Những ngày cuối hạ đang dần trôi, mấy chùm phượng vĩ chậm chân, rớt lại sau cùng, đã lặng lẽ tắt lửa. Đám bằng lăng cũng đang trút những cánh tím thủy chung cuối cùng, rơi lả tả trong chiều hoàng hôn. Dòng kênh nhỏ nước chảy lững lờ, mấy con đò nhỏ neo hờ hững, dập dềnh bên những chiếc vó bè cao lênh khênh. Khói lam lan tỏa bên lũy tre, vấn vương mùi cơm thơm nồng đượm. Ôi! cảnh quê, mùi quê, mộc mạc quá mà chan chứa hồn… “ai”.
Làng quê có những chiều tàn
Đò neo bến vắng, gió đàn rặng tre
Kênh xanh kẽo kẹt vó bè
Quê hương yêu dấu, thoáng nghe bồi hồi.
Đang miên man dìm mình trong tình quê lai láng, bỗng chuông điện thoại reo vang: “Chị ơi! Huynh đoàn mình sắp tách ra làm ba, tháng 7 này là tháng bác ái Đa Minh cuối cùng của Huynh đoàn mẹ, tối nay mình họp, để ngày mai triển khai chị nhé!” Tách ra làm ba ư? Chị bỗng thoáng xao lòng, dù vẫn biết rằng nếu tách ra thì hội viên đi sinh hoạt tiện lợi hơn, nhất là những anh chị lớn tuổi, rồi khi trở thành các Huynh đoàn mới, sẽ tự lập và trưởng thành hơn.
Nhưng dù sao cũng gắn bó với nhau gần chục năm, buồn vui, công việc, của Huynh đoàn cũng như trong cuộc sống gia đình, đều sẻ chia với nhau, bàn bạc, đóng góp ý kiến cho nhau, giờ tách ra cứ thấy nao nao. Nhớ lại cách đây hơn chục năm, khi Huynh đoàn chị ngày ấy chỉ là một chi, sinh hoạt ở một Huynh đoàn cách xa 5 cây số, chi của chị ngày ấy chỉ có vài chục hội viên.
Vậy mà sau khi tách ra, giờ đây Huynh đoàn chị đã có tới 163 hội viên. Vậy mà bây giờ, nghe nói tách ra, vui còn chẳng hết, sao lại buồn? đúng là đồ… “ích kỷ”. Tự trách mình xong, chị đến nhà anh Trưởng, cùng Ban Phục vụ bàn bạc về việc đi thăm hỏi các anh chị yếu đau, hoàn cảnh khó khăn và một số ân nhân trong giáo xứ. Mọi người cùng nhau nhìn lại trong cả một quá trình trưởng thành, Huynh đoàn đã cộng tác với Cha xứ, với ban hành giáo và các hội đoàn khác, tô đậm thêm những nét son truyền thống của giáo xứ. Xong công việc, ra về, chị thấy tin yêu cuộc sống hơn, dù bao khó khăn vẫn giăng đầy muôn lối, nhưng còn gì vui hơn, ý nghĩa hơn, khi: “Người với người sống để yêu nhau”.
Trưa hôm sau, chị cùng với Ban Phục vụ đi đến từng gia đình, thăm hỏi, động viên. Mỗi gia đình một hoàn cảnh, mỗi người mang một bệnh khác nhau, nhưng tất cả đều xúc động khi thấy Ban Phục vụ đến thăm, dù vật chất chẳng đáng là bao, nhưng tình cảm trao nhau thì tràn đầy lai láng. Thế mới biết, niềm vui của kẻ trao, người nhận, đâu phải ở những món quà cao sang, đắt tiền, mà là tình người, tình huynh đệ trong thánh phụ Đa Minh. Trên đường về, qua đền Đức Mẹ, chị ghé vào cầu nguyện cho mọi người mà chị cùng Ban Phục vụ vừa đến thăm. Tạ ơn Chúa đã dẫn dắt Ban Phục vụ, đã và đang thực thi giới răn của Chúa là: “yêu thương nhau”.
Chị về đến nhà trời đã xế chiều, lại một buổi hoàng hôn đang về, chị yêu lắm những buổi chiều tím thôn quê, dù hôm nay trong lòng đang trĩu nặng mối thương cảm với những cảnh đời mà chị vừa ghé thăm. Nhưng, tạ ơn Chúa! cuộc sống và những con người quê, cảnh quê, vẫn đẹp biết bao! những bầy cò đang sải cánh tìm về tổ ấm, sau một ngày dài mưu sinh, bóng trắng thấp thoáng trong dáng chiều lam tím. Đầu ngõ, lá vàng rơi lác đác, hòa lẫn tiếng chuông chiều linh thiêng mà gần gũi.
Làng quê có những chiều buồn
Ghé thăm huynh đệ, tâm hồn cô liêu
Nhưng làng quê đẹp bao nhiêu
Lá vàng rơi dưới nắng chiều chuông ngân
Quê hương hai tiếng trong ngần
Yêu nhau gạn bỏ: bụi trần vấn vương
Để tình huynh đệ như gương
Sáng trong chiều tím quê hương đậm đà.
Mờ-inh