Máu Thánh Gennariô lại hóa lỏng một cách kỳ diệu

1. Máu Thánh Gennariô lại hóa lỏng một cách kỳ diệu

Phép lạ hóa lỏng máu của Thánh Gennariô, giám mục, tử đạo và thánh bảo trợ của Naples, Ý, đã được lặp lại tại Vương cung thánh đường Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời vào ngày 4 tháng 5.

Tổng giáo phận Naples đưa tin trên trang web của mình rằng vào ngày 4 tháng 5 lúc 6:38 chiều giờ địa phương, phép lạ hóa lỏng máu của Thánh Gennariô một lần nữa lại xảy ra.

Thánh Gennariô chịu tử đạo vào năm 305, trong cuộc đàn áp khốc liệt do hoàng đế Rôma Điôclêtiô phát động.

Sự hóa lỏng kỳ diệu xảy ra trong Thánh lễ do Đức Tổng Giám Mục Naples, Domenico Battaglia cử hành, với sự tham dự của Tu viện trưởng Vincenzo De Gregorio và thị trưởng Naples, Gaetano Manfredi.

Khi phép lạ được lặp lại, một tấm vải trắng được vẫy lên để báo cho dân chúng biết rằng phép lạ đã xảy ra.

Thách thức niềm tin rằng khi máu không hóa lỏng thì một số điều bất hạnh có thể xảy ra, Đức Tổng Giám Mục Battaglia nói với những người có mặt trong Thánh lễ rằng “máu này là dấu hiệu của một giấc mơ cứu rỗi, hy vọng, tin tưởng. Nó không phải là một lời tiên tri để tham khảo nhưng là một la bàn để đi theo bởi vì nó luôn hướng về Chúa Kitô, nguồn gốc và mục tiêu của hành trình của chúng ta, lịch sử của chúng ta và lịch sử thế giới.”

Ngài nói tiếp: “Các nguồn truyền khẩu và hồ sơ chính thức về cuộc tử đạo của Giám mục Gennariô cho chúng ta biết ngài đã không hề sợ hãi, đặt lợi ích của anh em lên trên sự an toàn của chính mình, khi đi thăm một người anh em bị tù vì đức tin vào Chúa Kitô”.

Sau đó, vị Giám Mục đã cầu nguyện với vị tử đạo: “Xin giúp chúng con bước đi trên các nẻo đường thời gian và lịch sử, với cái nhìn hướng về Chúa, Đấng mà chúng con đã yêu mến và phục vụ, và xin cho chúng con luôn sẵn sàng bước đến với anh chị em chúng con, những người đang ở trong các nhà tù về thể chất, nội tâm hoặc xã hội.”

“Xin cho chúng con giống như anh chị em, những người bất chấp nguy hiểm và bách hại, vì tình yêu Thiên Chúa và anh em, không ngại lên đường và liều mạng để truyền bá bánh Lời Chúa, phục hồi những anh em bị giam cầm vì Tin Mừng và bạo lực của loài người”

Đức Tổng Giám Mục nhấn mạnh rằng: “Xin Thánh Gennariô cầu nguyện cho chúng con và giúp chúng con cầu nguyện không mệt mỏi để trong thành phố này của ngài, máu vô tội sẽ không đổ ra nữa, để ở Âu Châu của chúng con, Thánh Địa và thế giới, các cuộc xung đột huynh đệ tương tàn chấm dứt và xin Chúa Giêsu Kitô đánh bại mọi bạo lực, lau khô những giọt nước mắt đau đớn và giải trừ mọi ước muốn trả thù bằng sự tha thứ”.

Theo tài liệu của cơ quan truyền thông Ý Famiglia Cristiana, nghĩa là Gia Đình Kitô, quá trình hóa lỏng đôi khi mất hàng giờ hoặc thậm chí vài ngày, thậm chí đôi khi hoàn toàn không xảy ra.

Xương và máu của Thánh Gennariô được lưu giữ như những di vật quý giá trong nhà thờ chính tòa Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời của Napoli. Vị Giám mục của thành phố miền nam nước Ý đã tử vì đạo trong cuộc đàn áp dưới triều Hoàng Đế Điôclêtiô.

Phép lạ nổi tiếng được biết đến và chấp nhận tại địa phương, mặc dù nó vẫn chưa được Giáo hội chính thức công nhận. Theo truyền thống, sự hóa lỏng xảy ra ít nhất ba lần một năm: ngày 19 tháng 9, ngày lễ của vị thánh, ngày thứ bảy đầu tiên của tháng 5 và ngày 16 tháng 12, kỷ niệm vụ phun trào của hoả diệm sơn Vesuvius gần đó vào năm 1631.

Nhiều cư dân của Napoli tin rằng việc máu của Thánh Gennaro không hóa lỏng là một dấu chỉ cho thấy các bi kịch sẽ xảy đến cho thành phố. Gần đây nhất, khi máu của thánh nhân không hóa lỏng vào năm 1980, một trận động đất đã xảy ra ít ngày sau ở phía nam thành phố Napoli làm hơn 2,500 người thiệt mạng. Một trường hợp tương tự vào năm 1939, khi một bệnh dịch tả tấn công thành phố ngay trước khi bùng nổ Thế chiến thứ hai; và vào năm 1943, khi quân đội Đức Quốc xã chiếm đóng Ý. Trong quá khứ xa xôi nhất, sự vắng mặt của các phép lạ thường được kết hợp với các tổn thất quân sự, các vụ phun trào núi lửa, và sự bùng phát của các dịch bệnh.

Vào ngày 21 tháng 3 năm 2015, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã gặp gỡ các linh mục, tu sĩ và chủng sinh tại nhà thờ này.

Trước khi kết thúc cuộc gặp gỡ, Đức Thánh Cha đã đọc kinh Lạy Cha. Đức Hồng Y Sepe trao cho ngài bình máu thánh Gennaro. Khi Đức Thánh Cha hôn kính thánh tích, máu bắt đầu hóa lỏng và Đức Hồng Y đưa ra nhận xét này với Đức Thánh Cha.

Đức Thánh Cha sau đó đã cầm thánh tích trên tay để ban phép lành cho cộng đoàn trước khi trao lại cho Đức Hồng Y. Vị Hồng Y Tổng Giám Mục thành Napoli quan sát một lần nữa và kêu gọi sự chú ý của mọi người.

Ngài nói:

“Anh chị em chú ý: Có dấu chỉ cho thấy Thánh Gennaro thương mến Đức Giáo Hoàng, cũng là người Napoli như chúng ta: máu đã lỏng”.

Máu đã hóa lỏng nhưng không hoàn toàn. Đức Giáo Hoàng nhận xét hóm hỉnh như sau:

“Dường như vị thánh yêu thương chúng ta một chút. Chúng ta phải hoán cải nhiều hơn để ngài yêu thương chúng ta hoàn toàn.”

2. Đức Hồng Y Vatican vinh danh Thánh Gioan Phaolô II

Đức Hồng Y Giovanni Battista Re, niên trưởng Hồng Y đoàn, đã là chủ tế trong thánh lễ tại Đền Thờ Thánh Phêrô vào ngày 27 tháng 4, kỷ niệm 10 năm phong thánh cho Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II. Đức Hồng Y Angelo Comastri, 80 tuổi, nguyên Giám quản Đền Thờ Thánh Phêrô từ năm 2005 đến 2021, là người giảng lễ.

Đức Hồng Y Comastri đã rao giảng rằng “Đức Gioan Phaolô II phải được ghi nhận là một người can đảm, quyết đoán và mạch lạc trong thời đại đầy sợ hãi, thỏa hiệp và thiếu quyết đoán”. Ngài tỏ lòng tôn kính đặc biệt đối với lòng sùng kính Đức Mẹ của Thánh Gioan Phaolô, cam kết hòa bình, bảo vệ sự sống và gia đình, cũng như những nỗ lực giới thiệu Tin Mừng cho giới trẻ.

“Ngài biết rằng những người trẻ không có Chúa Kitô sẽ không bao giờ có thể tìm thấy ý nghĩa của cuộc sống và sẽ không bao giờ có thể thưởng thức được sự thật hấp dẫn của tình yêu, đó là sự tự hiến chứ không phải là ý thích bẻ cong mọi thứ và mọi người về chính nó,” Đức Hồng Y Comastri nói. “Đức Giáo Hoàng đã tìm kiếm những người trẻ, và những người trẻ cảm thấy ngài là một người bạn: một người bạn thực sự, một người bạn chân thành, một người bạn không thỏa hiệp để thu hút khán giả, một người bạn không hạ thấp giá trị Tin Mừng để trở nên nổi tiếng.”

3. Công bố chương trình viếng thăm của Đức Thánh Cha tại Verona

Hôm 29 tháng Tư vừa qua, Phòng Báo chí Tòa Thánh đã công bố chương trình viếng thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô tại Giáo phận Verona, bắc Ý, vào Chúa nhật, ngày 19 tháng Năm tới đây, lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống.

Verona cách Roma 412 cây số và giáo phận tại đây có 850.000 tín hữu Công Giáo.

Đức Thánh Cha sẽ đáp trực trăng từ Vatican lúc 6 giờ 30 để tới Verona, lúc 8 giờ sáng. Tại đây, sau khi được Đức Cha Domenico Pompili, giám mục sở tại, cũng với các giới chức chính quyền tiếp đón, Đức Thánh Cha sẽ tới ngay Vương cung thánh đường thánh Zeno để gặp gỡ các linh mục và những người nam nữ thánh hiến, vào lúc 8 giờ 30, trước khi đến Quảng trường thánh Zeno để gặp gỡ các trẻ em và người trẻ vào lúc 9 giờ 15, rồi đến hý trường Arena để gặp gỡ, trong vòng một tiếng rưỡi đồng hồ, các tham dự viên cuộc mít tinh lớn về hòa bình, vào lúc 10 giờ 15. Tiếp đến, Đức Thánh Cha còn đến thăm nhà tù Montorio, dùng bữa trưa, lúc 1 giờ, với các tù nhân. Sau đó, lúc 2 giờ 30, Đức Thánh Cha giã từ nhà tù để tới sân vận động Bentegodi để cử hành thánh lễ đồng tế tại đây, vào lúc 3 giờ chiều.

Sau thánh lễ, Đức Thánh Cha sẽ đáp trực thăng từ sân vận động Bentegodi để trở về Vatican, dự kiến vào lúc 6 giờ 15 phút chiều.

Ngày 07 tháng Bảy sau đó, theo dự kiến, Đức Thánh Cha sẽ trở lại miền bắc Ý để viếng thăm tại thành phố cảng Trieste.

Ngày 24 tháng Giêng vừa rồi, Đức Cha Enrico Trevisi, Giám mục Giáo phận Trieste, thông báo với các tín hữu rằng: “Chúng ta vui mừng đón tiếp Đức Giáo Hoàng Phanxicô vào Chúa nhật, ngày 07 tháng Bảy tới đây. Ngài sẽ đến Trieste để bế mạc Tuần lễ xã hội Công Giáo lần thứ 50, gặp gỡ các tham dự viên Hội nghị và cử hành thánh lễ tại Quảng trường Thống Nhất nước Ý. Chúng ta hãy chuẩn bị bằng lời cầu nguyện để đón tiếp ngài, để biến cố này là một thời điểm, trong đó chúng ta củng cố sự tham gia vào việc xây dựng cộng đoàn Giáo hội và dân sự của chúng ta. Chúng ta ở ‘ngoại ô’ của Ý, nghĩa là ở biên cương đưa chúng ta gặp gỡ các dân tộc và các nền văn hóa khác. Đây giống như thể một lời mời gọi hãy sẵn sàng thông truyền và làm chứng về sứ điệp hòa bình và công lý của Tin mừng mà Đức Giáo Hoàng phổ biến trong nhiều trường hợp”.

Trong khóa họp hôm 22 tháng Giêng tiếp đó của Ban Thường vụ Hội đồng Giám mục Ý ở Roma, Đức Cha Giuseppe Baturi, Tổng thư ký Hội đồng Giám mục Ý cũng đã cho biết Đức Thánh Cha sẽ bế mạc Tuần lễ xã hội lần thứ 50 của Công Giáo Ý.

4. Giám mục Tây Ban Nha nói với Tổng thống Biden: Cầu xin Chúa Giêsu Kitô ủng hộ việc phá thai là một sự phạm thánh

Tổng thống Hoa Kỳ Tổng thống Joe Biden đã bị chỉ trích vì làm dấu thánh giá trong một cuộc biểu tình chỉ trích các biện pháp hạn chế phá thai.

Trong số những người chỉ trích ông có Đức Cha José Ignacio Munilla, giám mục của Orihuela-Alicante ở Tây Ban Nha, người đã gọi cử chỉ của Tổng thống Biden là một “sự phạm thánh”.

Tổng thống Biden đã đến Tampa, Florida, vào ngày 23 tháng 4 để tham dự một cuộc tuần hành phản đối diễn ra một tuần trước khi luật hạn chế phá thai ở bang này đối với thai nhi từ 15 đến 6 tuần có hiệu lực.

Trong khi một người ủng hộ Tổng thống Biden trên sân khấu chỉ trích thống đốc Florida và cựu ứng cử viên Đảng Cộng hòa cho chức tổng thống Ron DeSantis vì đã ký dự luật thì Tổng thống Biden đã làm dấu thánh giá.

Trong chương trình phát thanh các ngày trong tuần của mình trên Đài phát thanh María España, Đức Munilla nói rằng việc làm dấu thánh giá để ủng hộ việc phá thai là một cử chỉ “phạm thánh” và “xúc phạm dấu thánh giá”.

Đức Giám Mục chỉ ra rằng “Việc kêu gọi Chúa Giêsu Kitô ủng hộ việc phá thai” đã thu hút sự chỉ trích mạnh mẽ “trong nhiều giới ủng hộ sự sống và Công Giáo”.

Munilla nói, việc làm dấu thánh giá được dùng như một dấu hiệu “trong đó chúng ta tưởng nhớ rằng Chúa Giêsu đã hiến mạng sống vì chúng ta, Người đã hiến mạng sống mình cho tất cả những người vô tội, Người đã hiến mạng sống mình để phục hồi sự vô tội và biến chúng ta thành những vị thánh”.

Tuy nhiên, việc sử dụng dấu thánh giá như Tổng thống Biden đã làm là “một cách phạm thánh”.

Đề cập đến vụ việc, vị Giám Mục Tây Ban Nha cảnh báo về nguy cơ một người Công Giáo có thể công khai thể hiện đức tin của mình bằng cách làm dấu thánh giá đồng thời bóp méo ý nghĩa của nó “một cách phạm thánh”.


Source:Catholic News Agency

5. Tòa án cho biết các kế hoạch chăm sóc sức khỏe của tiểu bang không thể loại trừ phẫu thuật chuyển đổi giới tính

Tòa phúc thẩm liên bang ở Richmond đã trở thành tòa án đầu tiên trong cả nước ra phán quyết rằng các chương trình chăm sóc sức khỏe của tiểu bang phải chi trả cho các ca phẫu thuật chuyển giới, một thắng lợi lớn cho quyền của người chuyển giới trong bối cảnh gia tăng làn sóng hoạt động và vận động luật pháp cho người chuyển giới trên toàn quốc.

Quyết định này được đưa ra từ một loạt vụ việc ở Bắc Carolina và Tây Virginia, nơi các quan chức tiểu bang lập luận rằng chính sách của họ dựa trên những lo ngại về chi phí hơn là thiên vị. Tòa phúc thẩm Hoa Kỳ khu vực 4 đã bác bỏ lập luận đó, cho rằng kế hoạch này đang phân biệt đối xử với những người chuyển giới cần được điều trị.

Thẩm phán Roger Gregory, đại diện cho đa số, gọi những hạn chế này là “rõ ràng là mang tính phân biệt đối xử” dựa trên giới tính.

Đây là phán quyết thứ hai ủng hộ quyền của người chuyển giới trong tháng này từ Tòa án số 4, một tòa án từng bảo thủ đã trở thành người tiên phong trong lĩnh vực quyền của người chuyển giới. Tòa án này là cơ quan đầu tiên tuyên bố học sinh chuyển giới có quyền sử dụng phòng tắm phù hợp với bản dạng giới tính của họ và là cơ quan đầu tiên công nhận chứng phiền muộn giới tính là một khuyết tật được bảo vệ. Đầu tháng này, tòa án cho biết một trường trung học cơ sở được liên bang tài trợ không thể cấm một học sinh chuyển giới 13 tuổi thi đấu trong đội điền kinh nữ.

Tất cả những phán quyết này đã chia rẽ tòa phúc thẩm theo các đường lối tư tưởng. Khi phản đối phán quyết hôm thứ Hai, Thẩm phán Jay Richardson, người được cựu Tổng thống Trump bổ nhiệm, đã viết rằng tòa án liên bang không có vai trò gì trong việc kiểm soát những phương pháp điều trị mà các chương trình chăm sóc sức khỏe quyết định chi trả.

Richardson viết, ý kiến đa số “coi những trường hợp này như những mặt trận mới mà cuộc xung đột này phải được tiến hành. Nhưng không phải trận chiến nào cũng là một phần của cuộc chiến lớn hơn. Trong sự vội vàng của đa số để bảo vệ nguyên đơn, kết quả ngày hôm nay đã vượt quá giới hạn của pháp luật.”

Các tiểu bang khác đã cấm điều trị nội tiết tố và phẫu thuật đối với trẻ vị thành niên chuyển giới; một số còn hạn chế chăm sóc cho người lớn chuyển giới. Nhiều tiểu bang khác có luật tương tự chống lại việc chi trả bảo hiểm cho việc điều trị liên quan đến chuyển giới.

Ở Tây Virginia, những người chuyển giới sử dụng Medicaid đã phản đối chương trình của tiểu bang, vốn đã bị luật cấm chi trả cho “phẫu thuật chuyển giới” từ năm 2004. Ở Bắc Carolina, các nhân viên tiểu bang đã thách thức phạm vi bảo hiểm của họ, trong đó vào năm 2018 đã loại trừ phương pháp điều trị bằng phẫu thuật đối với chứng phiền muộn giới tính – chẩn đoán lâm sàng về sự mất kết nối giữa giới tính của một người và giới tính khi sinh.

Cả hai tiểu bang đều nhấn mạnh rằng không có sự thiên vị trong giới hạn phạm vi bảo hiểm của họ, và nhấn mạnh rằng họ chỉ lo ngại về chi phí; Họ lập luận rằng bệnh nhân chuyển giới chỉ được hưởng các phương pháp điều trị sức khỏe giống như những người khác chứ không thể được chăm sóc chuyên biệt.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *