Định nghĩa tình yêu (14.05.2016 – Thứ Bảy sau Chúa Nhật VII Phục Sinh năm C)

THÁNH MÁT-THI-A, TÔNG ĐỒ – Lễ kính
Lời Chúa: Ga 15,9-17

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an

9 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng : “Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy. 10 Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy, như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình thương của Người. 11 Các điều ấy, Thầy đã nói với anh em để anh em được hưởng niềm vui của Thầy, và niềm vui của anh em được nên trọn vẹn.
12 “Đây là điều răn của Thầy : anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. 13 Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình. 14 Anh em là bạn hữu của Thầy, nếu anh em thực hiện những điều Thầy truyền dạy. 15 Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết.
16 “Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em, và cắt cử anh em, để anh em ra đi, sinh được hoa trái, và hoa trái của anh em tồn tại, hầu tất cả những gì anh em xin cùng Chúa Cha nhân danh Thầy, thì Người ban cho anh em. 17 Điều Thầy truyền dạy anh em là hãy yêu thương nhau.”

 

SUY NIỆM

Trình thuật Tin Mừng hôm nay trình bày về đặc tính của lòng yêu mến Thiên Chúa đã trao ban cho nhân loại qua Đức Giêsu và Ngài muốn tình yêu ấy được lan tỏa đến mọi người.

Đức Giêsu nói với các môn đệ: “Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy”.

Thật khó mà diễn tả một cách rõ ràng về hành động yêu mến của Chúa Cha đã dành cho Con Một của Ngài là Đức Giêsu Kitô. Tuy nhiên, ta có thể nhận ra lòng yêu mến đó qua mặc khải đã được Thánh Kinh Cựu Ước ghi chép trong sách tiên tri I-sai-a: “Đây là người tôi trung Ta nâng đỡ, là người Ta tuyển chọn và quý mến hết lòng, cho thần khí Ta ngự trên nó; nó sẽ làm sáng tỏ công lý trước muôn dân” (Is 42, 1); hay: “Ta là ĐỨC CHÚA, Ta đã gọi ngươi, vì muốn làm sáng tỏ đức công chính của Ta. Ta đã nắm tay ngươi, đã gìn giữ ngươi và đặt làm giao ước với dân, làm ánh sáng chiếu soi muôn nước” (Is 42, 6). Còn Thánh Kinh Tân Ước ghi chép lời giới thiệu của Chúa Cha về Đức Giêsu, khi Đức Giêsu chịu phép rửa của ông Gio-an tiền hô ở sông Gio-đan: “Đây là con yêu dấu của ta, ta hài lòng về Người” (Mt 3,17); và trong cuộc hiển dung ở núi Ta-bor, Chúa Cha giới thiệu với ba môn đệ thân tín của Đức Giêsu: “Đây là con yêu dấu của ta, ta hài lòng về Người, các ngươi hãy vâng nghe lời người” (Mt 17, 5).

Những mặc khải trên cho thấy Chúa Cha đã quan tâm, yêu mến trân trọng Đức Giêsu biết chừng nào và Ngài luôn gìn giữ bảo vệ Người. Khi giảng dạy cho các môn đệ về giới luật yêu thương, Đức Giêsu trở nên dung mạo sống động của tình yêu Thiên Chúa dành cho nhân loại và Người muốn mọi người khắc họa lại tình yêu ấy trong cuộc sống đời thường: “Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy”.

Đức Giêsu yêu mến các môn đệ, yêu mến nhân loại

Được Chúa Cha sai đến trần gian để cụ thể hóa lòng yêu thương của Ngài, Ngôi Lời đã khiêm nhường hủy bỏ chính mình, mặc lấy xác phàm để ở giữa nhân loại, vâng phục cho đến chết và chết trên thập giá để cứu chuộc và đem lại cho nhân loại thứ hạnh phúc vĩnh cửu. Tình yêu ấy không có gì có thể sánh ví; bởi vì Người đã cho đi mà không cần điều kiện, chỉ mong con người có được niềm vui và hạnh phúc đích thực nghĩa là thuộc về Thiên Chúa – cội nguồn của lòng yêu mến.

 “Hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”, yêu thương nhau bằng thứ cảm xúc thuần khiết, không bị tính ích kỷ chi phối, không để dục tình thấp hèn lôi cuốn; nhưng yêu thương để đem lại hạnh phúc cho nhau, bằng sự yêu mến chân thành, tôn trọng và giúp đỡ nhau trong cuộc sống.

Dĩ nhiên, có gì cho đi mà không mất mát, không phải tiêu hao; tình yêu đòi hỏi sự can đảm chấp nhận thiệt thòi để kiến tạo hạnh phúc cho cả hai bên, đó là hành vi của lòng yêu mến chân thành: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình”

Đức Giêsu không những hy sinh tính mạng vì bạn hữu, mà còn hủy mình để ngang bằng với con người trong thân phận thấp hèn là loài thụ tạo; “yêu nhau vạn sự chẳng nề, một trăm chỗ lệch cũng kê cho bằng”, với chỗ lệch giữa ngôi vị Thiên Chúa và loài thụ tạo, Người đã hạ mình trở nên người phàm và cư ngụ giữa loài người. Ngược lại với chỗ lệch giữa loài người là loài thụ tạo với Thiên Chúa, Người muốn bồi đắp, kê cho cân xứng bằng lời giáo huấn, bằng ân sủng và cái chết nhục nhã trên thập giá mà chính Người đã chấp nhận, để đánh đổi sự tha thứ của Chúa Cha, cho con người được phục hồi phẩm giá cao quý thuở ban đầu mà được hưởng hạnh phúc. Tuy nhiên, để đón nhận tình yêu và sống trong tình yêu cao vời ấy một cách hiệu quả, Đức Giêsu nhắn nhủ các môn đệ: “Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy. Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy”.

Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời (x. Ga 3, 16). Đức Giêsu mời gọi mọi người đáp trả tình yêu của Thiên Chúa bằng sự lắng nghe và tuân giữ giáo huấn của Người, để được Lời chân lý biến đổi; Người cũng truyền dạy mọi người: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”.

Tình yêu của Đức Giêsu dành cho nhân loại, dành cho chúng ta được thể hiện qua những hy sinh, những đau khổ Người phải chịu nơi thân xác và tinh thần trong cuộc sống trần thế của Người, tình yêu ấy đã trở nên khuôn mẫu yêu thương cho những ai đặt trọn niềm tin nơi Người; nghĩa là phải biết hy sinh vì lợi ích chính đáng của người mình yêu thương, phải tôn trọng nhau và giúp đỡ nhau cách chân thành để hướng đến hạnh phúc đích thực trong cuộc sống.

Sứ điệp Tin Mừng hôm nay mời gọi tôi

Nỗ lực sống yêu thương để tình yêu Thiên Chúa dành cho nhân loại được lan tỏa và tình yêu của Đức Giêsu Kitô với Hội Thánh phát sinh hiệu quả, đem ơn cứu độ đến cho mọi người trong mọi thời đại và mọi dân tộc.

CẦU NGUYỆN

Lạy Chúa, xin dạy cho con biết sống lời kinh Hòa Bình của thánh Phan-xi-cô Assisi để con làm trổ sinh hoa trái yêu thương trong cuộc sống như lòng Chúa mong ước

SỐNG TIN MỪNG

Chú tâm thực thi kinh “Thương người có mười bốn mối” trong cuộc sống thường ngày.