18 Tháng Mười Một Thánh Rose Philippine Duchesne (1769-1852)

18 Tháng Mười Một
Thánh Rose Philippine Duchesne
(1769-1852)

Sinh ở Grenoble, nước Pháp, trong một gia đình giầu có, Philippine hấp thụ năng khiếu chính trị từ người cha và nơi người mẹ ngài học được sự thương yêu người nghèo. Về tính tình, chính yếu ngài là một người cương quyết với ý chí bất khuất, mà sau này tính khí ấy đã giúp ngài trở nên thánh thiện. Ngài gia nhập tu viện năm 19 tuổi, mà không nói với cha mẹ một lời, và dù gia đình có chống đối, ngài vẫn cương quyết đi tu. Khi cuộc Cách Mạng Pháp bùng nổ, tu viện phải đóng cửa, ngài quay sang chăm sóc người nghèo và người đau yếu, mở lớp dạy các trẻ bụi đời và liều mình giúp đỡ các linh mục đang hoạt động âm thầm.

Khi tình thế lắng dịu, chính ngài thuê lại tu viện cũ, đã đổ nát vì chiến tranh, cốt để làm sống lại sinh hoạt nhà dòng. Chiến tranh đã tàn phá không chỉ vật chất mà còn ảnh hưởng đến đời sống tâm linh. Nhà dòng chỉ còn lại bốn nữ tu. Sau đó họ gia nhập Tu Hội Thánh Tâm mới được thành lập, mà vị bề trên trẻ tuổi, Thánh Madeleine Sophie Barat, trở nên một người bạn trong suốt cuộc đời của sơ Philippine. Một thời gian ngắn sau đó, sơ Philippine làm bề trên nhà dòng và làm hiệu trưởng một trường học. Nhưng mơ ước của ngài ngay từ khi còn nhỏ, lúc được nghe biết về công cuộc truyền giáo ở Louisiana, là sang Hoa Kỳ phục vụ người da đỏ. Ngài thực hiện tham vọng này khi 49 tuổi.
Cùng với bốn nữ tu, ngài lênh đênh trên biển 11 tuần lễ để đến New Orleans, và sau đó họ phải xuôi giòng Mississippi thêm bảy tuần lễ nữa để đến St. Louis. Ðến nơi, ngài chỉ gặp toàn thất vọng. Ðức giám mục địa phương không có chỗ cho các sơ tá túc để hoạt động cho người thổ dân Hoa Kỳ. Thay vào đó, đức cha lại sai các sơ đến một nơi mà ngài gọi là “làng hẻo lánh nhất Hoa Kỳ,” đó là St. Charles, Missouri. Tuy nhiên, với bản tính dũng cảm, sơ Philippine đã thiết lập trường học miễn phí đầu tiên cho các thiếu nữ ở vùng tả ngạn sông Mississippi.

Nhưng đó là một sai lầm. Mặc dù các ngài làm việc quần quật, như bất cứ người phụ nữ nào trong thời kỳ khẩn hoang phải rong ruổi trên các toa xe ngựa viễn tây, sự đói khát và lạnh giá đã đẩy các ngài ra khỏi vùng, lưu lạc đến Florissant, Missouri, là nơi ngài thiết lập trường Công Giáo Da Ðỏ đầu tiên.

Phải là một nữ anh thư như Mẹ Philippine Duchesne, mới kinh qua được những hành trình khủng khiếp trong thời gian truyền giáo. Louis E. Callan, người tìm hiểu về Mẹ Duchesne đã viết: “Trong thập niên đầu khi Mẹ Duchesne đến Hoa Kỳ, trên thực tế ngài đã phải chịu đựng mọi gian khổ của một người khẩn hoang, ngoại trừ sự đe dọa của người da đỏ – không có chỗ ở, thiếu thốn thực phẩm, nước uống, dầu đốt, tiền bạc, thời tiết thay đổi thất thường, thiếu thốn mọi tiện nghi, và sự ngỗ nghịch của các trẻ em vì sống trong môi trường thô bạo và ít được giáo dục”.

Sau cùng, vào lúc 71 tuổi, với sức khoẻ yếu kém và mệt mỏi, ngài đã hoàn thành ước mơ. Một xứ đạo được thành hình ở Sugar Creek, Kansas, giữa những người thổ dân Potawatomi. Mặc dù ngài không thể học được tiếng bản xứ, nhưng người thổ dân gọi ngài là “Bà Luôn Cầu Nguyện”. Trong khi người khác học hỏi thì ngài cầu nguyện. Người ta kể rằng các trẻ em da đỏ nghịch ngợm, lén ra đằng sau lưng ngài khi đang cầu nguyện để ném lên áo những mẩu giấy, và vài tiếng đồng hồ sau chúng trở lại, các mẩu giấy ấy vẫn còn dính trên áo.
Ngài từ trần năm 1852 lúc 83 tuổi, và được Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II phong Thánh năm 1988.

Lời Bàn

Ơn Chúa đã trui rèn ý chí sắt đá và sự quyết tâm của Mẹ Duchesne, để trở thành một người khiêm tốn và vị tha, không muốn sự an nhàn của một đấng bề trên. Tuy nhiên, người ta chỉ nên thánh bởi sự trau dồi theo thời gian. Truyện kể rằng, trong một cuộc tranh luận với vị linh mục về sự thay đổi nơi cung thánh, ngài cứng đầu đến nỗi vị linh mục phải đe dọa lấy đi nhà tạm thì ngài mới thôi. Nhưng ngài đã kiên nhẫn chịu đựng sự chỉ trích của các nữ tu trẻ cho rằng ngài thiếu cấp tiến. Qua tất cả các biến cố trong quãng đời 31 năm ấy, ngài có được một tình yêu bất khuất và đã trung thành tuân giữ lời khấn của ngài.

Lời Trích

 “Chúng tôi chỉ làm được những điều rất nhỏ trong cánh đồng truyền giáo cho Ðức Kitô, nhưng chúng tôi yêu quý điều ấy, vì biết rằng Thiên Chúa không đòi hỏi phải thành đạt những công trình lớn lao, nhưng Người muốn một con tim dâng hiến tất cả, không giữ lại chút gì cho mình… Thập giá đích thực là thập giá mà chúng ta không tự chọn cho mình… Người có được Ðức Giêsu là có được tất cả” (Thánh Rose Philippine Duchesne).

 

http://hddmvn.net/tusach/tusach/hanhcacthanh/theovetchannguoi.htm