Về nhà đi con

Sau nhiều ngày hòa giải bất thành. Cuối cùng Thắm, con dâu bà Bảy quyết định ly hôn chồng. Dù Thắm không là con dâu của gia đình nữa, nhưng bà vẫn giữ liên lạc với cô. Một hôm trên điện thoại xuất hiện dòng tin nhắn của cái tên thân quen: “Mẹ ơi con cô đơn quá”. Bà lập tức trả lời: “Quay về nhà đi con, mẹ chờ”.

Hai tháng sau, khi mọi chuyện đã giải quyết ổn thỏa, hàng xóm thấy Thắm xách valy quay về nhà chồng, bà Bảy vẫn đối xử ân cần, niềm nở với con dâu như chưa có chuyện gì xảy ra. Có người thắc mắc hỏi: “Sao bà vẫn có thể đối đãi tốt với đứa đã dứt áo bỏ con bà ra đi như thế?”. Bà chỉ ôn tồn trả lời: “Đánh đứa chạy đi chứ ai đánh kẻ chạy lại. Ngày xưa thánh Phêrô chối Chúa ba lần nhưng Người có bỏ ông đâu. Thế nên mới có vị tông đồ nhiệt thành sau này”.

Không phải bà tốt lành gì cho cam, nhưng là người đã trải qua đời sống gia đình, bà hiểu những khó khăn mà các cặp vợ chồng trẻ phải đối mặt. Khi mới về sống chung, hai người khác nhau về hoàn cảnh, trình độ, giới tính…nên quan điểm, lối sống, cách ứng xử cũng khác nhau. Hơn nữa cuộc sống với nhiều áp lực khiến người trẻ luôn sống trong trạng thái căng thẳng, nên khó kiềm chế bản thân khiến xung đột, mâu thuẫn rất dễ xảy ra. Ngày xưa nhiều lần giận chồng, bà muốn bỏ đi cho nhẹ người, nhưng nghĩ đến ông lại thấy thương nên bỏ qua. Yêu thương là biết đặt lợi ích của người khác lên trên lợi ích của bản thân, là sẵn sàng tha thứ và đón nhận những khiếm khuyết của nhau. Tình thương là chất keo để hàn gắn những đổ vỡ, tiếp thêm sức mạnh để ta có thể mở tấm lòng mà cảm thông, tha thứ cho những lỗi lầm của người khác. Câu nói “Quay về nhà đi con” như một cánh cửa mở ra để chào đón đứa con lầm lạc trở về với bình yên và hạnh phúc.

Nói thì dễ nhưng để làm được điều đó không phải là chuyện dễ dàng. Để có thể “mở cửa ra”, bà phải biết “đóng lại” những oán ghét, giận hờn mà đứa con dâu đã gây ra cho gia đình mình trong thời gian chung sống. Bản tính con người vốn yếu đuối, tự sức mình không thể vượt lên trên những vị kỷ thường tình, nên bà phải thường xuyên cầu nguyện để xin Chúa cho mình biết làm những điều đẹp lòng Người. Những lúc đau khổ tưởng chừng như không thể cố gắng được nữa, bà lại chạy đến với Đức Mẹ nỉ non: “Lạy Mẹ Maria, con xin dâng những xáo trộn mà gia đình con đang phải đối mặt. Giờ đây con không biết phải làm cách nào, nhưng con tin Mẹ sẽ có cách biến đổi sự dữ hóa lành. Xin Mẹ cầu thay nguyện giúp cho chúng con”.

Sau khi cầu nguyện xong, bà như được tiếp thêm sức mạnh để kiên trì vun vén cho hạnh phúc gia đình. Trong tất cả mọi chuyện, bà luôn lấy lòng thương xót của Chúa mà đối đãi với mọi người vì bà nhận ra rằng: chỉ có tình thương mới đủ sức làm nên sự hòa thuận, êm ấm cũng như nuôi dưỡng tình cảm giữa các thành viên trong gia đình với nhau.

Những cố gắng của bà theo thời gian đã được đền đáp. Đứa con trai sau giờ làm đã bớt nhậu nhẹt mà về sớm với gia đình, Thắm từ một người không biết nấu nướng, nay đã tự mày mò trên mạng để nấu những món ăn ngon cho chồng con… Nhìn chúng lúc nào cũng tíu tít bên nhau, cùng chăm sóc con gái, bà vui lắm, trong lòng thầm nghĩ: “Nếu ngày xưa mình không thông cảm cho những thiếu xót của con dâu, thì cháu mình sẽ không có bố, vợ chồng không được đoàn tụ, và quan trọng hơn là các con không tìm lại được hạnh phúc như bây giờ”. Dòng suy nghĩ của bà bị cắt ngang bởi tiếng hát trong trẻo của đứa cháu nội: “…Con sinh đến trong đời, an vui nhờ có ơn trời, và ơn cha mẹ suốt đời coi nhẹ khổ đau…”.

Bất giác bà ngước nhìn lên Chúa tha thiết nguyện cầu: “Lạy Chúa, xin giúp các gia đình trẻ biết yêu thương và tha thứ những lỗi lầm của nhau. Xin cho họ biết đón nhận người bạn đời như một quà tặng tuyệt vời Chúa ban để yêu thương và tôn trọng nhau suốt cuộc đời Amen”.

KimMary

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *