Tokyo: 1,63 triệu liều vắc xin chống Covid của Moderna bị đình chỉ

1. Căng thẳng giữa Anh Giáo và Công Giáo sau cái chết bi thảm của một linh mục

Giáo hội Anh Giáo đã thừa nhận họ đã mắc sai lầm trong việc giải quyết các cáo buộc không có cơ sở về tội lỗi lạm dụng trẻ em đối với một cựu linh mục Anh giáo, khiến vị này uất ức đến mức đã tự kết liễu mạng sống của mình.

Hôm thứ Năm 26 tháng 8, Đức Tổng Giám Mục Justin Welby bày tỏ “sự hối tiếc và đau buồn sâu sắc” trước cái chết của Cha Alan Griffin và nói rằng Anh Giáo phải chịu trách nhiệm về những thất bại đã “dẫn đến những áp lực vô lý” đối với vị linh mục.

Sau các áp lực của tổng giáo phận Công Giáo Wesminster, cuối cùng, Cung điện Lambeth, trụ sở của tổng giám mục Canterbury, và giáo phận London của Anh Giáo đã nhìn nhận sai lầm của họ trước báo cáo của các nhân viên điều tra cảnh sát được đưa ra vào tháng trước về cái chết của Cha Griffin. Vị linh mục đã tự tử hồi tháng 11 năm 2020.

Báo cáo của cảnh sát nói rằng Cha Griffin, 76 tuổi, đã tự sát “vì không thể đương đầu với cuộc điều tra về các hành vi của mình, khi mà ngài không hề hay biết gì về các chi tiết và nguồn gốc của những lời tố cáo”.

Báo cáo của cảnh sát nhấn mạnh rằng: “Cha Griffin không lạm dụng trẻ em, không quan hệ tình dục với thanh niên dưới 18 tuổi, không lang chạ với gái mại dâm. Ngài không gây nguy hiểm đến tính mạng của người khác bằng cách quan hệ tình dục trong khi có nguy cơ lây nhiễm HIV. Và không có bằng chứng cho thấy anh ta đã làm bất kỳ điều gì trong số này. Ngài là một linh mục đồng tính nam dương tính với HIV”.

Nhân viên điều tra, Mary Hassell, cũng cảnh báo rằng nhiều giáo sĩ Anh Giáo sẽ tử vong trừ khi Giáo Hội này có các hành động được thực hiện để cải thiện các quy trình bảo vệ trẻ em.

Cha Griffin đã từng là linh mục Giáo Hội Anh Giáo trước khi bỏ sang Công Giáo vào năm 2012. Các linh mục Anh Giáo quen biết cho rằng Cha Griffin đã quyết định từ bỏ Anh Giáo sau khi phát hiện mình nhiễm HIV, và chuyển sang Công Giáo trong một cố gắng để thoát khỏi một mạng lưới đồng tính đã khiến ngài nhiễm HIV. Tưởng cũng nên nói thêm rằng Anh Giáo chấp nhận các giáo sĩ có quan hệ đồng tính, còn Công Giáo thì không. Giám Mục Gene Robinson của giáo phận Anh Giáo New Hampshire, là một trường hợp điển hình. Ông ta có vợ con đàng hoàng nhưng sau đó ly dị vợ, và công khai sống đồng tính, “làm vợ” cho anh chồng Mark Andrew từ tháng 2 năm 1988. Tháng 6, 2003 ông ta được bầu làm Giám Mục giáo phận Anh Giáo New Hampshire, Hoa Kỳ.

Tổng giáo phận Công Giáo Wesminster, đã cho Cha Griffin trở lại chức linh mục sau 2 năm thử thách.

Một cuộc điều tra về các cáo buộc lạm dụng trẻ em đã được giáo phận Anh giáo ở London bắt đầu vào năm 2019 và các khiếu nại đã được chuyển cho các cơ quan bảo vệ trẻ em của Công Giáo.

Trong phản hồi của mình, Cung điện Lambeth của Anh Giáo cho biết: “Chúng tôi chấp nhận rằng những lo ngại được nêu ra đối với Cha Griffin là không có cơ sở, việc thu thập các bằng chứng, xác minh và đánh giá thông tin trước khi có hành động cụ thể đã không xảy ra. Chúng tôi cũng không tìm kiếm các lời khuyên pháp lý nào cả”.

Giáo phận Anh Giáo London nói thêm rằng “Cách thức thông tin được ghi lại và chuyển đến Giáo Hội Công Giáo là một vấn đề gây tiếc nuối sâu sắc cho giáo phận London”.


Source:The Guardian

2. Dhaka: Nữ tu bị tấn công và cướp bóc

Một nữ tu của Dòng Nữ Tu Giáo Lý Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Đức Mẹ đã bị một tên trộm tấn công và làm bị thương. Vụ tấn công diễn ra ở Sreeghonti, thuộc giáo phận Rajshahi. Nữ tu Scholastica Jopomala Gomes, đang dạy tại Đại học St. Joseph’s Haigh ở Bonpara, chỉ cách tu viện nơi sơ sáu km. Khi sơ bước ra khỏi xe kéo của mình và đang đi bộ dọc đường thì bị một người đàn ông giật túi xách. Sơ cố gắng giằng lại túi xách thì tên trộm đã đấm sơ và bỏ trốn. Trong túi xách có điện thoại di động, đồng hồ và một số tiền.

Cha Joseph Mistri, một linh mục Dòng Tên và là Cha Sở giáo xứ Bhabanipur, báo cáo rằng nữ tu bị thương nặng ở một bên mắt, vì vậy sau khi báo cáo vụ việc với cảnh sát địa phương, sơ đã được chuyển đến Dhaka.

Đức Cha Gervas Rozario, giám mục giáo phận Rajshahi, nói với Asia-News, cơ quan thông tin của Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo Hải Ngoại, rằng ngài rất tiếc là vụ việc đã diễn ra: “Tôi nghĩ những gì đã xảy ra rất đáng buồn. Tôi yêu cầu cảnh sát bắt kẻ tấn công để đưa ra trước công lý”.

Có vô số cuộc tấn công chống lại các tín hữu Kitô ở Bangladesh, đặc biệt là chống lại các nhà truyền giáo và các linh mục và nữ tu. Năm 1998, một trường truyền giáo ở thành phố cổ Dhaka đã bị tấn công bởi một nhóm người Hồi giáo muốn chiếm lấy khuôn viên nhà thờ. Năm 2001, ít nhất 10 người Công Giáo thiệt mạng và hơn 50 người bị thương khi một quả bom phát nổ ở giáo xứ Goplagonj.

Vào năm 2015 tại Dinajpur, các thành viên của quân khủng bố Hồi Giáo IS đã bắn chết nhà truyền giáo PIME người Ý, Cha Piero Parolari, một bác sĩ, là người đã may mắn bình phục. Năm 2018, Sơ Madeline, một nữ tu của hội Dòng Thừa sai Bác ái, đã bị đâm khi đang trở về từ ngân hàng ở Moulovibazar.


Source:Asia News

3. Tokyo: 1,63 triệu liều vắc xin chống Covid của Moderna bị đình chỉ

Hôm thứ Năm 26 tháng 8, Nhật Bản đã đình chỉ việc tiêm 1.63 triệu liều Moderna sau khi phát hiện có tạp chất trong một số lô thuốc. Bộ Y tế Nhật Bản đã cho biết như trên. Công ty dược phẩm Takeda, chịu trách nhiệm bán và phân phối vắc-xin ở Nhật Bản, không nêu rõ tạp chất này là gì và cho biết họ không nhận được báo cáo nào về vấn đề sức khỏe liên quan đến các lô vắc-xin bị ảnh hưởng. Bộ trưởng Y tế cho biết ông sẽ làm việc với Takeda để tránh gây ra sự chậm trễ cho kế hoạch vắc xin. Bốn mươi ba phần trăm dân số Nhật Bản đã hoàn thành cả hai liều vắc xin, nhưng các ca bệnh vẫn đang tiếp tục gia tăng do sự lây lan của các biến thể coronavirus.

Ở phần còn lại của châu Á, chỉ có Singapore, Bhutan và Maldives có tỷ lệ cao hơn với 76%, 63% và 55% dân số được tiêm hai liều vắc xin.

Trong khi đó, Ấn Độ dự kiến có thể quay trở lại xuất khẩu vắc xin vào năm tới, sau khi đã tiêm chủng cho dân số trưởng thành. “Gần 60 quốc gia hầu như không được tiếp cận với vắc xin và Ấn Độ sẽ có thể cung cấp một phần đáng kể vào năm 2022,” NK Arora, Chủ tịch Nhóm Tư vấn Kỹ thuật Quốc gia về Tiêm chủng tại Ấn Độ, cho biết hôm 26 tháng 8.

Một bác sĩ của Tổ chức Y tế Thế giới cho biết loại virus này ở Ấn Độ dường như đã đạt đến mức độ bão hòa, tiếng Anh là endemicity. Một căn bệnh trở thành bão hòa khi nó lây lan trên một khu vực mà phần lớn dân số đã miễn dịch với nó. Trong trường hợp này, các trường hợp nhiễm bệnh vẫn tiếp tục xảy ra nhưng với tốc độ chậm hơn. Trên thực tế, mức độ lây truyền của coronavirus ở Ấn Độ đã giảm xuống: số ca hàng ngày lên đến 400 nghìn trong tháng 4 đã giảm xuống còn khoảng 25 nghìn trong tuần này.

Tuy nhiên, các chuyên gia không loại trừ khả năng xuất hiện đợt thứ ba. Với khả năng xuất hiện các biến thể mới, cuộc tranh luận về thời điểm thực sự có thể đạt được giai đoạn bão hòa vẫn còn bỏ ngỏ.


Source:Asia News

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *