Đích đến của đường về không còn là một nơi chốn thỏa mãn cảm giác tìm kiếm cái thân thuộc, mà là một chỗ an trú sau cùng.
Tôi lang thang giữa Sài Gòn kể ra cũng đã hai mươi năm. Hai mươi năm nổi trôi trong chớp mắt. Với tôi, cái chớp mắt ấy nhẹ nhàng, chóng vánh vì tâm trí bận rộn với mấy cuộc trong chơi, mấy phen lao xao bận rộn.
Nhưng ngó đi ngó lại trong lớp bạn bè đồng hương, mới thấy, chuyện đi-ở giữa chốn Sài Gòn kể ra với người này nhẹ tênh, kẻ khác lại cứ sấp ngửa chòng chành. Đứa thì trôi nổi trong trò đỏ đen, dăm bữa trốn nợ lánh mặt về quê, chờ cho giang hồ quên vụ này lại mò ra phố làm lại từ đầu. Đứa về chăm lo phụng dưỡng cha mẹ bỏ ngang xương công việc. Đứa thì lý tưởng dựng mái nhà tranh treo quả tim vàng với em thôn nữ nên dăm bữa nửa tháng lại quảy ba lô nhảy xe mang kẹo về cho con, mang lương về cho vợ… Nội chuyện đang mần ăn phải thu xếp nhảy xe đêm về quê lo cái đám hỏi đứa cháu, cái đám giỗ ông bác hay giải quyết cái đám em út cãi lộn ở nhà thì đôi khi đã tốn bộn công sức thời gian, bào mòn năng lượng của đám dân tứ xứ.
Sài Gòn của bọn người xuất thân thôn quê như tôi là vậy, bao giờ cũng có cái phấp phỏng đủ thứ việc không tên. Lúc nào tâm trí cũng buộc cái dây neo rất nặng nề ở chốn quê nhà. Không ít lần đám bạn quê mùa lưu lãng ngồi tàn cuộc rượu, thở than về cái gánh nặng vô hình ấy như trách móc cho cái xuất phát điểm chẳng thể công bằng mà số phận giao phó.
Ấy vậy mà trong mắt đám bạn bè công tử tiểu thơ thành phố, thì đó lại là một may mắn, một phúc phần. May mắn và phúc phần vì… còn có chuyện để lo, có sự việc để gắn bó, có trách nhiệm để đảm đương, nghĩa là có chút cảm giác sống trong một đời sống đang phẳng lì, lạnh tanh, vô phương gắn kết.
Cứ nhìn vẻ thèm thuồng một chốn quay về khi những đại lộ sang trọng từ Quận Một đến Phú Mỹ Hưng bỏ thật nhiều tiền để biến mình thành đầm lầy, sông rạch, vườn tược, ngõ hoa… trong mấy ngày Tết nhất, thì biết dân thành thị đã da diết với dấu phèn đồng đất đến thế nào. Những tour du lịch chóng vánh ngày Tết của dân thành thị Sài Gòn không trả lời hết câu hỏi chẳng biết nơi đâu là chốn quê nhà của mình trong khi đám dân quê lục tục khăn gói, quà cáp xếp hàng dài ở các sân bay, ga tàu, bến xe ngóng một tối Giao Thừa sum vầy ở miền quê xa.
Có quê để mà về là một phúc phần.
Nghĩ cũng lạ, không lẽ người ta phải bất ổn, quay cuồng quanh năm, người ta phải đổi cái chộn rộn không yên cả năm trời chỉ để nhận cái phúc phần có chốn về trong mấy ngày Tết?
Sài Gòn của dân nhập cư là bạc mặt kiếm sống, bạc mặt khẳng định tồn tại, bạc mặt xây dựng vị thế cá nhân trong một cộng đồng hỗn độn. Cuộc cạnh tranh tìm cho mình một thế đứng, một thế sống của dân giữa một đại đô thị vô cùng khốc liệt, lắm khi đầy nghiệt ngã.
Ấy vậy mà, với nhiều người, tất cả rồi chỉ để chuẩn bị cho một nẻo về thênh thang. Làm sao cho vang danh dòng họ, cho nhiều người biết tới mình, là biết tới quê nhà mình, dòng họ mình, gia đình mình. Người ta có mục tiêu cố gắng, nhưng là cố gắng trong một sự hướng về. Quê nhà tiếp sức sau những cuộc vấp ngã. Rồi quê nhà ngặt nghèo cũng thúc đẩy, nâng dậy bước chân cho những cuộc ra đi. Giữ trong lòng hình bóng quê nhà, câu hát ấy còn đau đáu những tâm hồn tha hương đến bao giờ?
Đó là với người trẻ. Còn có nhiều người đã đi qua một đời nổi trôi trong thành phố, dù đã “thị dân hóa” vẫn loay hoay nghĩ tới một chốn về khác. Một chỗ nằm yên nghỉ giữa nghĩa trang quê, bên ông bà cha mẹ, một nắm tro được rắc xuống đất đai quê hương, nơi từng chôn rau cắt rốn. Có những cuộc trở về được chuẩn bị năm năm, mười năm, nhưng cũng có những cuộc trở về được lo lắng thu xếp đến nửa đời con người ta, khi nhận ra phố phường không có chốn yên nghỉ cho mình.
Tâm thức quy cố hương khi người ta trẻ và khi tuổi già xế bóng có biểu hiện khác nhau, nhưng lại là cuộc gặp gỡ sâu xa. Rồi cho cùng, cuộc sống của đám người tha hương chúng tôi, là một sự chuẩn bị bất tận, một sự nuôi dưỡng và ngưỡng vọng một chốn đi về, một cõi đi về phủ màn sương khói thiêng liêng.
Nhìn rộng ra, đó còn là một tâm thế của người Việt tha hương trên khắp địa cầu. Tôi đã ngậm ngùi khi nghe anh bạn vong niên, là kỹ sư về hưu ở Frankfurt, Đức, bảo rằng anh nhớ Sài Gòn day dứt. Anh chỉ trông đến mùa băng tuyết để có cớ về Sài Gòn tránh rét.
Một chốn về cho người ly hương, đến đây, không còn mang hàm nghĩa giản đơn, là một nơi nương náu tạm thời lấy lại nguồn năng lượng sau những cuộc ruổi rong đã mỏi, một sự nỗ lực cá nhân làm hiển danh gốc gác, mà còn là một sự quy hồi của tâm thức, một chỗ an trú sau cùng.
Sức hấp dẫn từ đất mẹ không phải là tiếng kêu gọi ồn ào, mà là những rung động thẳm sâu, tự nhiên và mãnh liệt. Để về, không chỉ là cuộc trao gửi lại những gì đã trót vay từ xứ sở, những gì đền đáp ân tình, mà về là niềm tín thác và hóa giải cách hài hòa. Là sự xao xuyến của bụi đất tìm về bụi đất.
Lối về từ gắn kết cộng đồng, tìm lại ngọn nguồn bản sắc, hình như ta gặp trong sách vở từ kinh điển đến hiện đại. Trong những huyền thoại lớn của nhân loại cho đến những tiểu thuyết lưu vong thời hiện đại của Cao Hành Kiện, của Isaac Bashevis Singer hay trước đó, là Heinrich Böll hay André Gide…
“Tết về Tết ở Tết đi
Tết từ ba bận Tết đề huề đi
Đi về đi ở đi đi
Đi là đi biệt từ khi chưa về.”
(Bùi Giáng)
Lối về ấy mở rộng trong thẳm sâu tâm hồn ta một cách tự nhiên như bản năng. Rằng ngay từ khi ta buộc phải quay lưng với một thực thể ký ức, vùng trời ân tình để chọn lấy một cuộc lữ hành thời gian.
Nguyễn Vĩnh Nguyên