Vào lúc 12 giờ trưa Chúa Nhật 12/07, như thường lệ, từ cửa sổ Dinh Tông Tòa, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự buổi đọc Kinh Truyền Tin với các tín hữu hiện diện tại quảng trường thánh Phê-rô. Dù trưa mùa hè ở Roma thật nóng, với ánh mặt trời chói chang và nóng đến trên 33 độ, và trong thời gian đề phòng virus corona, nhưng cũngcó vài trăm tín hữu tham dự buổi đọc kinh với Đức Thánh Cha. Trong bài huấn dụ, Đức Thánh Cha nói:
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Lời Chúa là chính Chúa Ki-tô; đón nhận Lời Chúa là đón nhận chính Chúa Ki-tô
Trong Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay (x. Mt 13,1-23) Chúa Giê-su kể với đám đông dân chúng dụ ngôn người gieo giống mà tất cả chúng ta đều biết rõ. Người này gieo hạt giống trên bốn loại đất khác nhau. Lời Chúa, được biểu tượng bằng các hạt giống, không phải là một Lời Chúa trừu tượng, nhưng là chính Chúa Ki-tô, Ngôi Lời của Chúa Cha đã nhập thể trong cung lòng Mẹ Maria. Vì thế, đón nhận Lời của Thiên Chúa có nghĩa là đón nhận con người của Chúa Ki-tô, chính Chúa Ki-tô.
Lời Chúa rơi bên vệ đường: tâm hồn bị xao lãng bởi nhiều bận tâm
Có những cách đón nhận Lời Thiên Chúa khác nhau. Chúng ta có thể đón nhận Lời Chúa giống như một con đường, nơi mà ngay lập tức chim trời đến và ăn các hạt giống. Đó là sự xao lãng, chia trí, một nguy hiểm rất lớn trong thời đại chúng ta. Bị bận tâm bởi quá nhiều câu chuyện tán phét, bởi rất nhiều ý thức hệ, bởi những điều có khả năng không ngừng làm người ta phân tâm trong gia đình và bên ngoài xã hội, người ta có thể mất đi sự quý chuộng im lặng, suy tư, đối thoại với Chúa, đến mức có nguy cơ mất đức tin, không đón nhận Lời Chúa.
Lời Chúa rơi trên sỏi đá: tâm hồn hời hợt nhất thời
Một khả năng khác là chúng ta có thể đón nhận Lời Chúa như một mảnh đất đá, có ít đất. Hạt giống sớm nảy mầm, nhưng chẳng mấy chốc nó cũng khô héo, vì nó không thể bén rễ sâu. Đó là hình ảnh của những người đón nhận Lời Chúa với sự nhiệt tình nhất thời, nhưng thật sự chỉ hời hợt, không đồng hóa với Lời Chúa. Và như thế, ngay khi vừa gặp khó khăn, đau khổ, một sự xáo trộn của cuộc sống, niềm tin còn non yếu đó bị tan biến, giống như hạt giống rơi vào giữa đất đá.
Lời Chúa rơi giữa bụi gai: bị bóp nghet bởi các quan tâm của thế gian
Một khả năng thứ ba mà Chúa Giê-su nói đến trong dụ ngôn, đó là chúng ta cũng có thể đón nhận Lời Chúa như một mảnh đất có những bụi gai mọc lên. Và gai là sự giả dối của sự giàu có, thành công, các quan tâm lo lắng thế gian … Ở đó Lời phát triển một tí nhưng rồi bị bóp nghẹt, nó không lớn mạnh được, nó chết và không sinh kết quả.
Lời Chúa rơi trên đất tốt: người lắng nghe, đón nhận, gìn giữ và thực hành Lời Chúa
Cuối cùng, khả năng thứ tư, chúng ta có thể đón nhận Lời Chúa như một mảnh đất tốt. Ở đây, và chỉ ở đây, hạt giống mới bén rễ và sinh kết quả. Hạt giống rơi xuống mảnh đất màu mỡ này diễn tả những người lắng nghe Lời Chúa, đón nhận nó, gìn giữ nó trong tâm hồn họ và đưa nó vào thực hành trong cuộc sống mỗi ngày.
Tâm hồn tôi thuộc loại đất nào?
Dụ ngôn người gieo giống này phần nào đó là “mẹ” của tất cả các dụ ngôn, bởi vì nó nói về việc lắng nghe Lời Chúa. Nó nhắc nhở chúng ta rằng Lời Chúa là một hạt giống phong phú và hiệu quả; và Thiên Chúa quảng đại gieo vãi nó khắp nơi, mà không bận tâm đến chuyện lãng phí. Trái tim của Thiên Chúa cũng vậy! Mỗi người chúng ta là một mảnh đất trên đó hạt giống của Lời Chúa rơi xuống, không ai bị loại trừ. Lời Chúa được ban cho mỗi người chúng ta. Chúng ta có thể tự hỏi: tôi thuộc loại đất nào? Tôi giống như vệ đường, hay mảnh đất đá, hay bụi gai?
Hạt giống Lời Chúa lớn mạnh hay không tùy thuộc chúng ta
Nếu chúng ta muốn, với ân sủng của Thiên Chúa, chúng ta có thể trở thành mảnh đất tốt, được chăm sóc và canh tác cẩn thận, để cho hạt giống Lời Chúa lớn lên. Hạt giống này đã hiện diện trong tâm hồn của chúng ta, nhưng để làm cho nó sinh hoa quả thì tùy thuộc nơi chúng ta, nó phụ thuộc vào sự đón nhận mà chúng ta dành cho hạt giống này. Chúng ta thường bị phân tâm bởi quá nhiều lợi ích, bởi quá nhiều tiếng gọi và rất khó để phân biệt, giữa rất nhiều tiếng nói và rất nhiều lời nói, đâu là Lời của Chúa, Đấng duy nhất giải phóng chúng ta.
Tập quen đọc Lời Chúa
Đây là lý do tại sao việc quen lắng nghe Lời Chúa, đọc Lời Chúa là quan trọng. Và tôi trở lại, một lần nữa, với lời khuyên đó: anh chị em hãy luôn mang theo một cuốn Tin Mừng nhỏ, một ấn bản Tin Mừng bỏ túi, trong túi, trong giỏ của anh chị em … Và như thế, hãy đọc một đoạn ngắn mỗi ngày, để anh chị em quen đọc Lời Chúa và hiểu đâu là hạt giống mà Chúa ban cho anh chị em và suy nghĩ xem tôi đón nhận Lời Chúa với mảnh đất nào.
Xin Đức Trinh nữ Maria, mẫu gương hoàn hảo của mảnh đất tốt và màu mỡ, bằng lời cầu nguyện của Mẹ, giúp chúng ta trở thành mảnh đất sẵn sàng, không có gai góc hay sỏi đá, để chúng ta có thể sinh hoa trái tốt cho chúng ta và cho các anh chị em của chúng ta.
Tôi nghĩ đến đền thờ Santa Sophia và tôi rất đau lòng
Và biển đưa tu tưởng của tôi đi xa một chút, đến Istanbul. Tôi nghĩ đến đền thờ Santa Sophia (nguyên là đền thờ sự Khôn ngoan của Thiên Chúa), và tôi rất đau lòng.
Chúa Nhật Biển
Sau khi đọc Kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha muốn nhớ đến những người làm việc ở biển, nhưng hiện tại, do đại dịch và hậu quả của việc đóng cửa nhiều hoạt động, họ đang gặp phải tình cảnh rất khó khăn. Chúa Nhật Biển thường diễn ra vào Chúa Nhật thứ hai của tháng 7 và được bắt đầu ở Anh 100 năm trước, để nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của công việc của những người đi biển đối với nền kinh tế và để bảo vệ các quyền thường bị lãng quên của họ:\
Tôi gửi lời chào trân trọng đến tất cả những người làm việc trên biển, đặc biệt là những người ở xa người thân và đất nước của họ. Tôi xin chào tất cả những người sáng nay tụ họp, cử hành Thánh lễ tại cảng Civitavecchia-Tarquinia.
Chào các tín hữu
Sau đó, Đức Thánh Cha chào các tín hữu hiện diện trong buổi đọc Kinh Truyền Tin:
Tôi xin chào tất cả anh chị em, các tín hữu Roma và những người hành hương từ nhiều quốc gia khác nhau, đặc biệt là các gia đình của Phong trào Focolare. Tôi chân thành cảm ơn các đại diện của hội Mục vụ Sức khỏe của Giáo phận Roma, và nghĩ đến nhiều linh mục, nam nữ tu sĩ và giáo dân đã ở bên cạnh các bệnh nhân trong thời gian đại dịch này. Xin cám ơn việc anh chị em đã làm và đang làm.
Hồng Thủy – Vatican News