Trong bài giảng, Đức Thánh Cha tập trung vào Bài đọc I (Cv 15, 22-31) trích từ sách Công vụ Tông đồ, thuật lại việc Thánh Phaolô và Thánh Banaba được phái đến với các Kitô hữu gốc dân ngoại ở Antiôkia. Những người này đang bị một số người không được các Thánh Tông đồ ủy nhiệm gây hoang mang và xáo trộn. Các Tông đồ mang đến cho các môn đệ mới một bức thư với nội dung khuyến khích và vui mừng. Đồng thời các Tông đồ giải thích: các Kitô hữu mới này không phải tuân giữ một số luật Môsê như một số các Kitô hữu khác.
Đức Thánh Cha giải thích: “Trong thời Giáo hội tiên khởi, có những lúc Giáo hội được bình an, có những lúc bị bách hại và cũng có những lúc Giáo hội bị xáo trộn. Những Kitô hữu xuất thân từ ngoại giáo vui mừng vì đức tin vào Chúa Giêsu, nhưng họ đã bị các bài giảng của các môn đệ gốc Do Thái gây xáo trộn. Các môn đệ này khẳng định rằng để trở thành Kitô hữu trước hết người ta phải trở thành người Do Thái và họ quả quyết luận điểm này với các lý lẽ của mục vụ, thần học và đạo đức luân lý”.
Đức Thánh Cha nhận định: “Các môn đệ gốc Do Thái này là những người cứng nhắc, là một số tiến sĩ luật, trước đó đã bị Chúa Giêsu khiển trách. Họ đã làm giảm giáo thuyết xuống thành một ý thức hệ, họ muốn một tôn giáo chỉ bao gồm những điều phải thực hành và lấy đi sự tự do của Thánh Thần. Và những ai theo họ là những người tuân giữ luật cứng nhắc, không biết đến niềm vui của Tin Mừng. Các tiến sĩ luật này thao túng lương tâm của các tín hữu và làm cho họ trở thành những người tuân giữ luật một cách cứng nhắc. Sự cứng nhắc không đến từ Thần Thần bởi vì nó trái ngược với tính nhưng không của Ơn Cứu Độ”.
Từ Giáo hội tiên khởi, Đức Thánh Cha áp dụng cho Giáo hội ngày nay: “Đây là một vấn đề được lặp lại trong lịch sử Giáo hội và ngay cả trong thời đại chúng ta, chúng ta thấy một số tổ chức hoạt động tốt nhưng các thành viên đều tuân giữ các nguyên tắc một cách cứng nhắc. Và sau đó, chúng ta cũng đã thấy sự thoái hóa bên trong và điều xấu này cũng có cả nơi các vị sáng lập. Ở đâu có cứ cứng nhắc ở đó không có Thánh Thần Chúa, thiếu tính cách nhưng không của Ơn Cứu Độ. Ơn công chính hóa là vô điều kiện, không phải mua, vì đó là một hồng ân”.
Các Tông đồ tập hợp trong một công đồng và viết một bức thư để giải thích các điều này. Và sau khi đọc thư, các tân tòng vui mừng. Đức Thánh Cha tiếp tục khẳng định: “Tinh thần cứng nhắc mang đến sự xáo trộn, hoang mang, còn Thần Khí của Chúa mang lại niềm vui. Mối tương quan với Chúa là một tương quan mang tính nhưng không, một tương quan tình bạn”.
Đức Thánh Cha kết thúc: “Chúng ta xin Chúa giúp chúng ta phân định những hoa trái Tin Mừng mà chúng ta được lãnh nhận cách nhưng không, và kết quả của việc tuân giữ luật cứng nhắc là lấy đi tự do của chúng ta”.