Trong cuộc sống hàng ngày, có biết bao nhiêu người đáng để chúng ta thương yêu và dành nhiều tình cảm. Có biết bao tâm tình mà ta đã bày tỏ để đền ơn, đáp nghĩa bằng những quà tặng quý giá, với những lời sẻ chia, thăm hỏi dành cho ai đó… Nhưng đã bao giờ bạn nghĩ rằng người cần tri ân thăm hỏi trước tiên là chính song thân của mình không?
Bạn đã đọc câu chuyện cảm động của ông lão đi sửa chiếc điện thoại chưa?
Ảnh minh họa
Câu chuyện thế này,
“Tôi là một nhân viên bảo trì và sửa chữa điện thoại di động.
Sáng hôm đó, có một ông lão đã tới cửa hàng của tôi để sửa điện thoại. Tôi cẩn thận kiểm tra chiếc điện thoại nhưng không phát hiện ra lỗi nào cả, mọi thứ đều bình thường. Tôi nói với ông rằng mọi thứ đều ổn và điện thoại của ông vẫn hoạt động tốt.
Ông lão mang điện thoại đi sửa vì… không nhận được thông tin gì từ con ông. Ông lão nhìn tôi và rơm rớm nước mắt hỏi: “Thế tại sao tôi không nhận được tin nhắn, hay cuộc gọi của con tôi?”.[1]
“Thế tại sao tôi không nhận được tin nhắn hay cuộc gọi của con tôi?”
Câu hỏi của cụ ông không mong câu trả lời thỏa đáng đến từ nhân viên bảo trì, sửa chữa điện thoại.
Câu hỏi mang nặng tình thương của sự chờ đợi, mong mỏi mà người cha dành cho đứa con của mình. Điều cụ ông mong đợi rất nhỏ nhoi, đơn giản chỉ là một dòng tin nhắn hay chỉ nghe được giọng nói ngắn gọn thân thương đến từ đứa con xa nhà.
Ông lão chờ mong tin của đứa con đến nỗi sốt ruột cho rằng điện thoại của mình bị hư! Điều này còn cho biết thêm ông đã chờ đợi, mong tin con từ khá lâu; nỗi nhớ thương con kéo dài…
Câu chuyện khiến nhiều người xúc động, nó cũng lấy đi khá nhiều nước mắt của tôi khi nghĩ về phụ thân của mình ! Có lần nào trong đời mình cũng đã để cho phụ thân chờ mong đến não lòng như thế!
Không biết bạn trẻ trong câu chuyện mà người cha chờ đợi, mong ngóng ấy đang ở phương trời nào, đang làm gì, bạn ấy có nhớ nhà, nhớ cha, nhớ mẹ hay không? Bạn ấy có biết cha bạn đang mong tin bạn từng phút, từng giây nơi quê nhà yêu dấu! Bạn ấy đã từng chờ mẹ mong cha khi các ngài vắng nhà? Bạn có chút trải nghiệm khi “đứng ngồi không yên” ngóng chờ trông đợi ai đó trong cuộc hò hẹn?
Bạn thân mến,
Bạn, tôi, chúng ta có nhớ :
Lúc còn nhỏ, dưới sự bao bọc, quản giáo của bố mẹ chúng mình thường mong nhanh lớn để được tự do vùng vẫy với thế giới bên ngoài. Nhưng đến khi nhận ra thế giới trong mơ ấy nó không đẹp như ta từng tưởng tượng. Cái xã hội bon chen, xô bồ ta hằng mong ước, toàn “người dưng nước lã” đầy hơn thua đó, nó đã đối xử với chúng mình ra sao ! “Chẳng có bữa cơm nào miễn phí, chẳng có chỗ tựa lưng nào cho không biếu không” dành cho ta phải không bạn? Bởi vì, “Cơm người khổ lắm ai ơi, chẳng như cơm mẹ vừa ngồi vừa ăn. Dẫu cha mẹ có khó khăn. Cũng cho con đủ gối chăn cơm lành.”
Và … Hồi còn ở cái tuổi thiếu thời – tôi, bạn chúng ta có tâm lý giống nhau luôn muốn chứng tỏ bản thân. Chúng ta đã từng làm những hành động anh hùng để chứng minh mình vẫn sống mà không cần cha mẹ. (tìm cách trốn học để đi làm kiếm tiền tự nuôi thân, rồi cái kết thế nào?). Lúc ấy, mẹ đã ân cần an ủi, dạy dỗ, cha đã nhẹ nhàng khuyên bảo, âm thầm chịu đựng những ngỗ nghịch ương ngạnh của chúng ta. Những ngày ra khỏi nhà để nói với mẹ cha, con sống không cần cha mẹ… Rồi, Mẹ đã gọi điện và nói những gì…? Có thực, chúng ta sống mà không cần mẹ, không cần cha không? Chúng ta đã quay về, đã được tha thứ, được bao bọc, yêu thương chăm sóc và được cho ăn học thế nào?
Chúng ta không thể hiểu: “Cha mẹ giàu sang cho con thong thả, cha mẹ nghèo con vất vả gian nan. Làm con đừng có thở than, phải hiểu cha mẹ gian nan bội phần”.
Đến lúc lớn khôn được đi học xa nhà, khi các khoản chi phí cạn kiệt, Bạn đã làm gì? Bạn đã gọi về và cha mẹ bạn trả lời ra sao? “Con à, cần gì, thiếu gì cứ nói, con cần gì, con thiếu gì… cha mẹ lo cho. Cha mẹ có khó khăn thêm chút cũng không sao. Cha mẹ sẽ không để con thiếu tiền dù chỉ một ngày… Mọi sự cứ để cha lo, con yên tâm học hành, chăm chỉ học việc là mẹ cha vui rồi…” Có phải vậy không bạn?
Mỗi người một cách, mỗi gia đình một cảnh, “Trái tim của người mẹ, người cha là một vực thẳm sâu ở đáy mà bạn sẽ luôn tìm thấy sự tha thứ”[2]. “Bạn có thể lừa một vài người trong tất cả mọi lần, và bạn có thể lừa mọi người trong một vài lần, nhưng bạn không thể lừa mẹ”. Mẹ dành cho ta những tình cảm dạt dào, nhẹ nhàng thông cảm. Có khi ta chỉ tâm sự với mẹ là đủ; Đối với cha, người lại dành cho ta những tình cảm hoàn toàn khác biệt. Có thể cha rất nghiêm khắc để răn đe nhưng là sự quan tâm âm thầm ít thể hiện bằng cảm xúc. Cha thể hiện tình cảm bằng những giáo điều, những lời dạy mang tính triết lý, bài vở, đạo đức làm người sâu sắc, khiến bạn, tôi lắm lúc không thích thú lắng nghe… Cho dù cách thể hiện tình cảm của cha mẹ khác nhau, nhưng trên hết cha mẹ vẫn mong chúng ta được hạnh phúc, mong con mình ăn lời dạy dỗ, khôn lớn nên người. Cha mẹ luôn hy sinh, quên mình cầu mong những điều tốt đẹp nhất, tuyệt vời nhất cho mỗi chúng ta.
Chúng ta đang sống trong xã hội mà mọi người cảm thấy phải chạy đua với thời gian vội vã, hối hả…. chúng ta chỉ mãi nghĩ cho bản thân vì sự ham chơi, thích khám phá đây đó hay mải miết theo đuổi đam mê, khát khao sự nghiệp mà ít dành thời gian quan tâm đến cha mẹ.
Chuyện ông cụ đi sửa điện thoại vì không nhận được tin nhắn hay cuộc gọi từ con mình, nói gì với chúng ta :
- Những người đã thành đạt trong cuộc sống,
- Những người đang long đong đi tìm cho mình một công việc,
- Những người không hề cố gắng, nỗ lực mà chỉ biết đổ lỗi cho thời vận, cho số phận, đổ lỗi cả cho mẹ cha vì những nông nổi, vấp ngã, thất bại của chính mình,
- Những bạn trẻ coi mình là cái rốn của vũ trụ để rồi chỉ biết tụ tập bè bạn, ăn chơi phung phí, hưởng thụ ích kỷ, đua đòi…
“Cha mẹ nuôi con cả một đời không mong gì báo hiếu. Phận làm con, đừng chỉ biết sống cho nở mày nở mặt với bạn bè, mà quên cha mẹ già đau yếu cô đơn, cần sự săn sóc phụng dưỡng chân tình. Đừng để khi mất đi bố mẹ rồi mới hối hận, bởi tất cả đều đã muộn.”
Chuyện cụ ông đi sửa điện thoại vì không nhận được tin nhắn hay cuộc gọi từ con mình còn nói với bạn, với tôi điều này“Với cha mẹ bạn luôn luôn là những đứa trẻ nhỏ bé cần được ôm ấp vỗ về và che chở, dù bạn khôn lớn và trưởng thành đến đâu cũng trở nên nhỏ bé và ngây ngô trong vòng tay yêu thương của họ”.
Câu chuyện ông bố đi sửa điện thoại vì không nhận được tin nhắn hay cuộc gọi từ con mình, gợi lại trong ký ức về một quá khứ thật đẹp. Khi chúng ta còn nhỏ, khi chúng ta đi học, khi chúng ta đi làm xa nhà, ngay lúc này cha mẹ luôn thương nhớ và dõi theo chúng ta (nếu ai đó còn mẹ cha). Các ngài mong nghe từng giọng nói, cảm nhận từng nhịp đập từ con tim chúng ta… Thay vì lướt Web, lướt facebook cả tiếng đồng hồ… Sao chúng ta không thường xuyên gọi điện về nhà, để cho bố mẹ yên tâm? Sao chúng ta không gọi về nhà để cha mẹ biết cuộc sống của chúng ta thế nào, hoặc có thể chúng ta đang gặp khó khăn, thất bại để được nâng đỡ, chia sớt, cảm thông?
Bạn, tôi chúng ta cùng trả lời câu hỏi: “Mỗi người còn sống với bố mẹ được bao lâu?”
Bạn đã bao giờ cãi lời làm cha mẹ buồn khóc?
Bạn đang làm cho cha mẹ đau khổ vì tự ái quá lớn, vì muốn khẳng định mình, “bạn đủ lông đủ cánh” không cần mẹ, không cần cha, không cần hơi ấm từ mái gia đình?
Bạn đã bao giờ mải mê lo cuộc sống cơm áo gạo tiền, tất bật ngoài chợ đời mà quên quan tâm thăm hỏi, chăm sóc dành cho cha mẹ?
Ngày của cha sắp đến, hãy dừng lại một chút, hãy trải lòng về những kỷ niệm thân thương bên mái ấm gia đình, bên đầu gối mẹ, bên vòng tay ấm của cha. Hãy nhớ lại miếng cơm đầu tiên ai đã mớm cho để mình biết nhai, biết cảm nếm cái ngon cái dở… hãy nhớ lại lần tập xe đạp đầu tiên ai đã khom lưng, chạy phía sau xe giữ thăng bằng để mình vững vàng đạp những vòng tròn liên tiếp, và ai đã từng tươi cười vỗ tay khích lệ khi bạn viết những nét chữ đầu tiên, khi bạn chơi những quả bóng rơi vào chiếc rổ trên cao, cha hạnh phúc nhấc mình lên cho bằng cái sà cao trên đầu… và bao nhiêu sự khởi đầu thật êm đềm thân thương để mỗi người có được như hôm nay. Hãy lắng đọng tâm hồn để nghe bao lời thân thương dịu ngọt, những cử chỉ tha thứ cả những giọt nước mắt mà mẹ cha đã giấu đi vì những khổ đau các ngài đã ghánh chịu để ta được thanh thản bình yên. Hãy để những thước phim thời thơ ấu quay thật chậm trong ký ức “Vì con sống cha mẹ suốt đời lam lũ. Vì con vui cha mẹ gánh hết đời khổ đau”.
Xin hãy làm tất cả những gì có thể để báo hiếu khi còn kịp bạn nhé, dù cuộc sống hiện tại còn chật vật, khó khăn… nhiều ước mơ, nhiều hoài bão, nhiều công việc cần giải quyết, nhiều dự án cần phải thực hiện hôm nay, ngay lúc này… nhưng nó không quan trọng “bằng cha bằng mẹ”. “Đừng ăn chơi khi mẹ còn cực khổ, đừng đua đòi khi cha đổ mồ hôi”. Và hãy cảm nhận rằng“Cha không hoàn hảo nhưng cha vẫn yêu thương con theo cách hoàn hảo nhất”. Để rồi không ai phải hối tiếc về điều gì. Bởi, “Đi khắp thế gian không ai tốt bằng Mẹ, gánh nặng cuộc đời không ai khổ bằng Cha, tần tảo sớm hôm Mẹ nuôi con khôn lớn. Mang cả tấm thân gầy Cha che chở đời con”.
Và, “Hãy yêu thương, thảo hiếu tri ân khi cha mẹ còn khỏe mạnh, minh mẫn còn biết rõ điều này điều kia, còn nhớ, còn nghe, còn nói, còn cười. Đừng để lúc cha mẹ ra đi mới khóc gào kể lễ công ơn. Đừng khắc ghi lời hiếu kính, nhớ ơn, tạ lỗi… lên bia mộ làm chi, nó có nghĩa gì bởi bia đá kia là loài vô tri, vô giác”.
[2] Honore de Balzac
Tác giả bài viết: Nt. Anne Lê (Dòng MTG Qui Nhơn)