Thật là may. Dạo đó dịch Covid chưa tràn vào. Anh chị em xuất thân cùng làng quê tổ chức một cuối tuần họp mặt. Tiệc tùng sầm uất. Chuyện cũ về những kỷ niệm thời sống ở làng xưa cũng như các chuyện mới nơi “tha hương” nổ như pháo rang với những tràng cười dòn không dứt.
Ban tổ chức thuê hai chiếc xe bus hạng sang để đưa anh chị em đi tham quan các danh lam thắng cảnh của miền. Dân có đạo cả mà. Lên xe nhất định phải đọc kinh. Nhưng đọc ngắn thôi nhé. Anh Trung xướng kinh – con của ông trùm Tản, nổi tiếng đạo đức mà. Một kinh Lạy Cha. Ba kinh Kính Mừng. Một kinh Sáng danh. … Xong. Im lặng kéo dài sau đó. … Hình như kinh đọc còn ít quá. Anh Trung đang lúng túng thì anh Dũng xướng dùm: “Lạy ơn ông thánh Giuse. Chúng con chạy đến cùng người…” Mọi người hồ hởi đọc theo. Nhưng từng người từng người dần dần bỏ cuộc … vì không thuộc. Vài người cố gắng đọc tiếp nhưng đến “Người làm Bạn cùng Rất Thánh Đồng Trinh là Mẹ Chúa Trời” thì chỉ còn có anh Trung và sau đó thì tịt luôn. Thế là cả xe Bus phá ra cười. Hết đọc kinh. Rồi cả nhóm nhao nhao:
– Phe con trai chúng mình trong làng đa số có tên thánh Giuse mà.
– Ngày xưa, buổi chiều đi nhà thờ đọc kinh; ngày nào cũng đọc kinh kính ông thánh.
– Đọc kinh tại nhà; ngày nào cũng đọc kinh ông thánh.
– Khi mọi người trong làng tìm đường vượt biên, ai cũng kêu cầu ông thánh suốt.
Những cái gật đầu đồng ý; và cũng nhận tội: cuộc sống bên này mang đến nhiều “sự chia trí” khiến tất cả đã quên tiệt ông thánh mà mình vẫn gần gũi từ xưa đến giờ. Ông thánh thường vẫn “bầu cử” cho mọi người. Nhưng chẳng ai thuộc kinh ông thánh nữa.
Đó là thực tế. Không phải chỉ những người trong làng kia; nhưng nói chung là người Công giáo Việt Nam. Nhờ công lao các nhà truyền giáo xưa đã chọn thánh cả Giuse làm quan thầy bảo trợ Giáo hội Việt Nam mà người Công giáo Việt Nam rất gần gũi thân mật với ông thánh. Nhưng … hoàn cảnh bây giờ thì đã khác.
Ông Thánh Giuse Làm Việc Ở Hậu Trường
Trong chương trình quan phòng của Thiên Chúa, thánh Gi- use là người rất gần gũi với Đức Mẹ và Ngôi Hai Nhập Thể. Nhưng Kinh Thánh lại nói rất ít đến ông thánh Giuse. Đúng. Lý do có lẽ là theo truyền thống, ông thánh Giuse qua đời sớm – trước khi Chúa Giê-su khởi đầu sứ vụ công khai. Đọc lại Phúc Âm nói về thời thơ ấu Chúa Giê-su, ta thấy ông thánh Giuse được nhắc đến rất nhiều. 15 lần chứ ít ỏi gì. Không thua gì Đức Mẹ nếu chỉ kể thời thơ ấu của Chúa Giê-su.
Có lẽ vì thánh Giuse ít nói quá. Ngài chỉ biết nghe. Cái tài nghe của Ngài thật đặc biệt. Ngay cả trong giấc ngủ, Ngài cũng nghe được tiếng của sứ thần Thiên Chúa đến báo mộng. Ít nói vì vị thế của Ngài là ở hậu trường. Vị thế làm việc ở hậu trường nên Ngài dễ bị lãng quên.
Nói cho chính xác, lãng quên ông thánh nhưng ông thánh vẫn luôn luôn ở trong tâm khảm của Dân Chúa qua các thời. Như những người Việt Nam chúng ta, sang tới bên này thì chẳng mấy khi đọc kinh Ông Thánh Giuse Bầu Cử nữa … Ông thánh bị lãng quên. Nhưng khi có dịp đọc kinh, sau Kinh Lạy Cha, Kính Mừng, Sáng Danh … tự nhiên người ta xướng kinh Ông Thánh Giuse Bầu Cử.
Trong lịch sử Giáo hội, thánh Giuse luôn luôn có một chỗ đứng đặc biệt trong tâm khảm các Ki-tô hữu. Những trình thuật Kinh Thánh về việc giáng thế và sinh ra của Ngôi Hai Thiên Chúa rõ ràng diễn tả vai trò thật quan trọng của thánh Giuse trong chương trình quan phòng đầy yêu thương của Thiên Chúa. Sau đó, có những câu chuyện huyền thoại về Thánh Giuse trong các ngụy thư, đặc biệt là Proto-Evangelium dưới tên tác giả Gia-cô-bê. Được gọi là Proto-Evangelicum tức là Tiền Tin Mừng, theo nghĩa những câu chuyện xảy ra trước khi Chúa Giê-su thi hành sứ vụ rao giảng Tin Mừng. Các ngụy thư này đã thêu dệt những chi tiết thú vị hoang đường về thánh Giuse để giải thích những chi tiết “nguy hiểm” về Đức Giê-su và Đức Mẹ trong các Phúc Âm. Như để bảo vệ đức đồng trinh của Mẹ Maria, người ta đã kể là khi thánh Giuse lấy Đức Mẹ làm vợ thì Ngài đã già – rất già. Để cho chắc ăn hơn nữa, lúc ấy ông thánh Giuse đang góa vợ và đã có con với vợ trước. Như vậy thì càng tiện vì khỏi phải giải thích việc Phúc Âm nhắc tới “các người anh em chị em của Đức Giê-su.” (Mk. 6:3; Mt. 13:55-56). Các Phúc Âm còn liệt kê cả tên những người anh chị em của Chúa Giê-su nữa.
Những câu chuyện huyền thoại được tạo ra đó luôn luôn cẩn thận trình bày một hình ảnh ông thánh Giuse là người công chính. Trong các câu chuyện này cũng gồm gói những tình tiết lý thú nói lên sự tinh khiết trong sạch của Thánh Giuse như việc cây gậy của thánh Giuse nở hoa hoặc có chim bồ câu đến đậu. Như trình thuật ở trong Proto-Evangelium:
Khi Maria lên 12 tuổi và phải rời đền thờ, thì hội đồng các tư tế bàn định chuyện kết hôn qua một thủ tục diệu kỳ. Nhờ ơn trên soi sáng, thượng tế hô hào các chàng trai tới, mỗi người mang một cái que và đặt trong đền thờ. Sáng hôm sau, thượng tế vào đền thờ cầu nguyện thì thấy các que còn y nguyên như trước, và mỗi chàng lại vác que về nhà. Thế nhưng còn sót lại một que của ông Giuse và chủ nhân được gọi tới; khi ông Giuse vừa lấy lại cây que của mình thì một con chim bồ câu thoát ra từ cây que và đáp xuống trên đầu của ông Giuse. Thật đúng là dấu lạ! Nhưng ông Giuse không dám nhận cô Maria, viện cớ là mình đã già lại phải nuôi nấng một đàn con. Thầy cả phải doạ rằng nếu ai không tuân theo ý Chúa thì sẽ bị trời phạt; ông cụ sợ quá đành rước Maria về nhà.
Vào những thế kỷ đầu của Giáo hội, lời rao giảng vào giáo huấn trong Giáo hội đều đặt trong tâm nơi Chúa Giê-su, Đức Mẹ Maria và các thánh tử đạo. Qua những suy tư và rao giảng, Giáo hội dần dần đạt đến ngôn từ chính xác để diễn tả mầu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa, về Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa (Theotokos). Gương tích các anh hùng tử đạo là nguồn liệu nuôi dưỡng đức tin của Dân Chúa trong các thời, nhất là thời bị cấm cách bách hại. Tuy rằng trong các bài thuyết giảng và văn phẩm của một số giáo phụ như John Kim Khẩu, Giêrônimô (Against Helvidius), Augustino đã đề cao vai trò và nhân đức của thánh Giuse, nhưng địa vị thánh Giuse chưa được suy tư để tuyên cáo rõ rệt. Dù vậy, lòng sùng kính thánh Giuse vẫn âm ỉ trong tâm hồn Dân Chúa. Thánh Bernađô là vị thánh của thế kỷ thứ 12 đã dành nhiều tâm lực cổ võ việc tôn kính thánh Giuse. Thánh Bernađô rất thông thạo Kinh Thánh, Cựu Ước và Tân Ước, người nói: “Thánh Kinh như mở rộng và diễn tả trước tầm trí khôn.” Thánh Bernađô không bao giờ người xử dụng ngụy thư và huyền thoại. Tuy nhiên, thánh Bernađô đã kể lại một thị kiến đặc biệt Chúa thương ban cho ngài vào dịp lễ mừng Chúa Giáng sinh lúc ngài 12 tuổi tại Chatillon. Ngài thấy như mình đang ở Bê- lem. Có Đức Mẹ Maria và Thánh Giuse ở đó và các ngài đang thờ lạy Con Thiên Chúa vừa Giáng sinh. Ngài kể lại là có một ánh sáng chiếu rọi trí khôn khiến tâm hồn ngài được tràn ngập một nguồn vui khôn tả. Thánh Bernađô đang ngây ngất chiêm ngắm thì tiếng chuông nhà thờ reo vang, và mẹ ngài đến dẫn con đến nhà thờ Thánh Vorles (Vita Prima, L 1, 2, 4).
Thánh Thomas Aquinô và thánh Bonaventure và rất nhiều vị thánh đã đóng góp phần vào việc cổ võ lòng việc sung kính thánh Giuse qua các văn phẩm của các ngài vào các thế kỷ kế tiếp. Đặc biệt là thánh nữ Têrêsa Avila, người có công cải tổ Dòng Carmel. Thánh nữ là một tông đồ nhiệt thành của thánh Giuse. Ngài viết: “Tôi không biết làm sao có thể nghĩ đến Hoàng hậu các thiên thần [Mẹ Maria] khi còn sống bên cạnh Chúa Giêsu Hài đồng mà không cảm ơn Thánh Giuse vì đã phục vụ Hai Ðấng hết mình” (Tự Thuật, chương 6). Thánh nữ dâng kính hầu hết các tu viện ngài sáng lập cho ông thánh Giuse với lý do đơn giản: “Tôi chưa bao giờ xin ơn gì với Thánh Giuse mà không được nhậm lời.”
Lòng sùng kính thánh Giuse nơi thánh nữ Têrêsa Avila đã gây một ấn tượng lớn nơi thánh Gioan Thánh giá. Thánh Gioan Thánh giá đã khiêm nhường nhận là mình chẳng biết gì về sự cao cả của thánh Giuse. Và sau đó, thánh nhân đã quyết tâm học hỏi về thánh cả Giuse.
Đến với thánh Giuse
Trong những cơn khốn khó, thánh Giuse luôn trở thành nơi trú ẩn cho Giáo hội và cho mọi tín hữu. Ai mà không nhớ truyện ông Giuse đã bị anh em bán sang đất Ai Cập. Khi đất nước Ai Cập bị đói kém mất mùa, toàn dân khổ sở cơ hàn. Dân chúng kéo đến xin cùng vua Pharaon ban cho chút ít lương thực để sống qua cơn cơ hàn. Nhưng, vua Pharaon đã nói với họ: “Hãy đến cùng Giuse – Ite ad Joseph” (Kn 41:55). Họ đã vâng theo và làm như vậy, cuối cùng dân tình giảm bớt được sự đói khổ.
Đức Thánh Giáo Hoàng Piô X, trong sắc lệnh phê chuẩn kinh cầu Thánh Giuse vào năm 1900, đã kêu gọi mọi tín hữu hãy hết lòng cậy trông vào Thánh Giuse vì “Ngài là Đấng cầu bầu thế lực nhất của mỗi cá nhân, gia đình và xã hội.” Ngày 10 tháng 3 năm 1935, Đức giáo hoàng Pio XI đã khuyên nhủ: “Thánh Cả Giuse là Đấng có thể cầu bầu cho ta mọi ơn lành, bất luận là khó thực hiện đến đâu đi nữa, bởi Đức Mẹ và Chúa Giêsu không thể từ chối Ngài ơn gì”. Trong tông thư “Đấng Bảo Vệ Chúa Cứu Thế” (Redemptoris Custos) nói về thân thế và sứ mạng Thánh Giuse trong đời sống Chúa Giêsu và Giáo Hội, Đức thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II đã viết: “Mọi Kitô hữu hướng về Thánh Cả với lòng tôn sùng nồng nhiệt, tin tưởng khẩn cầu Ngài bảo vệ, và luôn luôn đặt trước mặt tấm gương khiêm tốn, cách thế phục vụ hữu hiệu trong chương trình Cứu Độ”.
Nhân dịp kỷ niệm 150 năm ngày Đức Giáo hoàng Pio IX ban hành sắc lệnh Quemadmodum chọn thánh Giuse làm Đấng Bảo trợ Giáo hội Công giáo, Đức Thánh Cha Phanxicô đã ban hành Tông thư “Trái tim của người Cha” (Patris corde) và công bố “Năm đặc biệt về thánh Giuse” từ ngày 8 tháng 12 năm 2020 đến ngày 8 tháng 12 năm 2021. Trong tâm thư này Đức Thánh Cha Phanxico viết trong bối cảnh của đại dịch Covid-19. Theo ngài, đại dịch giúp chúng ta hiểu tầm quan trọng của những con người vì công ích, những người xa ánh đèn sân khấu, kiên nhẫn mỗi ngày và nuôi dưỡng hy vọng, lan toả sự đồng trách nhiệm. Trong Tông thư, điểm đầu tiên Đức Thánh Cha miêu tả về thánh Giuse đó là thánh nhân là người cha được các tín hữu yêu quý, vì ngài đã thể hiện một cách cụ thể tình phụ tử của mình “khi dâng cuộc đời mình làm của lễ trong tình yêu phục vụ Đấng Cứu Thế”.
Đức thánh cha Phanxicô đã mở năm thánh biệt kính thánh Giuse như là cơ hội để chúng ta đến cùng thánh Giuse. Chúng ta hãy bắt chước dân chúng Ai cập thuở xưa theo như lời của vua Pharaon “Hãy đến cùng Giuse” trong hoàn cảnh dịch bệnh khủng khiếp và giữa những biến chuyển nhiều bấp bênh nguy hiểm này.
Lm. Giuse Đinh Văn Nghị, OP.