Bước ra… Để đến!

Có một luồng sức mạnh thúc giục, có tiếng nói vọng lại từ xa xôi và bạn đã bước ra…để đến!

Chân bạn chạm đất, một miền quê nằm nép mình ẩn sâu khuất sau lưng thành phố Muối. Cơn gió mỏng manh, lùa ngang, hương vị của muối biển ran rát trên làn da, cái lạnh se se len lõi vào tận ngõ ngách trái tim. Mùa Đông!

Một cảm xúc rất khác lạ, không giống như những gì bạn vẽ vời tưởng tượng.

Có chút gì đó mỏng manh, ngay cả niềm tin.

Câu chuyện là vào những năm 1977- 1978 nhà nước đưa dân từ Hà Nam Ninh vào tỉnh Minh Hải để khai thác bãi bồi Bạc Liêu, thành lập Nông Trường Đông Hải. Những bước chân ra đi năm xưa đã mang theo hạt giống Tin Mừng, để rồi đất tốt, hạt giống đơm bông, 3 điểm son đẹp nhất là : Họ Đạo Vô Nhiễm; Giuse và Phê rô được hình thành.

38 năm cho sự hình thành và phát triển của một họ đạo, cho sự lớn mạnh của niềm tin, không phải chín đỏ lắm, vẫn còn non một màu xanh, vẫn còn mỏng manh như cơn gió lẻ mùa đồng ùa về thoáng mơn man.

Lặn lội lần về khoảng thời gian của 38 năm, bạn như thấy rõ vết chân trượt dài trên mảnh đất xa sâu của những Mục Tử lang thang đi tìm chiên. Cha Giuse Nguyễn Văn Hoạch từ Xứ Vĩnh Mỹ trơn trượt bùn lầy vào thăm, tìm kiếm, quy tụ con chiên, và thánh lễ Giáng Sinh đầu tiên được tổ chức vào ngày 25/12/1982 tại trường Tiểu Học Đông Hải với sự chấp thuận của lãnh đạo Nông Trường. Cha đã hướng ý nhận Đức Mẹ Vô Nhiễm làm quan thầy của họ đạo. Từ đó, hàng năm đều có 2 thánh lễ vào dịp Giáng Sinh và Phục Sinh. Thánh Linh Chúa vẫn âm thầm dõi theo bước chân đoàn chiên đang lữ hành tìm vùng đất mới.

– 1991- 1994 Cha Clemente Nguyễn Tấn Lợi từ họ đạo Bạc Liêu vào dâng lễ và hướng dẫn giáo dân. Chẳng bao lâu ngôi Nhà Thờ đơn sơ bằng cấy lá được dựng nên và mỗi Chúa Nhật đều có thánh lễ.

Trong ngần đấy những năm người ta đếm được bước chân của các Mục Tử Bước đi … Tìm đến như: Cha Micae Nguyễn Khắc Đệ; Cha Phanxico Trần Bình Trọng; các nữ tu dòng Thánh Phao lô

Ngày 20/11/2011 Họ đạo hân hoan đón cha sở Giuse Nguyễn Hồng Khanh về thường trú và coi sóc họ đạo.

Sáng nay, bước chân vào nhà thờ lòng bạn thấy hoang mang, mong manh, chỉ có lác đác vài ba người, lời kinh yếu ớt cất lên… Có một nỗi lo đang rớt xuống chìm sâu nặng trong tâm tư!

Đến giờ lễ, giáo dân là khách mời đông đầy nhà Chúa.

Mừng trọng thể lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm, quan thầy của họ đạo, mừng việc khởi công xây lại ngôi thánh đường đang xuống cấp trầm trọng.

Niềm vui lớn của giáo xứ, các cha trong hạt đến hiệp dâng thánh lễ chia vui, giáo dân của 3 giáo xứ anh em được mời đến chung lời ca tụng chúc mừng.

Niềm vui phủ khắp nẻo đường giáo xứ, niềm vui của 38 năm rong ruỗi vẫn trọn vẹn trong vòng tay quan phòng của đấng tối cao.

Trong bài giảng lễ Cha Giuse Trực đã chia sẻ mẫu gương của Đức Maria, đã giao phó trót đời mình cho công trình cứu chuộc mà không cần một bảo hiểm tính mạng nào. Chính 2 từ “ Xin Vâng” của Mẹ rất mạo hiểm mà lại là một gói bảo hiểm an toàn nhất, trọn lành nhất là được Thiên Chúa thương ban tước hiệu “ Mẹ Vô Nhiễm”. Hướng về công đoàn cha thiết tha mời gọi dân Chúa cùng hiệp nhất chung tay, bước ra khỏi cái tôi hạn hẹp của chính mình để góp phần vào công trình xây dựng nhà thờ, cùng hợp sức với cha sở. Đức Maria đã giành trọn trái tim nói lời xin vâng, họ đạo cũng sẽ học theo người Mẹ là quan thầy góp số tài sản mình may mắn để xây nhà Chúa. Tin rằng Chúa sẽ bù đắp lại bội phần.

Một lời nhắn nhủ yêu thương là hãy đừng để sau công trình nhà thờ mà cha sở trở nên: “ Mẹ kêu Cậu tới gần, mẹ nhổ tóc sâu, hai chị em tóc bạc như nhau…” Đừng để nỗi lo phủ lên mái đầu vốn dĩ đã bạc lại càng bạc thêm của cha sở.

Thánh lễ diễn ra rất trang nghiêm sốt sắn. Bạn đang kỳ vọng sẽ được một lần nữa tham dự nghi thức “ Đặt viên đá đầu tiên” đánh dấu mốc son lịch sử của họ đạo… Hình như điều này bị lãng quên!

Cuối thánh lễ cha quản hạt Bạc Liêu đã thay lời muốn nói của mọi người chia sẻ, mừng quan thầy họ đạo, mừng việc khởi công xây dựng ngôi Thánh Đường mới. Cha tha thiết mời gọi mọi người nhất là 3 họ đạo chi em Vô Nhiễm; Giuse và Phê rô cùng hợp sức, người có của giúp của, người có công giúp công, bước ra khỏi chính mình đi đến để hợp sức với anh em chung tay xây dựng nhà Chúa vì đó là tài sản, là niềm tin, là báu vật để lại cho chính cháu con mình.

Giờ đây, nhìn lại cộng đoàn, mọi người đã lấp đầy khoảng không lúc sáng nay trong lòng bạn. Dàn nhạc đang vang lên    khúc ca rộn ràng lời tri ân. Bạn ngước mắt nhìn lên bàn thờ nhà tạm vẫn cháy sáng, lung linh nhiều ánh nến trong lòng mọi người được thắp lên trong niềm vui mừng.

Thánh lễ xong.

Bạn mom men hỏi chuyện một Tiền Bối, về đời sống bà con. Không vất vả nào có sẵn tên tuổi, hết thời làm muối lại chuyển sang nuôi thủy sản, may rủi bấp bênh như con nước lớn ròng, thủy triều lên xuống, chẳng có gì là chắc chắn, chẳng có gói bảo hiểm nào là an toàn…

Bạn nghĩ ngay tới lời Cha giảng lễ, cứ xin vâng như Đức Mẹ trao trọn niềm tin yêu để có được gói bảo hiểm trọn đời một cách nhiệm mầu.

Bạn được chia sẻ một câu chuyện hay.

Đó là dịp một Cha Khách đến dâng lễ và đặt câu hỏi cho các em thiếu nhi:

– Chúa Giê-su như thế nào hiền hay dữ?

-Dạ Chúa Gie-su hiền?

-Hiền giống ai con?

-Dạ hiền giống Cha sở con.

Thật vậy!

Nhiều lương dân họ nói: – Ông cha hiền “như số đếm”

Tin rằng sự hiền lành khiêm nhường của cha sẽ là ngọn nến ấm áp sưởi ấm niềm tin đoàn chiên. Tin rằng sự chân thành tận tụy của Mục Tử sẽ được đáp trả bằng sự chung tay công góp trước tiên của họ đạo và sẽ lây lan đến toàn dân Chúa, những ai có lòng giúp việc xây dựng một nước Chúa trị đến.

Linh Miu.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *