Thiêng liêng bình thường

 

Ngòi bút thiêng liêng, Tom Stella, đã kể câu chuyện về ba tu sĩ cầu nguyện trong nhà nguyện tu viện. Tu sĩ thứ nhất hình dung mình đang được các thiên thần đưa lên thiên đàng.  Tu sĩ thứ hai hình dung mình đã ở trên thiên đàng, cùng với thiên thần và các thánh hát ca chúc tụng Chúa. Tu sĩ thứ ba không thể tập trung vào bất kỳ suy nghĩ thánh thiện nào, mà chỉ có thể nghĩ về chiếc bánh hamburger khổng lồ vừa ăn trước khi vào nhà nguyện. Đêm đó, khi ma quỷ viết bản báo cáo trong ngày, hắn viết: “Hôm nay, ta cố gắng cám dỗ ba tu sĩ, nhưng chỉ thành công với hai người.”

Chiều sâu của câu chuyện này còn hơn những gì bạn thoáng thấy.  Tôi ước giá vài năm về trước tôi hiểu được cả vai trò của các thiên thần lẫn chiếc hamburger trong cuộc hành trình thiêng liêng của chúng ta.  Bạn thấy đó, đã nhiều năm qua, tôi chỉ xác định cuộc đi tìm con đường thiêng liêng bằng những suy tư, cầu nguyện, và hành động theo lòng đạo.  Nếu tôi ở trong nhà thờ là tôi hướng về sự thiêng liêng, còn nếu tôi ăn một bữa ngon với bạn bè, tôi chỉ đơn thuần là con người.  Nếu tôi cầu nguyện và có thể tập trung suy nghĩ và cảm nhận về một sự gì đó thánh thiện, thì tôi cảm thấy như mình đang cầu nguyện rất sốt sắng đạo hạnh.  Còn nếu như tôi bị phân tâm, mệt mỏi, hay quá buồn ngủ không thể tập trung được, thì hẳn giờ cầu nguyện của tôi chẳng ra gì.  Khi tôi làm đúng những chuyện đạo hạnh hay có những quyết định mang tính đạo đức rõ ràng, thì tôi thấy mình đạo hạnh, còn những chuyện khác với tôi chỉ đơn thuần là chuyện của con người.

Dù tôi không quá tiêu cực về những chuyện đời này, nhưng những chuyện tốt đẹp của tạo hóa (của sự sống, của gia đình và tình thân, của thân xác, của tính dục, của thức ăn thức uống) lại không bao giờ được xem là thiêng liêng, đạo hạnh.  Trong trí tôi, có một sự phân biệt rõ ràng giữa trời và đất, thiêng liêng và phàm tục, thần thiêng và con người, giữa linh thiêng và thế gian.  Điều này đặc biệt đúng với những khía cạnh trần thế hơn của cuộc đời, cụ thể là thức ăn thức uống, tình dục, và những thú vui thể xác.  Xét tốt nhất, đây là những thứ làm xao nhãng chuyện thiêng liêng, còn xét tệ nhất, chúng là những cám dỗ ngáng chân tôi, ngăn cản tôi trên đường thiêng liêng.

Nhưng, khi vấp chân đủ, cuối cùng chúng ta học được rằng: Tôi đã cố gắng sống như hai tu sĩ đầu, với tâm trí hướng về những sự thiêng liêng, nhưng tu sĩ thứ ba lại ngáng chân tôi.  Khi tôi ở trong nhà thờ hay lúc cầu nguyện đang tập trung tâm trí và tâm hồn hướng về những chuyện thiêng liêng, tôi lại không ngừng thấy mình bị công kích bởi những thứ mà tôi xem là chẳng liên quan gì đến nhà thờ, như nhớ lại những buổi hội hè với bạn bè, những lo lắng về mối quan hệ, lo lắng về những công việc còn dở dang, suy nghĩ về đội bóng yêu thích, nghĩ về những bữa ăn thịnh soạn, về thịt bò và rượu, mà ngoại đạo nhất là nghĩ về những khoái lạc tình dục dường như quá sức đối chọi với những gì là thiêng liêng.

Tôi phải mất nhiều năm và nhờ nhiều linh hướng để học được rằng nhiều căng thẳng này chính là xác nhận một sự hiểu biết nghèo nàn và sai lầm về sự thiêng liêng Kitô và về những động năng thực sự của cầu nguyện.

Hiểu biết sai lầm thứ nhất là hiểu nhầm về ý định và kế hoạch của Thiên Chúa trong chúng ta.  Thiên Chúa không dựng nên bản tính của chúng ta theo theo kiểu một đường thẳng băng, nghĩa là chúng ta mê nhục dục và quá bám rễ vào những sự đời này, rồi đòi chúng ta phải sống như thể không phải là xác phàm, như thể những chuyện tốt đẹp của đời này chỉ là giả mạo là chướng ngại cho ơn cứu độ, là chống lại việc dự phần vào ơn cứu độ.   Hơn nữa, sự nhập thể, mầu nhiệm Thiên Chúa thành xác phàm, dạy cho tôi rành rành rằng chúng ta tìm thấy ơn cứu độ không phải chỉ bằng cách thoát khỏi thân xác và những sự đời này, nhưng bằng cách đi vào chúng sao cho đúng đắn hơn và thâm sâu hơn.  Chúa Giêsu khẳng định thân xác sẽ sống lại, chứ không phải là linh hồn thoát ly.

Hiểu nhầm thứ hai là về các động năng của cầu nguyện.  Trong những giai đoạn ban đầu, cầu nguyện là tập trung vào những gì thiêng liêng, vào cuộc đối thoại với Chúa, vào việc cố gắng trong một khoảng thời gian, gạt qua một bên những sự thuộc đời này để đi vào vùng thiêng liêng.  Nhưng đây là giai đoạn đầu của cầu nguyện.  Đến tận cùng, khi cầu nguyện được đào sâu và trưởng thành, thì những chuyện tưởng như quan trọng bắt đầu diễn ra ẩn dưới vẻ bên ngoài, và ngồi trong nhà nguyện với Chúa không phải như ngồi lại với một ai đó mà bạn thường ngồi nói chuyện.  Nếu bạn gặp ai đó mỗi ngày, thì không phải ngày nào bạn cũng có những cuộc nói chuyện thâm sâu và hăng hái, hầu như bạn sẽ chỉ nói về những chuyện trong ngày, những bận tâm cho gia đình, thời tiết, thể thao, chính trị, những chương trình tivi mới nhất, và đủ thứ khác, và rồi thỉnh thoảng bạn còn nhìn đồng hồ nữa.  Mối liên hệ của chúng ta với Chúa cũng như thế.  Nếu bạn cầu nguyện đều đặn mỗi ngày, bạn không buộc phải dằn vặt về chuyện phải tập trung và giữ cuộc nói chuyện với Chúa chỉ hướng về những gì thâm sâu và thiêng liêng.  Bạn chỉ cần ở đó, thoải mái vì được ở với một người bạn.  Những điều thâm sâu diễn ra phía dưới bề mặt.

Rev. Ron Rolheiser, OMI

 

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *