Cắt móng tay, một công việc truyền giáo

Hãy đi ra và mời gọi tất cả mọi người vào tiệc cưới” (X. Mt 22, 9)

“Nhỏ như cái móng tay” Người ta vẫn thường dùng móng tay để ví với sự đơn giản, nhỏ nhặt của một vấn đề. Và dĩ nhiên, việc cắt móng tay cũng chẳng có gì là khó khăn hay đáng được nhắc đến. Có lẽ chẳng ai nghĩ đến việc nó có thể trở thành phương thế truyền tải một sứ mệnh thiêng liêng. Thật lạ! Phải chăng người viết đã cường điệu khi nói: “cắt móng tay – một công việc truyền giáo”.  Hay thật sự công việc tưởng chừng đơn giản ấy đã đã trở thành một cách thức loan báo Tin Mừng?

Cắt móng tay, một công việc truyền giáo

Hôm ấy, tôi cùng chị em trong cộng đoàn đến thăm một cơ sở chăm sóc sức khỏe tinh thần, nơi mà chúng tôi đã đặt cho nó cái tên đầy trìu mến: “Trung tâm vui vẻ”. Lần đầu tiên tham gia hoạt động này, trái tim tôi đầy lo âu và bồn chồn, không biết bản thân phải làm gì hay nói gì. Bởi tôi biết những con người nơi ấy đang phải đối diện với nhiều khó khăn mà có thể chúng ta chưa bao giờ nghĩ đến. Tôi hỏi kinh nghiệm của một chị đi trước:

  • Chị ơi, đến đó em phải làm gì?
  • Cứ đi, đến đó em sẽ biết mình phải làm gì.

Một câu trả lời có cũng như không! Nhưng dẫu sao thì tôi vẫn hy vọng rằng chuyến đi này sẽ phần nào thắp lên ánh sáng nhỏ nhoi trong cuộc sống của những tâm hồn.

Khi bước chân vào bệnh viện, cảm giác đầu tiên tôi có là sự lạnh lẽo và u ám. Mọi thứ xung quanh đều tĩnh lặng, chỉ có tiếng bước chân nhẹ nhàng và những khung cửa khóa kín. Qua những khe cửa, tôi nhìn thấy mỗi bệnh nhân thu mình vào một góc, nhưng những ánh mắt đó như đang muốn nói một điều gì mà ghim vào tim tôi một cảm giác khó tả.

Đi sâu hơn vào trong, những tiếng la hét không có điểm dừng vang lên. Tôi không nghe rõ họ gào thét cái gì, chỉ biết càng tiến lại gần, âm thanh ấy càng đáng sợ khi hòa cùng tiếng va chạm của những chiếc xích. Tôi tưởng trong đó những con người đang cố vùng vẫy để thoát khỏi xiềng xích của sự bất hạnh. Bước chân tôi nhanh hơn không muốn bị âm thanh này ám ảnh.

Cuối cùng chúng tôi dừng chân tại khu bệnh nữ. Vừa trông thấy bóng dáng chúng tôi, một đoàn bệnh nhân đã ùa ra vây quanh. Những khuôn mặt ngây ngô thi nhau nói:

  • Con chào sơ! Sơ ơi, sao giờ sơ mới tới? Sơ vào chơi với chúng con đi! Sơ ơi con muốn cắt tóc. Con muốn cắt móng tay…

Lòng xúc động và bối rối trước màn chào đón quá nồng hậu này. Bản thân chỉ biết đáp lại bằng nụ cười trìu mến cùng cái nắm tay ấm áp.

Chúng tôi tìm cho mình một người để giúp đỡ. Tôi từ từ quan sát xem các chị làm gì để học theo. Cắt móng tay, cắt tóc, lau nhà, dọn cơm, trò chuyện,… là những việc các chị của tôi đang làm. Tôi quyết định chọn cắt móng tay cho một cô đang ngồi ở góc nhà. Tôi đã nhìn thấy cô từ khi bước vào đây, cô vẫn im lặng thu mình trong thế giới riêng mà không hề quan tâm đến sự hiện diện của mọi người xung quanh. Tôi bước đến, ngồi xuống bên cạnh cô.

  • Con chào cô! Cô có muốn con cắt móng tay cho không?

Cô cười cười, ánh mắt vẫn nhìn xa xăm. Nhưng đôi bàn tay gầy guộc dơ về phía tôi báo hiệu sự đồng ý. Thật lạ lùng, ngay khi bắt đầu công việc trong tôi trào lên cảm giác căng thẳng chưa từng có. Tôi biết lí do không hệ tại ở việc làm này khó, cho bằng sự gượng gạo chẳng biết phải nói chuyện như thế nào với khuôn mặt đã chạc tuổi ngũ tuần, mà nụ cười lại ngây ngô như một em bé. Đang loay hoay suy nghĩ xem nên nói gì, thì một giọng nói ngọt ngào vang lên:

  • Bà ơi, con với bà cùng nhau đọc nha: Kính Mừng Maria đầy ơn phúc… cầu cho chúng con là kẻ có tội khi nay và trong giờ lâm tử. Amen.

Tách…tách…

  • Đã xong ngón út. Chúng ta đọc tiếp nha bà: Kính Mừng Maria đầy ơn phúc…cầu cho chúng con là kẻ có tội khi nay và trong giờ lâm tử. Amen.
  • Xin mời công chúa bà dơ ngón tiếp theo!

Tách…tách…

Không thể cố giữ thêm phép lịch sự, tôi đưa mắt hướng về cuộc đối thoại thánh thiện pha chút hài hước kia. Thật bất ngờ, chủ nhân của giọng nói ân cần và dịu dàng đó là một cô gái tầm tuổi 25. Có lẽ em được sinh ra trong một gia đình đạo đức mới nghĩ ra cách cắt móng tay khiến sơ bé như tôi phải học hỏi.

Cuối buổi, tôi lân la ra nói chuyện với em.

  • Em gái, em rất đặc biệt!

Đôi mắt em ngơ ngác như muốn hỏi tại sao.

  • Bởi em là người duy nhất bình thường ở đây ngoài nhân viên và các sơ. Nhất là em còn biết dạy cho bà đọc kinh.

Mặt em ngơ ngác

  • Kinh gì hả sơ?
  • Kinh Kính mừng, khi nãy sơ thấy em đọc với bà.
  • À! Đó là kinh hả sơ?

Đôi mắt tròn xeo, tôi hỏi em:

  • Vậy em có phải người Công Giáo Không? Sao em biết đọc kinh này?
  • Dạ không, em biết bài thơ mà sơ gọi là kinh đó vì…

Em im lặng, đôi mắt cụp xuống như đang hồi tưởng về một quá khứ đau thương. Tưởng rằng bầu khí trầm lặng này là điểm kết thúc câu chuyện của chúng tôi, thì em lại lên tiếng.

  • Thật ra 2 năm trước em cũng là một bệnh nhân tâm thần. Em không biết ai đã đưa em vào đây. Em chỉ nhớ em đã từng thấy thế giới này quá tàn nhẫn. Nó cướp đi hạnh phúc của em chỉ sau một cơn đại dịch. Những nỗi mất mát như một cơn bão kéo đến không hề báo trước. Em chẳng kịp chuẩn bị, chẳng kịp nói lời tạm biệt với những người thân yêu, những người đã nắm tay em trong lúc khó khăn nhất. Giờ đây sự vỗ về của ba mẹ, những tiếng nô đùa với em thơ, bữa cơm đầm ấm,… chỉ còn là bức tranh tuyệt đẹp của quá khứ mà trái tim em quặn đau khi ngắm nhìn lại.

Em không thể tin rằng mình đã mất tất cả, chẳng còn ai để chia sẻ niềm vui, nỗi buồn, chẳng còn ai cùng em bước tiếp. Em trở nên một cái bóng không có mục đích. Mọi thứ xung quanh đều vô nghĩa. Những lời động viên, sự quan tâm chỉ như chiếc mặt nạ giả dối.

Em ngừng lại một lúc, đôi mắt sáng lên.

  • Sơ biết không, em chưa bao giờ nghĩ có ngày một đứa không biết lúc nào phải cười, lúc nào phải khóc như em lại đứng ở đây không phải với tư cách là bệnh nhân, mà là một người có thể giúp đỡ người khác, cho đến khi em gặp được một sơ.

Sơ đến đây cắt móng tay cho em vào mỗi sáng chủ nhật. Mỗi ngày sống em chỉ chờ đợi đến giây phút được đôi tay của sơ nắm lấy. Chính đôi bàn tay ấm áp ấy đã khơi lên niềm hi vọng cuối cùng trong trái tim vụn vỡ của em.

Em không biết kinh mà sơ nói có ý nghĩa gì. Em chỉ biết em rất thích đọc nó. Trước khi bấm móng cho mỗi ngón tay, em không chỉ muốn đọc kinh Kính Mừng một lần nhưng nhiều lần. Bởi như thế, thời gian bấm móng tay dài hơn và sơ sẽ nắm tay em lâu hơn. Khoảnh khắc ấy em như được sống lại những diệu cảm tuyệt vời của quá khứ, đó là sự ấm áp của bàn tay cha nâng em lên khi em vấp ngã, là sự dịu dàng của bàn tay mẹ đặt lên chán mỗi khi em bị ốm, là sự nũng nịu của đứa em gái đòi kết tóc… Quan trọng hơn là em nhận ra vẫn còn có người yêu thương em.

Đôi mắt tôi nóng lên, cánh tay không biết từ lúc nào đã vòng qua vai em. Tôi nhớ đến câu trả lời của chị: “Cứ đi, đến đó em sẽ biết mình phải làm gì.” Tôi siết chặt vai em hơn, mong em có thể cảm nhận được hơi ấm của Đấng Yêu Thương muốn trao cho em qua vòng tay này.

*************************

Cảm ơn em đã chia sẻ câu chuyện cuộc đời mình, tôi cảm thấy trân quý hơn những gì chúng tôi đang làm nơi đây. Dẫu nó thật đơn giản và bình dị như cắt móng tay, nhưng chính là cách để tình thương và lòng nhân ái xoa dịu những nỗi đau thầm lặng, cùng thắp lên niềm hi vọng cho trái tim đang cần chữa lành. Mỗi lần nắm lấy những đôi tay ấy, tôi không chỉ cắt đi những chiếc móng tay, mà còn cắt đi sự cô đơn, u buồn. Em đã dạy cho tôi, lòng khao khát trao yêu thương có khả năng khiến người khác tìm lại được cảm giác được yêu từ trong nỗi đau đớn nhất của cuộc đời. Lòng khao khát đó không cần phải quá phô trương. Đôi khi chỉ là sự hiện diện, một vòng tay, một lời nói dịu dàng, hay thậm chí là một chiếc móng tay được cắt tỉa gọn gàng với sự quan tâm chân thành.

Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô cho ngày thế giới truyền giáo năm 2024 là: “Hãy đi ra và mời gọi tất cả mọi người vào tiệc cưới” (X. Mt 22, 9). Thiết nghĩ sẽ chẳng có một cách thức “mời gọi” tuyệt đối nào cho tất cả mọi người. Thế nhưng, điều nhất thiết phải có là: “Sứ mạng loan báo Tin Mừng phải mang phong cách của Đấng được loan báo”.[1] Đó là: niềm vui, lòng cao thượng và nhân từ; không phải nghĩa vụ hay chiêu dụ tín đồ nhưng luôn luôn với sự gần gũi, trắc ẩn và dịu dàng. Hôm ấy, tôi đã “đi ra” và tôi hiểu rằng sứ mạng truyền giáo có thể bắt đầu từ những điều tưởng chừng như đơn giản, bình dị nhất, nếu nó “được sinh ra từ trái tim của Chúa Ki-tô”. [2]Ước mong sao vô vàn cách thức loan báo Tin Mừng sẽ được khám phá bằng việc chúng ta dám mở cửa trái tim và không ngừng đi ra cùng với Chúa hướng tới “các giao lộ” của thế giới ngày nay[3]!

Thu Thảo, Học Viện Đức Maria – Mẹ Sự Sống

[1] Đức Thánh Cha Phan-xi-cô, Sứ điệp cho ngày thế giới truyền giáo năm 2024

[2] Diễn văn cho các tham dự viên Đại hội các Hiệp hội Giáo hoàng Truyền giáo, ngày 3 tháng 6 năm 2023

[3]X. Đức Thánh Cha Phan-xi-cô, Sứ điệp cho ngày thế giới truyền giáo năm 2024

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *