Theo truyền thống hàng năm, cứ vào dịp lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, giới trẻ Huynh đoàn Đa Minh Giáo xứ Kẻ Sặt lại tổ chức đi bác ái đến với những người nghèo vùng sâu vùng xa. Để có kinh phí thực hiện, ngoài sự giúp đỡ của Ban phục vụ Huynh đoàn, các mạnh thường quân, giới trẻ Huynh đoàn còn nuôi heo đất và tổ chức thu gom ve chai tại các hộ gia đình, các đám cưới và đám giỗ trong khu vực.
Sau khi mọi thứ đã sẵn sàng, đúng 18h ngày 2/6/2017 đoàn tập trung tại sân thánh đường Giáo xứ Kẻ Sặt để lên đường đến nhà thờ Kon-Rờ-Bàng thuộc xã Vinh Quang, tỉnh Kon tum, nơi có phần lớn bà con dân tộc Bana đang sinh sống. Tham gia chuyến đi này có đại diện Ban Phục Vụ (BPV) Huynh đoàn Giáo phận Xuân Lộc, đại diện BPV Huynh đoàn Kẻ Sặt cùng các bạn trẻ Huynh đoàn trong Giáo xứ. Sau hơn 12 tiếng đồng hồ di chuyển, nhà thờ Kon-Rờ-Bàng hiện ra trước mắt. Cha Anton Phan Tự Cường OP, Bề trên của cộng đoàn Đa Minh Giáo phận Kon Tum đã đứng đón chúng tôi với nụ cười hiền hậu nở trên môi.
Sáng ngày 3/6/2917, tạm quên đi những mệt mỏi sau một chuyến đi dài, mọi người mau mắn chia làm năm tổ đi đến năm buôn làng cách thành phố Kon tum 3km về hướng tây để thăm hỏi và tặng quà cho bà con. Tổ tôi xung phong đi xa nhất đến buôn Kon-Rờ-Bàng I, mỗi người mượn tạm một chiếc xe đạp của các em thiếu nhi rồi lên đường theo kế hoạch đã đề ra. Đường xa và đôi chỗ đi lại khó khăn, vừa đi vừa hồi hộp vì ” con ngựa sắt” cứ rung lên bần bật, xe đạp cái thì đứt thắng cái thì động tí sút sên chỉ sợ hư giữa đường nhưng có Chúa Thánh Thần cùng đồng hành ngoài chuyện tôi đứt dép thì mọi thứ diễn ra suôn sẻ. Sau một lúc len lỏi vào các ngõ nhỏ, chúng tôi lần lượt đến thăm những hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn.
Căn nhà đầu tiên chúng tôi ghé thăm là gia đình anh A-Nhai có con bị bại liệt mười tám năm nay, mọi sinh hoạt của em đều phải nhờ sự chăm sóc của người thân, tiếp đến là bé Y-Nhi học sinh giỏi, chăm ngoan nhiều năm liền, cha em hằng ngày phải làm bốc vác để có tiền nuôi các con ăn học.
Đoàn tiếp tục thăm hỏi gia đình chị Y-Ir, chị làm rẫy còn chồng mặc dù sức khỏe không tốt vẫn cố gắng đi kiếm sắt vụn nuôi chín đứa con. Xa hơn một chút, căn nhà nằm trơ trọi trên khoảng đất trống nơi chú A-Thủng sống thui thủi một mình, hằng ngày chú phải đi lượm ve chai sống qua ngày và chống chọi với căn bệnh lao hơn hai năm nay.
Hành trình tiếp diễn đến căn nhà của gia đình anh A-Yơk, thấy rất nhiều bằng khen treo trên tường, anh làm phụ hồ, vợ làm rẫy tuy cuộc sống còn nhiều vất vả, nhưng họ vẫn cố gắng làm để nuôi một ước mơ giản đơn là một ngày không xa, khi các con của anh chị lớn khôn, chúng sẽ bước ra thế giới ngoài kia để không chịu cảnh nghèo khổ như cha mẹ chúng, và tôi tin rằng ước mơ đó sẽ không xa vì hai bé Y- iệp và Y-Bin nhiều năm liền là học sinh giỏi, chăm ngoan.
Còn rất nhiều hoàn cảnh éo le mà tôi không thể kể hết ra đây nhưng họ đều có chung một đặc điểm: nghèo và đông con, sống chủ yếu bằng nghề làm thuê, làm rẫy và thu gom ve chai. Có kinh nghiệm từ những chuyến đi trước, chúng tôi mang theo kẹo để phát cho trẻ con. Những đứa trẻ cả đời không biết đến búp bê, đồ chơi ghép hình và hình dạng một cây kem ra sao nên khi nhận được quà, mắt chúng sáng long lanh, không dấu được niềm vui sướng.
Muốn biết bà con nơi đây sống thế nào thì hãy xem căn bếp của họ có những gì, nghĩ vậy nên tôi xin phép một vài nhà cho xuống phía dưới tham quan. Nói là căn bếp nhưng thật ra chỉ là cái chòi được lợp sơ sài, thấy cái nồi vẫn còn đặt trên bếp đang bốc khói, tôi tò mò mở ra xem thì thấy trong đó có cái gì sền sệt màu xanh. Qua trao đổi với chị Y-Ru, người dẫn đường của tổ tôi chị cho biết: ” đó là ngọn của cây sắn, băm nhỏ ra, đổ nước, cho mắm muối vào thế là thành một món ăn, không có thịt hay tôm đâu” chị nói tỉnh queo cứ như đó là một phần tất yếu của cuộc sống.
Nghèo vậy đó chứ không nghèo tình nghèo nghĩa, lúc từ biệt ra về, một gia đình có mấy cây bơ đang mùa ra trái dúi cho một bịch bơ xanh, chúng tôi ái ngại không dám nhận nhưng bà cứ cương quyết bắt phải đem về.
Càng đi, chúng tôi càng thấy đâu đó trên đất nước Việt Nam còn rất nhiều hoàn cảnh khốn khó, điều đó thúc giục mỗi người không thể ngồi yên mà phải hành động, ra đi đến với người nghèo để chia sẻ cho họ không chỉ vật chất mà còn cả tinh thần, lắng nghe những câu chuyện, đồng cảm với số phận của từng con người từ đó động viên, khích lệ bà con vượt qua những khó khăn trong niềm tin tưởng vào Thiên Chúa quan phòng.
https://youtu.be/d5EOrGdOsnw
Sau một ngày hoạt động, mọi người y phục chỉnh tề để tham dự thánh lễ chiều thứ Bảy. Lần đầu tiên giới trẻ Huynh đoàn Đa Minh Kẻ Sặt được tham dự một thánh lễ đặc biệt đến như vậy, tất cả những bài hát trong thánh lễ đều được các cô sơn nữ diễn tả bằng những điệu múa hết sức uyển chuyển và nhịp nhàng.
Đây là một nét đặc trưng của đồng bào dân tộc Tây Nguyên giúp nâng toàn bộ con người lên để ca ngợi, chúc tụng, cảm tạ Thiên Chúa. Đặc biệt cồng chiêng được sử dụng làm nhạc cụ nói lên bản sắc văn hóa của người địa phương.
18h15: buổi giao lưu văn nghệ – lửa trại bắt đầu.Trăm nghe không bằng một thấy, những chàng trai cô gái trong bộ trang phục dân tộc vô cùng đẹp mắt. Khai mạc chương trình, dàn cồng chiêng của Giáo xứ tấu lên nhạc phẩm Appa (Cha ơi) được tập luyện công phu, tiếp đến các cô sơn nữ lắc lư theo tiếng đàn tơ-rưng với khúc nhạc” gặt lúa đồng quê ” làm khán giả mường tượng đến những cô thôn nữ đang hăng say gặt trên cánh đồng lúa trĩu hạt.
Niềm vui nối tiếp niềm vui, Giới trẻ Huynh đoàn Kẻ Sặt cũng đáp lễ bằng những điệu vũ bỏ túi nói lên sự đoàn kết yêu thương… Cứ như thế những tiết mục ca múa nhạc lần lượt được trình diễn đã cống hiến cho khán giả một bữa đại tiệc âm nhạc thật tuyệt vời.
Màn đem bao phủ cũng là lúc ánh lửa trại bùng cháy. Bài hát gọi lửa vang lên gọi mời” nổi lửa lên xua tan đêm đen, xua tan ngăn cách… nổi lửa lên nối liền yêu thương, nối anh em xa xôi lại gần, nối con tim ai đang lạc loài….”
Vâng,một ánh lửa chia sẻ là một ánh lửa tỏa lan, đôi môi có hé mở mới thu nhận được nụ cười, bàn tay có mở rộng trao ban tâm hồn mới ngập tràn niềm vui sướng. Tất cả không phân biệt người kinh hay dân tộc cùng nắm tay nhau nhảy múa cho con tim xích lại thêm gần.
Sáng Chủ nhật ngày 4/6/2017, lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, đoàn lên đường hành hương đến đức mẹ Măng Đen và tham dự thánh lễ do cha Anton Phan Tự Cường OP, làm chủ tế.
Trong bài giảng, cha nhắn nhủ với người trẻ Đa Minh “Chúa Thánh Thần hiện xuống để canh tân bộ mặt trái đất, mỗi người chúng ta cũng được mời gọi canh tân tâm hồn mình để sống yêu thương, liên đới, sống tình huynh đệ với nhau, biết ra đi đến với những nơi thiếu thốn cả về tinh thần lẫn vật chất, tập cúi xuống để cảm thông và chia sẻ với anh chị em…”
Bữa cơm trưa hôm đó kết thúc cũng là lúc chúng tôi chuẩn bị hành trang quay trở về địa phương để tiếp tục công việc hằng ngày. Qua chuyến đi này mỗi người tự rút ra một bài học cho mình: “Bác ái không chỉ dừng lại ở khái niệm vật chất mà còn ở thái độ, cách cư xử khi tiếp xúc với người nghèo, chỉ cần một câu nói thiếu tế nhị cũng làm tổn thương người khác một cách sâu sắc”. Vì đây là chuyến đi từ thiện dài nhất từ trước đến nay nên nhiều bạn vẫn còn chưa ý thức được vấn đề chia sẻ trách nhiệm trong công việc, tôn trọng của chung và giữ gìn vệ sinh…
Sau mỗi chuyến đi tôi đều viết bài để tường thuật lại những điều mắt thấy tai nghe. Tôi có thể viết, nhưng làm sao có thể diễn tả hết được những nỗi nhọc nhằn, vất vả của những người nghèo trên khắp đất nước này. Qua bài viết này chỉ xin sự chung tay góp sức của anh chị em, góp gió thành bão,mỗi người biết cho đi một chút thôi dù là vật chất hay tinh thần thì xã hội sẽ bớt đi một phần khổ đau.
Lạy Chúa Thánh Thần, giữa đêm đen của sự ích kỷ, chia rẽ, hận thù. Xin hãy thắp lên trong mỗi người chúng con ngọn lửa quảng đại, yêu thương và trao ban, để chúng con biết đem ngọn lửa ấy sưởi ấm những người mà chúng con gặp gỡ, có như vậy ánh sáng Tin Mừng mới thực sự tỏa lan giữa thế giới hôm nay.
Một thành viên gt/hđ Gx Kẻ Sặt.