Sáu Bậc Sống – Bậc sống thường tình (P.1)

Sáu Bậc Sống

B. Các Bậc Sống Tâm Linh

II. Bậc sống thường tình

1. Thỉnh thoảng còn làm việc đạo đức với ý không ngay lành

2. Phục vụ “tôi” nhiều hơn thực thi nhân đức

3. Sống ý riêng, nhiều tự ái. Vẫn phân biệt điều tốt xấu, đúng sai

4. Dễ dàng phạm tội nhẹ cả lòng. Khi gặp thử thách không ngại phạm tội trọng

5. Biết chút ít về niềm tin, còn xem nhẹ việc học biết Chúa.

*.*

Dụ ngôn Người Cha Nhân Hậu, vai người anh cho chúng ta thấy rõ đức tin Kẻ Làm Thuê của bậc sống này.

Người anh ở cạnh cha, sống trong nhà cha với địa vị người con, mà tâm hồn lạc lối làm thuê, đi hoang xa vời vợi so với em mình. Trong lúc “người con hoang” hiểu cha, tin cha đến mức dám xin cha chia gia sản lúc ông còn sống. Người anh lại không dám xin chỉ một con dê con. Người em đi hoang còn nhận biết“người làm công cho cha ta được cơm dư gạo thừa…”, còn người anh luôn ở trong tâm trạng thấy mình thiếu thốn, chịu vất vả của một người làm công, “Cha coi, bao nhiêu năm con hầu hạ cha, chẳng khi nào trái lệnh…”(Lc 15, 11-32). Vì sao thế?

Trong Giáo Hội, ngôi nhà thiêng liêng của Thiên Chúa, là con nhưng nhiều người sống như một người làm công cho Ngài. Đáng buồn thay khi ở với Ngài nhưng chẳng hiểu Ngài bao nhiêu, chẳng tin Ngài được mấy. Những người đạt đến bậc sống thường tình là những người đã vào được những cư sở thứ nhất, “Theo tôi, đó là tình trạng một linh hồn không ở trong tội lỗi, nhưng như tôi đã nói, họ còn chìm ngập trong những sự ở đời này, vẫn bị của cải, danh dự và mọi thứ công việc chi phối đến nỗi, dầu thật sự, họ có muốn chiêm ngưỡng lâu đài và vui hưởng vẻ kiều diễm của chính mình mà vẫn không thể được, vì dường như họ không thể dứt khỏi ngần ấy chướng ngại.” (LĐNT – C.I).

1. Thỉnh thoảng còn làm việc đạo đức với ý không ngay lành

Lên bậc sống này, linh hồn thật sự có đức tin. Nhưng là đức tin còn non yếu, dễ bị chao đảo, dễ dàng đánh mất. Nhất là luôn có ý hướng vụ lợi trong niềm tin. Tin Chúa để được lợi, lợi phần hồn, phần xác. Giống như niềm tin của một người làm công cho chủ, tôi làm cho ông và ông trả công cho tôi, đó là công bằng, sòng phẳng. Vì vậy, đức tin ở bậc này là đức tin của kẻ làm thuê.

Với ý hướng vụ lợi họ lập bàn thờ đẹp, xây nhà thờ khang trang, xây nhà dòng đồ sộ. Nếu không phải để được Thiên Chúa nhậm lời hơn, thì để nhất giáo phận, hơn xứ nọ dòng kia. Hoặc thêm hậu ý “mình có công lớn”, “mình tài giỏi” v.v…Đi lễ, đi đọc kinh người ta đi mình đi, có lúc chẳng nghĩ ngợi gì. Rồi khi gặp cám dỗ, gặp khó khăn, hay gặp dịp, đi để khoe y phục mới, được người ta khen siêng năng, đạo đức; đi để xin ơn trúng vé số, cho được mùa để xây nhà to. Sống đời tu, cố gắng nhiều không phải vì muốn tiến đức cho đẹp lòng Chúa, cho xứng bậc sống mình, nhưng cố gắng để được bề trên để ý khen tặng, cho mình có ơn gọi, cho mình đạo đức tốt lành hơn những người kia, hoặc để bề dưới không thấy mình khô khan bê trễ v.v…

Làm việc đạo đức, hoạt động tông đồ, dạy giáo lý thật nhiệt thành nhưng lại rao giảng “tôi” thay vì quy Ki-tô. Tin nhưng luôn có hậu ý cho được lợi. Để rồi lúc gặp gian nan thử thách, lộ rành rành sự sợ hãi, nản lòng, nhụt chí, bất mãn…

Đối với một số linh hồn có kiến thức đức tin nhiều hơn, sống đạo đức hơn nhưng còn vướng ở lại Bậc Sống Thường Tình vì thuộc hạng đức tin kẻ làm thuê, thì những ý không ngay lành được thánh hóa, thăng hoa lên rất nhiều. Song những tâm tình vụ lợi trong đức tin được ẩn dấu cách tinh vi dưới hình thức đạo đức. Có thể họ vô tình trong hành động nhưng hữu ý tại nguyên nhân (đức tin vụ lợi). Đời sống họ luôn có hậu ý vụ lợi cho thân xác hay linh hồn. Họ đã đi tìm mình, xin ơn để bản thân mình được đầy đủ, thoải mái và được tôn vinh. Lúc bấy giờ đức tin trở thành bảo chứng để phục vụ cho bản thân. Rơi vào trường hợp này, chúng ta thấy rõ là tâm tình tôn thờ, yêu mến Chúa thường khô nhạt nơi họ. Và sự khát khao từ bỏ chính mình cho đẹp lòng Thiên Chúa không có trong họ; vui chịu sỉ nhục, sống đức khó nghèo tâm linh vì danh Chúa, họ không hề màng tưởng đến. Vì vậy những hậu ý vụ lợi trong việc làm đạo đức thể hiện sự thấp kém, yếu đuối của đức tin.

Có linh hồn soạn một bài kinh để đọc ngay từ đầu ngày. Bản kinh đọc lên nghe thật đạo đức, vì nó xin thật nhiều ơn giúp cho linh hồn sống thánh thiện. Chỉ tiếc thay lời kinh bỏ ngỏ, thánh thiện để làm gì? Thỏa mãn mình, tôn vinh mình hay thỏa mãn và tôn vinh Thiên Chúa? Một điều tiếc nữa bài kinh không hề có một lời nào quy hướng về Chúa, tôn vinh hay thờ phượng, mến yêu Ngài.

Khi lắng sâu tâm hồn suy niệm lời kinh, ta thấy linh hồn tựa kẻ làm thuê đòi ông chủ trả công bằng giá thánh thiện cho mình, vì mình tin ông, phục vụ ông. Hay nói khác đi, linh hồn như đang tráo đổi vai trò, mình trở thành ông chủ có quyền đòi hỏi gia nhân phải đưa những gì tốt lành cho mình.

Con hãy trầm lắng suy tư tâm tình của mấy vị thánh:

“Chúa Giê-su trong Nhiệm Tích đang sống bằng cùng một sự sống tình yêu đã từng thiêu đốt Ngài trong những ngày Ngài còn lưu lại trên cõi thế. Trong trạng thái Nhiệm Tích, Ngài tiếp tục tôn thờ Cha Ngài bằng sự hủy mình sâu xa của Ngài.

Mẹ ứng đáp trạng thái khiêm nhường của Chúa Giê-su trong Nhiệm Tích, nhờ nhân đức và những hành vi khiêm nhường; ứng đáp thân phận làm của lễ của Ngài, nhờ khả năng chịu đau khổ thực tế của Mẹ; ứng đáp trạng thái đền tạ của Ngài, bằng những hành vi tự nguyện hãm mình. Để tôn kính đời sống ẩn dật của Chúa Giê-su, Mẹ Ma-ri-a đã tự mờ xóa mình đi… Mẹ nghèo như Chúa Giê-su trong nhiệm tích, thậm chí Mẹ còn nghèo hơn vì Mẹ còn có thể cảm nghiệm sự thiếu thốn thực tế của cái nghèo…

III. Sự sống của người tôn thờ cũng phải như thế, nếu họ muốn sống trong Thánh Thể. Nhưng để đạt được sự sống kết hợp này, họ phải giải thoát mình khỏi nô lệ tính ích kỷ chỉ biết tìm mình – ngay cả trong việc phụng sự Thiên Chúa; có nói chuyện với Chúa Giê-su nó cũng chỉ nói về mình, về những chuyện riêng tư của nó; nó không biết cách đàm thoại với Chúa bằng chính Chúa, về những lợi ích cho vinh quang Chúa, về những ước muốn của Thánh Tâm Ngài; nó không biết cách ở lại lặng lẽ trầm mặc dưới chân Ngài, thỏa mãn với Ngài, không ước muốn gì trừ ra chính Ngài. Người ấy cần phải tự giải phóng mình ra khỏi tình trạng đó, tình trạng không biết nhẫn nại lắng nghe Chúa Giê-su, và nó làm ta nên giống như kẻ làm thuê sốt ruột chờ lãnh tiền công…

Đó là người tận tâm vô vị lợi. Họ không tận hiến bản thân để được hoàn thiện hoặc được sung sướng, để thu góp cho mình một gia tài thiêng liêng, hoặc để chiếm được Thiên Đàng xinh đẹp. Không, họ hiến mình vì tình yêu tinh ròng…“Để bước lên ngai vàng tình yêu, Cha cần phải có những người tôn thờ. Nếu không, Cha không thể được trưng bày cách trọng thể. Các con sẽ ở lại với Cha, các con sẽ là những người tôn thờ Cha; các con sẽ gắn bó với Ngôi Vị Cha; các con sẽ  hiện hữu cho Cha, như Cha sẽ sống cho các con. Các con sẽ đi đến chỗ từ bỏ tận tuyệt ý riêng các con, vì Cha muốn nó cho mình Cha. Hãy từ bỏ tư lợi, Cha sẽ nhận lấy chúng”(Thánh Phê-rô Giulianô Eymard – “Người Say Yêu Thánh Thể” – Bài 28-29)

Sau đây là tâm tình của Thánh Gioan Thánh Giá, vị thánh thời danh về tu đức và thần bí học:

“Em chạy ra, gọi với theo Người, thì Người đã đi.”

“Cần biết rằng, xét về mặt tâm linh, cuộc ra đi ở đây được hiểu là hai cách bước theo Chúa: một là ra khỏi sự vật bằng cách ghê tởm và khinh chê chúng, hai là ra khỏi chính mình bằng cách quên mình đi…”

“Hãy nói với Chàng rằng tôi liệt nhược,

Tôi đau khổ và tôi chết.”

Cần lưu ý trong câu thơ này, linh hồn chẳng làm gì hơn là nêu lên với Người Yêu Dấu nỗi bức bách và khốn đốn của nó, vì khi đã yêu một cách tinh tế thì chẳng nhọc công xin xỏ những điều mình thiếu…Chúa biết rõ hơn chúng ta những gì thích hợp cho chúng ta, thứ hai, Người Yêu Dấu sẽ động lòng hơn khi thấy kẻ yêu Ngài đang có nhu cầu và đang biết nhẫn nại, thứ ba, khi nêu lên những gì mình thiếu, linh hồn ít bị rơi vào tính tự ái và sự ham lợi hơn là cứ xin xin xỏ xỏ những thứ có vẻ như cần cho nó…

“Để tìm kiếm tình tôi.”

Lắm người không muốn vì Chúa mà nhích khỏi cái chỗ họ đang thích thú và hài lòng, chỉ ngồi đó mà chờ hưởng nếm hương vị của Chúa ngoài miệng và trong lòng, chứ không chịu bước lấy một bước, không chịu hy sinh từ bỏ một chút gì trong những thích thú, những an ủi và những ước muốn vô bổ của họ.

“Tôi sẽ chẳng hái hoa.”

5. Để tìm kiếm Thiên Chúa, cần có một trái tim trơ trụi và mạnh mẽ, thoát khỏi sự ràng buộc của mọi điều xấu và cả những điều tốt nào không thuần túy là Thiên Chúa.”(KLC – CK-3)

Còn nhiều tâm tình tương tự của các vị thánh khác nữa. Bố không trích dẫn ra vì sẽ quá dài. Bấy nhiêu đó cũng đủ cho con thấy sự không ngay lành trong việc đạo đức rất đa dạng. Nếu không có ơn thông hiểu đặc biệt sẽ rất khó nhận ra chúng. 

Tình Yêu Hoa Cỏ 
05/09 – 31/10/2007