Chuỗi Kinh cầu nguyện trong cơn Đại dịch Covid-19
Lời Chúa: Gr 30,1-2.12-15.18-22 (năm chẵn), Ds 12,1-13 (năm lẻ), Mt 14,22-36
Bài đọc 1 (năm chẵn): Gr 30,1-2.12-15.18-22
Bài trích sách ngôn sứ Giê-rê-mi-a.
Có lời Đức Chúa phán với ông Giê-rê-mi-a rằng : Đức Chúa, Thiên Chúa của Ít-ra-en, phán thế này : Ngươi hãy viết vào một cuốn sách tất cả những lời Ta phán với ngươi.
Phải, Đức Chúa phán thế này :
Vết thương của ngươi hết đường cứu chữa,
vết đòn của ngươi không thể lành được.
Không ai biện hộ cho vụ kiện của ngươi ;
ung nhọt thì còn có thuốc chữa,
chứ ngươi thì vô phương điều trị.
Mọi nhân tình của ngươi đều quên ngươi hết,
chúng không kiếm tìm ngươi nữa,
vì ngươi đã bị Ta đánh trọng thương, như bị kẻ thù đánh ;
Ta đánh ngươi để nghiêm khắc sửa trị,
chỉ vì sự gian ác của ngươi quá nhiều,
và tội lỗi của ngươi quá nặng.
Ngươi kêu la vì thương tích của ngươi làm gì ?
Nỗi thống khổ của ngươi thật hết đường cứu chữa !
Ấy chỉ vì sự gian ác của ngươi quá nhiều,
và tội lỗi của ngươi quá nặng, mà Ta đã xử với ngươi như thế.
Đức Chúa phán như sau :
Này Ta sẽ đổi số phận của lều trại Gia-cóp,
và nhà cửa nó, Ta sẽ chạnh lòng xót thương.
Thành sẽ được dựng lại trên nơi phế tích,
dinh thự sẽ toạ lạc trên chính chỗ xưa.
Từ các nơi ấy, sẽ vọng ra lời cảm tạ và tiếng reo mừng.
Ta sẽ làm cho chúng tăng số, chúng không còn bị sút giảm.
Ta sẽ làm cho chúng được vẻ vang, chúng không còn bị hạ nhục.
Con cái nó sẽ lại được như xưa,
và cộng đoàn của nó sẽ đứng vững trước nhan Ta.
Ta sẽ sửa phạt mọi kẻ áp bức nó.
Thủ lãnh của nó sẽ từ nó xuất thân,
và người thống trị nó sẽ từ giữa nó mà ra.
Ta sẽ cho nó tới gần, và nó sẽ đến với Ta
– sấm ngôn của Đức Chúa –
vì ai là kẻ cả gan dám đến gần Ta ?
Các ngươi sẽ là dân Ta chọn,
và Ta, Ta sẽ là Thiên Chúa của các ngươi.
✠ Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu (Mt 14,22-36).
Sau khi dân chúng được ăn no nê, Đức Giê-su liền bắt các môn đệ xuống thuyền qua bờ bên kia trước, trong lúc Người giải tán dân chúng. Giải tán họ xong, Người lên núi riêng một mình mà cầu nguyện. Tối đến Người vẫn ở đó một mình. Còn chiếc thuyền thì đã ra xa bờ đến cả mấy cây số, bị sóng đánh vì ngược gió. Vào khoảng canh tư, Người đi trên mặt biển mà đến với các môn đệ. Thấy Người đi trên mặt biển, các ông hoảng hốt bảo nhau : “Ma đấy !”, và sợ hãi la lên. Đức Giê-su liền bảo các ông : “Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ !” Ông Phê-rô liền thưa với Người : “Thưa Ngài, nếu quả là Ngài, thì xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến với Ngài.” Đức Giê-su bảo ông : “Cứ đến !” Ông Phê-rô từ thuyền bước xuống, đi trên mặt nước, và đến với Đức Giê-su. Nhưng thấy gió thổi thì ông đâm sợ, và khi bắt đầu chìm, ông la lên : “Thưa Ngài, xin cứu con với !” Đức Giê-su liền đưa tay nắm lấy ông và nói : “Hỡi kẻ kém lòng tin ! Sao lại hoài nghi ?” Khi thầy trò đã lên thuyền, thì gió lặng. Những kẻ ở trong thuyền bái lạy Người và nói : “Quả thật Ngài là Con Thiên Chúa !”
Khi qua biển rồi, thầy trò lên đất liền, vào Ghen-nê-xa-rét. Dân địa phương nhận ra Đức Giê-su, liền tung tin ra khắp vùng, và người ta đem tất cả những kẻ đau ốm đến với Người. Họ nài xin Người cho họ chỉ sờ vào tua áo choàng của Người thôi, và ai đã sờ vào thì đều được cứu chữa.
Khủng hoảng niềm tin (08.08.2023)
Khủng hoảng là khái niệm nói về một tình trạng chao đảo, sa sút, lạc lõng, bấp bênh. Nó bao hàm cuộc sống xã hội lẫn cả đời sống tôn giáo.
Nhìn lại thế kỷ XIII, người Ca-thar là con cháu của người Ma-ni-kê, xuất hiện từ Miền Nam nước Pháp và được gọi là phái Albigensian, vì họ thuộc miền Albi. Họ khởi sự thúc giục cải tổ đời sống Giáo hội và đề cao đời sống khó nghèo trong Giáo Hội, nhưng họ tách khỏi sự trung thành với Giáo Hội Công Giáo và bị kết án. Hầu hết tổ chức này thấy chướng tai gai mắt vì sự giàu sang và thối nát trong Giáo Hội Công Giáo lúc đó và họ muốn cải cách tận gốc ngay tức thì mà không phải quy phục đức giáo hoàng và các giám mục; các nhóm này từ chối nhân tính của Ðức Ki-tô, tẩy chay các bí tích, và khước từ quyền bính thiêng liêng của các linh mục và của Giáo Hội.
Đứng trước sự khủng hoảng ghê gớm như vậy, sự xuất hiện của thánh Đa Minh thật cần thiết trong một thời đại mà Giáo Hội ngày càng thích sống giàu sang và nhiều giáo sĩ thật quá ư là hư hỏng. Thánh nhân đã lưu tâm đến việc hoán cải những người bị ảnh hưởng của lạc giáo Albigensian. Thánh nhân nhận thấy rằng, người ta chỉ trở lại chính đạo qua sự rao giảng hùng hồn nhờ vào sự huấn luyện kỹ càng cùng với một đời sống chứng nhân đơn sơ và nghèo hèn.
Sự hiện diện của Dòng Ðaminh lúc này đã trở nên một nguồn canh tân lớn lao, hoán cải người lạc giáo, và chỉnh đốn những hiểu biết sai lầm trong thế kỷ này.
Hôm nay Giáo Hội và đời sống hôn nhân gia đình cũng đang gặp những cơn sóng gió, những khủng hoảng, đang phải đương đầu với nhiều thế lực, những quyền bính, những phong trào cấp tiến hiện sinh: Tất cả như những đợt sóng dữ vùng lên đe dọa nhận chìm Chân Lý.
Người tín hữu Chúa Ki-tô đang bị quăng ngã, vật nhào giữa biển đời đầy bất công, hận thù, đang quay cuồng trong dòng sông gian nan vất vả, và đời sống tâm linh đang thoi thóp giữa cơn sóng gào tội lỗi.
Đi cùng với sự hoài nghi, sợ hãi, yếu kém đức tin sẽ làm cho các tín hữu Chúa chìm xuống biển đời như thánh tông đồ Phê-rô khi xưa. Ngược lại, nếu lòng tin vững vàng sẽ giúp ta nhận ra sự quan phòng của Chúa và sẽ bước đi trong bình an (x. Mt. 14,22-36)
Lạy Chúa, xin thêm đức tin cho chúng con. Xin Chúa hằng nâng đỡ dắt dìu để chúng con đi trọn hành trình trần gian trong bình an của Chúa. Amen.
CÁT BIỂN
Xin được mạnh tin (02.08.2022)
Trong cuộc họp toàn thể năm 2022 của Hiệp hội Bề trên Tổng quyền Quốc tế, UISG, nữ tu Anne Falola – nhà truyền giáo của Dòng Đức Mẹ Các Tông Đồ – đã có một bài phát biểu. Xin lược trích một ít nội dung như sau:
“Là một nhà truyền giáo châu Phi, tôi thấy mình được kêu gọi thay đổi câu chuyện truyền giáo để mang lại sự mới mẻ, đơn giản và năng lượng, tước bỏ các quyền lực kinh tế và chính trị….
(…) Khi tôi đi ra khỏi châu Phi vào năm 1994, tôi nhận ra rằng tôi không được đón nhận như một nhà truyền giáo. Thay vào đó, tôi bị coi là một công nhân nhập cư tìm kiếm một cuộc sống tốt đẹp hơn. Ước mong dâng hiến trọn vẹn chính bản thân mình đã bị lung lay và tôi thường bị ảnh hưởng bởi thực tế rằng người ta tin rằng một người châu Phi có rất ít khả năng cống hiến.
Tôi nhận ra rằng đối với nhiều người bên ngoài châu Phi, lục địa này chỉ gắn liền với nghèo đói, chiến tranh, bạo lực, rối loạn, cuộc sống hoang dã, dịch bệnh, chiến tranh sắc tộc, bất ổn chính trị và tham nhũng. Mặc dù không thể phủ nhận những thực tế này, nhưng Châu Phi cũng là một miền đất hứa với cuộc sống sôi động, sự kiên cường, trẻ trung, tình yêu cộng đồng, lòng hiếu khách, sự quảng đại và lòng sùng đạo.
(…) Tôi thách đố bản thân và mỗi người trong chúng ta phải đón nhận sự dễ tổn thương của chính mình. Sự dễ tổn thương của chính tôi như là một người nữ trong một xã hội phụ hệ và Giáo hội; một người châu Phi trong thế giới tranh giành quyền lực toàn cầu; một tu sĩ trong một thế giới ngày càng thờ ơ và không khoan dung về tôn giáo; một nhà truyền giáo trong một thế giới bài ngoại, và một người được gọi đến vùng ngoại biên trong một thế giới chỉ có vùng trung tâm là quan trọng. Điều này, đối với tôi, là đang đón nhận tính dễ bị tổn thương”.
Trên đây là những khó khăn mà sơ Anne Falola gặp phải trên bước đường truyền giáo của mình – không muốn nói là sơ bị tẩy chay, và gặp phải vô vàn khó khăn thử thách bởi não trạng trọng nam khinh nữ từ bao đời nay, não trạng bài người da màu, thái độ thờ ơ dửng dưng, khoan khoan dung về tôn giáo…
Tin Mừng theo thánh Mát-thêu hôm nay (x. Mt. 14,22-36) cho thấy giữa biển đời sóng gió, Chúa Giê-su vẫn hiện diện bên ta dù ta không thấy Ngài như các tông đồ xưa kia.
Nếu như ta hoài nghi sợ hãi, ta chìm xuống biển đời sâu hoắm giống như thánh Phê-rô khi xưa.
Còn nếu như ta có lòng tin vững vàng vào sự an bài, quan phòng của Chúa; thì chính đức tin sẽ giúp ta nhận ra Chúa và bước đi bình an trong Ngài.
Lạy Chúa, xin cho con được vững tin mỗi khi con gặp khó khăn, thử thách và cám dỗ trong cuộc sống. Amen.
CÁT BIỂN
Tin tưởng vào Chúa (03.08.2021)
Ghi nhớ:
Thưa Ngài: “ Xin cứu con với” (Mt 14, 29).
Suy niệm:
Có hai người lữ hành cùng đi đến một phương xa. Họ dùng một con lừa để chở hành lý và mang theo một con gà cồ cho vui. Trong số họ, một người là tín hữu rất đạo đức, trên môi miệng ông lúc nào cũng một câu nói: “ Thiên Chúa là Đấng tốt lành trong mọi sự”. Ngược lại, người bạn đồng hành kia là một người rất khô khan, cứng lòng, ông ta luôn tỏ ra bực bội mỗi khi nghe người bạn đồng hành thốt lên nhừng lời ca tụng Thiên Chúa.
Khi đêm đến, thì cũng là lúc họ đi đến một ngôi làng nhỏ. Họ gõ cửa nhiều nhà xin được tá túc qua đêm, nhưng dân làng từ chối, cuối cùng vì không tìm đựơc chỗ trọ, họ phải ra ven rừng để ngủ. Trong cảnh “ màn trời chiếu đất” lúc này người cứng lòng nói với bạn mình:
– Nào, Thiên Chúa của anh có tốt không?Người bạn trả lời.
– Tôi cho rằng đây là nơi tốt nhất Chúa dành cho chúng ta qua đêm đấy!
Họ cột con lừa vào một gốc cây gần nơi họ nằm ngủ.
Khi chưa kịp đốt duốc lên thì con lừa của họ đã bị cọp đến vồ mất. Thương tiếc con lừa nhiều lắm, nhưng họ lại lo cho tính mạng mình nhiều hơn, thế nên họ bảo nhau leo lên cây cao để đề phòng thú dữ.
Tức giận, người khô khan lại hỏi cách mỉa mai:
– Nào. Đến bây giờ thì Thiên Chúa của anh còn tốt lành nữa không?Người kia vẫn giữ một lòng:
-Nếu như con hổ không gặp con lừa trước thì có lẽ chúng ta đã làm mồi cho nó rồi! Chúa là Đấng tốt lành. Sau đó ít phút, con gà cồ cũng kêu toáng lên, thì ra nó cũng bị một con chó sói đến ăn thịt. Khi đó họ lại leo len cao hơn.
Người cứng lòng chưa kịp nói ra điều gì thì người bạn anh đã thốt lên:
– Tiếng kêu của con gà một lần nữa làm cho chúng ta thoát nạn. Cảm tạ Chúa là Đấng tốt lành.
Sáng sớm hôm sau, họ trở vào làng để mua thức ăn. Lúc đó họ mới biết rằng; trong đêm có một băng cướp đã vào làng và vơ vét tất cả tài sản của dân làng. Nhìn cảnh hoang tàn trước mắt. Người có lòng tin lên tiếng nói với bạn đường:
– Anh đã chứng kiến từ đầu đến giờ. Giá như tối qua, chúng ta tìm được một chỗ nghỉ qua đêm tại đây thì trong đêm, chúng ta có còn được yên lành với bọn cướp không?! Bạn thấy đấy; Thiên Chúa là Đấng tốt lành! Phải không anh?
Bài Tin Mừng hôm nay Thánh sử Matthêu thuật lại biến cố Đức Giê-su đi trên biển và đến với các môn đệ trong đêm khuya. Lúc ấy các ông đang ở trên thuyền, khi thấy vậy: các ông bảo với nhau rằng; bóng người đang đi trên mặt nước là ma và họ hoảng hốt la lên! Nhưng Đức Giê-su liền trấn tĩnh các ông: “Thầy đây đừng sợ”. Ông Phê-rô có ý lạ, liền nói: “ Thưa Ngài, nếu quả là Ngài, thì xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến với Ngài”. Đức Giê-su bảo ông: “Cứ đến” Ông Phê-rô liền bước xuống, đi trên mặt nước và đến với Đức Giê-su. Nhưng thấy gió thổi thì ông đâm sợ, và khi bắt đầu chìm, ông liền la lên: “Thưa Thầy, xin cứu con với”. Ngay tức khắc Đức Giê-su liền đưa tay ra nắm lấy ông và nói: “Người đâu mà kém tin vậy? Sao lại hoài nghi?” Khi Thầy trò lên thuyền rồi thì gió lặng ngay.
Qua sự việc trên, chúng ta nhận thấy, mặc dầu được Thầy cho phép đi trên mặt nước mà đến với Thầy, nhưng trước sóng to, gió thổi mạnh và thân thể đang dần chìm xuống biển thì ông Phê-rô la lớn rằng: “ Thưa Thầy, xin cứu con với”. Ông Phê-rô là một ngư phủ thì chắc hẳn ông phải giỏi việc bơi lội trong nước và thường xuyên đối mặt với sóng to gió lớn rồi. Thế nhưng tại sao hôm nay ông lại hoảng hốt như vậy khi thấy mình sắp chìm vào lòng biển cả. Có lẽ trước biển cả mênh mông, sóng to gió lớn đã khiến ông nhận ra thân phận của mình nhỏ bé, mong manh, sẽ không thể tự vượt qua được sóng gió nếu không có ra tay sự cứu giúp từ Thiên Chúa, thế nên ông phải kêu cứu.
Trong cuộc sống dương trần. Mỗi người chúng ta rất cần sự cứu giúp đến từ Thầy Giê-su Chí Thánh. Bởi chính Đức Giê-su đã xác nhận: “ Không có Thầy các con không làm được sự gì”.
Phần cuối bài Tin Mừng hôm nay chứng minh điều đó: “Dân chúng đem đến cho Người tất cả những ai đau ốm bệnh tật, họ nài xin Người cho họ chỉ sờ vào tua áo của Người thôi, và ai sờ vào thì được khỏi bệnh”.
Như vậy, muốn vượt qua mọi khó khăn, thử thách và cám dỗ, chúng ta phải đặt niềm tin tuyệt đối vào Đức Giê-su, luôn chạy đến bên Người để xin Người bảo vệ chở che, nhất là vào thời đại ngày nay, khi sự tràn lan của đại dịch Covid-19 Chúng ta càng phải tin tường vào quyền năng của Ngài hơn; và chúng sẽ làm việc bác ái, hy sinh, hãm mình, cầu nguyện nhiều hơn, đồng thời tuân giữ các chỉ thị của những vị hữu trách. Khi chúng ta đã đặt trọn niền tin tưởng, tín thác vào Ngài rồi thì Ngài sẽ ra tay.
Cầu nguyện
Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn biết đặt Ngài là trung tâm cuộc sống của mình. Xin cho chúng con luôn biết chạy đến bên Ngài vì cuộc đời hay dậy sóng. Xin nhìn đến bao khổ đau của những người bị bệnh mà đưa tay xua tan bệnh dịch như xưa Ngài đã giơ tay xua tan sóng gió, để cho các môn đệ được bình an. Amen
Sống Lời Chúa:
Lạy Đức Giê-su, chúng con tín thác nơi Ngài.
Đaminh Trần Văn Chính.
Giữ vững niềm tin trong mọi hòan cảnh (04.08.2015)
Ghi nhớ: “ Vào khoảng canh tư, Người đi trên mặt biển mà đến với các môn đệ ” (Mt 14,25).
Suy niệm: Đức Giêsu đã đi trên mặt biển mà đến với các tông đồ. Việc Ngài đi trên mặt biển cho ta thấy được quyền làm chủ trên thiên nhiên. Chúa Giêsu đến giải thoát cho các môn đệ của ngài khỏi sự nguy hiểm và trao ban sự bình an cho các ông: “ Thầy đây, đừng sợ ” . Chúa luôn đồng hành với chúng ta trong cuộc đời, đặc biệt là khi chúng ta phải chiến đấu với tội lỗi, sự dữ và ma quỷ. Ngài không để chúng ta phải mồ côi hay cô đơn đâu. Chúng ta hãy tin tưởng vào quyền năng và tình thương của Chúa mà vững bước lèo lái con thuyền đức tin của mình.
Sống Lời Chúa: Giữ vững niềm tin trong mọi hòan cảnh.
Cầu nguyện:Lạy Chúa, Chúa là sức mạnh và là thành luỹ bảo vệ đời con. Xin cho con biết tin tưởng và an vui nép mình bên Chúa. Amen.
Sống tình Chúa, tình người (04.08.2014)
Họ nài xin Người cho họ chỉ sờ vào tua áo của Người thôi, và ai đã sờ vào thì đều được khỏi. (Mt 14,36)
Suy niệm: Mọi năng lượng được chuyển giao và tiếp nhận đều diễn ra qua một sự tiếp cận, tiếp xúc một cách nào đó với nguồn năng lượng. Năng lực cứu độ của Chúa Giê-su đã được thực hiện qua việc Ngài cho phép con người chạm đến Ngài và ở lại trong Ngài. “Dân chúng, tất cả những kẻ đau ốm nài xin Người chỉ cho họ sờ vào tua áo của Người thôi, và ai đã sờ vào thì đều được khỏi”. Phê-rô đã thật sự “chạm” đến Thầy khi khẩn cầu: “Nếu quả là Thầy thì xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến với Thầy,” và Thầy đã truyền cho ông sức mạnh siêu nhiên giúp ông vượt lên trên tự nhiên, bước đi trên mặt biển. Tuy nhiên, chỉ khi ở lại trong Ngài, trong sức mạnh cứu độ của Ngài, với một niềm tin mạnh mẽ, tín thác nơi Ngài, ta mới hoàn toàn được biến đổi.
Mời Bạn: “Chạm” đến Chúa để được chữa lành, ở lại trong Chúa để được thật sự thay đổi. Nơi nào trong tâm hồn bạn đang bị thương tổn, yếu đuối nào nơi bạn cần được Chúa chạm vào để chữa trị? Bạn phải tín thác vào Chúa trong những lãnh vực nào để sức mạnh và quyền năng của Ngài thể hiện ra trong cuộc đời của bạn?
Chia sẻ: Chia sẻ cảm nghiệm về một lần bạn được sức mạnh chữa lành của Ngài chạm đến và thay đổi đời bạn.
Sống Lời Chúa: Tôi sẽ khẩn cầu Chúa đến cứu giúp, nâng đỡ mỗi khi gặp nguy hiểm, cám dỗ, thử thách.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, con xin phó thác hoàn toàn vào sự quan phòng và quyền năng cứu độ của Chúa. Xin giúp con đứng vững, không chao đảo giữa bao sóng gió cuộc đời, nhờ “chạm” đến Chúa và ở lại trong Chúa. Amen.