1. Nigeria bắt đầu năm mới 2016 với việc khánh thành tượng Chúa Giêsu lớn nhất Phi Châu
Hôm thứ Sáu 01 tháng Giêng, Nigeria đã bắt đầu năm mới với việc khánh thành một bức tượng cao 9 mét của Chúa Giêsu Kitô được chạm trỗ từ đá cẩm thạch trắng. Đây là tượng Chúa Giêsu lớn nhất ở Phi Châu cho đến nay. Bức tượng mang tên “Jesus The Greatest” nặng 40 tấn.
Hơn 100 linh mục và hàng ngàn người Công Giáo đã tham dự lễ ra mắt chính thức tại thị trấn Abajah ở phía Đông Nam Nigeria.
Obinna Onuoha, một doanh nhân địa phương đã thuê một công ty Trung Quốc để thực hiện bức tượng này và đặt tượng trong sân một nhà thờ có thể chứa đến 2000 giáo dân. Nhà thờ này cũng chính ông đã xây dựng nên hồi năm 2012.
Trong bài giảng Đức Giám Mục Augustine Tochukwu Okwuoma nhận xét rằng bức tượng này sẽ là một “biểu tượng rất lớn về đức tin” cho các tín hữu cũng như những người qua đường. “Nó sẽ nhắc nhở họ về tầm quan trọng của Chúa Giêsu Kitô, trong đời sống chúng ta” Đức Cha Okwuoma nói.
Obinna Onuoha, người đã hiến tặng bức tượng này cũng như ngôi nhà thờ nguy nga, năm nay mới 43 tuổi nhưng là chủ của một công ty dầu khí và phân phối khí đốt. Ông không tiết lộ chi phí xây dựng bức tượng. Tuy nhiên, ông cho biết bức tượng đã được khánh thành trùng vào dịp kỷ niệm 50 năm đám cưới của cha mẹ mình.
Nigeria với số dân 170 triệu người vẫn thường xuyên bị quân Hồi Giáo Boko Haram quấy nhiễu. Trong 6 năm qua, khoảng 17,000 người đã bị bọn khủng bố Boko Haram sát hại. Tuy nhiên, bạo lực chủ yếu chỉ diễn ra ở miền Bắc nước này.
2. Thách thức lương tâm thế giới, Ả rập Saudi hành quyết 47 người trong đó có cả một giáo sĩ Hồi Giáo Shiite cao cấp
Ả rập Saudi đã hành quyết 47 người vào ngày thứ Bảy 2 tháng Giêng, trong đó có một giáo sĩ Hồi Giáo Shiite, người được coi là nhân vật chính đằng sau các cuộc biểu tình chống chính phủ và chống người Hồi Giáo Sunni. Ông bị kết tội tham gia vào các cuộc tấn công gây chết người của bọn khủng bố Al-Qaeda.
Nimr al-Nimr, 56 tuổi, được coi là người chủ chốt trong các cuộc biểu tình nổ ra vào năm 2011 tại Ả rập Saudi nơi đa số dân theo Hồi Giáo Sunni. Người Hồi Giáo Shiite là thiểu số tại quốc gia này và thường than phiền vì tình trạng bị gạt ra ngoài lề xã hội và thậm chí là bị bách hại.
Bộ Nội vụ Saudi cho biết 47 người đã bị kết án vì họ cổ vũ cho hệ tư tưởng Hồi Giáo cực đoan “takfiri”, tham gia “các tổ chức khủng bố” và thực hiện nhiều tội phạm “hình sự”.
Các tổ chức nhân quyền trên thế giới đồng loạt lên án các cáo buộc này.
Sáng ngày 2 tháng Giêng Ả rập Saudi đã mở cuộc họp báo để giải thích với thế giới về những án tử hình này. Hiện diện trong cuộc họp báo có tướng Mansur al-Turki, là phát ngôn viên bộ nội vụ; và Mansour al-Qafari, là phát ngôn viên bộ tư pháp.
Chống lại các chỉ trích trên thế giới, ông Mansour al-Qafari nói:
“Những can thiệp của nước ngoài vào các vấn đề pháp lý là không thể chấp nhận được và chúng tôi sẽ không lắng nghe, vì tư pháp là một vấn đề thuộc chủ quyền quốc gia, và nhà nước có quyền áp dụng các quy tắc hợp pháp để cai trị trên lãnh thổ chúng tôi”.
Ông nói thêm:
“Hệ thống tư pháp của chúng tôi là hợp pháp và khách quan. Chúng tôi có những công cụ để bảo đảm việc xét xử công bằng. Đây là những bảo đảm được quy định bởi luật Hồi giáo, các cam kết quốc tế và các thủ tục đã được thiết lập tại Ả rập Saudi.”
3. Hy vọng ngày về Mosul của các Kitô hữu lại loé lên sau chiến thắng của quân Iraq tại Ramadi
Mờ sáng ngày thứ Sáu 1 tháng Giêng, cảm tử quân của bọn khủng bố Hồi Giáo IS đã phát động một cuộc tấn công vào một căn cứ quân Iraq gần Ramadi, chỉ vài ngày sau khi thành phố này được quân đội chính phủ giải phóng.
Một phát ngôn viên quân sự cho biết kẻ những đánh bom liều chết lái những chiếc xe bom xông vào một căn cứ quân Iraq đóng ở ngoại ô thành phố Ramadi. Quân cảm tử IS, mình quấn đầy thuốc nổ cũng tham gia vào các đợt tấn công liều mạng.
Quân đội Iraq, với sự giúp đỡ của các cuộc không kích của liên quân do Mỹ dẫn đầu, đã chống trả quyết liệt và đẩy lui được các đợt tấn công.
Mặc dù khả năng xảy ra các cuộc tấn công như thế vẫn còn rất cao, các quan sát viên, dù là những người dè dặt nhất, tin rằng quân Iraq đã tái chiếm thành công thành phố Ramadi. Thương vong của quân khủng bố Hồi Giáo IS được ghi nhận là rất nặng nề trong cố gắng tử thủ thành phố này.
Nhiều gia đình Iraq với khuôn mặt mệt mỏi và lo sợ vẫy cờ trắng khi họ ngoi lên từ những ngôi nhà đổ nát trong khi quân đội chính phủ vẫn đang chiến đấu với quân khủng bố Hồi Giáo IS. Trung tâm thành phố Ramadi đã được quân đội chiếm lại hôm thứ Hai 28 tháng 12 sau các cuộc giao tranh ác liệt.
Chiến thắng này được ca ngợi là một bước ngoặt của chính phủ Iraq. Phát ngôn viên quân sự Iraq lạc quan tin rằng quân đội Iraq vừa được tái cấu trúc sẽ sớm tiến vào thành phố Mosul, nơi quân khủng bố Hồi Giáo IS đang đặt tổng hành dinh của chúng; và sau đó quét sạch hoàn toàn bọn khủng bố trong năm 2016.
Quân đội Iraq đang dùng những loa phóng thanh kêu gọi dân chúng ra khỏi nhà và tiến về phía họ để cô lập dân chúng với bọn khủng bố Hồi Giáo IS. Bọn IS vẫn còn kiểm soát được một phần thành phố Ramadi và dùng đàn bà trẻ con làm bia đỡ đạn cho chúng hầu tránh bị không kích nên việc quét sạch hoàn toàn bọn khủng bố có lẽ còn cần một khoảng thời gian nữa.
4. Linh mục Dòng Phanxicô bị bắt cóc lần thứ hai
Một linh mục Dòng Phanxicô đã từng trốn thoát khỏi những kẻ bắt cóc ngài tại Syria vào tháng Bảy năm ngoái đã bị bắt cóc lại vào ngày 23 tháng 12.
Cha Pierbattista Pizzaballa, trưởng đoàn Hiệp Sĩ Thánh Mộ tại Giêrusalem nói với AsiaNews rằng “Chúng tôi nhận được báo cáo là cha Dhiya Aziz đã bị bắt cóc lần thứ hai nhưng chúng tôi không thể biết ai đã bắt cóc ngài. Ngay cả giờ đây ngài còn sống hay không, chúng tôi cũng không biết. Nếu chúng tôi biết những người bắt cóc ngài, ít nhất chúng tôi cũng nhận được chút tin tức gì xác nhận điều đó, nhưng cho đến bây giờ, chúng tôi không biết gì cả”.
Yakubiyah, một ngôi làng có 500 dân, là nơi cha Aziz trú ngụ. Đây là là một khu vực nằm sát biên giới đang xảy ra giao tranh dữ dội giữa quân chính phủ và quân phiến loạn,” Cha Pizzaballa nói. “Nhiều nhóm đang hoạt động trong khu vực đó, liên kết với các phe phái khác nhau và không có sự phối hợp với nhau, mỗi người theo đuổi cách của riêng mình, vì vậy rất khó hiểu ý đồ thực sự trong vụ bắt cóc này.”
5. Hillary Clinton nói việc tàn sát các Kitô hữu của quân khủng bố Hồi Giáo IS phải được gọi là diệt chủng
Trong một cố gắng nhằm tách mình ra khỏi chính sách của chính quyền Obama, ứng cử viên tổng thống và cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton nói rằng bây giờ bà tin rằng việc tàn sát các Kitô hữu ở Syria và Iraq của quân khủng bố Hồi Giáo IS phải được gọi đích danh là một cuộc diệt chủng.
Trong khi lên án quân khủng bố Hồi Giáo IS, Obama đã né tránh không bao giờ dùng từ “genocide” tức là “diệt chủng” để nói về tội ác của quân khủng bố Hồi Giáo IS,
Quân khủng bố Hồi Giáo IS “cố ý tiêu diệt không chỉ cuộc sống, nhưng quét sạch sự tồn tại của các Kitô hữu và các nhóm tôn giáo thiểu số khác ở Trung Đông trong những lãnh thổ do chúng kiểm soát” Bà Hillary Clinton cho biết như trên hôm 29 tháng 12.
Ứng cử viên tổng thống Hillary Clinton cũng tuyên bố bà có một “kế sách vẹn toàn” không chỉ có thể khống chế quân khủng bố Hồi Giáo IS mà còn là tiêu diệt chúng.
6. Thổ Nhĩ Kỳ tỏ ra tàn bạo hơn với người Kurd
Từ hôm Chúa Nhật 03 tháng Giêng, xe tăng quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã mở những cuộc tấn công vào khu vực người Kurd ở phía đông nam nước này. Người dân địa phương cho biết nhiều thường dân đã thiệt mạng sau những cuộc pháo kích tại quận Sur thuộc tỉnh Diyarbakir.
Bạo lực trong các khu vực chủ yếu là người Kurd đã trở nên tồi tệ nhất kể từ những năm 1990 sau một lệnh ngừng bắn giữa Đảng Công nhân người Kurd (PKK) và nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ.
Ở quận Cizre, người ta có thể thấy xe tăng chính phủ bắn vào các tòa nhà được cho là nơi trú ẩn của những người Kurd ly khai trong đảng PKK.
Cư dân địa phương phải rời bỏ nhà cửa của họ lánh nạn, nhưng không chắc chắn tìm được sự giúp đỡ.
Một cư dân cho biết:
“Chúng tôi phải hứng chịu những quả trọng pháo và súng cối hàng ngày. Cô gái này bị tật nguyền. Thuốc men của cô đã cạn kiệt. Chúng tôi không thể tìm được thuốc cho cô ấy khi cô ấy bị lên cơn động kinh. Chúng tôi sẽ rời khỏi thị trấn này, nhưng chúng tôi không biết làm thế nào để ra đi an toàn”
Lực lượng PKK đã nổi dậy vào năm 1984 để thúc đẩy quyền tự chủ lớn hơn ở phía đông nam, và khoảng 40,000 người đã bị thiệt mạng vì bạo lực từ đó cho đến nay.
Thổ Nhĩ Kỳ, Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu luôn coi PKK là một tổ chức khủng bố. Hôm 31 tháng 12, tổng thống Tayyip Erdogan cho biết sẽ không có ngừng bắn trong một chiến dịch quân sự mà ông thừa nhận đã giết chết hơn 3,000 dân quân PKK trong năm qua.
7. Nguyên thủ tướng Cộng Hòa Trung Phi dẫn đầu trong cuộc bầu cử tổng thống
Sau nhiều năm bạo lực giữa các tôn giáo, một cuộc bầu cử tự do và dân chủ đã diễn ra tại Cộng hòa Trung Phi hôm thứ Bảy 02 tháng Giêng. Cựu thủ tướng Faustin Archange Touadera, đã thắng khít khao đối thủ của mình là Anicet Dologuélé.
Cuộc bỏ phiếu đã được lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc tổ chức.
Cộng hòa Trung Phi có 5,390,000 dân trong đó 25% là người Công Giáo sinh hoạt trong một tổng giáo phận là tổng giáo phận thủ đô Bangui và 8 giáo phận.
8. Leo thang bạo lực tại Thánh Địa
Một tay súng giết chết hai người và làm bị thương ít nhất ba người khác ở trung tâm Tel Aviv ngay ngày đầu năm mới 2016. Hung thủ đã chạy thoát. Cảnh sát Israel cho biết họ vẫn chưa tìm ra động cơ của vụ tấn công này.
Nati Shakked, chủ quán bar Simta trên đường Dizengoff, nơi xảy ra vụ tấn công, cho biết kẻ tấn công đã chờ đợi trên một băng ghế bên ngoài trước khi rút một khẩu súng máy ra khỏi túi xách và “bắn về mọi hướng”.
Hơn 145 người đã bị thiệt mạng trong ba tháng bạo lực. Những bất ổn đã bắt đầu với một cuộc tranh cãi về một địa điểm tại Giêrusalem được tôn kính bởi cả người Palestine và người Do Thái là khu vực núi đền. Tuy nhiên, nguyên nhân sâu xa là sự thất vọng của người Palestine sau gần 50 năm dài bị Israel chiếm đóng.
9. Đám tang khổng lồ tại Hebron
Hôm 2 tháng Giêng, hàng ngàn người đã tham dự một đám tang khổng lồ của 17 thanh niên Palestine bị thiệt mạng trong các cuộc tấn công người Israel trong những tuần gần đây.
Đám đông tràn ra các đường phố.
Israel chuyển giao 23 thi thể cho người Palestine vào ngày 1 tháng Giêng tới các thị trấn và làng mạc Palestine ở Tây Ngạn. Đây được coi là một cử chỉ thiện chí trong ngày đầu năm.
Trong quá khứ, Israel thường giữ thi thể của các chiến binh bị giết như một biện pháp trừng phạt hoặc để trao đổi hài cốt những người lính của mình.
Bạo lực đã khiến số các tín hữu về Giêrusalem tham dự thánh lễ Nửa Đêm tại chính nơi Ngôi Hai xuống thế làm người giảm hơn rất nhiều so với năm ngoái. Chỉ có khoảng một phần ba các phòng khách sạn có người thuê trong mùa lễ năm nay.
VietCatholic Network