Trả lời:
Em chủ động tìm đến tôi trong giờ giải lao của lớp học. Em hơi rụt rè, bối rối khác hẳn với nét thanh tú, cá tính bên ngoài của em. Trong em chất chứa một nỗi niềm sâu thẳm mà khó ai có thể chạm vào được.
Thu Minh là tên của em trong tổng số 11 học viên lớp tiếng Anh trong đó có tôi. Lớp học ca tối (19g – 21g) nên đa phần là sinh viên, hay công chức, em là sinh viên mới tốt nghiệp đại học, trong lúc chờ việc làm em đến với lớp học. Không gian phòng học được sắp xếp theo hình oval để thuận lợi cho giao tiếp. Tôi ngồi đối diện em, nên từ ngày bước vào lớp học, tôi nhận ra em là người có chiều cao nhất lớp, vầng trán cao, mái tóc nâu đen tự nhiên tém nhẹ nhìn em hơi nam tính trong chiếc quần jean bụi. Tôi nhìn bề ngoài em cảm thấy hay hay. Em có nụ cười duyên, chiếc răng khểnh mọc đúng chỗ lại làm em càng đáng yêu và thu hút người khác. Tôi thầm nghĩ: “Em này được Chúa ban vẻ bên ngoài toàn vẹn”.
Em hỏi tôi: “Sao em nhìn chị vui vẻ, an yên và thanh thoát quá…?” Tôi mỉm cười với nụ cười thường ngày vẫn chào em. Tôi trở thành người bạn tương giao của em qua những giờ giải lao của lớp học. “Hôm nào em ghé thăm nhà chị được không?” Tôi nói em chờ tôi xin phép chị em ở cùng nhà, em vui vẻ chờ đợi tôi hồi đáp.
Sài Gòn sáng – trưa – chiều luôn thường trực cái nắng hanh khô phủ kín bầu trời. Mấy hôm nay nghe đài báo tia UV[2] cao mức báo động, nên phải cẩn thận khi ra đường. Cực chẳng đã người ta mới ra ngoài trong khí trời oi bức, nóng ran này. Em đến thăm tôi vào những ngày “cháy nắng đỏ da” của Sài gòn. Em phải mất hai chuyến xe bus để đến nhà tôi. Trời nắng như thiêu như đốt nhưng nhìn em chẳng có gì mệt mỏi. Tôi đón em ở trạm xe bus gần nhà, khuôn mặt em rạng rỡ khi nhìn thấy tôi. Em háo hức đến thăm nhà chị em tôi, khám phá nơi ở của những “bà sơ” bên đạo Thiên Chúa. Trước khi vào nhà, tôi giới thiệu em tượng đài Đức Mẹ Cô Đơn ở gần nhà. Tôi giới thiệu em cho Đức Mẹ.
Đức Mẹ Cô Đơn nằm trên đường Tô Ngọc Vân, Q 12. Mỗi ngày có hằng trăm người tìm đến bên Mẹ ở đây, họ đến không kể sớm khuya, cũng chẳng phân biệt tôn giáo. Họ đến bên Mẹ, bám víu Mẹ như một chiếc phao cứu sinh giữa sóng gió cuộc đời. Chiếc phao Maria đã cứu giúp biết bao tâm hồn, hoàn cảnh tưởng chừng như vô vọng, lạc bước… Bằng chứng là người ta vẫn đến đây tạ ơn, xin khấn… những tấm bảng tạ ơn tri ân Mẹ mỗi ngày một nhiều, phủ đầy những bức vách của đài. Với nhiều người tìm đến bên Mẹ, sự bình an, thanh thản Mẹ ban cho gia đình trong kiếp sống nhân sinh đã là đủ phép lạ, chứ không cần phải trúng số hay bán đắt mua hên…
Đứng dưới chân Đức Mẹ, em nhắm nghiền đôi mắt, hai bàn tay đan vào nhau, cung kính để trước ngực trong niềm thành kính cậy trông. Em thinh lặng thành khẩn một điều gì đó như những người vẫn tìm đến bên Mẹ. Phải chăng đó cũng là cách mà nhiều người khi gặp khó khăn khủng hoảng cũng chạy đến với Đức Mẹ, với Thiên Chúa để thinh lặng nguyện cầu nghe tiếng Chúa nói trong sâu thẳm của cõi lòng. Lúc ấy, tôi chợt nhớ đến một nghiên cứu tâm lý cũng khá thú vị: khi người ta gặp khủng hoảng thì cầu nguyện và niềm tin tôn giáo cũng giúp người gặp khủng hoảng được an tĩnh… Dĩ nhiên, là người tin theo Chúa, chúng ta tin rằng chính Thiên Chúa sẽ giúp chúng ta vượt qua mọi khó khăn thử thách của cuộc đời. Đức tin thực sự là cần thiết trong cuộc sống của mỗi người. Tôi nhớ Đức Thánh Cha Phanxicô Ngài nói với chúng ta:
“Khi thấy mình đang phải nhìn chằm chằm vào hố thẳm của một cám dỗ đáng sợ, hoặc cảm thấy chóng mặt bên cạnh bờ vực của tuyệt vọng, hoặc thấy mình hoàn toàn cô đơn và bị bỏ rơi. Chính là trong những hoàn cảnh như vậy, ta mới tìm được động lực sâu xa nhất để dấn thân sống trọn vẹn cho những bổn phận của mình. Trong thinh lặng, cô tịch của nội tâm… ta mới nghe được tiếng nói của Thiên Chúa bộc bạch với mỗi chúng ta.”[3]
Với em, tôi chỉ mong em được an yên giữa cuộc đời, vì vốn dĩ cuộc sống này có quá nhiều vấn đề đè nặng trên đôi vai của mỗi người. Em bình an, em vui sống trọn vẹn cuộc sống của chính em đã làm tôi cảm thấy an tâm.
Ngôi nhà của chúng tôi nằm trong một ngõ cụt nên khá yên tĩnh. Em khá bất ngờ trước không gian của nhà chúng tôi. Vì lọt thỏm giữa thành phố xa hoa và đầy xô bồ lại có một nơi dễ thương đến lạ, dễ khiến người ta liên tưởng đến căn nhà nhỏ xinh tại một thảo nguyên nào đó có đủ hoa lá và rau xanh… Chị em chúng tôi đón tiếp em nồng ấm như người nhà của tôi vậy. Trong cái nắng chiều còn vương chút hanh khô, không gian ghế đá gốc me già đủ để em bộc bạch nỗi niềm sâu kín trong lòng.
Mắt em bắt đầu ươn ướt ửng đỏ, hai dòng lệ lăn dài trên má…“Em căng thẳng quá chị ah”, “Em đã chuẩn bị kết liễu đời mình bằng một sợi dây… nhưng trong khoảnh khắc đời mình em đã thoát chết”. Em kể cho tôi nghe những khó khăn em đang trải qua, khoảng cách sống chết mong manh phận người…
Sau khi tốt nghiệp đại học, em may mắn xin được công việc thực tập trong một tập đoàn lớn với mức lương khá cao. Do vị trí này đang cần gấp nên dù chuyên ngành của em không phù hợp và kinh nghiệm không có, nhưng em vẫn được nhận làm nhân viên chính thức. Sau 8 tháng làm việc, vì suy nghĩ bồng bột, em quyết định nghỉ việc để tìm một công việc phù hợp với chuyên ngành của mình. Dù mọi người ngăn cản, em vẫn giữ nguyên lập trường. Em nấc lên nghẹn ngào:
– Đó là nguyên nhân dẫn đến sự trượt dài trong cuộc sống của em.
Hai – ba tuần đầu nghỉ việc, em vui vẻ tận hưởng thời gian nghỉ ngơi vì em tự tin “rồi mình sẽ lại tìm được công việc phù hợp”. Rồi hai – ba tháng trôi qua, em bắt đầu thấy lo vì mình chưa biết sẽ làm gì sắp tới. Trong lo lắng phập phồng, em nghe ngóng đứa bạn này đang được thăng chức, người bạn kia sắp lập gia đình với người chồng giàu sụ, bạn H vừa tậu con xe mới coóng… Còn ba mẹ em nơi quê nhà vẫn “bán mặt cho đất bán lưng cho trời” để kiếm kế sinh nhai…Em cảm nhận sự bấn loạn trong con người mình trước hằng hà những âu lo.
Em bắt đầu hoang mang, buồn bã. Nhiều CV[4] của em gửi đi vào những công việc mà em mong muốn. Nhưng không hề có phản hồi, dù em thật sự tự tin với những vị trí mà mình ứng tuyển. Em bắt đầu tìm kiếm những công việc có mức lương thấp hơn, em đi phỏng vấn nhiều nơi và gần như không có nơi nào em cảm thấy phù hợp. Em bắt đầu sợ buổi sáng, vì cảm giác mọi người đều đang làm việc, riêng em thì đang chây lì trong góp phòng của nhà trọ. Em thấy mình ngột ngạt giữa đất Sài Thành, tráng lệ. Em lầm lì thui thủi giữa sóng gió cuộc đời như một đứa trẻ tự kỷ. Những suy nghĩ hối hận, đổ lỗi cho mình, cho mình bất tài – lười biếng, cho mình trẻ con bồng bột… xâm chiếm con người em.
Mỗi ngày em chỉ dán mắt vào máy tính tìm kiếm việc làm, rồi chờ đợi được phỏng vấn… thời gian trôi qua với em thật chậm và thật khủng khiếp. Em quyết định không ăn uống hay ăn rất ít để tự trừng phạt bản thân. Em không dám gọi về cho ba mẹ, còn chị của em bắt đầu thấy chán nản mỗi ngày trở về phòng đều thấy em ngồi đó mà không làm, không nói gì. Em không ngủ được, dù rất mệt mỏi.
Áp lực tài chính, hàng ngàn áp lực khác đè nặng con người em, em cảm thấy mình bất tài, vô dụng còn chúng bạn thì mỗi ngày một tiến xa trên con đường công danh – sự nghiệp, yêu đương. Em không còn khóc được nữa vì đã quá mệt, hay em đang rơi vào khoảng rỗng của cảm xúc vui buồn? Rồi ngày ngày trôi qua, em bắt đầu rơi vào trầm cảm, có những lúc vì quá tức giận chính mình em đã cào cấu, tự đập vào đầu để trừng phạt con người bất tài trong em.
Đỉnh điểm là em đã quyết định treo cổ tự vẫn, em viết thư để lại, bắt đầu cột dây thừng, em đứng lên ghế. Em khóc, khóc rất nhiều, vừa khóc em vừa nói lời xin lỗi ba mẹ. Khi đưa đầu vào dây, em thấy mình nghẹt thở, khuôn mặt của ba mẹ, bà ngoại, chị hai hiện lên trong tâm trí em. Họ vẫn mỉm cười trong cái nghèo khó, an lành trong cuộc sống đơn giản của gia đình. Chỉ một năm trước ba mẹ em đã rất hạnh phúc trong ngày lễ tốt nghiệp của em… Em nhớ thương hai tiếng “Gia đình”:
– Lâu lắm rồi mình chưa gọi điện về thăm ba mẹ?
– Mình có bất công với ba mẹ không?
Em chưa thể và không thể chết như vậy… Khi gần như lịm đi, Em đã bừng tỉnh. May quá, chiếc ghế bên cạnh vẫn còn, em với chân đến, đứng lên ghế, gỡ đầu mình ra khỏi sợi dây. Sợi dây tử thần đung đưa trên xà ngang như kẻ bại trận vừa lọt mất con mồi là chính em.
Tôi để em khóc như một đứa trẻ, em không cần phải gồng lên chứng tỏ mình mạnh mẽ, hãy tạm quên về lo lắng ngày mai em phải làm gì, hãy thả lỏng cảm xúc của mình… Có lẽ, bây giờ em cần lắm một bờ vai cảm thông, một con tim chỉ để nghe em tâm sự. Không gian chiều nhạt đã bắt đầu nhường chỗ cho màn đêm mờ ảo, tiếng trẻ con í ới chào ngoại đi học về xé tan không gian tĩnh mịch đang bao trùm nơi đây.
Sau ngày em đến thăm chúng tôi, tinh thần em đã khá hơn trước. Hoa quả đó tôi luôn tin là đến từ Đức Mẹ và Thiên Chúa. Tôi tạ ơn cùng với em thật nhiều. Em bắt đầu lựa chọn cho mình những hoạt động thiện nguyện thay vì chỉ nghĩ đến bản thân và chuyện đã qua. Em sắp xếp lại cuộc sống, sắp xếp không gian phòng trọ thay vì chỉ biết vùi đầu vào điện thoại, máy tính. Gần một năm đến ở khu nhà trò này, hôm nay em mới biết nhà bác Năm quê An Giang có đứa cháu bị khuyết tật đã gần 10 tuổi nhưng bé không thể tự chăm sóc cho bản thân. Mỗi lần em ghé thăm, gia đình nghèo túng của Bác Năm lại rộn rã tiếng cười, em cảm nhận một hơi ấm lan tỏa trong tâm hồn em. Một cảm giác thật lạ.
Em bắt đầu kiếm công việc part time[5] để có đồng ra đồng vào chi trả cuộc sống thay vì chờ đợi một công việc với mức lương hoành tráng. Thay vì nhốt mình trong bốn bức tường, em đã mở lòng ra với những tương giao bạn bè, lạc quan hơn trước viễn cảnh tương lai. Em đến nhà sách, tìm những quyển sách hay về triết lý cuộc sống, vượt lên số phận… để vực dậy tinh thần mình, cũng như tìm cho mình một con đường mới. Tôi khuyến khích em viết tự truyện gởi cho báo Tuổi Trẻ về khoảnh khắc thay đổi cuộc đời, gởi gắm những thông điệp cuộc sống cho những người cùng cảnh ngộ. Bài viết của em được đăng trên một số báo của ngày Chúa Nhật. Em mừng hớn hở báo cho tôi biết tin về bài viết được đăng và hẹn hôm nào chúng tôi gặp nhau để chia vui về bài viết này, dù số tiền nhuận bút chẳng là bao. Em tâm sự, nghĩ đến ân tình với ba mẹ, bà ngoại, những người thân trong gia đình… em thấy mình nhói tim, “suýt nữa thì đầu bạc đưa tiễn đầu xanh về nguồn”.
Em phải sống tốt hơn, mạnh mẽ thực sự trước nghịch cảnh. Em nói với tôi, từ cõi chết sống lại em ngộ ra nhiều điều: “Em sẽ không cho phép mình ngã lòng vì thất bại, con đường ở phía trước còn rất rộng đang chờ đợi em…” Trên facebook, em tự đặt câu hỏi: “công danh – sự nghiệp – tiền tài đã cho ta đủ hạnh phúc chưa?” đính kèm là tấm hình của một bà cụ già nua với nụ cười tươi sáng bên gánh rau đủ loại trong khí trời nhòe sương. Tôi mừng vì thấy sức sống mới đang trỗi dậy nơi em, tôi cảm nhận mình có thể buông tay em, để cho em bước tiếp hành trình của mình. Em đã có thể lựa chọn cho mình một lối sống tích cực trước khó khăn của nghịch cảnh, lựa chọn một cái nhìn lạc quan trước những điều khó lý giải của cuộc sống, chọn cho mình một con đường sáng trong cái bộn bề lo toan của kiếp nhân sinh.
………..
Câu chuyện trên đây quả là có cái kết hạnh phúc. Qua đó, chúng ta thấy vài cách để tìm được bình an, giữ cân bằng tinh thần trong giai đoạn khủng hoảng tuổi Teen:
– Tìm đến người mình tin tưởng để sẻ chia.
– Thay vì nghĩ tiêu cực, hãy lạc quan tích cực đừng hồi tưởng chuyện đã qua…Hãy sống hiện tại với giây phút tròn đầy. Vì hiện tại là Present –và cũng là món quà của Thiên Chúa.
– Hãy dành giờ cầu nguyện với Thiên Chúa, chạy đến với Đức Mẹ để xin trợ giúp, tham dự Thánh Lễ mỗi ngày, rước Mình Thánh Chúa… Đó thực sự là nguồn bình an đích thực cho mỗi người Công Giáo.
– Sắp xếp lại cuộc sống, đơn giản như sắp xếp căn phòng, chỗ làm việc…
– Đi đến thư viện, nhà sách tìm đọc những quyển sách tâm lý, học làm người, vượt qua khủng hoảng, đọc hạnh các Thánh…
– Gặp gỡ bạn bè, dành thời gian thể dục, chơi thể thao mỗi ngày.
– Cùng bạn bè đến các trung tâm xã hội chia sẻ cuộc sống với những người thiếu may mắn. Và cảm nghiệm cuộc sống này còn rất nhiều điều thú vị để tôi đáng sống có ý nghĩa. Tôi còn may mắn hơn rất nhiều người.
– Kiếm một công việc gì đó để làm. Tạo tương quan tích cực với mọi người.
– Học ngoại ngữ, tự trau dồi kiến thức, rèn luyện kỹ năng, nâng cao tinh thần cho bản thân qua các lớp học…
Thân ái!
WHĐ (30.5.2021)