Chủ sự Thánh lễ thứ tư trong chín ngày cầu nguyện (Novemdiales) tưởng niệm Đức Thánh Cha Phanxicô tại Đền thờ Thánh Phêrô, Đức Hồng y Mauro Gambetti nhắc nhở các tín hữu rằng họ được mời gọi nhìn thấy Thiên Chúa nơi mọi người, như vị Giáo hoàng quá cố đã từng sống.
Trong bài giảng tại Thánh lễ Novemdiales lần thứ tư được cử hành tại Đền thờ Thánh Phêrô, Đức Hồng y Mauro Gambetti đã suy niệm về đoạn Tin Mừng theo Thánh Mátthêu nói đến cuộc Phán xét chung, khi toàn thể nhân loại được quy tụ trước mặt Đức Kitô – Con Người.
Một số người, theo lời Tin Mừng, sẽ được vào hưởng niềm vui Nước Trời. Những người khác sẽ thấy mình bị cô lập – ở ngoài tình yêu, ở ngoài Thiên Chúa. “Bị loại ra khỏi Nước Trời,” Đức Hồng y nói, “họ sống trong cô đơn tuyệt vọng của tâm hồn mình.”
Tin Mừng nói đến hình ảnh quen thuộc: chiên và dê. Nhưng Đức Hồng y Gambetti mời gọi cộng đoàn đi sâu hơn. Chiên, ngài giải thích, là hình ảnh của sự trung tín và hiền lành, biết chăm sóc những con yếu đuối nhất trong đàn. Ngược lại, dê là loài độc lập và kiêu căng, thường chỉ quan tâm đến bản thân. “Chúng ta đang thể hiện lối sống nào?” ngài hỏi, “cả trong tư cách cá nhân và tư cách cơ chế?”
Ngài nhắc rằng thuộc về Nước Trời không hệ tại ở việc biết mọi câu trả lời hay thực hiện mọi việc đúng đắn. Trong Tin Mừng, những người được vào Nước Trời đã hỏi: “Lạy Chúa, có bao giờ chúng con thấy Chúa đâu?” Từ “thấy” trong tiếng Hy Lạp là oráo không chỉ đơn giản là nhìn, mà còn là hiểu biết sâu xa, là nhận ra. Sứ điệp thật rõ ràng: chúng ta gặp Đức Kitô khi chúng ta gặp gỡ tha nhân, đặc biệt là những người yếu thế, bằng lòng trắc ẩn.
“Ngôi Lời đã làm người,” Đức Hồng y tiếp tục, trích lời nhà thần học Elia Citterio, “để ai chạm đến con người là chạm đến Thiên Chúa, ai tôn trọng con người là tôn trọng Thiên Chúa, ai khinh thường con người là khinh thường Thiên Chúa.”
Đó chính là cốt lõi của Tin Mừng. Đó là trung tâm của Giáo hội. Và cũng chính là nét nhân tính mà Đức Hồng y Gambetti nhìn thấy nơi Đức Thánh Cha Phanxicô. Ngài nhắc lại những lời từ biệt Đức Giáo hoàng của nhà văn Edith Bruck, người đã mô tả ngài là “một con người biết yêu thương, biết xúc động, đã khóc, đã cầu nguyện cho hòa bình… nhân tính của ngài thật lan tỏa, làm mềm cả những khối đá.”
Khi Giáo hội hiệp thông cầu nguyện cho Đức Thánh Cha và bước đi trong những ngày tang lễ này, Đức Hồng y Gambetti nhắc lại: “Nhân tính Kitô giáo” phải là trung tâm của sứ mạng Giáo hội. “Mọi người, mọi người, mọi người đều được mời gọi sống trong Giáo hội,” Đức Giáo hoàng Phanxicô từng nói – những lời giờ đây càng vang vọng mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
Trong bài đọc thứ nhất, cuộc gặp gỡ giữa thánh Phêrô và ông Cornêliô là một mẫu gương: sống cởi mở, tin tưởng và can đảm loan báo Tin Mừng qua tương quan, chứ không phải qua sợ hãi.
Cuối cùng, Đức Hồng y nhắc rằng trong ngày lễ Thánh Catarina thành Siena – vị thánh với tình yêu mạnh mẽ dành cho Đức Kitô không biên giới – Giáo hội được kêu gọi bước đi gần gũi với nhân loại, bởi vì chính Thiên Chúa đã chọn làm như thế.
https://www.vaticannews.va/en/vatican-city/news/2025-04/cardinal-gambetti-at-novemdiales-mass.html