Lối về Tên Trộm

Gã tiều phu năm ấy

đã trở về vườn vắng hôm nao,

nơi người ra đi.

Vấn vương bao nỗi nhớ cùng năm tháng

đong đầy hồn yêu thương chất ngất.

Lượm lặt đôi dòng tâm tưởng

       góp gom mấy mối tơ lòng

trao gởi về ai gọi là …

 

Tình Yêu Hoa Cỏ

 ***

 

Anh Trộm!

Từ ngày anh về miền ánh sáng, đã có ai viết cho anh và viết về anh chưa nhỉ?

Hôm nay, lưu ký một Tình Yêu, mộng mơ em viết cho anh, viết lên lối về anh đã đến. Em nói “anh đã đến”, bởi vì chúng ta chỉ về khi ta vốn ở đó mà đi. Trước khi anh về, anh chưa hề ở đó và nhân loại cũng chưa có ai từng ở đó. Còn bây giờ sau lối nhỏ anh về, nơi ấy đã trở thành quê hương của tất cả chúng ta.

Anh cùng về với Người, Cha Giê-su của chúng ta, trong bối cảnh lịch sử độc nhất của Ân Tình Cứu Độ. Người ta tưởng nghĩ rằng đó là “lối nhỏ” của riêng anh, nên em chưa thấy ai tìm về bằng lối anh đi. Do vậy, người ta chỉ cho em đường về vinh dự, những con đường cao sáng của nhiều bậc anh hùng, nhiều vị thánh đã từng đi. Em thấy lo, và run sợ vì thân mình bất lực vô vàn, thêm tội lỗi nhiều đâu kể xiết. Hạt bụi nhỏ, hồn hoa dại dám đâu mơ mộng được trưng bày nơi cung thánh điện thờ. Đôi tay bé bỏng đâu nghĩ đến hái điều cao diệu, hồn tội lỗi rốt hèn đâu mong được “có” đến tự hào.

Anh ơi! Anh có nghĩ rằng Cha đã dùng anh để mở lối cho chúng em không, những hồn thơ thật yếu đuối và nhiều lầm lỡ như anh đó? Nếu Thánh Tâm Thương Xót Vô Biên Chúa Ba Ngôi dùng anh mở lối, anh giúp em với nhé! Em viết lên cho chính mình cũng thấy, không phải ngẫu nhiên hay bởi duyên – tiền – định mà qua vài câu nói anh được về cõi thiên đàng, được cứu độ cách lạ lùng như thể ơn ấy chỉ dành riêng cho mỗi riêng anh.

Ôi! Cha đã thương xót hết thảy chúng ta ngần nào phải không anh! Xin chúc mừng anh, tạ ơn Chúa.

Chung vui với anh, cùng Chúa Thánh Thần em viết về anh đây. Hẹn anh ngày chúng ta cùng uống rượu nho của Nước Trời.

Chúc tụng Cha  Hằng Hữu nhờ Đức Mẹ Đồng Trinh.

Chúc tụng Thánh Tâm Thương Xót Vô Biên Chúa Ba Ngôi. Amen.

Tình Yêu Hoa Cỏ

 

Chiếc đèn trời rực rỡ đã chênh chếch nghiêng nghiêng, những tia nắng hiền hòa hơn, không dữ dội cháy bỏng như lúc còn treo đứng trên đầu người. Lẫn trong đám đông hắn thấy và nghe rõ câu chuyện xảy ra, giữa người phụ nữ và dân Sa-ma-ri (x. Ga 4, 39-42). Đâu có lạ gì người phụ nữ, hắn biết chị ấy, chị tốt bụng, nhiệt tình và chân thực. Người phụ nữ này còn đáng tin hơn nhiều, so với nhiều kẻ vị vọng trong đền thờ khoác vẻ công chính mà hắn biết. Chỉ có điều chị tựa bông hoa dại bên lề đời, trót mang lấy phận hồng nhan, một thuở phấn hương cuốn theo chiều gió.

Hắn thở dài, lòng xót xa cho chị như cho chính cuộc đời hắn. Chị được Người xin nước uống, rồi Người lại tỏ cho chị hãy xin Người nước hằng sống (Ga 4, 7-14). Câu chuyện không liên quan đến hắn, nhưng lại xoáy sâu vào tâm thức một tên trộm đang lấp ló tìm đường về nẻo thiện. Lời nói của Người vẫn hấp dẫn và thuyết phục làm sao, đánh động lòng hắn, mỗi khi hắn nhớ tới Người. Đã bao năm sống tựa lá trôi dòng nước, lang thang phiêu giạt không hề biết tới ngày mai, không có lấy một tình thân.

Để lấp đầy cái bụng đói meo, hắn phải bòn rút của tiền kẻ khác. Nhưng có Đức Chúa biết, hắn đâu có làm như bạn bè hắn, chẳng bao giờ hắn lấy cắp của kẻ nghèo. Giữ lời trăng trối của mẹ như kỷ vật qúi báu còn sót lại, hắn cố tìm để được tin vào Đức Chúa như mẹ. Thường nhớ lại câu chuyện mẹ từng kể nhiều lần cho hắn nghe, niềm tin của mẹ vào Đức Chúa của tổ tiên, in đậm nơi lòng hắn.

Lời mẹ kể ru mãi trong hồn niềm tin ấy: “Vào một đêm đông, lúc rừng bắt đầu chuyển đổi nhịp sống. Ánh sáng vệt trăng mờ và các vì sao, không đủ xuyên qua màn sương xuống sớm trên tán lá dày đặc. Rừng được soi bằng những bông hoa sáng đom đóm lập loè, tối tăm bao phủ. Khi hắn chào đời được mấy tháng, muỗi rừng và bọ chét làm cho thân thể hắn đầy ghẻ chốc. Ngứa ngáy, đau nhức khiến hắn khóc nhiều, bú ít dần, đêm ấy hắn đã lên cơn sốt mê man. Đang lúc cha mẹ hắn bối rối, thấp thỏm bồn chồn lo âu cho sinh mạng đứa con đầu lòng. Đêm trong rừng càng thêm đặc quánh nỗi rùng rợn hãi hùng. Thỉnh thoảng lại im phăng phắc, tưởng chừng nghe được tiếng thở xạc xào của muôn vàn cỏ lá. Lòng mẹ thương con nghẹn ngào, biết cầu cứu ai đây! Mẹ gục đầu bên hắn, nước mắt lưng tròng, nghẹn ngào thầm thì cùng Đức Chúa. Cha hắn đi đi lại lại bên chiếc giường bốc mùi cỏ ẩm, trăn trở từng bước chân.

Ngọn bấc dầu ô liu soi tỏ vầng trán đổ mồ hôi, thỉnh thoảng nhăn lại, lộ rõ vẻ đau đớn và bất lực. Dường như đến lúc phải đối mặt với cái chết của đứa con duy nhất, ông mường tượng lằn roi kinh hoàng Đức Chúa dành cho cuộc sống đốn mạt của ông. Ông ngồi xuống bên giường, hai bàn  tay run  rẩy ôm đầu, ân hận, hối tiếc, đớn đau tưởng như đã  quá  muộn  màng. Ôi! Nếu như  Đức Chúa cứu lấy con ông, bằng mọi giá ông sẽ bỏ đường xưa lối cũ, sẽ không còn dám lỗi luật Ngài. Không gian trở nên u ám bởi chiếc lưới tử thần đang dần phủ xuống, bất chợt bị xua tan.

Có tiếng bước chân người dồn dập, tiến lại gần căn nhà lá che không được kín các khe cây rừng làm róng chắn của họ. Mẹ hắn đứng bật dậy, lòng tràn trề tin tưởng Đức Chúa sẽ cứu lấy con bà. Bước ngay đến cánh cửa nặng nề làm bằng cây rừng, để đề phòng thú dữ, bà mở then cài. Cùng lúc, có một tiếng người đàn ông vội vàng kêu cửa, giọng trầm ấm rõ ràng không giấu được vui mừng, cha hắn bước nhanh lại đẩy cánh cửa ra.

Bóng đêm loãng đi, nhường chỗ cho diện mạo hai người, một nam một nữ. Người đàn ông quảy hành lý, còn người nữ tay bế một hài nhi. “Vợ chồng chúng tôi lỡ đường, xin anh chị làm ơn cho chúng tôi trú nhờ một đêm. Sáng sớm mai chúng tôi sẽ lên đường”, giọng trầm ấm đầy thân thiện của người chồng, đánh tan sự ngỡ ngàng của cha mẹ hắn. Cha hắn mắt không rời họ, miệng buồn bã nói: “Hai người bế cháu vào đi!” Hai vợ chồng cùng bước vào, trông cả hai đều mệt nhọc vì băng quãng đường xa. Vừa bỏ gánh hành trang trên vai xuống, người chồng đã đưa hai tay ra nói: “Em đưa con tôi bế cho bớt mỏi!” Người vợ tần ngần giây lát, rồi nhẹ nhàng bế đứa con nhỏ đang ngủ yên úp mặt vào ngực mẹ, trao cho chồng.

Ánh sáng  trong căn nhà nhỏ dường rạng rỡ hơn bởi khuôn mặt hồng hào tôn qúi của Hài Nhi. Làn da trắng mịn nõn tựa cánh hoa lan, làm nổi bật đôi môi hồng xinh xắn mỉm cười trong giấc ngủ. Hài Nhi xinh đẹp lạ thường, trông chẳng khác một thiên thần ngủ say trong vinh quang thượng giới. Còn người mẹ, sau khi trao con cho chồng, rút khăn che đầu lau bụi và mồ hôi trên mặt. Nếp áo dân dã lấm bụi đường xa, càng làm tăng thêm vẻ thiêng thánh nơi dung nhan diễm lệ. Cô trông giống như công chúa con của vị vua sang giàu nhất, giả dạng làm thôn nữ, đẹp tựa hằng nga dịu dàng tỏa ánh nguyệt ngọt ngào xuống rừng đêm man dã, mang lại sức sống và niềm vui khi đêm về cho muông thú.

Cha mẹ hắn sững sờ, ngưỡng mộ và kính tôn sắc đẹp mang sự an bình thiên giới của hai mẹ con, quên mất cả lo lắng cho căn bệnh hiểm nghèo của hắn. Ngắm nhìn hai mẹ con, mẹ hắn nhớ ngay lời ngôn sứ được nghe mỗi khi trẩy hội về đền thánh “Này người nữ mang thai, sinh hạ con trai, và đặt tên là Em-ma-nu-el” (Is 7,14b) Phải chăng Hài Nhi này là Đấng Mê-si-a, Đấng mà dân tộc mình hằng mong đợi? Lòng tự hỏi, hồn thấm đượm bình an, mẹ hắn thầm cầu nguyện “Ôi phải chăng con được diễm phúc thấy vinh quang và lòng thương xót của Ngài! Xin hãy nghe lời nô tỳ Ngài khẩn nguyện, để lòng từ bi Ngài tồn tại đến muôn đời.

Ước chi con được Ngài thương đoái ban cho con của con, được lấy một phần rất nhỏ hồng phúc của hài nhi này. Xin Ngài cứu lấy con của con!” Lời nguyện cầu vừa dứt trong lòng, mẹ hắn đã thấy mẹ của hài nhi bế hắn trên tay, cô áp má vào gương mặt ghẻ lở thê thảm của hắn, với tràn trề cảm mến đau thương. Rồi cô trao hắn lại cho mẹ, hắn đã hết sốt tự bao giờ. Ngày hôm sau từ sáng sớm, hai vợ chồng và người con đã lên đường đi đến đất Ai-cập xa xôi.

Còn hắn được tắm lại phần nước dùng tắm rửa cho Hài Nhi đêm qua, da thịt hắn sạch hết ghẻ chốc, trở lại mịn màng…” Nhớ lại kỷ niệm đẹp của gia đình, hắn thầm tạ ơn Đức Chúa. Niềm tin an ủi phần nào nỗi bất hạnh phải mồ côi cả cha lẫn mẹ, lúc hắn vừa đủ trí khôn. Dù đôi lúc hắn cũng thấy xót xa, vì được sinh ra trong một gia đình, cha mẹ nghèo đến nỗi không có lấy một cái tên để lại cho hắn.

Bây giờ, hắn có thể đến xin Người lương thực và nước uống không bao giờ còn khát không? Hắn chột dạ, lòng can đảm tiêu tan đâu mất rồi. Ước gì hắn có cơ hội như chị người Sa-ma-ri, để hắn có thể làm lại cuộc đời. Ít nữa, hắn dứt bỏ được lối sống bị người đời khinh miệt, trở lại làm người bình thường, sống thanh thản như bao người. Và như thế lòng hắn sẽ bình an mỗi khi đêm về nhớ mẹ, nghĩ về Đức Chúa. Tiếng thầm thì trong sâu thẳm tâm hồn, không còn làm hắn ray rứt, đớn đau. Mặc dù không hiểu chút gì về đạo lý, nhưng thỉnh thoảng hắn cũng vào đền thờ hay nhìn lên cao.

Tìm kiếm trên bầu trời xanh thẳm thẳm, Đức Chúa đã nghe lời mẹ hắn, ban lại sự sống cho hắn. Hắn nuốt nước mắt vào lòng, ao ước có được niềm tin như mẹ. Bất chợt, lần đầu tiên, hắn buột miệng nói thầm thì “Lạy Chúa xin đừng chê bỏ tấm lòng tan nát khốn khổ này!” Nước mắt hắn một lần nữa rơi xuống mặt bụi, đám đông theo Người để lại.

Âm thầm hòa mình vào đoàn người, hắn nhớ lại bữa ăn no nê trên đồng cỏ, không chỉ no căng cái bụng ít khi được như thế, mà còn no thỏa cả tâm hồn (x. Mt 14, 15-20). Thật hạnh phúc vì thấy Người quan tâm đến tất cả mọi người, kể cả những kẻ bần cùng như hắn (Mt 14, 21). Lòng yêu thương hòa lẫn trong phép lạ lớn lao của Người, phép lạ vĩ đại như Đức Chúa đã gieo Man-na trong sa mạc cho cha ông. Những hình ảnh, việc làm của Người sao cứ hiện về trong tâm thức hắn, thôi thúc suy nghĩ về Người. Người là ai ?

Người là ai mà khi vừa bước lên bờ, sau phép rửa sám hối của Gioan, chính tai hắn nghe ông nói: “Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội trần gian” (Ga 1, 29). Cái đầu không mấy thông minh của hắn gật gù, lộ rõ vẻ thích thú. Thật lòng hắn thấy mến Người, tự nhiên cảm nhận Người cần thiết cho đời hắn. Như ngôn sứ Gioan Tẩy Giả nói, Người hẳn là Đấng Mê-si-a. Vậy, có thể Người chính là Hài Nhi năm xưa, đã một lần ngụ tại nhà hắn; là Đấng Cứu Thế, Người có quyền tha tội cho hắn rồi. Hắn vui mừng, niềm vui chân chất tỏa lan trong lòng Anh Trộm. Đột nhiên hắn nghĩ, hắn có thể gặp lại cha mẹ nơi Đức Chúa  ngự trị … Chỉ nghĩ đến bấy nhiêu thôi, hắn đã thấy lòng là một cõi Thiên Đàng.

Cách đây có lâu đâu, cô bạn giang hồ từng qua đêm với hắn, đã được Người công khai tuyên bố tha tội, tại nhà một người Pha-ri-sêu nữa chứ. Nàng cũng đâu hơn gì hắn, những kẻ tội lỗi làm nhơ uế cuộc đời. Nhưng hắn thán phục rằng: nàng thật can đảm và quyết tâm. Nghĩ đến đó hắn lại thấy hổ thẹn, lương tâm một lần nữa ray rứt, đớn đau. Nàng đã hơn hẳn hắn, dám đến gặp Người. Hắn cũng muốn làm được như nàng, nhưng hắn sợ, sợ điều gì không rõ.

Những lúc muốn cất bước đến với Người, hay đến hỏi xem Mẹ Người, có đúng Người là Hài Nhi năm xưa đó không. Thú nhận với Người về cuộc sống tội lỗi của hắn, để được Người tha thứ như nàng. Mỗi khi như thế, chân hắn lại nhũn ra, chôn chặt vào đất; lòng bối rối, run lên, mất hết sức lực. Hắn lại nghĩ, cuộc đời tội lỗi tầm thường của hắn, có còn xứng đáng đứng trước mặt Người nữa không? Nếu chẳng may vì vụng về không nói nên lời, vì thấp hèn bất xứng, Người không xua đuổi, quở mắng, nhưng chỉ lạnh lùng thôi. Hắn sẽ ra sao? Hắn sẽ mất hết niềm vui có được từ khi nghe Người nói: “Hãy ăn năn sám hối vì Nước Trời đã gần đến!” (Mc 1,15) Mà Nước Trời là gì nhỉ? Hắn lại băn khoăn, muốn đến được Nước Trời có phải làm giống như câu chuyện nàng gặp Người trong bữa tiệc?

Nàng quyết định lấy gia sản qúi báu nhất của nàng, là bình dầu thơm để dâng cho Người, đổi lại ơn thương xót. Từ khi thấy những người phụ nữ đạo đức đi theo Người, nàng đã muốn làm như họ. Nhưng dư luận và cái nhìn soi mói của nhiều người, đã giết chết ý nghĩ đó, lúc nó vừa manh nha nhô lên tựa mầm cây đâm chồi biếc nơi lòng nàng. Hắn lại run lên, đặt mình vào địa vị của nàng, làm được như nàng còn khó hơn vào ăn trộm của một nhà giàu đầy chó dữ. Hơn nữa, hắn đâu có gì quí để dâng Người, nghĩ đến đấy, hắn lại xót xa tủi phận. Nàng đến với Người không nói gì, không hề mở miệng cầu xin. Tủi thân và khát vọng sám hối khiến nàng khóc nhiều.

Lấy nước mắt rửa đôi chân bụi của Người, như tẩy rửa cuộc đời nhơ uế của chính nàng. Rồi nàng lại lấy mái tóc mượt mà thơm ngát, từng làm đắm say lòng người ấy mà lau (x. Lc 7, 37-38). Đối với hắn, nàng làm như vậy là đã nói hết được lòng mình. Nàng yêu mến Người biết bao. Lạ thay Người vẫn để cho nàng làm, không tỏ ra bực bội hay phản kháng vì nàng nhơ uế, tội lỗi, như một vài người đã nghĩ (x. Lc 7, 39).

Lòng mến thương, kính trọng và tin phục Người, trở thành sức mạnh vô cương cho nàng đập vỡ bình dầu thơm quí giá, xức cho Người. Ôi! Cái đập sao mà can đảm, mà thánh thiện đối với hắn. Hắn biết nàng từng quí bình dầu ấy ngần nào, có bao giờ nàng rời khỏi  nó đâu. Nàng đập vỡ nó là đập tan cả quãng đời quá khứ, đập cho hương thơm xóa nhòa tội lỗi. Đập vỡ là chết đi chính bản thân mình, và lối xưa hoa nguyệt cho linh hồn trở nên lành lặn. Là mở cửa con tim để khởi đầu nhịp sống mới, giao hòa cùng ân tình cứu độ, cất tiếng sám hối vĩnh viễn với thời gian. Cái đập làm nên phép lạ rẽ nước biển đời cho người tội nhân, cô gái điếm bước vào lối về Thiên Quốc. Cái đập vỡ hàn gắn tình người và tình Chúa, nâng hư vô lên thoát thai trong sự vĩnh hằng.

Hoa Tình Yêu rộ nở, bởi được thấm máu tim nàng trong nước mắt đầm đìa. Hương thơm của mảnh hồn tan nát từ chiếc bình quí vỡ tan, tỏa lan trong cung thẳm đền thờ cực thánh chốn thiên cung. Đấng Thần Nhân, Trái Tim Thương Xót Vô Biên mở rộng cửa đón linh hồn tội lỗi vào niềm vui cứu độ. Một lần nữa nước mắt tràn ra trên gương mặt giai nhân, những giọt nước mắt hạnh phúc: Nàng đã được Người tha tội (x. Lc 7,48).

Nghĩ đến đây, hắn bất chợt thay đổi nét mặt, cau có “Hừ! Sao lại có nhiều kẻ không tin Người, nhất là những người thường vênh váo nơi hội đường, tỏ ra mình tin vào Đức Chúa hơn ai hết”. Họ không tin Người có quyền tha tội! Không phải ông Gioan đã nói rồi sao? Hôm đó, nhiều người còn nghe cả tiếng Đức Chúa nói với Người “Đây là con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người” (Mt 3,17). Và chính bản thân Người cũng  từng minh chứng Người là Đấng có quyền tha tội “Vậy, để các ông biết: ở dưới đất này, con người có quyền tha tội – Đức Giêsu bảo người bại liệt: Tôi truyền cho anh: hãy đứng dậy, vác lấy giường của anh mà đi về nhà! Ngay lúc ấy, người bại liệt trỗi dậy trước mặt họ, vác cái anh dùng để nằm, vừa đi về nhà vừa tôn vinh Thiên Chúa.” (Lc 5,21–25)

Miên man suy nghĩ, hắn tụt hậu cuối đoàn người hồi nào không biết. Ngỡ chừng dòng tư tưởng của hắn có sức mạnh huyền bí nào cuốn hút Nhớ – Nghĩ đến Người. Người không quen với hắn, chưa một lần gặp gỡ đối mặt, nói chuyện thân tình. Nhưng sao cứ như Người thật gần gũi, thật tâm giao, hiểu rõ lòng hắn. Việc Người làm, lời Người nói có sức ảnh hưởng sâu xa đến cuộc sống của hắn. Hắn thiết tha muốn dứt bỏ quãng đời tội lỗi, mơ ước được đặt chân lên ngưỡng cửa Nước của Người. Mặc dầu hắn biết mình muôn vạn lần bất xứng, chỉ được nghe một lời Người nói thôi, hắn đã thấy lòng tràn trào hạnh phúc và hy vọng. Cuộc sống của hắn từ tấm bé đã bị dìm sâu trong nỗi bất hạnh, đói rách, cô đơn, khổ đau và sỉ nhục.

Tội lỗi xích xiềng lương tâm và niềm tin ít ỏi vào Đức Chúa, mà hắn được thừa kế của mẹ. Nhưng giờ đây, theo bước chân Người trong thầm lặng, hắn có cảm tưởng không phải hắn đã bước theo Người, nhưng chính Người đã đến, đến trong tâm tưởng hắn, đến thật âm thầm, đến thật thâm trầm, tháo tung tất cả xích xiềng ấy.

Hôm cuối cùng được thấy Người trong Đền Thờ, trước đông đảo dân chúng, hắn nghe Người nói với các thượng tế và kỳ mục: “Tôi bảo thật các ông. Những người thu thuế, những cô gái điếm vào nước Thiên Chúa trước các ông. Vì ông Gio-an đã đến chỉ đường công chính cho các ông, mà các ông không tin ông ấy, còn những người thu thuế và những cô gái điếm lại tin”(Mt 21,31–32). Tâm hồn hắn lâng lâng, mơ màng, cuộc sống sao lại hư ảo như thật qua một làn sương mỏng. Hắn lại thấy mình đi đến một miền đất xa xôi, nơi ánh sáng chiếm hữu mọi bóng tối, thứ ánh sáng diệu kỳ rạng rỡ êm mát toàn bộ không gian, chẳng để lại cái bóng của vật thể nào. Hắn chạm tới, hút dần vào vùng sáng ấy, tan biến.

Cơn khát dữ dội kéo về như bão cát miền sa mạc, làm hắn tỉnh lại. Hắn cố lần chiếc lưỡi cứng đơ, rát bỏng, liếm vành môi khô khốc, cổ họng phì phò hơi thở nóng như cửa bể lò rèn. Dưới chân hắn, từng cái đầu đen lố nhố tựa đoàn âm binh chuyển động dần rõ dần. Âm thanh hỗn loạn chốc chốc dấy lên từ đám đông cuồng nộ, chẳng khác tiếng quỷ gào dưới đáy vực âm ty vọng về. Cảm giác đau đớn, nhức nhối ở các vết lỗ  đinh chuyển theo cơ bắp thấu vào tim. Những  sợi gân nơi hai cánh tay và hai bàn chân co giật, run rẩy liên hồi, làm thân thể hắn thỉnh thoảng run lên bần bật. Hắn cố gượng chút sức mong manh còn lại, ấn hai bàn chân nâng người lên cho dễ thở hơn một tí. Song dường như thân thể không còn chuyển động theo ý muốn của hắn. Việc làm cuối cùng, cố gắng thật lâu nâng từ từ gương mặt vấy máu bạc tạng lên. Hắn lờ đờ đưa mắt nhìn về phía Người, trông Người còn thê thảm hơn hắn. Cả tấm thân trần đầy những vết thương do lằn roi tra tấn đêm qua để lại, lòng hắn ngậm ngùi, xúc động, thương cho Người hơn cả chính mình.

Ông không phải là Đấng Ki-Tô sao? Hãy tự cứu mình đi và cứu cả chúng tôi với!”

Đang lúc lòng tan nát vì mến thương Người, nghe câu nói hắn bừng giận, mắng ngay:

Mày đang chịu chung một hình phạt, vậy mà cả Thiên Chúa mày cũng không biết sợ! Chúng ta chịu như thế này là đích đáng, vì xứng với việc đã làm chứ ông này đâu có làm gì trái!”

Cố nén hơi thở dập dồn, im lặng giây phút lấy sức quay về bên Chúa Chiên, hắn nghẹn ngào :

Ông Giê-su ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi!”(Lc 23,39-43).

Đôi môi khô cứng mềm đi bởi lòng cảm xúc, được nói với Người câu đầu tiên trong bối cảnh nao lòng… Người nói với anh: “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng.” (Lc 23,39-43)

Huyền nhiệm Tình Trời nay đã mở, lời Người hứa, lời Tình Can-vê ru anh vào giấc ngủ thần tiên.

***

Huệ Trắng con yêu!

Chắc hẳn con đã biết sách Tin Mừng của thánh Lu-ca được xếp vào các sách Phúc Âm Nhất Lãm. Được Ngài viết cho một người ngoại đạo trở lại, có thế giá thời đó, Ông Thê-ô-phi-lô. Tuy được xếp vào hàng Nhất Lãm, nhưng trình thuật kể lại cuộc đối thoại giữa Chúa Giê-su và hai tên trộm cướp trên thập giá lại là trình thuật biệt lập. Trong bốn thánh sử chỉ có mình Ngài ghi lại. Như thánh Lu-ca nói, Ngài đã “cẩn thận tra cứu đầu đuôi mọi sự ”, để một người ngoại đạo trở lại như ông Thê-ô-phi-lô “nhận thức được rằng giáo huấn ngài đã học hỏi thật là vững chắc” (Lc 1, 2-4).

Do đó, áng văn ngắn gọn tuyệt vời thánh sử viết, được một người tín hữu tân tòng suy gẫm theo dòng thời gian, tìm ra ý nghĩa thần học sâu xa của nó, hầu làm sáng tỏ bài học thiêng liêng Chúa Thánh Linh đã dùng ngòi bút thánh nhân trao lại cho chúng ta.

Qua đoạn Tin Mừng chưa được mươi dòng này, Chúa Thánh Linh muốn dạy chúng ta điều gì? Một vấn nạn lớn được đặt ra: Tại sao một người suốt đời trộm cướp, lại chỉ qua một vài câu nói, và chỉ nói với Chúa Giê-su duy nhất một câu, lại được vào Nước Trời trước mọi người công chính? Thiên Chúa có công bằng không khi Ngài mở cửa Thiên Đàng cho một người tội lỗi vào trước tiên?

Đây là điều trộm nghĩ tất cả những ai có đức tin Ki-tô đều nên biết. Nhất là những người có khát vọng trọn lành, càng phải thấu hiểu nó sâu xa.

Con yêu thương !

Ngày con vĩnh khấn, người cha bị tước mất quyền phụ tử thiêng liêng, không có gì hơn ngoài “chút quà mọn làm của hồi môn” cho vị Hoàng Tử Tình Yêu đã mang sính lễ đến hỏi cưới con. Trao tặng con món quà nầy, chúc con luôn gắn bó với Người, để con nhờ đó, con có thể sống cho vẹn ước nguyền mà Người đã gieo vào lòng con từ tấm bé.

Con ơi! Hãy uống đi! Hãy thưởng thức dòng sữa ngọt đã từng nuôi con thuở còn thơ.

“Tạ ơn Cha! Ngày xưa Cha đã quan phòng cho con bị thương tật lâu dài để Cha nuôi lớn hồn con. Bây giờ Cha lại quan phòng cho con chịu bệnh tật, để con có thời gian viết lại những dòng này. Xin nhờ ơn Cha, sự sống của con nuôi sống các linh hồn. Amen.”

Điều trước tiên bố muốn nói đến, rút ra từ áng văn tuyệt tác của Phúc Âm, đó là Tình Cha. Thánh Thần Thiên Chúa qua  ngòi  bút  của  thánh sử Lu-ca, nói với chúng ta rằng mầu nhiệm Tình Cha Thương Xót vượt xa trên các nguyên do trong phạm trù nhân loại, để con người được ơn cứu độ. Là tình Thánh Tâm Thương Xót Vô Biên Chúa Ba Ngôi xót thương thụ tạo mang kiếp người mong manh ngắn ngủi, đã được mang lấy hình ảnh của Ngài. Tình thương xót bao la, kỳ vĩ vô biên ấy, được thể hiện qua mối tình Phụ Tử

Có phụ nữ nào quên được đứa con thơ của mình,

hay chẳng thương đứa con mình đã mang nặng đẻ đau?

Cho dù nó có quên đi nữa,

thì Ta, Ta cũng chẳng quên ngươi bao giờ.

Hãy xem, Ta đã ghi khắc ngươi trong lòng bàn tay Ta” (Is 49, 15-16a).

Người Cha Hằng Hữu đã ghi khắc miên viễn con mình vào bàn tay Nhân Hậu, bàn tay Nhân Ái quan phòng tạo dựng con từ chốn hư vô, đưa con lên từ phận người sa ngã, bị tước lột trần truồng ân sủng, đến địa vị con Thiên Chúa

Ngươi sẽ nói: “ ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng phán thế này với Giê-ru-sa-lem: Gốc gác ngươi, dòng họ ngươi phát xuất từ đất Ca-na-an; cha ngươi là người E-mô-ri, mẹ ngươi là người Khết. Lúc chào đời, ngày mới sinh ra, ngươi không được ai cắt rốn cũng không ai lấy nước tắm rửa cho sạch, chẳng được ai xát muối và lấy tả bọc cho. Không người nào ái ngại đưa mắt nhìn ngươi mà làm cho ngươi một trong những điều ấy vì xót thương ngươi. Ngày mới sinh ra, ngươi bị quẳng ra giữa đồng vì ai cũng ghê tởm ngươi.

Ta đi ngang qua chỗ ngươi và thấy ngươi giãy giụa trong máu. Thấy ngươi mình đầy máu me, Ta đã phán với ngươi: “Cứ việc sống!” Ta làm cho ngươi nảy nở như hoa ngoài đồng. Ngươi đã nảy nở, lớn lên và thành cô thiếu nữ với bộ ngực nở nang, mái tóc mượt mà, nhưng ngươi vẫn trần truồng, không mảnh vải che thân.

Ta đi ngang qua chỗ ngươi và thấy ngươi. Này ngươi đã đến tuổi, tuổi yêu đương. Ta đã lấy vạt áo của Ta phủ lên để che thân thể lõa lồ của ngươi. Ta đã thề nguyền và lập giao ước với ngươi -sấm ngôn của ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng- và ngươi thuộc về Ta.

Ta đã lấy nước tắm rửa, gội sạch máu me, rồi xức dầu thơm cho ngươi. Ta đã cho ngươi mặc đồ gấm vóc, đi giày da mềm, thắt khăn vải gai và khoác toàn tơ lụa. Ta đã lấy đồ trang sức tô điểm cho ngươi: đeo xuyến vào tay, đeo kiềng vào cổ. Ta đã lấy khuyên xỏ vào mũi ngươi, đeo hoa tai cho ngươi và lấy triều thiên rực rỡ đội lên đầu ngươi. Đồ trang sức của ngươi đều là vàng bạc, y phục của ngươi là vải gai mịn, tơ lụa và gấm vóc.

Ngươi được nuôi bằng tinh bột lúa miến, mật ong và dầu. Ngươi đã nên xinh đẹp tuyệt trần và xứng ngôi hoàng hậu. Giữa muôn dân nước, ngươi được nổi tiếng vì nhan sắc của ngươi; nhan sắc đó tuyệt vời nhờ ánh huy hoàng của Ta chiếu tỏa trên ngươi, – sấm ngôn của ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng. (Ed 16, 3-14).

Đời Anh Trộm và những diễn biến nội tâm của anh viết trên đây là một chuỗi suy tư, chiêm niệm, chắt lọc từ truyền thống và Thánh Kinh. Được đan dệt thành bức họa nhiệm mầu diễn tả phần nào mầu nhiệm: Người trong Chúa và Chúa trong người.

Chúa xót thương tạo dựng – quan phòng – nâng đỡ – dẫn dắt con người đạt đến ơn cứu rỗi. Nhưng đồng thời Người cũng ban cho con người sự Tự Do, được quyền khước từ hay đóng góp phần cố gắng nhỏ bé của mình vào chương trình của Ngài. Nên không thể cho rằng việc Anh Trộm lành được vào Thiên Quốc trước những người công chính, là một đặc ân nhưng không chỉ riêng anh có được. Bởi anh  được  an  bài  có  mặt  trong  thời  điểm  lịch  sử cứu độ không bao giờ tái diễn. Đây là Cánh Cửa Đã Mở, là Lối Về cho những ai thấy mình thích hợp đi vào linh đạo này.

Mầu Nhiệm Tình Cha Thương Xót đan quyện, hòa lẫn trong Anh Trộm và cuộc sống của anh. Hạt giống tình yêu Thiên Chúa được gieo vào cuộc đời trôi nổi, bất hạnh và tội lỗi của anh như bất cứ ai trên cõi  đời này.

Anh là một tên cướp (x. Lc 27, 38) không có gì đáng để người đời tôn trọng, không đáng được Chúa xót thương. Nhưng trong cái tầm thường, hèn mọn đến vô nghĩa, đến thừa thải như rác ở đời đó, anh đã tin :

“Ông Giê-su ơi! Khi ông vào Nước của ông…” Niềm tin này không phải được Thiên Chúa ban cho anh ngay lúc anh chịu đóng đinh với Người. Những lời anh nói như “Ông này có làm điều gì trái” hay “Nước của ông” có thể khẳng định đức tin của anh đã được dần dần trưởng thành với thời gian. Nhờ quan sát Chúa sống, theo dõi, lắng nghe Chúa giảng dạy, nhận xét và cầu nguyện.

Anh không dừng lại ở việc chỉ tin Chúa Giê-su là Đấng Ki-tô, Đấng Cứu Thế. Anh đã tin đến mức hết lòng kính sợ Chúa và tuyên xưng niềm tin của mình. Anh mắng ngay người cùng số phận, có thể là bạn đồng hội đồng thuyền: “Vậy mà cả Thiên Chúa mày cũng không biết sợ” để bênh vực cho Chúa Giê-su. Làm gì có ai muốn gánh vác thay, vác thêm giùm cho người khác, trong khi mình đang vác nặng đến chút sức cuối cùng. Nhưng Anh Trộm đã làm thế, trong giờ hấp hối của Anh, một nhiệt tâm lạ lùng của tình mến Chúa Giê-su.

Anh tôn vinh danh Chúa qua việc vâng phục thánh ý Ngài dầu phải chết. Nhìn nhận sự sửa phạt của Thiên Chúa là đúng, là công bằng – “Chúng ta chịu như thế này là đích đáng” giữa lúc mình đã mang án tử và sự đau đớn tột cùng của khổ hình thập tự. Một tấm lòng sám hối dào dạt sóng đến tận cùng bến bờ ăn năn, trở thành phúc may vô hạn.

Thán phục thay đức tin của một tên trộm! Liệu những người tự xem mình thánh thiện, công chính hơn anh. Được mấy người sống được niềm tin như thế trong mọi hoàn cảnh Chúa quan phòng, trong những lúc cảm thấy mình đau khổ nhất?

Trong lúc những tông đồ được Người yêu thương, ân cần dạy dỗ suốt ba năm, chứng kiến biết bao phép lạ Người làm. Lại để Người cô đơn dù Người đã căn dặn, ngủ say lúc Người buồn khổ nhất; bỏ chạy, chối Thầy trong khi Người chịu khổ hình, chưa nói đến kẻ bán Thầy. Còn Anh Trộm trong lúc đau đớn cực độ, cái chết đã gần kề, anh vẫn lớn tiếng bênh vực cho Người. Tổ phụ Áp-ra-ham công chính nhờ đã tin, vậy xét ra Anh Trộm và các thánh tông đồ của Chúa, lúc bấy giờ ai công chính hơn ai? (x. St 15, 6)

Đời Anh Trộm, anh nhận chưa đầy nén bạc hồng ân nhưng anh đã làm lời được phần ít ỏi đó.

Về mặt luân lý, quả thật anh là một người tội lỗi. Nhưng ngay trên thập giá, lời anh nói, cho chúng ta thấy được vẻ đẹp của  tâm hồn anh, vẻ đẹp của linh hồn sám hối, trở về trong ơn nghĩa Chúa. Anh không thông đồng với kẻ ác, dù là đồng hội đồng thuyền: “Mày đang chịu chung một hình phạt, vậy mà cả Thiên Chúa mày cũng không biết sợ…” để bênh vực cho Người. Anh không ngần ngại nói lên sự thật. Sự thật mà ít người dám công khai nhìn nhận: đó là điểm xấu hay tội lỗi của bản thân. Còn anh : “Chúng ta chịu như thế này là đích đáng, vì xứng với việc đã làm”. Cũng trong câu nói ấy, anh tỏ lộ tấm lòng vâng phục thánh ý Chúa. Sự đau đớn và cái chết đi liền do khổ hình thập giá, không làm anh bất mãn hay than oán. Đồng thời, nó cũng nói lên anh thật lòng sám hối, sẵn sàng đền tội. Như Da-kêu anh chấp nhận đền bù bằng chính sự sống mình – của cải qúi giá nhất mà anh còn có.

Gẫm suy câu nói của Anh Trộm với Chúa Giê-su, chúng ta càng thấy vẻ đẹp thanh cao của một tâm hồn khiêm hạ, một tâm hồn đã được thanh tẩy, tôi luyện từ đau khổ.      “Ông Giê-su ơi! Khi ông vào Nước của ông xin nhớ đến tôi!” Anh trộm không xin cho mình được xuống khỏi thập giá như bạn. Nghĩa là anh không muốn níu kéo cuộc sống ở trần gian, lòng anh như đã hướng về một thế giới khác. Thế giới, nhờ niềm tin anh nhận biết nó thanh cao hơn, miên viễn hạnh phúc hơn. Thế giới anh gọi là “Nước của ông”.

Anh lại không tham lam xin cho được vào Nước ấy, trái ngược với bản tính một kẻ cướp, một gã gian phi. Chắc hẳn lòng khiêm hạ bảo anh: anh thật bất xứng.

Từ “nhớ” anh nói là hoa trái ngọt lành của lòng khiêm hạ thẳm sâu. Anh canh cánh trong lòng nỗi trăn trở, đớn đau của một linh hồn sám hối, tự hiểu bản thân anh không xứng đáng đòi hỏi gì cả. Có thể anh đã siêu thoát bản thân đến không còn vụ lợi, dù cho nó là phần rỗi linh hồn. Anh chỉ xin Người “nhớ” anh, còn Người muốn đối xử với anh thế nào cũng được. Anh Trộm đã tin Người và trông cậy.

“Nhớ” còn là ngôn ngữ của tình yêu. Anh yêu mến Người trong thầm lặng, tình yêu thoát thai từ tấm lòng tan nát khiêm cung. Chỉ cần Người nhớ anh là anh thỏa lòng … Tình yêu mến anh dành cho Người thật nồng nàn và cao thượng biết bao!

Một đời bất hạnh đẩy đưa anh vào cuộc sống tội lỗi, anh nghe Người rao giảng, anh tin. Nhưng anh không dứt bỏ được cuộc sống đã làm trái tim anh tan nát mỗi khi nhớ đến lời Người. Đối với anh cuộc trở về của Da–kêu, của cô gái điếm là một hạnh phúc lớn lao. Anh biết thế, nhưng anh không đủ sức từ bỏ cuộc sống tội lỗi, cho đến khi bị bắt và bị xử hình. Anh thuộc hạng người thật yếu đuối, yếu đuối đến tột cùng. Như vậy giá trị đức tin của anh vỏn vẹn dồn nén trong khát vọng công chính đến hơi thở cuối cùng. Và như thế, đủ để anh được phúc no thỏa sự công chính, no thỏa yêu và được yêu. Trong từng nỗi bất hạnh, tầm thường của đời anh đó, tình yêu Thiên Chúa là Cha đã đưa anh lên đỉnh Tình Thập Giá.

Ngay lúc anh chịu đau đớn, ngỡ chừng ngang bằng với đau đớn khổ hình Thập giá của Đấng Cứu Thế. Anh đón nhận đau khổ với cả tấm lòng yêu, tin tưởng, yêu mến và cậy trông, làm cho thời khắc chịu đau khổ tột cùng của Anh, đã biến đổi tội lỗi cả đời anh hóa nhiệm mầu. Anh Trộm xứng đáng được ở trong đoàn người “Họ là những người đã đến, sau khi đã trải qua thử thách lớn lao. Họ đã giặt sạch áo mình trong máu Con Chiên” (Kh 7, 14).

Thiên Chúa là Cha đã yêu anh từ thuở đời đời, như Ngài đã yêu mến tất cả chúng ta. Người đặt anh vào giữa dòng đời cát bụi, ban cho anh thật ít ỏi ân huệ trong kiếp nhân sinh. Có lẽ trong suốt cuộc đời Anh Trộm, anh không bao giờ nghĩ được, tưởng tượng ra Cha đã yêu anh ngần nào và cứu độ anh cách lạ lùng thế ấy. Tình Cha đã khắc anh vào lòng bàn tay Ngài từ muôn thuở. Chúng ta cũng vậy đó!

Con yêu ơi !

Viết cho con mà lòng bố hướng về gia đình nhân loại. Trong đó còn có vô số hồn thơ bất lực như Anh Trộm, nhưng những anh chị em đó không được ơn soi sáng, dẫn dắt đời sống tâm linh như một số linh hồn may mắn hơn. Cha cần đến một ai đó để sai đi, để nói cho những hồn thơ con Đường Nhỏ Bất Lực tuyệt vời nầy. Bố đã già, ngồi đây, trong góc tối cuộc đời với tấm thân bệnh tật. Bố đã chẳng phục vụ Người cho đáng khi còn trẻ khoẻ, giờ còn làm được không hơn một chút tình chắp cánh ước mơ.

Người Nữ Tu ngày khấn!

Ngày xưa, những lời ta nói với con về một tương lai như chút mật còn phong kín trong búp huệ nõn nà chưa phơi bày hương nhụy. Bây giờ hoa nở, sắc trinh nguyên rạng ánh huy hoàng, hương thơm nồng nàn say tình cứu độ. Trên danh nghĩa và cả trong huyền nhiệm Tình Yêu, từ nay con thuộc trọn về Người.

Nhưng con ơi! Danh nghĩa và ân tình cao trọng ấy sẽ biến thành hạt bụi hư không, nếu con một lần làm hoen ố sắc huệ trinh nguyên. Nếu con phai nhạt tự trong lòng ơn gọi chính thức: ơn gọi nên thánh của đời con. Chiếc áo nữ tu sẽ trở thành lời kết tội con, thành sự ô nhục cho Đấng Tình Quân con kết ước, nếu con để mình bị lôi kéo vào men thế tục. Sống không hơn đời sống của một gã bụi đời, một tên ngoại giáo vừa trở lại, một Anh Trộm.

Ta gọi con là Huệ Trắng, đứa con đầu lòng ta sinh lại trong Thánh Thần Chân Lý. Bởi vì ta mong muốn con và những linh hồn đến với ta sau con, đều giữ vẹn chiếc áo trắng tinh tuyền của ơn thánh. Cho đến lúc chúng ta gặp lại nhau trên quê hương hằng hữu.

Người mẹ cưu mang trọn cả tình cha, đã sinh các con ra trong đớn đau quặn thắt triền miên của một đời khổ hạnh; chắt chiu, tần tảo nuôi con như cánh cò trôi giạt bờ ao. Thế mà cánh cò lòng mẹ đã bị thế gian lần lượt cướp mất con mình, nỗi đau còn lớn hơn cưu mang, chuyển dạ đến hai lần. Ta mỉm cười với thế gian, chấp nhận nỗi hẩm hiu của đời Hoa Cỏ. Nhưng khi trở về với chính mình

Mẹ cồn cào lòng xót xa bối rối

Con đói lòng lúc bầu sữa tràn căng,

Vòng tay mở, tình mẹ khoảng không ngăn

Gối êm ái vắng hài nhi nựng nịu.

 

Xin trả tôi tình con yêu thơ dại

Tôi tặng vào chốn cổng kín tường cao,

Sao nghi nan đem trụ chắn dưới rào

Cam trói buộc chia lìa tình mục tử?!”

khiến nước mắt chứa chan hồn hoa dại. Nỗi đau ấy đã lớn lắm rồi. Ta không muốn mất con, càng không muốn phải xa lìa con vĩnh viễn. Ta không muốn để Cha chúng ta phải mất một linh hồn nào. Con nhớ nhé!

Để con dễ hiểu, dễ dàng san sớt bài học thiêng liêng Lối Về Tên Trộm cho các linh hồn, bố tóm tắt mấy điểm chính:

– Không xin cho bản thân (dù xin gì) để xin tất cả mọi điều tốt lành theo ý Chúa. Biết khát khao ơn đã là xin ơn (x. Mt 5,6).

– Không xin ơn cho cuộc sống đời tạm, để chọn tình quan phòng của Chúa Nhân Hậu làm gia nghiệp (x. Lc 12,22 – 32).

– Tin và phó thác là lời cầu xin trọn hảo, siêu thoát được ý riêng và siêu thoát cả bản thân mình. (x. Lc 15,31)

– Tin đến mức thấy không còn cần phải cầu xin, là lời cầu xin uy lực nhất. (X. Mt 9,20 – 22; Lc 23,40 – 43).

– Thà rằng câm nín không xin và phó thác. Còn hơn xin mà không hoàn toàn tin tưởng, hoặc lời xin nặng mang tinh thần thế tục.

– Nhưng, khiêm tốn cầu xin luôn mãi, dẫu lời cầu xin rất dại khờ, vẫn tốt hơn ngàn lần không xin để tin với lòng đầy kiêu hãnh.

 

Tình Yêu Hoa Cỏ

 

  • Dù bản thân ta sa ngã thật nhiều, triền miên vấp phạm, yếu đuối đến tột cùng, chúng ta cũng không được nản lòng. Hãy biết tin tưởng cậy trông cả những lúc mọi sự dường như không thể.
  • Hãy luôn sống trước mặt Chúa với nỗi lòng thống hối, lòng khiêm hạ đích thực của một hồn thơ bất lực.

Tự mình không đủ sức tạo ra các việc đền tội, nhưng luôn sẵn sàng đón nhận cuộc sống khổ hạnh do Chúa quan phòng. Can đảm lặp lại lời Anh Trộm, trong những lúc khổ đau nhất: “Đau khổ này xứng đáng với tội lỗi tôi”.

  • Học hỏi, lắng nghe và gẫm suy lời Chúa cách chuyên chăm. Cầu nguyện và giữ lời Người ở trong tim.
  • Sống đức tin. Sẵn sàng tuyên xưng đức tin ở mọi nơi, mọi lúc. Dù việc nhỏ mọn như làm dấu Thánh Giá trước sau bữa ăn. Trung tín trong việc nhỏ để có thể trung thành trong việc lớn.
  • Tình yêu có sức mạnh hơn sự dữ và tội lỗi. Vì thế hãy yêu mến thật nhiều, yêu Chúa lẫn yêu người.

Luôn lấy việc làm vinh danh Chúa và cứu rỗi các linh hồn làm mục đích cho đời mình.

 

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *