Biểu tình đụng độ ở Trung quốc: dân Hồ Bắc bị xua đuổi và Cảnh thê thảm ở Vũ Hán: hàng dài vô tận để nhận tro cốt cuả người thân.

1. Biểu tình đụng độ ở Trung quốc: dân Hồ Bắc bị xua đuổi

Ngày 28 tháng 3 năm 2020 (AsiaNews) – Ngày hôm qua hàng ngàn cư dân quận Hoàng Hà (Huangmei) tỉnh Hồ Bắc đã xuống đường phản đối chính quyền tỉnh Giang Tây không cho họ nhập cảnh vào thành phố Cửu Giang (Jiujiang) bên phiá Giang Tây.

Cuộc biểu tình và đụng độ giữa người Hồ Bắc và cảnh sát Giang Tây đã gây cho nhiều xe cảnh sát bị lật đổ.

Lý do chính quyền Giang tây không cho phép người Hồ Bắc đi vào là vì họ vẫn bị coi là nhiễm vi rút Covid-19.

Sự cố cho thấy ở Trung quốc bây giờ người ta không tin tưởng vào các tuyên truyền chính thức cuả Ủy ban Y tế Quốc gia, khoe khoang rằng trong nước hiện không còn dịch nữa, tất cả các trường hợp lây nhiễm mới đều là do “nhập khẩu” từ nước ngoài.

Kể từ ngày 25 tháng 3, chính phủ đã ra lệnh chấm dứt sự cô lập các thành phố ở Hồ Bắc, ngoại trừ thành phố Vũ Hán, được coi là tâm chấn của dịch bệnh, sẽ còn bị theo dõi cho đến ngày 8 tháng Tư.

Nhưng các trạm kiểm soát cuả nhiều thành phố Trung Quốc vẫn tự cách ly để tránh lây lan từ bên ngoài. Các phương tiện truyền thông chính thức nói rằng không có nhiễm trùng mới, nhưng mọi người vẫn coi người Hồ Bắc là một nguy cơ cao.

Video trực tuyến (dưới đây) cho thấy hàng ngàn người từ Hoàng Hà đang cố gắng băng qua cây cầu sông Dương Tử, là lối vào thành phố Cửu Giang (Giang Tây). Những người biểu tình diễu hành và hô to khẩu hiệu “Hồ Bắc, cố gắng!” Và đụng độ với những hàng rào cảnh sát cuả Giang Tây. Xe cảnh sát bị lật đổ…

Bí thư Đảng Cộng sản Hoàng Hà là Mã duyên Châu (Ma Yanzhou,) đã lên cầu thuyết phục người biểu tình giải tán, nói rằng chính quyền địa phương đã có thỏa thuận với nhau.

Khẩu hiệu “Hồ Bắc, cố gắng!” thường xuất hiện trên các phương tiện truyền thông chính thức, nhưng người dân Hồ Bắc tiếp tục bị phân biệt đối xử. Nhiều tỉnh tiếp tục có lệnh cấm nhập cảnh người Hồ Bắc, họ không được phép trở về những căn hộ mà họ thuê hoặc về những công sở mà họ làm việc. Nhiều người bây giờ đang thất nghiệp.

2. Cảnh thê thảm ở Vũ Hán: hàng dài vô tận để nhận tro cốt cuả người thân

Vũ Hán (AsiaNews) – Trước mỗi nhà tang ở Vũ Hán, đang có nhiều trăm và có nơi là nhiều ngàn người xếp hàng để nhận bình đựng tro cốt của người thân đã chết trong cơn đại dịch coronavirus.

Những người chết trong lúc dịch bệnh thì bị hoả táng ngay lập tức, không có tang lễ và không nêu rõ nguyên nhân cái chết. Người nhà đã phải chờ thông báo của chính quyền để lấy tro cốt của người thân.

Trung Quốc đang cố gắng bình thường hoá đất nước, và muốn có những hình ảnh tốt đẹp khi họ chấm dứt phong toả thành phố Vũ Hán vào ngày 8 tháng Tư tới, cho nên họ cho phép thân nhân làm an táng cho người thân trước ngày Lễ Thanh Minh, ngày 4 tháng Tư.

Các hàng dài đứng trước các nhà tang gợi lên câu hỏi là thực sự có bao nhiêu người chết trong đại dịch coronavirus? Cho đến nay Trung Quốc chỉ báo cáo 3298 người chết.

Các bình luận trên mạng cho biết mọi người đã phải xếp hàng và chờ đợi hàng giờ trong khi cảnh sát an ninh và thường phục theo dõi và cấm chụp hình. Mỗi khi đến nhận tro của người thân, thành viên gia đình phải có một nhân viên của nhà tang hoặc một quan chức thành phố đi hộ tống. Đó là “một hình thức theo dõi”.

Tờ tạp chí Tài Tân (Caixin) đã mô tả một hàng đợi bên ngoài Nhà tang có tên là Hán Khẩu dài khoảng 200 mét; có hàng ngàn chiếc bình đã được dỡ xuống từ một chiếc xe tải và xếp chồng lên nhau bên trong Nhà tang.

Một “phòng tang lễ” khác ở Võ Xương (Wuchang, một khu phố Vũ Hán) đã có thông báo là các thành viên trong gia đình có thể đến nhận bình tro từ ngày 23 tháng 3 cho đến lễ Thanh Minh, và họ sẽ phân phối 500 bình mỗi ngày. Điều này có nghĩa là có khoảng 6500 bình tro ở nơi đây mà thôi.

Vũ Hán có bảy nhà tang: nếu ước tính mỗi nhà tang sẽ phân phát bình tro với số tương đương ở Võ Xương, thì sẽ có khoảng 45.500 bình tro (người chết,) riêng cho thành phố Vũ Hán mà thôi.

Có lẽ không phải tất cả các trường hợp tử vong đều là nạn nhân cuả dịch coronavirus, nhưng gần như chắc chắn rằng các số liệu chính thức đã được khai thấp xuống với một chủ đích.

Một phóng viên cuả Tài Tân cho biết các lò hỏa táng đã làm việc 19 giờ mỗi ngày trong tháng Hai.

Lý Trạch Hoa (Li Zehua,) một người dẫn chương trình truyền hình CCTV đã đến Vũ Hán với tư cách phóng viên tự do để báo cáo về dịch bệnh, đã bị bắt và tới nay vẫn không có tin tức nào về anh ta sau khi anh báo cáo chuyến viếng thăm một nhà tang ở Thanh sơn (Qingshan) trong khoảng thời gian từ 10 đến 11 giờ tối ngày 19 tháng 2. Hai nhà báo khác cũng đã biến mất ở Vũ Hán là Phương Bân (Fang Bin) và Trần Thu Thực (Chen Qiushi).

Rất có thể số lượng nạn nhân chính xác sẽ không bao giờ được biết đến. Trong những ngày đỉnh điểm của đại dịch Vũ Hán, hệ thống y tế sụp đổ và nhiều bệnh nhân không có cơ hội nhập viện. Họ đã chết trước khi được chẩn đoán và được hỏa táng ngay, không hề được đưa vào thống kê chính thức.

Trần Mạnh Trác – Vietcatholic

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *