1. Hàng loạt các thị trấn Kitô Giáo được giải phóng khỏi tay quân khủng bố Hồi Giáo IS
Sáng sớm ngày thứ Năm 20 tháng 10, quân Kurd và quân Iraq đã đồng loạt mở các cuộc tấn công trên khắp các mặt trận phía Đông, phía Bắc và phía Nam thành phố Mosul. Hàng loạt các thị trấn Kitô Giáo đã được giải phóng khỏi tay quân khủng bố Hồi Giáo IS.
Phóng viên Reuters tường trình từ mặt trận cho biết như sau:
Tại thị trấn Bartella, quê hương của đông đảo các tín hữu Kitô nghi lễ Assyrô, cách Mosul 9km về phiá Đông, quân đội Iraq và quân Kurd đã vấp phải một sự chống cự quyết liệt của bọn khủng bố Hồi Giáo IS. Đến trưa ngày thứ Sáu 21 tháng 10, thị trấn hoàn toàn im bặt tiếng súng.
Bước vào nhà thờ Thánh Matthêu, ngôi nhà thờ lớn nhất của thị trấn này, trong 2 năm qua đã bị quân khủng bố Hồi Giáo IS biến thành một trại huấn luyện, Thiếu Tướng Maan Saadi đã cho binh sĩ giật chuông liên hồi báo hiệu chiến thắng.
Tiếng súng tiểu liên, súng cối và tiếng rít của bom đạn tại thị trấn Bartella đã được thay thế tạm thời vào trưa ngày thứ Sáu bởi một âm thanh chưa được nghe trong hơn hai năm qua: đó là tiếng ngân vang của chuông nhà thờ.
Tướng Maan Saadi nói trong chương trình truyền hình trực tiếp về Erbil, nơi đông đảo Kitô hữu đang hồi hộp theo dõi chiến dịch giải phóng quê hương họ.
“Chúc mừng anh chị em Kitô hữu. Bartella vừa được giải phóng. Chúng tôi đã kiểm soát hoàn toàn thị trấn này. Anh chị em có thể nghe thấy tiếng chuông nhà thờ đã được ngân vang.”
Bartella từng là quê hương của 30,000 Kitô hữu Assyrô. Thị trấn này đã bị bỏ hoang từ tháng 8 năm 2014, khi người dân cuối cùng bỏ chạy về Erbil.
Khi chiếm được Mosul và vùng phụ cận vào ngày 10 tháng Sáu năm 2014, cái gọi là Nhà nước Hồi giáo, đã ban hành một tối hậu thư cho các Kitô hữu: hoặc là nộp thuế, hoặc là chuyển sang đạo Hồi, hoặc là chết vì gươm. Hầu hết, các cư dân của Bartella, đã bỏ chạy về phía khu vực tự trị của người Kurd.
Bọn khủng bố Hồi Giáo IS đã loại bỏ cây thánh giá trên đỉnh tháp chuông của tất cả các nhà thờ trong vùng, đập phá các tượng ảnh.
Các quân nhân trong lữ đoàn Kitô Giáo đã rước một tượng Đức Mẹ vẫn còn nguyên vẹn, được tìm thấy trong nhà dân, vào trong nhà thờ Thánh Matthêu.
Sàn nhà thờ đầy rác rưởi, các ghế dài bằng gỗ bị lật đổ và sách hát bị xé nát.
Trong một nghĩa trang kế bên nhà thờ, bọn khủng bố Hồi Giáo IS đặt một giàn phóng tên lửa về phía các lực lượng Iraq.
Một tòa nhà chính quyền kế bên nhà thờ cũng bị hư hại một phần, các cửa sổ trống toác, và một số phòng cháy hết.
Bọn khủng bố Hồi Giáo IS đã viết nguệch ngoạc cờ thánh chiến đen của chúng trên một bức tường trước nhà thờ.
Trong một căn phòng khác, có thể là một lớp học giáo lý trước đây, người ta còn thấy những vết tích của một lớp học về việc dùng các loại vũ khí, các chiến thuật quân sự và các bài học về Hồi giáo. Một tấm bảng khác chỉ ra các điểm yếu về thể chất trên cơ thể con người, bắt đầu với đôi mắt và mũi.
Con đường tiến vào Bartella đầy những tàn tích của trận chiến: vỏ đạn, các thiết bị nổ tự chế, các mảnh bom đạn và xe cộ cháy bên đường.
Bọn khủng bố Hồi Giáo IS đã tung ra hơn một chục xe bom tự sát nhằm cản đường tiến của quân giải phóng trong buổi sáng ngày thứ Năm, trước khi rút lui vào các tòa nhà để bắn tỉa.
Tướng Maan Saadi nói với các phóng viên trong cuộc họp báo tại nhà thờ Thánh Matthêu rằng bọn khủng bố Hồi Giáo IS tử thủ trong thị trấn đã bị tiêu diệt hoàn toàn.
Hơn 80 chiến binh thánh chiến đã bị giết chết trong trận chiến. Một số không đếm được bị giết trong các địa đạo đào sâu trong lòng đất.
Tướng Maan Saadi cho biết thêm là các ngôi nhà thờ khác trong vùng bị bọn khủng bố Hồi Giáo IS chất đầy chất nổ nên không an toàn cho các phóng viên thăm viếng.
Gần đó Qaraqosh, thị trấn Kitô giáo lớn nhất của Iraq, tiếng súng giao tranh vẫn còn ác liệt.
2. Giáo sư Nguyễn Xuân Vinh gia nhập Đạo Công Giáo
Hôm 19/10/2016, Giáo sư Nguyễn Xuân Vinh đã được Đức Giám Mục Mai thanh Lương làm phép Thánh Tẩy gia nhập Đạo Công Giáo tại nhà thờ Saint Bonaventure Church ở Huntington Beach, California. Ông cũng đã được lãnh nhận bí tích Thêm Sức và Thánh Thể cùng ngày. Hiện diện trong dịp trọng đại này có gia đình thân quyến và các bạn hữu lâu năm của ông đến từ xa, và Bác sĩ Nguyễn Ngọc Kỳ là người đỡ đầu trong nghi thức Thánh Tẩy. Trong thánh lễ đồng tế có Cha Mai Khải Hoàn, Cha Cao Phương Kỷ, Cha Trần Đức, phó tế Chu Bình.
Giáo sư Nguyễn Xuân Vinh là nhà toán học, nhà khoa học không gian xuất sắc của Hoa Kỳ, nhà văn và nghệ sĩ. Ông cũng là cựu Đại tá Tư lệnh Không Quân Việt Nam (1958-1962). Sau khi từ từ nhiệm ông sang Hoa Kỳ du học.
Ông sinh năm 1930 tại Yên Bái, sinh viên khoa học Hà Nội, động viên theo học Khóa 1 Trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức tháng 9.1951; thi đậu vào Trường Võ Bị Không Quân Pháp ở Salon de Provence, 1952; và sau ba năm được huấn luyện ở Pháp và Bắc Phi, tốt nghiệp sĩ quan phi công với nhiều văn bằng đại học trước khi trở về nước phục vụ trong Quân Đội Quốc Gia.
– Tiến sĩ Khoa học Hàng không và Không gian tại Đại Học Colorado vào năm 1965;
– Tiến sĩ Quốc gia Toán học tại Đại Học Paris VI vào năm 1972;
Ông được bầu vào Hàn Lâm Viện Quốc Gia về Hàng Không và Không Gian(Académie Nationale de l’ Air et de l’Espace) của Pháp, từ 1984; và Hàn Lâm Viện Không Gian Quốc Tế (International Academy of Astronautics) từ năm 1986.
Trong suốt hai mươi năm (1979- 1999) là phó chủ bút đặc trách môn Cơ Học Vũ Trụ (Astrodynamics) cho nguyệt san Acta Astronautica là tờ báo khoa học chính thức của Hàn Lâm Viện Không Gian Quốc Tế.
Năm 1986 là viện sĩ chính thức của Viện Hàn lâm Không gian Quốc tế (International Academy of Astronautics).
Năm 1998, khi về hưu, được Hội đồng Quản trị (Board of Regents) tại Đại học Michigan phong tặng chức Giáo sư danh dự vì công lao đóng góp cho khoa học và giáo dục.
Trong nhiều năm ông đã được tham gia thuyết trình thỉnh giảng tại rất nhiều đại học lớn cũng như hội nghị quốc tế khắp nơi trên thế giới bao gồm Mỹ, Canada, Anh, Pháp, Áo, Đức, Ý, Hoà Lan, Thụy Sĩ, Na Uy, Thụy Điển, Hungary, Israel, Nhật, Trung Quốc, Đài Loan và Úc.
Về văn học, Toàn Phong là tác giả Đời Phi Công, một cuốn sách bán rất chạy và được giải thưởng văn chương toàn quốc năm 1961.
Ông cũng là tác giả cuốn Gương Danh Tướng do Nha Chiến Tranh Tâm Lý, Bộ Quốc Phòng, in năm 1957 và tập tùy bút Theo Ánh Tinh Cầu do nhà sách Đại Nam xuất bản năm 1990.
Khi còn trong quân đội, Toàn Phong đã viết bốn cuốn Sách giáo khoa Toán học bằng tiếng Việt trong đó có hai cuốn do Bộ Quốc Gia Giáo Dục Việt Nam xuất bản.
Ông đã viết hàng trăm tiểu luận về toán, động học không gian (astrodynamics) và tối ưu hóa quỹ đạo (trajectory optimization). Các sách viết bao gồm:
- Hypersonic and Planetary Entry Flight Mechanics. 1980. Vinh, N. X.; Busemann, A.; Culp, R. D. University of Michigan Press.
- Optimal Trajectories in Atmospheric Flight 1981. Vinh N. X., Studies in Astronautics 2, Elsevier Scientific Publishing Company, Amsterdam.
- Flight Mechanics of High-Performance Aircraft. 1993. Nguyen X. Vinh. Cambridge Aerospace Series. ISBN 052134123X.
3. 21 trong số 270 nữ sinh bị Boko Haram bắt cóc được trả tự do
Lagos, Nigeria – Các lãnh đạo Công giáo chào mừng việc thả tự do cho 21 nữ sinh đã bị bắt cóc tại trường học ở Chibok vào năm 2014 và kêu gọi chính phủ Nigeria ưu tiên việc giải thoát các nữ sinh còn đang bị nhóm Boko Haram giam giữ.
Đức Hồng y Anthony Olubunmi Okogie, Tổng giám mục hưu trí của Lagos cho biết ngài có những cảm xúc lẫn lộn khi nghe tin 21 nữ sinh được thả tự do, bởi vì theo ngài, đáng ra họ nên được giải cứu trước đây. Ngài nói: “Đúng là một tin vui cho cha mẹ của các thiếu nữ bị bắt cóc sau một thời gian dài. Nhưng đối với tôi, các cô gái đã phải bị tẩy não và lạm dụng bởi những kẻ bắt cóc trong thời gian này và bị cưỡng bức kết hôn ngược với ý muốn của họ.” Đức Hồng y cũng quy trách nhiệm cho chính quyền trước đây đã không xử phạt các thống đốc bang khi để cho các sự việc xảy ra và phê bình hệ thống trường học đang trở thành trò cười vì các vụ bắt cóc mới xảy ra ở 2 trường khác nhau ở bang Lagos.
Đức cha Matthew Ishaya Audu của Lafia vui mừng biết rằng các thiếu nữ còn sống và cầu nguyện để cho các thiếu nữ còn lại sớm được thả tự do. Ngài cũng kêu gọi chính quyền sắp xếp cho các thiếu nữ gặp các nhà tư vấn và tâm lý để họ có thể hội nhập hoàn toàn với xã hội. Đức cha cũng đề nghị chính quyền giữ kín danh tính của họ để họ có thể tìm được những người chồng tốt và kết hôn.
Đức cha Felix Femi Ajakaye của Ekiti nói người Nigeria nên cám ơn Chúa về việc các thiếu nữ được thả và kêu gọi chính quyền giúp họ tái định cư. Ngài nói: “Người Nigeria phải cùng nhau chiến đấu chống lại sự ác và dã man trên quê hương chúng ta.”
Việc thả tự do cho 21 thiếu nữ vào ngày 13 tháng 10 vừa qua là một phần của thỏa thuận do Hội chữ thập đỏ quốc tế và chính quyền Thụy sĩ và Nigeria môi giới. (CNS 14/10/2016).
4. Butch Mueller và thao thức truyền giáo, giúp dân nghèo tại Guatemala
Sau 30 năm lập gia đình, làm chủ và buôn bán tại một cửa hàng nhỏ, nuôi dạy hai người con trai khôn lớn, cách đây 8 năm, ông Mueller, một giáo dân ở Minnesota đã quyết định trở lại cứ điểm truyền giáo ở Guatemala để tiếp tục công việc truyền giáo mà ông bỏ dở gần 40 năm trước.
Ông Mueller nhớ lại, khi ông còn là một đứa trẻ, cha của ông thường giữ những tạp chí của Hội truyền giáo Maryknoll trong nhà, để không chỉ gieo vào lòng những đứa con của mình ý thức truyền giáo mà còn nhắc nhở chúng về những người nghèo khổ thiếu thốn trên khắp thế giới. Ông kể: “Bất cứ khi nào chúng tôi than phiền ca thán về một điều gì đó, cha tôi sẽ lôi ra những tạp chí và chỉ cho chúng tôi xem những đứa trẻ ở những miền khác trên thế giới đang đau khổ. Cha đã gieo vào lòng chúng tôi và tôi luôn có ước mong thăm viếng một nơi truyền giáo.”
Sau khi tốt nghiệp trung học, Mueller làm việc tại nông trại của gia đình cho đến khi nghe biết về điểm truyền giáo thánh Luca ở San Lucas Toliman, Guatemala, trong buổi nói chuyện của Cha Greg Schaffer, một Linh mục thuộc Giáo phận New Ulm, Minnesota, người đã phục vụ như mục tử của nơi truyền giáo. Một vài tháng sau đó, vào mùa xuân năm 1972, khi Mueller 22 tuổi, anh đã đi đến nơi truyền giáo. Sau một ít ngày, anh hỏi cha Schaffer: “làm sao mà con có thể dạy cho những người này biết về Thiên Chúa khi con không biết nói tiếng của họ?” Ông Mueller nhớ lại câu trả lời của cha Schaffer: “Nó thật đơn giản! Con chỉ cho họ. Con tỏ cho họ biết là con yêu thương họ và sẵn sàng ở với họ và giúp họ cách tốt nhất mà con có thể làm được. Rồi Thiên Chúa sẽ giúp sức một tí.” Mueller đã ở lại cơ sở truyền giáo 3 năm, trừ một ít tháng anh đi với cha Schaffer về Minnesota để giúp mọi người biết về công việc của họ.
Vào năm 1975, Mueller đã chi tiêu hết số tiền của mình và trở về lại Minnesota. Sau đó anh đã lập gia đình. Cách đây 8 năm, Mueller đã trở lại Guatemala và mỗi năm ông ở đó 3 tháng đầu năm. Ông nói: “truyền giáo là một phần lớn của cuộc đời tôi. Đây là thời gian tốt, thuận tiện để trở lại công việc truyền giáo”.
Ở đây ông thấy các nhà không có ống khói; khói bốc lên từ dưới các mái nhà; trần nhà và tường nhà bị mồ hóng đã trở thành như hắc ín phủ đen và thậm chí còn nhỏ giọt xuống. Người dân cho biết phổi của các trẻ em mới lên 5 đã bị nhiễm như là phổi của người đã hút thuốc lá lâu năm”. Thấy tình cảnh này, ông Mueller đã quyết định giúp xây các bếp lò hơi trong nhà cho người dân tại đây. Các bếp lò này có thể sử dụng củi như phần lớn người dân đã quen nấu ăn bằng củi. Số tiền họ tiết kiệm được từ củi đốt có thể đủ để cho một đứa con đến trường học. Ông nói: “Học thuyết xã hội của Giáo hội dạy rằng mọi ngừoi phải có thức ăn khi họ cần, có quyền được giáo dục, quyền chăm sóc sức khỏe và quyền lao động. Tất cả những điều chúng tôi làm với nhau để cung cấp cho người dân và để họ cảm thấy họ giống như những con người và để họ biết là họ được Thiên Chúa yêu thương”.
Trong 3 năm, ông Mueller đã ùng với các người bạn xây hơn 200 bếp lò cho người dân ở Guatemala. Câu chuyện xây lò của ông Mueller đã lan truyền nhanh chóng ở Paynesville và ông bắt đầu nhận được nhiều đóng góp từ những người muốn giúp cho chi phí xây các bếp lò; mỗi bếp tốn khoảng 150 đô la. Khi mỗi bếp lò được xây, ông chụp tấm hình với tên của người tài trợ, rồi gửi lên Facebook. Việc làm này lan truyền nhanh chóng như cháy rừng; nhiều người muốn đóng góp cho công việc. Ông bắt đầu nhận đóng góp qua giáo xứ thánh Louis và năm ngoái đã nhận được 27 ngàn đô la. Không chỉ xây các bếp lò, ông Mueller còn để ý đến những nhu cầu khác của gia đình ông đang giúp. Ví dụ như ông sẽ dùng một ít tiền để đóng các giường tầng cho các gia đình thiếu giường ngủ, hay xây dựng một hệ thống xử lý nước thải.
Ông Mueller còn giúp tạo công ăn việc làm cho người dân bằng cách thuê họ giúp việc xây các bếp lò, hay mua các vật liệu địa phương để giúp cho các cá nhân buôn bán nhỏ. Ông cũng hiểu là người dân nơi đây cũng muốn con cái họ có một cuộc sống tốt hơn và điều này chỉ có thể khi con em họ được giáo dục. Ông nói: “Toàn bộ công việc của tôi không chỉ là xây các bếp lò nhưng tôi đang cố gắng dạy, cho và phát triển. Người dân sẽ dùng các kỹ năng họ đã học và truyền lại cho người khác. Tôi cũng dạy họ ‘đừng bao giờ thỏa mãn với những cái mình xây. Hãy nghĩ những cách thế mà bạn có thể làm tốt hơn’. Và họ làm. Nó đang thay đổi cuộc sống từ từ”.
5. Nữ tu Pime ở Bonpara chữa bệnh cho người Hồi giáo, Ấn giáo và Công giáo
Natore, Bangladesh – Từ 50 năm qua, các nữ tu Thừa sai Đức Mẹ Vô nhiễm ở Bonpara, quận Natore, đã chăm sóc cho hàng ngàn người nghèo, phần lớn là Hồi giáo và Ấn giáo.
Các nữ Thừa sai được biết đến với tên gọi “Các nữ tu Pime” (Hội Giáo hoàng truyền giáo hải ngoại) điều hành một cơ sở y tế, bệnh xá và nhà hộ sinh Đức Maria, đón nhận chăm sóc các bệnh nhân thuộc mọi tôn giáo. Trung tâm y tế này được Giáo hội địa phương thành lập từ năm 1966.
Nữ tu Clare Costa, một nhân viên cuả trung tâm chia sẻ: “Mỗi ngày có khoảng 50 bệnh nhân bệnh nặng đến đây. Phục vụ các bệnh nhân là một trong những nhiệm vụ trong sứ vụ của chúng tôi.”
Một bệnh nhân Hồi giáo cho biết từ 40 năm nay, mỗi khi bị bệnh bà lại đến cơ sở y tế này. Các bác sĩ Kitô giáo lịch sự và dành thời gian cho các bệnh nhân. Còn Muslam Uddin, một bệnh nhân Hồi giáo đã đến chữa trị ở đây từ 10 năm, biết đến trung tâm qua lời giới thiệu của bạn bè Hồi giáo. Ông nhận xét: “Các bác sĩ và nhân viên y tế cho tôi những toa thuốc phù hợp. Họ thăm viếng các bệnh nhân với nụ cười. Tôi ngưỡng mộ cách phục vụ của họ và vì vậy tôi đã đi xa cả 20 km để đến đây dù trong vùng của tôi có những bệnh viện lớn khác.” Một bệnh nhân khác chia sẻ là các bác sĩ không muốn tiền bạc. Họ chỉ lấy một ít tiền thuốc. Họ không muốn thu lợi từ các bệnh nhân nhưng chữa trị cho chúng tôi với tình thương. Họ là các bác sĩ thật sự.
Có 75 nữ tu Pime hoạt động ở Bangladesh trong các môi trường học đường, giáo xứ và bệnh xá. Tại trung tâm này, các nhân viên không chỉ cung cấp thuốc men nhưng cả những lời dạy luân lý như kính trọng người khác, chăm sóc con người, từ chối việc phá thai. Cha Bikash H. Reberio, cha xứ của Bonpara, khẳng định là “các Thừa sai Pime thật sự phục vụ cho các người nghèo trong vùng. Bệnh xá hoạt động nhờ lòng tốt của các chị. Và bởi thế nó thu hút nhiều người.” (Asia News 17/10/2016).
Tổng hợp từ Internet