qua đời tại đây vào ngày 3 tháng 12 năm 1244. Mộ của người vẫn còn được bảo quản cho đến ngày nay.
Năm 1868, đức thánh cha Pi-� IX đã suy tôn người lên bậc chân phước.

Lời nguyện : Lạy Mục Tử hằng hữu, Ngài đã đổ tràn trên chân phước Gu-a-la ân sủng đặc biệt, để giúp cho đoàn chiên của Ngài ngày càng được sống bình an và thánh thiện. Nhờ lời cầu bầu của người, xin cho chúng con luôn thiết tha mưu cầu hòa bình ngõ hầu thu hoạch được nhiều hoa trái thiêng liêng. Chúng con cầu xin

Ngày 4 tháng 9
Chân phước Ca-ta-ri-na Ra-cô-ni-gi
Trinh nữ (1486-1547)

Tiểu sử
Chị Ra-cô-ni-gi chào đời vào năm 1486 tại Pi-ê-môn-tê thuộc miền Bắc ngước Ý, và là con gái duy nhất trong một gia đình thợ thủ công có nhiều con trai. Khi ấy vùng Pi-ê-môn-tê rơi vào tình cảnh thật bi thảm do sự xâm lăng của nước Pháp dưới các triều vua Sác-lơ VIII năm 1494, vua Lu-i XII năm 1499 và vua Phăng-xoa I với cuộc chiến Ma-ri-nhăng năm 1515. Cuộc đời của chị được ghi dấu bằng những sự kiện đặc biệt. Trước hết là tình trạng nghèo đói vào thời thơ ấu và sau đó là sự đau khổ trong tâm hồn.

Ngay từ lúc năm tuổi, người ta nhận thấy chị Ra-cô-ni-gi có lòng khao khát mãnh liệt ơn cứu rỗi các linh hồn và sống kết hợp với cuộc thương khó của Ðức Ki-tô. Chị làm nghề kéo sợi để kiếm sống. Trong công việc này, chị luôn tìm được sự trợ giúp cho những lời cầu nguyện của mình.
Cũng giống như thánh Ca-ta-ri-na Xi-ê-na, chị Ra-cô-ni-gi được ban cho những đặc sủng kỳ diệu như : đính hôn thiêng liêng, in dấu thiêng liêng, đối thoại nội tâm ; dù không biết chữ, chị vẫn có thể đọc sách một cách lạ lùng, và chỉ đọc kinh thần vụ mà thôi.

Năm 28 tuổi, chị lãnh tu phục Dòng Ba Ða Minh nhưng chị vẫn còn gặp khổ đau, vì người ta nói chị là phù thủy và các chị em đối xử với chị một cách ngờ vực. Năm sau, vì động lòng trắc ẩn trước những nạn nhân xấu số của chiến tranh, chị đã dâng tặng cả thân xác và linh hồn mình để cầu nguyện cho những người đã hy sinh trong cuộc chiến tại Ma-ri-nhăng. Từ đó cho đến cuối đời, chị phải chịu đựng nhiều đau đớn vì bệnh tật và bị vu khống.

Tuy nhiên, chị vẫn có những người bạn nổi tiếng và có thế lực như hầu tước Mông-phe-rát, sử gia Píc Mi-răng-đôn là người viết tiểu sử của chị, và, đức cha Cơ-lốt Xây-xen - giám mục Mác-xây và tổng giám mục Tu-ri-nô. Nhưng các tu sĩ Ða Minh không có thiện cảm với chị nên đã từ chối trách nhiệm linh hướng cho chị trong một thời gian dài. Chị nói : "Tôi được kết hợp với Chúa Giê-su, Người sẽ săn sóc tôi ; các vị bề trên của dòng không phải không quan trọng đối với tôi. Nhưng chính vì tình yêu Thiên Chúa mà tôi đã lãnh lấy tu phục, chứ không phải vì họ. Chúa Giê-su là niềm hy vọng của tôi."

Cuối cùng các tu sĩ Ða Minh rút lại các đánh giá sai lầm về chị và cử cha giải tội đến với chị. Nhưng chị đã phải rời bỏ Ra-cô-ni-gi và qua đời trong cảnh lưu đầy ở Ca-ra-ma-nhô. Chị được an táng trong một giáo đường của các enh em Ða Minh ở Ga-rét-xi-ô. Ðức giáo hoàng Pi-ô VII đã chuẩn y việc tôn kính chân phước Ca-ta-ri-na Ra-cô-ni-gi năm 1810.

Lời nguyện : Lạy Chúa là niềm hy vọng của chúng con, Chúa đã ban cho chân phước Ca-ta-ri-na trở nên sung mãn nhỡ những ân huệ thiêng liêng và sự hiện diện của Ngài tràn đầy trong tâm hồn người. Nhờ lời cầu bầu của người, xin cho chúng con biết hiến mình cho cho Ðức Ki-tô như Người đã tự hiến mình trên thập giá để cứu chuộc chúng con. Chúng con cầu xin

Ngày 5 tháng 9
Thánh Phê-rô Nguyễn Văn Tự
Linh mục, tử đạo (1796-1836)

Tiểu sử
Thánh Phê-rô Nguyễn Văn Tự sinh năm 1796 tại Ninh Cường, huyện Nam Chân, phủ Thiên Trường, tỉnh Nam Ðịnh. Từ thuở niên thiếu người đã dâng mình cho Chúa và thụ phong linh mục năm 30 tuổi. Sau đó, cha xin gia nhập Dòng Ða Minh và được cha A-man-đi Chiêu nhận lời khấn ngày 4-1-1827.

Trong suốt 12 năm thi hành tác vụ linh mục, cha Tự là một tu sĩ gương mẫu và là nhà truyền giáo nhiệt thành. Năm 1838, cha Tự được cắt cử phụ trách xứ Ðức Trai thuộc làng Kẻ Mốt, phủ Bắc Ninh, đúng vào lúc mà cuộc bách hại đạo lên đến cực điểm. Do đó, cha phải thi hành tác vụ của mình cách lén lút. Ngày 29-6-1838, quân lính kéo đến bao vây làng Kẻ Mốt để bắt cha ; nhưng một người ngoại giáo đã dẫn cha sang làng bên. Cuối cùng, lính bắt được cha trong ruộng mía và giải về Ninh Tài. Tại đây, cha bị tra khảo và bắt bỏ đạo, nhưng cha vẫn giữ vững đức tin và động viên các giáo dân can đảm tuyên xưng đạo Thánh. Cha đã không ngừng nhắc lại Lời Chúa xưa : "Ai chối Thầy trước mặt người đời ; Thầy sẽ chối người ấy trước mặt cha Thầy, Ðấng ngự trên trời" (Mt. 10,33).

Không dụ dỗ được cha, quan truyền án cho voi dày ngày 27-7-1838 ; nhưng án triều đình đổi lại thành trảm quyết. Ngày 5-9-1838, trên đường ra pháp trường ở Xài Bông cha đã giải thích tường tận cho các quan thắc mắc về chiếc áo dòng và tượng chịu nạn : "Ðây là áo dòng tu lớn trong Giáo hội mà tôi được hân hạnh là phần tử. Màu trắng tiêu biểu cho đức khiết tịnh mà tôi hết lòng gìn giữ..." Rồi cầm tượng chịu nạn cha nói tiếp : "Ðây là Chúa Cứu Thế, đã chịu đóng đinh vì tội thiên hạ. Xin quan cho phép tôi được mặc áo dòng và cầm thánh giá này khi đi xử."

Thi hài cha được chôn tại chỗ. Sau đó, nhờ khéo léo chi một số tiền cho giới hữu trách, giáo dân mới cải táng cha về nhà thờ xứ Ðông Tài, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Ninh.
Ngày 27-5-1900, đức giáo hoàng Lê-ô XIII đã suy tôn cha Phê-rô Nguyễn Văn Tự lên hàng chân phước. Ngày 19-6-1988, đức Gio-an Phao-lô II tôn phong người lên hàng hiển thánh.

Lời nguyện : Lạy chúa, Chúa đã tưới gội quê hương Việt Nam chúng con bằng máu của thánh Phêrô Nguyễn Văn Tự. Nhờ sự chuyển cầu của người, xin cho hạt giống đức tin và sự nhận biết Chúa Ki-tô luôn được triển nở mạnh mẽ trên quê hương chúng con. Chúng con cầu xin

Ngày 5 tháng 9
Thánh GIU-SE HOÀNG LƯƠNG CẢNH
Trùm họ, tử đạo (1763-1838)

Tiểu sử
Thánh Giu-se Hoàng Lương Cảnh sinh năm 1763 tại làng Ván (Ngàn Vân), tỉnh Bắc Giang.
Gia nhập Dòng Ba Ða Minh, cụ trở nên người ki-tô hữu gương mẫu, làm nghề thầy thuốc và tận tụy chữa bệnh, nên có nhiều dịp rửa tội cho các em bé gặp nguy tử. Giáo dân Thổ Hà tín nhiệm bầu ông làm trùm họ. Từ đó, ông hăng say trong việc tuyền giảng Tin Mừng.

Ðầu tháng 7 năm 1838, đang khi quân địch vây bắt các giáo dân làng Thổ Hà, có người mời ông đến chữa bệnh và rửa tội cho con họ. Dù biết nguy hiểm, ông vẫn tìm cách lẻn đi và bị bắt. Ông bị giải về Bắc Ninh cùng với cha Phê-rô Nguyễn Văn Tự và một số giáo dân khác.

Dù tuổi già sức yếu, cụ lang Cảnh vẫn giữ một lòng trung kiên và vui lòng chấp nhận mọi hình khổ, không than van, không oán trách. Nhiều lần quan bắt cụ bước qua thánh giá, nhưng cụ quỳ xuống hôn Tượng Chịu Nạn và thầm thĩ đọc kinh. Thấy thế, quan bảo cụ đọc to lên, cụ liền đọc lớn tiếng những lời kinh thay cho lời giải thích. Ðặc biệt, có lần cụ đọc một lời kinh làm cho các quan ngạc nhiên phá lên cười : "Cầu Chúa Giê-su cho các vua trị nước cho yên, càng ngày càng thịnh." Các quan hỏi sao cụ lại cầu cho kẻ hành hạ mình như thế. Cụ bình tĩnh trả lời cho các quan về giới luật yêu thương của đạo Chúa. Khi quan hỏi có muốn chết không, cụ khẳng khái trả lời : "Có" và xin cùng chết với cha Tự. Một bản án tử hình chung cho cả cha Tự và cụ Cảnh. Bản án của quan ghi phải xử giảo, nhưng triều đình đổi lại thành án xử trảm.

Ngày 5-9-1838, cùng với cha Tự trong bộ tu phục trắng toát, cụ Cảnh cũng khoác áo dòng tay cầm ảnh chuộc tội nhỏ mà cụ đã gìn giữ trong suốt hai tháng tù đày. Cả hai đều hớn hở hiên ngang bước ra pháp trường, miệng thầm đọc kinh. Rồi lý hình theo lệnh trống thi hành phận sự đưa cụ Cảnh và cha Tự về hưởng nhan Chúa.

Ngày 27-5-1900, đức giáo hoàng Lê-ô XIII suy tôn cụ trùm Giu-se Hoàng Lương Cảnh lên bậc chân phước. Ngày 19-6-1988, đức giáo hoàng Gio-an Phao-lô II tôn phong người lên bậc hiển thánh.

Lời nguyện : Lạy chúa, Chúa đã tưới gội quê hương Việt Nam chúng con bằng máu của thánh  Giu-se Hoàng Lương Cảnh Nhờ sự chuyển cầu của người, xin cho hạt giống đức tin và sự nhận biết Chúa Ki-tô luôn được triển nở mạnh mẽ trên quê hương chúng con. Chúng con cầu xin

Ngày 6 tháng 9
CHÂN PHƯỚC BÊ-TRAN GA-RI
Linh mục (+1230)

Tiểu sử
"Tu sĩ Bê-tran, sau này là bề trên giám tỉnh tỉnh dòng Pơ-rô-văng, vốn là một người rất thánh thiện, chuyên cần tuân giữ kỷ luật và hãm mình ép xác. Người học được nhiều điều hữu ích từ gương sáng của thánh Ða Minh, và đôi lúc họ là bạn đồng hành của nhau." Cha Giô-đa-nô Xa-xô-ni-a đã viết như vậy về vị tu sĩ Ða Minh vùng Pơ-rô-văng, người đã được sinh ra tại Ga-ri gần A-léc trong vùng Gôn Na-bon-ne.

Tu sĩ Bê-tran đã có mặt từ buổi đầu xây dựng dòng ở Tu-lu-dơ năm 1217. Người cũng thuộc nhóm anh em đến Pa-ri để xây dựng tu viện thánh Gia-cô-bê trong những bước khởi sự phát triển Dòng. Ít lâu sau, tu sĩ Mát-thêu Phơ-răng trao cho người nhiệm vụ đi gặp đấng sáng lập Dòng. Cùng với tu sĩ Gio-an Na-va-rê, người đến Rô-ma và trình bầy với thánh Ða Minh về tình hình của các cơ sở ở Pa-ri và những khó khăn họ đang phải đương đầu. Khi nhận được bức thư của đức giáo hoàng Hô-nô-ri-ô III yêu cầu là phải tham gia vào đại học Pa-ri, thánh Ða Minh đã sai hai tu sĩ này đi Bô-lô-ni-a vào tháng 4-1218. Ðến tháng 6, thánh Ða Minh lại sai họ đi Pa-ri một lần nữa vì tin rằng, tu sĩ Bê-tran, một con người hoàn toàn đáng tin tưởng, là mối dây liên kết giữa bề trên và các cộng đoàn của mình.

Vào đầu năm 1219, tu sĩ Bê-tran gặp thánh Ða Minh tại Xanh Rô-manh ở Tu-lu-dơ, và cuối tháng 5 đầu tháng 6 cả hai cùng nhau đi Pa-ri và ghé qua Rô-ca-ma-đua. Chính trong cuộc hành trình này đã xảy ra một tình tiết rất nổi tiếng liên quan đến tu sĩ Bê-tran. Sử gia Giê-rát Ra-sê đã thuật lại tình tiết đó như sau : những người Ðức đi hành hương đã chia sẻ phần lương thực dồi dào của họ cho hai vị tu sĩ, và, cha Ða Minh buồn rầu nói : "Này thầy Bê-tran ... chúng ta thu hoạch hoa lợi của những người hành hương này mà không gieo vào lòng họ của cải tinh thần ... Nào, chúng ta hãy cầu nguyện để chúng ta có thể nói tiếng của họ và loan báo Chúa Giê-su cho họ ..." và phép lạ đã xảy ra khi cả hai đều nói về Thiên Chúa cho những bạn đồng hành người Ðức trong suốt 4 ngày cho tới tận Óoc-lê-ăng.

Tại tổng hội 1221, thánh Ða Minh đặt tu sĩ Bê-tran làm giám tỉnh tỉnh dòng Pơ-rô-văng bao gồm các tu viện ở Tu-lu-dơ, Li-ông, Mông-pơ-li-ê, và đan viện ở Pơ-rui-dơ ; trước cuối năm đó, tỉnh dòng còn gia tăng thêm số tu viện ở Ba-giô-nơ và Puy. Người đã thi hành trách vụ giảng thuyết với lòng nhiệt thành do đời sống thánh thiện đem lại. Người qua đời năm 1230, đang khi giảng cho các tu sĩ dòng Xi-Tô ở Bu-xê gần O-răng-dơ. Ðức giáo hoàng Lê-ô XIII đã tôn phong cha Bê-tran lên hàng chân phước năm 1881.

Lời nguyện : Lạy Thiên Chúa là Ðấng quan phòng kỳ diệu, Chúa đã ban cho chân phước Bê-tran trở thành người bạn đồng hành và là môn đệ tuyệt vời của thánh phụ Ða Minh. Xin Chúa vì lời người cầu thay nguyện giúp, ban cho chúng con biết noi theo đời sống đức tin người đã truyền dạy, để xứng đáng lãnh phần thưởng Chúa hứa ban. Chúng con cầu xin

Ngày 18 tháng 9
THÁNH GIO-AN MAI-SAN
Tu sĩ - Lễ nhớ (+1645)

Tiểu sử
Thánh Gio-an Mai-san là bạn thân của thánh Mác-ti-nô Po-rét, thánh nhân sinh tại Tây Ban Nha khoảng năm 1585 trong một gia đình thuộc dòng dõi quí tộc nhưng đã bị phá sản. Cậu Gio-an Mai-san mồ côi cha mẹ từ rất sớm và được người chú ở giáo phận Pa-len-xi-a nhận nuôi dưỡng. Ngay từ tấm bé, cậu Mai-san đã phải làm nghề chăn cừu. Cậu là một người đứng đắn và rất đạo đức, có lòng mộ mến và siêng năng lần chuỗi Mân côi. Người ta kể lại rằng : cậu thường lần chuỗi mỗi ngày ba lần để cầu nguyện cho chính bản thân, cho những người tội lỗi và cho các linh hồn trong luyện ngục.

Một ngày kia, cậu thanh niên Mai-san rời quê hương đáp tàu đi Nam Mỹ cùng với một thương gia để phụ giúp ông này trong việc kinh doanh. Cậu Mai-san đã đi qua nhiều nơi trên miền đất mới này và cuối cùng đến Li-ma, tại đây, cậu xin gia nhập Dòng Ða Minh theo bậc trợ sĩ. Thầy Mai-san trẻ hơn thầy Mác-ti-nô Po-rét khoảng 16 tuổi. Khi đó, thầy Mác-ti-nô sống ở tu viện Ðức Mẹ Mân Côi, còn thầy Gio-an Mai-san sống ở tu viện thánh Ma-ri-a Mác-đa-la.

Theo gương thầy Mác-ti-nô, thầy Mai-san đã sống một cuộc đời khổ hạnh bằng cách ăn chay, mặc áo nhặm, đánh tội phạt xác bằng roi sắt, và thường thức khuya để đọc kinh cầu nguyện. Thầy quả là một người khiêm nhường rất đáng mến phục, ròng rã 12 năm nâng đỡ, vấn an, chia sẻ với những người bị tù đày áp bức, những người bị gạt ra bên lề xã hội. Thầy còn tỏ bày lòng yêu thương nồng nhiệt đối với các bệnh nhân và những người nghèo khổ : "Mỗi ngày, thầy nuôi dưỡng 200 người, tận tâm phục vụ họ với tất cả tấm lòng, an ủi họ khi thì bằng những phần quà, khi thì quần áo hay tiền bạc nhặt nhặn từ những cuộc lạc quyên, ân cần giúp đỡ họ bằng những công việc khiêm tốn." Thầy đã hăng hái thi hành trách vụ khuyên bảo những người đang rơi vào cơn khủng hoảng và dẫn dắt họ đến gặp gỡ Thiên Chúa. "Người anh em này tuy không có điều kiện trau dồi kiến thức nhưng vẫn có khả năng nói về Thiên Chúa như một tiến sĩ."

Cuối cùng, giống như thầy Mác-ti-nô, "sau khi đã tiên báo về ngày chết, thầy Mai-san còn tiếp tục chịu khổ chế bằng cách thắt quanh lưng mình một sợi xích sắt", thầy qua đời ngày 17-9-1645 ở tuổi 60.
Ðức giáo hoàng Ghê-gô-ri-ô XVI đã tôn phong chân phước cho người vào năm 1837. Ðức Phao-lô VI ghi tên người vào sổ các thánh 28-9-1975.

Các bài đọc : Bài đọc : 1V 17,8-16 ; 1Ga 3,14-18 ; Tin Mừng : Mt 6,31-34

Lời nguyện : Lạy Chúa là Ðấng yêu thương và cứu chuộc nhân loại, Chúa đã thôi thúc thánh Gio-an hết lòng phục vụ mọi người. Vì lời thánh nhân cầu thay nguyện giúp, xin ban cho chúng con luôn gắn bó với mầu nhiệm lòng từ bi Chúa, và sẵn sàng hy sinh của cải cũng như mạng sống vì anh em. Chúng con cầu xin

Ngày 18 tháng 9
Thánh ÐA MINH TRẠCH
Linh mục, tử đạo (1793-1840)

Tiểu sử
Cậu Ða Minh Trạch chào đời năm 1793 tại họ Ngoại Vối, tỉnh Nam Ðịnh. Cậu vào ở với cha xứ từ thuở bé. Trong thời vua Gia Long, cậu được học đầy đủ chương trình ở chủng viện và thụ phong linh mục năm 30 tuổi. Năm sau, cha xin vào Dòng Ða Minh và tuyên khấn ngày 3-6-1825.

Những người làm chứng trong hồ sơ phong thánh ca tụng cha Trạch sống nghiêm ngặt và hết lòng tuân giữ kỷ luật dòng. Tuy mang trong mình chứng bệnh lao phổi nan y, cha vẫn giữ đủ luật ăn chay hãm mình và chu toàn mọi công tác. Cha coi xứ Quần Cống, sau đó là Viên Ðông, rồi về Lục Thủy để dưỡng bệnh và kiêm nhiệm việc linh hướng cho các chủng sinh.

Năm 1839, cha bị bắt ở Ngọc Cục, nhưng dân làng đã chuộc cha về. Ngày 11-4-1840, khi cha lên Ngưỡng Nhân để thăm hai linh mục Vinh và Thản, bị quân lính phát hiện và bị bắt ở Sa Châu, sau đó quân lính giải cha về Xuân Trường, rồi về Nam Ðịnh.

Trong tù, mặc dù kiệt sức vì mắc bệnh, cha vẫn cố gắng an ủi khuyên nhủ các giáo hữu và giải tội cho họ, đặc biệt cha đã cảm hóa được thầy Tô-ma Toán, người đã chối đạo.

Ra tòa lần nào cha cũng bị vặn hỏi về linh mục H�c-mô-xi-la Vọng Dòng Ða Minh, vị Thừa sai Tây Ban Nha mà quan tưởng là người cuối cùng chưa bị bắt. Quan còn hứa trả tự do nếu cha chịu bước qua thập giá và đe dọa : "Hãy nhìn cây thập giá kia, một là bước qua hai là chết." Cha Ða Minh Trạch không trả lời ngay, tự động quỳ xuống hôn kính thánh giá rồi quay về phiá quan và nói : "Thưa quan, thánh giá là giường Chúa Ki-tô nằm chết thay cho nhân loại, nếu quan muốn sự sống đời đời, xin quan kính lạy thánh giá này. Tôi thà bị chết chớ không bước qua thánh giá."

Nghe vậy, quan tổng đốc nổi giận tát vào mặt nhà giảng thuyết, rồi đấm đá túi bụi. Quan bắt lính cầm hai đầu gông khiêng cha qua thánh giá, nhưng cha co chân lên mặc cho quân lính đánh đập tàn nhẫn. Vừa mỏi mệt thất vọng, vừa phẫn nộ điên cuồng, các quan đồng thanh kết án xử trảm cha. Ngày 18-9-1840, bản án được vua Minh Mạng châu phê ra tới Nam Ðịnh và được thi hành ngay tức khắc.
Ðến nơi xử, lính tháo gông cho cha. Sau một phút cầu nguyện, cha Trạch đưa đầu lãnh nhát gươm tử đạo tiến về Nước Hằng Sống. Thi thể cha được an táng tại chỗ, năm sau, các tín hữu cải về nhà chung Lục Thủy.

Ngày 27-5-1900, đức giáo hoàng Lê-ô XIII suy tôn cha Ða Minh Trạch lên bậc chân phước. Ngày 19-6-1988, đức giáo hoàng Gio-an Phao-lô II nâng người lên bậc hiển thánh.

Lời nguyện : Lạy chúa, Chúa đã tưới gội quê hương Việt Nam chúng con bằng máu của thánh Ða Minh Trạch. Nhờ sự chuyển cầu của người, xin cho hạt giống đức tin và sự nhận biết Chúa Ki-tô luôn được triển nở mạnh mẽ trên quê hương chúng con. Chúng con cầu xin

Ngày 20 tháng 9
Chân phước Mác-cô Mơ-đên
Linh mục (+1498)

Tiểu sử
Mặc dù có rất ít thông tin về tiểu sử của chân phước Mác-cô Mơ-đên, nhưng dựa vào những thông tin hạn hẹp đó ta vẫn có thể hình dung cách sống động về nhân cách của người. Mặt khác, không có sự kiện nào vào thời ấy được truyền lại cho chúng ta, mà không bị biến dạng và trộn lẫn với các sự kiện khác. Thế nhưng, các chi tiết trong tiểu sử này đều có những điểm tương đồng : chân phước Mác-cô Mơ-đên là một tu sĩ đức độ và là một tông đồ nhiệt thành rao giảng Lời Chúa.

Người sinh tại Mơ-đên vào đầu thế kỷ XV. Lúc còn trẻ người xin gia nhập tu viện thuộc Dòng Ða Minh ở quê nhà. Người say mê cầu nguyện, siêng năng suy gẫm các mầu nhiệm trong đạo, trung thành giữ các lời khấn và kỷ luật dòng, đánh tội phạt xác và tô điểm tâm hồn bằng các nhân đức. Vì mục đích chính của Dòng là các tu sĩ không chỉ khao khát ơn cứu độ cho chính mình mà còn nhiệt tâm chăm lo phần rỗi cho tất cả mọi người, nên cha đã miệt mài nghiên cứu thánh khoa và đi giảng dạy khắp nơi, mang lại nhiều hoa trái cho các linh hồn ở nhiều thành phố của nước Ý. Tiếng tăm về sự thánh thiện và thông thái đem lại cho người một uy tín ; sức mạnh siêu nhiên của tài hùng biện và gương sáng về đời sống thanh thoát đã đem lại một sức thuyết phục mạnh mẽ trong lời giảng của người. Vì thế, cha đã cảm hóa được nhiều tâm hồn, giúp họ từ bỏ đường tà và khơi dậy nơi tâm hồn họ niềm khao khát được nên trọn hảo.

Khi cha được chọn làm bề trên tu viện Pê-xa-rô, anh em và dân cư trong thành phố hết lòng kính trọng và tín nhiệm người. Cha qua đời tại tu viện này vào ngày 22-9-1498.
Người được đức thánh cha Pi-ô IX suy tôn lên hàng chân phước năm 1857.

Lời nguyện : Lạy Thiên Chúa giàu lòng thương xót, nhờ công đức của chân phước Mác-cô, Chúa đã dẫn đưa nhiều người lầm lạc trở về nẻo chính đường ngay. Vì lời cầu bầu của người, xin thanh tẩy chúng con sạch mọi tội lỗi, hầu chúng con được hưởng nếm niềm vui vĩnh cửu. Chúng con cầu xin

Ngày 20 tháng 9
Chân phước Phan Sinh Pô-xa-đát
Linh mục (1644-1713)

Tiểu sử
Cậu Phan Sinh Pô-xa-đát sinh tại Co-đua năm 1644. Song thân cậu làm nghề buôn bán trái cây. Khi còn trẻ, cậu được một tu sĩ Ða Minh và một tu sĩ dõng Tên giúp cậu làm quen với công việc đèn sách. Thế nhưng, khi mẹ của cậu tái giá, người cha kế đã cắt đứt việc học và bắt cậu đi làm thuê cho một ông chủ tàn nhẫn. Dần dần, chẳng những cậu đã chinh phục được ông chủ bằng đức tính dịu hiền của mình, mà còn nhận được sự ủng hộ của ông để tiếp tục việc học còn đang dang dở. Cậu hăng say thi hành những công việc bác ái đến mức sẵn sàng phân phát cho người nghèo phần lương thực của mình.

Cậu muốn gia nhập cộng đoàn thánh Phao-lô của các anh em Ða Minh ở Co-đua, nhưng các vị bề trên đã từ chối vì mẹ cậu thuộc tầng lớp "buôn thúng bán bưng". May mắn thay ! cậu lại được tiếp nhận ở tu viện Ca-la Cơ-li gần Co-đua. Thế là thầy Phan Sinh được gửi lên miền Gia-en để theo học tại tu viện thánh Ca-ta-ri-na Nữ hoàng. Thầy tuyên khấn vào năm 1663 và ít lâu sau được lãnh tác vụ linh mục, cha được bổ nhiệm đến Ca-la Cơ-li. Từ đây, cha đã trở nên vị tông đồ bừng cháy lửa nhiệt tình theo gương thánh Vinh Sơn Phê-ri-ê và danh tiếng của cha lan rộng khắp nước Tây Ban Nha.

Vì động lòng thương những người nghèo, bệnh nhân và các tù nhân, cha thường chia sẻ cho họ quần áo, giày dép, thuốc men và tất cả những đồ dùng cá nhân. Cha có tài hùng biện nổi tiếng đến mức có thể chinh phục được thính giả, khiến cho những buổi diễn kịch nhảm nhí ở Co-đua đành phải tháo lui. Ðồng thời, nhờ biết luyện tập đức khiêm nhường, cha luôn cố gắng chu toàn những công việc hèn mọn nhất, vui tươi trước những lời chỉ trích và châm chọc của những kẻ muốn vu oan cáo vạ cho người và còn từ chối những chức vụ cao trọng anh em dành cho người như chức giám tỉnh và giám mục. Cha nói : "Thật vô lý khi thấy chiếc mũ giám mục lại đội trên đầu một người lớn lên giữa những giỏ trái cây..."

Cha đã viết một tiểu sử về thánh Ða Minh và một khảo luận chống lại phái Mô-li-nô và chủ nghĩa an tịnh. Người qua đời ngày 20-9-1713 ở tuổi 69, như người đã linh cảm và tiên báo trước.
Ðức thánh cha Pi-ô VII tôn phong người lên hàng chân phước năm 1818.

Lời nguyện : Lạy Chúa là Ðấng rất mực yêu thương, Chúa đã đổ tràn trên chân phước Phan Sinh vị ngọt ngào của lòng bác ái siêu nhiên và làm cho người trở nên nhà giảng thuyết Tin Mừng nổi tiếng. Nhờ lời người nguyện giúp cầu thay, xin ban cho chúng con luôn được sống trong tình yêu của Chúa. Chúng con cầu xin

Ngày 24 tháng 9
Chân phước ÐAN-MA-XÊ MÔ-NÊ-RI-Ô
Linh mục (1291-1341)

Tiểu sử
Người ta gọi chân phước Ðan-ma-xê là một "tu sĩ nói chuyện với thiên thần", và cũng ví người như một ngôi sao của tu viện Ri-dơ-côn nơi cha Xe-tin-la-dơ làm bề trên.

Chân phước Ðan-ma-xê là người Tây Ban Nha sống ở thế kỷ XIV, chính xác hơn là người xứ Ca-ta-lan, sinh trưởng tại vùng Gie-rôn, nơi có nhiều điền chủ giàu có. Sau khi người mất được 9 năm, tu sĩ Ni-cô-la Ai-me-ríc đã trích từ "Tài liệu về những thẩm phán tòa án dị giáo" để viết tiểu sử về người. Thế nhưng, dường như chân phước của chúng ta không có liên can gì đến công việc của những người chống lạc giáo. Thật vậy, ban đầu người theo học ở Gie-rôn, sau đó, song thân gởi người lên Môn-pơ-li-ê để tiếp tục công việc đèn sách. Trở về quê hương, người xin lãnh tu phục Dòng Ða Minh tại tu viện Gie-rôn lúc 23 tuổi. Người học triết trong hai năm, rồi sau đó miệt mài nghiên cứu thần học. Ðây chính là môn học người đã giảng dạy. Bỗng dưng người xin từ chối việc giảng dạy. Như thế, hẳn là người đã đi rao giảng Lời Chúa, nhưng không có một tài liệu nào cho biết chi tiết về công việc này của người.

Tu sĩ Ðan-ma-xê vốn là một người chiêm niệm và sống khắc khổ. Thật vậy, tu sĩ Ai-me-ríc đã không ngớt trình bày những giai thoại đề cao sự thánh thiện của người : "Tu sĩ Ðan-ma-xê rất dè dặt khi tiếp xúc với nữ giới, khi nói chuyện, người không dám "diện đối diện" với họ. Thực ra, cha Ðan-ma-xê là người có thân hình cao lớn, nước da rám nắng, đầu hói, ít trao đổi tiếp xúc, giọng nói rất cao, di chuyển chậm chạp. Cha thường dùng các thức ăn nguội lạnh và đã quá thời hạn, uống rượu pha loãng với nhiều nước. Vào mùa hè, cha uống nước và ăn trái cây suốt 15 đến 20 ngày ; vào mùa đông, cha gội đầu bằng nước đá. Ðôi khi cha ăn chay trong nhiều tháng đến mức không thể đứng vững được, khi ấy, bề trên buộc cha phải dùng mỗi ngày từ 3 đến 4 bữa.

Cha chỉ mặc những quần áo cũ, thật vậy, khi có được những bộ trang phục mới, cha lại nhường cho anh em sử dụng trước, rồi sau đó cha mới xin lại để dùng. Cha thường có thói quen mặc áo nhặm có ý khổ chế. Cha không có giường trong phòng riêng và bằng lòng ngủ trên chiếc ghế mà anh em thường ngồi đọc sách. Khi màn đêm buông xuống, cha thường than khóc, đấm ngực và cầu nguyện lâu giờ trong cung nguyện. Tuy nhiên, cha rất thích chiêm ngắm các vì sao, đó cũng là cách cha cảm nhận vẻ đẹp của Ðấng Tạo Hóa qua những tác phẩm của Người.

Cha hành hương đến vùng Xanh Bô-mê và muốn ở lại trong hang thánh Ma-ri-a Mác-đa-la. Nghe biết chuyện này, anh em mời cha trở về tu viện, cha xin đào một cái hang và ở trong đó suốt 4 năm, ngày ngày, cha chỉ gặp anh em tại nhà nguyện và nhà ăn. Một số người cho rằng, cha Ðan-ma-xê nói chuyện được với các thiên thần. Một ngày kia chính cha đã tiết lộ : "Những điều người ta nói về tôi hoàn toàn xác thực. Bởi lẽ trong những ngày ở Ma-ti-nê, tôi đã nói chuyện với các thiên thần khi hát rằng : Hỡi các thiên thần của Thiên Chúa, hãy chúc tụng Người !"

Cha qua đời trên một chiếc ghế nằm rất thô sơ và cũ kỹ vào ngày 24-9-1341, khi ấy cha được 50 tuổi. Ðức thánh cha In-nô-xen-tê XIII đã chuẩn y việc tôn kính người vào năm 1721.

Lời nguyện : Lạy Thiên Chúa là Ðấng rất mực trung tín, Chúa đã đổ tràn trên tôi tớ khiêm hạ của Chúa là chân phước Ðan-ma-xê ân sủng cầu nguyện, rao giảng và đối thoại thiêng liêng với Chúa trong thinh lặng. Xin giúp chúng con khi hết lòng gắn bó với Chúa trong mọi hoàn cảnh, thì chúng con nhận ra sự hiện diện của Chúa và vững bước theo Ngài. Chúng con cầu xin

Ngày 28 tháng 9
Chân phước Lô-ren-xô Ri-páp-ra-ta
Linh mục (1359-1457)

Tiểu sử
Chân phước Lô-ren-xô là một trong những nhà cải cách sáng giá trong cuộc tái thiết Dòng ở thế kỉ XIV, khi cuộc Ðại Ly giáo và "cơn dịch đen" tàn phá toàn bộ Dòng và gần như xóa sổ các tu viện. Chỉ một số ít người sống sót nhưng mang tâm trạng chán nản và buông xuôi.

Cậu Lô-ren-xô chào đời tại lâu đài Ri-páp-ra-ta dưới chân núi Pi-xa vào năm 1359. Cậu theo học ở Pi-xa. Năm 20 tuổi cậu lãnh tu phục Dòng Ða Minh và được thừa hưởng tinh thần của một nhà cải cách vĩ đại của Dòng đó là chân phước Gio-an Ða Minh.

Thánh Ca-ta-ri-na Xi-ê-na là người đã gieo mầm cho công cuộc cải tổ ; theo đó, chân phước Rây-mun-đô Ca-pua, vừa là bạn thân, vừa là người viết tiểu sử về thánh nữ, khi trở thành bề trên tổng quyền đã tiếp ứng và duy trì cuộc cải cách này. Về phía các nữ tu, chân phước Cơ-la-ra Gam-ba-co-ta người Pi-xa, đã hăng say hưởng ứng cuộc cải tổ này. Còn đối với các nam tu sĩ, chân phước Gio-an Ða Minh và Lô-ren-xô đóng vai trò xuất sắc trong việc này. Thật vậy, cha Gio-an Ða Minh đã giao cho tu sĩ Lô-ren-xô nhiệm vụ huấn luyện các tập sinh ở Co-tôn. Tại đây vào năm 1405, cha Lô-ren-xô làm giám sư tập sinh. Trước tiên, cha là vị giáo tập của thánh An-tô-ni-nô, thứ đến là chân phước Phê-rô Ti-phe-nơ. Rồi vào năm 1407, cha là giáo tập của tu sĩ An-giê-li-cô và Bê-nê-đét-tô là hai danh họa người Mu-gie-lô đã bị thánh Ða Minh chinh phục.

Vốn là một giám sư tập sinh nghiêm cẩn, người biết thắp lên ngọn lửa nhiệt tình trong tâm hồn của mỗi tập sinh, với lòng kiên nhẫn cha dần dần uốn nắn tâm tư của họ. Cha có biệt tài định hướng ơn gọi chuyên môn cho mỗi tập sinh và phát triển năng khiếu tự nhiên của họ. Cha hướng dẫn tu sĩ Phê-rô theo con đường chiêm niệm, tu sĩ An-tô-ni-nô theo đường học vấn, tu sĩ An-giê-li-cô và Bê-nê-đét-tô theo hướng phát triển tài năng hội họa.

Cha đã ân cần nhủ bảo họ : "Các con rất yêu quí, Thiên Chúa đã không cho các con khả năng về khoa học, các con hãy theo đuổi sự nghiệp hội họa, các con sẽ không bao giờ thua kém những nhà giảng thuyết chân lý. Bởi vì chúng ta không chỉ dùng lời để thuyết phục người ta yêu mến Chúa, nhưng còn bởi gương lành và bởi các loại hình nghệ thuật - một phương cách tuyệt vời để diễn giải tư tưởng của con người. Trong số các loại hình nghệ thuật thì âm nhạc và hội họa giữ vị trí hàng đầu. Chắc chắn, có một số lớn những tội nhân mà tài năng hùng biện của các anh em chúng con không thể lay động tâm hồn họ được, thì họ lại thú nhận là đã bị cảm hóa khi chiêm ngưỡng những bức họa của các con. Các con có lợi thế hơn những anh em khác : "Trong khi lời nói không thể vang vọng đến những người sống ở những vùng xa xôi hẻo lánh và miệng lưỡi của các nhà hùng biện lẫy lừng nhất cũng không thể vọng lên từ các nấm mồ, thì những kiệt tác thiên tài lại mang những giá vĩnh hằng ; chúng sẽ trường tồn như những nhà giảng thuyết có uy tín cả về đạo lý lẫn nhân đức."

Chính cha đã rao giảng trong vùng và thánh An-tô-ni-nô đã lưu giữ lời cha với lòng hâm mộ sống động. Năm 1443, cha được đặt làm Tổng đại diện đứng đầu hiệp hội cải cách do thánh Gio-an Ða Minh thiết lập. Tu viện đầu tiên được cải tổ là Phi-ê-xôn. Cha Lô-ren-xô đã cư ngụ ở Pít-tô-gia, rồi hăng say trong sứ vụ giảng thuyết ; người ta nói về cha rằng : đó là một nhà giảng thuyết "non curiosus, sed utilis et copiosus" - "không nhằm thoả mãn tính hiếu kỳ của thính giả, nhưng nhắm đến hiệu quả và khả năng thuyết phục". Khi trở thành tổng giám mục Phi-ren-xê, trong tinh thần khiêm nhường, thánh An-tô-ni-nô đã phải nhờ đến sự khôn ngoan và thông tuệ của cha Lô-ren-xô trong việc điều hành giáo phận.

Ðược biết cha Lô-ren-xô đã an nghỉ trong Chúa năm 1457, hưởng thọ 98 tuổi. Cha được đức giáo hoàng Pi-ô IX tôn phong chân phước năm 1851.

Lời nguyện : Lạy Thiên Chúa là nguồn mạch khôn ngoan, Chúa đã ban cho chân phước Lô-ren-sô ơn khôn ngoan và sự nhiệt tâm để giúp anh em của người nhận ra ơn gọi của mình. Nhờ lời người chuyển cầu, xin cho chúng con luôn biết chân thành tìm kiếm và can đảm thực thi ý Chúa, ngõ hầu chúng con được đổi mới nhờ ánh sáng Thánh Linh soi dẫn. Chúng con cầu xin

Ngày 28 tháng 9
THÁNH ÐA MINH I-BA-NHÊ Ê-QUI-XI-A,
GIA-CÔ-BÊ KI-U-XÊ-I TÔ-MÔ-NA-GA, linh mục,
LÔ-REN-XÔ RU-I, giáo dân
, và 13 anh em tử đạo
Lễ nhớ

Tiểu sử
Ðoàn chứng nhân gồm 16 vị này đã lãnh phúc tử đạo vào các năm 1633, 1634, 1637, góp phần xây dựng Hội Thánh ở Na-ga-xa-ki. Các vị gồm đủ thành phần tác vụ ; có hoặc không có chức thánh. Các vị chịu chết bằng nhiều cực hình rất kinh khủng : bị kẹp cổ treo trên thập giá hay bị chôn sống, xác bị thiêu đốt, hài cốt bị vứt bỏ tứ tán.

Các vị tử đạo này gồm 9 người Nhật Bản, 4 người Tây Ban Nha, 1 người Pháp, và 1 người Ý. Cha Ða Minh I-ba-nhê Ê-qui-xi-a, người được phúc tử đạo đầu tiên vào ngày 14-8-1633. Ông Lô-ren-xô Ru-i, quê tại Ma-ni-la, một giáo dân có gia đình, vị tử đạo tiên khởi của Hội Thánh Phi-líp-pin, chịu chết ngày 29-9-1637. Thuộc Gia đình Ða Minh có 13 vị, 3 vị khác có liên hệ với Dòng.

Ðức Gio-an Phao-lô II đã long trọng suy tôn các vị lên bậc hiển thánh ngày 18-10-1987.

Lời nguyện : Lạy Thiên Chúa toàn năng, Chúa đã hứa ban nước trời cho những người chịu bách hại vì lẽ công chính. Xin ban cho chúng con lòng can đảm bất khuất của các thánh tử đạo, để chúng con luôn trung tín phụng sự Chúa và hết lòng phục vụ anh em. Chúng con cầu xin