Trong cuốn “Những ngày Lễ Công Giáo” (Lịch Công Giáo) năm 2010 – 2011, ngày 1 tháng 8 (trang 111) có ghi lưu ý: Từ trưa hôm nay (1/8) cho đến nửa đêm ngày mai (2/8), ai viếng nhà thờ giáo xứ, đọc một kinh Lạy Cha và một kinh Tin Kính, thì hưởng ơn đại xá “Portiuncula”, với những điều kiện theo thường lệ (xưng tội, rước lễ, cầu nguyện theo ý Đức Giáo Tông). Ân xá này chỉ được hưởng một lần mà thôi (Ench. Indulg., ấn bản 1999, concessio 33).
Vậy ơn đại xá “Portiuncula” là gì? Chính Đức Giáo Tông Biển Đức XVI trong buổi đọc Kinh Truyền Tin chung trưa Chúa Nhật 02/08/2009 đã trả lời cho khách hành hương và Giáo dân tại Rôma như sau:
“Hôm nay chúng ta chiêm ngắm nơi thánh Phanxicô thành Assisi tình yêu thương nồng cháy đối với ơn cứu rỗi của các linh hồn, mà mỗi linh mục phải luôn luôn nuôi dưỡng. Thật vậy vì trong tháng 8 này cũng là dịp kỷ niệm ‘Ơn tha tội Assisi’, mà thánh Phanxicô đã xin được cho tín hữu từ Đức Giáo Tông Onorio III hồi năm 1216, sau một thị kiến, trong đó thánh nhân thấy mình đang cầu nguyện trong ngôi nhà thờ nhỏ Porziuncola. Chúa Giêsu hiện ra với thánh nhân trong vinh quang, bên phải có Trinh Nữ Maria và nhiều Thiên Thần. Chúa xin thánh nhân bày tỏ một nguyện ước và thánh Phanxicô đã khẩn nài Chúa ban ‘ơn tha thứ rộng rãi và quảng đại’ cho tất cả những ai đã thống hối xưng tội và đến cầu nguyện trong ngôi nhà nguyện nhỏ này. Được Đức Giáo Tông chấp thuận, thánh Phanxicô không đợi có tài liệu viết nào, mà chạy ngay về Assisi và đến nhà nguyện Porziuncola báo tin vui cho dân chúng. Ngài nói: ‘Hỡi anh chị em, tôi muốn gửi tất cả mọi người lên Thiên Đàng!’.
Và sau đó ngày 15/5/1892, Đức Giáo Tông Lêo XIII đã phổ biến rộng rãi ban đặc ân ‘Portiuncula’ (ơn đại xá cho ai viếng nhà thờ) trong lễ này. Kể từ đó, từ giữa trưa ngày mùng 1 cho đến nửa đêm ngày mùng 2 tháng 8, tín hữu có thể lãnh ơn toàn xá với các điều kiện thông thường, kể cả cho các tín hữu đã qua đời, bằng cách thăm viếng một Nhà thờ Giáo xứ hay một Nhà thờ do các tu sĩ Phanxicô trông coi.”
http://vi.chatamvn.com
Lịch Sử Ơn Đại Xá Porziuncola
Vào một đêm của năm 1216, Phanxicô đang đắm chìm trong cầu nguyện và chiêm niệm tại nhà nguyện Porziuncola, thì đột nhiên một luồng sáng rực rỡ tràn ngập nguyện đường và Phanxicô nhìn thấy Chúa Kitô khoác y phục ánh sáng hiện ra phía trên bàn thờ, và phía bên phải của Người là Mẹ Maria chí thánh được bao quanh bởi vô số Thiên thần. Phanxicô ngất ngây thờ lạy trong im lặng.
Sau đó, Chúa ban cho Phanxicô một nguyện ước về sự cứu rỗi các linh hồn. Ngay lập tức Phanxicô khiêm tốn thưa: “Lạy Chúa, mặc dù con khốn nạn và tội lỗi, con cầu xin cho tất cả những người ăn năn và thú tội, đến viếng nhà thờ này, sẽ nhận được ơn tha thứ rộng rãi và quảng đại, để họ được tha tất cả mọi tội lỗi.”
“Hỡi tu sĩ Phanxicô, điều con xin thật tuyệt vời – Chúa trả lời -, con còn xứng đáng với những diệu kỳ diệu và lớn lao hơn nữa. Vì vậy, Ta chấp nhận nguyện ước của con, nhưng với điều kiện con phải xin xác nhận từ vị Đại diện của Ta ở trần gian, về đặc ân này”.
Ngay lập tức Phanxicô đi trình diện với Đức Giáo hoàng Honorius III hiện đang có mặt ở Perugia trong những ngày đó và thưa với vị Đại diện của Chúa về linh kiến mình vừa nhận được. Đức Giáo hoàng đã chăm chú lắng nghe và sau một vài giây phút phân định khó khăn, ngài đã chấp thuận và nói: “Con muốn ân xá này trong bao nhiêu năm?” Phanxicô nhanh nhảu trả lời: “Thưa Đức Thánh Cha, con không xin năm tháng, nhưng con xin các linh hồn”. Ngập tràn hạnh phúc, Phanxicô lao nhanh về phía cửa ra, nhưng Đức Giáo hoàng gọi: “Ô kìa, con không cần chứng thư của ta hay sao?” Và Phanxicô: “Thưa Đức Thánh Cha, lời của Cha là đủ đối với con! Nếu ân xá này là công việc của Thiên Chúa, thì Người sẽ thực hiện công trình của Người. Con không cần bất cứ bằng cớ nào cả; chứng thư là Đức Trinh Nữ Maria rất thánh, Chúa Kitô-công chứng viên và các Thiên thần-chứng nhân”. Một vài ngày sau, trước sự chứng giám của các Đức Giám mục miền Umbria và những người tập trung tại Porziuncola, Phanxicô nói trong đầm đìa nước mắt: “Các anh chị em quý mến của tôi, tôi muốn gửi tất cả mọi người lên Thiên đàng!” (Trích từ “Il Diploma di Teobaldo”, FF 3391-3397).