Vào ngày 1 tháng Mười Một 1950, Ðức Giáo Hoàng Piô XII xác định sự Thăng Thiên của Ðức Maria là một tín điều: “Chúng tôi tuyên bố, bày tỏ và xác định đó là một tín điều được Thiên Chúa mặc khải, là đức vô nhiễm nguyên tội Mẹ Thiên Chúa, Ðức Trinh Nữ Maria, sau khi hoàn tất chu trình cuộc đời trần thế, đã được lên trời cả hồn và xác để hưởng vinh phúc trên thiên đàng.” Ðức giáo hoàng tuyên bố tín điều này sau khi hội ý các giám mục, các thần học gia cũng như giáo dân. Rất ít người chống đối. Ðiều mà đức giáo hoàng long trọng tuyên bố thì đã có từ lâu trong lịch sử Giáo Hội Công Giáo.
Ngay từ thế kỷ thứ sáu, đã có các bài giảng về sự Thăng Thiên của Ðức Maria. Trong các thế kỷ tiếp đó, các Giáo Hội Ðông Phương kiên trì tin tưởng vào học thuyết này, trong khi một số học giả Tây Phương vẫn còn do dự. Tuy nhiên, vào thế kỷ 13 sự tin tưởng này đã trở thành phổ quát.
Kinh Thánh không nói gì về sự Thăng Thiên của Ðức Maria. Tuy nhiên, trong Khải Huyền chương 12, có nói về một người nữ bị vây hãm trong cuộc chiến giữa sự thiện và sự dữ. Nhiều người coi phụ nữ này tượng trưng cho dân Chúa. Vì Ðức Maria là hiện thân của cộng đồng Dân Chúa vừa trong Cựu Ước và Tân Ước, sự Thăng Thiên của ngài có thể coi như một thí dụ điển hình cho sự chiến thắng của người nữ. Ngoài ra, trong thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông Ðồ gửi tín hữu Côrintô 15:20, ngài nói về sự phục sinh của Ðức Kitô như hoa quả đầu mùa của những kẻ còn mê ngủ. Vì Ðức Maria liên hệ rất mật thiết với các mầu nhiệm cuộc đời Ðức Giêsu, nên không ngạc nhiên khi thấy Chúa Thánh Thần đã hướng dẫn Giáo Hội để tin tưởng rằng Ðức Maria cũng được chia sẻ sự vinh hiển với Chúa Giêsu. Ở trần thế, Ðức Maria được gần gũi với Chúa Giêsu như thế nào thì ở trên trời ngài cũng phải được ở với Chúa cả hồn lẫn xác.