Giữa trưa, nắng như đổ lửa, bầu trời trong xanh, cao thăm thẳm. Mãi phía xa chân trời, mới thấy rớt lại mấy gợn mây trắng mỏng tang, cũng đang hối hả tìm nơi nương náu, tránh cái nắng như thiêu đốt.
Khoa ung bướu của bệnh viện phổi trung ương không khí càng ngột ngạt, oi ả hơn, bởi những cơn ho kéo dài tưởng chừng như xé toang lồng ngực của những bệnh nhân ung thư phổi. Trong phòng cấp cứu, tôi đang lúi húi sửa lại dây thở oxy cho bố, thì nghe tiếng của chị nằm giường bên cạnh vọng sang: “Chị M ơi! Đỡ em đi vệ sinh với, chồng em đi ra phố mua đồ chưa về”. Chị và bố tôi đều ung thư phổi, chị bị tràn dịch, bố tôi thì tràn khí màng phổi, chị cứ vài ba ngày lại chọc hút dịch một lần, bố tôi thì phổi đã…“xơ mướp”, khí cứ tràn ra không sao…“vá” được, nên phải mở màng phổi, đưa dây vào dẫn khí ra.
Cả chị và bố tôi mọi sinh hoạt đều tất tần tật ở trên giường, nên thỉnh thoảng chồng chị bận việc, tôi vẫn giúp chị, khi ly nước, lúc chải đầu tết tóc… Nghe chị gọi, tôi đến bên giường, chị ái ngại bảo: “Em làm phiền chị quá”, tôi động viên chị: “Có sao đâu, mình đều là nữ, chị lại đang mang trọng bệnh, giúp chị một vài việc nhỏ có là gì, chị đừng để tâm. Bố em cũng vậy, không tránh khỏi có lúc phải nhờ đến ai đó, chỉ mong chị và bố em chóng qua cơn bạo bệnh”. Chị lặng đi một hồi, nắm chặt tay tôi rồi khẽ nói, nhẹ như một làn gió thoảng: “Muộn lắm rồi chị ơi!”. Đêm đó tôi thấy chị trằn trọc khó ngủ, hơi thở nặng nề nhưng vẫn rất tỉnh táo.
Sáng sớm hôm sau, khi bác sỹ trưởng khoa và bác sỹ điều trị chính của khoa mời chồng chị sang phòng hội chẩn để tư vấn, chị bảo tôi: “Chị tết tóc cho em đi, hôm nay tết thật đẹp chị nhé”. Lát sau chồng chị về, anh bảo tôi: “Nhà em có cần gì nhờ chị giúp, em sang phòng bên làm thủ tục để cho nhà em đi Citi lại”, anh vừa dứt lời, tôi nghe chị thều thào: “Chụp chiếu làm gì nữa, em muốn về nhà”. Anh vội vàng gọi bác sỹ cấp cứu, cả kíp trực thay nhau lấy ven, bắt mạch, nhưng tất cả đều lắc đầu. Anh nước mắt ngắn dài, vừa gọi Taxi vừa ghé vào tai chị: “Anh đưa em về nhà của chúng mình ”.
Tôi cầm tay chị nghẹn ngào: “Cố gắng lên chị nhé”, hai mắt nhắm nghiền, chị hỏi lại yếu ớt: “Ai đấy!”, anh ôm chị trong tay trả lời: “Chị M đấy, em không còn nhận ra chị ấy sao?”, chị im lặng. Tất cả y bác sỹ và mọi người trong phòng cấp cứu nín thở theo dõi màn hình, “con đường” chị đang cố vượt, những đồi núi mấp mô, những zích zắc lồi lõm, cao thấp, mỗi lúc lại được…“nắn” thẳng hơn, chỉ số cứ tụt dần. Khi vừa làm xong thủ tục giấy tờ để đưa chị về, cũng là lúc trên màn hình xuất hiện một…“xa lộ” thẳng băng như sợi chỉ, tiếng tút tút khô khốc rợn người.
Chỉ mấy tiếng sau, chiếc giường đó lại đón nhận một cháu gái mới 17 tuổi, cũng đang bị tràn khí màng phổi, phải nằm một chỗ trên giường để bác sỹ điều trị. Chẳng biết mẹ cháu đâu mà đi nuôi con là ông bố còn rất trẻ, nên mỗi lần cháu muốn giải quyết …“nỗi buồn” là cứ gọi: “cô ơi!” Thế là tôi lại có cơ hội…“dọn dẹp”. Tuổi trẻ có sức khỏe, cộng với bệnh được phát hiện sớm và điều trị đúng phác đồ, cháu hồi phục rất nhanh, chỉ sau hai tuần cháu đã được xuất viện. Có lẽ tôi mát tay, nên chỉ…“mất việc” có ba ngày, sang ngày thứ bốn, một chàng trai được đưa vào cấp cứu.
Tôi hỏi mấy người nhà thì được biết, họ đều là cô dì chú bác, còn bố mẹ cháu đã mất rồi. Cháu ở với ông bà ngoại, ông bà thì đã già, vợ cháu lại mới sinh con đầu lòng được một tháng, nên không đi chăm nuôi chồng được. Mấy ngày đầu còn thấy các chú các bác qua lại tận tình, sau này cứ thưa dần, rồi còn bẳn gắt, trách móc. Một buổi sáng, có cô gái đến ôm chầm lấy chàng trai rồi cả hai òa khóc, đến trưa, sau khi đã đút cháo cho chàng trai ăn xong, cô gái khoác túi lên vai rồi đến bên tôi ngập ngừng: “ Cháu là vợ anh ấy, cháu mới sinh nên không ở lại chăm chồng được, các chú, các bác thì bận nhiều công việc, thời gian tới chắc sẽ ít lui tới, chồng cháu lại nằm liệt trên giường, có gì cô giúp chồng cháu với, cháu về đây ạ”.
Nhìn đôi vợ chồng còn ít tuổi hơn con mình, lại đang lâm cảnh khó khăn, tôi chẳng nỡ chối từ, vì hoàn cảnh các cháu cũng neo đơn như gia đình tôi: Bố lâm trọng bệnh, nhà chỉ có hai anh em, anh trai tôi cũng lại đang ốm yếu. Bệnh viện cách nhà gần trăm cây số, từ ngày tôi khăn gói đi chăm nuôi bố ở viện, thì cũng là bấy nhiêu tháng ngày, đêm hôm, tôi vò võ một mình. Thiếu ngủ triền miên, vì bố đau nên lúc nào cũng phải xoa bóp, khi bố thiếp được một chút, thì tôi chui xuống dưới gầm giường, nằm chung với đủ thứ đồ đạc lỉnh kỉnh, bô, vịt vệ sinh.
Mấy tháng trời ròng rã, từ ngày đi cho đến lúc xuất viện, chẳng có ai thay phiên, đỡ đần, chẳng một lần về ghé qua nhà. Thế nhưng, mỗi lúc thu xếp được, tôi vẫn sang các phòng bên cạnh, hỏi thăm người này một chút, động viên người kia một câu, khi thấy họ đau đớn kêu rên. Chỉ những việc bình thường, giản dị như vậy, mà tôi đã nhận được phần thưởng thật lớn lao, khi nghe mọi người truyền tai nhau: “Chị ấy là người Công giáo đấy!”
Tạ ơn Chúa! Đã ban ơn thêm sức cho con, để con biết thực thi lời Chúa, yêu thương là phục vụ. Noi gương Thánh Đa Minh, Thánh phụ linh đạo huynh đoàn Đa minh chúng con. Dù những việc con làm thật đơn sơ, nhỏ bé, chẳng đáng kể gì. Nhưng đó là tất cả những cố gắng của con, vì một điều đơn giản, họ cũng như gia đình con, cùng: “chung một nỗi đau”.
Mờ inh