Thư Xuân gửi Ba Mẹ

Thư Xuân gửi Ba Mẹ

(Tình cờ tôi được một người bạn tâm sự về những khó khăn vất vả trong cuộc sống mưu sinh nơi xứ người và nỗi lòng đau đớn khi nhớ về quê mẹ trong dịp Tết Đoàn viên. Mượn tâm tình đó tôi muốn viết lên bức thư này để gửi về thay cho những lời muốn nói của bạn ấy muốn bày tỏ cùng Ba Mẹ)

Sài Gòn, ngày 29 tháng 01 năm 2021

Ba Mẹ kính yêu!
Ba Mẹ có khỏe không? Công việc đồng áng có thuận lợi không? Cuối năm chắc Ba Mẹ có nhiều lo toan phải không Ba Mẹ? Chỉ còn vài ngày nữa là đến tết Đoàn viên, con nhớ Ba Mẹ và các anh chị em trong gia đình lắm!

Ba Mẹ ơi! Con vẫn khỏe và kể từ ngày con rời xa gia đình để bước vào cuộc sống mưu sinh nơi xứ người đến nay là gần hơn mười năm. Trong khoảng thời gian ấy hầu như năm nào con cũng được về sum họp bên gia đình trong ngày đầu xuân, được Ba Mẹ nấu những món ăn quê nhà, được ngồi cùng gia đình ăn bữa cơm chung thay vì cơm hộp nơi Công ty hay mì gói nơi phòng trọ lúc tan ca khi chiều về. Hằng năm vào độ này lòng con rạo rực suy nghĩ để mua sắm những món quà mang về cho Ba Mẹ sau một năm đi xa. Mỗi chiều tan ca nơi làm việc, trên đường về con cứ loay hoay đi tìm và mua cho bằng được những thứ mà Ba Mẹ thích, mua và cứ mua… Dù sao cuối năm con cũng có tiền thưởng và tiền dành dụm trong năm nên bằng mọi giá phải mua cho Ba Mẹ vui. Nhưng! Ba Mẹ ơi!  

Con biết xuân này Ba Mẹ chờ tin con
Khi thấy mai đào nở vàng bên nương
Năm trước con hẹn đầu xuân sẽ về
Nay én bay đầy trước ngõ
Mà tin con vẫn xa ngàn xa
(Xuân này con không về – Trịnh Lâm Ngân)

Ba Mẹ, con không về không phải vì con không thương cha, nhớ mẹ, không còn tình làng nghĩa xóm, quên nghĩa, phụ ân… nhưng con không về vì một sự thật là con không còn tiền, không còn đủ nghị lực, không đủ mạnh dạn và lanh lẹ như trước… tất cả đều tại Covid gây ra. Cả năm nay con không làm gì ra tiền, cứ hết mùa dịch này sang mùa dịch khác, có thể nói dịch chồng dịch đến nỗi bạn bè chúng con trong phòng trọ chỉ còn mì gói, thậm chí bụng đói meo và cả ngày ngồi trông chờ vào những hộp cơm từ thiện. Và con cũng mới bắt đầu đi kiếm việc làm lại, đủ sống qua ngày. Tuy đến thời điểm này không đến nỗi cùng quẫn bế tắc như trước nhưng lòng con vẫn còn đau nhói và ám ảnh bởi chứng kiến những người đã ra đi trong đại dịch vừa qua với số lượng quá lớn, những cảnh chia lìa người thân không một lời từ giã và có thể nói là quá tàn nhẫn. Nếu như ngày trước bức tranh cuộc sống nơi đây đã để lại trong con nhiều ký ức đẹp và nhiều hy vọng thì giờ đây trong con chỉ còn lại những nỗi mất mát đau thương. Trong những giây phút linh thiêng của ngày cuối năm lòng con băn khoăn với nhiều lo toan xuôi ngược. Con biết Ba Mẹ lúc này bận rộn và vất vả lắm. Bận rộn vì một mình tự lo hết mọi công việc chuẩn bị đón năm mới, lo toan vì kiếm tiền thanh toán nợ nần cuối năm và con biết chắc Mẹ sẽ nói rằng: “Giá như đừng có Covid thì mọi sự lo lắng của gia đình trong cuối năm con sẽ thanh toán, trong nhà sẽ có chậu mai thật to, trên bàn thờ sẽ có nhiều hoa tươi rực rỡ, nồi bánh chưng sẽ đầy hơn và trong nhà sẽ rộn ràng tiếng cười vui…”

Con không về Ba Mẹ buồn và con cũng buồn lắm chứ! Nhưng làm sao con có thể về đang khi còn đối mặt với những lo toan vất vả vì miếng cơm manh áo. Có lẽ không chỉ riêng con nhưng nhiều người cũng phải chấp nhận “Xuân này con không về” như một điều tất nhiên xảy ra. Và đến thời điểm này con chỉ biết ngồi ngẫm nghĩ mấy câu thơ của Trần Tế Xương như một quy luật mà con phải chấp nhận:
Lẳng lặng mà nghe nó chúc nhau
Chúc nhau trăm tuổi bạc đầu râu
Phen này ông quyết đi buôn cối
Thiên hạ bao nhiêu đứa giã trầu.

Bao nhiêu tâm tình con gửi Ba Mẹ phương xa như một lời tâm sự chân tình tận đáy lòng con. Cầu chúc Ba Mẹ được nhiều sức khỏe và bình an trong năm mới. Cảm ơn Ba Mẹ đã cho con sự ấm áp của gia đình mà chỉ duy nơi mái ấm gia đình mình con mới có được. Nguyện xin Thiên Chúa là Chúa của mùa xuân luôn đồng hành và nâng đỡ Ba Mẹ trong những tháng ngày kế tiếp và con sẽ cố gắng nhiều hơn trong năm mới này.
Kính chào Ba Mẹ!
Con: Anna Hiền Linh

Anna Hiền Linh

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *