1. Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ ra tuyên bố khen ngợi Tổng thống Trump vì các chính sách phò sinh
Hôm thứ Năm 20 tháng 8, Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ đã lên tiếng ca ngợi những nỗ lực của chính quyền Trump trong việc gắn viện trợ của Hoa Kỳ với chính sách hỗ trợ sự sống. Tuyên bố của các Giám Mục Mỹ được đưa ra sau khi một báo cáo được công bố cho thấy sự tuân thủ rộng rãi của các nước và các tổ chức nhận viện trợ đối với chính sách Bảo Vệ Sự Sống Trong Hỗ Trợ Y Tế Toàn Cầu.
Chính sách Bảo Vệ Sự Sống Trong Hỗ Trợ Y Tế Toàn Cầu là phiên bản mở rộng của Chính sách Thành phố Mexico, cấm sử dụng tài trợ liên bang của Hoa Kỳ cho các tổ chức phi chính phủ nước ngoài quảng bá phá thai thông qua các hình thức tư vấn, giới thiệu hoặc qua những hoạt động nhằm mở rộng khả năng tiếp cận và hợp pháp hóa hoạt động phá thai.
Lên tiếng nhân danh các Giám Mục Hoa Kỳ, Đức Tổng Giám Mục Joseph F. Naumann của tổng giáo phận Kansas City, chủ tịch Ủy Ban Về Các Hoạt Động Phò Sinh của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, đã cảm ơn và ca ngợi Chính quyền Trump sau khi bản báo cáo thứ hai được công bố cho thấy việc thực hiện thành công Chính sách Thành phố Mexico mở rộng được đổi tên một cách đầy ý nghĩa thành chính sách “Bảo Vệ Sự Sống Trong Hỗ Trợ Y Tế Toàn Cầu”. Báo cáo cho thấy đại đa số các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, cụ thể là 1, 285 trong số 1, 340 — đã tuân thủ chính sách này với mức độ gián đoạn tối thiểu các dịch vụ y tế và không bị cắt giảm kinh phí.
Dưới đây là toàn văn tuyên bố của Đức Tổng Giám Mục Joseph F. Naumann:
“Chính quyền Trump đáng được chúng tôi khen ngợi vì đã bảo đảm rằng nguồn tài trợ nhằm hỗ trợ y tế toàn cầu của Hoa Kỳ thực sự thúc đẩy sức khỏe và nhân quyền, và không làm suy yếu chúng bằng cách thúc đẩy phá thai.
Giết những đứa trẻ vô tội và không có khả năng tự vệ qua việc phá thai không phải là chăm sóc sức khỏe. Phá thai vi phạm quyền con người cơ bản nhất của thai nhi, là quyền được sống, và nó cũng có thể gây tổn thương cho người mẹ về mặt tinh thần và thể chất.
Người Mỹ nhận ra sự bất công này và tuyệt đại đa số họ phản đối việc trao tiền thuế cho các tổ chức cam kết thúc đẩy phá thai hơn là cung cấp các dịch vụ y tế”.
Theo báo cáo, trong hầu hết các trường hợp mà đối tác từ chối tuân thủ chính sách này, một nhà cung cấp dịch vụ y tế khác đã được tìm thấy. Các chính phủ hoặc các nhà tài trợ nước ngoài đã can thiệp để lấp đầy khoảng trống chăm sóc sức khỏe.
Chính sách Thành phố Mexico được thiết lập bởi chính quyền Reagan và cấm tài trợ cho các tổ chức phi chính phủ nước ngoài cung cấp hoặc quảng bá phá thai. Các chính quyền do đảng Dân Chủ lãnh đạo là Clinton và Obama đã hủy bỏ chính sách này, trong khi chính quyền của đảng Cộng Hòa là George W. Bush và Donald Trump khôi phục chính sách.
Năm 1973, đứng trước quyết định cho phép phá thai của Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ, Thượng nghị sĩ Jesse Helms của đảng Cộng Hòa đơn vị North Carolina đề nghị tu chính án Helms cấm Hoa Kỳ hỗ trợ trực tiếp trong việc chi trả cho các hoạt động phá thai. Tuy nhiên, các nhóm phò phá thai ở nước ngoài tinh ranh dùng tiền viện trợ của Mỹ để thanh toán cho các chi phí khác, trong khi tập trung các nguồn lực sẵn có vào các hoạt động liên quan đến phá thai. Chính vì thế mới phải có chính sách Thành phố Mexico.
Chính sách Thành phố Mexico được khởi xướng vào năm 1984 bởi Tổng thống Reagan, như một bổ sung cho tu chính án Helms, nghiêm cấm việc cung cấp viện trợ cho bất cứ tổ chức nào có liên quan đến phá thai. Chính sách này vẫn có hiệu lực dưới thời Tổng thống Bush (ông Bush cha). Năm 1993, Clinton hủy bỏ chính sách này. Đến năm 2001, cựu Tổng thống George W. Bush đã tái lập hiệu lực của chính sách này đến khi nhiệm kỳ tổng thống của ông kết thúc vào năm 2009. Sau đó, khi Obama lên cầm quyền, lệnh này một lần nữa bị hủy bỏ cho đến năm 2017. Vào ngày 23 tháng Giêng năm 2017, Tổng thống Donald Trump, đã ký một lệnh hành pháp tái lập chính sách này một lần nữa.
Chính quyền Trump đã mở rộng chính sách này đối với hơn 8 tỷ đô la hỗ trợ y tế toàn cầu tại tất cả các cơ quan liên bang, trong khi trước đây chính sách Thành phố Mexico chỉ áp dụng trên 600 triệu đô la hỗ trợ kế hoạch hóa gia đình của USAID.
Trong cuốn “Christ’s New Homeland- Africa” nghĩa là “Phi Châu – Quê Hương Mới của Chúa Kitô” được phát hành ngay trước cuộc họp tháng Mười năm 2015 của Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới, mười nhà lãnh đạo Công Giáo Phi Châu đã lên tiếng báo động về điều các ngài gọi là một thứ “chủ nghĩa thực dân mới” được Hoa Kỳ và các nước phương Tây khác tiến hành tại Phi Châu. Các nước này bị cáo buộc dùng các khoản viện trợ như một áp lực buộc các quốc gia Phi Châu phải chấp nhận các “giá trị” như quyền phá thai của phụ nữ.
Tình hình đã trở nên sáng sủa hơn trong gần 4 năm cầm quyền vừa qua của Tổng thống Trump.
Trong cuộc vận động tranh cử hiện nay, Biden và Harris thề sẽ hủy bỏ cả chính sách Bảo Vệ Sự Sống Trong Hỗ Trợ Y Tế Toàn Cầu của Tổng thống Trump lẫn chính sách Thành phố Mexico của chính quyền Reagan ngay sau khi đắc cử.
Phản ứng lại lập trường của ông Joe Biden, Đức Cha Thomas Tobin, Giám mục Giáo phận Providence viết trên Twitter rằng:
“Biden-Harris. Lần đầu tiên trong một thời gian mà chiếc vé của đảng Dân chủ không có người Công Giáo nào trên đó. Buồn.” Đức Cha Tobin đã tweet như trên hôm 12 tháng 8.
Cố nhiên, Đức Cha Tobin biết ông Joe Biden đã được rửa tội trong Giáo Hội Công Giáo. Tuy nhiên, việc ông ta đã chủ sự một đám cưới đồng giới, và sự ủng hộ ngày càng tăng của ông ta đối với việc phá thai cho thấy ông ta đã công khai chống lại các giáo huấn của Giáo Hội, ông ta tự tách mình ra khỏi tình hiệp thông với Giáo Hội. Vì thế, Đức Cha mới nói là ngài không thấy người Công Giáo nào trong cái liên danh này.
Source:USCCB
2. Nhà thờ chính tòa Cincinnati được nâng lên thành Tiểu Vương Cung Thánh Đường
Tổng giáo phận Cincinnati vừa thông báo rằng Đức Thánh Cha Phanxicô đã trao tước hiệu Tiểu Vương Cung Thánh Đường cho Nhà thờ St. Peter in Chains, nghĩa là Thánh Phêrô bị xiềng xích. Nhà thờ chính tòa này sẽ kỷ niệm 175 năm thành lập vào mùa thu năm nay.
St. Peter in Chains là nhà thờ lâu đời nhất được xây dựng như một nhà thờ chính tòa mà ngày nay vẫn còn được sử dụng ở Hoa Kỳ.
“Đối với tất cả chúng ta, những người đang sống và thờ phượng trong tổng giáo phận này, đây là một phước lành và vinh dự lớn lao đã được ban cho nhà thờ chính tòa của chúng ta, ” Đức Tổng Giám Mục Dennis Schnurr của Cincinnati, đã đưa ra nhận định trên khi thông báo về việc chỉ định này trong một thánh lễ hôm thứ Bảy.
“Hôm nay khi mừng Lễ Đức Mẹ Lên Trời, chúng ta hãy cầu nguyện cho nhà thờ chính tòa của Tổng giáo phận Cincinnati, các giáo sĩ và tín hữu của Mẹ, cùng với tất cả người dân của thành phố vĩ đại này, có thể được hưởng các ơn phúc từ phước lành này và tạ ơn vì tất cả những gì Chúa đã mang lại cho chúng ta.”
Danh hiệu Tiểu Vương Cung Thánh Đường, tiếng Anh là Minor Basilica, là một vinh dự được Đức Giáo Hoàng ban tặng để ghi nhận một nhà thờ có “tầm quan trọng đặc biệt đối với đời sống phụng vụ và mục vụ, ” và biểu thị một “mối liên hệ đặc biệt” với Rôma và Đức Giáo Hoàng. Việc xét duyệt tuân theo theo các tiêu chuẩn nghiêm nhặt được quy định trong Tài liệu Domus Ecclesiae của Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích được ban hành năm 1989.
Tại Hoa Kỳ, hiện có 89 Tiểu Vương Cung Thánh Đường. Khoảng 1, 700 nhà thờ trên thế giới được chỉ định là Tiểu Vương Cung Thánh Đường. Giáo Hội Hoàn Vũ có bốn Đại Vương Cung Thánh Đường, tất cả đều nằm ở Rôma.
Nhà thờ St. Peter in Chains được xây dựng vào ngày 2 tháng 11 năm 1845. Đây là công trình kiến trúc cao nhất thành phố này trong nhiều năm. Bên trong được trưng bày một bức tranh khảm lớn cho thấy những cảnh trong cuộc đời của Thánh Phêrô. Theo tổng giáo phận, những ảnh tượng trong ngôi nhà thờ này chịu ảnh hưởng nghệ thuật của các phong cách Art Deco, Hy Lạp cổ đại, Chính Thống Giáo Đông phương và Công Giáo La Mã thời sơ khai. Tòa nhà đã trải qua một cuộc đại trùng tu vào những năm 1950.
Trước đại dịch coronavirus, St. Peter in Chains đã tổ chức hơn 1, 000 thánh lễ mỗi năm và là một địa điểm hành hương nổi tiếng.
Nhà thờ chính tòa Cincinati đã nộp đơn lên Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích vào năm 2018. Các điều kiện để có được danh hiệu này bao gồm địa vị của nhà thờ là “một trung tâm phụng vụ và mục vụ tích cực; nổi tiếng trong toàn giáo phận; vá có giá trị lịch sử hoặc tầm quan trọng cũng như có giá trị nghệ thuật.”
Tổng giáo phận thông báo rằng một Thánh lễ Tạ ơn sẽ được tổ chức vào ngày 7 tháng 11 tại nhà thờ chính tòa nhân kỷ niệm 175 năm ngày cung hiến.
Thống đốc Ohio Mike DeWine và Thị trưởng Cincinnati John Cranley đã gửi lời chúc mừng đến cộng đồng Công Giáo nhân dịp này.
“Giáo Hội Công Giáo và số lượng lớn người Công Giáo trong khu vực của chúng ta đã giúp làm cho khu vực Greater Cincinnati trở thành nơi tuyệt vời để sinh sống, làm việc, vui chơi và cầu nguyện, ” Thị trưởng Cranley, người đã tham dự Thánh lễ cho biết khi thông báo được đưa ra.
“Từ việc bắt đầu xây dựng các bệnh viện lớn chăm sóc người bệnh, giúp đỡ người đói và người nghèo, đến việc giáo dục các thế hệ người Công Giáo vươn lên thoát nghèo và đạt đến đỉnh cao của vai trò lãnh đạo công dân và kinh doanh, Giáo Hội Công Giáo đã mang lại cuộc sống, minh chứng cho niềm tin cốt lõi của mình, và Vương Cung Thánh Đường này đã trở thành hiện thân tuyệt đẹp – một loại Tượng Nữ thần Tự do – cho những công trình tốt đẹp này và là lời nhắc nhở mãi mãi cho những người Cincinnati Công Giáo rằng họ có một ngôi nhà tinh thần đáng tự hào.”
Source:Catholic News Agency
3. Đức Thánh Cha kêu gọi công lý và quyền công dân phải được tôn trọng tại Belarus
Hôm Chúa Nhật, Đức Thánh Cha Phanxicô đã lên tiếng kêu gọi công lý và quyền công dân phải được tôn trọng ở Belarus, nơi hàng chục nghìn người đã xuống đường kêu gọi Tổng thống Alexander Lukashenko từ chức sau cuộc bầu cử tổng thống đầy gian lận.
“Tôi kêu gọi đối thoại, từ bỏ bạo lực và tôn trọng công lý cũng như các quyền công dân, ” Đức Thánh Cha nói trong trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật, được phát từ ban công phòng làm việc của ngài ở quảng trường Thánh Phêrô.
Đức Thánh Cha nói thêm rằng suy nghĩ của ngài đang gần gũi với “người dân Belarus thân yêu” và ngài đã theo dõi chặt chẽ tình hình sau cuộc bỏ phiếu.
Liên minh châu Âu đang tìm cách áp đặt lệnh trừng phạt đối với Belarus như một phản ứng đối với một cuộc đàn áp bạo lực, trong đó ít nhất hai người biểu tình đã bị giết và hàng nghìn người khác bị giam giữ.
Đức Thánh Cha Phanxicô cũng nói rằng ngài không ngừng cầu nguyện cho Li Băng và “những tình huống bi thảm khác trên thế giới gây ra biết bao đau khổ”.
Li Băng đang rơi vào tình trạng hỗn loạn sau vụ nổ ngày 4/8 tại cảng Beirut khiến hơn 172 người thiệt mạng, 6.000 người bị thương, 300, 000 người mất nhà cửa và tàn phá khu vực thành phố trong bối cảnh quốc gia này đã lún rất sâu trong khủng hoảng tài chính.
Source:Reuters
4. Tổng thống Belarus đe dọa sẽ kêu gọi Nga hỗ trợ quân sự nhằm kiểm soát người biểu tình
Những người tham gia các cuộc biểu tình ở Belarus, hay còn gọi là Bạch Nga, đã lên tinh thần rất nhiều khi thấy cộng đồng quốc tế quan tâm đến các cuộc biểu tình đòi công lý của họ. Cả Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đích thân lên tiếng ủng hộ công lý và quyền công dân của họ.
Nhiều đám đông lớn ở Belarus đã xuống đường để phản đối kết quả bầu cử đầy tranh cãi.
Đảng cầm quyền do Tổng thống Alexander Lukashenko đứng đầu đã nắm quyền hơn 20 năm qua.
Ít nhất hai người biểu tình đã bị giết và hàng nghìn người khác bị giam giữ. Trong bối cảnh đó, thủ lĩnh của phe đối lập chính là bà Svetlana Tikhanovskaya đã bỏ trốn khỏi Belarus vào tuần trước và hiện đang cư trú tại Lithuania để tránh bị bách hại.
Tổng thống Lukashenko đã đáp lại các cuộc biểu tình bằng cách đe dọa sẽ kêu gọi Nga hỗ trợ quân sự để dẹp tan các cuộc biểu tình.
Belarus có có 9.6 triệu dân trong đó 48% theo Chính thống giáo, Công Giáo chiếm 7% dân số, và 41% nói mình là người vô thần. Giáo Hội Công Giáo tại Belarus có 3 giáo phận và một tổng giáo phận.
Chính phủ của tổng thống Lukashenko công khai theo đuổi một đường lối vô thần. Nhà lãnh đạo hàng đầu của Công Giáo tại Belarus, là Đức Tổng Giám Mục Tadeusz Kondrusiewicz của tổng giáo phận Minsk-Mogilev, đã nhiều lần phê phán chính phủ nước này đang có mưu toan bôi xấu Giáo Hội Công Giáo qua các con số thống kê ngụy tạo.
Trong những năm gần đây, các cơ quan truyền thông tại Belarus, còn được gọi là Bạch Nga, đã có một thói quen là đưa ra các số liệu thống kê về số người Công Giáo tham dự các thánh lễ vào dịp Giáng Sinh và Phục Sinh.
Trong một kháng thư đề ngày 27 tháng 12, 2016 gởi cho Bộ Trưởng Bộ Nội Vụ Igor Shunevich, và Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, Đức Cha Kondrusiewicz chỉ ra rằng các báo cáo theo đó chỉ có 40, 000 người Thánh Lễ Giáng Sinh 2016, là hoàn toàn sai sự thật. Con số thực tế “lớn hơn gấp nhiều lần.”
Đức Tổng Giám Mục Kondrusiewicz bày tỏ lo ngại rằng chính phủ Belarus đang cố gắng vẽ ra một bức tranh sai sự thật về cái gọi là “sự sụt giảm đáng kể người Công Giáo tham dự lễ Giáng Sinh” từ 240, 000 năm 2011 xuống còn 83, 000 năm 2013 và chỉ còn 40, 000 trong năm 2016.
Source:Sky News Australia