4. Cha giải tội của Đức Giáo Hoàng ở Buenos Aires, 95 tuổi, kể về Bergoglio của ngài

Cha Luis Dri là một giáo sĩ dòng Capuchin 95 tuổi sống trong một tu viện ở một khu dân cư của tầng lớp lao động ở Buenos Aires. Chính nơi đây nhiều năm trước, ngài đã rửa tội cho “huyền thoại” của đất nước, là cầu thủ bóng đá Diego Armando Maradona.

Tạp chí Tây Ban Nha Alfa y Omega cho biết cũng chính tại thành phố này, ngài đã được chọn để trở thành cha giải tội cho giám mục của mình, Jorge Mario Bergoglio, là người mà ngài đã phát triển một “tình bạn tuyệt vời”

Sau khi trở thành Giáo hoàng, Đức Phanxicô đã đưa Cha Dri trở thành nhân vật chính của một cuốn sách về Bí tích Hòa giải cách đây vài năm. Ngài ngạc nhiên khi thấy Đức Giáo Hoàng đã không quên ngài kể từ khi đến Rôma và thậm chí còn gọi cho ngài vào ngày sinh nhật của mình.

“Ngài có nhiều việc phải làm liên quan đến cuộc chiến tại Ukraine nhưng ngài vẫn nhớ đến gã khờ này,” vị linh mục già kinh ngạc nói. “Chúa đã ban cho tôi ân sủng là sự tha thứ và ân sủng luôn sẵn sàng tha thứ”


Source:https://alfayomega.es

5. Mối quan tâm của các Giáo hội Trung Đông đối với Giêrusalem

Lần đầu tiên, Hội đồng Giáo hội Trung Đông – nơi quy tụ các nhà lãnh đạo Chính thống, Công Giáo và Tin lành từ khu vực – đã nhóm họp tại Ai Cập trong bốn ngày. Trong tuyên bố cuối cùng của mình, các thành viên hội đồng đặc biệt nhấn mạnh đến Giêrusalem và việc bảo tồn thánh địa.

Trong bối cảnh vô cùng căng thẳng sau cái chết của một nhà báo Kitô giáo người Palestine, Đức Tổng Giám Mục Pierbattista Pizzaballa, là Thượng Phụ La tinh của Giêrusalem, nhắc lại rằng các Kitô hữu không thể im lặng, rằng “Thành phố Thánh mang đặc tính Kitô giáo” và nó phải được bảo tồn, và được tôn trọng.

Trong tài liệu cuối cùng, các nhà lãnh đạo Kitô giáo cũng muốn nhắc nhở cộng đồng quốc tế về “tầm quan trọng của việc tăng cường sự hiện diện của Kitô hữu tại Thành phố Hòa bình,” nơi Chúa Kitô đã chết và sống lại.

Theo báo cáo của Terre Sainte, hội đồng đại kết này, được thành lập vào năm 1974, nhằm mục đích tăng cường sự thống nhất của các cộng đồng Kitô giáo ở Trung Đông về các vấn đề cùng quan tâm, xây dựng cầu nối với các Giáo Hội phương Tây và thúc đẩy đối thoại với các tôn giáo khác trong khu vực, đặc biệt là người Hồi giáo.


Source:https://www.terresainte.net

6. Nancy Pelosi tăng gấp đôi ủng hộ việc phá thai để thách thức lệnh cấm rước lễ

Phản ứng công khai đầu tiên đối với việc Đức Tổng Giám Mục bản quyền cấm bà rước lễ tại giáo phận quê hương, Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi cho biết bà vẫn kiên quyết ủng hộ việc phá thai.

Hôm 20 tháng 5 Đức Tổng Giám Mục Salvatore Cordileone thông báo rằng bà Nancy Pelosi không được Rước lễ tại Tổng giáo phận San Francisco sau khi công khai ủng hộ việc phá thai với tư cách là một chính trị gia Công Giáo. Đức Cha Cordilenoe nói rằng quyết định của ngài là một quyết định mục vụ chứ không phải chính trị.

Trong nhiều năm, Pelosi đã bảo vệ việc phá thai trong khi viện dẫn đức tin Công Giáo của mình. Giáo Hội Công Giáo coi phá thai là việc hủy hoại con người, là một tội ác nghiêm trọng.

Hôm thứ Ba, Pelosi không đưa ra dấu hiệu nào cho thấy quan điểm của bà ấy về việc phá thai và cách bà ấy nói về nó với tư cách là một người Công Giáo, sẽ thay đổi.

“Tôi băn khoăn về án tử hình, là điều mà tôi phản đối. Đối với Giáo hội cũng vậy. Nhưng họ không có hành động chống lại những người có thể không chia sẻ quan điểm của họ,” bà ta nói trong chương trình “Morning Joe” của MSNBC.

Pelosi không cho biết liệu bà ấy có ý định tiếp tục lên rước lễ hay không. Lệnh của Đức Cha Cordileone chỉ được áp dụng trong Tổng giáo phận San Francisco, và mặc dù Đức Hồng Y Wilton Gregory của Tổng giáo phận Washington đã không bình luận công khai về hành động của Đức Cha Cordileone, ngài cũng không chỉ thị cho các linh mục từ chối rước lễ cho bất cứ ai.

Pelosi được cho là đã Rước lễ vào lúc 9 giờ sáng Thánh lễ Chúa Nhật ngày 22 tháng 5 tại Nhà thờ Công Giáo Holy Trinity ở Georgetown, theo Politico Playbook, nhưng báo cáo không xác định nguồn của thông tin đó. Một nữ phát ngôn viên của giáo xứ hôm thứ Ba đã chuyển các câu hỏi của giới truyền thông cho Tổng giáo phận Washington, nhưng tổng giáo phận đã không trả lời yêu cầu bình luận của CNA.

Đáp lại hành động của Cordileone, Đức Giám Mục Robert Vasa của Giáo phận Santa Rosa, California – nơi có nhà nghỉ Napa của Pelosi – đã nói rằng ngài cũng sẽ cấm Pelosi không được Rước lễ trong giáo phận của ngài.

Trong lần xuất hiện trên “Morning Joe”, Pelosi đã trực tiếp đề cập đến Đức Tổng Giám Mục Cordileone một lần, để chỉ trích ngài vì đã “kịch liệt chống lại quyền của LGBTQ”.


Source:Catholic News Agency

7. Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Đức bày tỏ sự thất vọng đối với Đức Giáo Hoàng Phanxicô

Hôm Chúa Nhật, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Đức đã bày tỏ sự thất vọng đối với Đức Giáo Hoàng Phanxicô, nhấn mạnh rằng “giáo huấn của Giáo Hội Công Giáo” phải được “thay đổi”, đặc biệt là liên quan đến đồng tính luyến ái và vai trò của phụ nữ.

Trong một cuộc phỏng vấn ngày 22 tháng 5, Giám mục Georg Bätzing bày tỏ “sự thất vọng” của mình đối với Đức Giáo Hoàng, và nói thêm: “theo nghĩa nào đó, đó là một sự lừa dối”.

Bätzing đã sử dụng các từ tiếng Đức gần đồng âm với nhau là Enttäuschung, nghĩa là “thất vọng”; và Täuschung nghĩa là “lừa dối”.

Giải thích ý mình muốn nói, Bätzing: “Giáo hoàng, ngay cả trong Giáo Hội Công Giáo, ngay cả với tất cả các quyền lực được trao cho ngài, không phải là người có thể biến Giáo hội từ đầu thành chân, đó là điều chúng tôi muốn.”

Bätzing nói thêm: “Đức Giáo Hoàng đang làm những gì có thể. Cụ thể, ngài đang bắt đầu một quá trình mà tất cả những câu hỏi này được đặt lên bàn. Đối với Thượng Hội Đồng thế giới năm 2023 và các câu hỏi, có thể nói như thế ‘Các nhóm được phép tham gia, LGBTQ có được phép tham gia không?’ ngài luôn nói: tất cả mọi người.”

Trong cuộc phỏng vấn rộng rãi với đài truyền hình quốc gia Deutschlandfunk, giám mục Limburg, miền tây nước Đức, cho biết: “Tôi tin rằng trong nhận thức cuối cùng về hình ảnh của chúng ta đối với Thiên Chúa và con người, sự phân biệt đối xử với người đồng tính, những người sống trong các mối quan hệ, chẳng hạn, không nên bị đóng khung như một điều cấm kỵ, mà là một khả năng phải được tiếp cận một cách đáng trân trọng”.

Bätzing cũng nói rằng về vấn đề phong chức linh mục Công Giáo cho phụ nữ, ông muốn “duy trì một hành động cân bằng theo một cách nào đó” để ông có thể nói giáo huấn của Giáo hội là gì, nhưng đồng thời công nhận rằng “giáo huấn này không còn tìm thấy sự chấp nhận giữa các tín hữu, không chỉ trong bối cảnh chung của xã hội, nhưng giữa các tín hữu”.

Bätzing thừa nhận rằng ông quen biết cá nhân với một linh mục Công Giáo vừa tuyên bố bỏ đạo hôm 13 tháng 5, gây xôn xao khắp thế giới. Cựu linh mục Andreas Sturm, là tổng đại diện của Giáo phận Speyer. Ông cho biết ông đã tham gia vào Tiến Trình Công Nghị Đức, với hy vọng có thể thay đổi giáo huấn của Giáo hội. Khi tuyên bố rời khỏi Giáo hội, Sturm đã nêu ra sự thất vọng vì thiếu những thay đổi trong giáo huấn của Giáo hội liên quan đến một số lĩnh vực, đặc biệt là luật độc thân linh mục, tình dục và phong chức cho phụ nữ. Tuy nhiên, như nhiều người đã chỉ ra và chính Sturm đã xác nhận, Sturm đã chung sống với một người phụ nữ, lỗi lời thề độc thân khi được thụ phong.

Vấn đề của cựu linh mục Sturm đặt ra những câu hỏi rất lớn. Là con người, chúng ta khó tránh khỏi những cám dỗ và sa ngã. Chúng ta cần nhận thức về tình trạng tội lỗi của mình, chạy đến với Bí tích Hòa giải. Vấn đề đối với cựu linh mục Sturm là sa khi đã sa ngã phạm tội, ông ta muốn biến tình trạng tội lỗi của mình thành một điều bình thường, một “tiêu chuẩn sống”, khi cố gắng đập tan luật độc thân linh mục.

Khi được hỏi liệu ông ta có dự tính một bước đi tương tự hay không, Bätzing trả lời rằng ông cũng sẽ cân nhắc việc quay lưng lại với Giáo Hội một cách triệt để nếu ông “có ấn tượng rằng sẽ không có gì thay đổi”.

“Tuy nhiên, tôi có ấn tượng rằng rất nhiều điều đang thay đổi vào lúc này,” vị giám mục 61 tuổi nói.


Source:Catholic News Agency